THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 03/10/2011
TTXVN (Oasinhtơn 26/9)
Ngày 17/9, tờ Bưu điện Oasinhtơn (Washinton Post) đăng bài “Tại Biển Đông, một cuộc tranh chấp năng lượng” của nhà báo Andrew Higgins, viết từ Philíppin. Andrew Higgins là phóng viên kỳ cựu của tờ Nhật báo Phố Uôn, báo Độc Lập, và hãng thông tấn Reuters, từng được giải báo danh tiếng Pulitzer. Sau đây là nội dung bài viết:
Khi nhà sản xuất dầu lửa ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc bắt đầu xây dựng một dàn khoan dầu trị gía 1 tỉ USD vào mùa Hè năm nay ở Thượng Hải, Trung tướng Juchanco Sabban, chỉ huy các lực lượng quân đội của Philíppin cách đó 1500 dặm trên Biển Đông, đã bắt đầu chuẩn bị để đối phó với rắc rối.
Phía Trung Quốc cho biết dàn khoan này sẽ sớm được đưa xuống phía Nam, tới các vùng biển giàu dầu mỏ và khí đốt, và cũng đầy bất trắc về khả năng xảy ra xung đột.
“Chúng tôi bắt đầu chơi chiến tranh với những gì chúng tôi có thể làm”, Tướng Sabban nói. Ông từng là lính thuỷ quân lục chiến do Mỹ huấn luyện, và hiện là Tư lệnh Bộ chỉ huy phía Tây của Philíppin, chịu trách nhiệm chống lại những kẻ xâm nhập từ một vùng biển rộng lớn mà Manila coi là của mình, nhưng Bắc Kinh cũng có tuyến bố chủ quyền.
Các tranh cãi xung quanh việc ai sở hữu cái gì ở Biển Đông đã diễ ra từ nhiều thập kỷ nay, từ khi Chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc năm 1947 ban hành một bản đồ sơ lược với 11 đoạn nhận gần như toàn bộ vùng biển rộng 1,3 triệu dặm vuông là củ Trung Quốc. Đảng Cộng sản lật đổ Tưởng Giới Thạch nhưng vẫn giữ tấm bản đồ của ông ta cũng như những tuyên bố chủ quyền rộng lớn, mặc dù đã bỏ đi hai đoạn.
Ngày nay, cơn khát năng lượng không thể thoả mãn của Trung Quốc đã trở thành một nhân tố mới, có khả năng bùng nổ cao, trong các cuộc tranh cãi lâu dài về khoa bản đồ, những vấn đề bí hiểm của luật quốc tế và những mảnh gốm sứ cổ mà Trung Quốc nói là đã minh chứng cho “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình ở Biển Đông.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Pari, Trung Quốc hiện nhập khẩu hơn một nửa lượng dầu tiêu thụ và sẽ tăng gần gấp đôi nhu cầu của mình trong một phần tư thế kỷ tới. Nhu cầu của Trung Quốc đối với khí đốt – thứ tài nguyên được cho là dồi dào bên dưới một quần đảo bao gồm nhiều hòn đảo và san hô có tên là Hoàng Sa, ở phía Tây của Philíppin – được dự tính sẽ tăng gấp bốn lần.
Với lượng tiêu thụ gia tăng nhanh chóng và giá nhiên liệu nhập khẩu đang tăng lên, Trung Quốc tìm kiếm quyết liệt các nguồn cung mới để tăng lượng dự trữ năng lượng của mình, trong đó dầu hiện chỉ chiếm 1,1% tổng dự trữ của thế giới – tỉ lệ quá nhỏ đối với một quốc gia mà năm vừa rồi đã tiêu thụ 10,4% tổng lượng sản xuất dầu của thế giới và 20,1% tất cả năng lượng được tiêu thụ trên toàn cầu, theo Thống kê Năng lượng Thế giới cảu hãng BP.
Kết quả là, Bắc Kinh coi các vùng biển tranh chấp không chỉ đơn thuần là nơi phất lên ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa, mà còn là phần không thể thiếu đối với tương lai thịnh vượng kinh tế của mình.
Theo William Fallon, cựu đô đốc bốn sao của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ từ năm 2005 đến 2007, “Tiềm năng dưới đáy biển rõ ràng là một động cơ lớn” trong các thay đổi gần đây của Trung Quốc theo hướng hiếu chiến hơn trên Biển Đông. Trung Quốc thận trọng không đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình đến độ xảy ra xung đột vũ trang nghiêm trọng, có thể phá vỡ sự tăng trưởng kinh tế mà Đảng Cộng sản đã nhờ vào đó để trụ lại. Nhưng, Fallon nói, màn sương bí mật bao quanh tư duy của người Trung Quốc dày đến mức “chúng ta hầu như không hiểu được điều gì thực sự khiến họ hành động như vậy”.
Một yếu tố lớn khác tạo nên sự thiếu chắc chắn này là sự đan xen các tính toán thương mại, chiến lược và quân sự của Trung Quốc. Giống như các công ty năng lượng khổng lồ khác ở Trung Quốc, Tập đoàn CNOOC, chủ nhân của dàn khoan mới của Trung Quộc, cũng theo đuổi lợi nhuận nhưng phải chịu trách nhiệm cao nhất trước đảng, trong đó người đứng đầu của tập đoàn là do Ban Tổ chức của đảng chỉ định.
Tập đoàn dầu lửa này có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, nhưng một công ty mẹ do nhà nước sở hữu ở Bắc Kinh nắm phần lớn cổ phần – và ra các quyết định chính. Điều này đã tạo ra yếu tố bí ẩn trong cái mà lẽ ra có thể là kế hoạch kinh doanh rõ ràng và tương đối dễ đoán của một công ty.
Khi CNOOC nhận bàn giao dàn khoan dầu mới với công nghệ cao vào tháng Năm, Tướng Sabban rất lo ngại trước các thông tin của Trung Quốc rằng họ sẽ bắt đầu tại một địa điểm chưa xác định trên Biển Đông. Chỉ với một số tàu cũ kỹ dưới quyền chỉ huy của ông nhưng quyết tâm ngăn chặn bất cứ hoạt động khoan dầu nào trong các vùng biển mà Philíppin tuyên bố chủ quyền, Sabban đề ra một kế hoạch tác chiến phi truyền thống: Ông đề nghị ngư dân Philíppin sẵn sàng sử dụng tàu thuyền của họ ngăn chặn dàn khoan khổng lồ kia nếu nó xuất hiện ngoài khơi Palawan, một hòn đảo của Philíppin với thủ phủ Puerto Princesa là trung tâm chỉ huy của Bộ Tư lệnh phía Tây.
“Chúng tôi không thể đọ sức mạnh quân sự với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn có thể chống lại”, Sabban nói. Ông từng được huấn luyện ở Trung tâm Thuỷ quân Lục chiến tại Quantico của Mỹ, có bằng thạc sĩ ở Đại học Hải quân thuộc bang Rhode Island (Mỹ), và với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, đã chiến đấu với các phần tử Hồi giáo nổi dậy ở miền Nam. Tướng Sabban nói: “Chúng tôi phải gửi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình”, và nhấn mạnh rằng nhiều phần của quần đảo Trường Sa – mà Philíppin gọi là Kalayaan, nghĩa là tự do – nằm cách Philíppin chỉ 100 dặm, và cách Trung Quốc hơn 1000 dặm.
Thương lượng một giải pháp
CNOOC từ chối cung cấp thông rin về địa điểm đặt dàn khoan của mình – dàn khoan cho phép Trung Quốc khoan tại các vùng biển sâu hơn nhiều so với trước đây – và các máy bay do thám của quân đội Philíppin chưa hề thấy bóng dáng của nó. Trong chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino và nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cam kết giải quyết các tranh chấp giữa hai nước một cách hoà bình thông qua đàm phán, mặc dù hai bên vẫn chưa thống nhất được chính xác ai cần đàm phán: Bắc Kinh muốn đàm phán riêng với từng bên tranh chấp; Manila và các nước nhỏ khác muốn có một giải pháp khu vực.
Và hiện chưa ai biết trữ lượng thực sự về dầu lửa mà họ sẽ đàm phán. Khi còn chưa có các khảo sát chi tiết, các tính toán ước lượng có kết quả rất khác nhau, mặc dù con số của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính rằng Biển Đông có thể có trữ lượng gần gấp hai lần trữ lượng đã được biết đến của Trung Quốc về dầu và khí đốt.
Các ước lượng của Trung Quốc còn cao hơn nhiều lần. Tháng Giêng vừa qua, Bộ đất đai và tài nguyên ở Bắc Kinh cho tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản biết rằng các nhà địa chất của Trung Quốc đã tìm ra 38 mỏ dầu và khí ở dưới Biển Đông và dẽ bắt đầu khai thác trong năm nay. Bộ này từ chối cung cấp thêm thông tin, từ chối cho phỏng vấn quan chức của họ.
Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã ngày càng tự thị trong các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình, có tranh chấp không chỉ với Philíppin mà cả với Việt Nam, Malaixia, Đài Loan và Brunây, và tranh chấp các đảo với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, cũng nằm gần các mỏ dầu và khí.
Đầu năm nay, các tàu của Trung Quốc, trong đó có tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, đã dựng các cột mốc và đổ vật liệu xây dựng bên trên gần một đảo ngầm gần bở biển Palawan. Tướng Sabban đã cho dỡ bỏ các cột mốc của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đặc biệt tích cực trong việc cản trở các nỗ lực của Philíppin và các nước khác trong việc khai thác các tài nguyên mà Trung Quốc muốn là của riêng mình. Tướng Sabban cho biết vào đầu năm nay các tàu hải quân Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu thăm dò địa chấn làm việc cho Forum Energy, một công ty của Anh đang thăm dò dầu hí theo hợp đồng với Philíppin. Sau hai ngày với các vụ suýt va chạm, Sabban đã cử một máy bay quân sự nhỏ tuần tra khu vực. “May là phía Trung Quốc đã rút lui”, ông nói. Một đợt khảo sát mới dự kiến sẽ được thực hiện vào đầu năm sau, đặt ra khả năng có thêm đối đầu.
Trung Quốc chưa có phản đối nào với dàn khoan khí tự nhiên lớn hiện có ngoài khơi Palawan do một công ty nhà nước của Philíppin, hãng Shell và Chevron cùng xây dựng, nhưng yêu cầu Manila tránh xa khu vực giàu tiềm năng về năng lượng ở Trường Sa gần đó. Tuy vậy, Bộ Năng lượng của Philíppin hiện đã nhận đơn dự thầu với 15 lô thăm dò ngoài khơi mới, trong đó có ba lô nằm trong hoặc gần các vùng biển tranh chấp.
Ismael Ocampo, Giám đốc phụ trách phát triển nguồn năng lượng của Bộ, nói rằng ông muốn CNOOC tham gia đấu thầu vì điều đó sẽ có nghĩa là Bắc Kinh thừa nhận quyền tài phán của Philíppin. Nhưng, điều này khó có khả năng xảy ra, ông muốn có một công ty lớn của Mỹ tham gia vì “họ có một hạm đội tàu chiến” phía sau.
Trên toàn khu vực, quân đội các nước đang mở rộng, trong đó điển hình nhất là Trung Quốc với việc hạ thuỷ tàu sân bay đầu tiên hồi tháng Tám, con tàu xây dựng trên thân tàu do Liên Xô sản xuất. Với chi phí quân sự tăng trung bình mỗi năm trên 12%, Trung Quốc đã và đang đổ tiền vào lực lượng hải quân. Năm ngoái, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam làm nơi trú ngụ cho các tàu ngầm tấn công mang tên lửa đạn đạo của Hạm đội Nam Hải, và đã đạt được tiến bộ nhanh hơn nhiều so với mong đợi trong việc chế tạo các tên lửa chống tàu mà một ngày nào đó có thể đánh đắm các tàu sân bay của Mỹ. Theo một báo cáo gần đây cảu Lầu Năm Góc, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chế tạo thêm nhiều tàu sân bay trong một thập kỷ tới.
Việt Nam, tháng Năm vừa qua đã buộc tội Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của mình, hiện đang mua tàu ngầm của Nga và đón các chuyến thăm của Hải quân Mỹ. Philíppin vừa mới mua con tàu hải quân hiện là lớn nhất của mình: một tàu tuần duyên cũ đã 40 tuổi của Mỹ. Oasinhtơn – vốn có hiệp ước phòng thủ trong 20 năm qua với Manila – đã cho không một hệ thống vũ khí. Nhiệm vụ chính của con tàu mới sẽ là giúp Bộ tư lệnh phía Tây của Tướng Sabban tăng cường tuần tra ngoài khơi Palawan, một hòn đảo đẹp, dài 265 dặm nằm xiên vào Biển Đông.
Trong một số lĩnh vực, mong muốn của Trung Quốc nhằm duy trì một nguồn cung năng lượng ổn định là phù hợp với lợi ích của Mỹ và các quốc gia khác: tất cả đều muốn đảm bảo các đường vận tải biển lưu thông và các tàu chở dầu có thể đi lại mà không gặp trở ngại qua Eo biển Malắcca trên đường tới Trung Quốc, Nhật Bản và những nơi khác.
Nhưng việc Trung Quốc khăng khăng đòi làm chủ hầu như toàn bộ khu vực – và các nguồn tài nguyên bên dưới đáy biển – đã tạo ra mối bất an sâu sắc, xóa đi rất nhiều thiện chí mà Trung Quốc trước đó đã cố gắng lắm mới có được.
Abraham Mitra, thống đốc của Palawan nhận xét: “Có lẽ họ cần năng lượng hơn là hình ảnh của họ”. Cùng với tướng Sabban, mùa Hè năm nay viên thống đốc này đã đi máy bay quân sự tới Pagasa, một hòn đảo do Philíppin kiểm soát ở Trường Sa với dân số 50 người và một đồn quân sự nhỏ, treo cơ quốc gia của họ. Trung Quốc buộc tội họ xâm phạm lãnh thổ.
Chuyến đi được tổ chức bởi nghị sĩ cánh tả Walden Bello, người sau nhiều năm chỉ trích Mỹ giờ đã chuyển mối lo ngại hơn sang Trung Quốc. Bello nói: “Cứ nhìn vào các bản đồ của họ rồi anh sẽ nói ‘Chúa ơi, làm sao họ nghĩ ra được những tuyên bố chủ quyền thế này?’”. Ông bảo trợ một dự luật trước Quốc hội để gọi Biển Nam Trung Hoa là Biển Tây Philíppin.
Một số chính trị gia, thậm chí còn muốn Mỹ tái thiết lập các căn cứ quân sự tại Philíppin – 20 năm sau khi Manila, trong một lần bùng nổ tinh thần dân tộc giữa lúc đầu như không ai để ý đến Trung Quốc – đã đuổi Hải quân và Không quân Mỹ ra đi.
“Chúng tôi cần Mỹ trở lại, và người Mỹ cũng cần phải trở lại,” James “Bongo” Gordon, thị trưởng của Olongopo nói. Olongopo là nơi có Vịnh Subic, nơi đến năm 2001 vẫn có một căn cứ hải quân của Mỹ. Tướng Sabban và Thống đốc Mitra thì giễu cợt với ý tưởng Mỹ lập lại căn cứ ở Vịnh Subic, nhưng nói rằng Mỹ nên xem xét đến Palawan, vốn gần hơn nhiều với các địa điểm có thể xảy ra xung đột tại trường Sa.
Tại trụ sở ngay bờ biển của mình, Tướng Sabban khoe một chiến tích khiêm tốn về những nỗ lực của ông trong tuyên bố chủ quyền của Philíppin. Những người lính của ông đã bắt đầu giữ chiếc tàu và sáu thuỷ thủ Trung Quốc vào hồi tháng Ba năm nay ngoài khơi biển phía Nam Palawan.
Được phỏng vấn trong một trại giam ở Puerto Princesa, các thuỷ thủ Trung Quốc nói họ đi từ đảo Hải Nam của Trung Quốc để đánh cá và bị lạc do thiết bị hàng hải bị hỏng. Họ từ chối cung cấp thông tin về chủ nhân của chiếc tàu. Tướng Sabban nghi ngờ lời khai này và nghĩ rằng họ thuộc một hạm đội Trung Quốc lớn hơn vì chiếc tàu nhỏ này không thể tự đi xa như vậy được. Tuy nhiên, họ đến với mục đích gì thì còn chưa rõ.
Sau nhiều năm không được dư luận chú ý, Biển Đông – nơi Philíppin kiểm soát 5 đảo nhỏ, hai đảo đã ngầm và hai bãi cát – giờ trở thành tin tức trên trang nhất của báo chí ở Philíppin. Sự cảnh giác trước các ý đồ của Trung Quốc thậm chí còn hiện diện trong một cuộc thi sắc đẹp gần đây.
Người chiến thắng trong cuộc thi “Hoa hậu Palawan” năm nay là cô gái 18 tuổi Sarah Sopio Osorio, một sinh viên ngành kế toán đã trở thành đại diện của Kalayaan, tên gọi của Philíppin với quần đảo Trường Sa. Cô đã chiến thắng sau một bài phát biểu phấn khích ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Philíppin.
Osorio không sống ở Trường Sa nhưng đến thăm một tháng mỗi năm với bố mẹ mình, hiện làm việc cho chính quyền của đảo Pagasa. Chuyến đi mất ba ngày bằng tàu từ Puerto Princesa. “Tôi nôn suốt dọc đường,” hoa hậu nói. Tuy nhiên, cô nói rằng Philíppin phải kiên trì bảo vệ chủ quyền trước các đòi hỏi “tham lam” của Trung Quốc. Cô không nghi ngờ gì động cơ của Trung Quốc: “Dầu lửa là lý do duy nhất. Chỉ có nó thôi”.
No comments:
Post a Comment