Cuộc đua sức mạnh giữa các cường quốc lớn trong không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt, đe dọa sự ổn định của khu vực, ảnh hưởng tới các lợi ích của EU. EU có thể đóng vai trò quan trọng trong môi trường an ninh khu vực mới mà không cần phải lựa chọn đứng hẳn về một phe nào.
Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một thuật ngữ được nhắc tới trong các văn kiện chính thức. Chiến lược chính sách đối ngoại Nhật Bản 2017, Chiến lược an ninh quốc gia và sau đó là Chiến lược quốc phòng Mỹ 2017 đều coi “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” là một trong những mục tiêu cuối cùng của việc quản trị các vấn đề quốc tế trong khu vực từ Ấn Độ Dương cho tới Tây Thái Bình Dương. Trái ngược với khái niệm truyền thống “châu Á-Thái Bình Dương”, quá tập trung vào Mỹ và các đồng minh Đông Á, cấu trúc địa chiến lược mới dịch chuyển trung tâm của khu vực lệch sang phía Tây, phản ánh sự trỗi dậy của các nhân tố mới và các xu hướng mới định hình môi trường chiến lược khu vực.
Một trong những lý do chính của khái niệm mới này là chính sách an ninh và đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc, cũng như những tham vọng biển xa của nước này. Sự bành trướng của Trung Quốc gần đây sang Ấn Độ Dương để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chiến lược tại châu Phi, châu Âu và Trung Đông, dọc theo tuyến đường tơ lụa trên biển (MSR), làm dấy lên những quan ngại vượt quá phạm vi khu vực. Một lý do khác là sự nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một nhân tố an ninh đã "đủ lông đủ cánh", và sự phát triển một cơ cấu hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn giữa Mỹ với các quốc gia dân chủ trong khu vực, như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc (thường được gọi dưới cái tên Đối thoại an ninh bốn bên), với mong muốn là duy trì nguyên trạng trật tự.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương đã có từ năm 2008, khi Bắc Kinh bắt đầu tham gia cuộc chiến chống cướp biển quốc tế. Các tuyến đường hàng hải quốc tế trên đại dương (SLOC) là điểm yếu chiến lược rất lớn của nước này. Trung Quốc phụ thuộc vào SLOC để triếp cận Trung Đông, cũng như các đối tác thương mại chủ chốt tại châu Âu và châu Phi. Trong cái thường được gọi là “cách tiếp cận hai mặt” về mở rộng khả năng triển khai sức mạnh, quân đội chỉ là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, kết hợp với những yếu tố khác như động lực hoặc sức ép kinh tế, chính trị. Trong số các thành tố chính của cách tiếp cận này, có cả biện pháp dùng sức mạnh dân sự và đầu tư kinh tế để thúc đẩy các lợi ích chiến lược. Kết hợp với “Chuỗi ngọc trai” - chiến lược địa chính trị của Trung Quốc trước đây tại Ấn Độ Dương - và nay là Sáng kiến "Vành đai và Con đường", phát triển kết nối cơ sở hạ tầng trọng yếu (cảng biển, đường bộ, đường sắt, …) trở thành dự án nổi bật trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Đối với EU, những hoạt động của Trung Quốc dọc theo dự án đại kết nối các khu vực đang làm cho chính sách đối ngoại quyết đoán của nước này di chuyển gần đến họ hơn. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng với quy mô lớn vào một số thành viên và ở các nước thuộc Tây Balkan đã khiến sự đồng thuận và lập trường chung của châu Âu yếu đi. Tới nay, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc (SOE) kiểm soát tới 1/10 năng lực cảng biển của châu Âu, nắm quyền quản lý toàn bộ hoặc một phần cảng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và mới đây là Bỉ. Brusseles đang từng bước xây dựng chương trình nghị sự để tăng cường sức kết nối giao thông và muốn đưa ra một lập trường chủ động hơn, các khoản đầu tư vào hạ tầng của Trung Quốc sẽ cần phải được xem xét một cách cẩn trọng hơn.
Do tầm quan trọng của Ấn Độ Dương và các tuyến đường thương mại trên đại dương này đối với Trung Quốc, kiểm soát chúng là cách thức để làm dịu bớt thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Trong một nỗ lực nhằm duy trì sự cân bằng trong khu vực, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc đã quyết định làm sống lại nhóm Quad nhân một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Malina hồi tháng 11/2017. Quyết định tái khởi động ý tưởng sau 1thập kỷ là bằng chứng cho thấy mối quan ngại ngày càng lớn về tham vọng hải quân Trung Quốc cũng như tư tưởng xét lại của nước này, trong bối cảnh Mỹ bước vào giai đoạn thiên về chủ nghĩa đơn phương.
Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh gia tăng khiến cho phần lớn các nước Nam và Đông Nam Á đứng trước lựa chọn khó khăn. Giữa một Bắc Kinh đang cố gắng đấu tranh giành vị thế lãnh đạo toàn cầu và các nền dân chủ tự do khu vực đang cân nhắc làm sao để duy trì nguyên trạng, các cường quốc hạng trung và nhỏ trong khu vực phải suy ngẫm để đưa ra lựa chọn chiến lược riêng cho mình.
Về mặt địa lý, lịch sử và chính trị, Đông Nam Á từ lâu đã bị kẹt giữa phạm vi lợi ích của Trung Quốc và phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp các khác biệt và tranh chấp đang xảy ra, các nước Đông Nam Á đang và sẽ vẫn nằm trong khu vực láng giềng gần của Trung Quốc và sẽ tiếp tục coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là cơ hội hơn tất cả mọi thứ khác. Các nước Nam Á có xu hướng coi Trung Quốc là đối trọng với Ấn Độ và một cơ hội để tăng đòn bẩy của mình trước thế lực bá chủ khu vực. Điều quan trọng nhất là tất cả các nước nằm dọc Tuyến đường tơ lụa trên biển đều bị lôi cuốn bởi triển vọng phát triển thịnh vượng và rất muốn hưởng các khoản đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng bắt nguồn từ sáng kiến này.
Lời hứa hẹn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “cởi mở và tự do” có thể hấp dẫn, nhưng nó vẫn rất mơ hồ và thiếu những sáng kiến cụ thể cho các nước trong ngắn và trung hạn. Do đó, việc nhấn mạnh về hợp tác giữa các nước “cùng chí hướng” không hẳn phù hợp với tinh thần mở cửa và toàn diện. Một hệ thống hợp tác an ninh bền vững cần phải được quản lý bởi các chuẩn mực chung và thu hút tất cả các nước thành viên.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, châu Âu - điểm cuối của Sáng kiến "Vành đai và Con đường" - đã cảm nhận được những tác động rất lớn của chính sách đối ngoại theo chiều hướng trọng thương của Bắc Kinh đối với an ninh và sự gắn kết nội bộ của khối. Do đó, việc phải có cách tiếp cận chiến lược và chủ động đối với với các sáng kiến tăng cường kết nối mới, phát triển an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung không còn là một lựa chọn, mà đã trở nên rất cần thiết đối với EU.
Trật tự khu vực mới đang hình thành sẽ tạo ra cơ hội chưa từng có để EU chứng tỏ giá trị gia tăng của mình. Thách thức hiện nay là làm thế nào để củng cố các cam kết với Trung Quốc, trong khi vẫn thúc đẩy được các nguyên tắc cho một liên minh không cần phải chọn đứng hẳn về một bên nào.
No comments:
Post a Comment