Chiến tranh trên Ga-da: Bao giờ mới đến hồi kết?
23:32' 12/8/2014
Điểm nóng xung đột chưa bao giờ “nguội”…
Trong gần bốn tuần xung đột, hàng trăm cuộc không kích và bắn tên lửa đã diễn ra giữa I-xra-en và Ha-mát. Ảnh: AFP/Getty Images |
I-xra-en áp đặt những quy định chặt chẽ về việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân ra vào Dải Ga-da với lý do các biện pháp này là thiết yếu để bảo đảm an ninh cho I-xra-en. Tuy nhiên, người Pa-le-xtin ở khu vực này lại cảm thấy bị kìm hãm và đang phải chịu đựng những khó khăn về kinh tế - xã hội. Phong trào Hồi giáo Ha-mát và một số tổ chức khác của Pa-le-xtin cho rằng những áp đặt của I-xra-en là quá sức chịu đựng.
Trong Hiến chương thành lập, Ha-mát tuyên thệ sẽ phá hủy I-xra-en bằng mọi giá nhưng trong những năm gần đây, lực lượng này lại nói đến việc sẽ cân nhắc một hiệp định ngừng bắn lâu dài với I-xra-en. Ha-mát viện dẫn việc I-xra-en tiếp tục chiếm đóng Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tấn công của lực lượng này vào Nhà nước Do Thái trước và sau năm 2005. Đây cũng là hành động tự vệ của Ha-mát trước những đợt không kích và tấn công bất ngờ của quân đội I-xra-en.
Đổ lỗi cho Ha-mát vì đã bắt cóc và giết hại ba thiếu niên I-xra-en vào tháng 6 vừa qua, I-xra-en đã liên tục đàn áp lực lượng này trên Bờ Tây bằng những vụ bắn tên lửa và không kích dồn dập. Trong khi đó, Ha-mát phủ nhận cáo buộc trên. Căng thẳng giữa hai bên càng được đẩy lên cao trào khi một thiếu niên Pa-le-xtin bị giết hại vào ngày 02-7 dẫn đến sáu nghi phạm bị bắt giữ.
Ngày 07-7, Ha-mát nhận trách nhiệm việc bắn tên lửa lần đầu tiên trong vòng 20 tháng qua sau khi I-xra-en tiến hành các đợt không kích dẫn đến một số thành viên của lực lượng này bị thiệt mạng. Ngay hôm sau, I-xra-en phát động chiến dịch Vành đai bảo vệ với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa và phá hủy khả năng tấn công của Ha-mát.
Kể từ đó, hàng trăm cuộc không kích và bắn tên lửa đã diễn ra giữa hai bên. Các nhà phân tích cho rằng Ha-mát ngày càng bị cô lập trên Ga-da sau khi mất đi sự ủng hộ của cựu đồng minh thân cận Xy-ri và nhận được ít hơn sự hậu thuẫn của I-ran cũng như phải chứng kiến chính quyền Ai Cập phá hủy các đường hầm nối liền bán đảo Xi-nai với Pa-le-xtin sau khi lật đổ Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi. Ông M. Mơ-xi là thành viên Huynh đệ Hồi giáo - xuất xứ của phong trào Ha-mát. Ai Cập lên án Ha-mát đứng sau các vụ tấn công liên tiếp xảy ra tại nước này từ sau vụ đảo chính, nhưng Ha-mát cực lực phản đối. Các nhà phân tích cho rằng tấn công I-xra-en là một cách để Ha-mát khuếch trương thanh thế và giành được sự nhượng bộ của I-xra-en trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.
Theo số liệu của Bộ Y tế Pa-le-xtin, OCHA, IDF, tính đến nay, đã có 4.760 vụ không kích trên Ga-da, 3.356 quả tên lửa được bắn vào lãnh thổ I-xra-en, làm cho 1.875 người Pa-le-xtin, trong đó ước tính 85% là dân thường và 64 binh lính I-xra-en thiệt mạng. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) cáo buộc I-xra-en tội “diệt chủng” trong khi các tổ chức nhân đạo cảnh báo các đợt không kích vào các khu đông dân cư hoặc tấn công trực tiếp vào nhà dân là vi phạm luật pháp quốc tế.
Phản bác lại những lời buộc tội trên, I-xra-en cho rằng những ngôi nhà mà nước này đánh bom thuộc về các chiến binh cấp cao của Ha-mát và phục vụ như những trung tâm chỉ huy của lực lượng này. I-xra-en khẳng định, Ha-mát cố tình bắn tên lửa từ khu dân cư và cất giữ tên lửa tại những nơi như nhà ở, trường học và bệnh viện.
I-xra-en cũng cho rằng hàng trăm tên lửa không điều khiển đã được bắn trực tiếp vào lãnh thổ của mình đe dọa đến sinh mạng của người dân nước này. Tên lửa tầm xa đã được bắn vào các nơi tập trung dân cư như Ten A-víp và Giê-ru-xa-lem cũng như khu vực phía Bắc I-xra-en.
Trước đó, tháng 12-2008, I-xra-en đã phát động một cuộc tấn công trên bộ mang tên chiến dịch Chì đúc nhằm đáp trả lại hành động bắn tên lửa từ Ga-da. Chiến dịch này chỉ kết thúc khi I-xra-en tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương trong 22 ngày sau đó, với lý do mục tiêu đề ra đã đạt được hơn cả kỳ vọng.
Khoảng 1.300 người Pa-le-xtin đã thiệt mạng và chiếm đa phần cũng là dân thường. Mười ba người I-xra-en bị chết, trong đó có 4 binh lính. Kết cấu hạ tầng dân sự của Ga-da thiệt hại nghiêm trọng.
Bốn năm sau, I-xra-en lại phát động chiến dịch Trụ cột phòng vệ, với mục tiêu là làm cho Ha-mát ngừng bắn tên lửa và phá hoại khả năng tấn công của Ha-mát. Tám ngày sau, Ai Cập đóng vai trò trung gian đã giúp hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng ít nhất 167 người Pa-le-xtin và sáu người I-xra-en đã thiệt mạng.
Dù đã có nhiều nỗ lực hàn gắn
Ha-mát muốn dỡ bỏ những phong tỏa trên Ga-da còn I-xra-en tuyên bố sẽ tiếp tục phá hủy các đường hầm. Ảnh: bbc.com |
Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên do Ai Cập đệ trình sau một tuần diễn ra xung đột trở lại giữa I-xra-en và Ha-mát. I-xra-en chấp nhận nhưng Ha-mát cuối cùng lại bác bỏ vì coi đó như một sự “đầu hàng”. I-xra-en cho biết, nước này chấp nhận những lệnh ngừng bắn liên tiếp nhưng vẫn tiếp tục tấn công để đáp trả những đợt oanh tạc tên lửa của Ha-mát. I-xra-en tuyên bố ngay cả khi chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thì nước này vẫn sẽ tìm kiếm và phá hủy những đường hầm mà Ha-mát đã xây dựng để thâm nhập và phá hoại I-xra-en.
Về phía Ha-mát, lực lượng này cho biết, sẽ đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài miễn là có thể dẫn đến việc I-xra-en dỡ bỏ những cấm vận trên Dải Ga-da - điều kiện mà I-xra-en hoàn toàn không nhất trí. Xung đột vẫn chưa đi đến hồi kết bởi một phần Ha-mát không còn sự hậu thuẫn của Ai Cập vì giờ đây Ai Cập coi người Hồi giáo như một mối đe dọa. Đến nay, Mỹ vẫn không có mối liên hệ chính thức nào với Ha-mát, thậm chí còn liệt tổ chức này vào thành phần khủng bố. Trong khi đó, Ca-ta và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà tài trợ lớn của Ha-mát - cũng tham gia các phiên thảo luận về hiệp định ngừng bắn - trong mắt I-xra-en lại không phải là những đối tác đáng tin cậy.
So với cuộc xung đột cũng giữa I-xra-en - Pa-le-xtin năm 2008 - 2009 và năm 2012, xung đột hiện nay đã kéo dài hơn nhiều ngày và khó mà nói trước được thời điểm nó khép lại.
Khi cuộc giao tranh giữa I-xra-en và Ha-mát diễn ra được ba tuần, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) cảnh báo rằng người I-xra-en đã sẵn sàng cho một “cuộc chiến trường kỳ”. Theo đó, I-xra-en sẽ vẫn tiến hành Vành đai bảo vệ cho đến khi khôi phục được sự yên bình và an toàn cho người I-xra-en. I-xra-en tuyên bố mục đích chính trong cuộc xung đột này làm cho Ha-mát ngừng bắn tên lửa “một lần và mãi mãi”. Ngoài ra, nước này cũng nhắm đến phá hủy hệ thống đường hầm chạy giữa Ga-da và I-xra-en và đi đến kết quả cuối cùng là phi quân sự hóa lãnh thổ.
Về phần mình, người Pa-le-xtin tuyên bố sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ quân nhân I-xra-en nào trên Ga-da, ám chỉ rằng tình thế tấn công và phản tấn công giữa hai bên vẫn có thể sẽ tiếp diễn. Các thủ lĩnh của Ha-mát khẳng định họ sẽ không dừng cuộc chiến cho đến khi nào chấm dứt được sự phong tỏa của I-xra-en trên Ga-da. Tuy nhiên, tổ chức vũ trang này sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn nếu: I-xra-en chấm dứt “mọi hành động hung hăng” trên Bờ Tây, Giê-ru-xa-lem và Ga-da; tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2012; chấm dứt làm suy yếu chính phủ thống nhất Pa-le-xtin mới thiết lập; thả những tù nhân Pa-le-xtin đã được trao trả để đổi lấy tự do của trung sĩ Gi-lát Sa-lít (Gilad Shalit) năm 2011 nhưng mới bị bắt lại gần đây.
Mỹ nên đứng sang một bên
Chừng nào chiến sự trên Ga-da chưa kết thúc, trẻ em vẫn là những nạn nhân đáng thương. Ảnh: bbc.com |
Theo New York Times, từ năm 1949 đến năm 2008, Mỹ đã viện trợ cho I-xra-en 103,6 tỷ USD, còn nhiều hơn cả viện trợ nước ngoài Mỹ dành cho vùng cận Xa-ha-ra và Mỹ La-tinh cộng lại. Việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho I-xra-en có thể dẫn đến hai khả năng, cả tích cực và tiêu cực: Về mặt tích cực, ngừng viện trợ quân sự có thể kìm hãm sự hung hăng của I-xra-en, do đó các bên có thể đi đến một giải pháp chính trị cho xung đột hiện nay trên Ga-da song cũng có thể thúc đẩy I-xra-en có những động thái hung hăng hơn nữa.
Vì thế, theo các nhà phân tích, ngoài việc tuân thủ luật pháp của chính mình, Mỹ nên đứng sang một bên để các cơ chế quốc tế được thực thi. Mỹ đã và đang làm cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trở nên “bất lực” bởi sử dụng quyền phủ quyết của mình đến 40 lần (trong giai đoạn 1972 - 2011) để bảo vệ cho I-xra-en khỏi phải chịu trách nhiệm về các hoạt động vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trên Ga-da. Mỹ còn làm suy yếu hiệu lực của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Hội đồng Nhân quyền (HRC) và hiện nay là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đóng vai trò trung gian trong xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin và để là một phần trong giải pháp của vấn đề này, Mỹ nên hành động ít hơn. Bởi chừng nào Mỹ vẫn còn hậu thuận cho I-xra-en hay viện đến quyền phủ quyết làm lá chắn cho I-xra-en thì chừng ấy, Liên hợp quốc vẫn chưa thể ra một nghị quyết dứt khoát về xung đột hiện nay trên Ga-da. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục còn nhiều sinh mạng vô tội phải nằm xuống dải đất chưa bao giờ “im tiếng súng” này./.
No comments:
Post a Comment