Saturday, July 22, 2017

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VỚI BẢN SẮC TRUNG QUỐC

(Capitalism With Chinese Characteristics)

Tác giả: Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong)

Nguồn: ĐKNTB

Đọc các bài: 
1. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Từ chủ nghĩa xã hội tới chủ nghĩa tư bản
2. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước
3. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua trộm cắp tràn lan
4. Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tại sao ĐCSTQ không danh chính ngôn thuận từ bỏ chủ nghĩa Marxist
--------------------
Bài 1: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Từ chủ nghĩa xã hội tới chủ nghĩa tư bản

Khi nền kinh tế tư bản Trung Quốc tạo thành một liên minh với chế độ đỏ, nó tạo thành một hệ thống kinh tế và chính trị độc nhất mà không thể được gọi là xã hội chủ nghĩa mà cũng không thể gọi là tư bản dân chủ. Tôi gọi nó là chủ nghĩa tư bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi tạo ra thuật ngữ này để nói đến hệ thống kinh tế tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng hệ thống tư bản để tăng cường chế độ độc tài của mình, đây là điểm mấu chốt của mô hình Trung Quốc.

Mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá khứ là tiêu diệt tư bản. Chủ nghĩa Mao Trung Quốc hoàn toàn loại bỏ sở hữu tư nhân, và phần lớn tài sản vốn liếng bị tước đoạt khỏi tay người dân. Vào thời điểm đó, bên cạnh đặc quyền về chính trị, giới tinh hoa lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và “thế hệ Đỏ thứ 2” không sở hữu hay thừa kế bất kỳ doanh nghiệp hay tài sản nào từ thế hệ đi trước.

Nhưng bắt đầu từ thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, chế độ Cộng sản Trung Quốc và hệ thống kinh tế tư bản bắt tay nhau. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ cho phép sự phát triển của kinh tế tư bản mà tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tự mình trở thành những nhà tư bản giàu có và quyền lực nhất.

Điều đó không phải là một phát hiện mới khi nhìn nhận rằng các quốc gia Cộng sản sớm hay muộn cũng sẽ trở lại thành quốc gia tư bản. Năm 1988, một hội thảo thảo luận về cải cách Chủ nghĩa xã hội đã được tổ chức ở Viên – Áo. Một nhà kinh tế từ quốc gia Cộng sản Hungary đã có một tuyên bố gây sốc ở hội thảo. Ông phát biểu rằng cái gọi là Chủ nghĩa xã hội không có gì hơn là một quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa tư bản. Theo ông, Chủ nghĩa xã hội có đời sống ngắn ngủi và các quốc gia đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội sẽ sớm trở lại thành tư bản. Một năm sau đó, quan điểm của nhà kinh tế người Hungary này đã được khẳng định bởi sự tan rã của Liên bang Xô Viết và khối Cộng sản Đông Âu.

Phải chăng điều này có nghĩa là nền kinh tế có sự gắn kết mật thiết giữa doanh nhân và chính phủ là cách duy nhất để cải cách các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa? Mô hình Trung Quốc là không thể tránh khỏi? Sau nhiều năm nghiên cứu về sự chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội, tôi khám phá ra rằng có ít nhất ba con đường để trở lại tư bản từ xã hội chủ nghĩa, và Trung Quốc đã chọn con đường tồi tệ nhất.

Các con đường chuyển đổi từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản

Khi một quốc gia cộng sản nói lời tạm biệt với mô hình xã hội chủ nghĩa Stalin, nó dấn mình vào con đường của sự chuyển đổi thể chế. Cái gọi là sự chuyển đổi là muốn nói tới việc tự do hóa và tái cấu trúc hệ thống kinh tế, nó bao gồm thay thế sở hữu tập thể bằng tư nhân hóa và thay thế nền kinh tế kế hoạch hóa bằng kinh tế định hướng thị trường, đồng thời là sự chuyển đổi chính trị trong vấn đề dân chủ hóa. Từ năm 1989 đến nay, các chế độ Cộng sản trên thế giới, trừ Bắc Triều Tiên, đã hoàn thành quá trình chuyển đổi hay đang trong quá trình chuyển đổi. Nhìn lại các con đường chuyển đổi, chúng ta có thể nhận thấy sự chuyển đổi kinh tế là tương đối dễ dàng và sự chuyển đổi chính trị diễn ra khó khăn hơn. Vào thập niên 80, Trung Quốc là một trong những nước tiên phong về chuyển đổi kinh tế. Kinh tế và xã hội Trung Quốc giờ đây tụt hậu về phía sau do từ chối dân chủ.

Trong tất cả các quốc gia Cộng sản, một khi quá trính chuyển đổi bắt đầu diễn ra, tầng lớp cộng sản lãnh đạo cố gắng sử dụng quyền lực để ăn chặn người dân. Tuy nhiên, tình huống này không phải là không thể tránh khỏi. Cho đến nay, nhìn chung có ba mô hình của quá trình chuyển đổi về kinh tế và xã hội của các quốc gia trước đây từng là xã hội chủ nghĩa.

Mô hình của Trung Âu

Đầu tiên là mô hình Trung Âu bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Quá trình chuyển đổi chính trị ở ba quốc gia này được chi phối bới tầng lớp trí thức đối lập, sự tham gia vào kinh tế của tầng lớp cộng sản bị ngăn chặn. Lập trường chính yếu của tầng lớp tri thức đối lập là không chia sẻ quyền lực hay thỏa hiệp với bất kỳ ai từ tầng lớp cộng sản, thay vì thế họ xóa bỏ tàn tích của Văn hóa Đảng càng nhiều càng tốt.

Trong con mắt của người dân ở Trung Âu, Chế độ Cộng sản đơn thuần chỉ là những con rối của Liên bang Xô Viết mà nên được loại bỏ. Kết quả là, tầng lớp cộng sản ở Trung Âu không thể làm những gì họ muốn trong quá trình chuyển đổi, họ đối mặt với áp lực xã hội rất lớn. Họ không thể thao túng nghị viện hay làm giàu thông qua quá trình tư nhân hóa. Do đó, tầng lớp cộng sản hầu như không được hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc. Vị thế kinh tế chính trị của xấp xỉ 1/3 tầng lớp cộng sản đã rớt xuống, với khoảng một nửa phải về hưu sớm.

Một vài học giả Hoa Kỳ gọi mô hình chuyển đổi ở Trung Âu là “tạo ra chủ nghĩa tư bản mà không có các nhà tư bản”. Lập luận này là ý nhị, nó có nghĩa là “mà không có các nhà tư bản đỏ”. Những nhà tư bản cũ đã bị loại bỏ trong thời kỳ cộng sản. Nếu có rất nhiều người giàu mới nổi lên trong một thời gian ngắn sau quá trình tái cấu trúc, thì phần lớn họ là tầng lớp cộng sản. Nói tóm lại, mô hình Trung Âu là tái xây dựng chủ nghĩa tư bản mà không có tầng lớp cộng sản. Mô hình chuyển đổi này là bền vững. Nó tạm biệt chế độ cộng sản theo cách một đi không trở lại.

Mô hình của Nga

Con đường thứ hai là mô hình của Nga nơi mà tầng lớp cộng sản trước đây trở thành các nhà dân chủ. Họ có được lợi ích từ quá trình chuyển đổi và kiếm được rất nhiều tiền. Đồng thời, người dân cũng là một phần của quá trình tư nhân hóa và có thể có tài sản riêng.

Đây là con đường đặc trưng cho “Tầng lớp tinh hoa cũ khoác trên mình mô hình xã hội mới”. So sánh với mô hình Trung Âu, mô hình của Nga là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Tầng lớp tinh hoa mới bao gồm chủ yếu là các quan chức cũ. Đây cũng là một kiểu của chủ nghĩa tư bản có sự gắn kết mật thiết giữa doanh nhân và chính phủ. Không giống như mô hình của Trung Quốc, thành viên của tầng lớp tinh hoa mới chuyển đổi từ cơ chế cũ không còn là thành viên của Đảng cộng sản. Trong mô hình của Nga, hệ thống dân chủ có thể dễ dàng bị thao túng bởi tầng lớp tinh hoa cũ, mặc dù không hoàn toàn trở lại thành cộng sản. Do vậy mô hình mới mang theo dấu ấn nặng nề của hệ thống cũ.

Mô hình Trung Quốc

Con đường thứ 3 là mô hình của Trung Quốc. Đặc tính chủ yếu của nó là: Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa được tạo ra 30 năm đầu trong thời kỳ của Mao Trạch Đông, như là sỡ hữu toàn diện của nhà nước và kinh tế kế hoạch hóa. Nhưng nó dùng chủ nghĩa tư bản của Đảng cộng sản để tăng cường hệ thống độc tài được dựng lên bởi Mao.

Tầng lớp đỏ và người thân của họ là những người có khả năng làm giàu cao nhất, và họ bảo vệ đặc quyền của mình bằng quyền lực chính trị. Thân nhân của tầng lớp cấp cao đã thu lợi lớn trong khi quốc gia hứng chịu nạn tham nhũng nghiêm trọng trong quá trình tư nhân hóa.

Tham nhũng chính trị dẫn đến một điều không thể tránh khỏi là bất bình đẳng xã hội. Khi thịnh vượng và cơ hội nằm hoàn toàn trong sự điều khiển của tầng lớp trên của xã hội, phần lớn tầng lớp dưới chắc chắn sẽ trở nên căm giận với tầng lớp tinh hoa, quan chức và những người giàu có.

Bài 2: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước

Đây là bài tiểu luận thứ hai trong một loạt bài gồm 4 phần, trong đó tác giả xem xét hai thập kỷ của sự cải cách dối trá các doanh nghiệp nhà nước.

Chuyến “Nam du” của Đặng Tiểu Bình năm 1992 được hệ thống tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc đề cập tới như là một điểm khởi đầu mới cho cải cách. Trên thực tế, từ góc nhìn chuyển đổi thể chế, hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã chính thức kết thúc vào năm 1997, khi Trung Quốc bắt đầu triển khai tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

DNNN được coi như là một trong những trụ cột của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Khi hầu hết các DNNN được tư nhân hóa, hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ tan rã hoàn toàn bởi vì một hệ thống kinh tế đặc trưng bởi sở hữu tư nhân trên thực tế là đã theo chủ nghĩa tư bản.

Nhưng thật thú vị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại phủ nhận về chính sách tư nhân hóa của nó. Mặc dù điều đó thực sự đã diễn ra, ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận rằng nó đã hoàn thành quá trình tư nhân hóa từ hơn một thập kỷ trước. Các nhà chức trách đã che đậy sự tư nhân hóa bằng thuật ngữ “cải cách DNNN”, nhưng cố ý tránh né đề cập đến việc nó [DNNN] được cải cách theo kiểu hệ thống nào. Trên thực tế, chỉ có hai khả năng cho sự cải cách DNNN: hoặc là tư nhân hóa hoàn toàn, trở thành một doanh nghiệp tư nhân hoàn chỉnh, hoặc tư nhân hóa một phần, cho phép sở hữu tư nhân một phần với phần chủ yếu được sở hữu bởi nhà nước.

Khủng hoảng ngân hàng thập niên 90

Có một lý do cho việc Chính phủ chọn tư nhân hóa nhưng vẫn cố ý giữ mập mờ về nó.
Chu Dung Cơ, thủ tướng Trung Quốc vào thời đó, đã xem xét tới hai yếu tố khi thực hiện sự quyết định. Thứ nhất, các DNNN đã trở thành gánh nặng tài chính nặng nề cho chính phủ, đẩy hệ thống ngân hàng đến bờ vực của sự sụp đổ. Các cải cách kinh tế dười thời Đặng Tiểu Bình không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà các DNNN phải đối mặt, nó phụ thuộc vô điều kiện vào các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh suy thoái và rất nhiều DNNN ngừng chi trả các khoản nợ ngân hàng và thậm chí là các khoản lãi suất. Từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống ngân hàng tiềm tàng trở nên ngày càng rõ ràng.

Vào đầu thập niên 90, hơn 20% các khoản nợ của 4 ngân hàng quốc doanh là nợ xấu. Vào năm 1994, ngành ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên hứng chịu sự thâm hụt nghiêm trọng khắp cả nước. Đến năm 1996, 70% tổng số khoản nợ ngân hàng đã trở thành nợ xấu hay nợ quá hạn.

Trong nửa sau của năm 1997, để cứu hệ thống ngân hàng khỏi bị sụp đổ, chính phủ đã phải triển khai một kế hoạch tái cấu trúc các DNNN – đó là tư nhân hóa – để đưa chính nó thoát khỏi phần lớn trong hơn 10.000 DNNN và “gánh nặng” của chúng lên nhà nước.

Các đòi hỏi của Tổ chức Thương mại Thế giới

Thêm vào đó, Trung Quốc háo hức muốn tham gia WTO để mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên WTO có điều kiện tiên quyết là Trung Quốc phải xây dựng một nền kinh tế thị trường trong vòng 15 năm, bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và triển khai tư nhân hóa các DNNN. Nếu Trung Quốc không thể chứng minh việc thực hiện tư nhân hóa DNNN, nó sẽ không được cho phép gia nhập WTO.

Vì Chính phủ và giới truyền thông đã che đậy sự thật về quá trình tư nhân hóa DNNN, những người mà chưa từng làm việc tại các DNNN đã không hiểu được ý nghĩa của “cải cách DNNN”. Trên thực tế, cái được gọi là “cải cách” là cho phép tư nhân hóa [hoàn toàn] các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho phép các DNNN lớn được niêm yết trên thị trường (chứng khoán) để tư nhân hóa một phần.

Chính quyền để các giám đốc và quản lý của các DNNN triển khai việc “tái cấu trúc” và sa thải. Bất kỳ sự bất mãn xã hội và giận dữ nào nổi lên từ quá trình cải cách do đó sẽ được chuyển vào những người này thay vì nhắm vào Chính phủ. Tất nhiên, các vị giám đốc và quản lý này không nhận chỉ trích một cách không công; họ được đền bù hậu hĩnh.

Câu hỏi chính trong mưu đồ tư nhân hóa này là: Ai sẽ mua các DNNN này? Cũng giống như trường hợp ở Nga, các giám đốc và quản lý của DNNN Trung Quốc không có hàng triệu hay hàng trăm triệu tiền tiết kiệm để mua được các doanh nghiệp, và nguồn vốn nước ngoài đóng một vai trò rất nhỏ trong quá trình tư nhân hóa DNNN. Trong trường hợp này, các nhà quản lý DNNN Trung Quốc trở thành các ông chủ mới, cơ bản là thông qua các phương thức bất hợp pháp.

Che đậy

Đây là lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc không cho phép các nhà nghiên cứu quốc nội được nghiên cứu quá trình tư nhân hóa DNNN, và truyền thông Trung Quốc đơn giản là không đưa tin về sự thật.

Trớ trêu thay, mặc dù là một chủ đề cấm đối với truyền thông Trung Quốc và các nhà nghiên cứu [quốc nội], nó được mở cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Các nhà nghiên cứu ngoại quốc, thông qua các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, có thể tự do nhập cảnh vào Trung Quốc và tiến hành các khảo sát lấy mẫu trên toàn quốc về tình trạng sở hữu của các DNNN sau tư nhân hóa. Trong thập kỷ vừa qua, những nhà nghiên cứu này đã xuất bản một số cuốn sách bằng tiếng Anh về kết quả tư nhân hóa ở Trung Quốc. Tuy nhiên không một cuốn sách nào trong số đó được dịch hay xuất bản ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà nghiên cứu ngoại quốc nghiên cứu quyền sở hữu DNNN nhằm để cung cấp thông tin về quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác và để trải đường cho Trung Quốc gia nhập vào WTO.

Trong khi tư nhân hóa các DNNN Trung Quốc đã được công bố với thế giới, thái độ của chính phủ Trung Quốc bên trong Trung Quốc chỉ có thể được gọi là tự lừa dối.

Bài 3: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua trộm cắp tràn lan


Quá trình tư nhân hóa của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (DNNN) là một quá trình xây dựng hệ thống kinh tế tư bản. Những phương thức khác nhau của quá trình tư nhân hóa dẫn tới các hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Vào cuối năm 1997, thủ tướng Chu Dung Cơ đã khởi động cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chính sách này được gọi là “nắm to bỏ nhỏ”.

“Nắm to” có nghĩa là duy trì sự kiểm soát các DNNN sở hữu tài sản quy mô lớn và những doanh nghiệp liên quan đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, viễn thông, vận tải… Sau khi tái cấu trúc, các doanh nghiệp này được cho phép niêm yết trên thị trường chứng khoán, và nó có thể bán một phần cổ phần của mình cho dân chúng Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần – có nghĩa là chính phủ tiếp tục “nắm” các công ty này.

“Bỏ nhỏ” có nghĩa là cho phép tư nhân hóa các DNNN nhỏ và những doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, làm như thế giải thoát chính phủ khỏi gánh nặng. Xem xét quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ là xem xét ai sẽ mua chúng và bằng cách nào. Vào thời đó, lương trung bình hàng tháng của giám đốc và quản lý DNNN chỉ vài trăm nhân dân tệ. Thậm chí giới tinh hoa đỏ và người thân của họ cũng không có tài sản có giá trị tài chính đáng kể.

Cách tiếp cận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghĩ tới là chỉ thị quản lý các DNNN vay ngân hàng, và sử dụng DNNN như là tài sản thế chấp để “mua” tài sản nhà nước. Tiếp theo cho phép các quản lý tái đăng ký DNNN bằng tên của họ hay bằng tên của thành viên gia đình. Sau đó, với tư cách là chủ doanh nghiệp, họ sẽ sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để hoàn trả các khoản nợ cá nhân.

Một cách tiếp cận khác là quản lý DNNN buộc người lao động mua một phần của doanh nghiệp. Người lao động phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình để mua một phần công ty nhằm giữ việc làm. Nhưng người lao động không được cho phép tham gia vào quá trình chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp. Họ bị buộc phải cung cấp nguồn vốn để quản lý có thể nhận được quyền sở hữu công ty.

Cùng lúc đó, nhà cầm quyền cho phép gia đình của những người có chức vụ dành được cổ phần trong các doanh nghiệp lớn được niêm yết thông qua mạng lưới quan hệ cá nhân của họ. Họ nhận được những cổ phần miễn phí và thu lợi khổng lồ khi giá cổ phiếu gia tăng.

Hai giai đoạn của quá trình tư nhân hóa

Quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc bắt đầu vào nửa sau của năm 1997 và cơ bản hoàn thành vào năm 2009. Vào năm 1996, Trung Quốc có 110.000 DNNN và đến cuối năm 2008 còn lại 9.700 doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân hóa một phần trong đó chính phủ sở hữu đa số cổ phần. Quá trình tư nhân hóa được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1997 đến 2001, là quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp này được tư nhân hóa bởi các giám đốc và quản lý của DNNN.

Tôi đã phân tích 130 vụ việc tư nhân hóa trong 29 tỉnh và tóm tắt vài chiêu thức điển hình và sự ám muội của quá trình này qua công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ xã hội học của tôi. Cách tiếp cận của họ thường là định giá thấp hơn thực tế tài sản ròng của doanh nghiệp. Các nhà quản lý sau đó mua doanh nghiệp bằng cách sử dụng nguồn vốn của chính doanh nghiệp hay khoản vay từ ngân hàng hoặc khoản vay cá nhân, và đăng ký doanh nghiệp dưới tên của mình hay người thân. Cuối cùng với danh tính chủ sở hữu của doanh nghiệp mới, họ sẽ hoàn trả nguồn vốn vay với thu nhập từ doanh nghiệp. Về cơ bản họ phải bỏ ra rất ít hoặc không mất gì cho những doanh nghiệp này.

Giai đoạn thứ 2, từ năm 2002 tới năm 2009, là quá trình tư nhân hóa các DNNN lớn và vừa. Cách tiếp cận là niêm yết DNNN sau khi tái cấu trúc, chuyển giao quyền sở hữu quản lý, buộc người lao động mua cổ phần, liên doanh nước ngoài, liên doanh với doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì các doanh nghiệp này sở hữu tài sản quy mô lớn, quản lý không thể đủ tài chính để sở hữu toàn bộ chúng. Họ thường xuyên sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp để mua cổ phần và chia chác cổ phần cho cán bộ quản lý, cũng như là các quan chức và người thân đã thông qua việc niêm yết, hình thành một nhóm có chung lợi ích. Các cán bộ DNNN và quan chức chính phủ trở thành ông chủ, tổng quản lý hay thành viên hội đồng quản trị của các DNNN lớn và vừa được niêm yết mà không mất chút chi phí nào của bản thân họ, và họ trở nên giàu có.

Theo dữ liệu từ hai cuộc điều tra mẫu cấp quốc gia, khoảng 50-60% các doanh nghiệp tư nhân hóa hay bán tư nhân hóa được sở hữu bởi đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Xấp xỉ 25% người mua là các nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp; ít hơn 2% cổ phần được sở hữu bởi đầu tư nước ngoài; và ít hơn 10% doanh nghiệp đồng sở hữu bởi quản lý và người lao động. Quản lý không cho phép cổ đông là người lao động tham gia vào quản lý tài sản và chuyển nhượng.

Kiểu tư nhân hóa này tương đương với việc người lao động trả tiền cho quản lý sở hữu các doanh nghiệp. Cải cách DNNN này có thể được gọi là ăn cướp công khai và chia chác tài sản giữa đội ngũ quản lý công ty, quan chức địa phương và con cháu của quan chức. Trong mọi trường hợp, chính quyền không thể biện minh một cách hợp lý cho kiểu hành vi cướp bóc này. Tiết lộ thông tin công khai sẽ gây ra phẫn nộ trong công chúng. Do đó, chính phủ không cho phép truyền thông quốc nội thảo luận về tư nhân hóa và các học giả Trung Quốc không được cho phép nghiên cứu quá trình tư nhân hóa.

Phúc lợi công cộng của người lao động giảm xuống

Từ năm 1998 tới năm 2003, khi tầng lớp tinh hoa đỏ chiếm dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên diện rộng thông qua quá trình tư nhân hóa, chính quyền đã cố ý đóng cửa Cục Quản lý Công sản trong 6 năm suốt giai đoạn đỉnh điểm quan trọng của quá trình tư nhân hóa, nhằm thuận tiện cho tầng lớp tinh hoa đỏ. Mặc dù vào năm 2003 Cục này đã được khôi phục, nó hiếm khi điều tra việc chiếm dụng tài sản công.

Giữa những năm 1997 và 2005, xung đột lao động quy mô lớn diễn ra khắp Trung Quốc châm ngòi bởi sự chiếm dụng tài sản công liên quan đến quá trình tư nhân hóa. Chính phủ về cơ bản đứng về phía quản lý bởi vì các quan chức cũng hưởng lợi từ tư nhân hóa. Quá trình tư nhân hóa tại Trung Quốc đã làm sụp đổ hệ thống phúc lợi ban đầu dựa trên DNNN. Rất nhiều công ty trả cho người lao động một ít tiền và đuổi họ đi. Vào thời kỳ đó, ĐCSTQ sử dụng tuyên truyền rằng cho người lao động nghỉ việc là một sự hy sinh cần thiết của đổi mới. Chính phủ không muốn xây dựng một hệ thống trợ cấp thất nghiệp thống nhất cho những người lao động này và quẳng vấn đề cho đội ngũ quản lý. Nếu người đứng đầu công ty không muốn chi trả, chính phủ sẽ không can thiệp. Do đó ĐCS Trung Quốc vô liêm sỉ trốn tránh trách nhiệm cung cấp trợ cấp xã hội cho người lao động.

Ngược lại, trong quá trình tư nhân hóa của Nga, hệ thống phúc lợi xã hội vẫn được duy trì, và một vài người lao động thất nghiệp có thể nhận được trợ cấp xã hội dù ít ỏi. Chính phủ Nga chưa từng áp dụng chính sách sa thải cưỡng bức và sử dụng các ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty giữ chân người lao động. Người lao động sở hữu khoảng 40% các doanh nghiệp được tư nhân hóa.

So sánh với quá trình tư nhân hóa của các nước Trung Âu và Nga, những gì diễn ra ở Trung Quốc là bất công và tàn nhẫn nhất. Rõ ràng tái cấu trúc nền kinh tế dưới một chế độ độc tài có thể bất chấp công bằng xã hội mà không sợ hãi áp lực từ cử tri. Đối với tầng lớp tinh hoa, mô hình này tất nhiên mang lại sự thèm muốn, nhưng cảm xúc của công chúng thì có thể là ngược lại.

Một vài học giả phương Tây có quan niệm rằng chế độ độc tài cộng sản đã làm tốt trong việc tái cấu trúc và phát triển kinh tế, bởi vì họ đã có thể vượt qua kháng cự từ người dân, và Trung Quốc thường được viện dẫn như là hình mẫu tốt nhất của họ. Tuy nhiên, quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc chứng tỏ rằng một chính phủ độc tài có xu hướng phớt lờ công bằng xã hội, tước đi quyền và lợi ích của người dân, và dàn xếp dựa trên lợi ích của tầng lớp tinh hoa thống trị.

Bài 4: Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tại sao ĐCSTQ không danh chính ngôn thuận từ bỏ chủ nghĩa Marxist

Kể từ khi ông Mác (Marx) sáng tạo ra lý thuyết cộng sản của mình, Trung Quốc đã trở thành hệ thống kinh tế tư bản đầu tiên dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu sự thống trị của mình bằng cách loại bỏ chủ nghĩa tư bản – chuyển hình thức sở hữu tư nhân sang hình thức sở hữu nhà nước – nhưng đã không thể tạo ra một hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thành công. Cuối cùng, họ đã phải chuyển về hệ thống tư bản, nhằm kéo dài sự cai trị của mình.

Trong khi cải cách sang sở hữu tư nhân, các quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp, và gia đình của mình, đã trở thành các doanh nhân, chủ bất động sản và chủ sở hữu các tài sản tài chính rất lớn. Quá trình tích lũy của cải của họ đầy đen tối và tội ác. Do đó họ cần chế độ cộng sản để bảo vệ tài sản và cuộc sống của mình, và họ cũng cần sự độc quyền của chính phủ để tiếp tục tích lũy của cải nhiều hơn nữa. Vì vậy những người này ủng hộ mạnh mẽ cho hệ thống hiện tại của Trung Quốc, chứ không trợ giúp cho dân chủ hóa [ở Trung Quốc].

Chiếm đoạt sai trái, bất hợp pháp

Làm thế nào mà tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ đã từ chỗ không có gì để sở hữu lại trở thành siêu giàu có trong một thời gian ngắn từ 20 đến 30 năm? Điều này là bí mật của ‘các nhà tư bản cộng sản’, và là chỉ dẫn cho việc hiểu được hệ thống ‘tư bản cộng sản’ và khuynh hướng chính trị trong tương lai của các nhóm lợi ích của ĐCSTQ. Về cơ bản, họ đã đạt được nó thông qua việc tham ô, biển thủ, chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước, duy trì sự độc quyền của các ngành quan trọng, và bằng cách thao túng các chính sách để đạt được lợi ích và duy trì chế độ độc tài của mình.

Chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước là nói đến việc tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ đã trực tiếp tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhỏ và vừa, và có được cổ phần miễn phí tại các SOE lớn, trong quá trình tư nhân hóa.

Duy trì những ngành độc quyền là nói đến các SOE lớn trong những lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, giao thông, viễn thông và các ngành khác, trong đó tầng lớp đỏ hoặc con cháu thế hệ thứ hai của họ, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Một vài các doanh nghiệp này nằm trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Họ cung cấp một lượng lớn các khoản thu thuế để hỗ trợ cho chế độ [Trung Quốc] và giúp cho tầng lớp đỏ nhanh chóng trở nên giàu có, thông qua việc mua lại cổ phần, lại quả, và tiền thưởng.

Bằng cách gây ảnh hưởng và thao túng việc hoạch định – chính sách, tầng lớp đỏ và thân nhân của mình là những người đầu tiên tham gia vào nhiều dự án và các ngành kinh tế, từ đó đã dễ dàng kiếm được những lợi ích to lớn.

Duy trì chế độ độc tài là nói đến thái độ cực kỳ thù địch của tầng lớp đỏ đối với dân chủ hóa, và hy vọng của họ nhằm duy trì lâu dài quyền lực của chế độ đỏ, sao cho họ mãi mãi có đặc quyền và một lượng lớn của cải bất hợp pháp được bảo vệ bởi chế độ ĐCSTQ.

Các nhà tư bản đỏ

Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp và sự giàu có của Trung Quốc nằm trong tay các nhà tư bản đỏ, hệ thống tin cậy duy nhất để bảo vệ cho họ không phải là nền kinh tế thị trường, cũng không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật [hay pháp quyền], mà là “nền chuyên chính [hay sự độc tài] của giai cấp vô sản”, có nghĩa là họ luôn có quyền lực tuyệt đối trên tất cả các tầng lớp khác của xã hội.

Họ biết rõ ràng, rằng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa truyền thống là không khả thi; họ có thể có được của cải một cách dễ dàng hơn nhiều so với của cải mà các doanh nhân ở các nước dân chủ kiếm được; họ cũng có một vị thế chính trị tuyệt vời mà không có cạnh tranh, và họ có thể ngăn chặn việc dân chủ hóa chính trị vốn có thể dẫn đến sự phá sản kinh tế và chính trị. Đây là bản chất của “mô hình Trung Quốc.”

Rõ ràng, dưới chế độ của ĐCSTQ, chủ nghĩa tư bản đỏ này sẽ không tự nhiên chuyển thành hệ thống dân chủ tư bản. Trong một thời gian dài, các học giả phương Tây đã tin tưởng rằng, sau tự do hóa kinh tế, tầng lớp lãnh đạo đỏ sẽ tự nhiên đi theo dân chủ và tự do. Sự chuyển đổi của Trung Quốc đã chứng minh rằng suy nghĩ này không những [rất] ngây thơ, mà còn sai lầm [nghiêm trọng].

Tuy nhiên, tầng lớp lãnh đạo đỏ cũng biết rất rõ về thực tế rằng, mô hình Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa liên tục từ [tầng lớp] thấp nhất của xã hội. Do đó, họ đã đang chuyển những tài sản cá nhân đến các nước phương Tây trong khi thu xếp cho các thành viên trong gia đình mình nhập cư vào các nước phương Tây, khi có nhu cầu. Điều này chỉ ra rằng tương lai của “mô hình Trung Quốc” thực sự rất mong manh.

Xét lại Marx

Vào đầu năm 1989, Viện Friedrich Ebert, một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đức, đã bố trí cho một số học giả đến thăm Ngôi nhà Karl Marx ở [thành phố] Trier. Có ai đó đã viết bằng tiếng Trung Quốc [dòng chữ]: “Ông Mác, ông đã thực sự làm hại chúng tôi rồi”.

Bây giờ, có vẻ như tuyên bố này chỉ đúng có một nửa bởi vì chủ nghĩa Mác cũng đã bị tổn hại bởi mô hình Trung Quốc. Nếu như Mác có thể nhận xét về chủ nghĩa tư bản cộng sản hiện nay, ông có thể vừa bị làm cho phát cáu vừa hài lòng cùng một lúc. Bị phát cáu bởi vì những người cộng sản đã kết hôn với kẻ thù của mình để tồn tại; và hài lòng rằng một vài người cộng sản vẫn còn đó, bất kể là họ đã sử dụng những loại học thuyết chống lại chủ nghĩa Mác. Vì vậy, Mác có thể cảm thấy rằng ông đã không hoàn toàn trở nên không thích hợp.

Nhưng Mác sẽ vẫn bị làm cho bối rối bởi một mâu thuẫn rất lớn. Theo khuôn khổ lý thuyết của ông “nền tảng kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng” và “lực lượng sản xuất tiên tiến chắc chắn thay đổi một kiến trúc thượng tầng lạc hậu”. Tuy nhiên, mô hình Trung Quốc đã buộc Mác phải phá đổ hoàn toàn khái niệm cốt lõi của mình, và do đó phá đổ toàn bộ hệ tư tưởng Mác-xít, bởi vì dưới hệ thống tư bản cộng sản hiện nay, kiến trúc thượng tầng của “chuyên chính vô sản”, trên thực tế, dựa vào nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Vì vậy, vẫn còn câu hỏi lớn về số phận của kiến trúc thượng tầng còn sót lại của nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ sẽ là cái gì. Phải chăng nó sẽ hoàn toàn bị lịch sử quên lãng? hay nó thực sự chứa đựng một bản chất “tiên tiến”, chắc chắn sẽ sản sinh ra một cuộc cách mạng cộng sản mới để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản cộng sản?

Cũng có khả năng, để học hỏi từ mô hình Trung Quốc, Mác có thể cần phải cập nhật lý thuyết của mình từ “nền tảng kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc” sang “thượng tầng kiến trúc quyết định nền tảng kinh tế.” Điều này sẽ không chỉ là một bài học khó khăn mà Mác phải đương đầu, mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng về ý thức hệ không thể tránh khỏi đối với ĐCSTQ.

ĐCSTQ vẫn tôn kính Mác vì ông đã cung cấp tính hợp pháp về tư tưởng cho giai cấp tư sản đỏ đặc quyền, cũng như cho sự tiếp tục và kéo dài thêm mô hình “chuyên chính vô sản”. Nghịch lý là ở chỗ, mô hình Trung Quốc bản thân nó lại chống lại chủ nghĩa Mác.

Bí quyết cho sự sống sót của ĐCSTQ là phải giữ cho được ngọn cờ của chủ nghĩa Mác trong khi xây dựng và củng cố hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, một hệ thống trái với chủ nghĩa Mác. Do đó, mô hình Trung Quốc là trái ngược với cả chủ nghĩa Mác và nền dân chủ.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại New Jersey. Ông tốt nghiệp Đại học Nhân Dân – nơi ông lấy được bằng thạc sĩ kinh tế học, và Đại học Princeton – nơi ông lấy bằng tiến sĩ ngành xã hội học. Ở Trung Quốc, ông Trình là một nhà nghiên cứu chính sách và là trợ lý của cựu Lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, khi ông Triệu là thủ tướng. Ông Trình từng là học giả thỉnh giảng tại Đại học Gottingen và Princeton, và ông từng là tổng biên tập của tạp chí nghiên cứu Trung Quốc hiện đại. Các bài bình luận và chuyên mục của ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông tiếng Hoa hải ngoại.


No comments: