Monday, April 24, 2017

BIỂN ĐÔNG: DẦU MỎ, NHỮNG YÊU SÁCH TRÊN BIỂN VÀ CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC MỸ - TRUNG

Nguồn: Leszek Buszynski (2012). “The South China Sea: Oil, Maritime Claims, and U.S.–China Strategic Rivalry”, The Washington Quarterly, 35:2, 139-156. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2013/06/27/bien-dong-buszynski/#sthash.x6GhijGk.dpuf

Nguy cơ xung đột leo thang từ những sự kiện tương đối nhỏ đã tăng lên tại Biển Đông trong hơn hai năm qua với những cuộc tranh chấp bây giờ ít có cơ hội hơn để đàm phán hoặc giải quyết. Về nguồn gốc, những tranh chấp này nảy sinh từ sau Thế chiến thứ hai khi những quốc gia ven biển – Trung Quốc và 3 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Indonesia, Malaysia và Philipines, cũng như Việt Nam sau này – tranh giành để chiếm giữ những hòn đảo ở đó [Chi tiết này không chính xác – NHĐ]. Nếu vấn đề này chỉ đơn thuần là về tranh chấp lãnh thổ, thì nó có thể đã được giải quyết thông qua những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xích lại gần ASEAN và thắt chặt quan hệ với khu vực này.


Khoảng những năm 1990, việc tiếp cận các mỏ dầu và khí cũng như nguồn cá và tài nguyên biển đã bắt đầu làm phức tạp hóa các yêu sách. Vì nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên, các bên yêu sách đề ra những kế hoạch khai thác các mỏ hydrocarbon của Biển Đông, khiến cho tranh chấp tiếp bước một cách không có gì bất ngờ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những tranh chấp năng lượng này không nhất thiết phải dẫn đến xung đột, vì chúng đã và có thể tiếp tục sẽ được quản lý thông qua cơ chế phát triển chung hoặc đa phương, điều đã có nhiều tiền lệ khác nhau mặc dù không trường hợp nào phức tạp như Biển Đông.

Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề đã không còn chỉ là những yêu sách chủ quyền và việc tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng, vì Biển Đông đã trở thành trọng tâm của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung tại Tây Thái Bình Dương. Kể từ năm 2010, Biển Đông đã bắt đầu trở nên liên quan tới những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn liên quan đến chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực. Điều này làm cho cuộc tranh chấp trở nên nguy hiểm và là lý do gây quan ngại, đặc biệt khi Hoa Kỳ đã tái khẳng định lợi ích của mình tại Châu Á Thái Bình Dương và củng cố quan hệ an ninh với các bên yêu sách thuộc ASEAN trong cuộc tranh chấp.

Nguồn gốc tranh chấp về lãnh thổ

Trung Quốc và Việt Nam đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông và các đảo ở đó trong khi Malaysia, Philipines, Indonesia và Brunei tuyên bố yêu sách đối với các khu vực tiếp giáp. Có hai nguyên tắc chi phối các yêu sách, mà cả hai đều chống lại yêu sách đòi chủ quyền toàn bộ vùng biển của Trung Quốc. Nguyên tắc thứ nhất là “chiếm hữu thực sự”, một tiền lệ đã được thiết lập bởi Tòa Trọng tài Vĩnh viễn trong vụ đảo Palmas tháng 4 năm 1928.1 “Chiếm hữu thực sự” bao gồm khả năng và ý định sử dụng quyền tài phán liên tục và không bị gián đoạn, điều khác với xâm lược. Mặc dù Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo bao gồm khoảng 30 đảo/ đá cách đều bờ biển Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” đã chống lại Trung Quốc trong trường hợp quần đảo Trường Sa, một quần đảo nằm ngoài khơi Philipines và Malaysia, nơi mà ngoại trừ 9 bãi đá đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 đến năm 1992, những đảo/đá còn lại đều do các nước ASEAN có yêu sách chiếm giữ.

Nguyên tắc thứ hai là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặt ra những quy tắc xác định rằng các yêu sách đối với nguồn tài nguyên phải dựa trên cơ sở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (EEZ là một vùng biển trải dài tới 320 km tính từ đường bờ biển, là cơ sở cho những đòi hỏi của các quốc gia ven biển với nguồn tài nguyên ở đó). UNCLOS không ủng hộ những yêu sách vượt ra ngoài phạm vi EEZ hoặc các thềm lục địa đã được công bố. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc vượt ra xa khỏi phạm vi EEZ của họ và chồng lấn với những yêu sách hợp pháp của các nước ASEAN.

Những yêu sách của Trung Quốc dựa trên lịch sử, nhưng những yêu sách như vậy không có nhiều giá trị trong luật quốc tế, cái mà theo quan điểm của Trung Quốc đã hạ thấp (lý do) di sản tổ tiên để lại của họ và là nguồn gốc cho sự bất mãn của nước này. Quan điểm của Trung Quốc là yêu sách của nước này có trước UNCLOS (được thông qua vào năm 1982 và có hiệu lực vào năm 1994 sau khi quốc gia thứ 60 phê chuẩn), và rằng Công ước này cần được điều chỉnh để phù hợp với các quyền lịch sử. Để khẳng định những yêu sách mà trong tình huống này sự phức tạp của luật quốc tế có thể không ủng hộ họ, người Trung Quốc đã dùng đến áp lực ngoại giao thường trực để luật quốc tế phải được thay đổi hoặc để đạt được một ngoại lệ đặc biệt, theo đó những yêu sách từ các thế hệ trước của họ sẽ được tất cả các bên công nhận.

Dầu mỏ, năng lượng, và nghề cá

Nếu chỉ là một tranh chấp chủ quyền đơn thuần, Biển Đông có thể sẽ đã tiếp tục bế tắc như vậy mà không nhiết thiết phải giải quyết ngay. Tuy nhiên, sự tồn tại của nguồn dự trữ năng lượng trong khu vực đã ngăn chặn giải pháp này. Với nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng lên, những nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới để thỏa mãn nền kinh tế đang mở rộng của họ. Năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, và sức tiêu thụ của họ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, biến nước này thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 52% lượng dầu tiêu thụ của mình từ Trung Đông, và Saudi Arabia cùng Angola cộng lại chiến đến 66% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình để giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và đã tìm cách gia tăng sản lượng ngoài khơi xung quanh lưu vực sông Châu Giang và Biển Đông.2

Các yêu sách năng lượng đối kháng

Việt Nam là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trong khu vực, với công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam năm 2010 sản xuất được 24,4 triệu tấn dầu từ ba mỏ ở Biển Đông, tương đương với 26% tổng GDP của Việt Nam.3 Với việc sản lượng ở các mỏ đã xây dựng đang suy giảm, PetroVietnam đã ký 60 hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty nước ngoài khác nhau nhằm khai thác các mỏ mới. Tuy nhiên, các mỏ mới được cho là sẽ không đủ bù đắp cho số sản lượng sụt giảm của các mỏ cũ.4 Khi Việt Nam cố gắng khai thác các mỏ mới, có khả năng sẽ xảy ra xung đột mới với Trung Quốc, nước đã kiên quyết phản đối nỗ lực của Việt Nam nhằm ký hợp đồng khai thác với các công ty dầu quốc tế trên Biển Đông.

Trung Quốc cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố những đoạn video cho thấy một con tàu Trung Quốc quả thật đã cắt đứt cáp nối với tàu Việt Nam mang tên Bình Minh.5 Jiang Yu, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đang tham gia “các hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển hoàn toàn bình thường trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.6 Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam.

Philipines cũng đã có nhiều vấn đề với Trung Quốc. Manila đã nổ lực để nâng cao khả năng tự cung tự cấp dầu của mình, và đặt mục tiêu (tự cung) 60% vào cuối năm 2011, điều mà họ có khả năng không đạt được. Nước này dự tính chào thầu 15 hợp đồng trong những năm tới cho việc thăm dò vùng biển ngoài khơi đảo Palawan, trong một khu vực bị yêu sách bởi Trung Quốc.7  Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía tây. Hai con tàu này chỉ rời khỏi khu vực sau khi lực lượng không quân Philipines được điều động. Ngày 5 tháng 4, Manila đã phản đối chính thức lên Liên Hợp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN nhằm đạt được lập trường chung về vấn đề này.8 Người Trung Quốc đã phản ứng lại vài ngày sau đó, chính thức tố cáo Philipines “xâm lược” vùng biển của họ.9 Sau khi Trung Quốc triển khai tàu tuần tra 3000 tấn Haixun-31 được trang bị một trực thăng đến khu vực này, thì vào tháng 6, Philipines đã phải một tàu hải quân loại cũ từ thời Thế chiến thứ hai, tàu Rajah Humabon, đến vùng biển yêu sách của họ.10 Chiếc tàu này đã di dời hết các cột mốc được người Trung Quốc dựng lên trên các bãi đá khác nhau thuộc vùng biển yêu sách bởi Philipines.11 Cũng trong tháng 6, văn phòng tổng thống Philipines cũng tuyên bố đổi tên “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) thành “Biển Tây Philipines”, và công bố một chương trình nâng cấp hải quân, điều sẽ giúp nâng cao sự hiện diện hải quân đang hạn chế của họ tại khu vực. 12

Bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipines đều có kế hoạch xúc tiến các dự án thăm dò khí đốt hợp tác với các công ty nước ngoài. PetroVietnam sẽ hợp tác cùng Talisman Energy và sẽ bắt đầu khoan tại một khu vực mà Trung Quốc năm 1992 đã giao cho công ty Crestone, một công ty hiện được điều hành bởi Harvest Natural Resources. ExxonMobil cũng lên kế hoạch khoan thăm dò ngoài khơi Việt Nam, trong khi Philipines dự định khoan tại khu vực nơi mà các tàu Trung Quốc đã quấy rối tàu khảo sát của họ hồi tháng 3 năm 2011.13 

Trong lúc đó, Ấn Độ cũng đã trở nên liên quan với tư cách một tác nhân bên ngoài, càng làm tình hình phức tạp hơn. Trung Quốc có thể có ảnh hưởng với các bên yêu sách ASEAN nhờ quy mô và sự gần gũi về vị trí địa lý của họ với các nước ASEAN, nhưng Ấn Độ lại có một vị thế và sức mạnh đủ để đối kháng với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ vẫn đang chất chứa sự khó chịu riêng với Trung Quốc vì sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan và các yêu sách của Trung Quốc đối với biên giới chung của hai nước. Những điều này khiến Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó với Ấn Độ. Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam bắt đầu từ thời của Indira Gandhi, khi chính phủ Gandhi đã công nhận chính phủ do Việt Nam hậu thuẫn tại Campuchia vào năm 1984. Nhiều người Ấn Độ coi Việt Nam như một đồng minh chống lại Trung Quốc.

Tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat khi đang di chuyển đến Nha Trang thuộc miền Nam Việt Nam vào tháng 7 năm 2011 thì đã bị Trung Quốc cảnh báo bằng tín hiệu radio là hãy tránh xa “vùng biển Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản ứng lại rằng “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông, và quyền qua lại phù hợp với những nguyên tắc đã được công nhận trong luật quốc tế”.14 Trong khi đó, Trung Quốc đã phản đối những hoạt động thăm dò của Công ty Dầu và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà người Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm. Quan điểm của ONGC là các yêu sách của Việt Nam phù hợp với luật quốc tế, và họ sẽ tiếp tục các dự án thăm dò tại hai lô gần quần đảo Hoàng Sa.15

Sau đó, khi Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm New Delhi, ONGC và PetroVietnam đã ký một hợp đồng ba năm về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí vào ngày 12 tháng 10 năm 2011, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.16 Đáng chú ý hơn, hợp đồng này được ký trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Bắc Kinh và bày tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc.17 Việt Nam lại dùng đến phương sách truyền thống trong ứng xử với Trung Quốc – tức là nhấn mạnh những điểm chung và tình hữu nghị, vốn là công việc của tổng bí thư Đảng, trong khi vẫn tìm kiếm ở Ấn Độ một đối trọng hiệu quả [để cân bằng với Trung Quốc]. Quả thực, sự can dự của Ấn Độ đến khu vực và mối quan hệ ngày càng thân thiết của họ với Việt Nam sẽ làm cho tình hình Biển Đông thêm khó khăn. Có thể dự đoán là sẽ xảy ra nhiều sự cố hơn nữa, khi mà Trung Quốc vạch ra giới hạn cho cường quốc đối thủ cạnh tranh ở châu Á này.

Cuộc chiến giành cá

Như thể tranh chấp về năng lượng vẫn chưa đủ, sự cạnh tranh về cả nguồn cá và các tài nguyên biển từ Biển Đông cũng góp phần gia tăng căng thẳng. Trong quá khứ, các tàu cá thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy đã gây ra những quan ngại. Việt Nam tuyên bố rằng 63 tàu cá cùng 725 ngư dân đã bị phía Trung Quốc bắt giữ trên Biển Đông kể từ năm 2005.18 Sau đó tất cả họ đều bị yêu cầu nộp tiền phạt rất cao thì mới được phóng thích. Trong một vụ việc gây sự chú ý lớn của dư luận Việt Nam, một tàu tuần tra Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá Việt Nam cùng 12 thủy thủ khi họ đang hoạt động quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 3 năm 2010. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc làm điều này và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối dữ dội, và đây là một trường hợp cho thấy sự bất mãn của Việt Nam với hành xử của Trung Quốc.

Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm, và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa.20 Việt Nam phản đối kịch liệt, vì lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của các ngư dân Việt. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc phái đến khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển. Trung Quốc cũng đã tuyên bố kế hoạch tăng cường sức mạnh của lực lượng hải giám, lên đến 16 máy bay và 350 tàu biển vào năm 2015, số máy bay và tàu này sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động tàu bè trên biển, thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, “bảo vệ an ninh hành hải” và kiểm tra các tàu nước ngoài hoạt động “trên vùng biển của Trung Quốc”.21

Một vấn đề khác là tàu Việt Nam cũng đi vào vùng biển mà các nước ASEAN khác yêu sách. Hai tàu Việt Nam mang tên Indonesia đã bị tàu tuần tra Indonesia bắt hồi tháng 2 năm 2011 gần quần đảo Natuna.22 Phía Indonesia nói rằng trong năm 2009, khoảng 180 tàu (không phải tất cả đều là của Việt Nam, ví dụ như có một số là của Malaysia) đã bị bắt giữ vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của họ.23 Khi nhu cầu tăng lên mà nguồn cá bị cạn kiệt, việc tranh chấp đánh bắt cá chắc chắn sẽ gia tăng trên Biển Đông, đặc biệt là khi các bên có yêu sách đều nâng cấp hải quân và lực lượng tuần tra bờ biển.

Cạnh tranh giữa các cường quốc

Năng lượng và nguồn cá không là những yếu tố duy nhất trong cuộc tranh chấp này. Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới. ASEAN cho rằng những yêu sách bành trướng của Trung Quốc đến toàn bộ khu vực là có thể đàm phán được, rằng Trung Quốc sẽ chịu dàn xếp cho một hiệp định khu vực có các điều khoản thuận lợi, trong đó những tuyên bố chủ quyền sẽ được điều chỉnh, và nguồn lợi dầu khí cũng như ngư trường sẽ được chia sẻ. Dựa vào cơ sở này, ASEAN đã kéo Trung Quốc vào tham gia đối thoại thường xuyên với hy vọng thuyết phục các nhà cầm quyền Trung Quốc về giá trị của một cơ chế chuẩn tắc giúp điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. ASEAN thường xuyên cẩn trọng trong việc tránh khiêu khích Trung Quốc và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại kịp thời, và rằng phương cách ASEAN trong việc khuyến khích đồng thuận sẽ được Bắc Kinh chấp nhận một cách đúng lúc.

Nếu vấn đề chỉ liên quan đến những yêu sách cạnh tranh về năng lượng và ngư trường, thì một hiệp định chỉ rõ quy tắc tương tác và quản lý tranh chấp (gọi cách khác là một cơ chế hàng hải) rất có thể có khả năng trở thành hiện thực như các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã lập luận. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ đã định hình lại tranh chấp theo cách làm giảm vai trò của ASEAN và khả năng của họ trong việc đàm phán một giải pháp cho vấn đề với Trung Quốc. Điều đó làm Trung Quốc lãnh đạm với các ý tưởng của  ASEAN và trở nên quan ngại hơn về các động thái bên ngoài khu vực của Hoa Kỳ  cũng như các hoạt động hải quân của nước này. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc cư xử đặc biệt quyết liệt hơn bởi khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát Biển Đông là một phần cần thiết cho sự triển khai và chiến lược tăng cường hải quân của nước này.

Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Hoa Kỳ – cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.

Sự bành trướng của hải quân Trung Quốc

Chiến lược hải quân Trung Quốc đề ra ba nhiệm vụ nhằm định hướng cho sự phát triển năng lực hải quân của họ. Thứ nhất là ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời cản trở Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan bằng việc triển khai hải quân khi có các sự kiện xung đột. Nhiệm vụ này đã trở thành một điểm nổi bật của chiến lược hải quân Trung Quốc sau khi Hoa Kỳ điều động hai tàu sân bay trong suốt giai đoạn khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995 và 1996, đó là chiếc Nimitz vào tháng 12 năm 1995 và chiếc Independence vào tháng 3 năm 1996, như một cách phô diễn sức mạnh hải quân mà người Trung Quốc chưa thể nào quên. Nhiệm vụ thứ hai là bảo vệ các tuyến giao thương mở rộng của Trung Quốc và các nguồn cung cấp năng lượng đang vận hành xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi ước tính chừng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở.24 Nhiệm vụ này đã trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ vào năm 1993 và khi Bắc Kinh nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đến thế nào vào cuối thập niên 1990. Nhiệm vụ thứ ba là triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995 -1996. Bắc Kinh hiểu rằng năng lực này sẽ là một sự răn đe tối hậu chống lại Hoa Kỳ trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan cũng như các cuộc khủng hoảng khác.

Để thực hiện các sứ mệnh này, Trung Quốc đã phát triển hoặc triển khai bốn lớp tàu ngầm và sáu lớp tàu khu trục mới trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển lực lượng hải quân viễn dương, và như Đô đốc tư lệnh Hải quân Wu Shengli đã tuyên bố vào tháng 5 năm 2009, Trung Quốc sẽ thiết lập một “hệ thống phòng thủ trên biển” để “bảo vệ an ninh hàng hải và sự phát triển kinh tế”.25 Hải quân viễn dương cần có những tàu sân bay, và tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Shi Lang, được xây dựng lại từ chiếc tàu sân bay thời Xô Viết trọng tải 32.000 tấn Varyag, đã được thử nghiệm trên biển từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 8 năm 2011. Họ hy vọng nó sẽ đi vào hoạt động trong năm 2012 và sẽ mang theo 48 chiếc máy bay chiến đấu trên biển Su-33 và máy bay chiến đấu Trung Quốc Jian- 10 được điều chỉnh để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay. Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng một chiếc tàu sân bay khác trọng tải 50.000 đến 60.000 tấn trước năm 2015 và một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trước năm 2020.26 Các tàu sân bay đều đòi hỏi đội tàu hộ tống để cung cấp năng lực phòng không và ngăn chặn các cuộc tấn công từ tàu ngầm. Điều này chỉ ra rằng họ đã có kế hoạch mở rộng năng lực hải quân quy mô lớn.

Xét về lực lượng hạt nhân trên biển, Trung Quốc có bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, hay gọi là SSBN. Chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc là tàu lớp Hạ (Xia) bây giờ đã lỗi thời, được hoàn thành vào năm 1981 và mang theo được 12 tên lửa đạn đạo JL – 1 (SLBM) có tầm bắn lên đến 2.700 km, không đủ để tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ. Hai trong số những chiếc SSBN hiện đại và đáng tin cậy hơn thuộc lớp Tấn (Jin) đã được triển khai từ năm 2004, mỗi cái mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL- 2 với tầm bắn lên đến 8.400 km, tạo cho chúng khả năng tấn công liên lục địa. Trung Quốc được cho là sẽ triển khai ít nhất 5 chiếc thuộc lớp Tấn trong những năm tới.27

Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho các nền tảng hải quân của họ để chống lại những cuộc tấn công từ trên không và trên biển.28 Những chiếc tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng đòi hỏi tiếp cận những vùng biển mở để hoàn thành sứ mệnh của mình; nếu không chúng có thể bị giam hãm vào một khu vực giới hạn và trở thành gần như là vô ích. Chỉ một vài nơi dọc theo bờ biển của Trung Quốc là có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho hải quân của họ, nơi có thể tổ chức phòng ngự, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận vùng biển mở. Một là ở Hoàng Hải, nơi có căn cứ tàu ngầm đặt tại Xiaopingdao gần Đại Liên. Một nơi hợp lý khác là khu vực Hải Nam và khu vực nửa đóng của phía bắc Biển Đông, nơi có lợi thế gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối sang Ấn Độ Dương. Bất cứ vị trí nào khác xa hơn về phía Bắc sẽ có thể dễ bị tấn công ngăn chặn từ phía biển vào bởi Hoa Kỳ.

Vì lý do này, Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa không chỉ các tàu SSBN mà cả tàu sân bay cũng như đội tàu hộ tống khi chúng được triển khai.29 Năm 2008, một chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn đã được triển khai ở đó, và tới tháng 10 năm 2010, hai tàu ngầm hạt nhân lớp Thương (Shang) đã vào bến ở Tam Á.30  Tàu sân bay Shi Lang cũng có thể sẽ được đóng ở đó. Khi Hải Nam phát triển trở thành căn cứ hải quân thì quần đảo Hoàng Sa ở phía nam đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lá chắn bảo vệ đường không và đường biển cho Hải Nam. Điều đó giải thích vì sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với các tàu khảo sát của Hoa Kỳ và tại sao 5 tàu hải quân Trung Quốc đã đụng độ với chiếc USNS Impeccable của Hoa Kỳ khi nó đi vào trong vùng biển cách đảo Hải Nam 121 km vào ngày 9 tháng 3 năm 2009.31

Bảo vệ Hải Nam là một chuyện, nhưng đảm bảo cho tàu sân bay và SSBN tiếp cận được vùng biển mở là một chuyện khác. Để làm được việc này, Trung Quốc cần phải kiểm soát được quần đảo Trường Sa, hoặc ít nhất họ cần có khả năng ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp vào các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong một khu vực mở rộng đến tận eo biển Malacca. Năm 2009, tướng Zhang Li, nguyên Phó tổng Tư lệnh Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã kêu gọi xây một sân bay và một cảng biển tại bãi đá Vành Khăn trong khu vực Philipines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa mà hiện giờ đang do Trung Quốc chiếm. Ý định của họ là nhằm tiến hành các cuộc tuần tra trên không tại khu vực, để yểm trợ các tàu cá Trung Quốc, và để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.32 

Chính Liu Huaqing là người đưa ra các khái niệm phòng thủ khu vực cho Trung Quốc, tạo ra không gian hàng hải phòng vệ cho việc phát triển hải quân. Liu đã học được khái niệm phòng thủ khu vực từ Sergei Gorshkov, chỉ huy hải quân Liên Xô, và là người hướng dẫn của ông tại Học viện Hải quân Liên Xô khi ông du học ở đó những năm 1950. Dưới trướng Liu, chiến lược hải quân của Trung Quốc chuyển từ phòng thủ ngoài khơi hay phòng thủ bờ biển sang “phòng thủ biển gần”, bao trùm một khu vực rộng kéo dài tới “chuỗi đảo đầu tiên”. Vùng biển này trải dài suốt từ Nhật Bản đến quần đảo Ryukyu, đến Philipines rồi đến Biển Đông; chuỗi đảo thứ hai nằm xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản và bao gồm cả đảo Guam.33 Kể từ khi hình thành cách đây hai thập niên, khái niệm chuỗi đảo tiếp tục định hình tư duy hải quân Trung Quốc, đóng vai trò là một cách để xác định và phân ranh giới các khu vực lợi ích.34 Khái niệm chuỗi đảo đầu tiên bao gồm Đài Loan như là điểm then chốt và cả không gian biển bao quanh nó, cho phép phong tỏa bằng tàu ngầm trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập khỏi đại lục. Nó cũng bao gồm những vùng biển đủ lớn cho các tàu ngầm SSBN thường xuyên tuần tra và triển khai các điểm phóng tên lửa ở giữa đại dương.35

Nếu là một khái niệm phòng thủ khu vực, nó bao gồm cả Hoàng Hải lẫn Biển Đông như là những vị trí trú ẩn an toàn để đặt các căn cứ hải quân cũng như đường ra biển khơi an toàn. Tuy nhiên, phòng thủ khu vực đòi hỏi phải giữ chân Hải quân Hoa Kỳ từ xa và ở một khoảng cách đủ lớn để nó không thể can thiệp vào việc triển khai của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai DF-21D, được mô tả là một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) có khả năng nhắm đến các tàu sân bay Hoa Kỳ và các tàu mặt nước lớn khác.36 Đô đốc Robert F. Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng khi kết hợp cùng tàu ngầm Trung Quốc, tên lửa này có thể gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hải quân Mỹ, và cuối cùng có thể sẽ “vô hiệu hóa” năng lực triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ.37 Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng với khả năng định vị và truy đuổi mục tiêu hiệu quả, loại tên lửa này có thể đe dọa các tàu hải quân Mỹ trong tầm bắn từ 1.500 đến 2.100km.38

Phù hợp với các khái niệm phòng thủ khu vực này, Trung Quốc cũng kỳ vọng Hoa Kỳ công nhận các vùng ảnh hưởng riêng của mình ở Tây Thái Bình Dương, trong đó Đài Loan và Biển Đông phải chắc chắn nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương ngăn chặn việc Đài Loan thống nhất với đại lục và khuyến khích các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Nếu có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo cách này với một nước Mỹ đang suy yếu về kinh tế thì Trung Quốc quả thật sẽ trở thành siêu cường thống trị tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Phản ứng của Hoa Kỳ

Sự trấn an từ phía Trung Quốc

Tương lai

Chú thích

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Bien Dong Buszynski.pdf - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2013/06/27/bien-dong-buszynski/#sthash.x6GhijGk.dpuf

No comments: