Tuesday, June 17, 2014

12. QUAN HỆ CÁC NƯỚC LỚN: TƯƠNG PHẢN VÀ HÒA HỢP


Năm cũ 2013 khép lại với cảm giác lạc quan đầy thận trọng trước cục diện kinh tế và chính trị thế giới, nhất là trong quan hệ các nước lớn - những chủ thể vẫn được xem là nhân tố quan trọng chi phối nền kinh tế và chính trị thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng 2008-2009, các nước lớn Mỹ, Trung, Nhật, Nga tiếp tục tập trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng nội nhu, tạo việc làm, hướng tới phát triển bền vững. Các nước lớn cũng ưu tiên xử lý các vấn đề chính trị trong nước do năm 2013 là năm đầu tiên của các chính quyền mới lên hoặc tái đắc cử, cần phải thu xếp ổn thỏa các vấn đề nội bộ. Do đó, các nước lớn có nhu cầu duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi, tạo dựng khuôn khổ quan hệ lâu dài, từ đó tạo nên xu thế chung là hòa hoãn và hợp tác giữa các nước lớn trên nhiều vấn đề có lợi ích chung, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì sự cạnh tranh về chiến lược.
Tiến triển mới
Năm 2014, triển vọng tình hình kinh tế và chính trị các nước lớn có một số tiến triển mới, khiến cho quan hệ các nước lớn có những thay đổi nhất định. Theo dự báo của các định chế kinh tế quốc tế có uy tín như IMF, WB, WTO, kinh tế thế giới năm 2014 tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2013, tuy còn nhiều khó khăn tiềm ẩn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng như trước khủng hoảng. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 đạt khoảng 3,6% (theo IMF), thương mại toàn cầu dự kiến tăng trưởng 4,9% (theo WTO). Trong đó, sự phục hồi kinh tế của nhóm các nước phát triển như Mỹ, Nhật, khu vực Eurozone khá khả quan, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,6%, 1,2% và 1% (theo IMF). Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng toàn cầu, toàn châu Á dự kiến tăng trưởng 6,2% trong năm 2014 (theo ADB).
Về tình hình chính trị nội bộ, nhìn chung các nước lớn đều đạt mức độ ổn định chính trị cao hơn so với những năm vừa qua. Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XVIII), quyết định đi sâu cải cách kinh tế toàn diện, thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, quyết tâm chống tham nhũng, thể hiện khả năng kiểm soát của êkíp lãnh đạo mới.
Tại Nhật Bản, sau khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Nghị viện gần đây, Đảng LDP của Thủ tướng Abe đã đạt được ổn định chính trị tạm thời, làm hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền Abe tiếp tục thi hành chính sách Abenomics và điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia theo hướng đưa Nhật Bản trở thành một nước "bình thường".
Nước Nga của Tổng thống Putin đang ra sức khắc phục những khó khăn về kinh tế xã hội, đồng thời ứng phó với những mối đe dọa khủng bố trước thềm Thế vận hội mùa Đông tại Sochi.
Duy nước Mỹ sẽ có bầu cử Quốc hội giữa kỳ cuối năm 2014, chính trị nước Mỹ tiếp tục bị phân cực do bầu cử, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự năng động về đối ngoại của chính quyền Mỹ. Tuy vậy, những tiến triển trong nội bộ Mỹ thời gian qua cho thấy hai Đảng, chính quyền và Quốc hội vẫn có khả năng hợp tác trong những vấn đề cốt yếu của Mỹ như phục hồi kinh tế, bảo đảm sự hoạt động bình thường của chính quyền Mỹ.
Những điều chỉnh cần thiết
Trước bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị khả quan hơn, các nước lớn về cơ bản tuy không có sự điều chỉnh lớn về chiến lược đối ngoại nhưng sẽ nhân điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chính sách hiện nay đang theo đuổi. Xu hướng chung của các nước lớn là tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng việc triển khai chính sách đối ngoại có chiều hướng tích cực hơn, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết về chiến thuật cho phù hợp với bối cảnh mới. Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược cả về kinh tế cũng như chính trị, nơi tích tụ nhiều mâu thuẫn giữa các nước lớn. Mỹ tiếp tục khẳng định chiến lược "tái cân bằng" một cách nhất quán đối với châu Á-Thái Bình Dương, nhưng sẽ có điều chỉnh trên một số vấn đề trong quan hệ với đối tượng chính là Trung Quốc, tùy tình hình cụ thể.
Về phần mình, Trung Quốc cũng triển khai đồng loạt các biện pháp ứng phó với chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ, nhưng không theo hướng đối đầu mà phấn đấu xây dựng quan hệ ổn định lâu dài với Mỹ, đồng thời triển khai chính sách "tấn công hấp dẫn" lần thứ hai nhằm tranh thủ các nước láng giềng khu vực, phá thế bao vây kiềm tỏa của Mỹ.
Nhật Bản trong năm 2013 đã hoàn thành một bước quan trọng về cơ sở chính trị-pháp lý để trở thành một nước "bình thường", với việc thông qua Chiến lược an ninh quốc gia, Định hướng chương trình phòng thủ quốc gia, thành lập Hội đồng an ninh quốc gia... Năm 2014, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh triển khai chiến lược an ninh quốc gia mới dựa trên những nền tảng đã xây dựng được trong thời gian vừa qua.
Triển vọng sôi động hơn
Như vậy, quan hệ các nước lớn trong năm 2014 một mặt tiếp tục xu thế tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ, duy trì hòa hoãn bên ngoài để ổn định bên trong, hợp tác trên một số vấn đề có lợi ích chung nhỏ nhất; mặt khác, quan hệ giữa họ với nhau có triển vọng sôi động hơn năm 2013 do các nước lớn tự tin hơn trong việc triển khai chính sách đối ngoại hiện có, dẫn đến khả năng xảy ra cọ sát, va chạm lợi ích trên một số vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, quan hệ các nước lớn sẽ không vượt quá khuôn khổ đã xác lập hàng chục năm nay là vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình, cạnh tranh gay gắt nhưng tránh xung đột trực tiếp trên các vấn đề "cốt lõi".
Quan hệ Trung-Mỹ là cặp quan hệ vốn nhận được nhiều sự chú ý nhất của cộng đồng quốc tế do tầm quan trọng của nó đối với thế giới nói chung và Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Trong năm 2013, hai nước đã thăm dò lẫn nhau, tìm cách xác lập khuôn khổ "quan hệ cường quốc kiểu mới" theo sáng kiến của Trung Quốc và ở một chừng nào đó đã được Mỹ tán thưởng trên lời nói. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa đạt được nhận thức chung về nội hàm của mô hình "quan hệ cường quốc kiểu mới" này. Thời gian tới, hai nước vẫn tiếp tục tìm cách xây dựng khuôn khổ quan hệ này theo ý đồ của mỗi nước, do đó khó tránh khỏi tình thế "đồng sàng dị mộng" giữa hai cường quốc.
Trong năm 2014, Nga và Mỹ sẽ cố gắng cải thiện bầu không khí lạnh nhạt giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Putin trở lại cầm quyền tới nay. Sự hợp tác Nga-Mỹ trong vấn đề Syria năm qua đã giúp tháo ngòi nổ chiến tranh ở khu vực Trung Đông, mở ra triển vọng giải quyết vấn đề Syria bằng giải pháp chính trị, bảo đảm lợi ích của các bên, trong đó có cả của Nga và Mỹ. Hai nước cần đến nhau trong việc giải quyết nhiều điểm nóng khu vực khác như Iran, CHDCND Triều Tiên, nhưng vẫn sẽ công kích và trả đũa nhau trên một loạt vấn đề song phương khác như dân chủ nhân quyền, Edward Snowden...
Là mối quan hệ bất ổn định nhất trong số các cặp quan hệ nước lớn, sau những diễn biến phức tạp trong năm 2013 liên quan đến tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như những diễn biến trong nội bộ Nhật Bản, quan hệ Trung-Nhật nhiều khả năng tiếp tục căng thẳng về chính trị-ngoại giao, giảm nhiệt về kinh tế-thương mại, cọ sát va chạm về an ninh-quốc phòng. Mâu thuẫn chiến lược giữa hai nước lớn hơn nhiều so với vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vốn có nguồn gốc từ lịch sử và liên quan đến trật tự khu vực Đông Á, nên trước mắt chưa có hướng giải quyết triệt để. Tuy nhiên hai nước cũng hiểu rõ giới hạn đỏ của họ là tránh không để xảy ra xung đột vũ trang trên biển giữa lực lượng quân sự của hai nước.
Quan hệ Nga-Trung vẫn duy trì được mối quan hệ chính trị tốt đẹp được lãnh đạo cấp cao hai nước vun đắp suốt hai thập kỷ qua. Trung Quốc coi quan hệ với Nga là hình mẫu cho khuôn khổ "quan hệ cường quốc kiểu mới", cần được phát huy và áp dụng cho các cặp quan hệ nước lớn khác. Vấn đề chính đối với Nga và Trung Quốc trong thời gian tới là tận dụng được quan hệ chính trị tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo thế cho hai nước trong quan hệ với Mỹ, đồng thời khỏa lấp được những nghi kỵ truyền thống giữa hai nước.
Liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, thậm chí còn tiếp tục được tăng cường trước những bất ổn ở biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên. Nhận thức được những hạn chế của mình, Mỹ khuyến khích Nhật Bản tiến triển thành một nước "bình thường" để chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, nhưng mặt khác cũng tỏ ra lo ngại nếu như Nhật Bản đi quá xa trong tiến trình này, vì như vậy sẽ làm mất ổn định khu vực Đông Bắc Á, không phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong năm 2014, sự vận động của các cặp quan hệ nước lớn phản ánh nhiều sắc thái quan hệ khác nhau, từ ổn định nhất như cặp quan hệ Mỹ-Nhật đến bất ổn định nhất như cặp quan hệ Trung-Nhật. Đặc điểm đáng chú ý là sự vận động của quan hệ các nước lớn không vượt khỏi xu thế chung là tập trung phục hồi kinh tế, duy trì ổn định chính trị, đồng thời tích cực xúc tiến các quan hệ đối ngoại để phục vụ hữu hiệu lợi ích quốc gia trước tình hình có nhiều diễn biến mới. Các nước đều hướng tới xây dựng một khuôn khổ quan hệ lâu dài, ổn định, khả dĩ điều tiết cạnh tranh và quản lý có hiệu quả các bất đồng. Điều này cũng làm nên sự hòa hợp nhất định giữa các cặp quan hệ nước lớn trong một bức tranh đa dạng, đa sắc thái. 
TS. Nguyễn Nam DươngPhó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngoại giao
Nguồn:Báo thế giới và Việt Nam (3/1/2014)

No comments: