Monday, August 18, 2014

28. ẤN ĐỘ–BIỂN ĐÔNG

Xin giới thiệu một số bài trên Nghiên cứu biển Đông về chủ đề này:
1Đằng sau việc Ấn Độ bước chân vào Biển Đông
Thứ năm, 29 Tháng 9 2011 08:11
Bài viết của TS. Ngô Triệu Lễ, Ban châu Á-Thái bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá về động cơ của Ấn Độ trong việc can dự vào Biển Đông, quan hệ  Ấn Độ – Việt Nam và Ấn Độ – Trung Quốc trong bối cảnh Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ chuẩn bị vào khai thác dầu khí ở thềm ục địa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc phản đối.
Ngày 15/9/2011 trong thời gian Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ở thăm Việt Nam, báo Ấn Độ “Hindustan Times” đưa tin Công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ (ONGC) có kế hoạch vào khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đồng thời cho biết kế hoạch đã được Việt Nam cho phép. Ngày 16/9 Ấn Độ và Việt Nam quyết định tăng cường hợp tác khai thác dầu khí, đồng thời quyết định sẽ tiếp tục dự án hợp tác ONGC. 
Từ lâu nay thái độ của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối rõ ràng, nghĩa là ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, hy vọng các bên tôn trọng “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” ký kết năm 2002. Có thể nói, lập trường của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông là phù hợp với chủ trương nhất quán của Trung Quốc. Tuy nhiên phía sau nguyên tắc, Ấn Độ đã làm một “động tác nhỏ”, đúng như báo chí Ấn Độ đã nói dự án ONGC là lần đầu tiên Ấn Độ nhảy vào vòng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. 
Việt Nam là trụ cột quan trọng cho “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ
Tại buổi họp báo về việc Ngoại trưởng Ấn Độ đi thăm Việt Nam tổ chức ngày 15/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố đối với Ấn Độ, quan hệ với Việt Nam là một trụ cột then chốt và cực kỳ quan trọng. Có thể nói trong quan hệ với các nước ASEAN, cách xác định quan hệ như trên quả là có một không hai. Trong bối cảnh Ấn Độ thực thi “chính sách hướng Đông” và Việt Nam phát triển không gian sang phía Tây, hai nước Việt Nam-Ấn Độ trước đây vốn đã rất tâm đầu ý hợp, nay nhu cầu chiến lược cần nhau được tăng cường, lợi ích chung gặp gỡ tăng lên, cả hai đều xác định lại quan hệ song phương bằng góc nhìn chiến lược hoàn toàn mới. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phát triển, thực lực không ngừng tăng lên, hai nước đều đang có tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải chưa giải quyết được với Trung Quốc, nay hình thành mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nếu nói đó là mối quan hệ “đoàn kết nương nhờ nhau” cũng là điều hết sức bình thường. 
Tính đến nay, hai nước đã cùng tổ chức 6 lần “Đối thoại chiến lược quốc phòng”, 2 lần “Đối thoại chiến lược” và 5 lần “trao đổi ngoại giao”. Đặc biệt sau khi hai nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng vào tháng 11 năm 2009, giao lưu hợp tác quân sự song phương tăng lên rõ rệt. Tháng 7/2010 Tư lệnh lục quân Ấn Độ lần đầu tiên sau 10 năm đi thăm Việt Nam; Tháng 7/2011, Việt Nam mời tàu tấn công đổ bộ “INS Airavat” đến Việt Nam. Ủng hộ nhau về chính trị, dựa vào nhau về an ninh trở thành đặc điểm nổi bật nhất trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam. Việt Nam là sợi dây nối quan trọng để Ấn Độ phát triển quan hệ với các nước ASEAN. 
Quan hệ Trung – Ấn có cả cơ sở lẫn lo ngại
Từ năm 2011 đến nay quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ phải nói tương đối bình lặng. Trên cơ sở cùng tổ chức “Tết Trung Quốc” tại Ấn Độ và “Tết Ấn Độ” tại Trung Quốc năm 2010, hai bên lại đã xác định năm 2011 là “Năm giao lưu Trung-Ấn”. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt 61,7 tỉ USD, trên cơ sở đó trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 48,16 tỉ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. 
Tuy thế, giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng có lo ngại. Việc giữa Trung Quốc và Pakixtan hình thành mối quan hệ đối tác “trong mọi điều kiện” trong bối cảnh Ấn Độ và Pakixtan đối đầu nhau đã bị Ấn Độ giải thích là Trung Quốc dựa vào Pakixtan đối đầu với Ấn Độ, nhất là giải thích việc Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Á là nhắm vào quy hoạch chiến lược của Ấn Độ, cho rằng Trung Quốc thực thi “chiến lược chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ. Hơn nữa, những tác động tiêu cực từ những vấn đề hiện thực như vấn đề biên giới, Đạtlai Lạtma, mất cân bằng thương mại và hiện đại hóa quân đội còn tồn tại giữa hai nước là không thể xem thường. Mức độ tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ thấp, giao lưu phi chính thức có hạn khiến cho chiều sâu hợp tác trong khuôn khổ song phương giữa hai nước bị hạn chế, còn tồn tại cạnh tranh, thậm chí còn đối đầu ở mức độ nhất định. 
Mục đích của việc Ấn Độ thúc đẩy dự án ONGC là không những có thể khéo léo ủng hộ Việt Nam, nước hiện nay đang có quan hệ “keo sơn” với Ấn Độ, mà còn có thể dựa vào đó để tỏ cho Trung Quốc thấy rằng trong vấn đề liên quan đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ cũng có “con bài” khác để chơi. Một số chính khách Ấn Độ cho rằng cần phải cảnh giác trước biện pháp ngoại giao khéo léo mà cứng rắn của Trung Quốc. Có học giả còn đề xuất chủ trương phải thành lập “Tổ chức hợp tác Hà Nội” với Việt Nam và một số nước khác để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số nhân vật “diều hâu” trong quân đội cho rằng Ấn Độ không thể đối phó thách thức của Trung Quốc bằng thái độ mềm yếu và biệt lập, Ấn Độ cũng có quyền tổ chức “chuỗi ngọc trai” của riêng mình bao vây Trung Quốc. 
Có tương đối nhiều học giả Ấn Độ đã biết rõ rằng “Việc Ấn Độ đâu đâu cũng bố trí phòng vệ trước Trung Quốc sẽ làm cho họ sắp trở thành người thua cuộc, nếu xét về lâu về dài”, nhưng Ấn Độ muốn thấy mình ở vào một ưu thế chiến lược nào đó trong khi xử lý quan hệ với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang lợi dụng tâm lý lo lắng của một số nước trước việc Trung Quốc thể hiện thực lực sau khi họ đã lớn mạnh để phát triển không gian chiến lược cho bản thân mình. Trên thực tế, Việt Nam dùng Ấn Độ để tìm điểm cân bằng, Ấn Độ cũng dựa vào Việt Nam để “nhìn về hướng Đông”; Việt Nam coi Ấn Độ là lực lượng quan trọng để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, Ấn Độ muốn lợi dụng vị trí địa lý của Việt Nam để mở rộng sự có mặt và ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ xem Việt Nam là một tiếp điểm then chốt để phá vỡ cái gọi là “chiến lược chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. 
Biển Đông không phải là “trà trong cốc” của Ấn Độ
Việc Ấn Độ bước vào Biển Đông hoàn toàn không có nghĩa là họ đã làm tốt công tác chuẩn bị từ các phương diện tâm lý và vật chất để đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Học giả Ấn Độ Raman cho rằng trong vấn đề về các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đến Mỹ là nước có thực lực hải quân vượt xa Ấn Độ cũng giữ lập trường trung lập. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không có khả năng bảo vệ Công ty dầu khí của Ấn Độ, trong khi các đảo tranh chấp lại ở xa Ấn Độ, nhưng lại gần Trung Quốc, hải quân Ấn Độ trước mắt cũng không có khả năng bảo vệ cho Công ty dầu khí của Ấn Độ. Raman thậm chí cho rằng dù có nhằm để yêu cầu Trung Quốc “ngừng các hoạt động kiểm soát vùng Casơmia ở Pakixtan” thì Ấn Độ cũng không nên có ý đồ đối kháng Trung Quốc ở Biển Đông, vì Biển Đông không phải là “trà trong cốc” của Ấn Độ./.
Theo báo “Quốc phòng Trung Quốc” (ngày 20/9/2011)
Viết Tuấn (gt)
—–
—–
2. Vì sao Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông?
Thứ ba, 20 Tháng 9 2011 17:26
Việc chủ động can dự vào Biển Đông của Ấn Độ nằm trong chính sách “Hướng Đông”, một mặt tạo sự ảnh hưởng tại khu vực, mặt khác cũng là để đáp trả việc Trung Quốc ủng hộ Pakixtan đối phó với Ấn Độ.
Báo “Thái Dương” (Hồng Công) ngày 20/9 đăng bài của tác giả Bành Hải Văn cho biết quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cương quyết khai thác dầu khí ở Biển Đông. Mục đích của chính sách Hướng Đông, ủng hộ Việt Nam của Ấn Độ là nhằm chống lại việc Trung Quốc ủng hộ Pakixtan ở Nam Á.
Theo Bành Hải Văn, do Trung Quốc kiên định ủng hộ Pakixtan, làm cho Ấn Độ rơi vào tình trạng dù chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh với Pakixtan, nhưng vẫn không thể nào giành được thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, cuộc chạy đua vũ trang với Pakixtan, đã gây hệ lụy xấu tới sự nghiệp phát triển kinh tế của Ấn Độ. Do vậy, trong mắt của Niu Đêli, Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất đối với việc xưng bá ở khu vực Nam Á của Ấn Độ.
Hơn nữa, việc Trung Quốc xây dựng cảng biển ở Băngla Đét, Xri Lanca, càng làm cho Ấn Độ tức giận nên Ấn Độ luôn mong muốn dùng chính cách mà Trung Quốc đối phó với mình để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ đề ra chính sách Hướng Đông là muốn liên kết với các nước Đông Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc để phối hợp đối phó với Bắc Kinh.
Tranh chấp Biển Đông được Ấn Độ cho là một cơ hội tốt để đối phó với Trung Quốc. Chính vì thế mấy năm gần đây, Ấn Độ nhanh chóng mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam, giúp Việt Nam huấn luyện nhân viên tác chiến tàu ngầm và chuẩn bị bán cho Việt Nam tên lửa chống hạm có tốc độ siêu âm Bramos. Ngoài ra, Ấn Độ thỉnh thoảng còn cử tàu chiến tới Biển Đông, tiến hành tập luyện chung với hải quân Việt Nam. Để đáp trả, Việt Nam chuẩn bị để cho hải quân Ấn Độ đồn trú lâu dài ở cảng Nha Trang. Có thể nói mức độ hợp tác quân sự song phương sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt mức quan hệ thông thường giữa các quốc gia.
Trung Quốc và Pakixtan có mối quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện. Cho dù chính trường Pakixtan xáo động như thế nào, cho dù đảng nào lên cầm quyền ở Pakixtan, quan hệ giữa nước này với Trung Quốc vẫn “vững như bàn thạch”. Sở dĩ có được điều này là do hai nước có sự gắn bó tương đối mật thiết trong quan hệ quân sự song phương. Ấn Độ cũng muốn bắt chước làm theo, xây dựng quan hệ hợp tác quân sự mạnh mẽ và có hiệu quả với Việt Nam. Trong con mắt của Ấn Độ, chỉ cần Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Pakixtan, Ấn Độ cũng sẽ luôn ủng hộ Việt Nam chống Trung Quốc.
Bành Hải Văn cho rằng hiện nay việc Ấn Độ tiến hành khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông chỉ là mới bắt đầu, có thể không lâu sau Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ tham gia. Tới lúc đó, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ đưa ra được đối sách hiệu quả nào để biến Biển Đông trở thành biển hợp tác, biển hòa bình. Theo Bành Hải Văn, chính sự mềm yếu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến các nước lớn ngoài khu vực liên tục can dự vào Biển Đông.
Theo Thái Dương
Tiến Anh (gt)
—–
—–
3. Biển Đông chỉ là một ưu tiên chiến lược thấp đối với Ấn Độ
Thứ tư, 28 Tháng 9 2011 16:00
Theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược “Stratfor” (Mỹ) ngày 26/9, trong những tháng gần đây, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ ngày càng được củng cố. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều coi việc tăng cường quan hệ giữa hai nước là cách để đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, “Stratfor” cũng cảnh báo rằng Biển Đông chỉ là một ưu tiên chiến lược thấp đối với Niu Đêli.
Việt Nam và Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định trong hơn một thập kỷ. Thời gian gần đây, dường như hai nước ngày càng quan tâm đến mối quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Ngoài các dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Ấn Độ còn mong muốn sử dụng cảng Nha Trang của Việt Nam làm cảng hải quân và đề nghị hỗ trợ huấn luyện hải quân Việt Nam sử dụng tàu ngầm lớp Kilo mới mua của Nga và các hoạt động chống tàu ngầm.
Sự tăng cường quan hệ này một phần là do thái độ gây hấn của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và ý đồ của Trung Quốc muốn kiềm chế phạm vi ảnh hưởng chiến lược của Việt Nam và Ấn Độ. Quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ được thúc đẩy sau một số vụ việc căng thẳng xảy ra tại Biển Đông hồi đầu năm, khi các tàu tuần tra của Trung Quốc va chạm với các tàu thăm dò nghiên cứu của Việt Nam và Philíppin.
Tuy nhiên, “Stratfor” cho rằng Ấn Độ sẽ không quá tập trung chiến lược vào Biển Đông và hiện tại, Biển Đông cũng không quá quan trọng đối với Ấn Độ về mặt an ninh kinh tế và năng lượng. Đối với Ấn Độ, việc hợp tác với Việt Nam thể hiện mong muốn củng cố chỗ đứng của nước này trong khu vực thông qua việc tham gia vào một vấn đề đang ngày càng được quốc tế hóa, đồng thời cũng là để giúp Ấn Độ có thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, do Niu Đêli và Bắc Kinh có tranh chấp biên giới, liên quan đến khoảng 125.000 km2 đất mà Ấn Độ cần làm vùng đệm, nên Ấn Độ tính toán rằng việc hợp tác với một nước khác cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh phân tán sự chú ý khỏi cuộc tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Thực ra, Ấn Độ quan tâm nhiều đến những vấn đề xảy ra ở Ấn Độ Dương, khu vực dọc biên giới của nước này với Pakixtan (khu vực tranh chấp Kashmir) và các nước láng giềng khác như Mianma, Nêpan và Xri Lanca. 
Theo “Stratfor”, mặc dù mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang được củng cố nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên và hiểu rằng lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông là hạn chế và Ấn Độ đặt ưu tiên chiến lược cao hơn ở khu vực khác. Về phía Ấn Độ, khó có khả năng nước này can thiệp vào xung đột Trung-Việt tại Biển Đông (nếu xảy ra) do Trung Quốc rất nhạy cảm với việc bên thứ ba tham dự vào Biển Đông. Bản thân Ấn Độ cũng biết giới hạn mà Trung Quốc có thể chấp nhận trong hợp tác Ấn Độ-Việt Nam.
Theo Stratfor
Việt Hoàng (gt)
—-

No comments: