Friday, August 8, 2014

12. DIỄN BIẾN Ở BIỂN ĐÔNG VÀ CHÍNH SÁCH CỦA MĨ

Diễn biến ở Biển Đông và Chính sách của Mỹ

Thứ ba, 22 Tháng 7 2014 13:44
Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục thực hiện hành vi quyết đoán và chèn ép nhằm khẳng định yêu sách tại Biển Đông. Diễn biến đó thực sự ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh và Mỹ cần phải áp dụng chiến lược áp đặt cái giá phải trả đối với Trung Quốc vì những hành vi đó. 


Trên quan điểm của Mỹ điều làm thay đổi diễn biến ở Biển Đông trong năm qua là tính quyết đoán mạnh mẽ và liên tục của Trung Quốc, điều mà tôi gọi là “hành vi cưỡng ép có chủ đích”. Đó không chỉ là sự việc giàn khoan, cải tạo tại đá Gạc Ma, sự quyết đoán đối với Bãi Cỏ Mây, hành động vào năm 2012 (đặc biệt trong vụ Bãi cạn Scarborough) và sự thâm nhập vào vùng biển đang tranh chấp với Malaysia, mà còn rất nhiều sự việc đã xảy ra trong vài năm gần đây. Trong nước, quy chế chấp pháp mới được thiết lập. Mối quan ngại rằng ADIZ tại Biển Hoa Đông có thể lặp lại tại Biển Đông. Trung Quốc đơn phương khai thác năng lượng và tài nguyên thiên nhiên và tiến hành gây hấn tại nhiều vùng biển thuộc đường lưỡi bò, thậm chí cả những vùng biển quanh Indonesia tại mỏ khí đốt Natuna. Tóm lại, rất nhiều điều đã xảy ra trong một vài năm qua. Năm năm trôi qua chứng kiến ngày càng nhiều sự quyết đoán từ Trung Quốc. Trong bài viết của mình, tôi muốn đặt sự quyết đoán này của Trung Quốc vào bối cảnh rộng hơn bao gồm việc cố gắng hiểu những điều mà Trung Quốc đang làm và những bất an nội tại của quốc gia này.
Trên thực tế, điểm mấu chốt là Mỹ cần phải hợp tác với khu vực để tìm cách thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tôi là một nhà chiến lược nhưng tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ nói chung vẫn cần phải mở rộng hợp tác với Trung Quốc và thật không may, khi nhắc đến vùng xám (vùng tranh chấp – ND) với “hành vi cưỡng ép có mức độ ”, chúng ta đã không tác động được để thay đổi sự quyết đoán của Trung Quốc, và câu hỏi khác đặt ra là có cách nào để bắt Trung Quốc phải trả giá cho những hành vi hung hăng của mình trên cả vùng biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.
Tôi muốn tập trung vào một số điểm đối với cách tiếp cận của Mỹ và tôi đoán có một sự thay đổi khác trong năm vừa qua trong quan điểm chính sách của Mỹ đó là chính quyền Mỹ đang ngày càng nghiêm túc hơn so với một năm trước đây về chiến lược áp đặt cái giá phải trả cho những hành vi xấu trên Biển Đông. 
Thứ nhất, chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Tôi cho rằng điều này phải được tiếp tục diễn ra, Trung Quốc không thể bị kiềm chế hay cô lập. Chúng ta phải làm ăn và giữ mối quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta mong muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp và những khu vực có tranh chấp nhưng chúng ta cũng cần kiên quyết đối với hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng hoặc dùng vũ lực để cưỡng chế. Một điểm nữa đó là cố gắng để xây dựng lòng tin về phản ứng của Mỹ đối với những “hành vi cưỡng ép có mức độ”.
Đầu tiên, duy trì sự hiện diện lớn hơn trong và xung quanh Biển Đông là điều mà Mỹ đang làm. Điều này được thực hiện từ từ, không phải là một thay đổi căn bản nhưng là một sự tăng cường hiện diện của Mỹ. Chúng ta tiến hành việc này bằng nhiều cách trong đó có việc tăng cường hợp tác với Philippines, triển khai tàu chiến duyên hải tại Singapore, mở rộng hợp tác quốc phòng với Việt Nam (kể cả việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam). Theo tôi đây là bước đi có tính tượng trưng quan trọng để có thể lôi kéo sự tham dự của Việt Nam vào vấn đề này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cứng rắn hơn nữa trong chính sách ngoại giao của mình để cho thấy rằng các nước khác cũng có quyền bảo vệ lợi ích của họ. Không phải chúng ta mong muốn các nước đi đến chiến tranh với Trung Quốc mà chúng ta muốn tạo sức cản đối với sự quyết đoán này của Trung Quốc. Và các nước khác cũng đang tìm kiếm những con đường ngoại giao và pháp lý để bù lại với những sự khác biệt với Trung Quốc (về mặt sức mạnh - ND). Chúng ta nên mở rộng hợp tác với Malaysia và Indonesia, và về cơ bản chúng ta đang thực hiện điều này, đặc biệt sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Indonesia.
Các nước ngoài khu vực Biển Đông cũng sử dụng vùng biển này như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và một số nước khác cần phải được tham gia các cuộc đối thoại liên quan. Mỹ cũng cần tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại Guam, các khu vực huấn luyện tại vùng Thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana. Khu vực huấn luyện trên không của Úc dần dần trở nên quan trọng hơn với sự hiện diện của lính thủy đánh bộ tại Darwin. Trong sách trắng quốc phòng tiếp theo của Úc, họ sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh cho sự phát triển chung của khu vực.
Điều thứ hai mà chúng ta cần phải làm đó là thể hiện sức mạnh một cách có tính toán. Tôi không có nhiều niềm tin rằng điều này sẽ có tác động đáng kể nhưng có những lúc mà sự hiện diện của chúng ta vào thời điểm có sự cố đang xảy ra, chủ yếu thông qua các hoạt động như giám sát tình báo, các chuyến viếng thăm cảng các nước như các nước đồng minh của chúng ta (ví dụ tàu ngầm tại Philippines năm 2012), tập trận song phương cũng như đa phương, chấp pháp … tất cả điều trên sẽ là cách để chứng minh Mỹ đang triển khai sự hiện diện của mình.
Điều thứ ba là xây dựng năng lực của các đối tác. Điều này vẫn diễn ra nhưng chưa được lâu nên cơ bản đây không phải là điều mới mẻ, và chúng ta đang có gắng để tiến hành nhiều hơn nữa (năng lực thực thi pháp luật, kiểm soát các vùng biển, nâng cao khả năng tác chiến trên không và trên biển) …và cuối cùng là nâng cao những nỗ lực của khu vực. Vì thế, chúng ta cũng ủng hộ hợp tác giữa các nước đang có yêu sách đặc biệt giữa Malaysia cũng như Việt Nam và Philippines. Brunei cũng có thể hợp tác nhưng theo tôi họ sẽ đồng tình với ba nước kia nếu họ có thể đạt được kết luận, ví dụ làm thế nào để ủng hộ những thứ như tòa án quốc tế, ủng hộ một Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN mang tính ràng buộc và giữ quan tâm về vấn đề hàng hải trong những tổ chức của ASEAN như Diễn đàn khu vực ASEAN, cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Cuối cùng đó là một cơ chế chia sẻ thông tin cấp khu vực dựa trên tình báo, giám sát và trinh sát trên không. Về cơ bản, chúng ta cần bắt đầu việc giải mật những thông tin không thực sự mang tính nhạy cảm, chỉ là những nguồn thông tin có sẵn... Như vậy mọi người sẽ ý thức được và nhìn thấy được những gì đang diễn ra và có đủ thông tin để tranh luận.
Tôi không nghĩ các khuynh hướng ở Biển Đông sẽ diễn ra theo hướng tích cực và căng thẳng sẽ giảm bớt trong những năm tới. Tuy nhiên, chúng giúp tái cân bằng khả năng của Mỹ trong việc định hình và tiếp tục duy trì sự can dự với tất cả các quốc gia chủ chốt bao gồm Trung Quốc, các nước đồng minh và những đối tác mới của Mỹ như Việt Nam và cả các nước bên ngoài Biển Đông để cố gắng đạt được trật tự trên biển và quy tắc hàng hải, …mở ra các hệ thống dựa trên nguyên tắc mà chúng ta mong muốn.
TS. Patrick Cronin – Trung tâm An ninh Mỹ mới của Mỹ (CNAS). Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 
Người dịch: Tú Linh
Hiệu đính: Minh Ngọc

No comments: