Bài viết của Giáo sư Kumao Kaneko, Chủ tịch Hội nghiên cứu Chiến lược Năng lượng Nhật Bản.
1.1. Giới thiệu: Mối quan hệ của tôi với Việt Nam
Đối với một người từng có mối liên hệ với Việt Nam từ gần 50 năm trước như tôi, hội nghị này đã mang lại những cảm xúc rất đặc biệt. Lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam năm 1966 là khi 29 tuổi, tôi đã được bổ nhiệm làm Thư ký chính trị của Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ phủ Sài Gòn của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ (hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Vào giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ (Chiến tranh Việt Nam), Sài Gòn cũng là một nơi rất nguy hiểm. Đặc biệt, từ cuối tháng 1 năm 1968, khi cuộc tấn công đúng vào dịp Tết mang tính lịch sử (Tết Nguyên Đán) nổ ra, lúc đó tôi đang công tác tại Huế. Ở trong cuộc chiến diễn ra tại Huế - một trận chiến khốc liệt giữa Mặt trận giải phóng dân tộc Việt Nam (lúc đó chúng tôi gọi là Việt Cộng) với quân đội Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam, tôi đã rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”, nghĩa là thiếu chút nữa đã trở thành “nhà ngoại giao số một hy sinh khi đang làm nhiệm vụ sau chiến tranh”. Với kỷ niệm đó, đối với tôi Huế là nơi vĩnh viễn không thể quên, và tôi đã coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình.
Sau khi về nước vào mùa thu năm 1968, trong một thời gian tôi đã làm việc tại trụ sở chính của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo, một công việc có liên quan tới quan hệ với Châu Á. Sau đó, thỏa thuận đàm phán Hòa bình Việt Nam (Hiệp định Paris) dưới chính quyền Nixon đã được ký kết, từ tháng 1 năm 1973 Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam và Nhật Bản cũng nhanh chóng tìm kiếm con đường thiết lập mối quan hệ ngoại giao với miền Bắc Việt Nam. Tháng 9 cùng năm, ông Miyake Wasuke - Trưởng bộ phận Đông Nam Á, Cục Châu Á thuộc Bộ ngoại giao Nhật Bản và ông Inoue Yoshisaburo, người cùng bộ phận này đã bí mật quay trở lại Hà Nội, sau nhiều gian nan và nỗ lực, đã thành công trong việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Khi đó là một năm rưỡi sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và chính quyền Sài Gòn sụp đổ (30/04/1975). Cả hai người đều là đồng nghiệp cũ, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, và cả hai ông đều đã qua đời khoảng hơn 10 năm trước. Bây giờ, nếu có hai ông ở đây thì không biết sẽ xúc động đến nhường nào! Tôi mong muốn tên của hai ông sẽ được nhân dân hai nước ghi nhớ mãi.
Bản thân tôi, sau đó vài năm đã được cử sang làm việc cho Liên Hợp Quốc trong nhiều năm, trở thành đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo Chương trình LHQ về môi trường (UNEP), thường trú tại Bangkok, đến giữa những năm 1970, tôi được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận Năng lượng hạt nhân đầu tiên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Tôi đã cố gắng hết sức vào công cuộc xúc tiến năng lượng hạt nhân như một chính sách năng lượng sau khủng hoảng dầu mỏ, một phần trong số đó là chương trình năng lượng hạt nhân ở Châu Á, hợp tác với IAEA để triển khai một số dự án hợp tác trong khu vực.
Nước hoạt động tích cực nhất về năng lượng hạt nhân ở Đông Á thời đó là Thái Lan, nhưng sự quan tâm của họ về năng lượng hạt nhân đã bị nhạt đi sau khi tìm thấy mỏ dầu ngoài khơi ở Vịnh Thái Lan. Tiếp theo là Philippin dưới chính quyền Marcos, đã xây dựng 2 lò phản ứng nước nhẹ (của hãng Westinghouse) ở đầu bán đảo Batan. Tuy nhiên, do sự cố TMI (năm 1979), cùng với việc chính quyền Marcos bị lật đổ, lò phản ứng hạt nhân Batan đã bị bỏ mặc dù đã xây dựng hoàn thiện đến khoảng 80%.
Tiếp theo là Indonesisa, dưới chính quyền Suharto, sau đó là chính quyền Habibie, đã lập kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại bán đảo Muriya ở miền trung đảo Java, các doanh nghiệp Nhật Bản (thuộc tập đoàn điện lực Kansai) với tư cách là nhà tư vấn, đã tiến hành hợp tác được đến ngay trước khi đấu thầu quốc tế, nhưng do ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng khoảng tiền tệ Châu Á - bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng đồng Baht năm 1997, chính quyền Habibie sụp đổ, kế hoạch Muria bị đổ bể.
Nổi lên với tư cách của “Cầu thủ bóng chày” đánh bóng thứ 4 là Việt Nam. Kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển tăng tốc sau sự thành công của chính sách Đổi mới (1986), đến đầu những năm 1990 đã bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Liên quan đến vấn đề này tôi đã nhiều lần sang Việt Nam để hỗ trợ. Về điều này, sau đây tôi sẽ nói chi tiết hơn.
1.2. Ý nghĩa của đối tác chiến lược Nhật Bản – Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước có triển vọng nhất trong 10 nước ASEAN, mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang trong giai đoạn tốt đẹp. Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam là quốc gia quan trọng đối với Nhật Bản, là một trong số ít quốc gia mà Nhật Bản ký kết “Đối tác chiến lược”. Đặc biệt, chính quyền Abe hiện nay, bên cạnh việc quan tâm tới Ấn Độ, cũng đang rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Do nhiều mối liên quan, Nhật Bản đặt kỳ vọng vào Việt Nam trong rất nhiều vấn đề mà một trong số đó là vấn đề Bắc Triều Tiên. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, như thủ tướng Abe đã tuyên bố, nếu không giải quyết được vấn đề bắt giữ con tin thì Nhật Bản và Triều Tiên không thể bình thường hóa mối quan hệ. Về nội dung cụ thể, do thời gian có hạn nên tôi xin bỏ qua không đi sâu, nhưng tôi muốn nói rằng Nhật Bản kỳ vọng rất nhiều vào việc Việt Nam, một nước đang có mối quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, sẽ cung cấp những thông tin liên quan.
1.3. Tầm quan trọng của hợp tác Nhật Việt trong lĩnh vực an ninh trên biển
Việt Nam cùng giống như Philippine, đang có những mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển, ví dụ như Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các tuyến đường trên biển của biển Đông (Shirenin) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản. Đặc biệt là sau sự cố 11/3/2011, nhà máy năng lượng hạt nhân đã dừng hoạt động hoàn toàn, để bù đắp cho việc đó, các nhà máy nhiệt điện đã phát triển nhanh chóng (chiếm khoảng 90% tổng sản lượng điện), nhưng gần 90% lượng dầu nhập khẩu được sản xuất ở Trung Đông, và vận chuyển thông qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và biển Đông bằng các tàu chở dầu. Vì vậy, sự an toàn của các chuyến tàu trên biển Đông là vấn đề sống còn đối với Nhật Bản. Ở Ấn Độ Dương, hoạt động hợp tác đa dạng giữa Nhật và Ấn Độ (bao gồm cả trao đổi giữa Hải quân Ấn Độ với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản) với ý nghĩa đó đã được triển khai. Và quan hệ hợp tác về mặt này giữa Nhật Bản với Việt Nam cũng hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, với quy định của điều 9 trong Hiến pháp, Nhật Bản bị hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động quân sự ở nước ngoài, chính vì vậy, mối quan hệ trực tiếp giữa Hải quân Việt Nam với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản là rất khó. Vì vậy, việc hợp tác có thể chỉ thực hiện được dưới hình thức là hoạt động ở mức độ cảnh vệ (như đối sách chống khủng bố và cướp biển), phía Nhật Bản đang thực hiện các đối ứng trên cơ sở các trạm bảo an trên biển (Quân tuần tra bảo vệ bờ biển). Tôi được biết rằng Nhật Bản sẽ cung cấp từ một vài tàu tới 10 tàu tuần tra hàng hải với thiết bị hiện đại (Tàu tuần tra) tới Philippine và Indonesia dựa trên vốn ODA và câu chuyện tương tự cũng sẽ áp dụng với Việt Nam. Và tàu luyện tập của trường Đại học Bảo đảm An ninh Trên biển (Kojima) cũng đã cập cảng Đà Nẵng.
Tất nhiên, mục đích của những hợp tác trên chỉ là để đảm bảo an toàn giao thông trên biển, không có hành động quân sự. Không nên có những hành công kích vô ích tới Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng đối với cả Việt Nam và Nhật Bản. Hơn nữa, Trung Quốc không phải là đối thủ có thể đối phó bằng một hay hai nước. Trong lịch sử, Việt Nam đã có mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc hơn so với Nhật Bản, và hiện nay mối quan hệ này dường như vẫn khá đặc biệt. Phương thức “Ngoại giao đa phương” của Việt Nam hiện nay là điều nên được tiếp tục duy trì, và Nhật Bản cần học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam. Hai nước Nhật Bản và Việt Nam nên vận dụng hết trí tuệ để tiếp tục xử lý hiệu quả mối quan hệ đối với Trung Quốc.
1.4. Tầm quan trọng và xu hướng hợp tác năng lượng nguyên tử giữa Nhật Bản và Việt Nam
Nhật Bản, nói chính xác là một nước không có tài nguyên, chứ không phải là có ít tài nguyên với tỷ lệ tự cấp là 4%. Từ xa xưa, năng lượng đã là “gót chân A-sin” của Nhật Bản. Do cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970, Nhật Bản đã tập trung vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với nguồn năng lượng sản xuất một nửa là trong nước. Theo kế hoạch trước sự cố 11/3, thị phần của nhà máy điện nguyên tử là 30%, dần dần tăng lên đến 40%, và xa hơn nữa sẽ là 50%. Tuy nhiên, do sự cố không may 11/3, tỷ lệ điện hạt nhân đang trở về con số 0. Hiện nay, tại Nhật Bản đã có 49 trong tổng số 50 lò phản ứng điện hạt nhân ngừng hoạt động. Chính quyền Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đang có chính sách tái khởi động lò phản ứng đã được Uỷ ban kiểm soát năng lượng Hạt nhân xác định là an toàn. Hiện tại, vấn đề ô nhiễm nước tại nhà máy điện Fukushima đã trở nên nghiêm trọng, chính phủ đang thay TEPCO đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.
Khác với Nhật Bản, Việt Nam là nước có thể sản xuất than và dầu, tuy nhiên hiện tại sản lượng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là nơi rất thích hợp cho phát triển thủy điện. Từ thời chiến tranh lạnh, Việt Nam đã xây được nhà máy thủy điện tại một số con đập nhờ vào sự hỗ trợ của Xô Viết - Liên Xô cũ. Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam - nơi đang phát triển mạnh về công nghiệp, những vùng thích hợp để làm nhà máy thủy điện lại rất ít, hơn nữa, việc chuyển tải điện với khoảng cách dài cũng rất khó. Chính vì vậy, miền Nam bị phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên, Nhật Bản cũng đang hợp tác xây dựng xây dựng nhà máy nhiệt điện bằng vốn ODA. Tuy nhiên, về tổng thể thì Việt Nam rõ ràng đang thiếu điện, nếu cứ giữ nguyên tình trạng này, có lẽ sẽ cản trở việc phát triển kinh tế của nước này. Việt Nam cũng đang dồn sức vào việc khai thác dầu khí ngoài khơi tại biển Đông, nhưng nếu tìm thấy được lượng lớn dầu khí tại đây thì tình trạng tranh chấp với Trung Quốc sẽ càng trở nên gay gắt. Tóm lại, để đáp ứng nhu cầu điện năng đang tăng đáng kể trong tương lai, Việt Nam buộc phải dựa vào năng lượng hạt nhân. Bởi vậy, chính phủ Việt Nam đã có ý định xây dựng nhà máy hạt nhân từ trước đây. Và để làm được điều này, trước tiên, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân nguyên tử, phát triển hệ thống hành chính và pháp lý liên quan đến năng lượng hạt nhân. Về vấn đề này, Nhật Bản đã và đang tiếp nhận các kỹ sư, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam, cũng như tích cực giúp đỡ việc hoàn chỉnh hệ thống pháp lý từ suốt hơn 10 năm nay. Kể cả bản thân tôi, dù trên phương diện cá nhân hay công việc chung cũng đều luôn hỗ trợ cho Việt Nam.
Thực tế là 4 tháng trước khi xảy ra sự cố 11/3, vào ngày 31 tháng 10 năm 2010, thủ tướng đương thời Naoto Kan đã đến thăm Việt Nam và cùng với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thỏa thuận về việc xúc tiến hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân giữa hai nước. Nhật Bản đã ký cam kết về việc trở thành đối tác trong việc xây dựng nhà máy phát điện thứ 2 dự kiến sẽ đặt tại Ninh Thuận (tạm thời trước mắt là hai lò phản ứng = 2 triệu KW). Sau ngày thỏa thuận này được ký kết, trong vòng 10 ngày kể từ 1/11/2010, tôi với danh nghĩa là Hội trưởng hội nghiên cứu chiến lược năng lượng đã dẫn đầu đoàn điều tra về năng lượng hạt nhân gồm 10 người tình nguyện đã sang thăm Việt Nam. Ngoài trung tâm nghiên cứu nguyên tử của Việt Nam tại Đà Lạt, chúng tôi đã tới thị sát địa điểm đặt nhà máy tại xã Vĩnh Hải tỉnh Ninh Thuận. Việc xây dựng nhà máy thứ nhất hợp tác với Nga sắp được xây dựng tại xã Phước Dinh (2 lò = 2 triệu kW) đã được quyết định. Theo dự định hai nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào đầu thập niên 2020.
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, tại Đông Nam Á từ những năm 1970 Thái Lan, Philippine, Indonesia đã cố gắng xây nhà máy điện hạt nhân nhưng đều thất bại. Việt Nam là nước thứ 4, nếu ví như bóng chày thì cầu thủ thứ 4 là mạnh nhất. Thực sự, tôi rất muốn Việt Nam thành công. Nếu Việt Nam thành công, đây sẽ là sự kích thích, thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở các nước ASEAN khác, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, ... Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài, tuy nhiên nhờ vào việc rút kinh nghiệm từ bài học quý báu sau sự cố Fukushima, tôi mong rằng Nhật Bản sẽ xây dựng được một lò hạt nhân an toàn nhất thế giới, và thông qua đó tăng cường hơn nữa sự hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, nói một cách rõ ràng thì tại Nhật Bản cũng có không ít các ý kiến cho rằng cần phải thận trọng về việc xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử sang các nước đang phát triển. Việc TEPCO - tổ chức tích cực nhất trong việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân nay bị suy yếu hoàn toàn sau sự cố 11/3 đã trở thành một cú sốc mạnh. Những người theo phong trào phản đối nhà máy hạt nhân trong nước đã sát cánh với các nhóm tương tự ở nước ngoài, đang tăng cường các hoạt động phản đối lại việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản. Mục tiêu trước mắt của họ là Ấn Độ, bởi vậy, tại Ấn Độ, cho dù nhà máy điện hạt nhân đã hoàn thành từ lâu nhưng vẫn chưa thể vận hành. Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ cho biết, các tổ chức phản đối nhà máy hạt nhân ở Âu Mỹ đang sử dụng những phương pháp như ODA để giúp đỡ các hoạt động phản đối của người dân địa phương. Ngay cả tôi, mỗi khi sang Ấn Độ lại bị mỉa mai rằng “GS. Kaneko, liệu có phải Nhật Bản đang xuất khẩu phong trào phản đối nhà máy hạt nhân sang Ấn Độ trước khi xuất khẩu nhà máy hạt nhân không vậy?!”.
Kể cả ở Việt Nam, nếu cơ chế hiện nay yếu đi và việc tự do ngôn luận tiến triển, thì sẽ không thể khẳng định rằng sẽ không có nỗi lo về việc các phong trào phản đối nhà máy hạt nhân tăng lên. Trước khi điều đó xảy ra, cần phải có sự giáo dục tuyên truyền một cách bài bản về năng lượng hạt nhân cho người dân. Như đã từng đề cập ở trên, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề năng lượng và điện lực thiếu một cách trầm trọng, dù rằng chưa đến mức độ như Nhật Bản. Để cung cấp được kiến thức và thông tin chính xác về tình hình khó khăn trong nước và tình trạng năng lượng quốc tế hiện nay, việc giáo dục ngay từ trong trường học là cần thiết. Mặt khác, khoa học và kỹ thuật về hạt nhân nguyên tử của Nhật Bản, như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước đây, với việc duy trì tiêu chuẩn cao nhất của thế giới và vượt qua thử thách 11/3 thì chắc chắn sẽ xây dựng được nhà máy điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. Về phía Việt Nam, tôi mong các bạn hãy tin tưởng vào khả năng thực sự của Nhật Bản, mong những thông tin này sẽ được chuyển tới mọi người dân nói chung.
Giống như dòng máu không thể thiếu đối với con người, năng lượng là nguồn huyết mạch của một quốc gia. Tôi thực sự mong rằng mọi người dân Việt Nam sẽ nhận thức được điều đó, tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết lập một hệ thống cung cấp năng lượng ổn định, giúp cho đất nước các bạn ngày càng phồn vinh và giàu mạnh.
Kumao Kaneko
Người dịch: Đỗ Ánh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=826
No comments:
Post a Comment