Tác giả: Phạm Đào Duy Anh.
Thời gian không còn dài để đất nước ta và các nước khác trên thế giới hoàn thành công việc chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI. Đã có nhiều học giả viết và dự đoán về những nét lớn trong 20 năm đầu và thậm chí 50 năm đầu của thế kỷ XXI. Họ tiên đoán rằng, thế kỷ XXI sẽ đầy biến động và bất trắc; cuộc xung đột giữa các nền văn minh sẽ gay gắt (1); khủng hoảng có thể nổ ra ở những khu vực như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hoặc ở Biển Đông ( Biển nam Trung Hoa) nếu như không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn trước. Có học giả còn khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam A' và Đông A' đã báo hiệu sự chấm dứt kỳ tích kinh tế châu A', và các nền kinh tế châu A', tuy không sụp đổ trong nháy mắt, nhưng sẽ giảm dần tốc độ tăng trưởng dẫn tới việc các nước châu A' sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị, kinh tế.
Tất cả những phỏng đoán trên đều đáng để chúng ta quan tâm khi nhìn về tương lai của thế giới và đất nước chúng ta, ít ra là trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin góp thêm một vài suy nghĩ để mong làm rõ hơn bối cảnh quốc tế của đất nước ta khi bước sang thế kỷ mới.
Con đường hội nhập của Việt Nam vào thế giới đã diễn ra từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 2/9/1945. Từ đó đến nay dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hy sinh bao xương máu, đổ bao mồ hôi, nước mắt mới bảo vệ được độc lập, tự do và phát triển để có vị trí ở khu vực và cả trên trường quốc tế như ngày nay. Có thể nói rằng, trên mười năm đổi mới đã khơi dậy được sức mạnh còn tiềm ẩn trong nhân dân Việt Nam, đã tạo cho đất nước ta một cơ sở ban đầu để hội nhập sâu hơn vào các quá trình chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, văn hoá đang diễn ra đan xen và dồn dập trên thế giới.
Nhìn ra thế giới, ta thấy một số học giả cũng có lý khi họ nói, thế giới vẫn có nhiều biến động, sóng gió. Tuy nhiên, bình tĩnh mà suy xét thì sau cơn phong ba, trời lại lặng yên ( không phải cái lặng yên đột nhiên của biển trước cơn bão táp, mà là một trạng thái bình yên với những yếu tố tích cực hơn. Các cuộc khủng hoảng cũng dần qua đi ( kể cả cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu ở Nam Tư cũ, cuộc "chiến tranh tâm lý" Mỹ-Trung xung quan eo biển Đài Loan ( 1995) và cuộc chiến tranh tưởng chừng như khó tránh khỏi giữa Mỹ và I- rắc đầu 1998...). Điều đó nói lên một thực tế: Sợi chỉ đỏ trong quan hệ quốc tế từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cho đến nay và cả trong tương lai vẫn là xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển. Đây là mẫu số chung trong quan hệ quốc tế của tất cả các nước lớn, nhỏ vì nó thể hiện lợi ích chung, ít ra là trong những năm vừa qua và 15 - 20 năm tới, của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nước Mỹ - siêu cường còn lại duy nhất trên thế giới - cũng không thể đi ngược lại xu thế này nếu Mỹ không muốn tự mình bị cô lập và thất bại.
Trong bối cảnh quốc tế ấy, mối quan hệ giữa các nước lớn đang được định hình mà một số học giả có tên tuổi trên thế giới còn hy vọng là thời kỳ của sự " hoà đồng quyền lực" ( Concert of power) đang đến. Có thực là một trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập với động lực chính và sự hoà đồng quyền lực để duy trì trật tự, an ninh và phát triển thế giới lên một bước cao hơn không? Người ta đã có được đánh giá như trên khi chứng kiến những bước đi dồn dập của các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga trong những năm cuối của thập kỷ 90 chăng? Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là các nước lớn đã trải qua hàng chục thập kỷ tranh giành ảnh hưởng, sự nghi kỵ lẫn nhau kéo dài trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và cả gần đây thì lẽ đương nhiên là họ cũng khó mà trút bỏ gánh nặng đó chỉ trong một vài năm. Hiện nay, trên thực tế vẫn là trạng thái " cân bằng quyền lực" (balance of power), và nếu như trong một thời điểm nào đó và trong một vấn đề cụ thể nào đó, đã có sự " hoà đồng quyền lực", thì đó cũng chỉ là sự trùng hợp lợi ích của các nước lớn trong một thời điểm và trong một vấn đề cụ thể nhất định mà thôi. Ngoài ra phải tính đến một yếu tố là trên bàn cờ thế giới còn có nhiều nhân tố đang và sẽ có vai trò nhất định trong quan hệ quốc tế. Đó là các nước cỡ vừa như U'c, Canađa, tập thể các nước vừa và nhỏ như ASEAN, và gồm cả nước lớn ( Â'n Độ) như SAARC. Đó còn là các tổ chức có tính toàn cầu như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới(WTO), và các tổ chức phi chính phủ và ngoại giao nhân dân và cả các phong trào như Không liên kết, Hoà bình thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới... Phải thừa nhận rằng, chưa bao giờ trên bàn cờ thế giới lại có nhiều nhân tố tác động đan xen như hiện nay. Trong các thập kỷ vừa qua, chính những sáng kiến lôi kéo được sự tham gia của nhiều cường quốc lại xuất phát từ các nước vừa và nhỏ như APEC (sáng kiến của U'c), ZOPFAN, SEANFWZ, ARF (sáng kiến của ASEAN) và gần đây là ASEM ( sáng kiến của Singapore - Pháp). Những sáng kiến trên đã góp phần không nhỏ vào quá trình hội nhập về mọi mặt kinh tế, chính trị, an ninh ở khu vực và trên thế giới. Trong thời đại ngày nay, khi mà cuộc cách mạng tin học đang tạo ra những thay đổi lớn lao cả trong tư duy lẫn hành động của con người, thì theo suy nghĩ của tôi, những ý tưởng mới hữu ích lôi cuốn được sự tham gia của đông đảo các quốc gia lại là thước đo quan trọng về sự đóng góp của một nước hay của một tập thể các nước vào tiến bộ của loài người. Có lẽ trong tương lai không xa, người ta sẽ đánh giá sức mạnh các quốc gia không chỉ bằng tổng số sắt, thép, xi măng sản xuất được hoặc GDP tính theo đầu người, mà còn đánh giá qua sự công bằng xã hội và nền văn minh tinh thần mà nhân dân nước đó được hưởng.
Cũng không thể nói như một số học giả rằng, cả thế giới có lẽ đang quay lại thời kỳ cân bằng lực lượng như trong thế kỷ XIX, khi mà không có một cường quóc nào nổi trội đủ sức chi phối cả thế giới. Thực ra thế giới ngày nay đã khác xa so với các thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX, chứ đừng nói gì đến thế kỷ XIX. Sự xuất hiện các công ty xuyên quốc gia và có chiều hướng nó sẽ dần thay thế các công ty đa quốc gia trong thời đại của nền văn minh tin học đã gây ra nhiều "đảo lộn". Cái đảo lộn lớn mà ta dễ nhìn thấy nhất là sẽ không còn quyền lực gần như vạn năng trong nền kinh tế thế giới của ba trung tâm kinh kế ( Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu) như trong các năm 70,80 và cả đầu 90. Hiện nay Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới và càng mạnh hơn trong tình hình có cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông A', khi mà các giá trị truyền thống và cả mô hình phát triển kinh tế một cách thần kỳ trong các thập kỷ qua của các nền kinh tế Đông A' đang trở thành dấu hỏi và chưa có lời giải đáp trong suy nghĩ của một số nhà kinh tế và học giả. Tuy nhiên, ngay trong tình hình như trên, những ý đồ muốn áp đặt mô hình và các quan điểm văn hoá, luật pháp của nền kinh tế Mỹ cho thế giới vẫn sẽ thất bại, vì chỉ tính riêng góc độ kinh tế khi các công ty xuyên quốc gia ngày càng trở thành phổ biến và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trên phạm vi khu vực và thế giới ngày càng tăng thì không một nền kinh tế nào hoặc một mô hình kinh tế nào có thể đóng vai trò độc tôn trong nền kinh tế toàn cầu được.
Một số học giả còn nêu lên ý tưởng về một kiểu cấu trúc mạng nhện mà trung tâm điểm là Mỹ và bốn điểm tựa chính là Nga, Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, và các chủ thể trong hệ thống mạng này được gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là một ý tưởng mới, tuy nhiên nó vẫn làm ta nhớ đến ý kiến của nhiều học giả Trung Quốc về một hệ thống quốc tế có một siêu và tứ cường. Lẽ đương nhiên là các nước lớn bao giờ cũng có tiếng nói quan trọng và đôi khi có vai trò quyết định trong một số vấn đề quốc tế, nhưng thời đại nay đã khác trước nhiều. Sự tập hợp lực lượng trên bàn cờ quốc tế đã không theo chiều dọc mà cơ sở là hệ tư tưởng như thời kỳ chiến tranh lạnh mà là sự tập hợp đan xen, đa dạng, lấy mẫu số chung là sự trùng hợp lợi ích quốc gia trong từng thời điểm lịch sử nhất định. Trên bàn cờ quốc tế sẽ không một cường quốc nào, dù là siêu cường như Mỹ, có thể đứng riêng rẽ mà đều phải tập hợp lực lượng qua mạng lưới quan hệ song phương hay đa phương, khu vực hay toàn cầu, để giành lấy vị trí tối ưu trong từng vấn đề cụ thể, cũng như trong mối tương quan lực lượng chung trên thế giới. Mối quan hệ Nga-Pháp-Đức với Hội nghị nguyên thủ ba nước tại Matxcơva gần đây là một tập hợp lực lượng mới đáng lưu ý ở châu Âu và không nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ. Phải chăng ba người hùng của lục địa châu Âu muốn tập hợp lực lượng để thực hiện ý đồ đã ấp ủ từ lâu là giảm bớt, tiến tới hạn chế đến mức tối đa sự khống chế của Mỹ để công việc của châu Âu sẽ do người châu Âu quyết định? Tất nhiên đây không phải là điều dễ dàng, nhất là về mặt an ninh, nhưng dù sao đây cũng là một hiện tượng mới đáng lưu ý vì nó khác với thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mối quan hệ chỉ giới hạn ở mức song phương ( Liên Xô - Tây Đức; Liên Xô- Pháp...). Có một điều tưởng như là nghịch lý, nhưng lại là tất yếu nếu như ta nhìn nó bằng con mắt biện chứng: Sau chiến tranh lạnh, Mỹ rõ ràng mạnh lên về lực, (vì không còn đối thủ ngang tài ngang sức và đôi khi còn vượt cả Mỹ như Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, và trong cuộc chạy đua đầu tiên vào vũ trụ. Kinh tế Mỹ lại đã thoát khỏi suy thoái từ đầu những năm 80 và đang tiếp tục phát triển), nhưng lại yếu đi ở thế toàn cầu. Hiện nay Mỹ không còn ở thế " nhất hô bá ứng" như xưa vì đã mất đi một thứ vũ khí rất lợi hại để tập hợp, khống chế cả thế giới tư bản như trước đây, đó là " con ngáo ộp cộng sản". Ngoài ra, "tính tự cường dân tộc" - một hiện tượng mới, mạnh mẽ của thời kỳ sau chiến tranh lạnh, không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở cả các nước phát triển cao như Pháp, Đức... cũng là một nhân tố quan trọng hạn chế " thế mạnh" của Mỹ. Do đó, tuy mạnh lên về lực so với trước nhưng trong suốt những năm qua Mỹ vẫn không thể áp đặt được ý muốn chủ quan cho toàn thế giới, bởi vì Mỹ ở thế toàn cầu yếu hơn trước. ( Ngay trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc xung đột Mỹ- I- rắc vừa qua, Mỹ cũng không đạt mục tiêu chính là khuất phục I-rắc và hạ bệ tổng thống Sađam Hussein; Mỹ cho đến nay vẫn thất bại trong việc áp đặt giá trị dân chủ kiểu Mỹ cho châu A'...).
Còn một vấn đề nữa tưởng như phi lý nhưng lại là sự thật: Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ nghiêm trọng hiện nay đã làm mất đi hoặc chí ít là giảm hẳn tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược các nước lớn. Nếu nhìn về bề ngoài thì tưởng như ý kiến trên là đúng. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ một chút thì có thể thấy ngay là các nhân tố tạo nên vị trí chiến lược của ASEAN vẫn không bị mất đi do cuộc khủng hoảng: Không một nước lớn nào có thể bỏ qua trong tính toán chiến lược của mình một khối kinh tế, chính trị, an ninh với khoảng 500 triệu dân như ASEAN. Và cũng không một nước nào bỏ qua được tầm quan trọng chiến lược về địa-chính trị của ASEAN ở Biển Đông - con đường giao thông, buôn bán huyết mạch từ Mỹ, châu Âu sang châu A'. Tuy hiện nay ASEAN đang gặp nhiều khó khăn, nhưng dấu hiệu phục hồi đã rõ và những nhân tố tạo nên sự thần kỳ thực sự về kinh tế vẫn còn ( Đội ngũ lao động cần cù, có học thức, có tay nghề, tỷ lệ tiết kiệm vẫn cao, qua khủng hoảng lại càng có thêm kinh nghiệm trong điều chỉnh kinh tế vĩ mô...).Từ đó có thể thấy, ASEAN vẫn là một nhân tố mà tất cả các nước lớn đều phải tranh thủ, coi trọng và trên thực tế các nước trên vẫn đang làm như vậy cả trước, trong và sau cuộc khủng hoảng ở Đông A'.
Như vậy có thể thấy rằng, trong trật tự thế giới mới đang được hình thành, không một cường quốc nào, dù là siêu cường duy nhất còn lại như Mỹ, hoặc một liên minh cường quốc nào, có thể giơ chiếc gậy chỉ huy để buộc thế giới phải tuân theo như trong thế giới hai cực trước đây. Các vấn đề quốc tế và khu vực sẽ ngày càng có sự tham gia tích cực hơn của các quốc gia vừa và nhỏ; mạng lưới song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, xã hội sẽ ngày càng phát triển; Vị trí của các tổ chức quốc tế, nhất là Liên Hợp Quốc, các NGO, các tổ chức đoàn thể cũng sẽ được đề cao, nhất là trong giao lưu v ăn hoá, xã hội giữa các nước và cả trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường, sinh thái, dân số...
Hình ảnh của thế giới trong vòng 20 năm tới có thể sẽ tạm được phác hoạ như vậy chăng? Nhưng còn chặng đường sau 20 năm nữa? Thật cũng khó mà dự đoán rõ ràng tương lai của thế giới sẽ ra sao vào thời gian đó. Tuy nhiên, một vấn đề mà cả thế giới đều quan tâm là mối quan hệ Mỹ- Trung, khi mà khoảng 20 năm nữa Trung Quốc đã "đủ lông, đủ cánh" trên trường quốc tế, vì mối quan hệ đó - hợp tác hay đối đầu - sẽ có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển của cả thế giới trong tương lai.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng là trên bước đường phát triển, đến một thời điểm nào đó, khi mà chủ nghĩa tư bản đạt những đỉnh cao mới về sản xuất, khoa học kỹ thuật nhưng vẫn bế tắc trong giải quyết các vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo, thất nghiệp và tệ nạn xã hội ngày càng tăng, thì sự biến đổi có tính cách mạng ngay trong tư duy con người trong việc thừa nhận lại chủ nghĩa xã hội như một giai đoạn phát triển tất yếu tiếp theo của chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến đỉnh cao cũng là một lô- gích dễ hiểu. Một xã hội công dân đích thực như loài người hiện nay đang hướng tới không có những khác biệt cơ bản so với một xã hội chủ nghĩa đích thực mà chúng ta vẫn mong ước. Đó sẽ là một xã hội văn minh, giàu mạnh, phát triển trên nền tảng của công bằng xã hội và luật pháp, một xã hội trong đó người dân được thực sự làm chủ, một xã hội vì dân, một xã hội có trách nhiệm với quốc tế và có quan hệ hữu nghị với tất cả các xã hội khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là, đây chưa phải là một hiện thực của 20 năm tới mà là của một thời kỳ xa hơn, dài hơn nhiều.
Trong các năm còn lại của thế kỷ XX và cả trong các thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, cuộc đấu tranh gay gắt nhất trong nội bộ các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, và trong quan hệ giữa các quốc gia, theo tôi có thể sẽ tập trung trên lĩnh vực kinh tế và văn hoá: Đó là cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ mỗi nước cả về kinh tế và chính trị, nhất là ở khu vực Đông A', nhằm cơ cấu lại nền kinh tế hay điều chỉnh ở tầm vĩ mô nền kinh tế quốc gia để phát triển. Đó đồng thời cũng là cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển để chống lại sự áp đặt từ bên ngoài về mô hình phát triển, giữ vững bản sắc dân tộc và nền năn hoá của mình trên mọi lĩnh vực khi hội nhập vào khu vực và thế giới để tận dụng được các mặt tích cực của quá trình toàn cầu hoá và để không bị các công ty xuyên quốc gia biến thành các quốc gia phụ thuộc. Hội nhập vào khu vực và thế giới là một xu thế mà không một quốc gia nào, dù ở nơi xa xôi hẻo lánh nhất của châu Phi, có thể đứng ngoài. Vấn đề cốt tử là thấy rõ được những đặc điểm và những mặt tích cực và tiêu cực của xu thế này để chuẩn bị và bước vào với tư thế sẵn sàng.
Đây còn là cuộc đấu tranh giữa tư duy cũ vẫn nhìn thế giới qua lăng kính của thời kỳ chiến tranh lạnh, với tư duy mới - không bị ràng buộc bởi những quan điểm lỗi thời, bởi những suy nghĩ mang nặng ý thức hệ ( tuy rằng nhân tố ý thức hệ còn lâu mới biến mất trên vũ đài quốc tế), mà lấy lợi ích phát triển của dân tộc, của đất nước trong từng thời điểm lịch sử cụ thể làm điểm tựa để nhìn vào chính mình và nhìn ra thế giới. Tư duy này đối với Việt Nam không phải mới, vì các nhân tố cơ bản của tư duy ấy đều bắt nguồn từ bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam với nền văn minh truyền thống có từ hàng ngàn năm trước và được thể hiện rõ nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ với tư duy ấy khi nhìn ra thế giới ta mới không bị lạc hậu với sự phát triển của thời cuộc, mới nắm bắt đúng thời cơ để tiến lên xoá được nỗi nhục của nghèo nàn, lạc hậu. Phải chăng những vinh quang và thành tích chói lọi của ông cha ta ngày trước đều có chung một điểm xuất phát " biết mình, biết người"..?
Nhìn vào những thành tựu mọi mặt chúng ta đạt được trên 10 năm đổi mới và những khó khăn, phức tạp mà chúng ta sẽ phải trải qua, có thể thấy rằng, 15-20 năm trước mắt là thời cơ thuận lợi đối với dân tộc ta, tuy rằng khó khăn, thách thức còn không ít, và vài năm còn lại của thế kỷ XX sẽ là những năm thử thách lớn lao đối với Việt Nam cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại. Nhìn đúng thực trạng đất nước, nhìn đúng thế giới và có định hướng đúng là điều quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, để những định hướng trên có thể trở thành hện thực thì điều then chốt lại là công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Chúng ta đã có chuẩn bị tốt về mặt tinh thần, ý chí "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp; chúng ta cũng đã có chuẩn bị tốt về tư tưởng và đội ngũ khi tiếp quản thủ đô để không bị gục ngã trước các " viên đạn bọc đường" (3), ta đã có sự chuẩn bị về mặt nhận thức (đánh giá đúng mặt mạnh và yếu của Mỹ) về lý luận và cả ý chí " Không có gì quý hơn độc lập tự do", khi hạ quyết tâm dám đánh Mỹ và có thể đánh thắng Mỹ trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không kịp chuẩn bị về tư tưởng, chính sách cũng như đội ngũ khi tiếp quản các thành phố miền nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta cũng chưa chuẩn bị được mọi mặt khi chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, nên hiện nay chúng ta đang phải trả giá về những hậu quả lâu dài về xã hội và cả văn hoá, giáo dục. Điều đáng tiếc là chúng ta đã không chuẩn bị về mặt kiến thức và cả tư tưởng để hiểu được thực chất kinh tế thị trường, những luật chơi, những mặt tích cực và tiêu cực của nó để chuẩn bị chấp nhận và cả đấu tranh. Về mặt lý luận và cả về thực tiễn, chúng ta cũng chưa tìm ra được giải đáp thoả đáng cho nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra trước đất nước trên bước đường phát triển, nhất là trong tình hình cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính hiện nay còn đang tiếp diễn ở khu vực Đông A'. Phải nói lại một điều là trình độ lý luận của chúng ta đã có bước tụt hậu so với diễn biến phức tạp và hết sức nhanh chóng của tình hình thế giới. Cho đến gần đây, vẫn còn không ít người đặt câu hỏi, liệu việc gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ tháng 7/1995 có phải là bước đi thích hợp không? Thực tế gần 3 năm qua đã trả lời câu hỏi đó. Nhưng từ những câu hỏi và suy nghĩ như trên, chúng ta cũng thấy rõ một điều là trên lĩnh vực khoa học xã hội, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm.
Trong buổi toạ đàm với các bạn đồng nghiệp tại Sở nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh cách đây không lâu, chúng tôi đều nhận thức rằng, sẽ là một thách thức rất lớn nếu như tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn được sử dụng để nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và những biến đổi nhanh đến chóng mặt đang diễn ra dồn dập xung quanh ta và cả trên thế giới.
Tài liệu trích dẫn:
1.Samuel P. Huntington's - The clash of civilizations? - Foreign affairs, New york 1996.
2. Xem bài của Paul Kruman về bão táp tiền tệ ở Thái Lan, được đăng trên tờ TW Nhật báo Đài Loan ngày 27/8/1997.
3. Lời Hồ Chủ tịch căn dặn học viên lớp chuẩn bị tiếp quản thủ đô năm 1954 tại Việt Bắc.
Tài liệu tham khảo:
+Foreign affairs 9+ 10/1997
+Impact 21 ( các số năm 1996 và 1997)
+International Review, các số 1997 ( China Center for International Studies).
+Tạp chí thông tin lý luận và Tạp chí cộng sản năm 1997./.
Nguông: http://www.dav.edu.vn/en/introduction/organization-structure.html?id=404:so-23-nhung-thap-ky-dau-cua-the-ky-xxi-vai-phac-hoa
No comments:
Post a Comment