Sự thất bại của Trung Quốc ở Biển Đông
Thứ năm, 07 Tháng 8 2014 09:43
Những gì mà Trung Quốc hy vọng đạt được qua việc triển khai HD 981 như dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ hoặc lợi thế chiến lược lâu dài đều không đạt được. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần đây của Trung Quốc là một sai lầm to lớn.
Những gì mà Trung Quốc hy vọng đạt được qua việc triển khai HD 981 như dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ hoặc lợi thế chiến lược lâu dài đều không đạt được. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần đây của Trung Quốc là một sai lầm to lớn. Trung Quốc không kiếm được một chút dầu mỏ nào, không giành thêm được một tí lãnh thổ nào mà lại còn tạo thuận lợi cho Mỹ trong khu vực.
Dường như hoạt động này không phải chỉ là để tìm dầu mỏ. Có những địa điểm khác có nhiều triển vọng hơn; hai khu vực mà HD 981 thăm dò không có nhiều triển vọng có dầu mỏ. Báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ năm 2013 cho thấy rằng trữ lượng dầu mỏ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là thấp. Rõ ràng mục đích của việc hạ đặt giàn khoan không phải để tìm kiếm và khai thác dầu mỏ.
Vụ việc này cũng không phải để nhằm khơi lên lòng tự tôn dân tộc của người dân Trung Quốc bởi vì như nhà nghiên cứu người Úc Andrew Chubb cho thấy tin tức về các vụ đụng độ giữa đội tàu bảo vệ và cảnh sát biển Việt Nam không được báo chí đưa tin cho đến một tuần sau đó.
Có thể có mục tiêu chính trị khác; kế hoạch hạ đặt giàn khoan có lẽ đã được bàn bạc và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan chính xác một tuần trước ngày diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar. Có thể Trung Quốc hy vọng sẽ lặp lại chiến thắng tại Hội nghị BTNG ASEAN 7/2012 (Campuchia phản đối tuyên bố chung). Kết quả lần này hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Bắc Kinh: các nước cùng nhau đưa ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc dừng các hành vi sai trái. Đây cũng là lần đầu tiên ASEAN lên tiếng về vùng tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa - vốn chỉ là tranh chấp giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng đây là ví dụ của chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc. Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc cũng đã thất bại cùng với việc rút giàn khoan. Nếu Trung Quốc cho rằng hành động của Trung Quốc củng cố đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc thì sự phản ứng mạnh của Việt Nam càng cho thấy Hoàng Sa là vùng biển có tranh chấp.
Nếu mục đích của Trung Quốc là kích động đối đầu để làm suy yếu mối liên hệ an ninh giữa Mỹ và Đông Nam Á thì Trung Quốc cũng không thành công. Trung Quốc cũng âm mưu bắt nạt các đồng minh, bạn bè của Mỹ ở khu vực, ám chỉ rằng Mỹ phải bỏ bạn hoặc phải đối đầu với Trung Quốc. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ và việc làm của Trung Quốc chỉ có tác dụng ngược lại, đẩy Việt Nam gần hơn với Mỹ.
Tóm lại, những gì mà Trung Quốc hy vọng đạt được qua việc triển khai HD 981 như dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ, lợi thế chiến lược đều không đạt được. Vụ việc cho thấy chính sách ở Biển Đông của Trung Quốc phản ánh lên các ưu tiên nội bộ hơn là chính sách đối ngoại. Biển Đông trở thành miếng bánh cho các tổ chức, lực lượng Trung Quốc. Lực lượng hải quân có ngân sách lớn hơn và cùng với đó là chức vụ, phần thưởng... Cũng tương tự như vậy đối với lực lượng cảnh sát biển đang cố chứng tỏ sự hữu ích của mình. Hải Nam là tỉnh nhỏ nhất và tương đối nghèo của Trung Quốc, đang cố thúc đẩy công nghiệp đánh bắt cá và nguồn tài trợ lớn của chính phủ cho hoạt động này. Các công ty dầu mỏ cũng cạnh tranh nhau đi tiên phong khai thác, thăm dò ở khu vực có tranh chấp - khu vực chưa được khai thác
Cho dù là vì lý do chủ nghĩa dân tộc, an ninh, lợi nhuận hay việc làm, thì đều nhằm chung mục đích: Trung Quốc phải có quyền sử dụng các tài nguyên ở Biển Đông.
Lược dịch từ National Interest
Trần Quang (gt)
No comments:
Post a Comment