Friday, June 20, 2014

24. TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI VÀ TRUNG QUỐC: NHẬN THỨC CỦA HOA KỲ

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Trong khi chính quyền Obama đang hoạch định chính sách ngoại giao, nhiều người đã tỏ ra lo ngại thiếu vắng các thành tựu: Cuộc chiến Iraq vẫn tiếp diễn, Afghanistan tiếp tục chìm đắm trong rối loạn “thập nhị sứ quân” và biến động Hồi giáo, Guantanamo vẫn còn mở cửa.
Tuy nhiên, T T Obama đã đem lại nhiều đổi thay quan trọng trong cung cách và cả trong chất lượng các hoạt động ngoại giao. Đối thoại thành khẩn với cộng đồng thế giới đôi khi đòi hỏi tổng thống phải công nhận tội lỗi và sai lầm của Mỹ. Xa hơn nữa, Obama còn sẵn sàng tiếp cận với các đối thủ của Hoa Kỳ qua đường lối ngoại giao và tìm kiếm các giải pháp cho một số vấn đề gai góc nhất trên thế giới qua thương thảo.
Ngoại giao đa phương và hòa hoản của Obama đã khiến phe đối lập thêm giận dữ và điên cuồng chống đối, thậm chí  lên án là nhu nhược và quá chủ hòa. Nhà bình luận Charles Krauthammer gần đây đã ta thán: “Khi người Pháp trách móc chúng ta mềm yếu chủ hòa, chúng ta phải hiểu chúng ta đã quá tệ hại”[1]. Công nhận Hoa Kỳ  đã phạm  lỗi lầm bị chỉ trích như một sự xin lỗi mất tư cách. Ngoại giao hòa hoản bị dèm pha như một thái độ sai quấy tự dối lừa. Xét cho cùng, Bắc Hàn vẫn tiếp tục thử nghiệm nguyên tử và tên lữa, Cuba xem thường đề nghị khai thông quan hệ, và các lãnh tụ tôn giáo Iran tố cáo George Soros và CIA âm mưu xúi giục cách mạng nhung trong xứ họ. Phe bảo thủ quá khích đòi hỏi thay đổi chính sách và phải có phương cách quyết liệt đối phó với các quốc gia bất trị ngoài vòng pháp luật.
Cách nhìn trên đây đã phản ảnh một sự hiểu biết nông cạn về cốt lỏi và bản chất  của ngoại giao. Con đường thương thảo luôn là một quá trình khó nhọc và có thể không hữu hiệu đối với vài quốc gia đối tác. Tuy nhiên, mục tiêu lắm khi không phải nhằm biến đổi các đối thủ thành đồng minh, mà chỉ nhằm đem lại một số điều chỉnh trong cách ứng xử và tham vọng của đối phương: chẳng hạn, giúp đem lại cho Bắc Hàn, Cuba, Syria, và Iran một lối đi thể hiện được quyền lợi quốc gia thiết yếu nếu các xứ nầy chấp nhận các chuẩn mực toàn cầu đối với các vấn đề khủng bố và phổ biến vũ khí nguyên tử.
Nếu các quốc gia đối tượng không nắm lấy cơ hội, lúc đó Hoa Thịnh Đốn sẽ có cơ may lớn hơn xây dựng một liên minh quốc tế bền vững để cô lập và gây sức ép. Một trong những vấn đề với chính quyền Bush là luôn tự kiêu, đánh giá thấp và chống đối chủ trương mở rộng cánh cữa ngoại giao. Học thuyết đơn phương và biệt lệ đã biến Hoa Kỳ thành một đế quốc cô đơn và dồn các cường quốc  khác vào thế thụ động.
Viễn kiến ngoại giao đa phương của chính quyền Obama đã chấm dứt lý do của lập trường hàng hai. Một chính quyền đã mở rộng vòng tay hòa hoản với Bắc Hàn, công bố thành  ý cải thiện quan hệ với Iran, và gửi đại diện cấp cao đến Syria không thể  bị lên án là một chính quyền thờ ơ với đường lối ngoại giao.
Trong thực tế, cách tiếp cận ôn hòa của chính quyền Obama đã đem lại thành quả đáng kể trong vấn đề toàn cầu gai góc nhất: làm giàu uranium của Iran. Nhiều năm dao to búa lớn và hù dọa của chính quyền Bush đã chẳng đem lại điều chỉnh đáng kể nào trong tham vọng nguyên tử của Iran – một xứ  không một hạ tầng cơ sở nguyên tử khi Bush mới vào Bạch Ốc và đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong chính địa hạt nầy sau hai nhiệm kỳ của Bush.
Trong một bước ngoặc ngoạn mục, qua ngoại giao trực tiếp, chính quyền Obama đã làm thay đổi trạng huống và đã đem lại một đồng thuận quốc tế đẩy giới lãnh đạo thần quyền Iran vào thế phòng thủ thụ động. Những vi phạm Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử – NPT, và tình trạng cô lập đã buộc Iran phải điều chỉnh lập trường và mở cữa căn cứ nguyên tử mới nhất cho thanh tra quốc tế và có thể sẽ phải nhận chuyển số uranium được làm giàu ở trình độ thấp qua Nga để tiếp tục chế biến. Vì thiếu nhiên liệu, Iran không có tài nguyên cần thiết cho tham vọng sản xuất một bom hạt nhân nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Obama đã thành công gây trở ngại lớn cho tham vọng nguyên tử của Iran.
Hoa Kỳ sẽ còn phải đương đầu với nhiều khủng hoảng đòi hỏi vận dụng toàn bộ quyền lực quốc gia. Những năm tháng ồn ào thời Bush đã chứng tỏ giới hạn của các biện pháp quân sự . Những tương tác ngoại giao đòi hỏi các bên phải tương nhượng và chấp nhận các kết quả không hoàn toàn lý tưởng. Vả chăng, trong khi đang hoạch định chiến lược mới, chính quyền Obama đã không làm gì sai trái khi phải công nhận những lỗi lầm của Mỹ trong quá khứ. Thay vì bám víu lấy huyền thoại biệt lệ, sự khôn ngoan đòi hỏi người Mỹ phải quan tâm đến lập trường và quan điểm của các quốc gia đang giữ một vai trò quan trọng trong địa hạt kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ.
VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC
Câu hỏi cần được đặt ra: chỗ đứng của Trung Quốc trong viễn kiến trật tự thế giới mới của Hoa Kỳ?
Cũng như hai tổng thống Bill Clinton và George W. Bush trước đây, T T Obama mong thấy một TQ chấp nhận các luật chơi quốc tế, với tự do chính trị và kinh tế thị trường.
Ở cấp khu vực, Hoa Thịnh Đốn muốn thấy một Đông Á mở cữa, tự do, dân  chủ và hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Để ngăn ngừa Đông Á khống chế bởi một cường quốc duy nhất, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ vai trò ổn định trong khu vực, củng cố các quan hệ an ninh song phương với các đối tác trong vùng, và duy trì  sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ ở tiền phương.
Không may, như Aaron Friedberg, Đại Học Princeton, đã nêu rõ, hai mục tiêu căn bản của Hoa Kỳ lại trái ngược với hai mục tiêu thiết yếu của TQ. Người Mỹ muốn thấy một thế quân bình quyền lực ổn định ở Đông Á và một TQ thay đổi từ chế độ độc đảng qua đa đảng, trong khi TQ lại muốn duy trì vị trí thống lĩnh của một đại cường đang lên ở Đông Á,  và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) trong vai trò cầm quyền.
Một số nhà bình luận TQ còn mô tả Hoa Kỳ đang theo đuổi một chiến lược ngoại
giao hai mặt: thay đổi chế độ ở TQ và ngăn bờ chận đứng sự trổi dậy của TQ như cường quốc áp đảo trong khu vực.
Quan hệ Hoa-Mỹ đang và sẽ rất phức tạp, ẩn dấu nhiều động lực hợp tác lớn lao cũng như những yếu tố xung đột chiến lược lâu dài. Chính quyền Obama, rất nhạy cảm đối với các bài học lịch sử, thẩm định đứng đắn các bất trắc va chạm địa chính trị. Nhưng Obama cũng không xem những bất trắc nầy là không thể tránh.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, TQ không thể giữ mãi nguyên trạng và cũng không phải một đại cường theo đường cách mạng thường trực, mà chỉ là một quốc gia theo đường lối ít nhiều xét lại. TQ luôn ý thức về định mệnh và quyền lợi của TRUNG QUỐC, và cương quyết điều chỉnh các cơ cấu quản trị toàn cầu hiện hữu (existing structures of global governance – LHQ, Ngân Hàng Thế Giới, IMF…) để phản ảnh uy lực đang lên và các chính sách quốc gia thiết yếu. Là nước hưởng lợi hàng đầu, TQ có lẽ sẽ không tấn công trực diện một trật tự do Tây phương khống chế nhưng lại rất thuận lợi cho các mục tiêu TQ đang theo đuổi.
Thực vậy, viễn ảnh thương thảo và mặc cả ôn hòa về các định chế toàn cầu giữa TQ và Hoa Kỳ, vì vậy, khá thuận lợi, ít ra là trong đoản kỳ và có lẽ cả trung hạn. Hoa Kỳ và các láng giềng của TQ rõ ràng có đủ động lực để tìm cách vun quén sự hổ trợ của TQ đối với các cơ cấu định chế khu vực và toàn cầu cũng như thoả thuận cam kết tự kiềm chế.
Ngược lại, trong đoản kỳ, TQ cũng có lợi để theo đúng luật chơi và chấp nhận trật tự toàn cầu và khu vực hiện nay, ngỏ hầu tránh khả năng một sự trở lại của chính sách đơn phương của Hoa Kỳ (có thể khó chịu đối với TQ), cũng như bảo đảm sự tiếp tục hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực (đem lại ổn định, thuận lợi cho đà tiếp tục đi lên của TQ).
Chỉ cần hy sinh chút  ít trình độ độc lập về chính sách, TQ có thể đạt được tính khả-tiên-đoán quốc tế (international predictability) mà TQ đang cần. Đã hẳn, sự tính toán nầy có thể thay đổi trong quá trình bành trướng thế lực của TQ, nhưng hiện nay, người ta thấy vẫn còn có đủ không gian cho việc mặc cả. Trong thập kỷ vừa qua, TQ đã đưa ra vài khái niệm về trật tự thế giới, từ trổi dậy trong hòa bình (peaceful rise) đến phát triển trong hòa bình (peaceful development) và thế giới hòa hợp (harmonious world).  Như Robert Zoellick đã nhận định, mọi sự hình như đã được phối trí nhịp nhàng với ý niệm một tay chơi TQ đầy đủ ý thức trách nhiệm (responsible stakeholder).
CAM KẾT CHIẾN LƯỢC – STRATEGIC REASSURANCE
Một câu hỏi khác cần được trả lời: làm thế nào để sự trổi dậy của TQ sẽ không trở thành đầu mối của nhiều xung đột địa chính trị?
Chính quyền Obama tin, điều then chốt là Bắc Kinh phải chấp nhận một  vị thế “cam kết chiến lược”(strategic reassurance). Nói rõ hơn, yếu tố quyết định nầy phải cơ sở trên một sự mặc cả căn bản, dù thầm lặng, giữa TQ, Hoa Kỳ, và các quốc gia khác ở Á châu. Như Thứ Trưởng Ngoại giao James B. Steinberg giải thích, ” cũng như chúng ta và các đồng minh phải tỏ ra sẵn sàng đón nhận TQ như một cường quốc phồn thịnh và thành công, TQ phải cam kết với thế giới bên ngoài sự phát triển và vai trò toàn cầu ngày một lớn mạnh của mình sẽ không là một đe dọa đối với an ninh và thịnh vượng của các xứ khác”[2].

Trong quan hệ tay đôi, theo lời Steinberg, chính quyền Obama đang tìm cách vun quén một cam kết chiến lược qua tích cực đối thoại: “nhấn mạnh và tăng cường những địa hạt cùng có chung quyền lợi, trong khi tìm cách trực tiếp giải  quyết những căn nguyên thiếu tin tưởng lẫn nhau bất kể về chính trị, quân sự, hay kinh  tế”[3]Trung tâm của nổ lực nầy là diễn đàn Đối Thoại Chiến Lược và Kinh Tế Hoa-Mỹ” (U.S.-China Strategic and Economic Dialogue), nơi các cuộc thảo luận giữa các viên chức chính quyền cấp cao đang tiếp diễn. Cả hai phía trước đây thường tránh né các đề tài tranh cãi nhạy cảm như nhân quyền, hối suất, hay chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch. Tuy nhiên, đối thoại đem lại một diễn đàn hữu ích để tìm hiểu đối tác và xây dựng lòng tin.
Đã hẳn sự đóng góp chính vào cam kết chiến lược phải đến từ phía TQ. Hoa Kỳ, các quốc gia Tây phương, và các xứ láng giềng của TQ, đang tìm kiếm những dấu hiệu  TQ sẽ trổi dậy như một tay chơi có trách nhiệm và sẽ trở thành một xứ không chỉ thụ hưởng mà còn tích cực góp phần vào các sản-phẩm-công toàn cầu và khu vực. TQ thường tránh né các cam kết tài nguyên quan trọng nhằm giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như thay đổi khí hậu, lấy cớ TQ vẫn còn là một xứ “nghèo” và “đang phát triển“. Chính quyền Obama sẽ có nhiều thiện cảm đối với nguyện vọng của TQ muốn có tiếng nói trong các định chế quản trị toàn cầu quan trọng (major structures of global governance) khi những nguyện vọng nầy được kèm theo các đóng góp cụ thể của TQ vào trật tự thế giới.
AN NINH TOÀN CẦU
Hoa Kỳ đang tìm kiếm bằng chứng về thiện chí hòa bình và sẵn sàng đóng góp cụ thể của TQ vào ổn định chung. Trước tác động có khả năng gây bất ổn của việc bành trướng quân lực nhanh chóng của TQ, điều quan trọng là Bắc Kinh phải minh bạch hóa chiến lược quân sự , cơ cấu quân lực, và các bước gia tăng trong ngân sách quốc phòng, để trấn an các nước láng giềng về ý định của mình, tiết giảm tình trạng căng thẳng trong khu vực, và giảm thiểu các tai họa khả dĩ do tính toán sai lầm.
Ở cấp vùng, TQ đã có những bước hợp tác và đối thoại đa phương với nhiều nước láng giềng, qua những hành động như ký Thỏa Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với khối ASEAN, và làm đầu tàu trong các lần Họp Sáu Bên về bán đảo Triều Tiên. Hoa Thịnh Đốn chờ đợi Bắc Kinh tích cực dấn thân hơn nữa vào bán đảo Triều Tiên, nâng quan hệ với Nhật lên một tầm cao nhiều ý nghĩa, và chấp nhận vai trò và những quan hệ đối tác an ninh của Hoa Kỳ hiên nay trong vùng Tây Thái Bình Dương – một sự hiện diện có lợi qua tác động hạn chế tham vọng quân sự của Nhật.
Trên bình diện toàn cầu, chính quyền Obama chờ đợi Bắc Kinh đảm nhận một trách nhiệm lớn hơn trong phạm vi hòa bình và an ninh quốc tế, một vai trò tích cực và xây dựng không những đối với Bắc Hàn mà còn ở những điểm nóng khác, như Sudan, Iran, và Myanmar – những chủ đề phức tạp trong bối cảnh các quan điểm  truyền thống của TQ về chủ quyền và bất can thiệp, trái với chuẩn mực quốc tế mới về trách nhiệm che chở (responsibility to protect). Hoa Thịnh Đốn cũng hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường vai trò đầy ấn tượng và ngày một sâu xa hơn kể từ năm 2000 trong các chiến dịch hòa bình của LHQ, về hai phương diện tài trợ và nhân sự, những việc có thể đem lại bằng chứng TQ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm hòa bình toàn cầu bên ngoài quyền lợi nhỏ hẹp của chính TQ.
Trong phạm vi nguyên tử, TQ cũng đã có nhiều động thái hậu thuẩn Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử (NPT). TQ là một thành viên NPT đầy đủ tư cách, mới gia nhập Nhóm Các Xứ Cung Cấp Hạt Nhân (Nuclear Suppliers Group), và đã có thành tích tốt trong phạm vi hợp tác chống khủng bố. Đồng thời, TQ phải cải thiện việc kiểm soát xuất khẩu và thành tích một xứ quan tâm đến NPT. Với quan hệ gần gũi sẵn có với Bắc Hàn, TQ có trách nhiệm đặc biệt trong việc chống tham vọng nguyên tử của Bàn Môn Điếm. Việc Bắc Kinh cộng tác chặt chẻ với chính quyền Obama trong Nghị Quyết 1874 của Hội Đồng Bảo An LHQ (UNSC Resolution 1874)  chứng tỏ khả năng của TQ trong việc bảo vệ thỏa ước NPT khỏi bị tấn công, khi TQ muốn. Chính quyền Obama mong muốn TQ cũng quyết tâm không kém đối với tham vọng nguyên tử của Iran bên trong Nhóm  P5+1 [năm thành viên thường trực của UNSC- Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và TQ, cộng thêm Đức].
HỢP TÁC KINH TẾ
Trong địa hạt kinh tế, Hoa Kỳ đang chờ đợi ở TQ những bước đi cụ thể:
(1) Trước hết, Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục gây áp lực đòi hỏi Bắc Kinh phải để luật cung cầu trên thị trường ấn định giá trị đơn vị tiền tệ hiện đang được định giá quá thấp một cách giả tạo, và có các biện pháp quốc nội nhằm điều chỉnh sự mất quân bình tài chánh quốc tế, giúp giải quyết khủng hoảng toàn cầu.
(2) Hoa kỳ chờ đợi TQ có thái độ bớt tự vệ đối với điều kiện tự do hóa mậu dịch bên trong Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế (WTO), nhất là trong phạm vi kỹ nghệ chế biến và dịch vụ, và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc.
(3) Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy TQ từ bỏ chính sách mậu dịch song phương vì các mục tiêu chính trị và chiến lược, gây xáo trộn kinh tế thế giới.
(4) Chính quyền Obama thúc đẩy TQ điều chỉnh chính sách viện trợ phát triển theo đúng các chuẩn mực quốc tế  hiện hữu cũng như những chuẩn mực về minh bạch và điều kiện, và tránh cấp ngoại viện không ràng buộc (no strings attached).
(5) Hoa Kỳ cũng  khuyến khích TQ tránh các chính sách trọng thương về tài nguyên nhằm chiếm độc quyền trên các thị trường nước ngoài. Theo Steinberg, ngoài tác động gây xáo trộn thị trường quốc tế, chính sách trọng thương còn “đưa TQ đến chỗ thương thảo thiếu minh bạch với Iran, Sudan, Myanmar, và Zimbabwe, và phương hại đến hình ảnh một TQ đang quan tâm đóng góp vào sự ổn định khu vực và các mục tiêu nhân đạo”[4].

(6) Cuối cùng, chính quyền Obama hiểu rõ không thể có giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu nếu không có sự tham gia của TQ, quốc gia đang gây 20% hiệu ứng nhà kính hiện nay và chịu trách nhiệm đến 50% tổng số khí thải gia tăng cho đến 2030, khi riêng TQ sẽ chiếm tới 1/3 lượng khí thải nhà kính hàng năm.
Cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa chấp nhận trách nhiệm và thời biểu bắt buộc giảm bớt lượng khí thải. Tuy nhiên,  trong những tháng gần đây, TQ cũng đã có nhiều bước tiến đầy ý nghĩa, kể cả chấp thuận một chiến lược quốc gia về khí hậu và công  bố thiện chí chấp thuận những “biện pháp báo cáo và kiểm tra” (reportable and verifiable) nhằm cắt giảm cường độ năng lượng.  Đồng thời, như Michael Levi thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations -CFR) ghi nhận, Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển đang chờ đợi TQ cải thiện khả năng quản trị và pháp lý thiếu đồng đều, khả dĩ có thể thực hiện trong thực tế những mục tiêu đầy tham vọng vừa nói.
CON NỢ HOA KỲ VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Nhân chuyến viếng thăm Á châu đầu tiên ngày 14-11-2009, T T Obama đã nói với cử tọa người Nhật tại hội trường Suntory Hall ở Tokyo: “Tôi biết có nhiều người hỏi Hoa Kỳ nhận thức sự trổi dậy của TQ như thế nào. Trong một thế giới nối kết hổ thuộc, quyền lực không nhất thiết phải là một ‘zero-sum game’, và các nước không nhất thiết phải lo sợ sự thành công của một nước khác”[5].

Cũng như trong các cuộc công du ra nước ngoài trước đây, Obama đã mô tả hình ảnh một nước Mỹ luôn học hỏi từ các lỗi lầm của chính mình, nhất là Hoa Kỳ và Á châu phải ra khỏi tình trạng mất thăng bằng trong khuynh hướng tiêu thụ của người Mỹ và khuynh hướng trông cậy vào nước Mỹ như thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của Á châu, một chu kỳ ông gọi là mất quân bình.
Obama nói  tiếp: “Một trong những bài học từ suy thoái là giới hạn của đường lối  cơ sở trên giới tiêu thụ Hoa Kỳ và xuất khẩu của Á châu để thúc đẩy phát triển. Ngày nay, chúng ta đã đến một trong những điểm ngoặc lịch sử hiếm hoi –  lúc chúng ta có cơ hội để chọn một lối đi khác”[6].
Obama hình như muốn ám chỉ nổ lực của chính quyền Nhật đang ra sức xây dựng một khu vực kinh tế hội nhập chặt chẻ hơn ở Á châu, với lời nhắn nhủ, dựa trên kinh nghiệm gia đình và chính cá nhân ông: Xin đừng loại Hoa Kỳ ra ngoài.  Ông kể lại câu chuyện đời ông: sinh ở Hawaii, lúc thiếu thời sống ở Indonesia, có em gái  chào đời ở Jarkarta và về sau lập gia đình với một người Canada gốc Hoa, mẹ sinh sống, làm việc, và giúp nhiều phụ nữ tìm kiếm việc làm, trong việc học … gần 10 năm trong những làng quê Đông Nam Á. Obama nói tiếp: “Cứ như vậy, vòng đai Thái Bình Dương đã giúp định hình thế-giới-quan của tôi”[7].
Trong vài ngày tới, Obama cũng sẽ viếng thăm TQ lần đầu, trong tư thế một con nợ ăn tiêu phung phí đến thăm một chủ nợ ngân hàng.
Thực tế, TQ là nước chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, đã làm thay đổi cốt lỏi quan hệ giữa Mỹ và quốc gia duy nhất (TQ) có đủ tư cách thách thức quy chế siêu cường duy nhất ( của Hoa Kỳ) trên thế giới.
Kết quả: khác với các vị tiền nhiệm luôn cổ súy và thúc đẩy TQ đi theo mô hình Tây phương và mở rộng cữa hơn nữa cả về kinh tế lẫn chính trị, Obama sẽ dành hầu hết thì giờ không phải để thuyết giảng mà để trấn an TQ.
Chẳng hạn, trong lần họp tháng 7-2009, các viên chức TQ đã hỏi các đối tác Mỹ, nhất là Giám Đốc Ngân Sách Phủ Tổng Thống, Peter R. Orszag, về dự luật bảo hiểm y tế đang được Quốc Hội thảo luận. Họ muốn biết một cách chi tiết  tác động của chương trình bảo hiểm y tế trên khuy khiếm ngân sách Hoa Kỳ. Lý do rất đơn giản. Họ biết trước rồi ra cũng phải giúp tài trợ bất cứ chương trình bảo hiểm y tế nào Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội chọn lựa, dưới hình thức mua trái phiếu ngân khố. Cũng như bất cứ ngân hàng chủ nợ nào khác, họ muốn biết rõ kế hoạch trả nợ của con nợ Hoa Kỳ.
Xa rồi những ngày George W. Bush hù dọa và  chỉ trích TQ nhào nặn giá trị đồng nhân dân tệ, hay Bill Clinton thuyết giảng TQ về nhân quyền. T T Obama giờ đây phải rất dịu giọng. Ông đã chủ ý nhấn mạnh những động lực thúc đẩy đang lên chi phối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Á châu. Hôm 14-11, từ Tokyo, Obama nhắn gửi: “Hoa kỳ không tìm cách ngăn bờ TQ. Ngược lại, sự trổi dậy của một TQ hùng mạnh và trù phú có thể là một nguồn sức mạnh cho cộng đồng các quốc gia”[8].
Tòa Bạch Ốc đã chuẩn bị từ mấy tháng nay cho chuyến viếng thăm ba ngày của T T Obama đến Thượng Hải và Bắc Kinh qua hình ảnh một Hoa Kỳ hòa hoản . Chẳng hạn, trong tháng 6, Tòa Bạch Ốc đã thông báo cho Đức Dalai Lama: T T Obama sẽ tiếp ngài một ngày nào đó, nhưng không phải trong tháng 10, khi vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đến Hoa Thịnh Đốn, một thời điểm quá cận ngày tổng T T Obama lên đường công du TQ.
Trong cùng một chiều hướng, trong thời gian vận động bầu cử, Obama đã nhiều  lần lên án TQ nhào nặn đơn vị tiền tệ, một việc Timothy F. Geithner đã lặp lai trong các cuộc điều trần chuẩn y chức vụ Bộ Trưởng Ngân Khố. Tuy nhiên, trong tháng 4, Bộ Ngân Khố đã rút lại lời chỉ trích trong một phúc trình nói rõ: TQ đã không nhào  nặn giá trị đồng nhân dân tệ để hạ giá hàng nhằm gia tăng xuất khẩu.
Các quan chức trong chính quyền Obama hình như tin: kỷ nguyên cạnh tranh giữa các đại cường đã cáo chung. T T Obama, trong bài nói chuyện về TQ tháng 7-2009, đã tuyên bố: theo đuổi quyền lực không nên được xem như trò chơi zero-sum game  - cái được của bên nầy đồng thời cũng là cái mất của bên kia – mặc dù các tổng thống trước đây đã không làm gì nhiều để đối phó với các chính sách về năng lượng và môi trường của TQ, hay sự bành trướng thế lực ở Đông Nam Á, Nam Á, và Phi châu, những nơi TQ đã đầu tư và viện trợ hàng tỉ đô la nhằm phát huy ảnh hưởng chính trị của mình.
Về phía TQ, phản ứng không mấy rõ ràng. Trước ngày T T Obama chính thức thăm viếng,  báo China Daily đã có bài viết gợi ý Hoa Kỳ cần cung cấp bằng chứng “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của TQ”, những mỹ từ ám chỉ Hoa Kỳ cần tránh xa các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.
Ở Hoa Kỳ, cụm từ “cam kết” hay “trấn an” chiến lược” (strategic reassurance) đã bị cánh bảo thủ tấn công. Các nhà bình luận hữu khuynh, như Robert Kagan và Dan Blumental, đưa ra luận cứ: bất cứ cam kết nào từ phía Mỹ cũng chỉ là xác nhận sự suy giảm trong quyền lực của Hoa Kỳ.
Cam kết chiến lược chỉ có nghĩa chính sách nhằm thuyết phục TQ: Hoa Kỳ không có ý định cản trở quyền lực đang lên của TQ.
Không may, theo phe bảo thủ, đó không phải là thực tế ở Á châu. Trái với những dự đoán lạc quan cách đây một thập kỷ, TQ đang ứng xử đúng như người ta thường chờ đợi ở một đại cường: Càng phú cường TQ càng dành nhiều tài nguyên xây dựng một quân lực ngày một mạnh và nhiều khả năng hơn; Uy lực quân sự càng lớn, tham vọng của TQ càng gia tăng.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi lãnh đạo TQ muốn thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực. Đối với họ, sự ngự trị của Trung Quốc là chuyện bình thường và 200 năm thống trị của Tây phương chỉ là một biệt lệ. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi TQ muốn tái định hình hệ thống an ninh quốc tế do Mỹ thiết lập từ sau Đệ NhịThế Chiến khi TQ còn quá yếu để góp tiếng nói của mình.
Điều đáng ngạc nhiên là chính quyền Obama hình như không ngần ngại đón nhận tham vọng của TQ. Điều nầy khiến các đồng minh của Hoa Kỳ từ New Delhi đến Seoul phải lo ngại.
Các quốc gia nầy không nuôi ảo tưởng về sự cạnh tranh giữa các đại cường. Ấn Độ hiện đang cạnh tranh chiến lược với TQ, nhất là trong Ấn Độ Dương, cả hai đều xem thuộc khu vực ảnh hưởng của riêng mình. Chính quyền Nhật muốn cải thiện bang giao với TQ, nhưng nhiều người Nhật ngày một lo sợ một TQ bá quyền. Các quốc gia Đông Nam Á giao thương với TQ nhưng đồng thời tìm hổ trợ chiến lược của Hoa Kỳ để lâm thời đối phó với nước láng giềng khổng lồ.
Trong nhiều thập kỷ, chiến lược của Hoa Kỳ đối với TQ gồm hai thành tố: một mặt, Hoa Kỳ mời gọi TQ gia nhập đại gia đình các quốc gia trên thế giới; mặt khác, Hoa Kỳ muốn ngăn ngừa TQ trở nên quá áp đảo qua biện pháp duy trì  quân bình lực lượng. Chính quyền Clinton thúc đẩy TQ gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế và bình thường hóa mậu dịch, nhưng đồng thời tăng cường đồng minh quân sự với Nhật. Chính quyền Bush thắt chặt quan hệ kinh tế và cải thiện hợp tác chiến lược với TQ, nhưng cũng là đối tác chiến lược với Ấn Độ và tăng cường quan hệ với Nhật, Singapore và Việt Nam. Tóm lại, chiến lược của Hoa Kỳ  là đem lại cho TQ nhiều điều lợi trong việc cùng chung duy trì hòa bình, đồng thời một thế quân bình lực lượng trong khu vực thuận lợi cho các đồng minh và quyền lợi của Hoa Kỳ.
Vì vậy, theo quan điểm phe bảo thủ, “chiến lược trấn an” (strategic reassurance) hình như đi theo một hướng khác. Các quan chức kỳ cựu hữu phái quan tâm đến nét tương đồng giữa chiến lược mới và chính sách của Anh quốc chấp nhận một Hoa Kỳ đang lên vào cuối thế kỷ 19, một chính sách đã chuyển nhượng Tây Bán Cầu cho bá quyền Mỹ. Đằng sau chiến lược trấn an là ưu tư một sự xuống dốc không thể tránh của Hoa Kỳ.
Theo các tác giả hữu khuynh, điều tai hại là chiến lược trấn an chỉ làm tăng tốc khuynh hướng thoái trào của Mỹ. Sự điều chỉnh chính sách của người Anh trước một Hiệp Chủng Quốc đang trổi dậy được cơ sở trên tương quan ý thức hệ gần gũi . Cấp lãnh đạo Anh quốc công nhận Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược trong một thế giới đầy bất trắc, đúng với thực tế thế kỷ 20. Phe bảo thủ cực hữu không tưởng tượng nổi một liên minh tương tự và một quan hệ đặc biệt giữa một TQ độc tài và một Hoa Kỳ dân chủ. Đối với người TQ – những người thực sự thực tiển – sự cạnh tranh với Hoa Kỳ ở Đông Á quả thật là một trò chơi zero-sum game.
Vì lý do đó, theo phe bảo thủ, “strategic reassurance” sẽ thất bại. Chính quyền Obama không thể rút khỏi Á châu trong một tương lai gần. Chuyến viếng thăm của Obama trong tuần nầy, trong thực tế, hình như đã được sắp xếp hay thiết kế để chứng minh ảnh hưởng bền lâu của Hoa Kỳ ở Á châu. TQ có lẽ cũng không ngưng hay giảm tốc nổ lực khống chế toàn khu vực. Do đó, theo cánh hữu, chẳng bao lâu mọi người sẽ thấy không bên nào cảm thấy được trấn an.
Tóm lại, theo phe bảo thủ, chỉ có đồng minh của Hoa Kỳ là âu lo. Với một chính quyền đã từng tuyên cáo “chúng tôi đang trở lại” sau nhiều năm chính quyền Bush đã chểnh mảng Á châu, đây là một bước đầu không mấy thuận lợi.
Về phía chính quyền Obama, Tòa Bạch Ốc đã phản pháo, nhấn mạnh sự trấn an phải đến từ phía TQ, không phải từ Hoa Kỳ.
Trong chỗ riêng tư, các quan chức Hoa Kỳ cũng tỏ ra bức xúc trước chính sách tiền tệ của TQ: hạ thấp giá các sản phẩm xuất khẩu của TQ và làm tăng giá hàng của Hoa Kỳ trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, họ cảm thấy yên lòng khi TQ đang đối phó với suy thoái toàn cầu với một chương trình kích cầu đồ sộ nhằm thúc đẩy tiêu thụ quốc nội. Và họ nghĩ,  nay không phải là lúc để công kích hay làm mếch lòng TQ.
TQ không còn bị xem như một đối tác gây rắc rối cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng như các tổng thống tiền nhiệm, chính quyền Obama đã gặp khó khăn đối phó với một đại cường đang lên: TQ luôn tỏ ra sốt sắng tránh va chạm trực tiếp với Hoa Kỳ, nhưng vẫn tác động bất lợi đến quyền lợi của Hoa Kỳ trong nhiều địa hạt , kể cả chính sách tiền tệ, phổ biến nguyên tử, thay đổi khí hậu, và chi tiêu quốc phòng.
Đến TQ, Obama đã gặp gở các cấp lãnh đạo địa phương và nói chuyện với sinh viên ở Thượng Hải. Tổng Thống Obama cũng dành hai ngày thương nghị với chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh.
Ở Thượng Hải cũng như Bắc Kinh, hình như Obama đã không được đón tiếp nồng hậu,  kiểu đón tiếp các ngôi sao, như ở Cairo, Ghana, Paris, và Luân Đôn. TQ có vẻ đã được chủng ngừa và miễn nhiễm đối với cơn sốt Obama đang lan tràn trong nhiều nơi trên thế giới. Và TQ ngày một tự tin xứ sở của họ đã có đủ phương tiện và tài nguyên để cạnh tranh với Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Shi Yinhong, giáo sư và chuyên gia về quan hệ Mỹ-Hoa tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, đã nhận định: “Obama vẫn là một người tích cực, và nhiều người trên khắp thế giới nghĩ ông ta hăng hái và chân thật hơn Bush, một lãnh tụ có khuynh hướng cải cách nhiều hơn. Nhưng ở TQ, Obama ít được dân chúng hâm mộ như ở Âu châu, ở Nhật hay Đông Nam Á”.  Shi Yinhong  nói tiếp, ” ở TQ, không có sự tôn vinh Obama “[9].
Chẳng hạn, trong thời Clinton và Bush, TQ thường phóng thích một vài phần tử bất đồng chính kiến trước ngày viếng thăm của một tổng thống như một cử chỉ thiện  chí. Trong dịp nầy, các viên chức Mỹ cho biết, họ không chờ đợi những cử chỉ tương tự, mặc dù theo họ, T T Obama sẽ chỉ nêu vấn đề nhân quyền trong những lần họp tay đôi riêng với Hồ Cẩm Đào.
Shi Yinhong nói: “Lần nầy, TQ sẽ đồng ý đối thoại về nhân quyền với Hoa Kỳ về một vài trường hợp, nhưng luận cứ đã thay đổi so với trong quá khứ. Ngày nay chúng tôi sẽ nói, chúng tôi là một xứ khác, chúng tôi có một hệ thống riêng, một văn hóa riêng”[10].
GS Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
19-11-2009

[1] When France chides you you for appeasement, you know you’re scraping bottom.
[2] Just as we and our allies must make clear that we are prepared to welcome China’s ‘arrival’…as a prosperous and successful power, China must reassure the rest of the world that its development and growing global role will not come at the expense of the security and well-being of others.
[3] …to highlight and reinforce the areas of common interest, while addressing the sources of mistrust directly, whether they be political, military, or economic.
[4] …such an orientation “leads China to problematic engagement with actors like Iran, Sudan, Burma [Myanmar] and Zimbabwe and undermines the perception of China as a country interested in contributing to regional stability and humanitarian goals”.
[5] I know there are many who question how the United States perceives China’s emergence. In an interconnected world, power does not need to be a zero-sum game, and nations need not fear the success of another.
[6] One of the important lessons this recession has taught us is the limits of depending primarily on American consumers and Asian export to drive growth. We have now reached one of those rare inflection points in history where we have the opportunity to take a different path.
[7] So, the Pacific rim has helped shape my view of the world.
[8] The United States does not seek to contain China. On the contrary, the rise of a strong and prosperous China can be a source of strength for the community of nations.
[9] Obama is still a positive guy, and all over the world most people think he’s more energetic, more sincere than Bush, more a reformist. But in China, Obama’s popularity is less than in Europe, than Japan or Southeast Asia. In China, theree is no worship of Obama.
[10] This time China will agree to have a human rights dialogue with the U.S. on some cases, but the arguments have changed compared to the past. Now we say, ‘We are a different country, we have our own system, our own culture’.

No comments: