Wednesday, June 18, 2014

18. TAM GIÁC CHIẾN LƯỢC MỸ-NHẬT-HÀN: MỐI ĐE DẠO MỚI VÀ KHẢ NĂNG HỢP TÁC

Quan hệ đồng minh quan trọng giữa Nhật – Mỹ và Hàn – Mỹ
Khu vực Đông Bắc Á đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới, đồng thời cũng là khu vực tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm nhất. Nửa thế kỷ trở lại đây, tổng sản phẩm quốc nội GDP của ba quốc gia chính trong khu vực là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng gấp 130 lần. Về lĩnh vực quân sự, ngoài số lượng lớn quân đội Mỹ và hơn 1100 triệu quân dự bị, khu vực này có hơn 300 triệu quân thường trực. Ngoài ra, nếu không kể Mỹ, khu vực Đông Bắc Á còn có ba quốc gia hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên) và hai quốc gia có tiềm năng hạt nhân (Nhật Bản, Hàn Quốc). Không chỉ vậy, ngoài việc có vũ khí đạn đạo và tên lửa, khả năng tác chiến của các nước lớn cũng ngày càng được gia tăng và đẩy mạnh.
Từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX cho đến nay, Mỹ đã ký với Nhật Bản và Hàn Quốc Hiệp ước bảo đảm an ninh hợp tác lẫn nhau ở Đông Bắc Á, nhất trí duy trì quan hệ đồng minh song phương quan trọng. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc trong môi trường an ninh khu vực Thái Bình Dương về mặt lịch sử luôn đảm trách những sứ mệnh không giống nhau. Trên hai mặt tuyến biên giới quân sự gần 38 độ vĩ Bắc, Hàn Quốc và Triều Tiên luôn trong tình trạng đối đầu nhau. Vị trí này vẫn chưa thông qua một hiệp ước hòa bình chính thức để đạt được sự ổn định. Những năm gần đây đã xảy ra một số sự kiện như: vụ chìm tàu Cheonan – tàu hải quân bảo vệ của Hàn Quốc, vụ pháo kích của đảo Yeonpyeong (Triều Tiên). Kinh tế Triều Tiên còn vô cùng yếu kém và lạc hậu nhưng Triều Tiên kiên quyết không thay đổi lập trường cứng rắn của mình nên việc lục quân và không quân Mỹ đóng quân ở phía Nam khu vực phi quân sự (DMZ) có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình.
Mặt khác, ở Nhật Bản, quân đội Mỹ luôn duy trì ở cấp độ thấp, đóng vai trò là đội quân dự bị quan trọng và có ý nghĩa chiến lược. Từ năm 1991 Mỹ đã tiến hành “Chiến dịch bão táp sa mạc” (Chiến tranh vùng Vịnh), năm 1998 với “Chiến dịch con cáo sa mạc” (Cuộc tấn công Irac) và các hoạt động có quy mô lớn khác nhằm chống chủ nghĩa khủng bố.  Mỹ cũng tiến hành những hoạt động cứu trợ cho trận động đất ở ngoài khơi đảo Sumatra năm 2004 và thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Ngoài việc phát huy khả năng phòng thủ trong tình hình bất ổn của khu vực xung quanh Nhật Bản, quân đội Mỹ còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh toàn cầu.
Hợp tác bảo đảm an ninh ba nước gặp khó khăn do sự khác biệt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Nửa thế kỷ trước, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cùng phải đối mặt với mối đe dọa an ninh tương đối rõ ràng, chủ yếu là việc làm thế nào để ngăn chặn Triều Tiên, tránh lặp lại cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong giai đoạn phức tạp của lịch sử khu vực Đông Bắc Á thế kỷ XX, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã tồn tại những rạn nứt sâu sắc, sự khác biệt và thể chế chính trị cũng dẫn đến việc hai nước khó mở rộng hợp tác song phương. Mặc dù vậy, do hai nước đều có sự e ngại trước vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, có mối đe dọa an ninh chung, cho nên hai nước đã thiết lập “đồng minh giả thuyết” cấp thấp (đồng minh trên thực tế) dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Tuy nhiên, hai mươi năm trở lại đây, đã xuất hiện ba xu hướng mới, dẫn đến sự khác biệt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng cho dù Mỹ hay bất kỳ đối tác nào có quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc  thì hợp tác ba bên cũng đã trở nên quan trọng và ngày càng khó khăn hơn.
Xu hướng mới đầu tiên chính là việc Trung Quốc trỗi dậy và Trung Quốc đã gia tăng can dự vào các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Trước năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, quy mô mậu dịch thương mại song phương cũng rất thấp. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi Mỹ chỉ đứng thứ hai với 10%. Ngoài ra, Trung Quốc còn là hậu thuẫn thực chất duy nhất của Triều Tiên. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành cầu nối quan trọng của cả thế giới trong đó có Hàn Quốc trong mối quan hệ kinh tế, chính trị với Triều Tiên. Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, tham gia sâu vào các vấn đề của hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Trung Quốc đã trở thành nhân tố gián tiếp hạn chế mối quan hệ ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, mặc dù điều này chủ yếu là liên quan đến các lĩnh vực kinh tế và chính trị còn không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh.
Xu hướng thứ hai mà ba nước Nhật – Mỹ - Hàn phải đối mặt liên quan đến sự biến đổi của Triều Tiên. Hệ thống chính trị của Triều Tiên là một trong những chế độ mang tính hà khắc nhất trên thế giới, tuy đã tránh được cục diện sụp đổ nhưng kinh tế Triều Tiên ngày càng tụt hậu. Dù vậy, trong tình hình nền kinh tế yếu kém, Triều Tiên vẫn kiên trì phát triển kỹ thuật quân sự, trên thực tế trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân, không ngừng gia tăng sức mạnh chiến đấu quy mô lớn ở ngoài biển. Đối với Nhật Bản, việc Triều Tiên triển khai tên lửa đạn đảo Taepodong đã trở thành mối đe dọa lớn. Mặt khác, đối với Hàn Quốc, sự yếu kém của kinh tế Triều Tiên là nhân tố bất ổn lớn trong tương lai. Một khi Triều Tiên bất ngờ sụp đổ, tuy có khả năng hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ được thống nhất, nhưng chính phủ Hàn Quốc sẽ phải triển khai cứu trợ quy mô lớn đối với đồng bào của mình ở phía Bắc khu phi quân sự. Nói cách khác, đối với tính chất mối đe dọa từ phía Triều Tiên, tư tưởng cũng như động cơ của Hàn Quốc và Nhật Bản đã có sự khác biệt.
Xu hướng quan trọng thứ ba trong khu vực Đông Bắc Á là mối liên quan trong quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt là sau năm 2013, tính chất của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước này đã phát sinh những thay đổi nhanh chóng. Nhật Bản và Hàn Quốc đã xảy ra cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực công nghiệp với trọng tâm là ngành chế tạo ô tô, điện… Hai chính sách về kinh tế mà chính quyền Thủ tướng Abe đưa ra (chính sách nới lỏng tiền tệ và tài chính) đã không ngừng thúc đẩy sức sống của nền kinh tế Nhật Bản, nhưng đồng thời, cơ chế đảo ngược tỷ giá hối đoái của Nhật Bản lại làm cho kinh tế Hàn Quốc gặp khó khăn. Do Nhật Bản đã áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ ở trong nước, tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật so với các đồng tiền lớn trên thế giới như đồng đô la Mỹ đã liên tục sụt giảm. Kết quả là các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài của Hàn Quốc bị mất khả năng cạnh tranh, khiến cho chính phủ Hàn Quốc vô cùng lo lắng.
Cải thiện quan hệ Nhật – Mỹ - Hàn
Có thể thấy trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng nổi lên, mối đe dọa an ninh do Triều Tiên tạo ra không ngừng leo thang, sự ổn định của quan hệ Nhật – Hàn cũng như quan hệ hợp tác ba nước Nhật – Mỹ - Hàn có ý nghĩa quan trọng với Mỹ. Bên cạnh đó, là đối tác an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, cho dù gặp phải xung đột chính trị như thế nào, quan hệ hợp tác giữa ba nước đều phù hợp với lợi ích chiến lược của hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Để cải thiện quan hệ giữa ba nước, theo tác giả Kent Calder có ba việc quan trọng dưới đây cần phải triển khai ngay lập tức.
Một là, cần phải tiếp tục thực hiện và tăng cường diễn tập tìm kiếm cứu nạn chung như đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2013 giữa hải quân Mỹ, Hàn và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần tham gia các diễn tập quân sự khác, đặc biệt là diễn tập tình huống giả tưởng trên biển và trên không, nếu cần thiết, quân đội Mỹ tại Nhật Bản cũng có thể gia nhập. Xét từ góc độ Nhật - Hàn tăng cường lòng tin và triển khai hợp tác, có thể tận dụng hiệu quả diễn tập đa phương có nhiều quốc gia tham gia như Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Tiếp theo, cần tìm kiếm khả năng mở rộng viện trợ phát triển giữa chính phủ Nhật – Hàn, Mỹ cần lấy Hội đàm quốc phòng Nhật - Mỹ - Hàn (DTT) được tổ chức thường niên từ năm 2008 làm cơ sở, tích cực khuyến khích hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia và lấy lĩnh vực biển làm trung tâm. Về vấn đề hợp tác ODA gần đây, nửa thế kỷ trôi qua, trong số ODA mà các nước ASEAN nhận được, hơn 1/3 tới từ Nhật Bản. Đối với bốn nước ASEAN tới nay vẫn nhận nhiều viện trợ như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, Nhật Bản đã trở thành nước viện trợ thực tế lớn nhất. Do số viện trợ của Hàn Quốc cho Đông Nam Á cũng rất lớn, nên chỉ cần hoạch định dự án viện trợ, lựa chọn đối tượng viện trợ chính xác, tránh cạnh tranh, thì có thể tăng cường tình trạng cùng hợp tác với nhiều nước, thậm chí giữa hai nước.
Cuối cùng, cần tích cực thực hiện đối thoại quốc phòng ba bên Nhật, Mỹ, Hàn. Nhưng lấy phòng ngự tên lửa, đặc biệt mối nguy hiểm mới là quân sự Triều Tiên, và cảnh bị trên biển làm lĩnh vực ưu tiên. Với vai trò bổ sung đối thoại quốc phòng, cần chú trọng nhằm vào các vấn đề ngoại giao như Trung Đông, Đông Nam Á, biển Đông…để tiến hành đàm phán ba bên. Về tự do hàng hải và chống hành vi đột nhiên xác định vô căn cứ khu vực nhận diện phòng không, Mỹ, Nhật, Hàn cũng cần có giải pháp ứng phó chung.
Cần nỗ lực để tránh vấn đề lịch sử Nhật – Hàn làm nảy sinh ảnh hưởng tiêu cực
Lịch sử đã mang tới cho quan hệ Nhật – Mỹ - Hàn một số khó khăn và thách thức, đặt biệt là quan hệ Nhật - Hàn vẫn đang ở trạng thái xấu. Với vấn đề này, ba nước cần tích cực tăng cường ứng phó, tránh tác động tiêu cực tới hợp tác ba bên. Chính phủ Mỹ đã có những nỗ lực để tăng cường hợp tác ba bên, hạn chế mâu thuẫn Nhật – Hàn. Nhưng nếu thông qua con đường ngoại giao tăng cường can dự, chính phủ Mỹ sẽ chịu áp lực lớn hơn từ Nhật Bản và Hàn Quốc, rơi vào tình hình khó khăn, có thể gây hại cho một bên trong mối quan hệ đồng minh song phương Đông Bắc Á, thậm chí là cả hai bên. Cho dù vậy, ngoài nỗ lực của Mỹ với kinh nghiệm hoạch định chính sách ngoại giao, chính phủ Mỹ còn muốn làm sâu sắc  quan hệ Nhật - Hàn nên đã kêu gọi các nước đồng minh tốt như Canada, Đức, Áo và các nước ASEAN nỗ lực hợp tác ngoại giao để tạo ra sức mạnh tổng hợp, có thể đem tới hiệu quả rõ rệt. Xem xét tới tình hình quan hệ kinh tế Nhật - Hàn hiện nay,  Nhật Bản hoặc Hàn Quốc với hành vi mang tính khiêu khích trong lịch sử cũng khó tránh khỏi việc tạo ra sự công kích lớn, do đó cần phải hết sức cẩn trọng.
Tóm lại, sự nổi lên của Trung Quốc và tình hình Triều Tiên còn chưa rõ ràng khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cùng đối mặt với nguy cơ an ninh ngày càng cao, trong khi đó, với việc Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành bạn của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, đối với tính chất và mức độ đe dọa của Triều Tiên, có những cách giải thích khác nhau, động cơ trong vấn đề đảm bảo an ninh ngày càng khác biệt. Cùng với đó, việc Triều Tiên không ngừng bố trí lực lượng tác chiến khiến sự lo lắng của Mỹ ngày càng gia tăng. Chính phủ Mỹ mở rộng hợp tác ba nước là việc dễ hiểu, chính sách thúc đẩy quan hệ hiện nay có thể nói là rất đúng thời điểm.
Kent Calder

Tác giả Kent Calder sinh năm 1948, hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu  Edwin O. Reischauer (nghiên cứu về Đông Á) của Học viện Nghiên cứu Quốc tế cao cấp -  Đại học Johns Hopkins (SAIS), là chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản của SAIS. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ từ Đại học Harvard vào năm 1979, Kent Calder đã tham gia giảng dạy tại Đại học Princeton. Sau đó, ông đảm nhiệm các chức danh khác như:  Trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, nhiều lần đảm nhiệm vị trí phụ trách nghiên cứu về Nhật Bản của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế chiến lược (CSIS). Các công trình nghiên cứu gần đây của tác giả: “Pacific Alliance: Reviving U.S.Japan Relations” (2008), “The New Continentalism: Energy and Twenty-First Century Eurasian Geopolitics” (2013)

Người dịch: Phan Diễm Huyền, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Nguồn: http://www.nippon.com/cn/in-depth/a02702/#auth_profile_0
http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=824

No comments: