Saturday, June 2, 2018

Cuộc chơi mới: Trung Quốc và cuộc cạnh tranh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khả năng phô trương sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc - cũng như sự chuyển hướng của họ sang chiến lược phòng thủ tích cực - đã kích động sự cạnh tranh căng thẳng trên biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các quan điểm truyền thống về phạm vi ảnh hưởng đang bị thách thức.

Trong vòng khoảng 5 năm qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách ngoại giao ngày một hung hăng nhằm tìm cách thay đổi trật tự chính trị và an ninh tại vùng biển châu Á, nếu họ không bị ngăn chặn. Chính sách đó bao gồm việc bất chấp luật lệ quốc tế, xây dựng các đảo nhân tạo và các thực thể khác để đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển tranh chấp, sử dụng vốn và thương mại làm “vũ khí”, thực thi hành động quân sự để tìm cách giữ chân các cường quốc khác bên ngoài phía Tây Thái Bình Dương, cùng với đó là các nỗ lực để gây ảnh hưởng và định hình chính trị nội bộ của quốc gia khác, cường quốc Trung Quốc có thể tuyên bố chấm dứt trật tự thế giới tự do mà chúng ta đã biết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc đang trở thành “Trung Quốc 2.0”: Đứng trên đỉnh của một châu Á có tính phân cấp sâu sắc, nơi tất cả nước phải cúi đầu trước một nhà nước Trung Quốc siêu cường.

Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc là một phần của thế cân bằng địa chính trị đang nổi lên, thì việc tạo ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như là một thực thể chiến lược là phần còn lại. Không gian hàng hải rộng lớn này là sự “nhất quán” hoàn hảo - bởi nó thống nhất một vùng biển rộng lớn vốn bị chia cắt thành Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - một khái niệm mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy các quy phạm về tự do và mở – cũng là một biện pháp “chống gián đoạn”. Nó rõ ràng nổi lên như một cách phản ứng trước hành động gây chia rẽ của Trung Quốc trong không gian địa lý đó, cho dù đó là hành động hung hăng ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, nhấn chìm các nước châu Á ven biển trong nợ nần, hay xây dựng một loạt cơ sở với mục đích kép trên Ấn Độ Dương.

Trong thế cân bằng địa chính trị mới này - ở đó Trung Quốc theo chủ nghĩa xét lại đang có xu hướng trở thành bá chủ châu Á và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên - các động lực mới đã xuất hiện, bao gồm các cuộc cạnh tranh và tranh cãi về quân sự, kinh tế và công nghệ. Các nước vốn duy trì các quy chuẩn và lý tưởng tự do trong khu vực - tức Bộ tứ gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ chống lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc, theo cách riêng lẻ hay tập thể, ngay cả khi các cường quốc nhỏ hơn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn phải tiếp tục vật lộn với ảnh hưởng từ Trung Quốc siêu cường. Sự phản ứng mạnh mẽ này của các nước sẽ là phép thử cho sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm quyền bá chủ châu Á, dẫn tới nhiều sự phản kháng hơn và những xáo trộn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc sử dụng tất cả các công cụ sẵn có là câu chuyện địa chính trị trong thời đại của chúng ta, trước tương lai đầy bất ổn của lục địa “hay biến đổi” nhất thế giới.

Phong cách “gây rối” của Trung Quốc

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, không phải là người ít nói hay ngại nói thẳng. Bởi vậy, tại Đối thoại Raisina hồi tháng 1/2018, ông đã gọi Trung Quốc là “thách thức dài hạn” đang “gây trở ngại cho sự thịnh vượng, cởi mở và tính toàn diện” tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều hầu như không gây sốc cho nhiều thính giả. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là phải xác định chính xác Trung Quốc đang cản trở điều gì và bằng cách nào, để hiểu được cách thức đối phó sau đó. Sự cản trở của Trung Quốc xuất hiện trong 2 lĩnh vực khác nhau, đó là: thay đổi trật tự luật chơi tại vùng biển phía Tây Thái Bình Dương - và ngày một thách thức ở Ấn Độ Dương, và sử dụng vốn và thương mại như “vũ khí” để tạo ra một phiên bản mới của hệ thống các nước chư hầu của Trung Quốc cổ đại.

Thách thức của Trung Quốc đối với cấu trúc trên biển đến từ việc nước này bồi đắp các đảo và thực thể, và trong nhiều trường hợp thậm chí còn xây dựng lại chúng. Hành động này đến nay đã diễn ra trên Biển Đông, nhưng cũng có các báo cáo cho thấy Trung Quốc có thể xây dựng các đảo nhân tạo gần Maldives. Bắc Kinh đã tiến hành lắp đặt các hệ thống vũ khí và xây dựng các đường băng để phục vụ máy bay quân sự trên các thực thể đó.

Cần phải nhớ rằng các hòn đảo được quân sự hóa đó nằm trong vùng biển vốn là nơi giao thương của 3.400 tỷ USD hàng hóa toàn cầu. Cùng với “chiến lược phòng thủ tích cực” mà theo đó Bắc Kinh tìm cách kiểm soát Biển Đông cũng như khả năng đẩy lùi hải quân nước khác khỏi khu vực nếu cần thiết, họ đang thiết lập một vùng ảnh hưởng độc quyền tại khu vực đó của Tây Thái Bình Dương.

Dần dần, Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Nói một cách công bằng, một số quan ngại của Trung Quốc tại vùng biển đó là rất chính đáng. Trung Quốc đang quan ngại về an ninh của tuyến đường biển thông qua Ấn Độ Dương, đặc biệt bởi sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông, cũng như các nguồn lực khác từ châu Phi, đang tăng lên.

Tuy nhiên, các lợi ích của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đang dần đạt được ý nghĩa địa chính trị. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bắt đầu dự án kết nối lớn trải rộng hầu hết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một phần trong sáng kiến này bao gồm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc tại các nước nhỏ ven biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quốc gia này, như Sri Lanka, Maldives, và thậm chí là Pakistan, đang có các khoản nợ với Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách định hướng các lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước này và thách thức vị thế áp đảo của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.

Tiến vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khả năng phô trương sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc - cũng như sự chuyển hướng của họ sang chiến lược phòng thủ tích cực - đã kích động sự cạnh tranh căng thẳng trên biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các quan điểm truyền thống về phạm vi ảnh hưởng đang bị thách thức. Trung Quốc khẳng định rằng Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ, điều khiến nhiều chiến lược gia Ấn Độ cũng lập luận rằng Biển Đông (theo cách gọi của Trung Quốc là Biển Nam Trung Hoa) không phải là vùng biển phía Nam của Trung Quốc.

Mỹ, bắt đầu với chiến lược “xoay trục” sang châu Á hồi năm 2011, đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép một đối thủ ngang tầm trỗi dậy trong châu lục. Những bất đồng trong lịch sử giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng tiếp tục làm trầm trọng thêm quan hệ hai bên. Các nước khác trong khu vực, như Úc, đã nhận ra rằng những ngày tháng duy trì quan điểm trung lập khi nhắc đến cuộc chơi ở lục địa và vùng biển châu Á đã qua.

Là một khái niệm mang tính chiến lược, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “đứa con ngoài giá thú” trong cuộc cạnh tranh này. Nó nổi lên như một sự đồng thuận giữa Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ, không phải như một nguyên tắc cứng nhắc của ý thức hệ mà như một thỏa thuận được đưa ra một cách ngẫu nhiên.

Chính các thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các mối đe dọa khác trong khu vực đã khiến 4 nước bắt đầu coi Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như một vũ đài chiến lược thống nhất. Mặc dù khái niệm này trước đây đã được các học giả đưa ra một cách không chính thức, đặc biệt bởi chiến lược gia Ấn Độ Gurpreet Khurana kể từ năm 2007, nhưng chỉ đến khi Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố hồi tháng 12/2017 thì khái niệm này mới được đưa vào chính sách quốc phòng và ngoại giao của Mỹ. Cũng không phải ngẫu nhiên khi văn bản này, lần đầu tiên trong lịch sử, đã gọi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” và hàm ý rằng họ là mối đe dọa đối với trật tự thế giới tự do.

Điều đó không có nghĩa là khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được thống nhất. Hiện vẫn có nhiều bất đồng cơ bản giữa những người ủng hộ khái niệm này, chưa kể đến việc thiếu vắng một định nghĩa được mọi người chấp nhận. Mặc dù tất cả các bên dường như đồng ý rằng nó sẽ bao gồm phía Tây Thái Bình Dương, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu nó có bao gồm phía Tây Ấn Độ Dương hay không. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Ấn Độ. Những bất đồng này bao gồm các câu hỏi về tương lai của Afghanistan, sự khoan dung của Mỹ dành cho Pakistan, cũng như các quan điểm khác nhau về Iran. Đặc trưng của vùng biển đó không giống như biên giới trên bộ; khái niệm này có thể thay đổi, có thể được mở rộng khi xuất hiện nhu cầu chiến lược.

Sự trở lại của Bộ tứ

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về quy tắc rõ ràng là tự do, cởi mở và thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu chỉ nói về các quy tắc và giá trị này thì không có ý nghĩa. Việc giữ vững và thúc đẩy các quy tắc cần phải có tính thuyết phục, sự hỗ trợ của sức mạnh quân sự và kinh tế, theo đó là sự khen thưởng những quốc gia tuân thủ và trừng phạt đối với những bên không tuân theo. Trong tương lai, Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - được tái sinh sau 10 năm – có thể chính là phương tiện giúp duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có quy tắc, trật tự theo 2 cách cụ thể. Thứ nhất, nhóm này có thể mang tới giải pháp thay thế cho “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc (cụm từ được chuyên gia chiến lược Ấn Độ Brahma Chellaney sử dụng). Thứ hai, nhóm này có thể gửi một tín hiệu rõ ràng đến quân đội Bắc Kinh rằng Bộ tứ sẽ không chấp nhận sự bá quyền Trung Quốc tại khu vực hàng hải chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện nay, phương án đầu tiên đang ngày càng được chấp thuận; tuy nhiên, với sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực, không thể tránh được việc sẽ phải dùng đến phương án thứ 2 trong tương lai.

Thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” kết nối rộng khắp, Trung Quốc đã hỗ trợ xây cảng, đường sá cũng như các cơ sở hạ tầng khác tại hàng loạt nước châu Á (và thậm chí cả ở châu Âu). Trong khi bản thân việc này không phải một vấn đề, tình trạng của các dự án hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng này khiến nhiều nước trên thế giới không yên lòng. Vấn đề nằm ở các điều khoản thương mại của các dự án này, cũng như năng lực hoàn trả nợ của các nước được Trung Quốc hỗ trợ. Một vài dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến này, đặc biệt là các cảng biển, có khả năng được sử dụng cho 2 mục đích, hoặc trở thành bước chuẩn bị cho việc thành lập các căn cứ quân sự. Một ví dụ là Gwadar ở Pakistan. Trong khi cả Trung Quốc lẫn Pakistan đều gọi cảng này là một cơ sở thương mại, bề ngoài được thiết kế để giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca, một số báo cáo cho rằng mục đích thật sự của Bắc Kinh là xây dựng một cơ sở quân sự tại Jiwani, bên cạnh Gwadar. Bộ tứ – đơn phương, song phương, ba bên hay với tư cách là một nhóm – sẽ phải đưa ra được các phương án đáng tin cậy và bền vững để đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Các phương án đối trọng này cần phải hiểu rõ các mục đích thương mại cũng như địa chiến lược của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Hành lang tăng trưởng Á-Phi mới được đề xuất (một sáng kiến của Nhật Bản và Ấn Độ) là bước đi đầu tiên đúng hướng.

Chương trình hành động quân sự - chính trị của Bộ tứ vẫn đang trong giai đoạn non trẻ. Tuy nhiên, thuyết phục, cản trở và phòng thủ (chiến lược 3D) trước sự hung hăng không khoan nhượng của Trung Quốc nên là các mục tiêu chủ chốt của Bộ tứ. Bốn nước này nên thuyết phục Trung Quốc ngừng theo đuổi chiến lược phòng thủ chủ động của họ, nên ngăn cản Trung Quốc đạt được các mục tiêu chiến lược bằng cách tránh né một cách thông minh giới hạn đỏ của một cuộc chiến tranh. Cuối cùng, Bộ tứ nên bảo vệ các tuyến giao thông liên lạc trên biển trong trường hợp sự thuyết phục và ngăn cản không đạt được kết quả.

Bốn nước có thể đạt được các mục tiêu này thông qua việc phát triển các mạng lưới hậu cần chung, năng lực hoạt động chung giữa hải quân 4 nước, và chia sẻ năng lực trinh sát-do thám-tình báo cũng như tác chiến chống tàu ngầm. Bộ tứ nên kết hợp các hoạt động quân sự và chiến lược 3D dưới dạng các cuộc tập trận chung và ngoại giao phòng thủ chung, các chiến dịch tuần tra và hiện diện trên biển, cũng như các hoạt động duy trì tự do hàng không và hàng hải. Và điều hiển nhiên là 4 nước này nên giải quyết các mâu thuẫn chính trị nội bộ trước khi triển khai chiến lược này, bao gồm sự ám ảnh của Ấn Độ đối với “quyền tự trị chiến lược” (dù khái niệm này trên thực tế có nghĩa là gì đi nữa). Để Bộ tứ có được sức mạnh và tầm ảnh hưởng thực sự, một nhân tố quân sự vững mạnh là không thể thiếu.

Một không gian cạnh tranh ba chiều

Tương lai khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ như thế nào, trong bối cảnh chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc và kèm theo đó là bước lùi của nhiều nền dân chủ tự do trong khu vực, dù có hay không có Bộ tứ? Để hiểu được vấn đề này, cách tốt nhất là hình dung cuộc đối đầu hiện nay như một bàn cờ không gian 3 chiều (một sự cải biên phép ẩn dụ nổi tiếng của học giả người Mỹ Joseph Nye). Trong bàn cờ không gian 3 chiều, tất cả các lớp đều liên kết với nhau. Trong một cuộc chơi tương tự được dự báo là sẽ xảy ra tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và các cường quốc dân chủ không muốn khuất phục trước thế bá quyền của Bắc Kinh, lớp địa chính trị sẽ nối liền với lớp địa kinh tế. Các lớp này cũng sẽ kết nối với một lớp thứ 3 là địa kỹ thuật – một khái niệm từ chuyên gia chiến lược toàn cầu Parag Khanna.

Tác giả kết thúc bài viết này với một vài giải thích về ý nghĩa cụm từ này.

Việc công nghệ và nghệ thuật lãnh đạo đất nước có mối quan hệ mật thiết với nhau là một ý tưởng đã có và được công nhận từ lâu: Các nước sở hữu công nghệ vượt trội thường xuyên – dù không phải điều này lúc nào cũng đúng – có ưu thế quyết định so với các nước khác. Tuy nhiên, sở hữu công nghệ vượt trội cũng là một chỉ dấu cho sức mạnh toàn diện của một quốc gia, bao gồm việc có một nền kinh tế sáng tạo và sôi động.

Trong một thời gian dài, nền tảng kỹ thuật bản địa của Trung Quốc yếu kém do nước này dựa vào các kỹ thuật ăn cắp từ phương Tây. Điều này đã thay đổi đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chuyển đổi từ mô hình sản xuất phục vụ xuất khẩu sang mô hình dựa trên sáng tạo và dịch vụ. Trung Quốc cũng ngừng phân biệt rạch ròi giữa ứng dụng công nghệ trong quân đội và mục đích dân sự, thay vào đó tạo ra một cái gọi là “sự hòa trộn giữa quân sự và dân sự”. Tháng 1/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành lập một ủy ban trung ương mới giám sát quá trình phát triển các dự án hợp tác dân sự và quân sự. Ủy ban mới này làm nhiệm vụ đồng bộ hóa các nỗ lực nghiên cứu quân sự và dân sự cũng như những cải biên sáng chế dân sự để phục vụ cho quân sự. Thông qua sự phối hợp này, Trung Quốc đã đạt được những tiến độ đáng kinh ngạc trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử vào lĩnh vực an ninh quốc gia.

Trong khi Mỹ không có một mô hình kết cấu nhà nước tương tự cho sự giao thoa giữa công nghệ quân sự và công nghệ dân sự, ngành công nghiệp quân sự khổng lồ của nước này trước nay vẫn làm nhiệm vụ là cầu nối giữa 2 mảng. Chiến lược phòng thủ “đối trọng thứ ba” của Mỹ dựa nhiều vào máy tính, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác vốn trước nay được coi là độc quyền của Thung lũng Silicon. Úc và Nhật Bản cũng đều là các trung tâm công nghệ, và Ấn Độ thì nổi tiếng với các chuyên gia kỹ thuật. Vì thế, không gian cuộc chiến mới ở châu Á sẽ xoay quanh cuộc cạnh tranh địa kinh tế, địa chính trị và cả địa kỹ thuật khi mỗi bên sẽ tìm cách giành lợi thế quyết định so với bên kia.

Động lực tương liên giữa địa chính trị, địa kinh tế và địa kỹ thuật này sẽ quyết định tương lai của châu Á. Nói cách khác, bên cạnh một khu vực thương mại hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được định hình bởi các mô hình liên kết mới và một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương địa chính trị chứng kiến sự đối đầu căng thẳng trên biển, sẽ còn có cả một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với những ý tưởng công nghệ đánh chặn và một loạt quy tắc sẽ định hình việc sử dụng các công nghệ này. Có ý kiến cho rằng cuối cùng thì chính cuộc cạnh tranh địa kỹ thuật sẽ quyết định quỹ đạo của cuộc cạnh tranh địa kinh tế và địa chính trị.






No comments: