Wednesday, June 18, 2014

15. CUỘC CHÍNH BIẾN UCRAINA: NHÌN TỪ MỘT HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ

TCCSĐT (5/3/2014)- Làn sóng bạo loạn chính trị phức tạp, đầy kịch tính, bùng phát ở U-crai-na từ cuối năm 2013 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, là hiện thân của một học thuyết chính trị ở phương Tây mang tên “phản kháng phi bạo lực” đã từng được áp dụng trong các cuộc “cách mạng sắc màu” trong không gian hậu Xô-viết và “Mùa xuân A-rập” ở Bắc Phi - Trung Đông.


Sau Chiến tranh lạnh, dư luận quốc tế đã từng biết đến các cuộc “cách mạng sắc màu” nhằm lật đổ chế độ cầm quyền ở một số nước như Nam Tư (năm 2000), Gru-di-a (năm 2003), U-crai-na (năm 2004), Cư-rơ-gư-dơ-xtan (năm 2005). Gần đầy nhất, biến thể các cuộc “cách mạng sắc màu” bùng phát ở các nước Bắc Phi - Trung Đông mang tên “Mùa xuân A-rập” như Tuy-ni-di, Ai Cập, Y-ê-men, Li-bi và Xy-ri.

Nghiên cứu về các cuộc “cách mạng” trên, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế nhận định, kịch bản các biến động chính trị - xã hội đó có nhiều điểm chung, được xây dựng trên cơ sở một học thuyết chính trị ra đời ở Anh và Mỹ, được một số thế lực chính trị ở phương Tây sử dụng làm công cụ để thiết lập trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh theo ý đồ của họ. Đó là học thuyết “phản kháng phi bạo lực” (Nonviolent Actions), hay còn gọi là “phản kháng hòa bình”.

Về học thuyết “phản kháng phi bạo lực” 


Một trong những chuyên gia bậc thầy về học thuyết “phản kháng phi bạo lực” là Mai-cơn Mác-phôn (Michael McFaul) - vị đại sứ mới của Mỹ ở Nga nhậm chức vào năm 2012 trong bối cảnh làn sóng “phản kháng phi bạo lực” bùng phát ở Mát-xcơ-va đòi tẩy chay cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia Nga và cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia này mà mục tiêu hướng tới là không để ông V. Pu-tin trở lại Điện Crem-li trong nhiệm kỳ 3. Việc Mai-cơn Mác-phôn đến nhậm chức ở Nga khiến dư luận có dịp tìm hiểu thêm về “người Mỹ thầm lặng” này, người đàn ông từng được mệnh danh là một trong những chuyên gia bậc thầy về học thuyết “phản kháng phi bạo lực” (1).

Mai-cơn Mác-phôn đã từng theo học tại Đại học Oxford (Anh) - nơi khai sinh học thuyết “phản kháng phi bạo lực”. Theo giới nghiên cứu, để đối phó với quá trình phi thực dân hóa bùng phát sau Chiến tranh thế giới thứ II, Chính phủ Anh đã quyết định phát triển một hình thức bá chủ thế giới “kiểu mới” tinh vi hơn, không trực tiếp, “qua tay người khác”, dựa trên các khẩu hiệu "đòi quyền dân chủ" và "cách mạng nhân dân". Chủ trương chiến lược này được nghiên cứu và hoàn thiện ở Đại học Oxford. Từ đó, Chính phủ Anh cho xây dựng "Đề án phản kháng dân sự và chính sách sức mạnh", gọi tắt là CR&PP (Civil Resistance and Power Politics), làm cơ sở để áp dụng các biện pháp “phản kháng phi bạo lực” trong chiến lược chính trị và quân sự toàn cầu. Trong một cuộc hội thảo quốc tế tại Đại học Oxford được tổ chức trong khuôn khổ “Chương trình CR&PP”, Mai-cơn Mác-phôn đã từng đọc tham luận về công nghệ chính trị “phản kháng phi bạo lực”. Sau này, khi chuyển sang nghiên cứu về Nga, 
Mai-cơn Mác-phôn đã trở thành chuyên gia hàng đầu và cũng là chuyên gia bậc thầy về các hoạt động “phản kháng phi bạo lực” trong không gian hậu Xô-viêt và ở Nga.

Một người Mỹ khác có tên là Gen Sáp (Gene Sharp), một trong các chuyên gia hàng đầu về hoạt động “phản kháng phi bạo lực”, cũng đã từng tốt nghiệp Đại học Oxford. Gen Sáp nổi danh bởi những cuốn sách của ông viết về các phương pháp “phản kháng phi bạo lực” nhằm lật đổ các chế độ cầm quyền được ông gán cho nhãn hiệu “các chính phủ chuyên chế”. Năm 1983, Gen Sáp thành lập viện xã hội mang tên An-be Anh-xtanh (Albert Einstein), một tổ chức phi thương mại chuyên nghiên cứu cách thức sử dụng các phương pháp đấu tranh phi bạo lực. Ông đã dày công thu thập, tổng kết, hệ thống hóa và hoàn thành 02 công trình nổi tiếng về “phản kháng phi bạo lực”: (1) "Từ chuyên chế đến dân chủ" ("From Dictatiorship to Democracy") và (2) "198 phương pháp hành động phi bạo lực" ("198 Methods of Nonviolent Actions"). Hai công trình này được xem là cơ sở lý luận của học thuyết “phản kháng phi bạo lực”.

Những tác phẩm của Gen Sáp đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, trong đó có tiếng Thái Lan, tiếng My-an-ma, tiếng Nga, tiếng A-rập. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có 44 bản dịch học thuyết “phản kháng phi bạo lực” của Gen Sáp và được sử dụng như là “cẩm nang” hướng dẫn “các chiến sĩ cách mạng” đấu tranh chống lại chế độ cầm quyền “chuyên chế” ở nhiều nước trên thế giới (4,5,6).

Theo báo "New York Times" (Mỹ), những tác phẩm của Gen Sáp về “phản kháng phi bạo lực” đã được sử dụng làm tài liệu huấn luyện tại Trung tâm quốc tế nghiên cứu về xung đột phi bạo lực. Các lực lượng đối lập ở nhiều nước như Thái Lan, My-an-ma, một số nước cộng hòa trong không gian hậu Xô-viết cũng như một số nước A-rập đã từng tiếp xúc với học thuyết “phản kháng phi bạo lực” của Gen Sap. Một số người 
trong đó đã qua các khóa huấn luyện tại Trung tâm quốc tế nghiên cứu về xung đột phi bạo lực.

Bản chất và cơ chế "phản kháng phi bạo lực" được Gen Sáp trình bày rõ ràng trong 02 tác phẩm của ông với tựa đề "Từ chuyên chế đến dân chủ" và "Cuộc đấu tranh giải phóng". Những cuốn sách này đã được một số thế lực chính trị trên thế giới sử dụng để hướng dẫn hành động cho những lực lượng được giao nhiệm vụ đảo chính nhà nước ở nhiều nước trên thế giới. Theo Gen Sáp, “quần chúng nhân dân” có thể phá tan bộ máy quyền lực của nhà nước, làm phân rã các cơ quan quyền lực, kích động các cuộc xung đột dân tộc, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế và nhiều quá trình mang tính chất tàn phá khác có tác dụng làm suy yếu và dẫn tới sự sụp đổ cả một hệ thống chính trị cầm quyền, được tiến hành dưới khẩu hiệu “xúc tiến dân chủ hóa”, “đòi nhân quyền”, “chống tham nhũng”, “vì tự do”… nhằm mục đích cuối cùng là lật đổ bộ máy quyền lực hiện hành.

Gen Sáp cho rằng, hoạt động “phản kháng phi bạo lực” nhằm lật đổ bộ máy quyền lực không chỉ thông qua các biện pháp “biểu tình hòa bình” nhằm phá hoại nền kinh tế, làm tan rã các cơ chế quyền lực, gây bạo loạn, mà trong trường hợp cần thiết phải can thiệp quân sự từ bên ngoài mà cuộc chiến tranh xâm lược do NATO tiến hành ở Li-bi năm 2011 hay cuộc chiến tranh Xy-ri diễn ra tiếp theo các cuộc “biểu tình hòa bình” là thí dụ điển hình nhất. Gen Sáp nhấn mạnh, bản chất của học thuyết "phản kháng phi bạo lực" hoàn toàn không loại trừ các biện pháp bạo lực quyết liệt nhất, tàn bạo nhất, đẫm máu nhất.

Theo Gen Sáp, "phản kháng phi bạo lực" không chỉ là sự phản kháng của người dân trong khuôn khổ pháp luật như thiết lập cơ chế đối thoại và đàm phán mà bao gồm cả các biện pháp vi hiến nhằm xóa bỏ luật pháp cũ. Trong số 198 phương pháp "phản kháng phi bạo lực" do Gen Sáp bao gồm cả bạo lực và các hoạt động tội phạm đã từng bị lên án trên khắp thế giới như làm giả tài liệu, in tiền giả, cướp bóc, hãm hại, ám sát, thâm nhập vào các công trình được bảo vệ như chiếm giữ các tòa nhà và văn phòng của chính phủ, gây bạo loạn, khủng bố và tất nhiên sẽ xảy ra thương vong, thậm chí là thương vong lớn.

Theo học thuyết chính trị của Gen Sáp, hoạt động "phản kháng phi bạo lực" sẽ làm sụp đổ một chính phủ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: hình thành các hoạt động “mềm” như mít-tinh, biểu tình chống chính phủ với khẩu hiệu bộ máy quyền lực hiện hành của chính phủ không còn hợp pháp và không có hiệu lực. Nhiệm vụ của giai đoạn này là xác định tiềm năng phản kháng chống chính phủ có thể động viên trong toàn xã hội; kiểm tra phản ứng của bộ máy cầm quyền; tổ chức và phát triển các nhóm phản kháng đơn lẻ và mang tính cục bộ trở thành làn sóng chống chính phủ trên quy mô và phạm vi lớn, thậm chí trong phạm vi cả nước. Giai đoạn 2: Làm mất uy tín bộ máy quyền lực nhà nước và các cơ quan quyền lực khác; vận động các quan chức và nhân viên chính phủ hiện hành tham gia các hoạt động phá hoại. Giai đoạn 3: trực tiếp lật đổ chính phủ hiện hành và thay đổi hệ thống chính trị.

Kịch bản “phản kháng phi bạo lực” luôn tuân theo một quy tắc chung là phát hiện và xác định những điểm yếu nhất trong nền kinh tế - xã hội và chính trị của một nước nào đó, từ đó áp dụng các biện pháp tuyên truyền, kích động, khoét sâu và phá hoại thêm để làm cho nó trầm trọng hơn. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền để quy kết tất cả những khiếm khuyết 
cũng như những gì tiêu cực trong xã hội và hệ thống chính trị đất nước cho bộ máy quản lý kém của chính phủ sở tại. Do đó, "phản kháng phi bạo lực" là một hình thức lật đổ chính phủ, thậm chí được giới phân tích chính trị quốc tế xác định là một hình thức chiến tranh hiện đại nhằm cùng một mục tiêu như chiến tranh truyền thống là tiêu diệt bộ máy quyền lực của đối phương và xác lập bộ máy quyền lực mới. Trong loại hình chiến tranh đặc biệt này, người lính chính là các công dân bình thường của một nước mà ở đó sẽ diễn ra cuộc lật đổ chính quyền.

Theo đuổi những mục tiêu ảo tưởng, những “người lính” này được ví như những tế bào ung thư đóng vai trò tiêu diệt chính hệ thống nhà nước của chính họ, tiến hành các hoạt động khủng bố nhằm vào quân đội, cảnh sát và phá hoại nền kinh tế. Như vậy, thực chất "phản kháng phi bạo lực" là một hình thức hoạt động quân sự kiểu mới được che đậy bởi khẩu hiệu “xúc tiến dân chủ”, “đòi tự do”, “vì quyền dân sinh và dân chủ”.

Để áp dụng học thuyết “phản kháng phi bạo lực” trong thực tế, năm 1973 Gen Sáp cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề "198 phương pháp phản kháng phi bạo lực", trong đó mô tả danh mục các biện pháp phản kháng. Theo Gen Sáp, việc xuất bản cuốn sách này xuất phát từ một thực tế, đó là trong thời đại ngày nay, sức mạnh của bất kỳ một nhà nước nào đều dựa vào sự hợp tác với dân chúng và sự phục tùng của dân chúng. Một khi chính quyền không được người dân hợp tác và ủng hộ sẽ không còn chỗ dựa và không thể đứng vững. Nghĩa là, một khi xã hội bất ổn, rối loạn thì chính quyền cũng mất uy tín, thậm chí không còn lý do để tồn tại. Từ đây có thể rút ra một quy luật có ý nghĩa then chốt, đó là chính quyền chỉ đứng vững chừng nào đại đa số người dân vẫn còn tin vào họ. Xuất phát từ những yếu tố đó, thành công của cuộc “phản kháng phi bạo lực” phụ thuộc vào hiệu quả của hoạt động tuyên truyền tư tưởng - văn hóa nhằm tác động tâm lý vào đám đông dân chúng.

Thể hiện học thuyết “phản kháng phi bạo lực” trong cuộc đảo chính ở U-crai-na

Tất cả những gì diễn ra trong cuộc “cách mạng cam” năm 2004 (phiên bản 1.0) và làn sóng bạo loạn diễn ra ở U-crai-na từ cuối năm 2013 đến nay (có thể gọi là cuộc “cách mạng cam” phiên bản 2.0) đã thể hiện một cách sinh động học thuyết “phản kháng phi bạo lực” của Gen Sáp.

Trong cuộc “cách mạng cam” phiên bản 1.0, phe đối lập ở U-crai-na đã sử dụng có hiệu quả thủ đoạn “gian lận trong bầu cử”. Lợi dụng tính chất khó kiểm soát kết quả bầu cử, kết hợp với ưu thế làm chủ các phương tiện thông tin đại chúng, các lực lượng đối lập được các thế lực bên ngoài ủng hộ đã mở chiến dịch tuyên truyền để vừa tranh thủ lá phiếu của các cử tri, vừa dựng lên cái gọi là "gian lận trong bầu cử" nhằm làm mất uy tín của chính phủ cầm quyền, tạo cơ hội tổ chức bầu cử lại để tranh giành thắng lợi cho các lực lượng đối lập.

Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử trung ương (SIK) công bố kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống ở U-crai-na ngày 21-11-2004, theo đó ông V. Y-a-nu-cô-vích giành thắng lợi với 49,46% số phiếu bầu, còn ứng cử viên V. Y-u-xen-cô chỉ giành được 46,61% số phiếu, phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ ông V. Y-u-xen-cô xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử với lý do có sự “gian lận” và “không minh bạch” trong bầu cử và kiểm phiếu. Phe đối lập cho rằng, quyết định của SIK là “bất hợp pháp”, “đẩy đất nước tới bờ vực của cuộc nội chiến”, đồng thời tuyên bố thành lập Ủy ban Cứu quốc để tổ chức tổng tuyển cử.

Ngày 23-11-2004, ước tính có khoảng 100 nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Ki-ép và từ các địa phương kéo về, do ông V. Y-u-xen-cô và người vợ gốc Mỹ mới nhập quốc tịch U-crai-na của ông dẫn đầu, tập trung trước tòa nhà Chính phủ, tòa nhà Quốc hội và sẵn sàng xông vào đánh chiếm các toà nhà này để đòi chiến thắng cho ông. Tất cả những động thái của phe đối lập và của những người biểu tình thể hiện trên đường phố trong những ngày cuối tháng 11-2004 đã khiến người ta liên tưởng tới sự giống nhau đến kỳ lạ với cuộc khủng hoảng chính trị sau bầu cử đã từng diễn ra ở Gru-di-a cuối năm 2003 hay ở Nam Tư cuối năm 2000, bởi tất cả đều dựa trên cơ sở kịch bản “phản kháng phi bạo lực” của Gen Sáp. Nếu có khác nhau chỉ là ở quy mô lớn hơn và tính tổ chức của lần sau cao hơn những lần trước đó.

Ứng cử viên V. Y-u-xen-cô tuyên bố, phe đối lập sẽ thực hiện 3 kịch bản nếu SIK không thừa nhận ông là người chiến thắng. Đó là : (1) triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội để xem xét các cáo buộc về “gian lận trong bầu cử!; (2) tổ chức phản kháng phi bạo lực trên quy mô lớn; (3) tổ chức hành động phản đối ngay trong nội bộ SIK và trong Toà án tối cao.

Trong khi đó, bà Y. Ti-mô-sen-cô, đồng minh thân cận của ông V. Y-u-xen-cô, tuyên bố, phe đối lập sẽ kiện lên Toà án tối cao U-crai-na và yêu cầu huỷ bỏ kết quả bầu cử. Bà Y. Ti-mô-sen-cô cũng đe dọa, phe đối lập sẽ phong tỏa các tuyến đường sắt, đường bộ và sân bay của U-crai-na, thậm chí tấn công cả Phủ Tổng thống. Những người tụ tập tại Quảng trường Độc lập cũng tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi ông V. Y-u-xen-cô được công nhận là người thắng cử. Đồng thời, các lực lượng đối lập cũng huy động hàng trăm nghìn người ủng hộ ông V. Y-u-xen-cô xuống đường mít tinh và biểu tình tại các thành phố khác của U-crai-na.

Ngày 01-12-2004, trong khi toà nhà Quốc hội U-crai-na bị hàng chục nghìn người ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập V. Y-u-xen-cô bao vây, gây sức ép đòi tiến hành cuộc bầu cử mới, Quốc hội U-crai-na đã bỏ phiếu quyết định cách chức Thủ tướng của ông V. Y-a-nu-cô-vích, tán thành việc thành lập Chính phủ lâm thời. Trước đó, ngày 27-11-2004, Quốc hội U-crai-na đã thông qua quyết định coi việc bầu cử là không có hiệu lực và khẳng định “đã xảy ra hàng loạt vi phạm” tại cuộc bầu cử này.

Ngày 03-12-2004, Tòa án tối cao U-crai-na đã khiến cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng hơn khi ra phán quyết huỷ bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng 1, đồng thời đề nghị SIK tổ chức bỏ phiếu lại vòng 2 vào ngày 26-12-2004. Tiếp đó, ngày 04-12, Quốc hội ra quyết định sửa đổi luật bầu cử tổng thống vòng 2 và thành lập SIK mới theo tinh thần quyết định của Toà án tối cao.

Cuộc bầu cử lại vòng 2 diễn ra ngày 26-12-2004, thì chỉ 01 ngày sau, ngày 27-12, khi kết quả sơ bộ còn chưa được công bố, hàng trăm nghìn người ủng hộ ông V. Y-u-xen-cô đã mang trang phục màu da cam đổ ra Quảng trường Độc lập ở thủ đô Ki-ép và các thành phố miền Tây U-crai-na ca hát, nhảy múa mừng thắng lợi của ông V. Y-u-xen-cô. Bản thân ông V. Y-u-xen-cô cũng tuyên bố giành chiến thắng, mặc dù SIK chưa công bố kết quả chính thức. Ông này còn kêu gọi hàng chục nghìn người tụ tập tại Quảng trường Độc lập tiếp tục ở lại đây cho đến chừng nào ông chính thức được tuyên bố là người chiến thắng.

Toàn bộ hoạt động của phe đối lập được điều phối bởi các tổ chức phi chính phủ của một số nước phương Tây đang hoạt động ở U-crai-na. Những người tham gia biểu tình được bảo đảm ăn uống đầy đủ, có lều bạt để nghỉ ngơi, tránh rét và nghỉ qua đêm, được liên lạc bằng điện thoại di động miễn phí. Sau mỗi “ca” biểu tình, họ xếp hàng dài để nhận mỗi người khoảng 10 USD cùng bánh mỡ kẹp thịt và nước hoa quả. Đây là một dạng đầu cơ chính trị đã và đang trở thành phổ biến trong các cuộc “cách mạng sắc màu” (6,7,8).

Cuộc “cách mạng cam” phiên bản 2.0 ở U-crai-na từ cuối năm 2013 tới đầu năm 2014 diễn ra theo công nghệ chính trị tương tự như trong phiên bản 1.0. Chỉ có sự khác nhau là làn sóng “phản kháng phi bạo lực” lần này lại mượn một cớ khác bởi lúc này ở U-crai-na đã có một chính thể hoàn chỉnh đang cầm quyền. Thay vì lấy cớ “gian lận trong bầu cử”, các lực lượng đối lập ở U-crai-na mượn cớ phản đối Tổng thống U-crai-na V. Y-a-nu-cô-vích đưa ra quyết định tạm hoãn việc ký kết Hiệp định liên kết với EU vào dịp tổ chức 
Hội nghị “Đối tác phương Đông” ở Vin-nhút.

Theo Hiến pháp U-crai-na, tổng thống nước này có toàn quyền quyết định việc ký kết hay không ký kết các hiệp định và hiệp ước quốc tế với các quốc gia khác hay với các tổ chức quốc tế. Hơn thế nữa, quyết định này của Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích hoàn toàn xuất phát từ chính lợi ích quốc gia của U-crai-na. Nếu Chính phủ Ki-ép quyết định gia nhập thị trường tự do của EU theo những điều kiện đề ra trong Hiệp định này thì U-crai-na sẽ phải chịu thảm họa kinh tế, trong đó hàng nghìn xí nghiệp của U-crai-na sẽ bị phá sản, đẩy hàng triệu công nhân vào cảnh thất nghiệp do sau khi rào cản thuế quan với EU được gỡ bỏ thì hàng hóa châu Âu sẽ chiếm lĩnh thị trường U-crai-na, trong khi hàng hóa của U-crai-na chưa đủ chất lượng để ra nhập thị trường chung châu Âu. Để tránh thảm họa này, U-crai-na cần một khoản đầu tư ước tính khoảng 165 tỷ USD để hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, EU không giúp được gì trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, còn việc U-crai-na đi vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng bế tắc do điều kiện do IMF áp đặt quá ngặt nghèo.

Như vậy, việc các lực lượng đối lập ở U-crai-na xuống đường biểu tình đòi lật đổ Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích là hành động vi hiến. Vì thế, khác với cuộc “cách mạng cam” phiên bản 1.0 năm 2004, cuộc “cách mạng cam” lần này không phải là cuộc biểu tình hòa bình mà là cuộc chiến tranh bạo loạn, trong đó các lực lượng cực đoan và phát xít mới trong hàng ngũ các lực lượng đối lập sử dụng người dân biểu tình làm “lá chắn sống” để tấn công các lực lượng bảo vệ pháp luật của U-crai-na, sử dụng các hành động khủng bố và đe dọa khủng bố để gây sức ép buộc Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích và Quốc hội U-crai-na phải nhượng bộ đến mức được dư luận nhận định là đầu hàng vô điều kiện, theo đó (1) sẽ phục hồi Hiến pháp năm 2004, (2) tổ chức bầu cử sớm quốc hội và tổng thống, (3) bãi bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, (4) hủy bỏ chiến dịch chống khủng bố vừa mới ban hành, (5) cấm quân đội và cảnh sát tham gia chống khủng bố; (6) thành lập chính phủ mới.

Còn có một điều khác nữa của cuộc “cách mạng cam” phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là trong cuộc chính biến vừa qua ở U-crai-na đã diễn ra hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quốc tế. Đó là nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước của một số nước phương Tây đã hòa nhập vào dòng người tiến hành bạo loạn trên đường phố thủ đô Ki-ép của U-crai-na, cổ vũ tinh thần cho họ, phân phát bánh mì và áo ấm cho những người “biểu tình hòa bình”. Do đó, trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19-02-2014, Tổng thống U-crai-na V. Y-a-nu-cô-vích lên án những người biểu tình chống Chính phủ đã "vượt qua giới hạn", trong đó có hành động sử dụng vũ lực chiếm giữ các đường phố, các công sở và tìm cách lật đổ Tổng thống dân bầu, coi thường nguyên tắc dân chủ, mà theo đó việc tranh giành quyền lực cần phải thông qua bầu cử chứ không phải hành động trên đường phố.

Nhận định về tình hình này, ngày 19-02-2014, người phát ngôn của Tổng thống Nga V. Pu-tin, ông Đmi-tri Pê-xcốp tuyên bố, Chính phủ Nga đánh giá các diễn biến tại U-crai-na là một cuộc đảo chính nhà nước. Trong khi đó, một số nước phương Tây ngay lập tức, một mặt ủng hộ hành động vi hiến và phản dân chủ của các lực lượng đối lập ở U-crai-na, mặt khác lại lên án các nhà chức trách U-crai-na đã “sử dụng vũ lực bừa bãi” và đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên quan đến những vụ bạo lực đẫm máu xảy ra trong ngày 18-02-2014 mà thực tế là do các lực lượng phát xít mới và dân tộc cực đoan gây ra.

Trong khi một số nước phương Tây can thiệp trực tiếp vào tình hình chính trị ở U-crai-na, thì Nga lại chủ trương nhất quán “trước sau như một”, khi khẳng định: thể chế chính trị ở U-crai-na phải do người dân quốc gia này tự quyết định và luôn mong muốn hợp tác hòa bình và hữu nghị với quốc gia láng giềng này.

Như vậy, sự kiện ở U-crai-na là lời cảnh báo về một cuộc Chiến tranh lạnh chưa hề kết thúc mà đang diễn ra quyết liệt dưới hình thức các “cuộc cách mạng sắc màu” hay “Mùa xuân A-rập” nhằm thiết lập và duy trì trật tự thế giới mới do phương Tây đóng vai trò lãnh đạo. D.Brê-din-xki (Zbignev Brezinski) - người đã từng là cố vấn An ninh quốc gia của nguyên Tổng thống Mỹ Gi-mi Ca-tơ (Jimy Cater) và là tác giả của chuyên luận nổi tiếng có tựa đề “Bàn cờ lớn” ấn hành vào năm 1997, nhận định: “Đối với chúng ta, U-crai-na là tiền đồn của phương Tây chống lại sự phục hồi siêu cường Nga như vị thế của Liên Xô trước đây” (10). Còn nhà báo Mỹ Đa-vít Phrum (David Frum) nhận xét rằng, cuộc chiến đang diễn ra trên đường phố Ki-ép lúc này sẽ quyết định tương lai của châu Âu và sự thịnh vượng cũng như an ninh của nước Mỹ. Do đó, U-crai-na sẽ là “điểm nóng địa - chính trị” giữa lòng châu Âu trong những năm tới và là một trong những “điểm nóng” đáng lo ngại nhất trên thế giới hiện nay./.

--------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Майкл Макфол: "Я специалист по демократии, антидиктаторским движениям и революциям"
http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/vprint/65849

2. Michael McFaul: America’s Man In Russia.
http://www.newsweek.com/michael-mcfaul-americas-man-russia-65247

3. Посол с дипломом инженера «цветных революций»http://www.fondsk.ru/news/2012/01/08/posol-s-diplomom-inzhenera-cvetnyh-revoljucij.html Iem

4.Оксфорд-кузница кадров для дестабилизации России. http://www.warandpeace.ru/ru/reports/vprint/66922/

5. Идеология цветных революций по Джину Шарпу
http://archive.censor.net.ua/go/viewTopic--id--438002

6. От диктатуры к демократии
http://proxy.flibusta.net/b/238413/read

7.Revolution in Orange: The Origins of Ukraine's Democratic Breakthrough
http://www.goodreads.com/book/show/17472651-revolution-in-orange

8. Цветные революции современности
http://works.doklad.ru/view/GvpZsuDY0Ac/all.html
http://archive.censor.net.ua/go/viewTopic--id--438002

9. Что Стоит За Цветными Революциями
http://world.lib.ru/p/pochinkow_n/cvetnierevolucii.shtml

10. Zbigniew Brzezinski. The Grand Chessboard: American Primacy And Its Geostrategic Imperatives


Đại tá Lê Thế Mẫu

No comments: