Sunday, July 27, 2014

7. LIÊN MINH NGA-TRUNG TỪ GÓC NHÌN ĐỊA-KINH TẾ-CHÍNH TRỊ

Hoa Thịnh Đốn hết sức âu lo trước viễn tượng một liên minh Nga-Trung trong một cộng sinh mậu dịch và thương mãi khắp lục địa Âu-Á đang đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ.
Đây là một sự thật rất dễ hiểu. Trên nhiều bình diện, liên minh đã được định hình khá rõ nét, với BRICS tập hợp nhiều cường quốc đang lên — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi; tại Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải[1], một đối trọng Á Châu của NATO; bên trong Nhóm G20; và qua Phong Trào Phi Liên Kết[2] với 120 thành viên.
Mậu dịch và thương mãi chỉ là một phân bộ trong các định chế vừa kể. Canh tân và khai triển kỹ thuật quân sự tân tiến cũng là mục tiêu khá hấp dẫn. Sau hệ thống chống tên lửa phòng không mang tính tự vệ S-500 cực kỳ hiện đại theo kiểu Star-Wars của Nga, Bắc Kinh chắc chắn cũng muốn thủ đắc một hệ thống tương tự. Trong lúc chờ đợi, Nga đã sẵn sàng chuyển nhượng hàng tá chiến đấu cơ phản lực Sukhoi Su-35 cho Trung Quốc trong khi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đang tích cực chuẩn bị ký kết một thỏa ước đối tác kỹ nghệ hàng không.
Tuần lễ vừa qua đã phơi bày nhiều biểu hiện thực tế đầu tiên, chính thức đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên Âu-Á đang hình thành khi Tổng Thống Vladimir Putin công du đến Trung Quốc để hội đàm với Chủ Tịch Tập Cận Bình.
Chúng ta còn nhớ “Pipelineistan,” hệ thống các tuyến ống dẫn dầu chằng chịt lục địa Âu-Á chuyền sức sống đến khu vực. Một thỏa ước Pipelineistan khổng lồ trị giá 400 tỉ USD cũng đã được ký kết. Theo đó, Gazprom, công ty năng lượng khổng lồ của Nga, đã đồng ý cung cấp cho CNPC — Công Ty Dầu Lửa Quốc Gia của Trung Quốc,[3] 38 BCM hơi đốt thiên nhiên thể lỏng mỗi năm trong vòng 30 năm kể từ 2018. Con số nầy tương đương với 1/4 tổng số hơi đốt xuất khẩu của Nga qua Âu châu. Số cầu hơi đốt của Trung Quốc hiện nay lên khoảng 16 tỉ cubic feet mỗi ngày và nhập khẩu chiếm lối 31,6% tổng số tiêu thụ.
Gazprom đang xuất khẩu một số lớn hơi đốt đến Âu châu, nhưng riêng Á châu cũng đã có thể trở thành khu vực đem lại số doanh thu lớn nhất cho Nga. Gazprom sẽ sử dụng số doanh thu để gia tăng đầu tư vào Đông Siberia; và toàn vùng cũng sẽ được tái định hình như trung tâm hơi đốt thiên nhiên đặc quyền đối với Nhật và Nam Hàn.
Vì vậy, muốn hiểu tại sao, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, không một quốc gia quan trọng nào ở Á châu muốn cô lập hóa Nga, trái với ước muốn của chính quyền Obama, chúng ta cũng chẳng cần nhìn đâu xa hơn Pipelineistan.
THAY THẾ PETRODOLLAR BẰNG GAS-o-YUAN
Nhắc đến những âu lo của Hoa Thịnh Đốn, chúng ta phải nghĩ ngay đến số phận của”hạt nhân nóng” petrodollar: trong thỏa ước Gazprom-CNPC, Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý phương tiện thanh toán không phải đồng petrodollar, mà là đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Thật khó lòng tưởng tượng một địa chấn nào lớn hơn: Pipelineistan phối hợp với một đối tác chính trị-kinh tế-năng lượng Nga-Trung ngày một lớn mạnh. Cùng với giao thoa cộng hưởng nầy còn phải lưu ý đến động thái thúc đẩy, một lần nữa cũng bởi Nga-Trung, tiến đến một ngoại tệ dự trữ quốc tế mới — hay đúng hơn một giỏ các đơn vị tiền tệ khác nhau — có thể thay thế đồng mỹ kim (ít ra trong giấc mơ lạc quan của các thành viên khối BRICS).
Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh Nga-Trung vơí tiềm năng thay đổi luật chơi sẽ là hội nghị thượng đỉnh của BRICS vào tháng 7 ở Brazil. Đó chính là lúc ngân hàng phát triển BRICS, với số vốn 100 tỉ USD, công bố năm 2012, sẽ chính thức ra đời như định chế có tiềm năng thay thế Qũy Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới như nguồn tài trợ các dự án trong thế giới đang phát triển.
Sự tăng gia hợp tác trong Nhóm BRICS, nhằm qua mặt đồng USD, đã được bộc lộ trong “Gas-o-yuan,” khi đồng nhân dân tệ được lựa chọn làm phương tiện thanh toán trong việc mua bán hơi đốt thiên nhiên. Gasprom cũng đang nghiên cứu phát hành các trái phiếu bằng đồng yuan như một phần hoạch định tài chánh để mở rộng kinh doanh. Các trái phiếu tính bằng đồng yuan đã được trao đổi trên các thị trường chứng khoán Hong Kong, Singapore, London, và gân đây nhất, Frankfurt.
Không có gì hợp lý hơn việc sử dụng đồng yuan làm đơn vị tiền tệ trung gian trong thỏa ước Pipelineistan. Bắc Kinh sẽ trả cho Gazprom bằng đồng yuan có thể chuyển hoán thành đồng rubles; Gasprom có thể tích lũy đồng yuan; và Nga có thể thủ đắc các tài hóa và dịch vụ khác nhau của Trung Quốc bằng đồng yuan.
Như nhiều người đã biết, các ngân hàng ở Hong Kong, từ Standard Chartered đến HSBC — cũng như nhiều ngân hàng khác liên kết chặt chẽ với Trung Quốc qua các thỏa ước mậu dịch — đã đa dạng hóa đồng yuan, có nghĩa, trong thực tế đồng yuan đã trở thành một trong số các đơn vị tiền dự trữ toàn cầu, ngay cả trước khi đồng yuan hoàn toàn khả hoán. Một cách chưa chính thức, Bắc Kinh đang nỗ lực biến đồng yuan thành đơn vị tiền tệ hoàn toàn khả hoán vào năm 2018.
Thỏa ước hơi đốt Nga-Trung dính liền với quan hệ năng lượng giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Nga. Xét cho cùng, phần lớn GDP của Nga đều đến từ tiền bán dầu khí, không mấy khác phần lớn lực đòn bẫy của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cũng tương tự, khoảng 30% số cung hơi đốt thiên nhiên ở Đức đang lệ thuộc vào Nga . Tuy vậy, nhu cầu địa chính trị của Hoa Thịnh Đốn — cùng với sự kích động của Ba Lan — đã thúc đẩy Brussels tìm mọi cách trừng phạt Moscow trong địa hạt năng lượng tương lai (trong chừng mức không gây tai hại cho các quan hệ năng lượng hiện nay).
Trong những ngày gần đây, người ta luôn nghe thì thầm về khả năng hủy bỏ dự án tuyến ống dẫn South Stream 16 tỉ euro, dự tính khởi công vào tháng 6. Khi hoàn tất, hệ thống có thể giúp chuyển tải một lượng hơi đốt thiên nhiên gia tăng của Nga đến Âu châu với tuyến ống dẫn dưới lòng Hắc Hải (tránh đi qua Ukraine) đến Bulgaria, Hungary, Slovenia, Serbia, Croatia, Greece, Italy và Austria.
Bulgaria, Hungary, và Cộng hòa Czech đã cho biết sẽ cương quyết chống đối bất cứ ý định hủy bỏ nào. Do đó, khả năng hủy bỏ sẽ khó thể xẩy ra. Xét cho cùng, giải pháp thay thế duy nhất là hơi đốt thiên nhiên Caspian Sea từ Azerbaijan, và điều nầy khó thể xẩy ra, trừ phi EU đột ngột vận dụng đủ ý chí và tài chánh cần thiết cho dự án xây cất tuyến ống dẫn BTC (Baku-Tblisi-Ceyhan) do chính quyền Clinton đưa ra trước đây, nhằm tránh đi qua Nga và Iran.
Trong mọi trường hợp, Azerbaijan không có đủ khả năng cung cấp số hơi đốt cần thiết, và các quốc gia khác như Kazakhstan lại thiếu hạ tầng cơ sở, hay Turkmenistan không đáng tin cậy, là những xứ luôn thích bán hơi đốt cho Trung Quốc hơn, vì vậy, không cần phải quan tâm. Và cũng không nên quên South Stream, cùng với các dự án năng lượng phụ, sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm và đầu tư trong nhiều quốc gia thành viên EU đã bị tàn phá về kinh tế.
Tuy nhiên, các đe dọa như thế của EU, dù thiếu thực tế, cũng chỉ làm tăng tốc khuynh hướng gia tăng cộng sinh giữa Nga và các thị trường Á Châu. Đặc biệt đối với Bắc Kinh, đây là một “tình trạng win-win”.
Xét cho cùng, giữa năng lượng cung cấp qua các vùng biển do Hải quân Mỹ bảo vệ an ninh và kiểm soát và các tuyến đường bộ vững chắc và ổn định hơn từ Siberia, đã hẳn, sẽ không có sự lựa chọn.
DỰ ÁN CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
Khỏi phải nói, theo IMF, đồng USD vẫn là ngoại tệ dự trữ toàn cầu hàng đầu, chi phối 33% mậu dịch quốc tế tính đến cuối năm 2013. Tuy nhiên, tỉ suất nầy đã sụt giảm so với tỉ suất 55% trong năm 2000. Không ai biết rõ thị phần của Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng không tiết lộ. Nhưng IMF ghi nhận, số dự trữ bằng các đơn vị tiền tệ khác trong các thị trường đang lên đã gia tăng 400% kể từ năm 2003.
Cục Dự Trữ Liên Bang (the Fed) đang chủ trương tiền tệ hóa 70% số nợ của chính quyền Hoa Kỳ trong nỗ lực kiềm chế lãi suất tăng vọt. Jim Richards, cố vấn Ngũ Giác Đài, cũng như bất cứ ngân hàng gia nào khác ở Hong Kong, đều có khuynh hướng tin “The Fed” đang vỡ nợ, mặc dù họ không muốn chính thức nói ra như thế . Ngay cả không một ai tưởng tượng được mức độ ngập lụt đồng USD có thể trải nghiệm trong tương lai với số công trái 1,400,000 tỉ mỹ kim. Tuy nhiên, xin đừng nghĩ đây là tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa tư bản Tây phương. Đó chỉ là sự loạng choạng hay vấp ngã của đức tin kinh tế đang ngự trị hay của chủ nghĩa tân bảo thũ — ý thức hệ chính thức của Hoa Kỳ, của đại đa số EU, và một phần của Á châu và Nam Mỹ.
Trong giới hạn của cái gọi là “chủ nghĩa tân tự do chuyên chế”[4] của Middle Kingdom, điều gì hiện không được ưa thích? Trung Quốc đã chứng tỏ đang có “một ‘mô hình chú-trọng-đến-kết-quả’ có thể thay thế cho mô hình tư bản ‘dân chủ’ trong khối các quốc gia mưu cầu thành công của Tây phương”[5]. Mô hình nầy đang theo đuổi không phải một mà nhiều Con Đường Tơ Lụa mới, những mạng lưới hỏa xa cao tốc khổng lồ, các đại lộ, các tuyến dẫn dầu, các cảng, và các hệ thống fiber optic xuyên qua phần lớn lục địa Âu-Á. Các hệ thống nầy bao gồm con đường Đông Nam Á, con đường Trung Á, xa lộ hàng hải Ấn Độ Dương, và ngay cả tuyến hỏa xa cao tốc xuyên qua Iran và Turkey đi đến tận Đức quốc.
Tháng 4-2014, khi Chủ Tịch Tập Cận Bình viếng thăm thành phố Duisburg trên bờ sông Rhine, với hải cảng nội địa lớn nhất thế giới, và ngay tại trung tâm kỹ nghệ thép trong vùng Ruhr của Đức, họ Tập đã đưa ra một đề nghị táo bạo: thiết kế “Con Đường Tơ Lụa kinh tế” mới giữa Trung Quốc và Âu Châu, trên căn bản con đường sắt Chongqing-Xinjiang-Europe, đang nối liền Trung Quốc với Kazakhstan, xuyên qua Nga, Belarus, Poland, và cuối cùng đến Đức quốc. Đó là một hành trình 15 ngày bằng hỏa xa, 20 ngày ít hơn hải trình các tàu chở hàng từ bờ biển phía Đông Trung Quốc. Giờ đây đề nghị đó có thể tượng trưng cho trận động đất địa- chính-trị cơ bản trên bình diện tăng trưởng hội nhập kinh tế xuyên Âu-Á.
Tưởng cần phải ghi nhớ nếu không một bong bóng nào xìu xẹp, Trung Quốc sẽ trở thành — và sẽ duy trì — địa vị cường quốc kinh tế số một toàn cầu, một địa vị Trung Quốc đã thụ hưởng suốt 18 trong 20 thế kỷ vừa qua. Nhưng xin đừng mách bảo với các nhà viết thánh sử ở Luân Đôn như thế: Họ luôn tin quyền bá chủ của Hoa Kỳ sẽ kéo dài bất tận.
CHIẾN TRANH LẠNH 2.0
Mặc dù đã phải đối phó với tình hình tài chánh khó khăn nghiêm trọng gần đây, các thành viên Nhóm BRICS đã quyết tâm trở thành một đối lực của định chế nguyên thủy hay — sau khi loại Nga trong tháng 3-2014 — Group of 7, hay G7. Các xứ nầy đang hăng say xây dựng một kiến trúc toàn cầu mới để thay thế kiến trúc nguyên thủy ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, và họ tự xem như một thách thức tiềm năng đối với thế giới biệt lệ và đơn cực do Hoa Thịnh Đốn áp đặt lên tương lai nhân loại, với Hoa Kỳ trong tư cách “cảnh sát viên toàn cầu”[6], và NATO như lực lượng cảnh sát[7]). Trong tác phẩm War! What is it Good For?, tác giả Ian Morris xem Hoa Kỳ như “globocop chính”[8] và là “hy vọng cuối cùng tốt nhất của Địa Cầu”[9]. Nếu globocop “mệt mỏi với vai trò của mình”, Morris viết tiếp, “sẽ không có kế hoạch B”.[10]
Trong thực tế, chúng ta đang thấy có kế hoạch BRICS — hay ít ra các quốc gia thành viên BRICS thích nghĩ như vậy. Và khi BRICS thực sự hành động trong tinh thần đó, họ sẽ nhanh chóng gây ra một phản ứng phức hợp vừa âu lo, vừa kích động, vừa hiếu chiến, trong giới lãnh đạo Hoa Thịnh Đốn. Christopher Hill là nhân vật điển hình. Nguyên phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và đại sứ Hoa Kỳ ở Iraq, Christopher Hill hiện là cố vấn của Nhóm Albright Stonebridge Group, một công ty tư vấn hợp tác chặt chẽ với Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao. Khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Hill luôn ước mơ một “trật tự thế giới mới” dưới quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Ngày nay, người Nga vong ân bội nghĩa “đã coi thường sự sắp xếp của Tây Phương”[11] — có nghĩa, “quy chế đặc biệt đối với NATO, một quan hệ ưu đãi với Liên Hiệp Âu Châu, và đối tác trong các nỗ lực ngoại giao quốc tế.”
Theo cách nhìn của Hill, người Nga đang bận rộn tìm cách làm sống lại đế quốc Xô Viết. Nói một cách khác, nếu các bạn không phải là chư hầu của chúng tôi, các bạn là những kẻ chống đối chúng tôi. Xin mời các bạn tham gia vào Chiến Tranh Lạnh 2.0.
Ngũ Giác Đài hiện đang có cách tiếp cận riêng, nhằm vào Nga ít hơn là vào Trung Quốc, một quốc gia, dưới tầm nhìn của các”think tank” về chiến lược tương lai của Bộ Quốc Phòng, trên nhiều bình diện, đang ở trong tình trạng chiến tranh với Hoa Thịnh Đốn. Vì vậy, nếu chưa phải là khải huyền (apocalypse) hiện nay, thì cũng sẽ là trận chiến quyết liệt (Armageddon) nay mai. Và cố nhiên bất cứ cái gì sai quấy, khi chính quyền Obama đã công bố chốt Á Châu và các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã quảng bá thông tin đầy đủ về chính sách ngăn bờ trong kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh mới ở Thái Bình Dương, tất cả đều do lỗi của Trung Quốc.
Hàm chứa trong quyết định phát động Chiến Tranh Lạnh 2.0 là một số sự kiện thực tế lố bịch: chính quyền Hoa Kỳ, với số nợ công 17.500 nghìn tỉ USD và ngày một gia tăng, đang so găng tài chánh với Nga, một quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất toàn cầu và là một siêu cường nguyên tử, cùng lúc cũng đang cổ súy một chiến dịch bao vây quân sự không đủ khả năng tài chánh để gánh chịu lâu dài đối với quốc gia chủ nợ lớn nhất — Trung Quốc.
Liên Bang Nga đang có cân thương mãi thặng dư lớn lao. Các ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc cũng thừa sức hổ trợ các ngân hàng Nga nếu các nguồn vốn Tây phương cạn kiệt. Trong khuôn khổ hợp tác nội bộ BRICS, rất ít dự án vượt quá tuyến dẫn dầu 30 tỉ USD, đang trong giai đoạn hoạch định, trải dài từ Nga qua Ấn Độ xuyên qua vùng Tây Bắc Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc hiện đang sốt sắng thảo luận khả năng tham gia vào việc sáng lập một hành lang vận tải chạy từ Nga vào Crimea, cũng như một phi cảng, một xưởng đóng tàu, một trạm hơi đốt thiên nhiên thể lỏng của hành lang.
Và một “hạt nhân nóng” mới đang manh nha: sự ra đời của định chế hơi đốt thiên nhiên tương đương với Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Lửa — OPEC, bao gồm Nga, Iran, và một đồng minh bức xúc của Hoa Kỳ — Qatar.
Kế hoạch dài hạn của BRICS liên quan đến việc tạo lập một hệ thống kinh tế thay thế, bao gồm một giỏ tiền tệ cơ sở trên vàng không đi qua hệ thống tài chánh toàn cầu hiện do Mỹ chi phối. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc hiện đang góp nhặt càng nhiều vàng càng tốt. Đồng euro — một đơn vị tiền tệ lành mạnh dựa trên các thị trường trái phiếu lớn và các số vàng dự trữ khổng lồ — cũng có thể được thu nhận.
Ở Hong Kong, Ngân Hàng Trung Quốc đã công khai sử dụng một mạng lưới SWIFT song song trong mọi giao dịch thương mãi với Tehran, một xứ đang bị Hoa Kỳ áp đặt một chế độ chế tài kinh tế tàn bạo. Với Hoa Thịnh Đốn đang sử dụng Visa và Mastercard như khí giới trong một chiến dịch kinh tế kiểu Chiến Tranh Lạnh ngày một gia tăng, Moscow sắp thực thi một hệ thống thẻ tín dụng và thanh toán thay thế không do tài chánh Tây Phương kiểm soát. Một con đường ngay cả dễ dàng hơn nữa là chấp thuận hệ thống Chinese Union Pay, các nghiệp vụ của hệ thống nầy đã vượt quá dung lượng toàn cầu của American Express.
CHỐT Á CHÂU
Không một chốt nào của chính quyền Obama ở Á Châu nhằm ngăn bờ Trung Quốc (và đe dọa kiểm soát các tuyến đường biển tiếp tế năng lượng của Hải Quân Hoa Kỳ) có thể chận đứng chiến lược phát triển trong hòa bình của Đặng Tiểu Bình với mục tiêu trở thành một siêu cường mậu dịch toàn cầu. Cũng như không một kế hoạch giàn trải quân lực Hoa Kỳ hay NATO ở Đông Âu nào, hay các hành động kiểu Chiến Tranh Lạnh nào, có thể ngăn ngừa một hành động quân bình cẩn trọng của Moscow: duy trì phạm vi ảnh hưởng hùng mạnh của Nga ở Ukraine mà không phương hại đến các quan hệ mậu dịch và thương mãi, cũng như chính trị với Liên Hiệp Âu Châu, nhất là với Đức. Đây là Holy Grail của Moscow: một khu vực tự do mậu dịch từ Lisbon đến Vladivostok trong giấc mơ Con Đường Tơ Lụa Mới đến Đức của Trung Quốc.
Về phần mình, Berlin, ngày một cẩn trọng hơn đối với Hoa Thịnh Đốn, rất sợ ý niệm một Âu Châu bị kẹt trong nanh vuốt Chiến Tranh Lạnh 2.0. Cấp lãnh đạo Đức Quốc còn nhiều âu lo riêng, kể cả nỗ lực ổn định một Liên Hiệp Âu Châu khập khiểng trong khi còn phải ngăn ngừa một sụp đổ kinh tế ở Nam và Trung Âu và sự trỗi dậy của các đảng phái cánh hữu cực đoan.
Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng Thống Obama và các cố vấn thân cận đang tỏ dấu hiệu đang bị vướng víu trong các chốt của mình đối với Iran, Trung Quốc, các vùng biên giới phía Đông Liên Bang Nga, và cũng đang âu lo theo dõi các diễn biến ở Phi Châu.
Điều oái oăm là các cuộc diễn tập, vận động và phối trí quân sự nói trên, trong thực tế, đã giúp Moscow, Tehran, và Bắc Kinh bồi đắp tác động sâu rộng ở Âu-Á và nhiều nơi khác, như đã được phản ảnh ở Syria, hay quan trọng hơn nữa, trong các thỏa ước năng lượng. Các cuộc thao diễn, vận động quân sự vừa nói cũng đã giúp tăng cường đối tác chiến lược ngày một lớn mạnh giữa Trung Quốc và Iran.
Làn sóng các tự truyện chân lý không ngừng tuôn trào từ Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao về các chiến dịch quân sự hiện nay luôn thận trọng làm ngơ trước thực tế: không có Moscow, Tây Phương đã không bao giờ có thể thương thuyết một thỏa ước hạt nhân chung cuộc với Iran hay một thỏa ước từ bỏ các vũ khí hóa học với Damascus.
Khi các tranh chấp giữa Trung Quốc và các lân bang trong vùng biển Nam Hải và giữa Trung Quốc và Nhật về các đảo Senkaku/Diaoyou , phức tạp thêm với cuộc khủng hoảng Ukraine, kết luận không thể tránh sẽ là cả Nga lẫn Trung Quốc đều xem biên giới trên bộ và các tuyến đường biển như thuộc quyền sở hữu của riêng mình và sẽ không chấp nhận các thách thức một cách thụ động — dù đó là sự bành trướng của NATO, mạng lưới bao vây quân sự của Hoa Kỳ, hay các lá chắn tên lửa. Cả Bắc Kinh lẫn Moscow sẽ không lựa chon các hình thức bành trướng đế quốc thường tình, trái với dạng thức các biến cố hiện đang được Tây Phương loan truyền trong quần chúng . Những đường đỏ của liên minh Nga-Trung, trong cốt lõi, vẫn mang tính tự vệ, ngay cả trong các phản ứng đôi khi giận dữ.
Dù cho Hoa Thịnh Đốn có thể muốn, hay sợ, hay tìm cách ngăn ngừa, bất cứ điều gì đi nữa, các sự kiện thực tế đã cho thấy: trong những năm sắp tới, quan hệ giữa Bắc Kinh, Moscow, và Tehran sẽ ngày một khắng khít, từ tốn nhưng chắc chắn, sẽ kiến tạo một trục địa-kinh tế-chính trị Âu-Á mới.
Trong khi đó, một Hoa Kỳ mất phương hướng hình như đang tiếp tay cho sự phá vỡ trật tự thế giới đơn cực do chính mình áp đặt, trong cùng lúc, đang đem lại cho khối BRICS cơ hội để tìm cách thay đổi luật chơi.
THỜI TRANG ĐÓNG CHỐT, LIÊN BANG NGA VÀ TRUNG QUỐC
Trong các định chế tư duy ở Hoa Thịnh Đốn, nhận thức: “chính quyền Obama cần tập trung vào nỗ lực phát động Chiến Tranh Lạnh 2.0, qua dạng thức mới của chính sách đắp bờ nhằm hạn chế đà phát triển của Nga và Trung Quốc như hai siêu cường bá chủ tiềm năng”, ngày một bám trụ. Lộ trình: vũ trang các quốc gia láng giềng từ vùng Baltic đến Azerbaijan, từ Á châu-Thái Bình Dương ra khắp thế giới, để chế ngự Liên Bang Nga và Trung Quốc.
Chiến Tranh Lạnh 2.0 đang tiếp diễn, bởi lẽ, theo quan điểm của giới thượng lưu Hoa Thịnh Đốn, Chiến Tranh Lạnh 1.0 chưa bao giờ thực sự chấm dứt.
Tuy vậy, mặc dù Hoa Kỳ rất có thể đang tìm cách ngăn ngừa sự xuất hiện của một thế giới đa cực, hiện tình các sự kiện kinh tế đang phơi bày một thực tế trái ngược. Câu hỏi cần được đặt ra vẫn là: Liệu đà tuột dốc của siêu cường bá chủ hiện hữu sẽ diễn ra một cách nhẹ nhàng và tương đối dễ chịu, hay liệu toàn thế giới cũng sẽ cùng sụp đổ theo trong trạng huống hỗn loạn.
Trong quá trình quan sát các sự kiện thực tế đang liên tục diễn biến, tưởng cần phải ghi nhận sự hiện diện của một lực mới, tăng trưởng rất nhanh, trên lục địa Á-Âu: liên minh chiến lược Nga-Trung với tác động ngày một mang tính áp đảo từ trung tâm đến ngoại vi.
Hiện nay, đó là ác mộng đang ngày đêm ám ảnh Hoa Thịnh Đốn.
Thử tưởng tượng Zbigniew Brzezinsky, nguyên cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn chính trị toàn cầu của đương kim Tổng Thống Obama, đang nghĩ gì?
Trong tác phẩm 1997, The Grand Chessboard (Bàn Cờ Lớn), Brzezinski đã lập luận: “cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ toàn cầu có thể luôn tiếp diễn trên bàn cờ Âu-Á, trong đó Ukraine đã là một chốt địa-chính-trị.” Brzezinski viết tiếp: “Nếu Moscow giành lại được quyền kiểm soát Ukraine, Nga rất có thể tự động giành lại được những gì cần thiết để trở thành một đế quốc hùng cường, khắp Âu Châu và Á Châu.”[12]
Nhận thức đó luôn là nhân tố căn bản bên sau chính sách đắp bờ chế ngự của Hoa Kỳ — từ sân sau Âu Châu của Nga[13] đến Biển Nam Hải. Mặc dù canh bài chót vẫn chưa lộ diện, chúng ta cũng cần lưu ý Nga đang đóng chốt ở Á Châu, Trung Quốc đang đóng chốt trên khắp thế giới, và BRICS cũng đang nỗ lực mang lại một Kỷ Nguyên Âu-Á.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
27-5-2014
——————————————————————————–
[1] Shanghai Cooperation Organization
[2] Non-Aligned Movement — NAM
[3] China National Petroleum Corporation—- CNPC
[4] …authoritarian neoliberalism
[5] …a result-oriented alternative to the Western “democratic” capitalist model for nations aiming to be successful.
[6] globocop
[7] robo-police force
[8] ultimate globocop
[9] the last best hope of Earth
[10] …if that globocop “wearies of its role,” Morris writes, “there is no plan B”…
[11] [Now that the ungrateful Russians have spurned what] “the West has been offering” — that is, “special status with NATO, a privileged relationship with the Europian Union, and partnership in international diplomatic endeavors”
[12] …the struggle for global primacy [would] continue to be played on the Eurasian chessboard, of which Ukraine was a geopolitical pivot… If Moscow regains control over Ukraine, Russia would automatically regain the wherewithal to become a powerful imperial state, spanning Europe and Asia.
[13] … Russia’s European nearabroad …

No comments: