Tác giả: Lê Linh Lan.
Gần như luôn có một sự nhất trí giữa các nhà hoạch định chính sách, các chiến lược gia cũng như các nhà phân tích và học giả quan hệ quốc tế về vai trò quyết định của các nước lớn trong nền chính trị quốc tế ở mức độ khu vực hay toàn cầu. Định đề này cho đến nay khó có thể bị phản bác. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của ASEAN, một tập hợp các nước nhỏ và vừa ở Đông Nam A' cùng với vai trò ngày càng tăng của tổ chức này trong các vấn đề khu vực thực sự đã cho thấy các nước vừa và nhỏ không đơn thuần chỉ là những diễn viên thụ động trong nền chính trị quốc tế. Bên cạnh ASEAN, ta cũng thấy vai trò tích cực của Ôxtralia và Canada trong các diễn đàn đa phương về kinh tế cũng như an ninh ở khu vực. A'nh hưởng và vai trò chính trị của những nước này ở mức độ nào đó đã vượt xa sức mạnh kinh tế cũng như quân sự mà họ có thể đem lại. Vậy nhân tố gì đã đưa các nước tầm trung vào phương trình chiến lược ở khu vực châu A'- Thái Bình Dương (CA-TBD)? Bằng cách nào mà các nước tầm trung có thể có một vai trò và ảnh hưởng lớn hơn nhiều cái mà sức mạnh của từng nước có thể mang lại?
Vai trò của các nước vừa và nhỏ thời kỳ chiến tranh lạnh:
Suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, vai trò của các nước vừa và nhỏ trong các vấn đề quốc tế hầu như không rõ nét bởi những hạn chế mà trật tự hai cực và sự đối đầu quyết liệt giữa Liên Xô và Mỹ đã không để cho các nước vừa và nhỏ có thể có vai trò đáng kể trong nền chính trị quốc tế. Thực tế này có thể được giải thích bằng ba yếu tố chủ yếu.
Y' thức hệ là yếu tố chủ đạo chi phối quan hệ giữa các nước thời kỳ chiến tranh lạnh. Hai siêu cường đại diện cho hai hệ tư tưởng đối đầu đã quyết định trật tự hai cực trong hơn bốn thập kỷ. Thế giới được phân chia thành hai thế giới "cộng sản" và "phi cộng sản". Y' thức hệ cũng là ngọn cờ tập hợp lực lượng của hai siêu cường để phục vụ cho chiến lược toàn cầu của mình. Vì vậy, phần lớn các nước bị lôi kéo vào cuộc ganh đua khốc liệt giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. U'c trở thành đồng minh của Mỹ trong khuôn khổ hiệp định ANZUS. Canada cũng đứng về phía Mỹ trong mặt trận chống Liên Xô và các nước đồng minh của Liên Xô. Khi cuộc xung đột Campuchia nổ ra năm 1978, Canada ngay lập tức đã ngừng viện trợ cho Việt Nam và Campuchia để phản ứng sự dính líu của Liên Xô vào khu vực này.
Hơn nữa, trong bối cảnh chiến tranh lạnh và sự thổi phồng của phương Tây về một "mối đe doạ cộng sản", các nước vừa và nhỏ khác đều lo sợ trước nguy cơ này và ở mức độ nào đó đều tìm kiếm sự đảm bảo an ninh của các nước lớn. Sự phụ thuộc, thậm chí dựa hẳn vào các nước lớn để đảm bảo an ninh cho mình tất yếu sẽ dẫn đến một mối quan hệ không bình đẳng giữa các nước vừa và nhỏ với các nước lớn. Với sức mạnh kinh tế và quân sự áp đảo, hai siêu cường đã chi phối gần như hoàn toàn chiến lược của các nước thuộc phe hay vùng ảnh hưởng của mình. Vì toàn bộ diễn biến của nền chính trị thế giới xoay quanh sự đối đầu giữa hai siêu cường, các nước vừa hoặc là liên kết với Mỹ để chống lại Liên Xô hoặc đi với Liên Xô chống lại Mỹ. Chính vì vậy, các nước tầm trung như U'c, Canada hay các nước ASEAN lúc đó không có một vai trò độc lập mà chỉ phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh lớn của Mỹ.
Cuối cùng, trong bối cảnh cuộc ganh đua gay gắt giữa hai siêu cường, cuộc chiến tuy vẫn "lạnh" nhưng đã có lúc hai bên đã đi đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mối đe doạ hay nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng nằm trong những tính toán của các nước tầm trung trong quan hệ với các nước lớn. Nói cách khác, ô hạt nhân của các nước lớn cũng là một trong những nhân tố quyết định mối quan hệ phụ thuộc, không bình đẳng giữa các nước đồng minh nhỏ hơn với Mỹ.
Nhân tố thúc đẩy vai trò các nước tầm trung thời kỳ sau chiến tranh lạnh:
Với những hạn chế như vậy, có thể thấy tại sao các nước tầm trung hầu như không có được một vai trò độc lập khi cuộc ganh đua giữa hai siêu cường là nhân tố chủ đạo của nền chính trị quốc tế. Chiến tranh lạnh kết thúc đã tác động căn bản đến vai trò và vị thế của các nước tầm trung. Không những những hạn chế do Chiến tranh lạnh đem lại đã không còn, mà bên cạnh đó, có thể thấy một số nhân tố khác có tác dụng thúc đẩy vai trò của các nước vừa và nhỏ trong các vấn đề chính trị và an ninh ở khu vực CA-TBD.
Thứ nhất, mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt được hơn 7 năm và kéo theo nó là sự sụp đổ của cả một trật tự thế giới lưỡng cực tồn tại hơn 4 thập kỷ, quá trình hình thành một trật tự thế giới mới chưa kết thúc. Thế giới vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp từ trật tự cũ sang một trật tự thế giới mới. Và không ít nhà phân tích cho rằng giai đoạn này sẽ còn tương đối dài. Một môi trường đang thay đổi như hiện nay thuận lợi cho các nước vừa phát huy vai trò vì các nước vừa và nhỏ với những nỗ lực về ngoại giao của mình sẽ có khả năng tác động, ở mức độ nào đó, đến quá trình hình thành một trật tự thế giới mới.
Thứ hai, với sự sụp đổ của Liên Xô cũ, Mỹ trở thành siêu cường toàn diện duy nhất. Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc-một siêu cường trong thế kỷ 21-, sức mạnh kinh tế đang được dần chuyển thành sức mạnh chính trị của Nhật và vai trò tuy đã suy yếu của Nga so với Liên Xô cũ nhưng vẫn đáng kể đặc biệt ở châu Âu đã không cho phép Mỹ giữ một vị trí độc tôn trong nền chính trị quốc tế. Hơn nữa, với quá trình toàn cầu hoá và hệ quả trực tiếp của nó là sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế cũng như những vấn đề mang tính chất toàn cầu mà toàn cầu hoá mang lại làm cho bất cứ một nước nào dù mạnh đến đâu cũng trở nên bất lực trước những thách thức lớn lao đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các nước, từ lớn đến vừa và nhỏ. Vì vậy, vai trò của các nước vừa và nhỏ không thể không được tính đến trong một trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Một mặt, trong một trật tự bao gồm nhiều diễn viên chính, các nước vừa và nhỏ sẽ có khả năng lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn để có vai trò trong các vấn đề khu vực. Mặt khác, khi mà ý thức hệ không còn là nhân tố quyết định chính sách của các nước và lợi ích dân tộc trở thành nhân tố hàng đầu trong việc hoạch định chính sách của các nước lớn cũng như nhỏ, các nước lớn không còn có lợi ích trong việc đỡ đầu các nước vừa và nhỏ để thu nạp những nước này vào trong vùng ảnh hưởng hay quỹ đạo của mình. Vì vậy, mối quan hệ "bảo trợ" phổ biến thời kỳ chiến tranh lạnh đã nhường chỗ cho những mối quan hệ cân bằng hơn giữa các nước lớn với các nước vừa và nhỏ.
Thứ ba, chính sách của các nước lớn hay nhỏ trong thời kỳ chiến tranh lạnh được quyết định chủ yếu bởi những tính toán địa chiến lược. Bắt đầu từ những năm 80, khi các trung tâm kinh tế như Nhật Bản và EU nổi lên thách thức địa vị siêu cường kinh tế toàn cầu của Mỹ và khi quan hệ các nước lớn bắt đầu đi vào hoà hoãn, một trong những xu hướng chủ đạo mới trong quan hệ quốc tế và gần đây lại được khẳng định trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu A' lànhững tính toán về kinh tế đã trở nên nổi trội trong quan hệ quốc tế. Điều này có liên hệ mật thiết với vai trò của các nước vừa, đặc biệt là U'c, Canada và các nước ASEAN, trong việc nâng cao vai trò của mình trong việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế cũng như an ninh ở khu vực CA-TBD. Tuy không phải là những nền kinh tế lớn, U'c và Canada cũng là những nền kinh tế phát triển thuộc tổ chức OECD và ở chừng mực nào đó đều có nguồn lực để tăng cường vai trò của mình thông qua những biện pháp kinh tế như thương mại, viện trợ phát triển và đầu tư vào các nước đang phát triển ở khu vực CA-TBD. Thành tích kinh tế của ASEAN đạt được sau hơn hai thập kỷ phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới cũng góp phần nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN. Hơn nữa, khi những tính toán kinh tế ngày càng trở nên quan trọng, các nước vừa và nhỏ sẽ có xu hướng được nhìn nhận như những đối tác trong quan hệ thương mại, đầu tư hay thị trường, thay vì là những nước "đàn em" cần được che chở về an ninh như trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến tranh lạnh.
Thứ tư, khi quan hệ giữa các nước lớn cụ thể là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga vẫn còn chứa đựng những yếu tố bất ổn định và không chắc chắn như hiện nay, các nước vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi để đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực bằng cách đóng vai trò trung gian hay cầu nối giữa các nước lớn. Vai trò như vậy bước đầu đã được ASEAN thực hiện rất thành công thông qua những diễn đàn đa phương do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Mặt khác, khi quan hệ giữa các nước lớn chưa được suôn sẻ, các nước lớn vẫn có nhu cầu lôi kéo các nước vừa và nhỏ để tập hợp lực lượng. Điều này thể hiện rất rõ trong những nỗ lực của Nhật Bản,Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của ASEAN. Cải thiện quan hệ giữa các nước lớn diễn ra sau một loạt các cuộc thăm viếng cấp cao năm 1997 đã làm cho người ta hy vọng kịch bản "hoà hợp quyền lực"- tức là một kịch bản trong đó các nước lớn có quan hệ tương đối hài hoà với nhau - sẽ trở thành hiện thực. Nếu điều đó xảy ra, một mặt nó sẽ có tác dụng tích cực đối với hoà bình và ổn định ở khu vực CA-TBD và trên thế giới. Tuy nhiên, có những mối lo ngại rằng điều đó sẽ dẫn đến sự suy giảm vai trò của các nước vừa và nhỏ. Đây là một vấn đề còn cần tranh cãi. Tuy nhiên, trong tương lai từ 10 đến 15 năm, kịch bản hoà hợp quyền lực giữa các nước lớn khó có thể xảy ra vì những bất đồng và những vấn đề tồn tại giữa các nước lớn vẫn khó được giải quyết. Vấn đề Đài Loan, vấn đề dân chủ nhân quyền vẫn có nguy cơ làm căng thẳng quan hệ Trung- Mỹ, tranh chấp lãnh thổ và mối nghi kỵ sâu sắc vẫn là những điểm tối trong quan hệ Trung- Nhật. Nhìn chung, về cơ bản quan hệ giữa các nước lớn hiện nay và trong tương lai không xa sẽ thiên hơn về cân bằng quyền lực mặc dù hoà hợp quyền lực có thể có nhưng chỉ trên một số vấn đề riêng biệt.
Cuối cùng, một trong những nhân tố có tác dụng thúc đẩy vai trò của các nước vừa và nhỏ là xu thế khu vực hoá, đa phương hoá cũng như xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Xu thế này có một ý nghĩa quan trọng đối với vai trò của các nước vừa và nhỏ bởi khi ngày càng nhiều vấn đề kinh tế, an ninh và chính trị được đưa ra bàn bạc ở các diễn đàn đa phương, các nước vừa và nhỏ đều có quyền tham gia và có tiếng nói, dù ít hay nhiều, trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh của mình. Đã qua rồi thời kỳ các nước lớn có thể đơn phương áp đặt ý chí và luật lệ của mình lên các quốc gia khác. Chính ở đây, trong các diễn đàn đa phương, các quốc gia vừa và nhỏ, đặc biệt là khi cùng nói chung một tiếng nói, có thể có ảnh hưởng không thể bỏ qua đối với các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.
Vai trò các nước vừa và nhỏ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh:
Vai trò tích cực của Ôxtralia, Canada và đặc biệt là ASEAN đã trở thành một nét đặc trưng trong bức tranh toàn cảnh ở khu vực CA-TBD từ đầu những năm 90 trở lại đây. Ôxtralia và Canada đã tỏ ra ngày càng độc lập hơn trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này phần nào thể hiện trong việc nối lại viện trợ (Canada- 1990 và Ôxtralia -1992) cho Việt Nam ngay cả khi Mỹ vẫn tiếp tục thi hành cấm vận đối với Việt Nam. Vai trò tích cực của Ôxtralia trong việc đưa ra những sáng kiến để tìm một giải pháp cho cuộc xung đột Campuchia cũng là một trong những minh hoạ điển hình cho cái được gọi là" vai trò lãnh đạo về mặt kỹ thuật và sáng kiến của các nước tầm trung" . Chính phủ U'c đã đưa ra "Sách đỏ" (Red Book) về Campuchia với tên gọi " Campuchia: Một đề xuất hoà bình của Ôxtralia", và đề xuất này sau đó đã được tính đến trong văn kiện khung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về xung đột Campuchia. Nếu như sự dính líu và xung đột của các nước lớn là nhân tố quyết định trật tự khu vực Đông Nam A' thời kỳ chiến tranh lạnh và ASEAN đã không có cơ hội để có một tiếng nói độc lập, thì giờ đây ít ai có thể tranh cãi một thực tế là ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị có khả năng tham gia tạo dựng một trật tự khu vực mới. ASEAN đã có vai trò đầu tàu trong các Diễn đàn PMC, ARF và ASEM. Các nước lớn, cả Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Nga đều tìm kiếm sự hợp tác của ASEAN. Tầm quan trọng về địa chính trị cũng như địa kinh tế của một ASEAN mở rộng trong các vấn đề khu vực càng được nâng cao. Thế mà cả trong quan hệ với các nước lớn cũng như vị thế của ASEAN cũng được tăng cường. Vì vậy, cùng với những nước tầm trung như U'c và Canada, ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong các Diễn đàn an ninh và kinh tế ở khu vực để tham gia tích cực vào các vấn đề khu vực nhằm phục vụ lợi ích không chỉ các nước lớn mà còn phục vụ lợi ích của các nước vừa và nhỏ.
Sức mạnh của các nước vừa và nhỏ còn nằm trong lĩnh vực ý tưởng, sáng kiến, đề xuất để giải quyết những vấn đề khu vực. Thông thường, sáng kiến do các nước lớn đưa ra khó được chấp nhận hơn bởi lo sợ và nghi kỵ từ các nước khác về việc tranh giành ảnh hưởng hay mưu đồ khuếch trương vai trò của mình nhằm giành lợi thế với các nước lớn khác nhằm phục vụ cho những ý đồ, mục đích riêng của mình. Sáng kiến về đối thoại an ninh của Nhật năm 1992 và gần đây nhất là sáng kiến của Nhật thành lập Quỹ châu A' đã không được hoan nghênh cũng phần nào xuất phát từ những lý do trên. Chính trong lĩnh vực này, các nước vừa và nhỏ có lợi thế đặc biệt mạnh hơn bởi ít bị nghi kỵ hơn về ý đồ đằng sau những sáng kiến. Hơn nữa, nếu sáng kiến được đưa ra bởi chính những nước vừa và nhỏ, thì những ý tưởng này thường có tính đến cả lợi ích của các nước vừa và nhỏ khác nên cũng thường dễ được chấp nhận hơn. Thực tế có thể minh hoạ sống động cho lập luận này. APEC là sáng kiến của Ôxtralia, và ARF là sáng kiến của ASEAN. Tổng thống Phillipines Phidel Ramos đã từng khẳng định:" Ôxtralia và các nước ASEAN đã chứng tỏ rằng những nước tầm trung (Middle Powers) không cần phải là những khán giả thụ động trước những tác động qua lại giữa các nước lớn của khu vực. Cả Ôxtralia lẫn ASEAN đã cho thấy những nước ở tầm trung như chúng ta có thể là những diễn viên đáng kể - nếu như không phải trong sức mạnh về kinh tế và quân sự thì sẽ là trong sức mạnh của những ý tưởng và trong lĩnh vực thuyết phục về đạo lý".
Một lĩnh vực khác trong đó các nước vừa và nhỏ có thể phát huy vai trò của mình là lĩnh vực xây dựng lòng tin. Các biện pháp xây dựng lòng tin tuy là bước đầu nhưng lại rất quan trọng, đặc biệt là ở khu vực CA-TBD. Tính chất không bắt buộc và không chính thức của các biện pháp xây dựng lòng tin nhìn chung là thích hợp đối với khu vực này khi mà chủ nghĩa khu vực còn ở trong trạng thái phôi thai. Tuy kết quả của Hội thảo do Indonesia tổ chức với sự tài trợ của Canada về Biển Đông còn hạn chế nhưng nó vẫn có một ý nghĩa rất tích cực với tư cách là một hình thức xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng để tạo nền móng cho đối thoại tiến tới giải pháp sau này. Một trong những đặc điểm nổi bật của khu vực CA-TBD là khu vực này thực tế chưa có được một cơ chế an ninh toàn khu vực có khả năng giải quyết được các vấn đề an ninh cụ thể. Về khía cạnh này, vai trò của các nước tầm trung sẽ rất quan trọng trong việc đưa ra những ý tưởng mới nhằm tạo lập một kiến trúc an ninh thích hợp với những đặc điểm riêng biệt của khu vực CA-TBD.
Kết luận:
Những hạn chế do trật tự thế giới hai cực tạo ra đối với vai trò độc lập của các nước vừa đã không còn cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh. Hơn nữa, bối cảnh quan hệ quốc tế thời kỳ hậu chiến tranh lạnh cũng tạo ra một số những nhân tố thuận lợi cho các nước vừa phát huy vai trò của mình trong các vấn đề kinh tế cũng như an ninh ở khu vực. Có thể thấy một bước chuyển biến về lượng cũng như về chất trong vai trò của các nước tầm trung như U'c, Canada và ASEAN. Không phải là sức mạnh kinh tế hay quân sự mà sẽ là những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo cùng với vai trò ngoại giao tích cực sẽ quyết định vai trò cũng như đóng góp của các nước vừa và nhỏ vào nền an ninh chung của khu vực. Điều này không có nghĩa là vai trò của các nước lớn suy giảm. Quan điểm của bài viết này là tuy các nước lớn vẫn nắm vai trò chủ đạo trong các vấn đề quốc tế, nhưng trong một môi trường đã thay đổi căn bản so với thời kỳ chiến tranh lạnh, các nước vừa và nhỏ vẫn có điều kiện cũng như khả năng để có một tiếng nói đáng kể trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Cuối cùng, chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo ra một môi trường an ninh hoà bình hơn nhưng không nhất thiết là ổn định hơn. Các cuộc xung đột lãnh thổ, tôn giáo hay sắc tộc có chiều hướng gia tăng. Mặc dù những cuộc xung đột như vậy không có sức huỷ diệt toàn cầu như một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường, nhưng nó vẫn có nguy cơ phá vỡ hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Điều này càng đúng hơn nếu như tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia. Vì vậy, hành động kiềm chế, và có trách nhiệm như một "công dân quốc tế gương mẫu" bản thân nó cũng sẽ là đóng góp của các nước vừa và nhỏ đối với nền an ninh và thịnh vượng chung của mọi quốc gia trên thế giới cũng như ở khu vực châu A'- Thái Bình Dương./.
http://www.dav.edu.vn/en/publications/international-studies-review/back-issues/1998/406-so-23-vai-tro-cua-cac-nuoc-vua-va-nho-trong-quan-he-quoc-te-o-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong.html
No comments:
Post a Comment