Các khía cạnh đa phương trong tranh chấp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Biển Đông là vùng biển có vị trí địa chiến lược quan trọng, là tuyến đường vận tải biển quốc tế nhộn nhịp nhất. Chính vì thế, những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông trong những năm gần đây chẳng những gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn ngư dân có truyền thống đánh bắt lâu đời tại ngư trường này, mà còn đe doạ nền hoà bình và quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực. Nếu ngay bây giờ chúng ta không nhanh chóng áp dụng những giải pháp thích hợp nhằm giảm căng thẳng và giải quyết những tranh chấp này, sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa các quốc gia trong khu vực”.
Vấn đề đặt ra hiện nay không phải là tranh chấp đến mức độ nào, căng thẳng đến đâu, mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp thích hợp để ngăn chặn xung đột tiếp tục leo thang. Ông Võ Minh Tập (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh vai trò của ASEAN, cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin. Tuyên bố chung của ASEAN vừa qua mặc dù đã có, nhưng chưa rõ ràng. Khối ASEAN cần phải sử dụng các giải pháp ngoại giao khôn khéo và thông minh, với chiến lược linh hoạt và có nguyên tắc để đối phó với Trung Quốc.
  Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu khai mạc. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Ông Ming Wan (ĐH George Mason, Mỹ) đã đưa ra cái nhìn tương phản của Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp trên biển Đông, trong đó nhấn mạnh việc Nhật Bản muốn tìm kiếm liên minh với ASEAN để chống lại sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Dưới góc độ của một nước không nằm trong khu vực tranh chấp, ông Evgeny Kanaev (ĐH - Cao đẳng Kinh tế quốc dân và Học viện Quan hệ quốc tế Mátxcơva, Bộ Ngoại giao, Nga) bày tỏ quan điểm, Nga không đóng vai trò hòa giải trong những xung đột này. Nga chỉ đẩy mạnh phát triển các mối quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm hướng tới hình thành một thế giới đa trung tâm dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không sử dụng vũ lực và các bên cùng có lợi. Nga cũng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ với khối ASEAN nhằm bồi đắp hòa bình và an ninh trong khu vực biển Đông.
Một điều không thể không nhắc đến, đó là vai trò mờ nhạt của Liên Hợp Quốc trong việc can thiệp vào những xung đột này. Ông Vũ Mạnh Cường (ĐH Tôn Đức Thắng) đưa ra nhận định, việc Trung Quốc tuyên bố “đường chín đoạn” (hay đường lưỡi bò) đã gần như coi toàn bộ biển Đông là của mình, tạo nên xung đột với các nước láng giềng, đặc biệt đối với Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, những căng thẳng kéo dài và gia tăng ở biển Đông đã chỉ ra sự yếu kém của Liên Hợp Quốc và những hạn chế của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS thiếu quy định, cơ chế ngăn ngừa các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp, thiếu thẩm quyền quyết định tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất như các hòn đảo và đá. Nó chỉ áp dụng trong trường hợp tranh chấp phát sinh từ thẩm quyền hàng hải. 
  Hội thảo thu hút rất đông các nhà nghiên cứu quốc tế nổi tiếng về biển Đông.
Mặc dù UNCLOS đã được hình thành vào năm 1982 và đã đi vào hiệu lực từ năm 1994, nhưng một số quốc gia lớn - trong đó có Mỹ - đã từ chối phê chuẩn, điều này có thể dẫn đến những lập luận liên quan đến một số quốc gia hoạt động thường xuyên trên vùng biển mà không bị điều chỉnh theo UNCLOS, dẫn đến tiền lệ cho các quốc gia khác làm theo như một xu hướng “sống ngoài vòng pháp luật”. Đặc biệt, với các hành vi gần đây của Trung Quốc đã chứng tỏ Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ các quy định của UNCLOS và không tuân thủ các điều luật quốc tế.
Việt Nam giải quyết bằng sử dụng chính sách nào?
Bà Đoàn Thị Quang (ĐH Queensland, Australia) nhận định, để đối phó với các tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận đa phương thông qua khối ASEAN. Tôn chỉ của ASEAN là đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ các nước và giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, rất phù hợp với mục tiêu đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam.
Giải quyết vấn đề biển Đông thông qua khuôn khổ đa phương của ASEAN có thể giúp Việt Nam tránh được sự can thiệp từ bên ngoài và vẫn giữ được chủ quyền của mình. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách về biển Đông của Việt Nam.
Bước đầu, Việt Nam và một số nước ASEAN như Philippines, Indonesia đã thành công trong việc đặt vấn đề biển Đông lên bàn thảo luận tại các diễn đàn khu vực về an ninh chính trị. Quốc tế hóa và đa phương hóa trong tranh chấp biển Đông sẽ hướng đến việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Từ năm 2010, các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia lần lượt lên tiếng tái khẳng định, biển Đông là khu vực quan trọng, ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều quốc gia, do đó các tranh chấp phải được thảo luận và giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng. 
Một ưu điểm khác nữa là tăng tính lập luận hợp pháp của Việt Nam về chủ quyền với những bằng chứng lịch sử và bản đồ, trong khi Trung Quốc không thể chứng minh được rõ ràng như Việt Nam.
Nếu đối thoại đa phương không giải quyết được tranh chấp thì ít nhất, các sáng kiến của ASEAN có thể giúp duy trì được tình trạng hiện tại trong khu vực biển Đông. Đây là chiến lược ngắn hạn của Việt Nam, có thể xem như một kiểu chiến lược trì hoãn để các bên tranh chấp có thời gian củng cố lãnh thổ.
Ông S.D Pradahan - GS ĐH Chandigarh, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Ấn Độ: “Trung Quốc không từ bỏ kế hoạch thôn tính biển Đông, Ấn Độ Dương”. Tình hình tranh chấp trên biển Đông ngày một căng thẳng là minh chứng cho chính sách nguy hiểm mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Tấm bản đồ dọc mà Trung Quốc vừa mới công bố cho thấy âm mưu bành trướng và thiết lập bá quyền ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến nhiều nước và quốc gia trong khu vực, từ Ấn Độ, Nhật Bản,Việt Nam, Philippines...
Trong khi các nước đang có vùng biển bị tranh chấp thường nêu ra việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, thì Trung Quốc tỏ ra rất miễn cưỡng. Họ cũng không bao giờ muốn đưa vấn đề này ra tại các diễn đàn đa phương cũng như không muốn thay đổi hiện trạng do mình tự xác lập.
Sự leo thang gần đây trong việc xâm lấn vùng lãnh hải các nước cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận chính sách thô bạo để bằng mọi giá đạt được chính sách đó. Thế cho nên, trừ khi cộng đồng quốc tế từng bước hiệu quả ngăn chặn quá trình xâm lấn này thì hòa bình, an ninh trong khu vực mới thực sự được duy trì. Sự cần thiết buộc Trung Quốc phải chấp nhận Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông và hành xử như một quốc gia thuộc khối ASEAN có trách nhiệm cần được nhấn mạnh nhiều hơn nữa.
Ông David Brown - cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhà nghiên cứu độc lập: “Trung Quốc còn đưa giàn khoan đến nhiều vùng biển các nước khác”. Tôi tin chắc là Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan quay trở lại vùng biển VN và không những thế, còn nhiều vùng biển của các nước khác. Việc rút giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là vì lý do thời tiết. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, các nước có lợi ích trực tiếp trong việc cùng khai thác tài nguyên trên biển Đông phải hợp tác cùng nhau thì cả thế giới có thể sẽ ủng hộ. Nếu càng nhân nhượng, thì Trung Quốc càng lấn tới.
GS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về chính trị - quan hệ quốc tế - ĐH Geoge Manson (Mỹ):“Trung Quốc phải chấp nhận cho ngư dân Việt đánh cá ở Hoàng Sa”. Về vấn đề những tranh chấp trên biển Đông thời gian trước, thì đã có quốc gia nào đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc (LHQ) đâu, thành ra LHQ không can dự vào. Nhưng sau khi vụ giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra, tạo ra những tác động lớn thì chúng ta thấy ông Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng đã bày tò sự quan tâm. Nhưng tôi nghĩ, LHQ khó mà có thể can thiệp nhiều vào đây, bởi những quyền lợi của các quốc gia tương phản với nhau rất nhiều... Nói một cách gián tiếp, trong tổ chức của LHQ, một bên có Hội đồng Bảo an, bên khác có những tổ chức như Tòa án quốc tế, Tòa án Trọng tài quốc tế. Đây là hai định chế có thể giải quyết các vấn đề tranh chấp được, nếu các nước đồng ý với nhau.
Chúng ta đã thấy, Philippines đã đưa vấn đề ra Tòa án Trọng tài luật biển quốc tế. Với Việt Nam thì ít nhất ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói là đã chỉ thị cho cơ quan chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc rồi...
Lượng cá trên biển ngày càng bớt đi, nên ngư dân ngày càng phải đi xa bờ hơn để đánh bắt cá. Malaysia bắt giữ ngư dân Trung Quốc xâm phạm ngư trường của mình, Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam. Những trường hợp bắt giữ ngư dân xảy ra ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra là các quốc gia liên quan nên cùng đồng ý với nhau đặt ra một bộ luật, hay ít nhất có một sự thương thảo, thỏa hiệp tạm thời nào đó để ngư dân có thể sống được.
Chuyện đánh cá ở vùng biển này quan trọng với Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi Việt Nam khẳng định Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của mình, nên ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt cá ở đây, thì Trung Quốc cũng tuyên bố Hoàng Sa là của Trung Quốc, nên Trung Quốc cấm ngư dân Việt đánh cá tại đây. Để giải quyết vấn đề, theo tôi là tìm ra một cách thức nào đó, tạm gác qua một bên vấn đề chủ quyền đi, mà để thực hiện điều này thì đòi hỏi sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc, bởi vì xưa nay, Việt Nam vẫn coi Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của mình rồi. Vấn đề là Trung Quốc phải chấp nhận cho ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng này. Có vậy thì ngư dân mới có thể mưu sinh, bảo đảm nguồn sống của họ.
Như chúng ta thấy, hiện nay Trung Quốc đang tỏ ra quá đáng. Đường lối của Trung Quốc - nhất là những hành động gần đây- đã tạo ra nhiều sự bất mãn và chống đối ở trong các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc thì muốn các quốc gia Đông Nam Á thoả thuận với mình sống chung tốt đẹp... Khi các quốc gia Đông Nam Á chống lại Trung Quốc, thì họ có thể tìm đồng minh nào đó, đồng minh này có thể là Mỹ. Sự hiện diện nhiều của Mỹ trong khu vực này sẽ khiến Trung Quốc bất lợi. Vì thế, để đối phó với điều này, Trung Quốc sẽ phải làm sao để giảm thiểu các nguyên nhân để người ta không đi vào con đường mà Trung Quốc không thích. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc có tham vọng rất lớn. Và theo tôi, cái mà có thể đưa tới giải pháp tối hậu đó là đòi hỏi Trung Quốc cần kiềm chế hành động và phải thương lượng.

THÙY ÂN - NHẬT LỆ (ghi)