Võ Minh Tập
NCS, Trường Đại học KHXH-NV TP.Hồ Chí Minh
Bài viết sẽ tập trung phân tích và làm rõ về chính sách Đông Dương của Pháp; Thái độ, hành động và chính sách của Mĩ đối với Pháp về vấn đề Đông Dương và hậu quả của nó trong những năm 1945 - 1954; Cuối cùng, rút ra một số nhận định, đánh giá về chính sách Đông Dương của Pháp, Mĩ, quan hệ Pháp – Mĩ về vấn đề Đông Dương và những ảnh hưởng sau đó.
1. Chính sách của Pháp đối với
Đông Dương sau đệ nhị chiến
Sau khi buộc phải chấp nhận sự thất bại trước sức mạnh của Nhật Bản đầu
những năm 1940, Pháp đã mất đi những lợi ích của mình ở Đông Dương. Thế nhưng một
trận bảo táp cách mạng ở các nước Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng
đã đánh bại tham vọng của Nhật Bản, chấm dứt quyền lợi chiến lược ngắn ngủi của
Nhật ở khu vực. Những chuỗi sự kiện trong những năm 1940 – 1945 đã tăng thêm sức
mạnh cho các nước Đồng minh trong sự nghiệp chung là chống phát xít, bảo vệ nền
độc lập, tự do chính nghĩa cho các dân tộc. Từ sau năm 1945, lịch sử Đông Nam Á
đã bước sang một trang mới nhưng gặp nhiều thách thức hiểm nghèo – tiếp tục chịu
sự thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc và Đông Dương là một tiểu khu vực
điển hình.
Ở Đông Dương, một cơ hội mới được mở ra cho thực dân Pháp để tiếp tục sự
nghiệp chinh phục và thống trị các nước Lào, Việt Nam và Campuchia. Theo thỏa
thuận tại Hội nghị Yalta, Postdam, dưới sự chủ trì và toan tính chiến lược của
Anh, Mĩ, Liên Xô đã biến Đông Dương trở thành thuộc địa lần thứ hai của Pháp, mặc
dù trong các hội nghị vừa nêu Pháp không được mời tham dự.
Sự tái xác lập của Pháp ở Đông Dương thể hiện ý đồ của Pháp trong Tuyên
bố ngày 24/3/1945 của De Gaulle. Nội dung Tuyên bố nêu rõ: “Liên bang Đông Dương hợp với nước Pháp và các
bộ phận khác của cộng đồng thành một Liên hiệp Pháp mà quyền lợi ở bên ngoài sẽ
do Pháp đại diện. Trong Liên hiệp đó, Đông Dương sẽ được hưởng quyền tự do
riêng. Người dân Liên bang Đông Dương sẽ là công dân Đông Dương và công dân
Liên hiệp Pháp…”, nội dung của Tuyên bố cũng nêu rõ các quyền về chính trị,
kinh tế, tài chính, văn hóa và xã hội của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp[1].
Qua nội dung đó, cho thấy mưu đồ chính sách của Pháp quay trở lại Đông Dương
hay nói cách khác là Pháp tìm cách lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương.
Trong tình hình ấy, De Gaulle vội giao cho Đô đốc D’Argenlieu và Tướng
Leclerc sứ mạng đầu tiên là dùng mọi biện pháp quân sự cần thiết để khôi phục
chủ quyền của mình ở Đông Dương. Ngày 24/8/1945, De Gaulle tuyên bố: “Nước Pháp khẳng định lại việc thu hồi chủ
quyền của mình ở Đông Dương và tin chắc rằng ngày mai Đông Dương trở lại với
chúng ta (nước Pháp) là điều dễ hiểu, gửi quân đội sang là điều kiện bao trùm…”[2].
Đi đôi với những lời tuyên bố, Pháp đã triển khai nhiều hoạt động và thực
hiện nhiều biện pháp cho việc chuẩn bị tái chiếm Đông Dương. Ý đồ này của Pháp đã
được sự đồng tình của Anh và Mĩ.
Tuy nhiên, để thực hiện chính sách và chủ trương đó, thực dân Pháp phải
đối mặt với ba thách thức, đó là: (1) Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
(2) Thực dân Anh; (3) Trung Hoa dân quốc. Vì theo Hội nghị Posdam thì Pháp bị gạt
ra ngoài, trong khi đó theo thỏa thuận tại hội nghị giữa các nước Đồng minh:
Anh vào Nam Đông Dương, Tưởng Giới Thạch vào phía Bắc Đông Dương để giải giáp quân
đội phát xít Nhật, còn Chính phủ Hồ Chí Minh thì kiểm soát toàn bộ đất nước sau
1945.
Để tháo gỡ những trở ngại đó, bằng chính sách ngoại giao của mình, Pháp
đã được Anh ủng hộ chủ quyền của Pháp ở Đông Dương và nhường một số quyền lợi
cho Tưởng Giới Thạch trong Hiệp ước Pháp – Hoa (2/1946) để Tưởng không xâm phạm
đến chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Đối với Việt Nam dân chủ Cộng hòa thì Pháp
gặp nhiều khó khăn hơn. Mặc dù Pháp được Anh dọn đường trở lại và xâm chiếm Nam
Bộ Việt Nam, trong khi miền Bắc được Việt Nam kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt. Để
dễ dàng ép Việt Nam theo những mưu đồ có lợi cho Pháp, trước đó, Pháp đã hội
đàm với Trung Hoa dân quốc để có thể đưa quân ra Bắc thay thế quân Tưởng
(4/1945) và được Tưởng chấp nhận. Việt Nam đứng trước tình thế bị cô lập từ nhiều
phía. Chính phủ Hồ Chí Minh đều nhận biết âm mưu của Pháp và các thế lực thù địch
đối với Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam không thể tiến hành chiến tranh để bảo vệ
đất nước trong tình hình so sánh lực lượng gần như 1 chọi 100. Chính vì vậy,
chúng ta chủ trương sáng tạo “hòa để tiến” bằng việc kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ
Việt – Pháp (6/3/1946) nhằm mục tiêu tránh một lúc ta phải đối phó với nhiều kẻ
thù nguy hiểm.
Cần phải khẳng định rằng, chính sách xuyên suốt của Pháp là phải thực hiện
mọi biện pháp để tái chiếm lại Đông Dương. Hiệp định sơ bộ đã giải quyết được
việc Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do và nguyên tắc hợp nhất ba kì bằng
trưng cầu ý dân, nhưng đổi lại Pháp đã đạt được tham vọng là đưa 15.000 quân ra
miền Bắc, Việt Nam từ bỏ quốc gia độc lập và hứa sẽ tham gia Liên bang Đông
Dương và khối Liên hợp Pháp.
Sau khi hiệp định Việt – Pháp được kí kết, tình hình trở nên khó khăn,
do Pháp triển khai các hoạt động trái với hiệp ước đã được kí kết. Cuộc gặp gỡ
đầy tranh cãi diễn ra sau đó tại các hội nghị ở Đà Lạt (17/4/1946) và
Fontainebleau (6/7/1946). Ý đồ của Pháp muốn phục hồi toàn bộ quyền lợi của
Pháp tại Đông Dương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa…và
những điều này bị phía Việt Nam phản đối. Cuối cùng hai bên đi đến kí bản Tạm ước
(14/9/1946)[3], về
phía Việt Nam, việc kí bản Tạm ước đã đáp ứng một số yêu cầu của Pháp và Pháp
cam kết về việc trưng cầu ý dân ở Nam Bộ Việt Nam và chiến sự ở Nam Bộ phải chấm
dứt ngày 30/10/1946.
Sự việc không dừng lại ở đó, sau khi kí Tạm ước, Pháp liên tiếp triển
khai các hoạt động từ Nam ra Bắc nhằm phá hoại các Hiệp định đã kí, Cao ủy D’Argenlieu
là người chịu trách nhiệm những hành động này.
Vậy là âm mưu và chính sách của Pháp đối với Đông Dương đã rõ ràng, điều
này phản ánh bản chất chủ nghĩa thực dân Pháp về quyền và lợi ích bứt thiết của
họ không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn ở nhiều lĩnh vực khác ở tiểu khu vực
(Đông Dương). Và từ năm 1946 đến 1954, Pháp đã triển khai thực hiện hàng loạt
các kế hoạch và chiến lược lớn để tiến hành các cuộc chiến tranh trên toàn bộ
Đông Dương. Tuy nhiên, Pháp không đạt được mục tiêu đề ra và liên tiếp bị các
cuộc tấn công quyết liệt từ phía các nước Đông Dương, Pháp ngày càng xa lầy vào
cuộc chiến tranh hao người tốn của, tìm đến sự trợ giúp của phương Tây, đặt biệt
là Mĩ. Điều này đã tạo cơ hội cho Mĩ can thiệp sâu vào Đông Dương.
2. Hoa Kì với chính sách của
Pháp ở Đông Dương
Nghiên cứu về chính sách của Hoa Kì đối với Pháp về vấn đề Đông Dương,
cũng như quan hệ Pháp – Mĩ sau chiến tranh thế giới hai, hay nói khác hơn là
trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945 – 1954), có thể phân chia
làm hai thời kì: từ năm 1945 đến năm 1949 và từ 1949 đến năm 1954. Sự phân chia
này xuất phát từ cơ sở bối cảnh quốc tế sau chiến tranh thế giới hai và hai chủ
thể quyết định tính chất của cuộc chiến tranh Đông Dương là Mĩ và Pháp.
Thời kì 1945 – 1949
Trong khoảng thời gian 1945 – 1949, nhiều học giả cho rằng đây là thời
kì Mĩ thực hiện chính sách không can thiệp vào chính sách của Pháp ở Đông Dương
hay được hiểu là chính sách trung lập của Mĩ. Tại sao lại như vậy? Phải chăng
đây là một sự thật lịch sử?
Nhiều nguồn tài liệu cho rằng, trong thời gian Tổng thống Mĩ Roosevelt
đương nhiệm, Mĩ luôn thù ghét chủ nghĩa thực dân, lên án gay gắt chế độ thuộc địa
hà khắc của Pháp và chủ trương đặt Đông Dương dưới hình thức ủy trị quốc tế để
cai trị bán đảo này trong vòng 3 -4 thập kỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai[4],
vì theo Roosevelt khi giáp mặt Thủ tướng Anh W. Churchill là không thể tin chúng ta (đồng minh) có thể
đánh bại ách nô lệ phát xít mà chẳng phải làm gì để giải phóng các dân tộc khắp
nơi trên thế giới khỏi chính sách thuộc địa lỗi thời[5] và đối với trường hợp cụ thể ở Đông
Dương Pháp đã có đất nước gồm 30 triệu
dân trong gần 100 năm và người dân ở đây đã sống tệ hơn so với lúc Pháp đến,
Pháp đã vét kiệt đất nước này trong suốt 100 năm. Dân Đông Dương có quyền được
hưởng điều tốt đẹp hơn thế”[6].
Quan điểm này của Mĩ đã bị Anh phản đối gay gắt và đến khi Pháp được giải phóng
(8/1945) và được kết nạp làm thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì
quan điểm của Mĩ có chút thay đổi nhưng manh mún, vì lẽ nếu có được lời cam kết từ phía Pháp rằng họ đảm nhận các nghĩa vụ của ủy
thác, Mĩ sẽ đồng ý cho Pháp giữ các thuộc địa này (Đông Dương) với điều kiện độc
lập sẽ là mục tiêu cuối cùng[7].
Tuy nhiên, khi Roosevelt qua đời, H.Truman lên thay, đã thay đổi hẳn lập
trường của Mĩ về vấn đề Đông Dương, đó là đồng ý công nhận chủ quyền của Pháp ở
Đông Dương. Điều này thể hiện rõ trong cuộc gặp với De Gaulle, Mĩ tuyên bố “Chính phủ Mĩ không phản đối việc quân Pháp
quay trở lại và khôi phục chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”[8],
điều trên đây cũng được Anh ủng hộ và mặc nhiên Anh, Mĩ đã bật đèn xanh cho
Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương, điều này cũng cho thấy quan hệ Pháp – Mĩ
đã xích lại gần nhau hơn so với trước đây. Dẫn chứng cho vấn đề này thể hiện ở
hành động của Anh và Mĩ đến thời điểm chiến tranh Pháp – Việt bùng nổ (1946)[9].
Tại sao Mỹ lại thay đổi thái độ như vậy đối với Pháp? Lý do cơ bản do sự biến
chuyển của tình hình thế giới, nhất là sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thế
giới và sự lớn mạnh của Liên Xô, thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Ngoài ra, việc
ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương do tác động của chiến tranh lạnh, Mĩ cần sự ủng
hộ của Pháp trong nổ lực tập hợp lực lượng ở châu Âu chống Liên Xô và các nước
XHCN.
Tuy nhiên, sự thật lịch sử được tiết lộ là thái độ của Mĩ đối với về vấn
đề Đông Dương cũng chuyển biến theo một xu hướng khác. Thứ nhất, Mĩ không tin vào khả năng Pháp sẽ dập tắt phong trào
kháng chiến ở Việt Nam trong lúc chiến tranh Việt – Pháp đang diễn ra gay gắt,
cũng như ở Đông Dương nói chung, nếu Pháp thất bại trong cuộc chiến sẽ làm ảnh
hưởng của phương Tây ở một số khu vực có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế
sẽ mất đi, vì thế Mĩ phải giúp Pháp giải quyết nhanh cuộc chiến tranh Đông
Dương, kể cả bằng thương lượng[10].
Song Mĩ chưa thể trực tiếp can thiệp vào Đông Dương, do Mĩ ưu tiên hơn trong việc
thực hiện mục tiêu ở châu Âu. Thứ hai, trước
năm 1949, Mĩ có mưu đồ về kinh tế, tức là Mĩ quan tâm đến nguồn tài nguyên chiến
lược ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, và điều này đã xảy ra mâu
thuẫn với Pháp, nhất là tại Việt Nam[11].
Thứ ba, việc toan tính chiến lược của
Mĩ ở Đông Dương còn thể hiện qua “giải
pháp Bảo Đại”[12].
Thực chất giải pháp Bảo Đại là ý đồ của Mĩ muốn xây dựng một chính quyền bù
nhìn chống cộng, lợi dụng nó để chuẩn bị từng bước hất cẳng Pháp, chúng tôi đồng
ý với ý kiến cho rằng, Mĩ sử dụng Bảo Đại là để ngụy trang cho độc lập giả hiệu,
Mĩ sẽ dần dần trực tiếp nắm lực lượng ngụy quyền làm tay sai cho Mĩ, gạt dần
người Pháp, để chống lại nhân dân Việt Nam mà không mang tiếng là nước thực dân[13].
Cuối năm 1949, một loạt các động thái liên quan và hiện diện của Mĩ ở Đông
Dương như thực hiện điểm 4 của kế hoạch Truman[14];
Bảo Đại sang thăm Mĩ sau sự kiện thắng lợi của cách mạng Việt Nam thu-đông
1947-1950 và cách mạng Trung Quốc; Pháp gia nhập NATO… Mĩ đã vạch kế hoạch can
thiệp sâu vào Đông Dương và chiến lược của Mĩ ở Viễn Đông nhằm thực hiện quân cờ
Domino để ngăn và chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
Tóm lại, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối năm 1949, Mĩ coi
chiến tranh Việt – Pháp về cơ bản là do Pháp tự giải quyết, thái độ của Mĩ sau
này được tài liệu Lầu Năm Góc xem là thái độ tích cực “trung lập” trong cuộc
chiến tranh Đông Dương. Nhưng trên thực tế qua phân tích từ các nguồn tài liệu
cho thấy Mĩ đã dính líu từ mờ nhạc đến thẫm thấu có tính chiến lược vào cuộc
chiến của Pháp ở tiểu khu vực, cố che đậy ý đồ ủng hộ Pháp khi chiến tranh lan
rộng ở Đông Dương với qui mô lớn, để tiến đến chính thức can thiệp vào cuộc chiến
tranh ở Đông Dương.
Thời kì 1950 – 1954
Kể từ đầu năm 1950, tình hình thế giới và các mối quan hệ quốc tế diễn
tiến phức tạp, chủ yếu do chiến tranh lạnh gây ra. Châu Á, trong đó có Đông
Dương đã trở thành điểm nóng, là bàn cờ chiến lược giữa các cường quốc, nhất là
Hoa Kì. Đối với Pháp, chính sách của họ đối với Đông Dương trước sau vẫn là lợi
ích sống còn. Tuy nhiên, vì tồn tại nhiều vấn đề phức tạp ở chính quốc cũng như
ở Đông Dương nên Pháp mất dần khả năng xoay xở, tự đưa ra quyết định và hoàn
thành xứ mệnh của mình ở Đông Dương nên buộc Pháp phải nhờ sự trợ giúp từ Mĩ và
chấp nhận vai trò của các cường quốc khác trong khu vực.
Đối với Hoa Kì, sau chiến tranh thế giới thứ hai đến trước năm 1950, về
thực chất mục tiêu và lợi ích của Mĩ tập trung ở châu Âu hơn là châu Á trong
khuôn khổ kế hoạch Mashall[15].
Vì vậy, Đông Dương là khu vực giảm đi tầm ảnh hưởng lớn trong chiến lược của
Mĩ, thậm chí cho đến năm 1949, nước Mĩ vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề Đông
Dương vì chính sách Đông Dương của Mĩ biểu hiện ngầm cho Pháp khôi phục sự thống
trị đối với khu vực, để từng bước can thiệp vào khu vực. Từ năm 1950, trước sự
phát triển mạnh mẽ của cách mạng ở các nước Đông Dương mà chủ yếu là ở Việt
Nam, cùng với những cú sốc thời điểm 1950 và chiến tranh lạnh… đã khiến Mĩ thật
sự vào cuộc thực thi chính sách của mình đối với Đông Dương.
Chính sự bất lực của pháp về vấn đề (chính sách) Đông Dương, từ năm
1950, Pháp đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Mĩ và mặc nhiên, sự giúp đỡ này dành cho
Pháp cũng có những toan tính chiến lược từ phía Hoa Kì, là mang tính ràng buộc
và tạo sức ép, gây áp lực cho Pháp. Ảnh hưởng của Mĩ ngày càng được bộc lộ, chi
phối, tác động mạnh mẽ đến chính sách Đông Dương của Pháp. Chính vì vậy, sự
thành công hay thất bại của Pháp trong chính sách đối với Đông Dương đều dính
líu đến Hoa Kì.
Xét một cách toàn diện về sự can dự của Mĩ vào chính sách Đông Dương của
Pháp trong thời gian nửa đầu những năm 1950 xuất phát từ những đặc điểm nổi bật
sau:
Thứ nhất, cuối năm 1949, một loạt các sự kiện như cách mạng Trung Quốc thành
công, nước Cộng hòa dân chủ Đức được thành lập, cách mạng ở các nước Đông Nam Á
dâng lên như vũ bão, Liên Xô thử thành
công bom nguyên tử, làm cho Mĩ mất độc quyền vũ khí nguyên tử. Mặt khác, đầu những
năm 1950, do tình hình quốc tế thuận lợi, nhiều nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ
tiến bộ đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ủng hộ cuộc
chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và ta liên tiếp giành những thắng
lợi về chính trị, ngoại giao và quân sự… Tất cả đã tạo nên cú sốc cho Mĩ (kể cả
Pháp), làm cho Mĩ vô cùng hoảng sợ và choáng váng. Nội tình nước Mĩ bị xáo động,
không khí chống cộng bao trùm khắp nước Mĩ, buộc Mĩ phải điều chỉnh chiến lược ở
Âu – Á, mà trọng điểm là ở Đông Dương.
Thứ hai, Đông Dương dưới mắt người Mĩ đã chiếm một vị trí địa chiến lược và địa
kinh tế cực kì quan trọng. Năm 1952, Mĩ đề ra Nghị quyết về chính sách của Mĩ ở
Đông Dương và cho rằng: “Đông Dương có tầm
quan trọng (đặc biệt là Việt Nam) chiến lược lớn trong lợi ích quốc tế nói
chung và cũng thiết yếu như lợi ích của Pháp đối với nền an ninh của thế giới tự
do. Cùng với Triều Tiên, Đông Dương trở thành một trong hai giọng kìm chiến lược
ngăn chặn cộng sản của Mĩ ở Đông châu Á. Do vậy, nền an ninh của thế giới tự do
tùy thuộc vào sự sống còn của Đông Dương thuộc Pháp” [16].
Điều này đúng với quan điểm của Mĩ, nhất là phong trào cách mạng ở ba nước Đông
Dương ngày càng giành những thắng lợi áp đảo trên chiến trường, Việt Nam trở
thành một tiền tiêu trong mặt trận dân chủ chống đế quốc ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, Đông Dương còn có lợi ích về kinh tế đối với Mĩ – đó là khu vực
giàu tài nguyên thiên nhiên (thiếc, mangan, gỗ, than đá, gạo, cao su, hạt
tiêu…). Theo Hội đồng An ninh Quốc gia Mĩ, Đông
Dương là địa bàn chiến lược quan trọng nhất của Mĩ trong khu vực (Đông Nam Á). Nếu
mất Đông Dương, sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế của Nhật Bản, và đe dọa an ninh của
Nam Á và thậm chí Úc. Sự mất mát của Đông Nam Á sẽ gây nguy hiểm cho các dự án
dự trữ của Mỹ…, cho phép Trung Quốc giảm bớt tình trạng thiếu lương thực và
giúp đỡ của Liên Xô nhập khẩu nguyên liệu quan trọng[17].
Như biểu hiện ban đầu của học thuyết Domino cho thấy, nước Pháp có thể không được
phép rút khỏi Đông Dương và buộc Mĩ phải tăng cường viện trợ cho Pháp.
Thứ ba, cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra và đã gây cho Mĩ nhiều khó khăn, giới
cầm quyền Pháp và tay sai cho rằng đây là cơ hội để họ giành lại một số quyền lợi
của mình ở Đông Dương, tuy nhiên điều này không thực hiện được bởi vì Mĩ không
cho phép Pháp làm điều đó. Mặt khác, trong cùng thời điểm 1950, Pháp liên tiếp
thất bại trên chiến trường như một cách trùng hợp với khó khăn của Mĩ ở chiến
tranh Triều Tiên, người Mĩ ý thức được sự cần thiết của Pháp tại Đông Dương và
đồng thời khẳng định cả hai cuộc chiến tranh của Mĩ và Pháp đều nằm trong chiến
lược chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Từ năm 1952, Mĩ đã tăng cường
viện trợ cho Pháp để giữ Đông Dương, đến khi Mĩ rút khỏi chiến tranh Triều Tiên
hao người tốn của để tập trung mọi sức lực vào chiến trường Đông Dương. Đến
1953, Mĩ chính thức tăng sức ép cho chính sách Đông Dương của Pháp dưới thời Tổng
thống Eisenhower.
Do những đặc điểm nêu trên, từ năm 1950 đến 1954, Mĩ từng bước can thiệp
sâu vào Đông Dương thông qua các hoạt động dồn dập như Mĩ cử phái đoàn kinh tế,
quân sự sang Việt Nam do Philip Jessup đứng đầu, ép Pháp lập quân đội bù nhìn do
Mĩ nắm trực tiếp, không qua Pháp (đầu 1950); Mĩ thành lập các quốc gia liên kết
và đặt trụ sở tại Sài Gòn (Việt Nam ) giữa năm 1950; Thành lập phái đoàn cố vấn
quân sự MAAG tại Việt Nam (9/1950); Ký Hiệp ước an ninh phòng thủ chung ở Đông
Dương với Pháp, có sự tham gia các quốc gia liên hiệp ở Đông Dương (12/1950);
Mĩ kí với Bảo Đại Hiệp nghị an ninh chung (1951); Mĩ thực hiện nguyên tắc
Domino trong bản Tuyên bố năm 1952[18]…
Đi đôi với hoạt động trên là kèm theo việc cung cấp viện trợ cho Pháp cả về
kinh tế-tài chính lẫn quân sự (xem bảng).
Bảng - Viện trợ Mỹ cho Pháp và Đông Dương từ 1950 –
1954
Năm
|
Viện trợ của Mĩ cho Pháp (*)
|
Viện trợ của Mĩ cho Đông Dương (triệuUSD) (**)
|
|
Trị giá (Tỷ France)
|
Tỷ lệ %
|
||
1950
|
52,0
|
19,5
|
10,0
|
1951
|
62,0
|
16,1
|
30,5
|
1952
|
200,0
|
35,4
|
525,0
|
1953
|
285,0
|
43,8
|
735,0
|
1954
|
555,0
|
73,9
|
1.063
|
Tổng
|
1.154,0
|
-
|
-
|
(*) Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng kết chiến
tranh (Trực thuộc Bộ chính trị) (2000), Chiến
tranh cách mạng Việt Nam 1945 – 1975: Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội,
tr.498.
(**) Nguồn: Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch (2002), Pháp tái chiếm Đông Dương và Chiến tranh lạnh, Nxb CAND, Hà Nội,
tr.189.
Cùng với viện trợ tăng vọt của Mĩ cho Đông Dương, Mĩ đã không ngừng tăng
đầu tư cho quân sự. Trong những năm 1950 – 1951, trung bình mỗi tháng Mĩ tiếp tế
cho Pháp 6.000 tấn vũ khí, năm 1952 là 8.000 tấn/tháng, đến tháng 7/1954, lên đến
80.000 tấn vũ khí[19],
và các loại hình quân sự chủ yếu khác như máy bay, xe tăng, súng, xe cộ, thông
tin…
Sự viện trợ của Mĩ về kinh tế, quân sự qua đó cho thấy được vị trí chủ đạo
của Mĩ trong cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương và thực tế tình hình Đông
Dương cho thấy “viện trợ của Mĩ thấm đến
đâu thì bàn tay của Mĩ cũng tới đó”[20], và qua đó cũng phản ánh bản chất và âm
mưu lâu dài của Mĩ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương.
Được sự giúp đỡ của Mĩ, Pháp đã tăng thêm sức mạnh, ngày càng lún sâu
vào cuộc chiến tranh Đông Dương, đỉnh điểm là vào điểm 1953 – 1954, khi
H.Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, với hy vọng sẽ
giành thắng lợi. Trớ trêu thay và bất hạnh cho cả Pháp và Mĩ, thực tế diễn biến
trên chiến trường Đông Dương lại cho thấy chiến lược viện trợ của Mĩ tỏ ra kém
hiệu lực, nó không phát huy được tác dụng trong việc đánh thắng cuộc chiến
tranh giải phóng của các nước Đông Dương. Tình hình Pháp ở Đông Dương ngày càng
xấu đi, sự nghiệp chống cộng của Mĩ ở hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Đông
Dương đã đẩy chiến lược toàn cầu châu Á của Mĩ đi vào bế tắc và đầy lúng túng.
Điều này làm gia tăng mâu thuẫn giữa Pháp, Mĩ trong suốt thời điểm 1953 – 1954
thể hiện qua chiến lược sử dụng chính quyền bù nhìn Bảo Đại, con bài Ngô Đình
Diệm và thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ và cuộc đấu tranh ngoại giao tại
Genève.
Sự nghiệp và tiền đồ của Pháp ở Đông Dương đã thất bại hoàn toàn trong
chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam, và người Pháp rất thất vọng trước sự thờ
ơ của Mĩ – Mĩ đã không cứu Pháp ở Điện Biên Phủ[21].
Sự thật phủ phàn, từ khi bắt đầu cuộc chiến Đông Dương, sức ép Phương Tây đã ảnh
hưởng rất mạnh lên hàng loạt chính sách của Pháp ở Đông Dương, đặt biệt là Mĩ
có ảnh hưởng nhiều nhất, nếu không nói là quyết định. Trong cuối những năm 1940,
Mĩ đã gây khó khăn cho Pháp, sau đó lại có vai trò xúc tác với việc viện trợ
quân sự (1950-1952) và sau đó lại căng thẳng và cuối cùng không thể chấp nhận
được vào những năm 1953 – 1954[22].
Cùng với sự kiện 1954, việc Pháp từ chối Cộng đồng phòng thủ châu Âu vào những
tháng sau đó đã làm cho quan hệ Pháp – Mĩ càng rạn nứt, căng thẳng và đầy mâu
thuẫn.
Kết luận
Qua phân tích chính sách của Pháp ở Đông Dương và những toan tính chiến
lược của Mĩ đối với Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, cho thấy:
Thứ nhất, cả Pháp và Mĩ đều đánh giá được vị trí địa-chiến lược và địa-kinh
tế đối với tiền đồ của mỗi nước, và sự thật Đông Dương đóng một vai trò như vậy
không chỉ trong lịch sử hiện đại mà đã có trong quá khứ. Tiểu khu vực này luôn
là địa bàn cạnh tranh chiến lược, là điểm nóng ở châu Á trong lịch sử. Mĩ và
Pháp đều là những nước thực dân nhà nghề, có sức mạnh vượt trội, giàu kinh nghiệm
trong việc bành trướng thuộc địa, nên Đông Dương không thể tránh khỏi cuộc đụng
đầu và tranh chấp trong chiến lược của mỗi nước.
Thứ hai, chính sách của Mĩ đối với Pháp ở Đông Dương cũng cho thấy mục
tiêu của Mĩ ban đầu chưa chú trọng ở khu vực và sau đó đi đến giúp đỡ thông qua
viện trợ kinh tế, quân sự cho Pháp để từng bước can thiệp sâu vào Đông Dương,
xuất phát từ chính sách toàn cầu của Mĩ trong thời kì đầu của chiến tranh lạnh,
Mĩ muốn ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, đe dọa lợi ích của Mĩ ở
châu Âu và bờ Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và
sự thất bại liên tiếp của Pháp trên chiến trường Đông Dương, Mĩ không còn hy vọng
gì ở Pháp nhằm ngăn chặn sự tiến triển và lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Vì
thế Mĩ buộc phải từng bước thay đổi chiến lược của mình đối với Pháp và khu vực.
Thứ ba, việc can thiệp của Mĩ vào chính sách của Pháp ở Đông Dương sau
chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt từ năm 1950 phản ánh chính quyền Mĩ đã
có những bước chuẩn bị và lộ trình thực hiện trong giới hạn tham vọng của mình,
biểu hiện sự can dự ngày càng bộc lộ rõ nét, có lúc công khai và điều này buộc
Pháp phải chấp nhận sự phụ thuộc vào Mĩ, cả hai đều có mục tiêu cho riêng mình
– phóng lao thì phải theo lao. Nhưng kết cục mang lại hoàn toàn khác nhau: Pháp
thất bại và Mĩ có nhiều cơ hội tiếp theo sau đó. Quan hệ Mĩ – Pháp đi từ đồng
minh đến mối quan hệ rạn nứt, nhiều mâu thuẫn không thể vượt qua.
Tài liệu tham khảo
1.Sami
Abouzahr (2004), America, France and Indochina 1947-1950, Published in History Today Volume: 54 Issue: 10 2004,
http://www.historytoday.com/sami-abouzahr/tangled-web-america-france-and-indochina-1947-50
2. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ
chính trị (2000), Chiến tranh cách mạng
Việt Nam (1945 – 1975): Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội.
3. Robert K.Bringham (1993), Những đồng minh thận trọng Mặt trận Việt Minh, người Mĩ và cách mạng
tháng Tám, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4/1993.
4. Đại học KHXH – NV Hà Nội (2005), Điện
Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt – Pháp, Nxb CTQG, Hà Nội.
5. Võ Nguyên Giáp (2000), Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND.
6. Lê Phụng Hoàng (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ
hai đến cuối Chiến tranh lạnh (1945 – 1991), Đại học sư phạm Tp.HCM.
7. R.E.M.Irving (1968), The MRP and French policy in Indochina 1945-1954, University of
Oxford.
8. R.E.M.Irving (1975), The first Indochina war: French
and American policy 1945-54, London : C. Helm, ©1975.
9. Lưu Văn Lợi –
Nguyễn Hồng Thạch (2002), Pháp tái chiếm
Đông Dương và Chiến tranh lạnh, Nxb CAND, Hà Nội.
10. Phạm Thu Nga
(2004), Quan hệ Việt – Mĩ 1939 – 1954, Nxb
ĐHQG Hà Nội.
11. Gereth Pater (1981), Vietnam:
A history in documents, New American Library, London.
12. Nguyễn Thành (1986), Quá trình
can thiệp của Mĩ trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương và đối
sách của Đảng ta” ,Tạp chí Lịch sử quân sự, số 12/1986.
13. Viện KHXH Việt Nam – UBND tỉnh Điện Biên (2004), 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển
đất nước, Nxb CTQG.
14. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1994, 1995), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Tập 1-2, Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội.
15. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1996), Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 – 1975), Tập 1, Nxb
CTQG, Hà Nội.
16. Viện Sử học (1996), Lịch sử Việt
Nam 1954 – 1965, Nxb KHXH, Hà Nội
[1] Xem nội dung cụ thể của Tuyên bố ngày 24/3/1945 tại:
Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch (2002), Pháp
tái chiếm Đông Dương và Chiến tranh lạnh, Nxb CAND, Hà Nội, tr.60-61.
[2] Phạm Thu Nga (2004), Quan hệ Việt – Mĩ (1939 – 1954), Nxb ĐHQG Hà Nội, tr. 173.
[3] Xem: Lê Phụng Hoàng (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ
hai đến cuối Chiến tranh lạnh (1945 – 1991), Đại học sư phạm Tp.HCM, tr.56-61.
[4] Phạm Thu Nga (2004), Sđd, tr. 172.
[5] Dẫn theo Lê Phụng Hoàng (2008), Sđd, tr.66.
[6] Dẫn theo Lê Phụng Hoàng (2008), Sđd, tr.66.
[7] Dẫn theo Lê Phụng Hoàng (2008), Sđd, tr.68.
[8] Dẫn theo Phạm Thu Nga (2004), Sđd, tr. 174.
[9] Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch (2002), Sđd, tr.179.
[10] Viện Lịch
sử quân sự Việt Nam (1996), Lịch sử kháng
chiến chống Mĩ cứu nước (1954 – 1975), Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.83.
[11] Xem Phạm Thu Nga (2004), Sđd, tr. 179-181.
[12] Xem Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch (2002), Sđd, tr.180.
[13] Xem Phạm Thu Nga (2004), Sđd, tr.183.
[14] Robert K.Bringham (1993), Những đồng minh thận trọng Mặt trận Việt Minh, người Mĩ và cách mạng
tháng Tám, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4/1993, tr.263.
[15] Xem: Sami Abouzahr (2004), America, France and
Indochina 1947-1950,
Published
in History Today Volume: 54 Issue: 10 2004, http://www.historytoday.com/sami-abouzahr/tangled-web-america-france-and-indochina-1947-50
[16] Gereth Pater (1981), Vietnam: A history in documents, New American Library, London,
tr.286.
[17] Sami Abouzahr (2004), Tài liệu trích dẫn.
[18] Xem Phạm Thu Nga (2004), Sđd, tr. 198-210.
[19] Nguyễn Thành (1986), Quá trình can thiệp của Mĩ trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp
ở Đông Dương và đối sách của Đảng ta” ,Tạp chí Lịch sử quân sự, số 12/1986,
tr.19.
[20] Viện Sử học (1996), Lịch sử Việt Nam 1954 – 1965, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.133.
[21] Xem: Lưu
Văn Lợi: Mĩ không cứu Điện Biên Phủ tại
sao? tại Đại học KHXH – NV Hà Nội (2005), Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt – Pháp, Nxb
CTQG, Hà Nội, tr.440.
[22] Xem J.Ráplic:
Sức ép phương Tây với chính sách Đông Dương của Pháp 1950 – 1954 tại Đại học
KHXH – NV Hà Nội (2005), Điện Biên Phủ từ
góc nhìn của các nhà khoa học Việt – Pháp, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.430.
Bài viết đăng trong sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những vấn đề lịch sử, , tập 2, Nxb ĐHQG TP.HCM, 5/2014.
No comments:
Post a Comment