Friday, August 8, 2014

5. SỰ MẤT CÂN BẰNG TRONG CHÍNH SÁCH XOAY TRỤC CỦA MĨ

Sự mất cân bằng trong chính sách xoay trục của Mỹ

Thứ năm, 07 Tháng 8 2014 14:11
Mỹ bị lôi kéo vào Châu Á , không chỉ vì giá trị của Mỹ mà hoàn toàn bởi vì lợi ích của Mỹ. Bởi vậy, chính sách đối với châu Á phải thực tế, đầy đủ nguồn lực chứ không phải những lời nói hùng biện.


Sự leo thang xung đột ở Ucraina và Gaza đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới, làm lu mờ những vấn đề mang tính chất thay đổi lớn trong quyền lực thế giới. Sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực ở Châu Á sẽ có ảnh hưởng đến thế giới nhiều hơn vấn đề Gaza và Ucraina. Điều đó lý giải vì sao vào tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barrack Obama quyết định xoay trục về Châu Á, một sự thay về chính sách nhằm tái cân bằng ở khu vực.
Theo Danny Russel, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Đông Á, quan chức văn phòng Tổng thống Obama về Châu Á, thì trung tâm của việc tái cân bằng là một loạt các chính sách phản ánh sự ưu tiên của chính quyền Mỹ đối khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện bằng 6 chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry tới Châu Á, việc tăng ngân sách cho bộ phận Châu Á trong bộ Ngoại giao, việc gia tăng hiện diện của lực lượng hải quân trong khu vực và việc giành thời gian và trí tuệ của các quan chức Mỹ cho khu vực, trong đó bao gồm cả Tổng thống. Hiện nhiều người, đặc biệt cả hai đảng đối lập tại Mỹ đều phải thừa nhận rằng tương lai của Mỹ, xét về phía cạnh kinh tế và an ninh sẽ gắn chặt với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thực chất của chính sách xoay trục này là một sự cam kết về an ninh, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh và mua bán thương mại. Một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận của Washington là ủng cố mối quan hệ với các đồng minh tại khu vực. Vì vậy, Washington đã hoàn toàn ủng hộ quyết định của Nhật trong việc diễn giải lại hiến pháp, theo đó cho phép Nhật có thể tham gia vào các vấn đề an ninh tập thể, quyền tiến hành phòng vệ tập thể theo những cách hạn chế, đây là điều rất có lợi cho liên minh của Mỹ. Theo quan điểm của Russel, Úc sẽ được hưởng lợi trực tiếp trong việc Nhật Bản sẵn sàng tham gia với vai trò lớn hơn trong hợp tác quân sự quốc tế.
Russel cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều có thể cùng tồn tại. Ông phản đối quan điểm Washington cần yêu cầu các đồng minh phải đưa ra sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ sẽ bằng mọi cách tạo ra một sân chơi cho Trung Quốc, theo đó Trung Quốc phải tuân thủ các luật chơi được áp dụng cho cả hai phía. Russel cũng chỉ trích trực diện các hoạt động gián điệp công nghiệp và những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Việc Trung Quốc xác định chủ quyền bằng đường đứt khúc chín đoạn bao gồm gần hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý vững chắc về luật quốc tế. Những hành động áp đặt nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là việc gây hấn trên biển và các hành động thương mại chống lại các nước khác như Việt Nam và Phillipines là hết sức nguy hiểm. Với những hành động này, rõ ràng Trung Quốc là một tác nhân gây mất ổn định trong khu vực. Chính quyền Obama cũng đã chỉ trích những hành vi thù địch của Trung Quốc đối với Nhật, trong đó xem Nhật là đối thủ chính trong các hoạt động tuyên truyền của mình. Chính quyền Mỹ không đòi hỏi gì hơn ở Trung Quốc là các ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế, và Mỹ sẽ không cố gắng tìm mọi cách để cản trở sự phát triển của Trung Quốc.
Russell nói rằng, ông hoàn toàn phản đối những quan điểm cho rằng Mỹ và đồng minh là thù địch và tìm cách kìm hãm Trung Quốc. Nếu quan điểm đó là đúng thì Trung Quốc không thể trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, và Trung Quốc cũng không được mời tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC.
Tại Washington, có nhiều tiếng nói cứng rắn hơn về Trung Quốc. Thượng nghĩ sĩ Cộng hòa, cựu ứng cử viên Tổng thống John McCain cho rằng chính sự phản ứng yếu ớt của chính quyền Obama đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy. McCain nói “Người Trung Quốc cho rằng một vài trăm năm qua Trung Quốc ở trong tình trạng mu muội. Họ cảm thấy cần phải giành lại vai trò lãnh đạo ở Châu Á trong thế kỷ 21 này. Họ tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn năng lượng, áp đặt sự kiểm soát đối với Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải…, nói tóm lại họ đã vi phạm rất nhiều thứ mà Mỹ, Úc và nhiều nước khác đã phải lên tiếng. Không biết liệu Trung Quốc có thể đi xa đến đâu, nhưng những hành động của họ gần đây nhất đối với Việt Nam là hết sức lo ngại. Cách tốt nhất để hạn chế những hành động ngang ngược của Trung Quốc là cần có một liên minh đoàn kết các quốc gia với quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải. Điều đó không có nghĩa là đối đầu, vì Trung Quốc luôn luôn diễn giải những gì Mỹ làm là đối đầu, nhưng khi họ đâm chìm tàu của Việt Nam  thì họ cho đó là quyền của Thượng đế đã ban cho họ.”
McCain cũng chỉ trích kịch liệt Obama về sự tín nhiệm, ông nói những gì xảy ra ở Trung Đông đều ảnh hưởng đến mọi thứ trên Thế giới. Các nhà lịch sử sẽ xem việc Tổng thống tuyên bố sẽ tấn công Syria, nhưng sau đó nuốt lời, là một bước ngoặt bi thảm. Mc Cain cũng cho rằng phạm vi việc triển khai quân sự cho chiến lược xoay trục Châu Á đang bị trì hoãn bởi việc cắt giảm ngân sách của Lầu năm góc. Cho đến nay, dù với bất cứ lý do gì thì sự tái cân bằng về quân sự vẫn chưa được thực hiện. Trung Đông và Ucraina đang trong tình trạng nguy hiểm cần phải có sự hiện diện của hải quân tại Biển Đen. Nhưng sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng, cùng với sự yếu kém đã làm ảnh hưởng để khả năng đóng mới tàu chiến, và không có tàu chiến thì không thể tăng cường sức mạnh hải quân được. Chính quyền Obama nói rằng họ đang thực hiện cam kết sẽ đồn trú 60% lực lượng hải quân ở Châu Á, nhưng việc cắt giảm ngân sách như hiện nay thì cam kết của Obama là không có ý nghĩa. Nếu quy mô của lực lượng quân đội càng ngày càng thu nhỏ thì việc gia tăng hiện diện quân sự Mỹ ở Châu Á càng khó khăn.
Một điểm thống nhất giữa McCain và chính quyền Obama đó là cần nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á  trong chinh sách của Mỹ. Russel nói rằng sự tái cân bằng ở Châu Á cũng chính là sự tái cân bằng trong bản thân chính sách của Mỹ đối với Châu Á, nhấn mạnh hơn nữa đối với Đông Nam Á. Russel phản đối quan điểm cho rằng Mỹ là một cường quốc nằm ngoài Châu Á, ông cho rằng Mỹ là một phần không thể thiếu được của Châu Á, liên quan chặt chẽ tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị. Có một số quan điểm cho rằng các đồng minh của Mỹ ở Châu Á cần tiền của Trung Quốc và an ninh của Mỹ. Điều này không hoàn toàn đúng vì Mỹ hiện vẫn là một đối tác thương mại lớn của Châu Á, vẫn là nước đầu tư lớn hơn nhiều ở hầu hết các nước Châu Á so với Trung Quốc.
Sáng kiến kinh tế quan trọng ở Châu Á của Washington là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP nhấn mạnh tự do tương mại, nhưng một điểm yếu đó là trong các nước tham gia đàm phán không có Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc. Nhưng TPP có cơ chế mở cho các thành viên trong tương lai nếu họ có nguyện vọng và thiện chí thực hiện những tự do thương mại cần thiết.
Cuối năm nay, Tổng thống Obama sẽ tham dự một số cuộc hội nghị quan trong ở khu vực, như Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và HNTĐ G20 tại Brisbane. Đây sẽ là cơ hội để Mỹ có thể tuyên truyền cho TPP. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng đây là một thỏa thuận thương mại mang tính tham vọng và chưa có tiền lệ. Chính quyền Mỹ phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể đạt được sự thành công.
Theo một số nguồn tin từ bên trong chính quyền, và nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ rất ít khi, thậm chí là không bao giờ nói về tầm quan trọng của Châu Á, hoặc xoay trục về Châu Á cho các khán giả nội địa. Ông chỉ nói một cách hùng biện về Châu Á khi ông đang ở Châu Á. Nhưng ông không thể tạo được một sự đồng thuận trong nội bộ Mỹ về tâm quan trọng của Châu Á nếu như không chịu đề cập về Châu Á tại nước Mỹ.
Trong chuyến thăm gần đây của Obama đến Nhật, đã không đạt được nhiều kết về tiến triển của TPP. Một số nguồn tin bên trong ở Nhật nói rằng Tokyo sẽ không đưa ra những đề nghị tốt nhất, trong khi Obama từ chối đưa ra bất kỳ ý kiến nào về đàm phán tại Quốc hội Mỹ, không tìm kiếm sự ủng hộ của cơ quan thúc đẩy thương mại, để cho phép một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội cho ký kết cuối cùng. Mike Green, cựu giám đốc Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia cho rằng vị trí của Mỹ ở Châu Á sẽ có lợi từ việc tái khẳng định và mở rộng cam kết của Nhật, tăng cường mối quan hệ đồng minh với Úc. Trong một chừng mực nào đó, cả Tokyo và Canberra đang thiếu một tiếng nói rõ ràng, một vai trò lãnh đạo ở Châu Á dưới thời nội các Obama 2. Mặc dù chuyến thăm của Kerry tới Châu Á, nhưng trong chuyến thăm ông chỉ tập trung vào các vấn đề ở Trung Đông và Châu Âu. Chỉ mỗi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trở thành người trong nội các lên tiếng về Châu Á. Nhật đã ủng hộ mạnh mẽ cho một liên minh mạnh hơn với Mỹ vì sự đe dọa của Trung Quốc, và Mỹ cũng ủng hộ một liên minh mạnh hơn với Nhật. Nhưng cả Tổng thống Abe và Tổng thống Obama không ai ấn nút, bởi vẫn còn sự khác biệt trong vấn đề TPP, biến đổi khí hậu và những vấn đề khác.
Abe và Abbott đã cùng nêu lên những giá trị dân chủ như một điều quan trọng trong chính sách ngoại giao khu vực của họ, cả hai vị Thủ tướng này đã rất nhiệt tình trong việc xây dựng mối quan hệ đồng minh và có một quan điểm rõ ràng về chiến lược của họ ở khu vực. Nhưng họ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu chiến lược của ông Obama là gì.
Mỹ bị lôi kéo vào Châu Á , không chỉ vì giá trị của Mỹ mà hoàn toàn bởi vì lợi ích của Mỹ. Mỹ sẽ luôn luôn là cường quốc ở Châu Á. Vấn đề đặt ra là cường quốc đến chừng nào và ảnh hưởng thực tế đến đâu.
Văn Cường (gt)

No comments: