Tác giả: Nguyễn Thanh Hương.
Việc các tài liệu nghiên cứu quốc tế trong thập kỷ này đề cập tới quá trình toàn cầu hoá và tự do hoá kinh tế trên thế giới dường như đã thành mốt. Tuy nhiên, các tư tưởng chủ đạo nào núp sau các xu hướng kinh tế và trật tự kinh tế toàn cầu đó lại ít được chú ý một cách thích đáng, hoặc nếu có, lại thường được lý thuyết hoá cao độ và thoát ly thực tiễn ở mức độ lớn. Đây có thể là lý do khiến các nhà nghiên cứu quốc tế trong khu vực Đông A' và Đông Nam A' ít viết, ít chú ý tới vai trò của các tư tưởng đó trong nghiên cứu thực tiễn quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay.
Bài viết này nêu lên cách hiểu của tác giả về chủ nghĩa tự do mới (CNTD mới) trong quá trình phát triển lịch sử của CNTD trong kinh tế, phân tích bối cảnh và các nhân tố đã khiến thuyết CNTD mới được thực hiện và đề cao trong những năm 70 trở lại đây - với tư cách một chương trình hành động của các lực lượng thị trường xuyên quốc gia. Là một tư tưởng chủ đạo trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay nên đánh giá thuyết này như thế nào về các mặt tích cực và tiêu cực của nó trong đời sống kinh tế chính trị. Sau cùng là đôi điều về một số khả năng thay thế hoặc "cải tiến" CNTD mới.
1. Chủ nghĩa tự do mới là gì?
Để trả lời câu hỏi này, bài viết sẽ tìm hiểu quá trình phát triển của CNTD trong kinh tế, xem thuyết thực dân mới khác với các dạng thức khác của CNTD trong kinh tế là thuyết tự do kinh doanh (laissez faire) và CNTD mở rộng ở những điểm nào, và đâu là những nhân tố chính khiến cho một dạng thức mới của CNTD phủ định và thay thế dạng thức cũ.
a) Học thuyết tự do kinh doanh (TDKD):
Tư tưởng TDKD chịu ảnh hưởng to lớn của Adam Smith, cho rằng thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế tối ưu cho toàn xã hội, vì nó cung cấp đầy đủ, đúng lúc, có trật tự các loại hàng hoá mà xã hội cần. Có hai lý do. Thứ nhất, cạnh tranh trên thị trường đã dẫn tới sự hình thành giá cả đúng cho mọi loại hàng hoá, dù đó là sản phẩm tiêu dùng, nguyên vật liệu cho sản xuất hay sức lao động. Cạnh tranh bãi bỏ độc quyền giá cả. Thứ hai, thị trường đảm bảo cho xã hội có được loại sản phẩm mà xã hội cần với một số lượng đủ và vào thời điểm thích hợp. Thông tin mà thị trường cung cấp tức thời cho nhà sản xuất về mức cung và cầu của từng loại hàng hoá, trước hết được thể hiện qua giá cả, là điều kiện cần thiết để đảm bảo cung ứng, đúng, đủ và kịp thời mỗi loại hàng hoá đó.
Thị trường được coi là cơ chế mang lại sự giàu có cho xã hội thông qua cạnh tranh và vụ lợi cá nhân. Chính động cơ làm giàu cá nhân đã khiến các ông chủ tăng cường bán hàng của họ nhằm kiếm thêm nhiều lợi nhuận, và muốn có nhiều hàng hoá để bán ra, ông chủ phải tăng cường đầu tư vào máy móc thiết bị, tăng cường phân công lao động trong từng xí nghiệp. Nên nhớ đây là thời kỳ phát triển ban đầu của chủ nghĩa tư bản, và việc các xí nghiệp nhỏ thuê khoảng 10 nhân công tổ chức phân công lao động giản đơn, nhằm sản xuất đinh chẳng hạn, đã là một bước phát triển lớn, khiến năng suất tăng vọt so với việc từng cá nhân thực hiện mọi công đoạn của sản xuất. Do vậy, thị trường trở thành một lực lượng hùng mạnh nhất thúc đẩy tích tụ tư bản, chủ yếu dưới hình thức máy móc và thiết bị. (Thorrow, P:32). Chính vì vậy, những người tự do chủ nghĩa theo thuyết TDKD cho rằng do những đặc tính và khả năng tốt đẹp của thị trường, tốt nhất là để cho thị trường tự do hoạt động và giảm thiểu tới mức tối đa sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của thị trường. Mọi sự can thiệp sẽ làm hỏng cơ chế hoạt động của cạnh tranh và động cơ kiếm lợi cá nhân, và thị trường được coi là một tổ chức có khả năng tự điều tiết, nhạy cảm với nhu cầu xã hội.
Phải nói rằng mô hình TDKD này phản ánh một cái nhìn hết sức lạc quan đối với thị trường - quan hệ sản xuất mới nảy sinh trong lòng chế độ phong kiến châu Âu. Chủ nghĩa tư bản mới manh nha và phát triển, đại diện cho một lực lượng sản xuất tiên tiến hơn hẳn, rất cần có một quan hệ sản xuất mới, quan hệ sản xuất thị trường, tương xứng với lực lượng sản xuất mới này. Cơ sở tư tưởng này là giả thiết cho rằng xã hội gồm toàn những cá nhân có đầu óc suy nghĩ hợp lý (rational man), có tư duy kinh tế, tìm mọi cách tối đa hoá những tiện ích của họ dựa trên những thông tin (về thị trường) mà họ có được. Thuyết TDKD cũng tin tưởng rằng nền kinh tế (thị trường) là phi chính trị và đứng ngoài giá trị (non-political và value-free)
b) CNTD mở rộng (embedded liberalism) với hai chiều quốc tế và trong nước hết sức lý thú về mặt học thuật đã được áp dụng rộng rãi sau CTTGII. Nghiên cứu CNTD mở rộng không thể không đề cập tới quan điểm kinh tế chính trị của Keynes, nhà thiết kế nền trật tự kinh tế quốc tế và quốc gia TBCN thời kỳ sau CTTGII. Bản thân Keynes cũng như Adam Smith là sản phẩm của những thời đại cụ thể. Nếu Smith nhìn thấy những đặc tính tốt đẹp và hiệu quả của thị trường và tính ưu việt của một nền sản xuất TBCN đang được hình thành, thì Keynes là người chứng kiến cuộc Đại khủng hoảng 1929 - 1933 và sự tái sinh tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong kinh tế. Kết quả thất bại trong hợp tác kinh tế quốc tế và đóng cửa thị trường xuất khẩu đã làm đời sống cư dân các nước bại trận trong CTTGI thấp tới mức không chịu đựng nổi. Tác động của cuộc Đại khủng hoảng cộng với nỗi nhục thua trận và trừng phạt chính trị là mảnh đất tốt cho tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan kiểu như chủ nghĩa phát xít Đức. Thất bại của thị trường trong những năm giữa hai cuộc đại chiến, cộng với việc các nước không hợp tác được với nhau khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, được coi là hai trong những nguyên nhân chính, sâu xa, nuôi dưỡng những mầm mống gây ra chiến tranh TG II. CNTD mở rộng ra đời trong hoàn cảnh như vậy nhấn mạnh vai trò to lớn và trực tiếp của nhà nước trong đời sống kinh tế trong nước và quốc tế nhằm bảo vệ chủ nghĩa tư bản, khắc phục những yếu kém của thị trường.
Trong nội bộ từng quốc gia, mô hình kinh tế Keynes đã được áp dụng rộng rãi trong thế giới tư bản, nhằm đạt được phát triển kinh tế cùng với ổn định xã hội. Chính sách của nhà nước là can thiệp rất mạnh vào thị trường. Nhà nước là một ông chủ lớn, nếu không phải là lớn nhất, về mặt vốn tài sản cũng như số nhân công trong khu vực kinh tế này. Mâu thuẫn lợi ích giữa người lao động với nhà tư bản phần nào được điều chỉnh và xoa dịu thông qua đàm phán tay ba giữa ông chủ tư bản, nhà nước, công đoàn. Vai trò của nhà nước rất quan trọng khi can thiệp mở rộng mức cầu. Có điều cần lưu ý rằng sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào đời sống kinh tế như vậy chính là dựa trên sự hy sinh lợi ích của tư bản tài chính cho tư bản công nghiệp.
Trên trường quốc tế, các nước đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhưng vẫn đề cao tính chủ động của quốc gia trong lĩnh vực chính sách kinh tế và thương mại với hệ thống Bretton Woods là cơ chế điều phối quan trọng cho phép thực hiện cả hai mục tiêu này. Theo Ruggie, hệ thống Bretton Woods là giải pháp dung hoà cho xung đột giữa tính độc lập - chủ động trong nước với các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống này cho phép các chính phủ theo đuổi chính sách kích thích tăng trưởng theo mô hình Keynes trong nước mà không phá vỡ ổn định tiền tệ quốc tế (ibid. 132). Nhà nước được khuyến khích tham gia vào thương mại tự do với mức độ mạo hiểm ít nhất đối với ổn định trong nước. Nhà nước đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế nhằm đảm bảo đầy đủ và các mục tiêu khác, nhưng những hành động của nhà nước tuân theo các luật lệ quốc tế. Theo cách đó, các mục tiêu can thiệp trong nước và ổn định quốc tế có thể chung sống cùng nhau(1).
Trong thời kỳ này, các nước không hy sinh ổn định kinh tế cho những lợi ích kinh tế, thương mại cụ thể. Việc các nhà nước thoả thuận với nhau về tỷ giá (cố định) của đồng tiền nước mình so với đồng đôla ban đầu là nhằm tránh tình trạng các nước đua nhau phá giá đồng tiền giống như sau chiến tranh thế giới I và sau Đại khủng hoảng để tăng cường khả năng cạnh tranh và xuất khẩu. IMF, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hệ thống tiền tệ quốc tế và cung cấp những khoản vay ngắn hạn cho các nước bị mất cân bằng trong cán cân thanh toán đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự hợp tác tài chính và thương mại quốc tế này.
Mặt khác, hợp tác quốc tế trong khuôn khổ thể chế tài chính quốc tế cho phép các nhà nước có quyền tự chủ đối với các chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Một khi bị thâm hụt cán cân nghiêm trọng và trong thời hạn ngắn, các nước có thể vay IMF để tạm cứu chữa, nhưng việc điều chỉnh thương mại và sản xuất nhằm sửa đổi tình trạng thâm hụt đó một cách thực sự thuộc quyền tài phán của nước bị thâm hụt. Vốn tư bản không được tự do lưu chuyển xuyên quốc gia. Đăc trưng của mối quan hệ giữa nhà nước và các lực lượng thị trường lúc này là nhà nước vẫn còn khả năng áp đặt hạn chế nhất định cho các lực lượng thị trường, đăc biệt là lực lượng tư bản xuyên quốc gia.
Hợp tác quốc tế theo tinh thần CNTD mở rộng cũng còn được thúc đẩy bởi động cơ chính trị, vì các nước tham gia vào hợp tác quốc tế cho rằng thương mại quốc tế có tác động tăng cường ổn định và hoà bình quốc tế, với việc các doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế và thu lợi nhuận từ các mối quan hệ này sẽ gây sức ép buộc các chính phủ của họ duy trì hoà bình quốc tế để tiếp tục phát triển thương mại quốc tế(2).
c) Từ bỏ CNTD Mở rộng, CNTD Mới lên ngôi:
Trong những năm 70, CNTD Mở rộng này đã bị xếp xó ở các nước tư bản phương Tây và Mỹ đã đóng vai trò rất lớn trong việc này. Sau chiến tranh TGII, đồng USD trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, và như vậy có nghĩa là tính lưu động của đồng đôla trên thế giới có được là nhờ việc Mỹ có thâm hụt cán cân thanh toán lớn. Để có tiền cho các hoạt động bá quyền của Mỹ trên thế giới mà không phải buộc dân chúng Mỹ thắt lưng buộc bụng (việc thắt lưng buộc bụng cũng là trái với mô hình của Keynes chủ trương can thiệp mở rộng mức cầu), từ chiến tranh Việt Nam, chạy đua vũ trang Đông - Tây và đưa quân sang Tây Âu, cũng như thực hiện chương trình Xã hội Vĩ đại, chính phủ Mỹ đã in tiền tràn lan. Hậu quả là lạm phát rất cao trong nền kinh tế Mỹ, và do đồng tiền của các nước tư bản khác có tỷ giá cố định với đồng đôla Mỹ, tình trạng lạm phát cao này đã được xuất khẩu sang các nền kinh tế đối tác của Mỹ. Đến khi đồng đôla dầu mỏ trở nên rất dễ vay thông qua thị trường đôla châu Âu, một tỷ lệ lớn lượng đôla dầu mỏ này đã được hút vào Mỹ. Vào cuối những năm 70, Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất thế giới.
Thâm hụt nặng nề cán cân thanh toán và làm lây lan lạm phát cho các nền kinh tế đối tác khác của Mỹ, song đồng đôla Mỹ vẫn có giá trị danh nghĩa quá cao so với thực tế trong một thời gian dài. Sở dĩ các nước Tây Âu khác chấp nhận tình trạng này vì họ cần thị trường Mỹ cho hàng xuất khẩu của họ và thu lợi nhiều từ quan hệ thương mại với Mỹ dựa trên đồng đôla Mỹ được định giá quá cao. Trên thực tế cả Mỹ và các nền kinh tế bị lây nhiễm lạm phát đều được lợi từ cơ cấu tài chính và quan hệ thương mại này. Tuy nhiên, lượng đôla trong tay nước ngoài rất lớn, Mỹ đã không có khả năng chuyển đổi đồng đôla ra vàng. Tới năm 1971, Mỹ quyết định bỏ chế độ chuyển đổi đôla ra vàng, và năm 1972, chế độ tỷ giá cố định đã được bãi bỏ. Trong nước, nhằm tấn công vào nạn siêu lạm phát, chính phủ Mỹ dưới thời Reagan đã thực hiện cắt bỏ phúc lợi xã hội cũng như tư nhân hoá dần khu vực kinh tế nhà nước. Những năm 70 bắt đầu chứng kiến sự lên ngôi của CNTD mới thông qua những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách kinh tế vĩ mô của các nước tư bản lớn.
d) CNTD mới: thể hiện và bản chất:
Với việc các nước từ bỏ chính sách điều chỉnh tài chính vào cuối thập kỷ 70 và trong thập kỷ 80, tư bản tài chính đã trở nên một lực lượng toàn cầu, có sức mạnh cơ cấu. Sức mạnh mới của tư bản tài chính dựa trên khả năng trừng phạt của nó được nói tới dưới dạng "bỏ chạy của vốn" và "đình hoãn đầu tư" (Capital flight và investment strike). Đăc biệt phải hiẻu khả năng trừng phạt này của tư bản tài chính trong bối cảnh của cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia đã thay đổi về bản chất. Các nhà nước ngày nay đã tham gia vào cuộc cạnh tranh không phải nhằm giành thêm nhiều lãnh thổ mới mà nhằm giành thêm nhiều đầu tư vào lãnh thổ của nước mình, vì đầu tư có nghĩa là thu nhập quốc dân, việc làm, ổn định xã hội, uy tín của chính phủ v.v... Một trật tự kinh tế quốc tế mới đã chính thức bắt đầu hình thành xoay quanh lý tưởng của CNTD mới. Tư bản tài chính thoát khỏi sự kiềm chế, kiểm soát của các quốc gia, với những tiến bộ kỹ thuật, tin học mới khiến giao dịch giữa hai điểm xa nhau trên thế giới với tốc độ gần như tức thì, đã trở thành một lực lượng toàn cầu hoạt động vì lợi nhuận mang tính tương đối ngắn hạn, chứ không quan tâm tới các mục tiêu phát triển dài hơi hơn của các chính phủ. Có lợi và an toàn thì vốn đổ đều, không có lợi hoặc không cảm thấy an toàn thì rút ra nhanh chóng, không đếm xỉa đến các ảnh hưởng của chính trị, xã hội, an ninh, văn hoá của các nước nhận và mất đầu tư. Một hệ quả là các nước thường cạnh tranh nhau hạ thấp các điều kiện lao động, môi trường, kiểm soát tư bản v.v... để đưa ra các điều kiện hấp dẫn hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Cuối những năm 80, tốc độ chu chuyển của vốn đã gấp 5 lần tốc độ thương mại thế giới.
Ngoài vấn đề tài chính toàn cầu, De Martino có nói tới 2 bộ mặt khác của CNTD mới, trong đó một là bộ mặt công xưởng toàn cầu. Khả năng lưu động cao của vốn,vượt ra ngoài tầm kiểm soát của từng chính phủ cũng tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại mô hình tổ chức sản xuất: từ mô hình dựa trên hiệu quả kinh tế của sản xuất theo quy mô lớn(3), chuyển sang mô hình nhấn mạnh tính linh hoạt trong tổ chức sản xuất (economies of flexibility). Mô hình điển hình được áp dụng là đầu não (về chính sách tài chính, nghiên cứu và phát triển,v.v...) của một công ty xuyên quốc gia đóng tại nước mẹ và thông thường cũng là một nước tư bản phát triển. Còn các cơ sở sản xuất thực sự của công ty này được chuyển sang các nước đang phát triển để tận dụng các lợi thế cạnh tranh về giá nhân công thấp, các tiêu chuẩn về môi trường và lao động tương đối lỏng lẻo, nguyên vật liệu (nhất là tài nguyên thiên nhiên) và thị trường tiêu thụ sản phẩm ... Sự sinh tồn của các cơ sở sản xuất này rất linh hoạt: chúng có thể được thành lập khi tư bản cảm thấy có thể thu lời và có độ an toàn của đồng vốn, hay bãi bỏ khi thực sự các cơ sở này không còn ý nghĩa kinh tế nữa.
Bộ mặt thứ ba của CNTD mới là thị trường toàn cầu. Ngày nay khó có thể tìm thấy một sản phẩm tiêu dùng điện tử hay máy tính nào được hoàn toàn sản xuất chỉ tại một nước. Thành công của vòng đàm phán Uruguay và sự thành lập WTO khiến các nước xoá bỏ đáng kể hàng rào thương mại hữu hình cũng như đã có khuôn khổ quốc tế để tiếp tục bàn cách giải quyết các hàng rào thương mại vô hình sẽ thúc đẩy mạnh hơn quá trình tự do hoá thương mại quốc tế.
Thực ra, cần thấy rằng cả ba bộ mặt liên hệ chăt chẽ với nhau, cái này làm điều kiện cho sự tồn tại của cái kia và ngược lại. Một nền sản xuất thế giới được cơ cấu lại theo hướng linh hoạt hoá chỉ có thể có được trên cơ sở chu chuyển tư bản xuyên quốc gia có thể thực hiện dễ dàng và linh hoạt.Việc cơ cấu lại nền kinh tế thế giới như vậy cũng làm nảy sinh và đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới nhưng chỉ trong nội bộ từng công ty xuyên quốc gia, khiến cho thương mại thế giới về hàng hoá và dịch vụ tăng vọt.
Sẽ khiếm khuyết lớn nếu phần định nghĩa về CNTD mới không chốt lại bằng việc chỉ ra sự khác biệt giữa CNTD mới với tự do kinh doanh (laissez-faires). Laissez - faires muốn đảm bảo tự do của cá nhân và gia đình trong việc kinh doanh, coi thị trường không có sự can thiệp của nhà nước là cơ chế hoàn thiện, qua đó tự do kinh doanh cá nhân được thực hiện. Trong khi đó, CNTD mới là tuyên ngôn, chương trình hành động kinh tế ở tầm vĩ mô được các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ và Anh, thúc đẩy và nhiều nước phát triển đã chấp nhận, nhằm xoá bỏ những rào chắn chính trị đối với những nhân tố có khả năng lưu động cao (tư bản, máy móc, nguyên vật liệu và ở chừng mực nào đó là công nghệ). Xét về khía cạnh này, CNTD Mới trong từng quốc gia của những năm 80 khác với CNTD Mới mà Mỹ và các định chế quốc tế thúc đẩy trong những năm 90. Tuy nhiên, cả hai dạng thức này có một điểm đồng, đó là việc dùng vai trò của nhà nước trong xác lập luật chơi, sân chơi trong nước trong mối quan hệ với nhân tố kinh tế nước ngoài. Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng sức lao động, trừ nhân công trình độ cao, một nhân tố sản xuất quan trọng lại không được khuyến khích dịch chuyển qua các biên giới quốc gia.
2. CNTD mới trong thập kỷ 80 và 90 và hiện thực quan hệ kinh tế quốc tế.
Có thể nói thay đổi lớn nhất trong nền kinh tế quốc tế trong những năm 80 và đầu 90 là việc các nước thuộc hệ thống XHCN cũ và các nước thế giới thứ ba đã thực hiện những cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Quá trình "thị trường hoá toàn cầu" này khiến cho nền kinh tế thế giới mang tính đồng nhất hơn, với việc đa số các nước trên thế giới tiến hành thu hẹp khu vực kinh tế cộng đồng và mở rộng khu vực kinh tế tư nhân.
Trong những năm 80, CNTD Mới trong từng quốc gia hiểu theo nghĩa là bản thân lực lượng thị trường nắm quyền điều hành kinh tế, đã được áp dụng trước hết ở Mỹ và Anh. Dần dần, sức ép của cạnh tranh kinh tế toàn cầu đã khiến các nước đều phải từ bỏ ở các mức độ khác nhau các chính sách xã hội của mình. Từ thành luỹ của mô hình nhà nước phúc lợi như Thuỵ Điển tới các nước công nghiệp mới ở châu A', đâu đâu cũng thấy nói đến nguy cơ các nhà nước tham gia vào "cuộc đua xuống đáy". Tuy nhiên, CNTD mới trong từng quốc gia lúc bấy giờ đang đồng hành với chủ nghĩa bảo hộ trong quan hệ kinh tế quốc tế, khiến cho vòng đàm phán Uruguay vào cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 90 có nguy cơ bị thất bại nặng nề. "Chiến tranh kinh tế" là từ thường được nhắc tới trong các tài liệu nghiên cứu về quan hệ kinh tế quốc tế lúc bấy giờ, thể hiện tinh thần của chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế.
Bước vào thập kỷ 90, thành công của vòng đàm phán Uruguay và việc thành lập WTO đã tạo ra khuôn khổ thể chế cho việc xác lập chuẩn mực thương mại thế giới và bản thân một số chuẩn mực thế giới nhất định: Vai trò của các định chế IMF, WB tăng lên thời kỳ sau khủng hoảng nợ và với việc các nước XHCN cũ chuyển sang cơ chế thị trường. IMF chẳng hạn, với công cụ điều chỉnh cơ cấu của mình và vai trò cung cấp đồng vốn "chính thức" có một sức mạnh cơ cấu trong nền kinh tế thế giới. Măc dù các điều kiện chính trị mà IMF đặt ra là khó chấp nhận với các quốc gia trên thế giới về mặt chủ quyền chính trị và nhiều khi cả về hiệu quả kinh tế, nhưng đằng sau IMF là lực lượng tư bản xuyên quốc gia, đăc biệt là tư bản tài chính rất hùng mạnh. Một nền kinh tế được IMF khen ngợi cũng đồng nghĩa với một nền kinh tế thị trường tự do, an toàn và khả năng sinh lời cho nhà đầu tư cao. Chính vì vậy, trong tình hình khủng hoảng hiện nay, dù không chắc chắn việc áp dụng các biện pháp của IMF có mang lại hiệu quả tích cực hay tiêu cực cho nền kinh tế, Indonesia vẫn cần phải tuân thủ nhằm khôi phục lòng tin của các lực lượng thị trường vào các chính sách kinh tế nước này. Tuy nhiên, những người kê đơn thuốc theo CNTD Mới cho các nền kinh tế chuyển đổi này đã không lường trước được (đã cảm thấy "sốc") trước một thực tế rằng quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường là đầy trở ngại, bất ổn và không được hoan nghênh tại các nước này. Không thể tưởng tượng được rằng các yếu tố văn hoá, và tư tưởng truyền thống lại có thể có tác động sâu sắc đối với một quá trình chuyển đổi được.
Ngày nay, lượng tư bản chu chuyển trên toàn cầu là 1200 tỷ USD mỗi ngày. Người ta nói tới những công ty xuyên quốc gia có số vốn lớn hơn thu nhập quốc dân của nhiều nước trên thế giới và biết sử dụng sức mạnh kinh tế của mình khi vận động chính phủ các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, gây ảnh hưởng đối với các chính sách kinh tế, xã hội và cả chính trị của các nước này. Các hoạt động kinh tế, các giao dịch tài chính tuy âm thầm nhưng với cường độ cao, so với các hoạt động thuần tuý chính trị và an ninh quốc tế. Song người viết bài này có cảm nhận sâu sắc rằng các lực lượng thị trường xuyên quốc gia với sức mạnh thể chế hoá qua các định chế kinh tế, tài chính quốc tế đã xác định luật chơi. Do vậy, các quốc gia và không quốc gia đơn lẻ nào có thể cưỡng lại được mà không phải trả một giá rất đắt. Một hệ quả của chính sách tự do hoá mới này là các nhà nước bị mất quyền chủ động trong các chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Điều này không những thể hiện qua hình ảnh ông Giám đốc IMF khoanh tay nhìn Tổng thống Indonêsia Suharto ký vào thoả thuận tuân thủ các biện pháp của IMF, mà còn ở một mức độ ít ai để ý hơn khi các đòn bẩy tài chính và tiền tệ được đưa ra sử dụng để chống lạm phát hoặc thất nghiệp không còn hiệu lực nữa, khi hàng rào biên giới đối với tư bản tài chính bị rỡ bỏ.
Một sự kiện quan trọng đối với CNTD Mới là việc thông qua "Chương trình nghị sự cho phát triển" của LHQ năm 1996. Đây là một sự công nhận chính thức của các quốc gia toàn cầu đối với thuyết tự do mới. Văn kiện này đã ghi nhận "toàn cầu hoá là một quá trình do thị trường hướng đạo", và "trước hết làm lợi cho các nước đang phát triển do sự chu chuyển tự do hơn của các nhân tố sản xuất". Như một tấm huân chương trao cho các lực lượng thị trường, "Chương trình nghị sự cho phát triển" là sự ghi nhận về mặt pháp lý tính hợp pháp và chính thống của CNTD Mới. Cũng có thể coi đây là một tuyên ngôn của thuyết tự do mới, được LHQ với tư cách là một tổ chức tập hợp đông đảo nhất các quốc gia trên thế giới, thông qua. Cũng cần lưu ý rằng, trước đây quyền lực tại LHQ lần lượt tập trung ở HĐBA (từ 1945 đến những năm 60) và ĐHĐ (những năm 60 và 70), nhưng ngày nay hai cơ quan này ít được chú ý hơn và nhận được ít ngân sách, sự ủng hộ hơn, trong khi hệ thống Bretton Woods có được vai trò to lớn hơn trong thời buổi toàn cầu hoá hiện nay và là hiện thân của quyền lực mang tính cơ cấu của các lực lượng thị trường.
3. Những tác động của CNTD Mới:
CNTD Mới có mặt tích cực đối với các nền kinh tế - xã hội. Nó khiến các nước phải chăm lo tới tính minh bạch trong quan hệ giữa nhà nước và khu vực tư nhân, chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) sẽ bị tấn công mạnh mẽ và đẩy lùi. Hiệu quả của sản xuất sẽ được nâng cao vượt bậc, do cơ chế thị trường đảm bảo phân phối các nhân tố sản xuất một cách hợp lý nhất. Có thể coi CNTD Mới là hệ tư tưởng của các lực lượng tư bản xuyên quốc gia, của những nhân tố sản xuất có khả năng lưu động cao nhất và thu được lợi nhiều nhất từ những sự di chuyển đó, và chống lại mạnh mẽ những rào chắn cản trở khả năng lưu động cao này.
Tuy nhiên, do nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế, CNTD mới chủ trương cắt giảm các chi phí cho dân sinh xã hội, coi các chi phí này là gánh nặng kìm hãm khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế: có thể nói CNTD Mới mâu thuẫn với mục tiêu phát triển xã hội, văn hoá. CNTD Mới chủ trương bỏ hoàn toàn sự điều tiết của nhà nước, để mặc logic thị trường quyết định vấn đề tổ chức của đời sống kinh tế, xã hội và cho rằng phát triển kinh tế trong một xã hội sẽ khiến cho người giàu thêm giàu, song phúc lợi cũng sẽ "nhỏ giọt" xuống cho những người nghèo.Thực tế đã cho thấy phát triển không đồng nghĩa với việc xoá đói giảm nghèo trong từng xã hội. Với việc của cải sẽ tập trung vào tay một thiểu số trong mỗi xã hội và trên toàn thế giới, tình trạng nghèo khó sẽ gia tăng không chỉ trong thế giới đang phát triển mà còn trong bản thân các nước phát triển, khiến khả năng tiêu thụ hàng hoá sẽ không tương xứng với khả năng cung cấp hàng, cộng với khả năng lưu chuyển cao không hạn chế của đầu tư (ngắn hạn) sẽ khiến độ rủi ro, bất ổn định của các nền kinh tế tăng lên. John Mead cho rằng việc hiệu quả của sản xuất và thương mại tăng cao, nhưng của cải lại bị tập trung hoá cao độ trên bình diện toàn cầu sẽ dẫn đến hậu quả là mức cầu hàng hoá không cân xứng với mức cung, do đó khả năng nền kinh tế thế giới bị đình trệ sẽ rất lớn. Rủi ro dưới dạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng tài chính sẽ tăng lên. Đó là chưa kể tới việc trong thời buổi ngày nay khi tăng trưởng kinh tế quyết định sự ổn định chính trị, đặc biệt khi nhiều chính thể trong mô hình các nhà nước phát triển (development states) đã giành được tính hợp pháp của mình trên cơ sở phát triển kinh tế, các bất ổn định kinh tế lớn có khả năng dẫn đến bất ổn định xã hội (trường hợp Indonesia) và thách thức tính hợp pháp của các chính thể đó.
Một nét mới trong quan hệ giữa các nước phát triển và đang phát triển thể hiện qua vai trò và nội dung của các định chế quốc tế chủ yếu vẫn do các nước lớn đặt ra. Những định chế này nay đã đi vào điều chỉnh các chính sách kinh tế vốn trước đây thuộc về phạm trù quốc nội. Ví dụ điển hình là những điều kiện cho vay của IMF. Một ví dụ khác là vai trò trong tương lai của WTO làm khuôn khổ cho các cuộc đàm phán mậu dịch quốc tế sau vòng đàm phán Uruguay, trong đó các vấn đề tiêu chuẩn lao động, môi trường, chính sách cạnh tranh vốn đã được đề cập đến nhiều trong các tranh chấp hay cọ xát thương mại hiện nay, chắc chắn sẽ là các vấn đề chiếm ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của WTO. Tất nhiên việc làm hài hoà các thực tiễn khác nhau về các vấn đề này sẽ là một mục tiêu mà các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ bàn đến. Nhưng có một điều đáng lưu ý là trong khi các nước tư bản phát triển trên thế giới đòi các nước đang phát triển cải thiện các điều kiện xã hội, họ không có ý đòi các công ty xuyên quốc gia chịu trách nhiệm nâng cao các điều kiện xã hội ở các nước nhận đầu tư này. Mặt khác, những đòi hỏi này có xuất phát từ các nhân tố đạo lý và giá trị, nhưng cũng có nhân tố cạnh tranh kinh tế và thương mại. Dựa trên lập luận rằng các nước đang phát triển có những lợi thế cạnh tranh không công bằng về nhân công rẻ vì không có những biện pháp bảo vệ quyền lợi công nhân, và bảo vệ môi trường, có thể các nước phát triển sẽ đòi các nước đang phát triển tăng chi phí đầu vào hoặc cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại các nước đang phát triển cũng có xu hướng cắt giảm quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội, dưới khẩu hiệu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Theo nghĩa này, toàn cầu hoá theo giá trị của CNTD kinh tế khiến người lao động phải cạnh tranh nhau trên qui mô toàn cầu.
4. Tương lai: có mô hình nào phê phán và thay thế CNTD Mới không?
Về chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước, mô hình Chi lê nhằm hạn chế chu chuyển tư bản ra khỏi lãnh thổ nước này và gắn phát triển kinh tế với xã hội rất đáng được nghiên cứu. Cho tới nay, những gì Chi lê đạt được dường như là khả quan và đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn là chưa đủ nếu việc thực hiện các chính sách kinh tế tài chính này không đi đôi với chính sách giáo dục và đào tạo nhân lực trong nước. Suy cho cùng, một lực lượng lao động có trình độ cao chính là nhân tố rất quan trọng hấp dẫn đầu tư trực tiếp (là loại vốn tương đối ổn định hơn) và là yếu tố cần thiết để cho một nền kinh tế thoát khỏi mức lao động gia công sử dụng nhiều lao động trong một đơn vị sản phẩm trong sự phân công lao động thế giới hiện nay.
Trên bình diện quốc tế, đáng chú ý là ý tưởng về quan hệ đối tác giữa nhà nước, các lực lượng thị trường và các tổ chức xã hội dân sự trong khuôn khổ LHQ như ông Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã đưa ra gần đây, nhằm dân chủ hoá hơn đời sống kinh tế quốc tế và tăng cường vai trò LHQ trong thời buổi toàn cầu hoá. Tuy nhiên, một quan hệ đối tác như vậy, dù trong khuôn khổ của bất cứ diễn đàn đa phương nào chứ không chỉ tại LHQ liệu có thể thực hiện được hay không, với việc cả ba loại diễn viên này có khả năng gây ảnh hưởng đối với các hành vi trong quan hệ kinh tế quốc tế ở mức độ rất khác nhau. Nếu quan hệ đối tác thực sự đòi hỏi mỗi bên phải sẵn lòng lắng nghe và phối hợp với các đối tác của mình, trong khi lực lượng thị trường dường như thắng thế, và sức mạnh của họ được thể chế hoá dưới dạng các tổ chức Bretton Woods khiến cho các nhà nước cũng phải tuân thủ. Liệu quan hệ này sẽ chỉ mang tính đối thoại một chiều hay không? Và thậm chí nếu quan hệ đối tác này được chính thức hoá, thì nó sẽ hạn chế đến mức độ nào những tác hại của CNTD Mới đối với các nền kinh tế và người lao động? Liệu các tổ chức xã hội dân sự này có phải sẽ là các nguồn sáng kiến và ý tưởng, tiếng nói đại diện cho lợi ích kinh tế, văn hoá, môi trường của những người dân lao động bình thường song song với các nhà nước hay không? Và các nhà nước có chịu hạ thấp vị trí của mình đi để chấp nhận cho các tổ chức này một vai trò đối tác của mình hay không? Phủ nhận tất cả các ý tưởng này thì không khó, song đưa ra được lập luận hay sáng kiến nào thay thế ý tưởng này thì không phải là dễ dàng. Có một điều là khả năng từng nước một đơn phương đương đầu với những thách thức do toàn cầu hoá theo tư tưởng của CNTD Mới là hoàn toàn bị hạn chế và chưa đủ. Có lẽ các nỗ lực tập thể của các quốc gia và dân tộc nhằm giải quyết vấn đề này sẽ tạo ra sức mạnh bổ sung và làm tăng hiệu quả cho sức mạnh của các nhà nước và dân tộc riêng lẻ chăng?
Tài liệu tham khảo:
1. Stephan Gill, Susan Strange, Robert Cox, Stubbs & Underhill trong Political Economy in the Changing Global Order. Stubbs & Underhill hiệu đính, 1994.
2. The Political Economy of International Relations, Robert Gilpin, 1987.
3. Approaching Global Neoliberatlism, De Martino.
4. Economics Explained. Thorrow & Heilbrowner, 1987./.
http://www.dav.edu.vn/en/publications/international-studies-review/back-issues/1998/411-so-24-chu-nghia-tu-do-moi-va-quan-he-kinh-te-quoc-te-hien-nay.html
No comments:
Post a Comment