THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 09/10/2013
TTXVN (New York, 8/10)
Theo tờ “Chính trị châu Á”, Thủ tướng Shinzo Abe đang cố làm tất cả để đổi mới đất nước Nhật Bản, từ quân sự đến kinh tế và chính trị xã hội. Dưới đây là nội dung một bài viết về chủ đề này:
Cũng như hàng năm, Nhật Bản lại công bố Sách Trắng Quốc phòng vào tháng 7 vừa rồi và cũng như nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn lo ngại về sự phát triển quân sự trong lĩnh vực địa chiến lược của mình, để rồi Trung Quốc và Triều Tiên được nêu lên nhiều nhất trong Sách trắng năm nay.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, được công bố vào lúc chính phủ nước này mong muốn tăng cường khả năng quân đội của mình, cho biết là Nhật Bản đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng của hai nước chuyên quyền này. Đây là bản báo cáo đầu tiên từ khi Thủ tướng Shinzo Abe được bầu, hứa hẹn tăng cường nền quốc phòng của Nhật Bản, và điều này tạo nguy cơ gây ra tình trạng lạnh lẽo mới trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nước đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền nhóm đảo ở biển Hoa Đông. Sách Trắng vừa qua về quốc phòng của Nhật Bản là một dấu hiệu chắc chắn nữa cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt dưới thời chính phủ phái hữu của Thủ tướng Shinzo Abe. Nó đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển các khả năng quân sự của Nhật Bản và mối quan hệ với Mỹ.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2012 trong một bầu không khí bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Ông Abe đã phê phán chính phủ tiền nhiệm của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) không có lập trường kiên quyết chống Trung Quốc về vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị tranh chấp, và hứa sẽ xây dựng một “đất nước hùng mạnh” và một “quân đội hùng mạnh”. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ở Mỹ đã tạo thuận lợi một cách có cân nhắc kỹ lưỡng sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong khuôn khổ trục “Hướng tới châu Á” của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc. Nhà Trắng đã khuyến khích Nhật Bản có một thái độ hiếu chiến hơn ở Đông Bắc Á, cũng như tăng cường các khả năng quân sự và giải phóng nước này khỏi mọi sự ràng buộc do điều khoản “hòa bình” của Hiến pháp Nhật Bản bắt buộc.
Sách Trắng đã đưa ra lời hứa của ông Abe tái định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản gồm hai biện pháp thể hiện một cách công khai: một mặt, phải tạo ra một khả năng đánh chặn phòng ngừa vào các căn cứ của kẻ thù ở nước ngoài và mặt khác, thành lập một lực lượng của Nhật Bản tương tự lực lượng hải quân của Mỹ. Trong một mưu toan “lách” Hiến pháp, vốn hạn chế các “lực lượng phòng vệ” của đất nước trong việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, ông Abe đã biện minh cho các trận đánh phòng ngừa như là một phương tiện “phòng thủ hợp pháp” chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng của tên lửa từ bên ngoài. Cũng như vậy, một lực lượng hải quân của Nhật Bản đang được đề cập đến với cái cớ là các lực lượng vũ trang phải đủ sức đương đầu với khả năng xảy ra cuộc “chiến tranh đảo” để bảo vệ dãy dài các hòn đảo của Nhật Bản, và nhất là các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc. Việc xây dựng các khả năng quân sự của Nhật Bản cũng cần phải phù hợp với những sự chuẩn bị chiến tranh của Mỹ chống Trung Quốc. Các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản đã nằm trong các “kế hoạch chiến tranh đường không và đường biển” của Lầu Nám Góc, bao gồm các trận đánh trên không và tên lửa tàn phá nhằm vào các căn cứ quân sự và các mạng lưới viễn thông của Trung Quốc, được bổ sung bằng một sự phong tỏa đường biển.
Trái với các tài liệu quốc phòng trước đây của Nhật Bản, Sách Trắng năm nay không những hướng sự chú ý đến Triều Tiên mà còn tới “mối đe dọa” là Trung Quốc. Cuốn sách này dành 20 trang nói về Trung Quốc và quân đội Trung Quốc, lần đầu tiên tố cáo Trung Quốc ra sức dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng, mà theo Nhật Bản là không phù hợp với trật tự hiện nay của luật pháp quốc tế. Mặc dù bị Thủ tướng Abe chê là “yếu đuối” trong quan hệ với Trung Quốc, song trên thực tế, chính phủ tiền nhiệm do DPJ đứng đầu đã cố tình kích động bất đồng về đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc bằng cách tiến hành quốc hữu hóa các hòn đảo này. Và bây giờ là lúc để ông Abe nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tăng cường quân đội Nhật Bản. Năm nay là lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, ngân sách Quốc phòng của Nhật Bản tăng tới 4.680 tỷ yên, tức là tăng 0,8% so với ngân sách của năm tài khóa trước, nhưng còn xa mới bằng tỷ lệ tăng chi phí quân sự của Trung Quốc (10,7% năm 2013), chính thức lên tới 720,2 tỷ nhân dân tệ (88,8 tỷ euro) so với 40 tỷ euro ngân sách quân sự của Nhật Bản. Ngoài ra, hiện tại ông Abe đang chuẩn bị sửa đổi hiến pháp để cho phép các “lực lượng phòng vệ” trở thành các “lực lượng vũ trang thông thường”.
Sách Trắng về quốc phòng của Nhật Bản được công bố vào giữa lúc tình hình căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Các lực lượng Nhật Bản, trong đó có một tàu sân bay trực thăng lớn, sẽ thực hiện trên bờ biển phía Tây của Mỹ các cuộc tập dượt đổ bộ liên quân trong khuôn khổ một kịch bản giống như cuộc xung đột với Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc và Nga cũng vừa mới tiến hành cuộc diễn tập liên quân ở biển Nhật Bản, một sự cảnh cáo rõ ràng tới Nhật Bản và Mỹ. Trung Quốc cũng lấy cớ về Sách Trắng của Nhật Bản để kích động chủ nghĩa dân tộc ở nước này, nhắc lại việc Nhật Bản chiếm đóng tàn bạo Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng những sự chuẩn bị chiến tranh, tăng cường các lực lượng vũ trang và tập trận thường xuyên của Nhật Bản là nguyên nhân gây lo ngại về những “ý đồ thực sự và những tham vọng trong tương lai” của Tokyo. Trong khi đó, Sách Trắng của Nhật Bản miêu tả Trung Quốc như một nước hám tài nguyên và bị chia rẽ bởi một cuộc khủng hoảng nội bộ, nhất là đang phải đối mặt với một sự mở rộng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, những sự bất bình trong dân chúng về tình trạng sắc tộc và tham nhũng, và vì thế, Bắc Kinh đang sử dụng một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn như là phương tiện đánh lạc hướng tình hình căng thẳng xã hội của đất nước.
Về phần mình, sau hai thâp niên trì trệ về kinh tế, ông Abe đang tìm cách ngăn chặn sự suy sụp của Nhật Bản nhờ các chính sách kinh tế và quân sự hiếu chiến hơn. Ông đã kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi sự chia rẽ xã hội giữa người giàu và người nghèo tất yếu sẽ ngày càng trầm trọng thêm chừng nào chính phủ vẫn thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong quá khứ chưa lâu, để đối phó với cuộc đại suy thoái trong những năm 1930, chế độ quân phiệt Nhật Bản đã hướng tới các cuộc chiến tranh chinh phục ở châu Á, đè bẹp không thương tiếc sự phản đối của người dân ở trong nước. Và hiện nay, chính quyền của Thủ tướng Abe dường như cũng đang tìm cách bóp nghẹt các quyền dân chủ để trấn áp sự phản kháng của nhân dân trước chương trình nghị sự thân tư bản của phái hữu. Dự thảo hiến pháp do LDP đưa ra loại bỏ những sự bảo đảm dưới hình thức cáp quyền dân chủ cơ bản bằng cách nhấn mạnh đến những “giá trị truyền thống” của Nhật Bản, tức là nghĩa vụ của các công dân phải tuân theo Nhà nước. Ngoài ra, trong dự thảo này, thủ tướng còn có quyền áp đặt một “tình trạng khẩn cấp” trong trường hợp có chiến tranh hoặc “mất ổn định xã hội do các cuộc xung đột trong nước”.
Theo Thủ tướng Abe, mối đe dọa từ Triều Tiên đối với Nhật Bản cũng “rất nghiêm trọng”, nên Nhật Bản phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của mình. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có thể sẽ mua hai tàu khu trục mới trang bị hệ thống Aegis (hệ thống chiến đấu chống tên lửa của Mỹ), cùng với 6 tàu biển kiểu này mà Nhật Bản đã có do mối đe dọa từ các tên lửa Triều Tiên tăng lên. Đồng thời, Nhật Bản cũng tăng cường các liên minh về mọi mặt với Mỹ để đối phó với Triều Tiên.
Nếu Sách Trắng dành một chương quan trọng nói đến việc tăng cường liên minh với Mỹ, thì những sự hợp tác quân sự khác cũng được coi là cần thiết. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Itsunori Onodera, đã thực hiện chuyến thăm Philippines để tăng cường quan hệ giữa hai nước về mặt quốc phòng. Theo ông, hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc Nhật Bản phải tăng cường hợp tác về quốc phòng với các nước Đông Nam Á và Mỹ. Ngoài châu Á, Nhật Bản cũng tìm kiếm các đối tác, nhất là những nơi có thế mạnh về mặt công nghiệp quốc phòng, để mở mang hợp tác, trong số đó có Anh, quốc gia vừa ký với Nhật Bản hồi đầu tháng 7 vừa qua một thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng giữa hai nước.
Trong mục tiêu mở rộng hợp tác quốc phòng với bên ngoài, từ đầu tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Nhật Bản đã đưa các binh sĩ Hải quân tới bờ biển phía Nam bang California của Mỹ để tham gia các cuộc tập trận chung. Mục tiêu là cải thiện các khả năng tác chiến thủy lục quân phối hợp của các lực lượng quân sự Nhật Bản. Các cuộc tập trận này giúp tạo khả năng phối hợp tác chiến tốt nhất giữa Nhật Bản với đồng minh chính là Mỹ, kể cả trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và các thảm họa thiên nhiên. Nhật Bản đã đưa 3 tàu chiến, khoảng 1000 nhân viên thuộc lực lượng phòng vệ và 4 máy bay trực thăng chiến đấu tham gia cuộc tập trận này. Quân đội Nhật Bản đã tập dượt khả năng tấn công thủy lục quân phối hợp vào đảo San Clemente, nơi luyện tập hải quân của Mỹ ở ngoài khơi San Diego, và thực hiện các cuộc đổ bộ lên bãi biển của căn cứ hải quân Camp Pendleton. Từ nhiều năm nay, binh chủng hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tìm cách tăng cường khả năng liên tác chiến với Mỹ và khả năng tác chiến thủy lục quân phối hợp, một phần để lo đối phó với tình hình căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến đảo Senkaku/Điếu Ngư vì Trung Quốc thường xuyên đưa tàu biển tới các vùng lãnh hải gần nhóm đảo này và nhận là chủ quyền của mình. Việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trung phát triển hải quân một phần cũng là do sự hùng mạnh ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài khóa 2013 đánh dấu một sự đoạn tuyệt với hơn một thập niên giảm liên tục, và riêng ngân sách dành cho hải quân từ 1.107 tỷ yên, tăng lên 1.119 tỷ yên (9,22 tỷ euro). Được biết, 8 tàu ngầm lớp Soryu phủ một lớp cách âm có thể lặn sâu 650 mét sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016 đầu năm 2017. Các tàu này được kỳ vọng đủ sức chặn tàu của Trung Quốc vì khả năng chống tàu ngầm vẫn là một trong những điểm yếu của hải quân Trung Quốc. Nhật Bản cũng có thế dựa vào hai tàu sân bay lớp Hyuga (tên của một tuần dương hạm được hải quân Nhật Bản chuyển đổi thành tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai) được đưa vào sử dụng vào năm 2009 và 2011. Với trọng tải 13.950 tấn và dài 197 mét, hai tàu sân bay trên có thể chở 4 máy bay lên thẳng để thực hiện các sứ mệnh chính là chống tàu ngầm và chống mìn của đối phương.
Sự sụt giảm đột ngột chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản mới đây đã cho thấy tình trạng bất ổn ngày càng tăng của các thị trường tài chính thế giới. Sự náo động ở Nhật Bản đặc biệt có ý nghĩa bởi vì chương trình do chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe và Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đưa ra, hy vọng tăng gấp đôi dự trữ tiền tệ của nước này trong vòng hai năm. Từ khi chương trình được bắt đầu vào đầu tháng 4 vừa qua, BoJ đã mua tương đương 70% trái phiếu mới do chính phủ phát hành. Mục đích của chính sách này là làm giảm lãi suất, kích thích lạm phát và tăng hoạt động xuất khẩu. Một trong những mục đích không được tuyên bố là làm suy yếu các đối thủ kinh tế của Nhật Bản là Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác bằng cách phá giá đồng yên so với đồng tiền của họ và như vậy làm tăng đáng kể xuất khẩu của Nhật Bản. Điều này càng làm gia tăng tình hình căng thẳng giữa các cường quốc lớn, vì mỗi cường quốc đều ra sức cải thiện vị trí của mình nhờ vào các nước khác trong một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền quốc gia. Tình hình căng thẳng như vậy làm trầm trọng thêm tình hình chiến lược vốn đã rất nguy hiểm ở Đông Á, nơi Mỹ đang khuyến khích lập trường hiếu chiến của Nhật Bản chống Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ khu vực. Chính phủ Abe cũng hy vọng sử dụng chương trình của mình để giúp tài trợ và đưa ra các kế hoạch khôi phục kinh tế của mình, như giảm bớt lương hưu, áp đặt thuế mới… Ảnh hưởng ngay lập tức của chương trình kinh tế tài chính do BoJ đưa ra là tăng nhanh giá chứng khoán và như vậy làm gia tăng mối lo ngại rằng chính sách này sẽ tạo điều kiện làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Một mục tiêu của chính sách này là làm tăng giá trái phiếu của chính phủ bằng việc mua của ngân hàng trung ương, như vậy là làm giảm lãi suất. Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, cho rằng nếu các điều kiện kinh tế không được cải thiện, vào lúc lãi suất tiếp tục tăng do mối lo ngại về tình trạng tài chính của chính phủ, thì các thể chế tài chính lớn sẽ phải chịu tổn thất. BoJ tính toán rằng chỉ tăng 1% lãi suất cũng sẽ dẫn đến những tổn thất trên các thị trường chứng khoán tương đương với 10% vốn chính trong trường hợp các ngân hàng lớn và tới 20% đối với các ngân hàng khu vực nhỏ hơn. Ngoài ra mới đây, việc BoJ đã quyết định tăng gấp đôi khối lượng tiền dự trữ của mình trong hai năm tới nhờ vào việc mua hàng loạt trái phiếu, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính phủ của Thủ tướng Abe đã thông qua ngân sách bổ sung, tài trợ cho các công trình cơ sở hạ tầng lớn như đường quốc lộ, đường sắt v.v… Ngoài ra, Thủ tướng Abe đã hối thúc BoJ ủng hộ chính sách tiền tệ để chấm dứt nạn giảm phát. Để kích thích tăng trưởng kinh tế, chấm dứt trì trệ kéo dài khoảng 15 năm nay, chính phủ của Thủ tướng Abe đã thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu: thay đổi lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục tìm hiểu, thương lượng để ký các thỏa thuận trao đổi tự do với Mỹ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và với Liên minh châu Âu.
Tóm lại, từ quân sự đến kinh tế và chính trị xã hội, LDP của Thủ tướng Shinzo Abe đang cố tạo ra những thay đổi triệt để nhằm đưa Nhật Bản vào con đường tăng tốc phát triển, thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước này sau nhiều năm trì trệ. Theo ông Abe, sự thay đổi ấy là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực Đông Bắc Á đang có những diễn biến bất lợi cho tương lai.
No comments:
Post a Comment