Wednesday, July 12, 2017

Điểm sách: Cuộc chiến Định mệnh: Liệu Mỹ & Trung Quốc có thể thoát được Bẫy Thucydide?

Trong cuốn sách, giáo sư Graham Allison đã phân tích quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay từ góc độ “bẫy Thucydides”. Từ góc độ phân tích này, Graham Allison khẳng định nếu không có gì thay đổi thì Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh; tương lai này chỉ có thể tránh được nếu Mỹ và Trung Quốc có những thay đổi chiến lược.
Cuộc chiến Định mệnh: Liệu Mỹ & Trung Quốc có thể thoát được Bẫy Thucydide?

[Destined for War: Can America & China escape Thucydide’s Trap?]

Tác giả: Graham Allison

Xuất bản: Tháng 5/2017

Nhà xuất bản: Houghton Mifflin Harcourt (New York)

Dịch:
Đỗ Mạnh Hoàng
Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao
Học viện Ngoại giao
Cuốn Cuộc chiến Định mệnh (gồm 384 trang, 10 chương) là nghiên cứu mới nhất của giáo sư Graham Allison, một trong những học giả chính trị quốc phòng hàng đầu của Mỹ. Ông đã giảng dạy 50 năm tại Đại học Harvard, từng là Hiệu trưởng trường Harvard Kennedy và hiện là Giám đốc Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer thuộc Đại học Harvard. Trong cuốn sách, giáo sư Graham Allison đã phân tích quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay từ góc độ “bẫy Thucydides”, một lý thuyết của tác giả cho rằng chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ (lấy gốc từ ghi chép của sử gia Thucydides thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên rằng sự nổi lên của thành bang Athen đe dọa địa vị thống trị của thành bang Sparta dẫn đến chiến tranh Peloponnesia khiến văn minh Hy Lạp sụp đổ). Từ góc độ phân tích này, Graham Allison khẳng định nếu không có gì thay đổi thì Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh; tương lai này chỉ có thể tránh được nếu Mỹ và Trung Quốc có những thay đổi chiến lược.

Bẫy Thucydides và các trường hợp trong lịch sử

Graham Allison tóm lược ghi chép của Thucydides về chiến tranh Peloponnesia để giải thích khái niệm “bẫy Thucydides”: Tại Hy Lạp cổ đại, thành bang Athen nhờ vào sự phát triểnthương mại và vai trò quan trọng trong việc chống quân xâm lược Ba Tư đã nổi lên thành trung tâm quyền lực mới, qua đó đe dọa địa vị thống trị của thành bang Sparta. Lãnh đạo Athen (chế độ quân chủ đại nghị, nghiêng về phát kiến, dân chủ, và thúc đẩy các thành bang khác học tập mô hình của mình) và Sparta (văn hóa quân sự bảo thủ, thiên về duy trì hiện trạng) đều nhận thấy các khác biệt văn hóa-kinh tế-chính trị khiến tương quan lực lượng giữa hai bên thay đổi. Lãnh đạo hai bên (từng là bạn) đều e ngại chiến tranh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai nên đã ký Hòa ước 30 năm. Nhưng các hành động thực tiễn của hai bên cứ dần đẩy Athen và Sparta đến một cuộc đại chiến kéo dài với kết quả Sparta thắng nhưng cả nền văn minh Hy Lạp sụp đổ.

Theo Allison, nguyên nhân cốt lõi của bẫy Thucydides là: “sự lớn mạnh của Athen và nỗi lo sợ nảy sinh trong nội bộ Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều không thể tránh khỏi.” Khi động lực của bẫy Thucydides đã có, một tia lửa nhỏ cũng có thể châm ngòi chiến tranh. Allison cho rằng bẫy Thucydides có thể tìm thấy trong mọi mối quan hệ (như xung đột giữa Apple với Microsoft hay Uber với taxi truyền thống), nhưng trong quan hệ quốc tế là nguy hiểm nhất. Allison phân tích 16 lần thay đổi quyền lực trong 500 năm qua và khẳng định chiến tranh là xu hướng tự nhiên giữa hai trung tâm quyền lực mới và cũ. Allison phân tích 12/16 trường hợp dẫn đến chiến tranh; chỉ có 4/16 không dẫn tới xung đột (xem phụ lục).

Bẫy Thucydides trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay

Tác giả cho rằng bẫy Thucydides đã hiện hữu rõ ràng trong quan hệ Mỹ-Trung vì một số nguyên nhân sau:  

- Trung Quốc, khác với nhiều nhận định, hiện đã là quốc gia SỐ 1 THẾ GIỚI. Về kinh tế, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong nhiều mặt như thu nhập bình quân ngang giá sức mua (PPP) (thước đo chính xác nhất về sức mạnh của một nền kinh tế), dự trữ ngoại hối, tỷ trọng xuất khẩu… Mặc dù giảm tốc, Trung Quốc vẫn đang là đầu tàu của kinh tế thế giới và phát triển với tốc độ 6-7%/năm, cao hơn tốc độ 4% khi Mỹ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất đầu thế kỷ 20. Về công nghệ, Trung Quốc đã đi đầu (chứ không chỉnhái) trong nhiều lĩnh vực như có máy chủ nhanh nhất thế giới, có nhiều máy chủ nhanh nhất thế giới, có số lượng các chuyên gia ngành khoa học-công nghệ-chế tạo-toán (STEM) (ngành hiện được cho là xương sống trong thời đại công nghệ) nhiều nhất thế giới. Về quân sự, Trung Quốc đã có các công nghệ mới, ít tốn kém có thể đối đầu với các lực lượng tàu chiến, máy bay, vệ tinh mà Mỹ mất nhiều năm xây dựng; sẽ có lợi thế nếu đụng độ với Mỹ tại Đài Loan hay Biển Đông. Về ngoại giao, Trung Quốc đang tìm kiếm cân bằng quyền lực mới, sử dụng quyền lực mềm và đòn bẩy kinh tế, khiến các nước không còn lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ luật chơi của Trung Quốc. So sánh với các trung tâm quyền lực khác trong lịch sử, Graham Allison cho rằng Trung Quốc là nước “lớn nhất trong lịch sử thế giới.”

- Trung Quốc đang đi đúng con đường mà Mỹ đã đi đầu thế kỷ 20 để trở thành siêu cường. Khi đó, Mỹ đã xung đột với các cường quốc Tây Ban Nha (ở Philippines), Đức (ở Venezuela), và Anh (ở Alaska) để giành quyền lực và sử dụng chính trị cường quyền áp đặt học thuyết Monroe (châu Mỹ của người Mỹ) ở Mỹ Latinh. Việc Trung Quốc cứng rắn với láng giềng cũng như ở Biển Đông và Hoa Đông tương tự như Mỹ đã làm ở Caribbean thời kỳ đó.

- Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có hướng đi rõ ràng để “Trung Quốc hùng mạnh trở lại”. Mặc dù Tập Cận Bình là con nguyên lão cách mạng, nhưng đã tự kiên cường vượt qua thách thức trong Cách mạng Văn hóa và sau này, tập trung quyền lực thành “lãnh đạo hạt nhân”. Tập Cận Bình công khai “Giấc mơ Trung Hoa” (rửa nỗi nhục trước Phương Tây, khôi phục lại ảnh hưởng lịch sử, sự thuần phục của các nước xung quanh) thông qua hướng đi rõ ràng trong kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường, và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt qua Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Ông cũng đã rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô để đảm bảo ổn định xã hội thông qua: (i) cải tổ Đảng từ bên trong, thẳng tay với tham nhũng để giành tính chính danh cho Đảng; (ii) kích thích chủ nghĩa dân tộc; (iii) tái cơ cấu quân đội (đảm bảo sự trung thành với Đảng và có năng lực chiến đấu mạnh). 

- Xung đột Mỹ-Trung còn là xung đột giữa các nền văn minh. Người Mỹ coi mình là số 1, đề cao tự do, chống can thiệp từ chính quyền (một thực thể xấu xa nhưng cần thiết), ủng hộ mô hình cộng hòa dân chủ, muốn truyền bá các giá trị của mình cho thế giới, mở cửa với người nhập cư, sống vội không cần tương lai. Còn Trung Quốc coi mình là “trung tâm vũ trụ”, coi trọng thứ bậc, ủng hộ “chuyên chế tích cực” (chính quyền mạnh nhưng quan tâm đến người dân), muốn các nước tự học theo mô hình Trung Quốc (ai không theo thì bị coi là mọi rợ), nặng tư tưởng dân tộc và bài ngoại, trầm tĩnh trong xử lý các thách thức. Khác biệt lớn nhất là người Mỹ coi trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng trật tự này thực ra là do Mỹ thiết lập luật chơi và buộc các nước tuân theo. Trung Quốc đề cao hòa hợp trong trật tự (các nước được Trung Quốc coi như con dân của chính quyền trung ương).

- Trung Quốc có tư duy sử dụng quân sự khác biệt. Trung Quốc có tư duy thực tế, không bị trói buộc theo luật pháp quốc tế hoặc tôn giáo; luôn nhìn đại cục và mối tương quan giữa các vấn đề; thiên về chiến tranh tâm lý và chính trị hơn là chiến dịch quân sự; không có ý định dành chiến thắng trong một trận đánh quyết định mà lấn dần từng bước theo kiểu cờ vây. Binh pháp Tôn Tử nêu rõ “chiến thắng vĩ đại nhất là đánh bại kẻ thù mà không cần dùng binh.”

Khả năng xung đột Mỹ-Trung

Graham Allison cho rằng, tương tự như một đám cháy rừng, xung đột giữa các trung tâm quyền lực bắt nguồn từ một tia lửa (ngòi nổ) sau đó nhờ tác động của môi trường và chất dẫn cháy mà lan rộng và leo thang thành chiến tranh thế giới. Hiện nay môi trường cho bẫy Thucydides đã rõ, các bậc thang đến chiến tranh hạt nhân đã được đưa ra từ những năm 1960. Tuy nhiên, các ngòi nổ và chất dẫn cháy có một số điểm đáng chú ý.

Graham Allison chỉ ra 5 ngòi nổ cho chiến tranh Mỹ-Trung: (i) va chạm không chủ ý giữa lực lượng Trung Quốc và một tàu chiến Mỹ đang thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông; (ii) Lãnh đạo Đài Loan muốn tuyên bố độc lập; (iii) xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ; (iv) chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ; (v) chiến tranh thương mại lan thành xung đột quân sự.

Tác giả cho rằng Biển Đông là ngòi nổ dễ bùng phát nhất. Trung Quốc luôn cho rằng Mỹ thực hiện chính sách ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc. Gần đây vòng kiềm chế này bị lơi lỏng ở Đông Nam Á nên Trung Quốc đang tìm cách lấn tới và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh lâu dài để ép Mỹ ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ phát động một cuộc xung đột quân sự hạn chế để “dạy cho một nước thù địch một bài học” nếu Trung Quốc thấy mất quyền kiểm soát và chiều hướng tương lai bất lợi. Điều này rất dễ xảy ra nếu Trung Quốc cảm thấy bên ngoài đang có tập hợp lực lượng chống lại mình tại thời điểm Trung Quốc có bất ổn nội bộ. Lịch sử chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Xô-Trung, khủng hoảng eo biển Đài Loan 1996, hay đụng độ với tàu Mỹ trên Biển Đông gần đây cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đánh phủ đầu trước đối thủ mạnh hơn.  

Graham Allison cho rằng các tia lửa tưởng nhỏ bé nêu trên sẽ lây lan rất nhanh dưới tác động của các chất dẫn cháy (gồm việc phá hoại vệ tinh, tấn công mạng, tấn công các mạng bảo mật, hoặc phá hoại ngầm của một nước thứ ba như Nga). Các chất dẫn này nếu xuất hiện đúng thời điểm có thể làm chiến tranh không thể vãn hồi. Ví dụ, khi các lực lượng Mỹ đang đổ xô đến cứu một tàu chiến Mỹ gặp nạn (đang thực hiện tự do hàng hải nhưng bị Trung Quốc va chạm hoặc bắn trúng không chủ ý), một vụ tấn công vệ tinh khiến các lực lượng Mỹ mất liên lạc và không thể phối hợp sẽ dẫn đến đụng độ lớn với Trung Quốc, khơi mào cho chiến tranh.

Chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi

Theo Graham Allison, 4 (trong 16) trường hợp không xảy ra chiến tranh trong 500 năm qua (Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha thế kỷ 15, Mỹ-Anh đầu thế kỷ 20, Liên Xô-Mỹ cuối thế kỷ 20, và Đức-Pháp  với Anh hiện nay) để lại 12 đầu mối quan trọng để giữ hòa bình: (1) thực thể có thẩm quyền cao hơn có thể hóa giải xung đột (Giáo hoàng phân xử xung đột Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha); (2) các thể chế kinh tế, chính trị và an ninh (như Liên minh châu Âu và NATO) có thể ràng buộc các bên; (3) các lãnh đạo khôn ngoan có thể xác định rõ lợi ích sống còn để nhượng bộ phù hợp (như Anh làm với Mỹ); (4) nhận định đúng thời cơ sẽ giúp giải tỏa căng thẳng; (5) các giá trị văn hóa tương đồng có thể giúp ngăn ngừa xung đột; (6) sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân buộc các lãnh đạo thay đổi tư duy về chiến tranh; (7) học thuyết hủy diệt hoàn toàn nhau “mutually assured destruction” (nếu xảy ra chiến tranh thì cả hai bên sẽ đều bị tiêu diệt) đã hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện; (8) Chiến tranh nóng giữa hai siêu cường hạt nhân ít có thể xảy ra; (9) Lãnh đạo tất cả các siêu cường hạt nhân cần sẵn sàng cho một cuộc chiến mà họ không thể thắng (nếu không đối thủ sẽ lấn tới đến mức buộc họ phải khai chiến không có chuẩn bị); (10) liên kết kinh tế chặt chẽ sẽ khiến chiến tranh phải trả giá cao hơn (do đó giảm nguy cơ chiến tranh); (11) các liên minh có sức hấp dẫn chết người: liên minh giúp cân bằng quyền lực nhưng cũng tạo nguy cơ vì các siêu cường bị trói buộc vào các cam kết với đồng minh; và (12) tình hình nội bộ (kinh tế, năng lực chính quyền, sự đồng thuận của dân chúng) có ý nghĩa quyết định đối với khả năng xảy ra chiến tranh.

Graham Allison không kiến nghị giải pháp tránh chiến tranh vì cho rằng nghiên cứu của ông mới mang tính gợi mở, để xây dựng một giải pháp phù hợp cần nhiều năm và đóng góp của nhiều người. Thay vào đó, ông kiến nghị một số nguyên tắc và lựa chọn chiến lược để tránh chiến tranh:

(i) cần dựa trên các thực tế mang tính cấu trúc: Trung Quốc thực tế đã có sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự vượt trội hơn Mỹ nên trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo khó có thể được duy trì;

(ii) cần áp dụng các bài học lịch sử để tìm hiểu cạnh tranh Mỹ-Trung là như thế nào và Trung Quốc thách thức Mỹ ở những vấn đề nào, các nước khác có cùng nhận thức với Mỹ không; và

(iii) phải thừa nhận rằng chiến lược “can dự nhưng kiềm chế” của Mỹ đối với Trung Quốc sau Chiến tranh lạnh cơ bản là một sự mâu thuẫn: khuyến khích Trung Quốc lớn mạnh nhưng không ràng buộc Trung Quốc theo khuôn khổ (chính sách “xoay trục” của Obama thực chất là bình mới, rượu cũ của chiến lược này).

Các lựa chọn chiến lược

Trên cơ sở các phân tích trên, Graham Allison đề xuất 4 lựa chọn:

·      Chấp nhận (accomondate): Mỹ phải thích nghi với một cân bằng quyền lực mới, có thể dưới hình thức đơn phương như Anh chấp nhận Mỹ đầu thế kỷ 20 hoặc đàm phán như thỏa thuận Yalta giữa Anh, Mỹ, Liên Xô năm 1945. Lựa chọn này sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ vấn đề Đài Loan để đổi lấy biển Đông và Hoa Đông, có thể rút quân khỏi Hàn Quốc để đổi đổi lấy bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hoặc có thể chấp nhận Trung Quốc lập vùng ảnh hưởng …

·      Làm suy yếu (undermine): Mỹ thúc đẩy các biện pháp thay đổi chính phủ hoặc chia rẽ Trung Quốc. Các biện pháp này gồm lên án sự xấu xa của chính quyền cộng sản Trung Quốc, thúc đẩy dân chủ, khuyến khích độc lập của Tây Tạng và Đài Loan, tuyên truyền qua Internet, ủng hộ các nhóm bất đồng chính kiến, hoặc thậm chí có thể bí mật huấn luyện và hỗ trợ các phần tử ly khai … Nếu thực hiện tập trung và tinh tế, Mỹ có thể làm suy yếu chính thể hoặc đẩy lùi thách thức của Trung Quốc đối với sự thống trị của Mỹ.

·      Đàm phán một thỏa ước hòa bình dài hạn (negotiate a long peace): Mỹ và Trung Quốc có thể ký một thỏa ước 25 năm hạn chế một số vấn đề để tập trung phát triển một số lợi thế khác. Ví dụ, cam kết đóng băng Biển Đông và Hoa Đông, đảm bảo tự do đi lại trên vùng biển quốc tế, hạn chế tấn công mạng, không can thiệp nội bộ của nhau, hạn chế chỉ trích nhân quyền… giúp cả hai tập trung xử lý các vấn đề nội bộ đang nổi cộm.

·      Xác định lại mối quan hệ (redefine the relationship): Làm hai nước hiểu có những thách thức chung lớn đang chờ. 4 thách thức chính là: thách thức về việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thách thức về khủng bố, thách thức các công nghệ sinh hóa hiện đại bị sử dụng sai mục đích, và thách thức về biến đổi khí hậu. Những thách thức chung khiến hai bên sẽ hợp tác thay vì đối đầu nhau.

Lời bình

Cuốn Cuộc chiến Định mệnh nêu lên một vấn đề thời cuộc rất lớn hiện nay là liệu sự vươn lên của Trung Quốc có dẫn đến xung đột Mỹ-Trung và rộng hơn nữa là Chiến tranh Thế giới Thứ ba. Tác giả sử dụng phương pháp so sánh lịch sử để tìm mô thức chung của các cuộc chuyển giao quyền lực lớn trên thế giới trong năm 500 qua. Mặc dù không nêu trực tiếp, nhưng tác giả nhấn mạnh sự tương đồng trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay với quan hệ Anh-Đức trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất cả về kinh tế, quân sự, và nhu cầu khẳng định vị thế chính trị của cường quốc mới nổi.

Cuốn sách sẽ có tính thuyết phục cao hơn nếu tác giả sử dụng nhiều nguồn đánh giá về Trung Quốc hơn, thay vì chỉ tập trung từ cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Để làm nổi lập luận của mình, đôi chỗ tác giả đã đề cao các thành công của Trung Quốc, nhưng đề cập hạn chế hoặc giảm nhẹ các vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt trong nước và quốc tế.

Cuốn sách được xây dựng từ những nghiên cứu chuyên sâu trong dự án “Bẫy Thucydides” mà Graham Allison đã dày công xây dựng nên có sức thuyết phục cao, với các lập luận và dẫn chứng có tính thuyết phục. Cuốn sách có cách diễn giải mạch lạc và lôi cuốn. Việc Graham Allison để mở mà không đưa ra khuyến nghị chính sách như thường thấy trong các nghiên cứu của các học giả Mỹ, gợi mở cho mỗi người đọc những suy nghĩ và ý kiến khác nhau. Cuốn sách chắc chắn sẽ gây tiếng vang lớn trong giới học giả và công chúng. Rất nhiều học giả và chính trị gia trên thế giới đã có những đánh giá tích cực về cuốn sách. Hy vọng rằng, như Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá “các bài học trong sách có thể cứu hàng triệu mạng người”./.

TỔNG HỢP 16 TRƯỜNG HỢP “BẪY THUCYDIDES”

STT

Thời gian

Quốc gia đang thống trị

Quốc gia mới nổi

Phạm vi cạnh tranh

Kết quả

1
Cuối thế kỷ 15
Bồ Đào Nha
Tây Ban Nha
Đế chế toàn cầu và thương mại
Không chiến tranh
2
Nửa đầu thế kỷ 16
Pháp
Hapsburgs
Đất liền ở Tây Âu
Chiến tranh
3
Thế kỷ 16-17
Hapsburgs
Đế chế Ottoman
Đất liền tại Trung và Đông Âu, và trên biển Địa Trung Hải
Chiến tranh
4
Nửa đầu thế kỷ 17
Hapsburgs
Thụy Điển
Đất liền và trên biển ở Bắc Âu
Chiến tranh
5
Giữa đến cuối thế kỷ 17
Hà Lan
Anh
Đế chế toàn cầu, trên biển và thương mại
Chiến tranh
6
Cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18
Pháp
Anh
Đế chề toàn cầu và đất liền Châu Âu
Chiến tranh
7
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19
Anh
Pháp
Trên biển và đất liền tại Châu Âu
Chiến tranh
8
Giữa thế kỷ 19
Pháp và Anh
Nga
Đế chế toàn cầu, ảnh hưởng ở Trung Á và Đông Địa Trung Hải
Chiến tranh
9
Giữa thế kỷ 19
Pháp
Đức
Đất liền ở Châu Âu
Chiến tranh
10
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20
Trung Quốc và Nga
Nhật
Đất liền và trên biển ở Đông Á
Chiến tranh
11
Đầu thế kỷ 20
Anh
Mỹ
Vị trí thống trị kinh tế toàn cầu  và hải quân ở Tây bán cầu
Không chiến tranh
12
Đầu thế kỷ 20
Anh (được Pháp và Nga ủng hộ)
Đức
Đất liền Châu Âu và cường quốc toàn cầu trên biển
Chiến tranh
13
Giữa thế kỷ 20
Liên Xô, Pháp và Anh
Đức
Trên biển và đất liền tại Châu Âu
Chiến tranh
14
Đầu thế kỷ 20
Mỹ
Nhật
Trên biển và ảnh hưởng tại CA-TBD
Chiến tranh
15
Những năm 1940 – 1980
Mỹ
Liên Xô
Toàn cầu
Không chiến tranh
16
Những năm 1990 - nay
Anh và Pháp
Đức
Ảnh hưởng chính trị tại Châu Âu
Không chiến tranh

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

No comments: