Friday, June 20, 2014

20. CHIẾN TRANH, THAM VỌNG ĐẾ QUỐC, VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI

Trên bình diện địa-kinh tế-chính trị, từ góc cạnh chiến tranh và đế quốc, nhân loại có thể đang bước vào một kỷ nguyên chưa hề trải nghiệm. Cứ nhìn quanh và bạn sẽ thấy thế giới đang luôn sôi sục.
Từ Ukraine đến Syria, từ South Sudan đến Thailand, từ Libya đến Bosnia, từ Turkey đến Venezuela, quần chúng luôn bị kích động bởi cả hai phía tả và hữu và hiện đang phải đối đầu với những xáo trộn, thậm chí ngay cả với tình trạng đảo lộn và rệu rã trên toàn cầu. Tính nhất trí của các quốc gia, lớn cũng như nhỏ, cũ cũng như mới, rất cần được quan tâm. Nội chiến, bạo động, và tranh chấp tương tàn rõ rệt lúc một gia tăng. Với sự can thiệp của các nước ngoài, trong nhiều trường hợp, quyền hành nhà nước luôn bị thương tổn và suy yếu trong khi chẳng có quốc gia nào được hưởng lợi.
Câu hỏi cần được đặt ra, vì vậy, sẽ là: Quyền hành trên hành tinh hiện đang thực sự ở đâu?
Đã hẳn, trong thế kỷ mới, siêu cường duy nhất, dù đang suy tàn, vẫn liên tục gửi lực lượng quân sự can thiệp khắp nơi trên toàn cầu một cách tai họa. Tuy vậy, các hành động nầy đã không thể giúp tăng cường hệ thống đế quốc, về cả hai phương diện tổ chức và bố trí lực lượng trên hành tinh, do chính mình thiết kế vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Nói một cách khác, siêu cường duy nhất đã chứng tỏ không đủ khả năng tổ chức một hệ thống toàn cầu mới cho thế kỷ mới. Trong thực tế, sự can thiệp của lực lượng quân sự của siêu cường bất cứ ở đâu cũng chỉ đem lại hỗn loạn cho địa phương và khu vực .
Cùng lúc, hệ thống chính trị của chính siêu cường đã tăng trưởng một cách phi thường và cồng kềnh; quá trình bầu cử lúc một bị tràn ngập bởi các dòng chảy tư bản của giới tài phiệt 1%; và guồng máy chính quyền rõ ràng luôn gặp rắc rối, nếu không muốn nói thiếu hiệu năng. Giới giàu ngày một giàu thêm, giới nghèo ngày một nghèo hơn, và giới trung lưu ngày một suy sụp.
Tuy vậy, kể từ đại suy thoái kinh tế tài chánh 2007-2008, lực lượng quân sự của siêu cường, mặc dù lớn hơn quân đội của các đại cường khác nhiều lần, cũng đang bắt đầu phải bị cắt giảm.
Trên khắp thế giới, các đồng minh, các chính quyền khách hàng hay chư hầu, các địch thủ, ngày một xem thường sự mong đợi và ước muốn của siêu cường, thường khi không gặp phải các chế tài nghiêm trọng. Siêu cường duy nhất, mặc dù giàu mạnh hơn xa các siêu cường đối thủ thời Chiến Tranh Lạnh, hiện mang sắc thái cổ điển của một đại cường đang tuột dốc, dễ bị tiên đoán, hay đơn thuần đang hướng đến nghĩa trang tuy chậm chạp nhưng luôn chắc chắn.
Tuy nhiên, một tiên đoán như thế vẫn là điều thiếu khôn ngoan. Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên đương đại, thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cường quốc trên đà tuột dốc mà vẫn không gặp phải bất cứ một sự cạnh tranh hay địch thủ nghiêm trọng nào. Nói một cách khác, Hoa Kỳ — ngày nay vẫn được hoan hô như một Saudi Arabia mới trên bình diện tài nguyên năng lượng có thể khai thác — rõ ràng không gặp phải nguy cơ đánh mất vai vế đại cường và đế quốc duy nhất của hành tinh.
Trong mọi trường hợp, giới quan sát vẫn luôn đặt câu hỏi: quyền lực hiện hữu của Hoa Kỳ là gì? Liệu người Mỹ, theo câu nói trong kỷ nguyên Bush đã bị bỏ quên từ lâu, vẫn còn có đủ khả năng duy trì một thế giới đơn cực? Hay như lối nói thời thượng trong một thời gian ngắn ngũi trước đây, quyền lực sẽ ngày một mang tính đa cực? Hay sẽ ngày một hỗn loạn hơn? Hay trên một hành tinh khí hậu ngày một hâm nóng, hạn hán ngày một khắc nghiệt, và giá thực phẩm trong tương lai có nguy cơ tăng vọt — có nghĩa sẽ ngày một có nhiều chống đối, bạo lực, thiếu nhất trí, hay ngay cả các “cực”?
Trong thực tế, sau đây là thực tại của 13 năm đầu của thế kỷ XXI: Lần đầu tiên trong ít ra một nửa thiên niên kỷ, nguyên tắc đế quốc hình như đang suy sụp; tuy vậy, đế quốc duy nhất, lúc một mất bớt khả năng tổ chức thế giới, nhưng không hẳn đang tuột dốc.
Tình trạng khá mơ hồ, thiếu ổn định, và rối loạn. Tuy vậy, ít ra cũng có hai điều khá rõ ràng, và dù bạn muốn hiểu như thế nào chăng nữa, đây vẫn là những thông tin thực tế trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ mới. Cả hai đang phơi bày ngay trước mắt các bạn, tuy vậy, phần lớn vẫn chưa được nhận diện và lưu tâm.
Thứ nhất: Cả nguyên tắc đế quốc và sự cạnh tranh giữa các đại cường đi kèm đều cùng suy sụp.
Thứ hai: cũng không kém phần đáng ngạc nhiên, chiến tranh (toàn cầu, trong cùng quốc gia, chống trỗi dậy), đã làm chấn động thế kỷ XX, hình như cũng đang lúc một tiệm giảm.
Thực tế đó có ý nghĩa gì?
THAM VỌNG ĐẾ QUỐC NGÀY MỘT KHÓ THỂ HIỆN
Thử bắt đầu với vế đế quốc của phương trình.
Ngay từ khi các đại cường Âu Châu gửi tàu chiến đi thăm dò và chinh phục toàn cầu, chưa lúc nào có sự kiện một hay nhiều đế quốc đang lên trong khi một số khác ngày một suy yếu, không lúc nào là không có tình trạng ganh đua giữa các đại cường tìm cách phân chia tài nguyên chiến lợi phẩm toàn cầu, và tổ chức, xâm lấn , hay tranh giành phạm vi ảnh hưởng của nhau.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với Đế Quốc Anh trong cốt lõi đã khánh kiệt, và một số khác như Đức, Nhật, Ý đã bị nghiền nát, và hai đại cường còn sót lại, Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết, đã phân chia hành tinh làm hai khu vực ảnh hưởng không đồng đều.
Hoa Kỳ rõ ràng là đại cường giàu có và hùng cường hơn, là siêu cường duy nhất. Vào năm 1991, sau gần một nửa thế kỷ Chiến Tranh Lạnh trong đó hai siêu cường ít ra đã một lần suýt xẩy ra xung đột nguyên tử, và máu xương đã lan tràn lai láng trong các cuộc chiến giới hạn trong các vùng ngoại vi.
Và cuộc xung đột vào cuối kỷ nguyên — cuộc chiến của Nga Sô ở Afghanistan — đã đưa Liên Bang Xô Viết đến chỗ tan rã. Khi quân đội Xô Viết đã phải hồi hương trong tình trạng tơi tả — một tình trạng giới lãnh đạo của chính họ đã phải mô tả như vết thương đang rĩ máu (the bleeding wound), và kinh tế đã nổ tung — USSR đã âm thầm tan rã một cách bất thần và đáng kinh ngạc.
Đã hẳn, Hoa Kỳ đã thượng tồn trong tư thế, như nhiều lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn đã vững tin, siêu cường duy nhất của mọi thời đại. Chưa bao giờ có tình trạng tương tự: một siêu cường vĩ đại, một hành tinh. Đó là phương thức cần phải được thể hiện. Câu chuyện phân chia “lợi lộc hòa bình” đã tan biến nhanh chóng. Với quân lực Hoa Kỳ giữ vai trò áp đảo về tài chánh và kỹ thuật và không còn phải âu lo về một cuộc chiến có thể chấm dứt mọi cuộc chiến. Và theo họ, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.
Trước đó, thi đua võ trang đã diễn ra giữa các đại cường, ít nhất vào cuối thế kỷ XIX. Ngày nay, vào thời buổi lẽ ra cuộc thi đua đã phải chấm dứt, Hoa Kỳ vẫn đang theo đuổi một “cuộc chạy đua độc diễn và đơn độc” với mục đích ngăn chặn bất cứ lực lượng quân sự nào khác bên ngoài Hoa Kỳ có thể có đủ khả năng thách thức quân đội Hoa Kỳ bất cứ ở đâu trên thế giới. Trong thực tế, người Mỹ hình như đã không bao giờ ngờ, sau thất bại 1975 ở Việt Nam, họ lại phải đối đầu và thất bại trước các nhóm tàn quân rời rạc và thầm lặng, trang bị với vũ khí nhẹ, bom gài dọc vệ đường, và sử dụng ngay cơ thể như vũ khí.
Khởi đầu thế kỷ mới, đội ngũ George W. Bush và Dick Cheney lên cầm quyền ở Hoa Thịnh Đốn. Đây là chính quyền đầu tiên do một “think tank” khai sinh với một đề án đầy tham vọng — American Century: Project for a New American Century. Ngay cả trước biến cố 11/9 đem lại cơ hội buông lỏng các lực lượng quân sự trên khắp hành tinh, phe Tân Bảo Thũ đã nuôi mộng một đế quốc Hoa Kỳ, chói lọi hơn và làm lu mờ cả hai đế quốc Anh và đế quốc La Mã trước đây.
Thật ra, chẳng ai biết được những gì sẽ xẩy ra. Mặc dù phái Tân Bảo Thũ đã mơ tưởng một Pax Americana ở Trung Đông và kế đến trên toàn hành tinh, giấc mơ của họ đã chứng tỏ chẳng có gì tương tự một viễn kiến với cấu trúc có tổ chức. Họ đã sa lầy ở Iraq, ở Afghanistan, và đã bất ổn hóa ngay cả cường quốc nguyên tử Pakistan.
Ở Iraq, với hy vọng kiểm soát nguồn cung năng lượng, họ đã khởi động cuộc nội chiến cấp vùng giữa hai phái Sunni-Shiite, với số nạn nhân vượt quá sức tưởng tượng.
Trong quá trình, họ chưa bao giờ tiến tới gần giấc mơ làm Tehran phải qụy gối, nói gì đến thiết lập một dạng Pax Americana, dù thô sơ nhất.
Chính quyền Bush và phe Tân Bảo Thũ là một bảo tố đế quốc, nhưng mỗi động thái của họ đã là một tai họa. Thực vậy, vào cuối nhiệm kỳ hai của George W. Bush, họ đã vô tình tiếp tay tăng tốc quá trình giải thể hệ thống đế quốc toàn cầu.
Khi Barack Obama tiếp quản, Mỹ Latin đã không còn là “sân sau của Hoa Kỳ”; phần lớn Trung Đông đã là một bệnh nhân cụt cả tay lẫn chân; Phi châu, với số quân Mỹ ngày một gia tăng, cũng đã bắt đầu mất ổn định; Âu châu, lần đầu tiên kể từ kỷ nguyên Charles de Gaulle, cũng đã vô cùng giận dữ và hình như đã sẵn sàng nói “không” — ngược lại ý muốn của Hoa Kỳ.
Tuy vậy, quyền lực, thất thoát khỏi hệ thống Hoa Kỳ, hình như đã không thể cô đọng lại ở bất cứ đâu. Tổng Thống Liên Bang Nga Vladimir Putin đã chơi một tay bài rất khôn khéo. Từ vai trò trung gian một thỏa ước Syria với Hoa Thịnh Đốn đến tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sochi, Putin đã đem lại cho Liên Bang Nga uy tín của một đại cường. Tuy nhiên, trong thực tế, Liên Bang Nga cũng vẫn còn là một nhà nước tương đối rệu rã, một di tích của kỷ nguyên Xô Viết. Và ở Ukraine, người Nga cũng đang phải chiến đấu chống lại lịch sử và các đế quốc thừa kế vai trò Chiến Tranh Lạnh — Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu.
Liên Hiệp Âu Châu là một cường quốc kinh tế, nhưng đang lâm vào tình trạng xáo trộn vì phải kiệm ước. Dù rõ ràng là một đại cường kinh tế, Liên Hiệp Âu Châu, trong ý nghĩa chức năng, vẫn không thể vận hành như một đại cường.
Trung Quốc chắc chắn là kẻ thù lựa chọn của Hoa thịnh Đốn cũng như quần chúng Mỹ. Rõ ràng là một cường quốc đang đi lên, Trung Quốc đang đầu tư ngày một nhiều hơn vào công trình xây dựng một lực lượng quân sự cấp vùng. Tuy không ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề kinh tế và môi trường, nạn thiếu thực phẩm và khát năng lượng, khá nghiêm trọng, nên bất cứ tham vọng đế quốc tương lai nào cũng còn khá xa vời. Giới lãnh đạo Trung Quốc, mặc dù với thái độ hù dọa trong vùng Thái Bình Dương, vẫn rõ ràng không mấy vồ vập địa vị đế quốc. Nhật Bản cũng là một cường quốc kinh tế mặc dù với thái độ hiếu chiến, tăng gia đầu tư vào một lực lượng quân sự ngày một bành trướng, khuynh hướng tái diễn đế quốc, trong thực tế, hình như vẫn nằm ngoài tầm với.
Nhiều quan sát viên cũng đã có lúc tin tưởng, khối BRICS — Brazil, Russia, India, China, và South Africa (vài người còn nhắc đến Turkey) — cũng có thể trở thành một tập thể quốc gia hùng mạnh trong một thế giới đa cực tương lai. Nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện trước khi các nền kinh tế Brazil, Africa, India, và Turkey không còn đấy hứa hẹn.
Rút cuộc, ngoại trừ Hoa Kỳ, tham vọng trở thành các đại cường vẫn là một thực tế hiếm hoi.
CHIẾN TRANH NGÀY MỘT BẤT LỢI VÀ CHIẾN LỢI PHẨM NGÀY MỘT XA VỜI
Đến đây, chúng ta sẽ xem xét vế thứ hai của phương trình: một sắc thái đáng ngạc nhiên và ít được lưu ý hơn trong cùng những thập kỷ vừa qua. Viễn ảnh chiến tranh giữa các quốc gia hay giữa các đại cường cũng như các cuộc dấy loạn một phần lớn đã ngày một mờ nhạt.
Đã hẳn, bất cứ một quy luật nào cũng có ngoại lệ.
Trước hết, từ những cuộc chiến kiểu thực dân và toàn diện (Iraq, Afghanistan) đến các xung đột cỡ nhỏ, chính yếu chỉ liên quan đến phi cơ không người lái hay không lực (Yemen, Somalia, Libya), Hoa Kỳ hình như đã giữ độc quyền gây chiến (kiểu cũ hay truyền thống) trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, cuộc chiến Iraq đã chấm dứt trong thảm họa và nhục nhã trong năm 2011 và cuộc chiến Afghanistan hình như cũng đang dần dà hướng đến một kết thúc trong năm nay. Vã chăng, Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel gần đây cũng đã loan báo ý định cắt xén quân số một cách đáng kể trong những năm sắp tới của Ngũ Giác Đài — một dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột trong tương lai rất có thể ít đưa đến các cuộc xâm lăng và chiếm đóng theo kiểu truyền thống trên lục địa Âu Á.
Ngoại lệ thứ hai: Do Thái đã phát động một cuộc chiến 34 ngày chống lại Hezbollah ở Lebanon trong năm 2006 và một cuộc xâm nhập quân sự đáng kể kéo dài ba tuần lễ vào dãy Gaza Strip trong các năm 2008-2009 — mặc dù cả hai đều không thể so sánh với các cuộc chiến của chính Do Thái trong thế kỷ trước.
Nói một cách khác, khi nói đến chiến tranh — có nghĩa gửi quân đội vượt qua biên giới các quốc gia, theo kiểu chiến tranh trong thế kỷ XIX, hay chinh phục và “bình định” các xứ xa xôi — chúng ta hầu như không còn chứng kiến nhiều cuộc chiến tương tự .
Thực vậy, cuộc chiến cuối cùng trong thế kỷ trước giữa Ethiopia và xứ lân bang Eritria là cuộc chiến cỡ lớn ngoại lệ, nhưng cũng chỉ kéo dài trong sáu tháng. Chúng ta cũng phải nhắc đến cuộc đột nhập của Nga vào Georgia trong năm 2008 (bên ngoài quá trình tan rã của Liên Bang Xô Viết). Được biết như “cuộc chiến năm ngày,” đó cũng chỉ là một cuộc chiến nhỏ bé (nếu bạn không phải là người Georgia).
Cũng đã có vụ Ethiopia xâm lăng Somalia được Hoa Kỳ hậu thuẩn trong năm 2006 (và cuộc xâm lăng của Kenya vào cùng xứ trong năm 2011).
Riêng đối với chiến tranh kiểu đế quốc mang tính cổ điển, bạn có thể tính trên bàn tay: vụ can thiệp của Pháp vào Mali trong năm 2013 (tiếp theo sau vụ can thiệp bằng không lực tai họa của U.S./NATO vào Libya gây bất ổn định ở Mali).
Pháp cũng đã gửi quân đội đến các xứ Phi Châu, gần đây nhất vào Cộng Hòa Trung Phi, nhưng đây cũng chỉ là dạng thức nhỏ bé của các cuộc chiến chiếm thuộc địa trong thế kỷ XIX. Thỉnh thoảng Thổ Nhĩ Kỳ cũng vượt qua biên giới tiến vào Iraq như một phần của cuộc xung đột nội bộ với tộc dân Kurdish.
Ở Á Châu, ngoài tình trạng căng thẳng ngày một gia tăng và một vài va chạm giữa các chiến thuyền trong hải phận quốc tế, giây phút gần chiến tranh nhất trong thế kỷ mới là một xung đột biên giới nhỏ trong tháng 4-2001 giữa Ấn Độ và Bangladesh.
Ngày nay, những sự kiện trên rất có thể được xem như những biến cố khá quan trọng cho đến khi bạn ôn lại lịch sử trong hậu bán thế kỷ XX. Chỉ riêng ở Á Châu: Cuộc Chiến Cao Ly (1950-1953), cuộc chiến biên giới kéo dài một tháng giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962, hai cuộc chiến của Pháp rồi của Mỹ ở Việt Nam (1946-1975), cuộc chiến Việt-Miên 1978, cuộc chiến xâm lăng Việt Nam của Trung Quốc năm 1979; các cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan trong các năm 1965, 1971, và 1999. Cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971 (trong cốt lõi là một cuộc nội chiến).
Và đã hẳn, đó là chưa kể cảnh tàn sát trong 50 năm đầu của thế kỷ, khởi đầu với sự can thiệp của ngoại bang vào cuộc chiến Boxer Rebellion năm 1900 và cuộc chiến Nga-Nhật 1904-1905 và chấm dứt với hai vụ dội bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki.
Trong thực tế, xét theo bất cứ chuẩn mực nào vào bất cứ giai đoạn nào trong hai thế kỷ trước đó, ngày nay chiến tranh hầu như vắng bóng, và đó là một điều mới mẻ dưới ánh sáng mặt trời.
THẾ GIỚI NGÀY MỘT AN BÌNH HƠN
Một kỷ nguyên đế quốc, như vậy, hình như đang trên đà cáo chung. Chiến tranh dần dà mất tính quyết định, và hình ảnh các đại cường mang mộng đế quốc ngày một hiếm hoi và vắng bóng. Trên bình diện lịch sử, đó là một cột mốc, hay một thực tại đáng ghi nhận trong lịch sử thế giới đáng kinh hoàng.
Đã hẳn, sự vắng mặt của chiến tranh kiểu cũ không có nghĩa không có bạo động. Trong 13 năm đầu của thế kỷ mới, các tranh chấp nội bộ, nội chiến, thậm chí chiến tranh cỡ lớn, thường với sự can thiệp của các nước ngoài, đã là các thực tại tai họa: Yemen, với sự dính líu của Saudi Arabia và Hoa Kỳ; Syria với sự can thiệp của Liên Bang Nga, Saudi Arabia, Qatar, Iran, Hezbollah, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hoa Kỳ; Congo và nhiều thành phần từ bên ngoài, South Sudan, Darfur, India (dấy loạn Maoist), Nigeria (các thành phần Hồi Giáo cực đoan) …, — không thể nào tàn nhẫn hơn! Tuy vậy, mười ba năm đầu của thế kỷ vẫn chỉ là một thời gian khá ngắn ngũi, so với năm 1914 và cuộc đại chiến sau đó…
Chẳng hạn, trước cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, quân đội Nga một lần nữa đã vượt qua biên giới (cũng như trong năm 2008), ngoại vi của Liên Bang Xô Viết trước đây. Cũng có thể các tấn công khả dĩ, Do Thái hay Hoa Kỳ có thể khởi động, vào các cơ sở hạt nhân của Iran, sẽ làm gia tăng xáo trộn và bạo lực ở Trung Đông. Cũng tương tự, một biến chuyển tình cờ ở Thái Bình Dương có thể khởi động một xung đột bất ngờ giữa Nhật và Trung Quốc. Và đã hẳn cũng có khả năng xẩy ra các cuộc chiến giành tài nguyên trên một hành tinh ngày một bị hũy hoại …

Tuy nhiên, hiện không một đế quốc đang lên nào và cũng không có nhiều quốc gia muốn có chiến tranh. Nhưng cũng chẳng ai có thể biết trước? Cũng có thể chúng ta đang đi theo lối mòn lịch sử và đang ở trong một vùng đất lạ. Có thể đây là con đường chúng ta chưa bao giờ đặt chân đến. Nếu như vậy, cũng rất có thể nhân loại đang hướng tới một trật tự thế giới thật sự mới mẻ, một lãnh địa chưa bao giờ được trải nghiệm!
Phải chăng đây là những dấu hiệu đáng mừng của một kỷ nguyên mới, một trật tự thế giới mới? Đã hẳn, vẫn còn quá sớm và đây chỉ là những ước ao và hy vọng mang tính lạc quan. Dù sao, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Vì ai biết được tương lai?

Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
18-3-2014

No comments: