Monday, August 18, 2014

21. XUNG ĐỘT TÔN GIÁO NHÌN TỪ GÓC ĐỘ QUAN HỆ QUỐC TẾ


Lịch sử nhân loại bị vò xéo bởi xung đột và bạo lực. Khi chiến tranh Lạnh kết thúc, niềm tin về một nền hoà bình vĩnh cửu như mơ ước của Immanuel Kant đã sống lại. Thế nhưng, niềm tin này đã nhanh chóng bị lung lay. Vô số cuộc xung đột đã xảy ra, nhiều cuộc chiến tranh đã bùng nổ, máu tiếp tục chảy, bạo lực tiếp tục được sử dụng trong quan hệ quốc tế. Con người đánh nhau không chỉ vì miếng ăn, của cải và đất đai mà còn vì các giá trị tinh thần. Dường như trong xã hội loài người nói chung, trong quan hệ quốc tế nói riêng, xung đột và bạo lực là không tránh khỏi.
Trong số này, xung đột tôn giáo được coi là một trong nguồn tiềm tàng của xung đột quốc tế. Xung đột tôn giáo liên quan đến các giá trị tinh thần và niềm tin tuyệt đối. Đó là những sản phẩm của nhận thức nên có thể thay đổi được. Vì thế, có người cho rằng, xung đột tôn giáo không có tính tất yếu. Họ lấy thực tế không có chiến tranh tôn giáo trong vài thế kỉ gần đây để chứng minh cho quan điểm này. Những người phản đối lại lập luận rằng, tôn giáo là một phần tất yếu của xã hội loài người và dù thực tế có đứt đoạn song xung đột tôn giáo vẫn hiện diện trong mọi thời kì. Và như vậy, xung đột tôn giáo luôn là một phần của cuộc sống.
Những người theo quan điểm sau đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ về lí thuyết và thực tiễn. Về lí thuyết, đó là quan điểm nổi tiếng gần đây của Samuel Huntington. Ông cho rằng, thế giới hậu chiến tranh Lạnh đang bước vào thời kì “đụng độ giữa các nền văn minh” và sự phân chia thế giới lớn nhất sẽ dọc theo các chiến tuyến văn hoá. Tôn giáo là một phần của văn hoá nên không đứng ngoài xu thế này. Xung đột giá trị tinh thần vẫn tiếp diễn bất chấp sự phổ biến các giá trị chung nhân loại trong thời đại toàn cầu hoá. Sự nổi lên gần đây của các phong trào tôn giáo chính thống được coi như minh chứng thực tiễn cho lập luận này.
Vậy xung đột tôn giáo có phải là tất yếu hay không? Xác định bản chất và nguyên nhân của hiện tượng sẽ giúp trả lời câu hỏi đó. Việc tìm hiểu vấn đề này có ý nghĩa nhất định đối với việc củng cố hoà bình và giữ gìn các giá trị văn hoá.
Do tính phức tạp của hiện tượng này cũng như khuôn khổ có hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến các nguyên nhân cơ bản và chung nhất trong xung đột tôn giáo. Ngoài ra, vấn đề này cũng được tập trung xem xét từ một trong các góc độ nghiên cứu – góc độ quan hệ quốc tế. Nói cách khác, đối tượng nghiên cứu của bài này giới hạn trong các xung đột tôn giáo có tính quốc tế.
Bản chất tôn giáo không phải là xung đột và bạo lực. Bản chất tôn giáo thể hiện trên hai phương diện chính là nguyên nhân ra đời và tinh thần giáo lí. Nguyên nhân ra đời phản ánh cơ sở tồn tại và phát triển. Giáo lí chứa đựng mục đích và con đường, nhận thức và hành vi, nội dung và phương tiện.
Tôn giáo xuất hiện rất sớm từ thời thượng cổ như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Trong các cộng đồng cổ đại, đều tồn tại những tín ngưỡng hay tôn giáo bản địa. Đã có nhiều công trình đề cập đến nguyên nhân ra đời của tôn giáo. Các kết quả nghiên cứu đều không cho thấy xung đột tôn giáo được bắt đầu cùng với sự ra đời của tôn giáo. Theo chúng tôi, một trong những lí do ra đời của tôn giáo chính là nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh của con người. Con người cần niềm tin và sức mạnh tinh thần trước quá nhiều hiểm hoạ đe doạ sự tồn tại của mình. Tôn giáo ra đời không phải là sự phản ứng bằng bạo lực trước những đe doạ đó. Xuất phát điểm của các tôn giáo đều bắt đầu bằng con đường phi bạo lực. Đa phần quá trình tôn giáo đều diễn ra một cách hoà bình. Xung đột tôn giáo xuất hiện muộn hơn và không liên quan đến nguyên nhân hình thành tôn giáo. Đây đó có những xung đột bạo lực xảy ra xung quanh thời điểm ra đời của tôn giáo nhưng thường là do tôn giáo hoặc bị lợi dụng, hoặc là nạn nhân của bạo lực. Trong chừng mực nào đó, tôn giáo ra đời như sự “cứu rỗi” con người trước thực tiễn quá nhiều đau khổ vì xung đột.
Tôn giáo là phong trào tinh thần với các mục đích hoà bình. Hầu hết các tôn giáo đều hướng con người tới một thế giới siêu nhiên mà ở đó không có xung đột và bạo lực. Trên phương diện giáo lí, không tôn giáo nào khuyến khích xung đột và chủ trương giải quyết xung đột bằng bạo lực. Tinh thần này được phản ánh cả trong nội dung lẫn phương cách thực hiện. Tôn giáo dạy con người phải biết tha thứ và thương yêu nhau – một khái niệm khác với mâu thuẫn và hằn thù vốn là cơ sở của xung đột. Điều quan trọng, tôn giáo hướng con người tới lòng nhân ái – một quan điểm và thái độ cần thiết để ngăn chặn và giải quyết xung đột. Tôn giáo cũng có thái độ phi đấu tranh khi khuyên con người phải biết chấp nhận thực tại. Tôn giáo cũng không chủ trương phổ biến các giá trị và niềm tin của mình bằng công cụ bạo lực như quân đội và vũ khí. Tôn giáo phát triển được qua biên giới chủ yếu nhờ những giá trị nhân bản đáp ứng được nhu cầu tâm lí chung của con người. Thái độ phi bạo lực của tôn giáo đã đem lại sức sống cho nó trong các cộng đồng vốn luôn bị đè nặng bởi xung đột và bạo lực.
Xung đột tôn giáo không xuất phát từ bản chất tôn giáo. Vậy nguyên nhân nào khiến xung đột tôn giáo vẫn xảy ra trong lịch sử?
Thứ nhất, sự đa dạng tôn giáo chứa đựng tiềm năng xung đột. Các tôn giáo thường có thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau. Đó là cơ sở tạo nên những hệ thống giá trị tinh thần, quan niệm đạo đức và các niềm tin tuyệt đối khác nhau giữa các tôn giáo. Một hệ thống giá trị và niềm tin như vậy thường khiến tín đồ đặt trọn lòng tin vào tôn giáo đó. Đó là tâm lí độc quyền tôn giáo và thái độ phủ nhận tôn giáo khác. Tín điều tôn giáo thường được coi là thiêng liêng nên dễ nhạy cảm với giáo lí và quan niệm của tôn giáo khác. Những tín điều không phù hợp với tôn giáo đó dễ bị coi là báng bổ và từ đó làm nảy sinh bất đồng tôn giáo. Tôn giáo dễ trở thành nguồn xung đột chính bởi sự đa dạng tôn giáo. ít nhất, đa dạng tôn giáo cũng góp phần tạo thêm ranh giới trong một thế giới vốn đã khá chia rẽ với sự hình thành những cộng đồng tôn giáo và lãnh địa tinh thần riêng. Nguy cơ xung đột này càng tăng lên bởi xu hướng bành trướng của nhiều tôn giáo. Sự cạnh tranh giáo dân và lãnh địa nhiều khi trở thành nguyên nhân xung đột trực tiếp giữa các tôn giáo.
Thực tế cũng cho thấy điều này: Xung đột tôn giáo nhiều nhất trong lịch sử là giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Các cuộc chiến tranh tôn giáo lớn nhất cũng chủ yếu xảy ra giữa các tôn giáo khác nhau. Điển hình là cuộc xung đột giữa Công giáo và Hồi giáo với các cuộc Thập tự chinh kéo dài gần 200 năm từ cuối thế kỉ XI đến cuối thế kỉ XIII. Xung đột kéo dài giữa hai tôn giáo này còn được phản ánh qua các cuộc chiến tranh giữa Đế quốc Ottoman với các quốc gia Châu Âu thời kì hiện đại. Việc đàn áp “dị giáo” ở Châu Âu thời Trung cổ bên cạnh nguyên nhân chính trị, cũng có nguyên nhân tâm lí độc quyền tôn giáo. Ngày nay, xung đột giữa những tôn giáo khác nhau vẫn đang tiếp tục như Hồi giáo – Công giáo ở Nagornui Karabak, Sudan và Philippines; Hồi giáo – Ấn Độ giáo ở Nam á, Chính Thống giáo – Hồi giáo ở Serbia,v.v… Tôn giáo là một yếu tố làm tăng thêm tính quốc tế trong các xung đột này.
Mặc dù thực tế trên là phổ biến song theo chúng tôi, không có mối liên hệ tất yếu giữa tôn giáo – tâm lí độc tôn – xung đột tôn giáo. Không một tôn giáo nào ra đời để nhằm chinh phục một tôn giáo khác. Không phải tôn giáo nào cũng có xu hướng độc tôn. Trong chừng mực nào đó, mặc dù có những cách giải thích trần thế khác nhau, tôn giáo phần nào là sự chấp nhận thực tế. Hơn nữa, về bản chất, tôn giáo là sự bổ sung những giá trị tinh thần mới cho cuộc sống thực tại chứ không nhằm thay thế nó. Chấp nhận thực tế cũng có nghĩa là chấp nhận thực tế tồn tại của các tôn giáo khác. Tính chấp nhận này còn thể hiện ở sự tiếp thu giá trị của các tôn giáo khác. Ba tôn giáo thế giới hiện nay đều là những ví dụ điển hình của mối quan hệ tiếp biến này. Đó là chưa kể tới những điểm chung trong nội dung giáo lí của các tôn giáo đã từng xung đột với nhau. Nhiều xung đột mang màu sắc tôn giáo thực ra xuất phát chủ yếu từ xung đột giữa các cộng đồng văn hoá khác nhau mà tôn giáo chỉ là một trong số đó. Mặc dù xu hướng độc tôn tôn giáo là có thể, song sự chuyển biến thành thái độ kì thị và xung đột tôn giáo lại xuất phát từ một số người thực hành tôn giáo chứ không phải từ bản chất tinh thần tôn giáo. Tinh thần tha thứ và lòng nhân ái đã góp phần ngăn cản xu hướng độc tôn bằng con đường bạo lực.
Thứ hai, trong nhiều tôn giáo lớn thường có các giáo phái khác nhau. Sự phân chia này hoặc do những bất đồng giáo lí (Công giáo với Chính Thống giáo và Tin Lành), mâu thuẫn về địa vị và tổ chức (Sunni, Shi’ite hay Harijit của Hồi giáo) hoặc sự phân nhánh và biến đổi qua quá trình địa phương hoá (Tiểu thừa, Đại thừa và các giáo phái nhỏ hơn của Phật giáo). Sự bất nhất dẫn đến bất đồng, bất đồng dẫn đến mâu thuẫn, mâu thuẫn tạo ra xung đột. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của tôn giáo là sự xuất hiện yếu tố chính trị trong tôn giáo do chi phối của môi trường kinh tế – chính trị – xã hội và sự tác động của yêu cầu tổ chức. Sự tranh chấp địa vị trung tâm giữa các giáo phái đã góp thêm nguyên nhân phi tôn giáo vào kiểu dạng xung đột tôn giáo này.
Xung đột cao có thể dẫn đến li khai tôn giáo và điều này lại càng “đổ thêm dầu vào lửa”, nhiều khi biến xung đột tôn giáo thành các cuộc chiến tranh tôn giáo. Kitô giáo là một ví dụ điển hình. Cuộc li khai đầu tiên dẫn đến sự hình thành Chính Thống giáo (Othodoxism) trong thời gian 974-984, hình thành nên giáo hội Phương Đông mới ở Nam Âu. Cuộc li khai thứ hai là của đạo Tin Lành (Protestantism) trong thế kỉ XVI. Sự li khai này dẫn đến cuộc xung đột tôn giáo có thể là đẫm máu nhất trong lịch sử tôn giáo. Nhiều vụ thảm sát và chiến tranh giữa hai tôn giáo này đã nổ ra như cuộc tàn sát giết chết khoảng 8.000 người Tin Lành ở St.Bartholomew năm 1572, các cuộc chiến tranh tôn giáo trong thời kì 1560-1590 hay cuộc chiến tranh 30 năm 1618-1648,v.v… Cuộc li khai thứ ba là Anh giáo tách ra khỏi Giáo hội Công giáo năm 1543. Sự li khai này dẫn đến việc vua Philip II của Tây Ban Nha bảo hộ Công giáo đã phái hạm đội Armanda đến đánh nước Anh dưới thời Nữ hoàng Elizabeth I. Dấu vết của cuộc xung đột Công giáo – Tin Lành hiện nay vẫn phản ánh ít nhiều ở Bắc Ai Len. Những xung đột giáo phái tương tự cũng diễn ra trong Hồi giáo dưới thời Đế quốc Ả Rập, hay gần đây là xung đột Sunni-Shi’ite. Ngày nay, dù đã giảm đi, giáo phái vẫn tiếp tục là nguồn tạo ra những vấn đề trong quan hệ quốc tế. Điển hình là những chia rẽ mới từ sự nổi lên của các giáo phái chính thống trong một số tôn giáo.
Cũng như nguyên nhân từ sự đa dạng tôn giáo, hiện tượng đa giáo phái không có mối liên hệ bản chất với xung đột tôn giáo. Về mặt lí thuyết, giữa các giáo phái có nhiều điểm chung hơn nên khả năng thoả hiệp giải quyết xung đột là lớn hơn. Về mặt thực tiễn, xung đột giáo phái chỉ xảy ra giữa thiểu số các giáo phái, số lượng giáo phái không tham gia xung đột là lớn hơn nhiều. Các giáo phái Công giáo vẫn đa dạng nhưng đang cùng nhau hợp tác dưới sự lãnh đạo của Vatican. Tương tự như vậy, các giáo phái Phật giáo cũng đang cùng tồn tại hoà bình. Ngày nay, dấu vết của những mâu thuẫn giáo phái vẫn còn tồn tại ít nhiều, nhất là trong Hồi giáo nhưng khả năng dẫn đến xung đột bạo lực ngày càng hạn chế. Các tôn giáo đều đang cố gắng xây dựng và duy trì sự thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức. Hầu hết các tôn giáo lớn đều có tổ chức toàn cầu của mình dù khả năng điều phối thực tế là rất khác nhau. Đó là chưa kể tình cảm cộng đồng tự nhiên xuất phát từ cùng cội nguồn tôn giáo của các tín đồ thuộc những giáo phái khác nhau. Tình cảm chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo sau các sự kiện Afghanistan và Iraq vừa qua là một minh chứng cho điều này.
Thứ ba, tôn giáo được coi là nguồn của xung đột còn bởi những liên hệ về mặt giá trị với các nguyên nhân xung đột khác, đặc biệt là xung đột lãnh thổ và sắc tộc. Trong quá trình phát triển, nhiều giá trị tôn giáo đã kết hợp với những yếu tố bản địa, trở thành bộ phận không tách rời trong hệ thống giá trị cộng đồng và góp phần tạo nên bản sắc cộng đồng. Trong chừng mực nào đó, tôn giáo đóng vai trò như một sợi dây liên kết cộng đồng nên dần dần chúng hoà trộn với các giá trị quốc gia, dân tộc. Bởi mối liên hệ như vậy và với tư cách là giá trị cộng đồng, tôn giáo thường dễ bị lôi kéo vào trong các xung đột lãnh thổ hay sắc tộc nhằm kích thích chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc. Điều này đôi khi tạo nên suy nghĩ cho rằng đây là xung đột tôn giáo.
Thực tế cho thấy có nhiều xung đột về lãnh thổ và sắc tộc thường mang đậm màu sắc tôn giáo. Màu sắc này đậm đến nỗi sự phân chia tôn giáo dường như là một chiến tuyến giữa các nhóm đối địch. Trong cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan, hầu hết người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo (Hinduism) và hầu hết người Pakistan theo Hồi giáo. Trong cuộc xung đột Nagornui – Karabak, người Azerbaijan là Hồi giáo, còn người Armernia là Công giáo. Trong khi đó, xung đột ở Sudan lại xảy ra giữa người gốc Ả Rập theo Hồi giáo và người gốc Phi theo Công giáo. Tương tự như vậy, cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988) cũng được coi là phản ánh mâu thuẫn giáo phái Shi’itee – Sunni. Trong các cuộc xung đột ở Nam Tư, tình hình tôn giáo còn phức tạp hơn. Người Croat là Công giáo, người Serb là Chính Thống giáo còn hầu hết người Albania là Hồi giáo. Đây là mẫu hình khá phổ biến trong nhiều xung đột sắc tộc và lãnh thổ. Không chỉ vậy, tôn giáo còn được sử dụng để kích động các cuộc xung đột quyền lực, lãnh thổ hay sắc tộc. Trong cuộc chiến giành Vukova giữa người Croat và người Serb, các biểu tượng tôn giáo đã được đem ra trận nhằm kích thích thêm lòng căm thù đối phương. Sức mạnh tinh thần của tôn giáo với tư cách là giá trị cộng đồng, đôi khi còn lấn át cả yếu tố sắc tộc. Những người Serb theo Hồi giáo ở Bosnia đã sẵn sàng liên minh với người Croat để chống lại những “anh em chung một dòng máu” là người Serb theo Chính Thống giáo.
Trong các xung đột kiểu này, tôn giáo không đóng vai trò chính như lãnh thổ hay sắc tộc. Mức độ liên kết quốc gia hay nhóm sắc tộc thường cao hơn nhóm tôn giáo nên lợi ích lãnh thổ hay sắc tộc cũng lớn hơn. Mâu thuẫn tôn giáo chỉ là mâu thuẫn phụ. Trong trường hợp ở Bosnia nói trên, lãnh thổ là nguyên nhân xung đột chính chứ không phải là tôn giáo. Khi các xung đột lãnh thổ và sắc tộc được giải quyết, xung đột kiểu này cũng lắng xuống bất kể mâu thuẫn tôn giáo vẫn còn. Tuy nhiên, sự hoà trộn như vậy lại làm cho xung đột tôn giáo trở nên sâu sắc, khó giải quyết hơn và dễ trở thành vấn đề giữa các quốc gia – dân tộc.
Rồi đây, những bất đồng văn hoá/tôn giáo và việc giữ gìn bản sắc vẫn tiếp tục là vấn đề trong quan hệ quốc tế. Nhưng do tôn giáo không còn chi phối chính quyền như trước kia nên khó có lợi ích tôn giáo nào được đặt lên trên lợi ích quốc gia. Trong tình hình phần lớn quốc gia là đa tôn giáo, lợi ích của các tôn giáo chỉ là lợi ích nhóm nên càng khó bị lôi kéo vào xung đột liên quốc gia. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, lợi ích chính trị và kinh tế vẫn chiếm địa vị ưu tiên nên nhiều khi đã góp phần kiềm chế các xung đột tinh thần. So với trước kia, xung đột kiểu này đã trở nên ít hơn và cũng ít ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế hơn. Chúng thường chỉ xảy ra bên trong quốc gia hoặc với các quốc gia có quốc giáo. Xu thế này chứng tỏ sự tương tác giữa giá trị tôn giáo và xung đột quốc tế không phải là tất yếu.
Thứ tư, đó là mâu thuẫn giữa tôn giáo và thế tục. Thực ra, bản chất của mâu thuẫn này cũng gần giống mâu thuẫn trong quan niệm và niềm tin giữa các tôn giáo khác nhau. Về mặt nào đó, tôn giáo ra đời nhằm cải biến thực tại theo quan niệm và cách thức riêng của mình. Trong khi đó, thực tế lại đa dạng và phức tạp hơn nhiều những gì tôn giáo quan niệm. Vì thế, bất đồng về quan niệm, trái ngược về niềm tin là khó tránh khỏi. Xung đột tôn giáo – thế tục hiện diện khá nhiều trong lịch sử và được thể hiện trên nhiều khía cạnh đời sống khác nhau như chính trị, xã hội và văn hoá. Chính vì mâu thuẫn này mà các tôn giáo khi mới ra đời đều gặp không ít khó khăn để có được chỗ đứng trong đời sống cộng đồng. Nhiều tôn giáo hoặc bị coi là bất hợp pháp hoặc thậm chí bị đàn áp như Công giáo chẳng hạn. Để tồn tại, nhiều tôn giáo phải dựa vào bạo lực. Xung đột tôn giáo – thế tục càng gay gắt. Tuy nhiên, loại xung đột này không đơn thuần chỉ xuất phát từ các tôn giáo mà còn cả từ phía chính quyền thế tục. Khi thần quyền nắm chính quyền, đó có thể là sự phân biệt đối xử hoặc sự kì thị tôn giáo khác. Những cuộc đàn áp “dị giáo” ở Châu Âu thời Trung cổ là trường hợp như vậy. Trong trường hợp chính quyền thế tục, đó có thể là sự phân biệt đối xử lương giáo hoặc nỗi lo ngại chính trị hoá tôn giáo. Sự bài bác về văn hoá, địa vị xã hội lương giáo khác nhau, cấm đạo hoặc đàn áp tôn giáo là những hiện tượng của vấn đề này. Những xung đột liên quan đến tôn giáo này thường hay được quy vào phạm trù xung đột tôn giáo.
Hiện nay, tầm ảnh hưởng của mâu thuẫn này trong quan hệ quốc tế vẫn là đáng kể. Đáng chú ý là sự nổi lên của các phong trào chính thống trong vài thập kỉ gần đây. Sự nổi lên của các phong trào chính thống diễn ra cả trong Hồi giáo, Công giáo, Do Thái giáo (Judaism) và Ấn Độ giáo. Xu hướng chủ yếu của các phong trào này là mong muốn trở về các giá trị ban đầu của tôn giáo. Những người chính thống phản kháng các hệ thống giá trị bên ngoài. Họ thường có thái độ cực đoan đối với một số giá trị nào đó của đời sống thế tục mà họ cho là ngược với quan điểm của họ. Điều này nhiều khi đã dẫn đến sự đụng độ với các tổ chức chính trị thế tục. Những người chính thống Do Thái phản đối hòa bình với Palestine và chủ trương xây dựng các khu định cư trong các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng. Những người Công giáo chính thống ở Mỹ cố gắng thuyết phục chính phủ rút khỏi Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) vì họ cho rằng quỹ này khuyến khích nạo phá thai. Phong trào chính thống nổi bật hơn cả là trong Hồi giáo bắt đầu nổi lên từ cuộc Cách mạng Iran năm 1979. Những người chính thống Hồi giáo muốn kinh Coran trở thành hiến pháp quốc gia. Họ phản đối các giá trị thế tục Phương Tây và cho đó là sự suy đồi đạo đức.
Việc quy kết cho các mâu thuẫn loại này vào xung đột tôn giáo có thể không hoàn toàn chính xác. Các xung đột thường đa nguyên nhân mà tôn giáo chỉ là một. Ví dụ, tâm lí chống Phương Tây của những người Hồi giáo chính thống không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa tư tưởng tôn giáo truyền thống với các giá trị thế tục ngoại lai mà còn xuất phát từ mâu thuẫn lịch sử giữa người dân bản địa với chủ nghĩa thực dân Phương Tây, giữa người Ả Rập và người Do Thái và giữa những bất đồng chính trị với chính quyền đương nhiệm.
Xung đột này đang ngày càng giảm đi. Về phía tôn giáo, đó là những cải biến theo tinh thần nhập thế đang tăng lên và sự tiếp tục ý nghĩa bổ sung cho thực tiễn. Điển hình là những thay đổi mạnh mẽ của Công giáo thể hiện trong Công đồng Vatican II. Về phía thế tục, trên bình diện quốc tế, đó là quá trình công nhận tự do tôn giáo được chính thức hoá trong Hiệp định hoà bình Oliva năm 1660, được nhắc lại trong Bốn Quyền Tự do của Roosevelt năm 1941 và được Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khẳng định trong thời gian 1955-1960. Trên bình diện quốc gia, quyền tự do tôn giáo đã được hầu hết các quốc gia tuân thủ. Hơn nữa, bước sang thế kỉ XX, quá trình thế tục hoá nhà nước đã phổ biến trên toàn cầu. Điều này góp phần phân định chức năng rạch ròi hơn giữa tôn giáo và chính quyền. Thực tế này đang cho thấy sự không thực sự vững chắc trong quan điểm của Samuel Huntington.
Thứ năm, rất nhiều xung đột tôn giáo xảy ra do liên quan đến chính trị. Trong lịch sử tôn giáo, sự liên quan với chính trị đã đem lại cả nguyên nhân lẫn điều kiện cho xung đột tôn giáo. Là điều kiện khi chính trị được tôn giáo sử dụng để phát huy thế lực và ảnh hưởng. Là nguyên nhân khi chính trị sử dụng tôn giáo để thực hiện mục tiêu của mình. Mâu thuẫn tôn giáo được chính trị tiếp sức đã bị trầm trọng thêm. Ngược lại, mâu thuẫn chính trị đi cùng tôn giáo lại tạo nên xung đột tôn giáo.
Công giáo và Hồi giáo là những trường hợp điển hình của sự kết hợp tôn giáo với chính trị. Công giáo được “chính trị hoá” từ dưới lên với đỉnh cao là sự thành lập Đế quốc La Mã thế kỉ IX. Trong khi đó, Hồi giáo lại là quá trình ngược lại từ trên xuống với việc hình thành Đế quốc Ả Rập thế kỉ VII. Chính nhờ quyền lực chính trị của các đế chế mà hai tôn giáo này đã bành trướng rất nhanh. Ngược lại, các thế lực chính trị cũng sử dụng tôn giáo như công cụ thống trị tư tưởng và ràng buộc những phần khác nhau của đế quốc. Sự lợi dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị cũng góp phần làm tăng xung đột tôn giáo. Cuộc chiến tranh Ba mươi năm (1618-1648) là một ví dụ. Đây là cuộc chiến tranh giữa các quốc gia theo Tin Lành và Công giáo được nhiều người coi là cuộc chiến tranh tôn giáo điển hình. Nhưng thực tế, việc Pháp là quốc gia theo Công giáo lại đứng về phe Tin Lành chống lại các quốc gia Công giáo khác cho thấy cuộc chiến tranh này không hoàn toàn vì mục đích tôn giáo. Đây là cuộc chiến tranh giành quyền lực bá chủ giữa Pháp và Tây Ban Nha. Tương tự như vậy, trong thời kì Đế quốc La Mã và Đế quốc Ả Rập, xung đột tôn giáo diễn ra rất nhiều ở các khu vực này. Mối liên kết chính trị – tôn giáo là nguồn của xung đột còn phản ánh rõ nét trong quá trình truyền bá Công giáo sang Phương Đông. Sự đụng độ với các tôn giáo bản địa không chỉ do gốc văn hoá khác nhau mà còn bởi sự truyền đạo này liên quan ít nhiều đến chủ nghĩa thực dân và sự xâm lược thuộc địa.
Vậy tôn giáo có bản chất chính trị hay không? Nếu có thì đây sẽ là nguồn tiềm tàng của xung đột tôn giáo? Theo chúng tôi, giữa tôn giáo và chính trị có sự liên quan nhưng không mang tính bản chất. Chính trị ít nhiều được phản ánh trong hệ thống nhân sinh quan và thế giới quan của một số tôn giáo nhưng không phải tất cả. Trong khi đó, thực tế phi chính trị của hầu hết tôn giáo ngày nay càng cho thấy chính trị không phải là một phần tất yếu của tôn giáo. Hơn nữa, kể cả có sự liên kết chính trị – tôn giáo mạnh mẽ thì mối quan hệ đó cũng không nhất thiết là nguy cơ của xung đột. Rất nhiều quốc gia – quốc giáo yêu chuộng hoà bình. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa tôn giáo với những tư tưởng chính trị mang màu sắc tôn giáo. Đối với các tư tưởng này, chính trị là mục tiêu chính trị, còn tôn giáo chỉ là phương tiện. Đôi khi sự liên kết giữa chính trị với tôn giáo dễ tạo sự lầm tưởng tôn giáo là nguyên nhân của xung đột
Cũng có ý kiến cho rằng, chính trị mới giúp cho một số tôn giáo trở thành tôn giáo thế giới. Các tôn giáo này truyền bá vượt qua khuôn khổ văn hoá và biên giới chính trị bởi vì chúng mang trong mình những giá trị tự thân như đề cao giá trị nhân loại và tình thương yêu đồng loại trên toàn thế giới. Chính sự nhấn mạnh vào các giá trị cá nhân và giá trị toàn cầu khiến cho các tôn giáo này có khả năng thẩm thấu qua biên giới. Quá trình quốc tế hoá quan hệ xã hội đã tiếp sức cho sự truyền bá này. Chính trị đơn giản chỉ là một trong số công cụ truyền bá tôn giáo mà thôi.
Như vậy, xung đột tôn giáo không xuất phát từ bản chất tôn giáo. Xung đột tôn giáo còn xảy ra bởi các nguyên nhân phi tôn giáo. Vì thế, coi xung đột tôn giáo là nguồn tiềm tàng của chiến tranh và bạo lực thì không hẳn như vậy. Đa phần các tôn giáo là hoà bình. ở nhiều nơi, các tôn giáo cùng tồn tại bên nhau, tiếp thu lẫn nhau hoặc thâm nhập vào nhau. Tín đồ của các nhóm tôn giáo khác nhau đã chung sống một cách hoà bình. Thực tế, hoà bình tôn giáo phổ biến hơn nhiều so với xung đột tôn giáo.
Cùng với sự phát triển của quan hệ quốc tế, xung đột tôn giáo ngày càng dễ trở thành vấn đề trong quan hệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, xung đột tôn giáo đang có xu hướng giảm. Xung đột tôn giáo giảm nhiều so với lịch sử cả về số lượng, quy mô lẫn tác động xã hội. Nhiều người đang nói đến sự nổi lên của xung đột tôn giáo sau chiến tranh Lạnh. Cần công bằng hơn với tôn giáo trong nhận định này khi rất nhiều xung đột trong số đó không xuất phát từ mâu thuẫn tôn giáo. Thậm chí, trong không ít trường hợp, chính tôn giáo lại là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân của xung đột.
Các nhận định này chắc chắn sẽ dễ được chấp nhận hơn khi khái niệm xung đột tôn giáo được xem xét lại. Chính vì quy tất cả xung đột có liên quan đến tôn giáo vào chung một khái niệm mà đã tồn tại cái nhìn tương đối bi quan về hiện tượng xã hội này. Điều này góp phần tạo nên suy nghĩ xung đột tôn giáo là cái gì đó thường trực trong xã hội loài người. Khái niệm này chỉ nên bao gồm những xung đột trong đó mâu thuẫn tôn giáo là động lực chủ yếu với các lực lượng tôn giáo là chủ thể chính. Sự phân biệt giữa các xung đột tôn giáo này với những xung đột trong đó tôn giáo chỉ là dấu hiệu hình thức là rất cần thiết. Một sự chia tách như vậy không chỉ giúp có cái nhìn đúng hơn về tôn giáo và xung đột tôn giáo mà còn là cơ sở để xây dựng biện pháp giải quyết xung đột thích hợp cho từng trường hợp cụ thể./.
TS. Hoàng Khắc Nam

No comments: