THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 2/11/2011
TTXVN (Tôkyô 26/10)
Ngày 24/10, tờ “Thời báo Nhật Bản” đã đăng bài phân tích của tác giả Joshy M. Paul, nghiên cứu sinh thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản và nghiên cứu sinh tại Tổ chức Hàng hải Quốc gia của Ấn Độ, về cuộc chiến tranh giành không gian chiến lược ở Đông Nam Á của ba cường quốc khu vực. Dưới đây là nội dung bài viết này:
Châu Á chứng kiến một cuộc chạy đua giữa ba cường quốc gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để tranh giành không gian chiến lược trong khu vực. Các nỗ lực của ba cường quốc này đang tập trung vào Đông Nam Á, một khu vực đã từng ổn định nhưng hiện là một khu vực xung đột tiềm tàng.
Trung Quốc, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), là một quốc gia đang có tham vọng trở thành siêu cường, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ đang khao khát trở thành thành viên thường trực của UNSC. Giữa ba nước này có một điểm chung là họ cần một hệ thống khu vực thuận lợi để hỗ trợ cho vị thế và uy tín của các nước này.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang ngày càng hoan nghênh các cường quốc, trong đó có Mỹ, can dự vào các vấn đề an ninh khu vực để chống lại sự độc đoán của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở các quần đảo giàu tài nguyên Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông với Việt Nam, Philíppin, Brunây và Malaixia. Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trong khu vực Đông Nam Á và hành động mới nhất của nước này chính là cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn vào giữa tháng 6/2011 ở vùng biển tranh chấp, cách biên giới cực Nam của Trung Quốc hàng trăm hải lý, và cuộc diễn tập này được nhiều người coi là nhằm đe doạ Việt Nam. Trên thực tế, hồi tháng 5/2011, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã cắt cáp của một tàu thăm dò địa chấn thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Việt Nam tố cáo đầy là một hành động gây hấn có chủ ý của Trung Quốc. Một quan chức của Cục hải dương Trung Quốc được các phương tiện truyền thông Trung Quốc dẫn lời nói rằng lực lượng hải giám dân sự của Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm nhân lực từ 1.500 người hiện nay lên 9.000 người vào năm 2020 để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gần đây, Nhật Bản đã có những động thái quan trọng đối với khu vực này, nhất là đối với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phát biểu sau cuộc gặp giữa các quan chức quốc phòng Nhật Bản và các đối tác ASEAN ở Tôkyô hồi tháng 9/2011, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kimitô Nakae nói rằng quan hệ này đang phát triển “từ đối thoài sang một mối quan hệ mà Nhật Bản đóng vai trò hợp tác cụ thể hơn” trong hàng loạt vấn đề an ninh liên quan tới khu vực này. Bên cạnh đó, hai bên đang tìm cách tăng cường hợp tác khu vực giữa lúc Trung Quốc đang bành trướng từ từ ở Biển Đông. Tôkyô đã phát tín hiệu sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn với các nước trong khu vực này.
Gần đây, Nhật Bản và Việt Nam đã ký một thoả thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân và một tập đoàn có trụ sở ở Tôkyô đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân có công suất 1.000MW ở Việt Nam. Các lò phản ứng này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2021 và 2012. Bất chấp cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima đã tạo ra hàng loạt rào cản ở trong nước đối với các công ty năng lượng hạt nhân của Nhật Bản, những công ty này vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ hội ở thị trường nước ngoài.
Một động thái khác sẽ giúp Nhật Bản can dự sâu hơn về mặt chiến lược vào khu vực ASEAN là thoả thuận giữa nước này và Philíppin về an ninh hàng hải. Thoả thuận này được ký trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Philíppin Benigno Aquino III hồi tháng 9/2011. Quan hệ đối tác chiến lược với Philíppin và Việt Nam không chỉ mang lại cho Nhật Bản cơ hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề an ninh ở khu vực Đông Nam Á mà còn giúp các nước khu vực có niềm tin khi kháng cự lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang cạnh tranh và cố gắng ngăn cản sự nổi lên của nhau.
Trong khi đó, Ấn Độ vừa quyết định tiếp tục hoạt động thăm dò khí đốt ở hai lô ngoài khơi Việt Nam và thuộc khu đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 12 đến 15/10, hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông cùng với việc khởi động đối thoại chiến lược. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ và tuyên bố rằng các dự án này ở khu vực “không thể tranh cãi” của mình. Hôm 12/10, tờ Năng lượng Trung Quốc (China Energy News) do Nhân dân Nhật bản, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát hành cho rằng quan hệ quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam ở vùng biển này là ý tưởng tồi và cảnh báo rằng “chiến lược năng lượng của Ấn Độ đang rơi vào vòng xoáy cực kỳ nguy hiểm”.
So với các khu vực khác trên thế giới, hàng hải đã trở thành nguồn gốc chính cho cuộc xung đột ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chuyên gia phân tích Robert Kaplan cho rằng “Đông Á, hay chính xác hơn là khu vực Tây Thái Bình Dương, đang nhanh chóng trở thành trọng tâm mới cho các hoạt động hải quân của thế giới”, khác xa so với các toan tính an ninh tập trung vào châu Á trong thời hậu Thế chiến thứ Hai. Việc Trung Quốc âm thầm tìm kiếm vị trí chiến lược số một ở khu vực Đông Á đang dẫn tới giai đoạn hiện đại hoá quân đội của các nước khác. Để bắt kịp quá trình tăng cường sức mạnh quân sự mang tính số lượng của Trung Quốc, tất cả các nước trong khu vực đang xây dựng các chương trình hiện đại hoá vũ khí về chất lượng và số lượng.
Rõ ràng là trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chính sách ngoại giao tinh vi đối với khu vực Đông Nam Á. Ban đầu, chính sách này đi theo đường lối ngoại giao mềm thông qua việc cung cấp viện trợ kinh tế cho hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng và mở cửa thị trường nội địa cho hàng hoá sản xuất ở Đông Nam Á mà không gây ra sự phản kháng của khu vực về mặt chính trị. “Nhân tố có cảm giác tốt” này tổ ra hữu dụng bởi vì, nó giúp Trung Quốc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông với các nước đối thủ và qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho học thuyết “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc.
Giống như Bán cầu Tây đối với Mỹ và Đông Âu đối với Liên Xô trước đây, Trung Quốc cần một hệ thống khu vực thuận lợi để tăng cường địa vị trên toàn cầu. Sự thống nhất kinh tế ở khu vực Đông Nam Á là chưa đủ đối với Trung Quốc bởi vì nước này đang tìm cách tái thiết lập trật tự thế giới. Trung Quốc hình dung “một trật tự thế giới mới đã được thương lượng”, trong đó nước này hướng tới chiến lược bao vây nhằm tránh đối đầu trực diện với Mỹ, nhưng vẫn chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để định hình trật tự riêng trong dài hạn ở châu Á.
Tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc cần mối quan hệ láng giềng hoà bình. Nếu không, các tham vọng dài hạn của nước này có thể bị lâm nguy. Tuy nhiên, trái ngược với những toan tính này của Trung Quốc, không một nước nào trong số các nước ở ven biển sẵn sàng chấp nhận uy quyền tối cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang khu vực Tây Nam Á, bao gồm Pakixtan, Ápganixtan và Iran để tìm kiếm vai trò chính trị lớn hơn, nhất là sau khi Mỹ rút quân khỏi Ápganixtan vào năm 2014. Điều này có thể tạo ra một hệ thống khu vực có lợi hơn cho Trung Quốc cũng như mang lại cho Trung Quốc con đường tiếp cận được đảm bảo đối với khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn là thách thức cho các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Trong những năm tới, cả ba cường quốc châu Á trên có thẻ sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực này cả về kinh tế và chính trị. Điểm đáng chú ý chính là các nỗ lực của mỗi nước nhằm củng cố vị thế và quyền lực của mình mặc dù việc ngăn cản sự nổi lên của Trung Quốc cũng nằm trong các toan tính về mặt chiến lược của Ấn Độ và Nhật Bản. Nếu ba nước này không hành động một cách thận trọng và khôn ngoan khi tham gia cuộc cạnh tranh chiến lược này, châu Á sẽ trở thành khu vực xung đột quân sự tiềm tàng.
No comments:
Post a Comment