Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam hiện nay
10:28' 7/8/2014
Phát huy “sức mạnh mềm” của một số nước trong khu vực
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản là một đất nước nhỏ về diện tích, nghèo về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải đối mặt với hiểm họa từ động đất, sóng thần; chịu những tổn thất nặng nề do hậu quả từ thất bại trong thế chiến lần thứ hai… Nhưng với tinh thần “võ sĩ đạo”, truyền thống văn hóa độc đáo của người dân xứ sở “hoa anh đào”, “đất nước mặt trời mọc”, Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế bằng cách huy động tối đa các nguồn lực, trong đó “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm” được ưu tiên, chú trọng, coi đó là một công cụ quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới. Ông Hây-dô Ta-kê-na-ca (Heizo Takenaka), cựu Bộ trưởng và Chính sách tài chính Nhật Bản từng cho rằng: “Sức mạnh mềm là vũ khí rất hữu hiệu. Nếu chúng tôi có những nhà lãnh đạo chính trị phù hợp, nó còn có thể có hiệu quả mạnh hơn nữa”(1). Và nhờ những chính sách, chiến lược phát huy tối đa ưu thế của “sức mạnh mềm” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, văn hóa, thể thao, nghệ thuật…, đã biến Nhật Bản từ một đất nước kiệt quệ sau chiến tranh vươn lên trở thành một trong những cường quốc đứng đầu thế giới.
Ngoài việc phát huy tổng hợp các nguồn lực về kinh tế như: viện trợ vốn ODA, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ các nước nghèo và kém phát triển; tham gia tích cực vào các diễn dàn, các tổ chức quốc tế nhằm khẳng định vị thế và hình ảnh của quốc gia,… thì những chính sách quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Nhật Bản thông qua các hoạt động, sản phẩm văn hóa…, đã tạo ra nguồn lực, thế mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản trên toàn thế giới.
Trên lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Nhật Bản dành nhiều nguồn lực đầu tư cho việc quảng bá các hoạt động, sự kiện văn hóa như lễ hội hoa anh đào đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của hàng triệu người mỗi năm. Bên cạnh đó, việc giới thiệu, trình diễn âm nhạc như J-pop; nghệ thuật xếp hoa giấy, cắm hoa, trà đạo, truyện tranh và đặc biệt là kiến trúc Nhật Bản… cũng tạo được sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới.
Để phát huy thế mạnh của “quyền lực mềm”, Nhật Bản đã đầu tư vốn, nguồn lực, cho thành lập hàng trăm trung tâm dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài; tài trợ cho sinh viên các nước sang du học, đồng thời tăng số sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài học. Đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm văn hóa Nhật Bản sang phương Tây như truyện tranh Doraemon, Búp bê Hello Kitty…
Là một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, Nhật Bản luôn chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống nhưng không ngừng tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhắc đến Nhật Bản, thế giới khâm phục những đức tính, phẩm chất tốt của con người Nhật Bản như: tinh thần kỷ luật, ý chí mãnh liệt, tính cộng đồng cao, lòng trung thành, ý thức tôn trọng truyền thống, nỗ lực vươn lên… Sau thảm họa động đất sóng thần (năm 2011) trên các phương tiện truyền thông tràn ngập những bài báo, phóng sự miêu tả những tấm gương hy sinh, thái độ bình tĩnh, nhường nhịn với những ứng xử cao đẹp mang đậm tính nhân văn và tinh thần Nhật Bản… Những hình ảnh, câu chuyện đó đã tác động mãnh mẽ tới suy nghĩ, hành động của con người trên toàn thế giới. Và những hành động cao đẹp “nhường cơm xẻ áo” của người dân đã diễn ở khắp các quốc gia, cùng nhau hướng về Nhật Bản, giúp người dân vượt qua đau thương, mất mát. Nhiều nhà bình luận cho rằng: cơn thiên tai lịch sử này đã gây ra cho Nhật Bản những thiệt hại vô cùng to lớn nhưng cũng đã đem lại cho họ một thứ “sức mạnh mềm”, thứ sức mạnh không phải được xây dựng hay giành lấy bằng súng đạn cũng không phải bằng tiền của mà bằng sự ngưỡng mộ và kính trọng của thế giới dành cho họ.
Người Nhật Bản thường không muốn cho người khác biết về những nỗ lực của mình, nhưng với tinh thần khiêm tốn, cần cù, chịu khó và ý thức cao về truyền thống văn hóa của đất nước mình, họ đang tạo được những hình ảnh tốt đẹp trong lòng bạn bè thế giới. Thành quả ấy, có một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ, khi họ biết tận dụng những ưu thế của “sức mạnh mềm” để phát triển bền vững đất nước.
Kinh nghiệm của Xin-ga-po
Từ một làng chài bé nhỏ nẳm ở phía Nam bán đảo Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới với việc tạo dựng được một môi trường đầu tư, làm việc thông thoáng, lành mạnh, một hệ thống công quyền trong sạch. Tuy bé nhỏ về diện tích, dân ít, đa dân tộc, đa văn hóa, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, thậm chí nước ngọt cũng phải nhập khẩu nhưng với những nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo, quản lý, Xin-ga-po có những bước phát triển đáng khâm phục.
Để tạo dựng được hình ảnh, vị thế ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới, từ lâu Xin-ga-po đã rất quan tâm, chú trọng phát huy thế mạnh của “quyền mạnh mềm”. Theo ông Ma-bu-ba-ni (Mahbubani), Hiệu trường trường Chính sách công Lý Quang Diệu, quyền lực mềm của Xin-ga-po được tạo dựng từ 7 trụ cột quan trọng. Thứ nhất, Xin-ga-po có một ban lãnh đạo quốc gia xuất chúng; thứ hai là khả năng quản lý đất nước với những chính sách trọng dụng nhân tài, đề cao tính thực dụng và lòng chân thành; thứ ba là tính đa văn hóa; thứ tư là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt nhất châu Á; thứ năm là sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực với những món ăn độc đáo; thứ sáu là việc tạo ra môi trường xanh và cuối cùng là những chính sách mở tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ở góc độ phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, Xin-ga-po có những chiến lược cụ thể trong việc phát triển hài hòa giữa các cộng đồng tôn giáo, sắc tộc như phát huy lợi thế của các nền văn minh cùng tồn tại song song trên đất nước (văn minh Trung Quốc, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a và phương Tây). Tích cực quảng bá, gìn giữ những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực cũng như cung cách ứng xử, giao tiếp thân thiện trên cơ sở đề cao, tôn trọng pháp luật,.. Xin-ga-po đang thể hiện rõ ưu thế trong việc khẳng định vị thế, tiềm lực bằng việc huy động tối đa nguồn tài nguyên “sức mạnh mềm” do chính người Xin-ga-po tạo dựng nên.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Từ một đất nước nghèo, kém phát triển ở những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước nhưng Hàn Quốc đã nhanh chóng vực dậy để phát triển, trở thành một trong bốn con rồng châu Á. Có được những thành công đó là nhờ Hàn Quốc đã có những chính sách, chiến lược táo bạo trong việc xuất khẩu văn hóa và các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tiêu biểu là ngành công nghiệp điện ảnh. Do nắm bắt được tâm lý giới trẻ và nhu cầu của khán giả, các nhà làm phim Hàn Quốc đã không ngừng đầu tư vào việc sản xuất các bộ phim tình cảm lãng mạn, dàn diễn viên đẹp, cảnh quay ấn tượng, tạo nên thương hiệu và nét độc đáo của phim Hàn. Hằng năm, doanh thu từ ngành công nghiệp điện ảnh đã mang lại cho xứ sở Kim Chi những khoản lợi nhuận khổng lồ. Hiệu ứng mạnh mẽ của phim truyền hình đã quảng bá, giới thiệu cho khán giả trên toàn thế giới biết đến vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa, lịch sử Hàn Quốc.
Hiện nay ở Hàn Quốc, truyền thông cũng được coi là ngành kinh tế mũi nhọn với sự đa dạng, phong phú của các kênh truyền hình. Bên cạnh kênh truyền hình Trung ương KBS là hàng loạt các kênh truyền hình tư nhân với những nội dung thông tin không lặp lại, tạo được hiệu ứng tốt cho người xem ở khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giải trí như các gameshow, talkshow với dàn ca sĩ, diễn viên trẻ đẹp, ăn khách đã trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ trên thế giới. Ngành thời trang và mỹ phẩm, du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, phát triển… Đó là những lợi thế mà Hàn Quốc đang ra sức phát huy, coi đó là một nguồn lực sức mạnh mềm quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam hiện nay
Với vị trí địa lý thuận lợi, có đường bờ biển dài (3.200 km) tiếp giáp với Biển Đông, ở vị trí ngã tư đường giao thông hàng hải quốc tế, ở giữa hai nền văn minh lớn của thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam có nền văn hóa và truyền thống lịch sử lâu đời, dân số đông (90 triệu) chủ yếu là lực lượng lao động trẻ năng động, cần cù, sáng tạo… Đó là những thuận lợi để phát huy tiềm lực của cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”.
Để phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa, cần phải khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, khoan dung văn hóa của con người Việt Nam. Lịch sử từng chứng minh tinh thần hòa hiếu, lấy nhân nghĩa làm đầu của người Việt Nam. Ví như, khi Tổ quốc lâm nguy, vua quan nhà Trần đã biết cùng các bô lão mở Hội nghị Diên Hồng, thống nhất ý chí “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, nêu cao tư tưởng “lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm nền”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “dĩ đoản binh chế trường trận”, “mưu phạt, tâm công, bất chiến tự khuất”,… Khi kẻ thù thất bại, xin hàng, ta sẵn lòng mở đường hiếu sinh, cấp cho họ năm trăm chiếc thuyền, vài nghìn cỗ ngựa để họ về nước, bởi ta chỉ cốt “dập tắt muôn đời chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở”. Ở thời đại Hồ Chí Minh, đó là các tư tưởng “dân là chủ”,“phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, “có dân là có tất cả”, cho nên “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”,… Đó là những biểu hiện sinh động của tinh thần khoan dung, nhân ái, trọng tình, hướng về nhân dân. Mặt khác, người Việt sẵn sàng thâu nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những tinh hoa muôn thuở của sức mạnh mềm, không thể để bị mai một. Để thu phục lòng dân hay bạn bè quốc tế, chúng ta phải kế thừa và phát huy những truyền thống đó, tạo ra sức mạnh mềm để bảo vệ Tổ quốc và hội nhập, phát triển thành công.
Trong thời đại ngày nay, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đất nước. Vì thế việc chăm lo, đầu tư, phát triển văn hóa - giáo dục cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Thủ tướng Lý Quang Diệu trong cuốn sách Bí quyết hóa rồng đã cắt nghĩa bài học thành công của Xin-ga-po, đó là “thắng cuộc đua trong giáo dục thì mới thắng cuộc đua trong kinh tế”. Đây cũng là một bài học, một gợi ý để Việt Nam phát huy nguồn lực từ công cuộc giáo dục, đào tạo những thế hệ công dân có phẩm chất, tài năng, nghiệp vụ, có bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ… và chính họ sẽ là nguồn lực lao động chủ yếu để kiến thiết, phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Để phát huy sức mạnh nguồn lực con người, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài; phải tạo ra được những phong trào tập thể, kêu gọi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để mỗi người ý thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cần phải được quan tâm, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè thế giới nhằm thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói, làm nên hình ảnh đẹp về một Việt Nam với những vẻ đẹp tiềm ẩn, con người thân thiện, mến khách. Là một đất nước được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều phong cảnh và danh thắng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên hàng đầu của nhân loại như Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi đá cổ Sapa; nhiều bãi biển đẹp như Non Nước, Lăng Cô, Nha Trang..; có du lịch sinh thái sông rạch, miệt vườn Nam Bộ độc đáo… Ngoài ra, chúng ta còn được thừa hưởng của cha ông một nền văn hóa đa dân tộc, phong phú về thể loại, trong đó một số loại hình là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại như kiến trúc cố đô Huế, Tháp Chàm, di tích thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc, không gian cồng chiêng, rối nước, quan họ,… Những di sản văn hóa vô giá ấy cần tiếp tục được nâng cao, phát triển, giới thiệu, quảng bá với thế giới, làm cho bạn bè hiểu biết và tìm đến với nền văn hóa Việt Nam.
Việt Nam còn tự hào với văn hóa ẩm thực độc đáo, có sức hấp dẫn với du khách. Những món ăn Việt gắn liền với sản vật nông nghiệp nhiệt đới, bổ dưỡng mà nhẹ nhàng, thanh lịch, có hương vị và màu sắc riêng, khác với châu Âu mà cũng không giống với Trung Quốc, như món phở, nem rán cua bể, bún thang, bánh cuốn, bánh xèo Huế,… vốn từ lâu đã quen thuộc với du khách nước ngoài,… Đây cũng là một lợi thế mà ngành du lịch cần phải quan tâm, phát huy.
Một yếu tố khác làm nên sức mạnh mềm của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đó là vai trò to lớn của “ngoại giao công chúng”, “ngoại giao văn hóa”. Nhờ vào sức mạnh của truyền thông, người dân trong nước có thể biết được những biến động của tình hình thế giới để có những thay đổi, ứng phó kịp thời. Và qua truyền thông, bạn bè quốc tế sẽ hiểu và cảm nhận rõ về Việt Nam. Truyền thông với những tiếng nói đa dạng có khả năng kết nối, trao đổi thông tin, nhanh nhạy, kịp thời, tạo hiệu ứng giữa các cộng đồng, làm nên sức mạnh có thể lay chuyển được những tình thế khó khăn. Ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa còn được thực hiện thông qua hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các hội thảo khoa học, các khóa tập huấn, các chương trình tài trợ cho du học sinh, các cuộc trao đổi, giao lưu văn hóa - nghệ thuật, các tuần lễ văn hóa, năm văn hóa - du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa, festival, carnaval…
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những hành động tích cực trong việc tham gia các diễn dàn, hội nghị quốc tế, trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên cơ sở tôn trọng quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng giữa các quốc gia. Đồng thời không ngừng hỗ trợ vốn, nhân lực cho một số nước láng giềng, anh em… Những hành động đó đã tạo nên hình ảnh đẹp, ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam.
Để phát huy tốt nguồn lực “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có đổi mới tư duy, tầm nhìn, cung cách quản lý, xây dựng các bộ luật, các tiêu chuẩn, tiêu chí phát triển cụ thể rõ ràng để không lãng phí nguồn lực quan trọng này. Bên cạnh đó, cần nêu cao ý thức của mỗi người trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc, tránh có những hành động phản cảm, phi văn hóa./.
--------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Quan Yến Anh: Bước đầu tìm hiểu về sức mạnh mềm của Nhật Bản,
Nguồn: lib.lhu.edu.vn/ViewFile/10155
Nguồn: lib.lhu.edu.vn/ViewFile/10155
No comments:
Post a Comment