Saturday, June 14, 2014

10. SỰ NỔI LÊN CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN


Võ Minh Tập
NCS, Đại học KHXH &NV – ĐHQG TP.HCM


TÓM TẮT
Từ năm 1978 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, thuộc loại cao nhất trong lịch sử nền kinh tế thế giới (trung bình hơn 10%/năm) và làm thay đổi trật tự kinh tế-chính trị thế giới trong thế kỉ XXI. Sự nổi lên (hay trỗi dậy) của nền kinh tế Trung Quốc đã làm gia tăng tiềm lực kinh tế, chính trị, từ đó gia tăng vai trò và ảnh hưởng đối với thế giới, trong đó có khu vực ASEAN.
Bài viết tập trung phân tích sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc, chủ yếu trong thập niên 2000, đây là một trong những nhân tố then chốt trong bối cảnh mới cần được xem xét. Từ đó, làm rõ những tác động từ sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đối với hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Từ khóa: ASEAN, AEC, Trung Quốc, trỗi dậy, tác động….
ABSTRACT  
THE RISE OF CHINA’S ECONOMY
AND ITS IMPACTS ON THE REALIZATION OF AEC
Since 1978, China's economy has rapidly grown and been among fastest-growing one in the history of the world economy (an average growth rate of 10% per year) and changed the global economic-politic order in the 21st century. The rise of China’s economy has increased political and economic potential, thus raising the role and impact on the world, including ASEAN region.
 The article focuses on analyzing the rise of China’s economy mainly in the 2000s, which is one of key factors in the new context that should be considered. As a result, the article also clarifies impacts of the rise of China’s economy on the realization of ASEAN Economic Community
Keywords: ASEAN, AEC, China, the rise, impacts, etc.

1. Sức mạnh của kinh tế Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI
Trong bối cảnh làn sóng toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng và cạnh tranh chiến lược của nhiều thực thể kinh tế trong trật tự kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế. Trung quốc là một trong những thực thể đó.
Từ khi thực hiện đại cải cách mở cửa (1978) đến nay, đặc biệt trong thập niên 2000, Trung Quốc từng bước điều chỉnh, triển khai chiến lược kinh tế toàn diện và đạt được những thành tựu mang tính “bùng nổ” hay là một “kì tích Trung Hoa”. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thể hiện trên các lĩnh vực như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), thu hút đầu tư quốc tế (FDI), dữ trữ ngoại tệ và giá trị thương mại. Sự phát triển mang tính bứt phá đó được giới học giả trên thế giới quan tâm và nghiên cứu, những cụm từ như  “nổi lên” hay “trỗi dậy” luôn được gán ghép, sử dụng và hiện diện trên các diễn đàn khi bàn về Trung Quốc đã được cập nhật thường xuyên.

1.1. Tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao nhất thế giới. Trong khi các nền kinh tế đang chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu từ năm 2008 – 2009, Trung Quốc là quốc gia thoát khỏi khủng hoảng nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia, nhóm nước trên thế giới (xem bảng 1).
Bảng 1: Tốc độ tăng GDP thực tế của Trung Quốc so với một số nước, khu vực và thế giới (2000 – 2010), (Đơn vị: tỷ %)                                                      

2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
2008
2009
2010
Tb
Thế giới
2,2
2,9
3,6
4,9
4,5
5,1
5,2
3,0
-0,6
4,6
3,54
Các nước phát triển
1,0
1,7
1,9
3,2
2,7
3,0
2,8
0,5
-3,2
2,6
1,62
Các nước đang phát triển và mới nổi
2,9
4,8
6,2
7,5
7,1
7,9
8,3
6,1
2,5
6,8
6,01
Các nước đang phát triển châu Á
3,4
6,9
8,2
8,6
9,0
9,8
10,6
7,7
6,9
9,2
8,03
Mỹ
1,1
1,8
2,5
3,6
3,1
2,7
2,1
0,4
-2,4
3,3
1,82
EU
1,7
1,4
1,5
2,7
2,2
3,4
3,1
0,9
-4,1
1,0
1,38
Nhật Bản
-0,9
0,3
1,4
2,7
1,9
2,0
2,4
-1,2
-5,2
2,4
0,58
Ấn Độ
3,9
4,6
6,9
7,9
9,2
9,8
9,4
6,4
5,7
9,4
7,32
Nga
5,1
4,7
7,3
7,2
6,4
8,2
8,5
5,2
-7,9
3,7
4,84 (*)
Trung Quốc
8,3
9,1
10,0
10,1
10,4
11,6
13,0
9,6
9,1
10,5
10,17
Nguồn: IMF (2010), World Economic Outlook (WEO), Washington, D.C, April 2010, pp.155-160, July 2010, p.2. (Riêng tác giả xử lí số liệu phần bình quân tăng trưởng). (*) Dẫn theo: Nguyễn Kim Bảo (chủ biên, 2013), Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, hà Nội, tr.25.
Nhờ tăng trưởng cao, Trung Quốc đã từng bước xác lập và định vị nền kinh của mình theo qui mô nền kinh tế thế giới và hiện là công xưởng của thế giới. Năm 2001, GDP chỉ đứng thứ 9 thế giới, nhưng đến năm 2005, Trung Quốc đã vượt qua Anh và Pháp, đứng thứ 4 thế giới, vượt qua Đức năm 2007 trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới. Đỉnh cao nhất là từ tháng 8/2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP đạt 5.480 tỷ USD[1] (sau Mĩ). Năm 2011, tính theo GDP, Trung Quốc (đạt 7,48 ngàn tỷ USD), tăng khoảng 6 lần và theo đồng NDT (đạt 47.156 tỷ NDT), gấp 4,72 lần mức năm 2001[2]. Tỷ lệ tổng lượng GDP của Trung Quốc trong tổng lượng GDP toàn cầu theo sức mua (PPP) không ngừng tăng lên, từ 3,7% năm 1990 lên đến 14,3%, trong khi đó tỉ lệ này của Mĩ giảm từ 24,3% năm 1999 xuống còn 18,9% năm 2011[3]. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới, từ vị trí thứ 9 (2001) vươn lên đứng thứ 2 thế giới như hiện nay. Đây là biểu hiện rõ rệt nhất về sự nổi lên/sức mạnh/trỗi dậy của Trung Quốc.
1.2. Dự trữ ngoại tệ hàng đầu thế giới. Cách đây một thập niên, thặng dư vãng lai của Trung Quốc dưới 2% GDP và dự trữ ngoại tệ khoảng 168 tỷ USD, chiếm 14% GDP. Đến năm 2005, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã gấp 4,8 lần so với năm 2000. Giữa năm 2009, mức dự trữ trên 2.400 tỷ USD và đứng đầu thế giới cho đến nay, cùng với Trung Quốc, một số quốc gia được đánh giá dữ trữ ngoại trữ hàng đầu thế giới những năm gần đây (xem bảng 2). Với sức mạnh về dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc đã được biết đến như một chủ nợ lớn của Mĩ khi mua hàng trăm tỷ USD trái phiếu của cường quốc số 1 thế giới hiện nay.
Bảng 2: Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc so với một số nước (2006 – 2011)
                                                                                                   Đơn vị: tỷ USD
Quốc gia
2006
2007
2008
2009
2010
2011
Trung Quốc
1.069,5
1.531,3
1.950,3
2.417,9
2.889,6
3.236,0
Ấn Độ
171,3
276,6
248,0
266,2
291,5
345,8
Nga
296,2
467,6
412,7
417,8
454,5
513,0
Brazil
85,2
179,5
192,9
237,4
287,5
357,9
Mehico
76,3
87,1
95,1
99,6
120,3
142,0







        
    Nguồn: Theo số liệu của IMF và CIA.
           
            1.3. Hoạt động đầu tư hàng đầu thế giới.
   Trong thập niên đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc nổi lên là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như vốn đầu tư của nước này ra nước ngoài đầy ấn tượng. Chính sách “thu hút vào” và “đi ra ngoài” là nét nổi bật trong chiến lược mở cửa kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.
Trong bối cảnh nguồn vốn FDI trên thế giới giảm mạnh, đặc biệt rơi vào những nước phát triển trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010, trong khi đó dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển lại ổn định hơn (xem bảng 3).
Bảng 3: Giá trị dòng FDI vào Trung Quốc so với thế giới và các nhóm nước (2000 – 2010) (Đơn vị: tỷ USD)                                                                                       

2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
2008
2009
2010
Thế giới
825,2
628,1
565,7
732,3
985,7
1.459
2.099,9
1.770,8
1.114,1
1.302
Các nước phát triển
601,0
440,7
361,9
410,0
624,5
970,0
1.444,0
1.018,2
565,8
619,9
Các nước đang phát triển
214,7
176,1
183,9
291,9
330,1
434,3
564,9
630,0
478,3
682,6
Trung Quốc
46,8
52,7
53,5
60,6
72,4
72,7
83,5
108,3
95,0
114,7
Nguồn: UNCTAD (2010), World Investment Report, 22 July 2010, p.171.
Riêng Trung Quốc, luồng vốn FDI vào Trung Quốc tăng rất nhanh. Từ 2002, Trung Quốc được biết đến như một nước thu hút FDI lớn của thế giới, khi FDI vào nước này đạt hơn 50 tỷ USD. Giá trị FDI vào Trung Quốc trong năm 2011 tăng gấp 3 lần so với năm 2000, với 116 tỷ USD. Cho đến cuối 2011, tổng vốn lũy kế đầu tư vào Trung Quốc là 1200 tỷ USD, là quốc gia nhận đầu tư nước ngoài lớn thứ hai thế giới sau Mĩ[4]. Cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, ASEAN, Ấn Độ… là những nước hàng đầu trong khu vực châu Á thu hút FDI. Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cũng tăng nhanh, tăng từ 2,7 tỷ USD (2002) lên 67,6 tỷ USD (2011), đứng thứ 9 trên thế giới[5].
1.4. Thương mại Trung Quốc tăng trưởng kỉ lục
Từ 2007 đến nay, thương mại thế giới sụt giảm chưa từng có, từ 7,3% (2007) giảm xuống 11,3% năm 2009[6]. Trong khi đó nhờ mở rộng phát triển đối ngoại, hàng nhập khẩu bình quân hàng năm của Trung Quốc đạt gần 750 tỷ USD. Xuất siêu của Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên, năm 2008 đạt mức cao nhất là 298,13 tỷ USD, trở thành quốc gia có mức xuất siêu lớn nhất thế giới. Đến năm 2009, Trung Quốc trở thành nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ hai thế giới sau Mĩ (Trung Quốc: 8,87%; Mĩ: 10,69%)[7]. EU, Mĩ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông là những đối tác có ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại chủ yếu của Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại với 5 nước này chiếm 80% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Chính sự phát triển nhanh chóng của thương mại Trung Quốc đã tạo ra một thị trường lớn cho các đối tác. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật, Úc, Hàn quốc, ASEAN và là thị trường lớn thứ ba của Mĩ và Ấn Độ[8].
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số người dùng điện thoại di động và là một thị trường di động phát triển nhất thế giới, khoảng 889 triệu thuê bao (2011), so với 87 triệu vào năm 2000. Trung Quốc còn vượt Mĩ trở thành nước đứng đầu thế giới về số người sử dụng internet (với 457 triệu người vào năm 2010). Vượt Nhật Bản trở thành nước lớn nhất về sản xuất ô tô con và xe tải nhẹ, vượt Mĩ về lượng tiêu thụ ô tô hạng nhẹ (năm 2009). Sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc cũng không ngừng được nâng cao. Theo tính toán của Báo cáo sức cạnh tranh toàn cầu (2010-2011) tại Diễn đàn kinh tế thế giới, Trung Quốc xếp thứ 27 trong 139 quốc gia và khu vực[9].
1.5. Xướng hướng phát trển kinh tế của Trung Quốc và tác động
Từ những phân tích trên cho thấy, Trung Quốc đã nổi lên thật sự và không thể chối cãi. Tuy nhiên có thể nói, sự nổi lên của Trung Quốc nói chung và kinh tế nói riêng không chỉ mang lại cơ hội mà còn kéo theo những nguy cơ tiềm tàng cho thế giới và khu vực.
Có rất nhiều dự báo xu hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên sắp tới. Dù có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung nhiều dự báo đã chỉ ra rằng, với tiềm lực kinh tế lớn như trên, triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn rất sáng sủa, và Trung Quốc là cường quốc kinh tế đang trỗi dậy ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Nhật Bản và Ngân hàng đầu tư Mĩ, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Trung quốc có thể vượt qua Mĩ để tiến tới vị trí thứ nhất vào năm 2040. OECD nhận định, mức tăng trưởng của Trung Quốc được đánh giá là bền vững và nhanh nhất trong lịch sử kinh tế thế giới trong 50 năm qua. Độ lớn của nền kinh tế Trung Quốc đã vượt tổng các nền kinh tế của các quốc gia chủ yếu trong EU và hiện tại đã vượt qua Đức để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo đến năm 2023, GDP của Trung Quốc sẽ đuổi kịp tổng GDP của 4 nước trong EU (Pháp, Đức, Ý, và Anh) cộng lại là 9.000 tỷ USD và đuổi kịp Mĩ vào năm 2028[10].
Với sức mạnh về kinh tế của Trung Quốc, sự nổi lên đó đã, đang và sẽ làm thay đổi thế giới, góp phần hình thành một trật tự kinh tế - chính trị thế giới. Sự nổi lên mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc phần nào làm giảm vai trò của nhiều nước, đặt biệt là Mĩ. Trung Quốc đã gia tăng vị thế, vai trò của mình trong hệ thống kinh tế toàn cầu, đồng thời gia tăng ảnh hưởng đối với các vấn đề chính trị quốc tế.
Bên cạnh đó cũng có thể khẳng định rằng, Trung Quốc cùng với những quốc gia mới nổi (như BRICS) đang trên con đường giành lại quyền lực và tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, khiến nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng trung tâm quyền lực thế giới đang chuyển từ Tây sang Đông. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã, đang và sẽ tác động tới tất cả các quốc gia trên thế giới (cả tích cực và tiêu cực), bất kể các nước giàu hay nghèo, phát triển hay chậm phát triển ở các châu lục trên thế giới…, trong đó có khu vực ASEAN (khu vực láng giềng) trong con đường Nam tiến của Trung Quốc.
2. Tác động của sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc đối với AEC
Xét về mặt tác động, chúng ta phải xem xét tính hai mặt của nó, đó là tác động tích cực và tác động tiêu cực. Như trên đã phân tích, sự nổi lên của Trung Quốc sẽ tác động đến cấp độ khu vực và toàn cầu. ASEAN cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là trong bối cảnh thực hiện các lộ trình để tiến đến hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Sự tác động đó phải được xem xét trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – ASEAN và lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong AEC? Trung Quốc đã có những hành động gì đối với AEC, tích cực hay không tích cực và vì sao lại như vậy? Việc xác định đúng mối liên hệ đó thì chúng ta mới thấy rõ những tác động của sự nổi lên về kinh tế Trung Quốc đối với AEC.
2.1. Những lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong AEC
Tháng 7/1996, Trung Quốc trở thành nước thành viên có quan hệ đối thoại đầy đủ với ASEAN. Đến nay, Trung Quốc có quan hệ khá chặt chẽ với ASEAN thông qua các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, cũng như thông qua các cơ chế diễn đàn đa phương của khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-  Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Ủy hội sông Mê Kông (MRC)… và thông qua quan hệ song phương với từng nước ASEAN.
Việc ASEAN nhất trí tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN (ASCC). Sự kiện nổi bật này đã được Trung Quốc, cũng như các cường quốc lớn (Mĩ, Nhật và phương Tây) phản ứng tích cực và ủng hộ vì lí do cơ bản là các nước trên đều có lợi ích chiến lược sống còn trong khu vực. Đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nhiều lần khẳng định và tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với các nổ lực làm sâu sắc hơn hội nhập khu vực ASEAN. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Trung Quốc sẽ ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển cộng đồng và hội nhập ASEAN, và ủng hộ mạnh mẽ trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN với ba trụ cột của nó[11]. Điều này cho thấy vị trí rất quan trọng về chính trị, an ninh, kinh tế và chiến lược của ASEAN đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh mới sẽ làm cho ASEAN ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Mục đích thành lập AC của ASEAN là để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 về một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, một trung tâm kinh tế phát triển mạnh, có sức cạnh tranh cao, hướng ra bên ngoài, có vị thế cao trên thế giới và một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau. Và trong nội dung cơ bản của AEC cũng đưa ra mục đích hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong tầm nhìn ASEAN 2020 là nhấn mạnh xây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao; có sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự chu chuyển tự do hơn đối với nguồn vốn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói, sự chênh lệch về xã hội và kinh tế được giảm bớt vào 2020[12]. Theo đó, Kế hoạch Tổng thể đặt ra mục tiêu làm thay đổi ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu[13]. Những mục tiêu đầy tham vọng đó của ASEAN, về cơ bản là phù hợp với lợi ích của Trung Quốc ở tầm ngắn hạn và trung hạn trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hóa....
Riêng AEC đang được thiết lập sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích kinh tế quan trọng:
(1) Với một thị trường chung, rộng lớn[14], trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kĩ năng được di chuyển tự do sẽ thúc đẩy gia tăng mậu dịch và đầu tư từ Trung Quốc hơn. Những trở ngại khi xuất khẩu Trung Quốc sang các thị trường thành viên của ASEAN sẽ dần dần được dỡ bỏ, việc sử dụng nguồn lao động có kĩ năng mà Trung Quốc cần từ ASEAN sẽ dễ dàng hơn;
(2) AEC không chỉ tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai ACFTA hiện nay mà còn mở ra khả năng kết nối kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc trong tương lai.
(3) AEC nếu được xây dựng xong, các thành viên trong nội khối sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của mình. Điều này sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng hóa Trung Quốc ở cả thị trường nội địa và bên ngoài ASEAN, điều này dẫn đến động lực để Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà họ đang triển khai ở trong nước từ nhiều năm nay.
(4) Khi ASEAN thành thị trường, một cơ sở sản xuất chung, chắc chắn ASEAN phải đẩy mạnh xây dựng hoặc nâng cấp và kết nối cơ sở hạ tầng các nước thành viên, điều này mang lại lợi ích cho ASEAN và đối tác của họ, trong đó có Trung Quốc. Hơn nữa, thông qua đầu tư, thương mại, viện trợ, Trung Quốc có điều kiện tranh thủ các nước ASEAN và nâng cao vị thế chính trị, kinh tế của Trung Quốc ở khu vực.
Nói như vậy không có nghĩa lợi ích toàn là màu hồng dành cho Trung Quốc trong AEC, bên cạnh đó có những thách thức không nhỏ đặt ra cho Trung Quốc. Vì bài viết có giới hạn, nên chúng tôi sẽ có phân tích sâu vấn đề này trong một dịp khác.
Tóm lại, việc hiện thực hóa AEC có thể sẽ trở thành hiện thực và lợi ích chiến lược của Trung Quốc đối với AEC sẽ là tất yếu.
2.2. Những tác động của sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc đối với AEC
Như trên đã phân tích, sự nổi lên của Trung Quốc về mọi mặt, nổi bật nhất là về kinh tế. Xét trong bối cảnh mới của thế kỉ XXI, sự nổi lên đó của Trung Quốc như đánh giá của The Golbal Language Monitor, một tổ chức theo dõi báo chí và truyền thông (Mĩ): “Sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế là đề tài thu hút sự chú ý lớn nhất của dư luận trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, vượt qua cả cuộc chiến Iraq và vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011… "Sự vươn lên của Trung Quốc tới một nấc thang mới về kinh tế đã làm thay đổi - và vẫn đang tiếp tục thách thức - trật tự thế giới mới"…"Không có gì bất ngờ, sự chuyển mình của Trung Quốc đã đánh bại mọi tin tức khác trong thập kỷ này, kể cả tin về chiến tranh, tai họa kinh tế hay thảm họa thiên nhiên"[15] (Reuters trích lời bình luận của Paul JJ Payack, chủ tịch Global Language Monitor). Hiện thực hóa AEC sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ sự kiện này cả về tích cực và tiêu cực.
Về tác động tích cực. Có thể thấy tác động lớn nhất ở lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Đầu tiên và quan trọng nhất là thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại Trung Quốc – ASEAN. Quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc cũng như các nước khác ngoài khu vực (Mĩ, EU, Nhật Bản…) của ASEAN chính là một dấu hiệu hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn của ASEAN. Nội dung và mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cùng với 3 nội dung nữa là tạo ra một thị trường và một cơ sở sản xuất duy nhất; một khu vực có tính cạnh tranh cao và một khu vực phát triển kinh tế đồng đều mà các nước trong ASEAN đặt ra trong quá trình hiện thực hóa AEC. Ba nội dung sau nếu thực hiện hiệu quả sẽ là tiền đề, hổ trợ đắc lực cho nội dung còn lại (tức là hội nhập kinh tế toàn cầu).
Cho đến nay, hầu hết các nước ASEAN đều thực thi chính sách kinh tế mở và hướng tới AEC cũng mở và hội nhập. Ngoài liên kết nội khối, tiến trình hội nhập khác đều thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, hay các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPs) theo hướng lấy ASEAN làm trọng tâm. Thực tế phát triển cho thấy, để AEC hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu thì ASEAN phải hiện thực hóa các chương trình của ASEAN từ AFTA (khu vực mậu dịch tự do) đến AFAS (khung khổ Hiệp định ASEAN về dịch vụ), ACIA (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN) tới PIS (khu vực hội nhập ưu tiên)…Các nội dung trên của ASEAN thực hiện tốt sẽ có lợi lớn đối với Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc rất ủng hộ ASEAN về hiện thực hóa AEC.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã kí Hiệp định khung toàn diện ASEAN-Trung Quốc, năm 2007, hai bên đã kí Hiệp định về thương mại dịch vụ và tác động to lớn nhất mà sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại cho ASEAN là sự thành lập Khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN (CAFTA), điều đó tạo cơ hội các thành viên mở rộng thị trường hàng hóa vào Trung Quốc, nhờ đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng.
Quan hệ thương mại Trung Quốc – ASEAN tăng nhanh trong hơn một thập niên qua. Từ năm 2000 đến 2012, thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã duy trì tăng trưởng, tăng hơn 20%/năm, ngoại trừ trong năm 2009 do tác động của khủng hoảng tài chính (xem bảng 4). Trong năm 2012, tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu sang ASEAN của Trung Quốc là gần 400,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 204,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 195,8 tỷ USD, với kết quả này, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN[16]. Hai bên đang cố gắng phấn đấu đưa kim ngạch buôn bán đạt 500 tỷ USD vào năm 2015.
Bảng 4: Thương mại hàng hóa giữaTrung Quốc và ASEAN theo qui mô (2000 – 2012) (Đơn vị: tỷ USD)
Năm
Giá trị xuất khẩu
Tỷ trọng XK của Trung Quốc (%)
Tỷ lệ tăng trưởng XK (%)
Giá trị nhập khẩu
Tỷ trọng NK của Trung Quốc (%)
Tỷ lệ tăng trường NK (%)
2000
      17,341
7,0
---
22,181
9,9
---
2001
18,385
6,9
6,0
23,229
10,3
4,7
2002
23,569
7,2
28,30
31,198
10,6
34,40
2003
30,925
7,1
31,2
47,327
11,5
51,7
2004
42,902
7,2
38,7
62,978
11,2
33,1
2005
55,371
7,3
29,1
74,999
11,4
19,1
2006
71,314
7,4
28,79
89,526
11,3
19,37
2007
94,139
7,7
32,0
108,369
11,3
21.0
2008
114,142
8,0
20,9
116,974
10,3
7,9
2009
106,297
8,8
-6,9
106,714
10,6
-8,8
2010
138,207
8,8
30,1
154,569
11,1
44,8
2011
170,083
9,0
23,1
192,771
11,1
24,7
2012
204,272
10,0
20,1
195,821
10,8
1,6
Nguồn: Department of Asian Affairs of Ministry of Commerce of China.
Về thương mại hàng hóa theo quốc gia, đến năm 2012, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN thấp hơn so với xuất khẩu. Thương mại nhập khẩu với Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Brunei cho thấy tăng trưởng âm. Thương mại giữa Trung Quốc và Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines chiếm 71,65 % tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN. Ngược lại, nhập khẩu từ Myanmar, Lào, Brunei, Campuchia thấp hơn so với sáu quốc gia còn lại, chiếm 1,35 % (xem bảng 5).
Bảng 5: Thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN theo quốc gia (2000 – 2012) ( Đơn vị: tỷ USD)                                                                                 
Xếp hạng XK
Quốc gia

Giá trị xuất khẩu
Tỷ trọng (%)
Tỷ lệ tăng trưởng (%)
Xếp hạng NK
Quốc gia
            
Giá trị nhập khẩu
Tỷ trọng (%)
Tỷ lệ tăng trưởng (%)
1
Singapore
40,752    
19,94 
14,6 
1
Malaysia
58,295 
29,77 
-6,2
2
Malaysia
36,518   
17,88 
31,0   
2
Thái Lan
38,545 
19,68 
-1,3
3
Indonesia
34,289                                                                                       
16,79 
17,4 
3
Indonesia
31,930 
16,31 
1,9
4
Việt Nam
34,210 
16,75 
17,6   
4
Singapore
28,524 
14,57 
1,4
5
Thái Lan
31,200 
15,27 
21,4 
5
Philippines
19,638 
10,03 
9,2
6
Philippines
16,732 
8,19 
17,4 
6
Việt Nam 
16,229 
8,29 
46,0
7
Myanmar
5,673   
2,78 
17,7 
7
Myanmar
1,298 
0,66 
-22,7
8
Campuchia
2,708   
1,33 
17,0 
8
Lào
0,791 
0,40 
-4,1
9
Brunei
1,252 
0,61 
68,2 
9
Brunei
0,355 
0,18 
-37,3
10
Lào
0,937   
0,46 
96,8 
10
Campuchia
0,215 
0,11 
16,8
Nguồn: Department of Asian Affairs of Ministry of Commerce of China.
Như vậy, có sự khác biệt kinh tế trong các nước ASEAN, thương mại Trung Quốc - ASEAN chủ yếu tập trung ở năm quốc gia thành viên ASEAN cũ (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan , Philippines) và Việt Nam. Do đó, Trung Quốc cần tăng cường hợp tác kinh tế với sáu quốc gia để đảm bảo sự phát triển thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Thực tế cho thấy, sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc, chủ yếu là tốc độ tăng trưởng cao đã góp phần nâng cao nhu cầu hàng hóa xuất khẩu từ Đông Á, trong đó có ASEAN và được cho là nhân tố chủ chốt giúp các nước trong khu vực thoát khỏi khủng hoảng. Ngoài ra, chính CAFTA đã tạo ra nhiều cơ hội cho ASEAN tìm kiếm các hiệp định thương mại tự do với các cường quốc khác như Mĩ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ...
Thứ hai, hoạt động thu hút đầu tư được tăng cường
Bên cạnh thương mại song phương, hoạt động đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN cũng tăng nhanh chóng. Việc AEC thực hiện nội dung dòng đầu tư tự do, dòng vốn tự do và dòng di chuyển tự do lao động có kĩ năng, kết nối và xây dựng cơ sở hạ tầng trong một thị trường ASEAN là cơ hội tốt cho cả nội khối với đối tác bên ngoài. Trong đó nổi bật là Trung Quốc.
Sự nổi lên của Trung Quốc về kinh tế sẽ tác động mạnh đến AEC, với một nước lớn có nguồn lực tài chính hàng đầu thế giới, trình độ khoa học – công nghệ cao so với nhiều nước ASEAN nên hai bên đều muốn tận dụng lợi thế để phát triển. Năm 2009, với việc ký Hiệp định đầu tư, tạo điều kiện Trung Quốc và ASEAN đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư.
Trong năm 2010, FDI của Trung Quốc lên tới 105,8 tỷ USD, trong đó đầu tư trực tiếp từ các nước ASEAN lên tới 6,3 tỷ USD, chiếm 6,0%. Trong tổng FDI từ ASEAN vào Trung Quốc, Singapore được xếp hạng đầu (với 5,4 tỷ USD), chiếm 86%, và Brunei đứng ở vị trí thứ hai. Trong năm 2011, FDI của Trung Quốc lên tới 116 tỷ USD, trong đó vốn FDI từ các nước ASEAN đạt 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 5,7%, giảm so với năm 2010. Singapore vẫn đứng đầu, FDI từ Brunei vào Trung Quốc giảm và đứng ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, FDI của Malaysia tăng lên. Ngoại trừ Brunei, FDI của Philippines, Indonesia, Lào và Việt Nam đến Trung Quốc đều có xu hướng giảm. Ngược lại, cả hai FDI từ Thái Lan và Myanmar vào Trung Quốc tăng lên (xem bảng 6).
Bảng 6: FDI từ ASEAN vào Trung Quốc (2010 – 2011)
                                                                                       Đơn vị: 10.000 USD
Quốc gia
2010
2011
FDI thực tế
Tỷ trọng
FDI thực tế
Tỷ trọng
Singapore
542,820
85.84
609,681
91.73
Brunei
30,956
4.90
25,582
3.85
Malaysia
29,433
4.65
35,828
5.39
Philippines
13,806
2.18
11,185
1.68
Indonesia
7,684
1.22
4,607
0.69
Thái Lan
5,134
0.81
10,120
1.52
Campuchia
1,035
0.16
1,737
0.26
Lào
945
0.15
588
0.09
Myanmar
352
0.06
1,021
0.15
Việt Nam
203
0.03
129
0.02
Tổng
632,368
100.00
664,650
100.00














Nguồn: National Bureau of Statistics of China, 2012 China Statistical Yearbook, China Statistic Press.
Trong năm 2010, FDI Trung Quốc vào các nước ASEAN là 4,4 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng FDI vào khu vực châu Á. Năm 2011, đầu tư của Trung Quốc chảy vào các nước ASEAN lên tới 5,9 tỷ USD, tăng 34,1 %, chiếm 13% dòng vốn đầu tư ở châu Á. Đến cuối năm 2011, Trung Quốc đã có hơn 2.400 doanh nghiệp FDI  tại ASEAN, thuê 117.500 lao động địa phương[17]. So với năm 2010, vốn FDI Trung Quốc vào ASEAN đã có một xu hướng tăng trong năm 2011. Trong đó, Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Singapore xếp thứ nhất trong số các nước ASEAN, Brunei đứng ở vị trí cuối cùng. So với năm 2010, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia giảm trong năm 2011 (xem bảng 7).
Bảng 7: FDI từ Trung Quốc vào ASEAN (2010 – 2011)
                                                                      Đơn vị: 10.000 USD
Quốc gia
FDI
2010
2011
Singapore
111850 
326896 
Myanmar
87561
21782
Campuchia  
46651
56602
Indonesia
20131
59210
Thái Lan
69987
23011
Việt Nam
30513
18919
Lào
31355
45852
Malaysia
16354
9513
Philippines
24409
26719
Brunei
1653
2011
Tổng
440464
590524














   Nguồn: National Bureau of Statistics of China, 2012 China Statistical Yearbook, China Statistic Press.
Tuy nhiên, xét về FDI vào ASEAN của Trung Quốc vẫn còn thấp so với EU, Nhật và Mĩ, nhưng tính riêng FDI của từng nước thành viên ASEAN, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất tại Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam[18]. Dòng vốn FDI của Trung Quốc vào ASEAN có những nét khác biệt. Những nước giàu tài nguyên (Lào, Indonesia, Lào…) thu hút đầu tư vào những ngành ưu tiên. Trong khi đó, vốn vào Thái Lan tập trung vào vùng Đông Bắc, Singapore tiếp nhận đầu tư nhờ vị thế như một trạm trung chuyển thương mại, tài chính, dịch vụ, nước nghèo, thu nhập thấp được nhận vốn vào ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như Việt Nam…
Trong thời gian tới, Trung Quốc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài[19]. Đồng thời, các nước ASEAN, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2013, nhân kỷ niệm mười năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã có những nỗ lực lớn hơn để tăng cường hợp tác đầu tư song phương.
Về tác động tiêu cực. Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ sự nổi lên của Trung Quốc mang lại cho ASEAN, nhưng mặt khác, phải thấy rõ sự nổi lên đó cũng đặt nhiều thành viên trong ASEAN vào những thách thức nghiêm trọng về thương mại, cạnh tranh về hàng xuất khẩu.
Thực tế, mô hình AEC đưa ra với 4 mục tiêu đã nêu ở trên là rất tham vọng và cũng là tất yếu trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cho đến nay, khi đánh giá lại kết quả thực hiện bước đầu, tính khả thi và những vấn đề cơ bản nhằm hiện thực hóa AEC vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Kết quả đánh giá mức độ thực hiện một thị trường và cơ sở sản xuất thông nhất (chỉ đạt 65,9%); khu vực có tính cạnh tranh cao (67,9%); một khu vực phát triển đồng đều (66,7% ) và hội nhập kinh tế toàn cầu (85,7%). Tính chung 4 trụ cột AEC, các nước ASEAN thực hiện được hoàn toàn 187/277 biện pháp, đạt 67,5%[20]. Như vậy, qua đó cho thấy tính khả thi và tiến độ thực hiện AEC vẫn còn thấp, điều này xuất phát từ nhiều lí do, trọng tâm là từ nội bộ các nước ASEAN.
Điều đó cũng kéo theo những trở ngại trong mối quan hệ, tác động của sự nổi lên từ Trung Quốc. Thâm hụt thương mại ASEAN – Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng. Từ 2002-2012, thâm hụt thương mại tăng lên qua các năm 2000-2006, năm 2008 lên 21,5 tỷ USD, bằng tổng thặng dư thương mại của ASEAN với Mĩ[21] và kéo dài đến nay. Thâm hụt thương mại là một bài toán khó dành cho ASEAN trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về lý thuyết, một khu vực mậu dịch tự do có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên nhưng thực tế, miếng bánh lợi ích không thể chia đều. Và trong mối quan hệ này, lợi thế sẽ nghiên về phía Trung Quốc.
Nhiều học giả cho rằng, khi CAFTA hình thành, ASEAN khó mà cạnh tranh được với làn sóng giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội khối, thâm hụt thương mại với Trung Quốc, tỉ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng là đều không thể tránh khỏi. Do đó đã có một số nước trong ASEAN phản ứng rất khác nhau với sự ra đời của CAFTA. Trung Quốc và ASEAN là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nhiều ngành xuất khẩu (may mặc, điện tử, nông nghiệp, dịch vụ…), mức độ và qui mô cạnh tranh phức tạp giữa Trung Quốc với từng nước trong khu vực. Ví dụ: 2/3 lượng hàng xuất khẩu của Malaysia trùng hàng với Trung Quốc, nhất là điện tử và nước này được coi là một trong những nước cạnh tranh với Trung Quốc nhiều nhất; Thái Lan được coi là có mạng lưới xuất khẩu trùng với Trung Quốc nhiều nhất và cạnh tranh với Trung Quốc ở 70%; cạnh tranh nông nghiệp với Philippines; Indonesia cạnh tranh với Trung Quốc về hàng may mặc, …
Về FDI, do môi trường đầu tư liên tục đươc cải thiện nên Trung Quốc được coi là cục nam châm thu hút FDI từ khắp thế giới. FDI vào Trung Quốc đạt 60 tỷ USD vào năm 2004, cao gấp 3 lần con số chảy vào tất cả các nước ASEAN cộng lại. Thực tế FDI vào Trung Quốc đã tăng nhanh trong khi, dòng vốn này vào ASEAN lại giảm dẫn đến quan điểm về trò chơi tổng số bằng 0, tức khi FDI đã vào Trung Quốc càng nhiều thì FDI vào ASEAN càng ít[22].
Kết luận
Sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc là rõ ràng và tất yếu. Sự nổi lên của Trung Quốc về nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế đã và đang đem lại cả cơ hội và thách thức cho ASEAN. Trong số các cơ hội thì cơ hội với sự gia tăng thương mại và đầu tư là rõ ràng. Nhưng thách thức không nhỏ là các nước ASEAN chịu áp lực gia tăng cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong tác động của sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, thì cơ hội nhiều hơn, mang tính trước mắt, tác động ngay, trực tiếp, còn thách thức nhìn chung còn mang tính đơn lẻ, dài hạn và khác nhau về mức độ giữa các nước. Hầu hết tiềm lực kinh tế của một số nước ASEAN là nhỏ, trình độ phát triển chênh lệch khá lớn, rất nhiều vấn đề trong nội bộ ASEAN chưa được giải quyết, điều này phản ảnh trong việc triển khai và hiệu quả thực tế của việc hiện thực hóa 4 mục tiêu của AEC thời gian qua.
Câu hỏi đặt ra, các nước ASEAN trong quá trình hiện thực hóa AEC cần phải có đối sách như thế nào trước sự nổi lên của Trung Quốc? (nên chăng cần tiếp tục tăng xu hướng ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA với Trung Quốc? Tăng cường liên kết nội khối chặt chẽ hơn? Tăng cường quan hệ với các đối tác khác? Hay tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc?). Trước mắt có thể thấy, sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến ASEAN là lạc quan hơn so với vấn đề chính trị, đối ngoại, quân sự… điều quan trọng nhất là các nước ASEAN cần có những tính toán chiến lược lâu dài và có tính thống nhất dùng để đối phó với Trung Quốc trong một giai đoạn dài, còn trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng nước ASEAN sẽ có những phương thức riêng cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo
[1] Lưu Ngọc Trịnh (2012), Kinh tế, chính trị thế giới đến năm 2020, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Phạm Thái Quốc (2013), Trung Quốc và Ấn Đô trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Á, Nxb KHXH, Hà Nội.
[3] Way M. Morrison (2012), China’s Economic Conditions, Congressional Research Service, June 26, 2012, www.crs.gov, RL33534.
[4] Nguyễn Thanh Đức (Chủ biên, 2011), Kinh tế thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI: Xu hướng và tác động chủ yếu, Nxb KHXH, Hà Nội.
[5] Hoàng Thế Anh (Chủ biên, 2012), Những vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỉ XXI và triển vọng đến năm 2020, Nxb KHXH, Hà Nội.
[6] Nguyễn Kim Bảo (Chủ biên, 2013), Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb KHXH.
[7] Ikenberry G, John (2008), The Rise of China and Future of the West, The Foreign Affairs, January, 2008.
[8] Nguyễn Huy Hoàng (2013), Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[9] Nguyễn Văn Hà (Chủ biên, 2013), Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và tác động đến Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
[10] PM (2007), China to give strong support to development of ASEAN Community, Integration China View,
[11] ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, 1/2008.
[13] Jiang Jialin & Cai Li (2013), Analysis of Trade Development between China and Association of Southeast Asian Nations, Journal of Behavioural Economics, Finance, Entrepreneurship, Accounting and Transport 1, no. 1 (2013): 15-20. doi: 10.12691/jbe-1-1-3.
[14] ASEAN Economic Community scorecard, ASEAN scorecard, Jakarta, 3/2012.
[15] China’s investment in ASEAN countries,
[17] Department of Trade and External Economic Relations Statistics, China National Bureau of Statistics, China Trade and External Economic Statistical Yearbook, China Statistics Press, 2012.
[18]  Ministry Commerce of the People’s Republic of China (2011), Statistical Bulletin of China’s Outward Foreign Direct Investment, ChinaStatistic Press, Beijing.
[19]  Chen Jingjing (2007),  Analysis of  the Status of Trade Development between China and ASEAN, Business Economy, 287 (2), February 2007.
[20]  Lin Yeyao, Gu Yingyan, Analysis of China-ASEAN Zero-Tariff Effects, Market Modernization, 708 (3), pp.60-61, March 2013.
[21]  Gu Meiling (2013), Development Obstacles and Countermeasures of China-ASEAN Free Trade Area, Cotemporary Economic, 319 (7), July 2013.
[22]  Wang Guicheng (2010), Analysis of the  Structure of China-ASEAN Trade Commodities,  Enterprises Science and Technology & Development, 282 (12), December 2010.
[23] Đại học Kinh tế- ĐHQG Hà Nội (2013), Tài liệu Hội thảo quốc tế: Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN-Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Hà Nội, 11/10.2013.







[1] Dẫn theo: Lưu Ngọc Trịnh (2012), Kinh tế, chính trị thế giới đến năm 2020, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.84.
[2] Phạm Thái Quốc (2013), Trung Quốc và Ấn Đô trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Á, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.54.
[3] Way M. Morrison (2012), China’s Economic Conditions, Congressional Research Service, June 26, 2012, www.crs.gov, RL33534.
[4] Way M. Morrison (2012), China’s Economic Conditions, Congressional Research Service, June 26, 2012, www.crs.gov, RL33534.
[5] Way M. Morrison (2012), China’s Economic Conditions…
[6] Nguyễn Thanh Đức (Chủ biên, 2011), Kinh tế thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI: Xu hướng và tác động chủ yếu, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.44.
[7] Hoàng Thế Anh (Chủ biên, 2012), Những vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỉ XXI và triển vọng đến năm 2020, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.159.
[8] Phạm Thái Quốc (2013), Sđd, tr.30.
[9] Nguyễn Kim Bảo (Chủ biên, 2013), Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb KHXH, tr.36.
[10] Ikenberry G, John (2008), The Rise of China and Future of the West, The Foreign Affairs, January, 2008.
[11] PM (2007), China to give strong support to development of ASEAN Community, Integration China View, see at: http://news.xinhuanet.com/english/2007-11/20/content_7116159.htm.
[12] See at: www.aseansec.org: “Declaration of ASEAN Concord II (Bali Concord II).
[13] ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, 1/2008, p.3.
[14] Theo ước tính, ASEAN với dân số gần 600 triệu người, GDP tính theo ngang giá sức mua năm 2010 đạt 2.859 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu thương mại 1.536 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người  đạt 2.995,5 USD  (See at: www.aseansec.org). Bên cạnh đó, ASEAN là khu vực có tài nguyên phong phú, đa dạng, đội ngũ Hoa Kiều đông đảo ở khu vực…đã chiếm vị trí quan trọng đối với Trung Quốc.
[16] Jiang Jialin & Cai Li (2013), Analysis of Trade Development between China and Association of Southeast Asian Nations, Journal of Behavioural Economics, Finance, Entrepreneurship, Accounting and Transport 1, no. 1 (2013): 15-20. doi: 10.12691/jbe-1-1-3.

[17] Jiang Jialin & Cai Li (2013), tài liệu đã dẫn.
[18] Xem cụ thể tại: Phạm Thái Quốc (2013), Sđd, tr.230-234.
[19] Cải thiện môi trường đầu tư bao gồm việc thành lập hệ thống hành chính được chuẩn hóa, hiệu quả và minh bạch, mối quan tâm sâu sắc đối với sự phát triển của doanh nghiệp và cải thiện hệ thống pháp luật...
[20] ASEAN Economic Community scorecard, ASEAN scorecard, Jakarta, 3/2012, P.11-15.
[21]China’s investment in ASEAN countries, http:///news.xinhuanet.com/english/2009-10/21-12290250.html.
[22] Phạm Thái Quốc (2013), Sđd, tr.255.



Bài viết đăng tại Kỷ yếu  Hội thảo quốc tế về: Bối cảnh quốc tế mới và tác động đến cộng đồng kinh tế ASEAN, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội và Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, 5/2014.

No comments: