Võ Minh Tập
Xem: Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 9 - 2016
Xem: Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 9 - 2016
Trong
những năm đầu thế kỉ 21, mối quan hệ giữa hai cường quốc - Mỹ và Trung Quốc - với
châu Phi có sự thay đổi lớn trên mọi lĩnh vực. Trung Quốc ngày càng nổi lên là
đối tác hàng đầu của châu Phi về kinh tế-thương mại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Phi đã
thách thức vai trò và sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều cường quốc trên thế giới,
đặt biệt là Mỹ, đồng thời cũng gây nhiều tranh luận, với nhiều quan điểm khác
nhau giữa các học giả trên thế giới về sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc ở châu
Phi. Điều này xuất phát từ lợi ích chiến lược của châu Phi đối với cả Trung Quốc
và Mỹ. Sự gia tăng và bản chất của sự tham gia giữa hai cường quốc này tại châu
Phi làm cho cả hai nhận thức được thách thức, cơ hội và tầm quan trọng ảnh hưởng
ngày càng tăng của nhau tại khu vực này. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đã có sự
thay đổi quan điểm (hay chính sách) của mình về mối quan hệ tay ba Mỹ - châu
Phi - Trung Quốc. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích những tương đồng và khác
biệt về lợi ích chiến lược của Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi trong thế kỉ 21.
Từ khóa: Mỹ, Trung Quốc, châu Phi, lợi ích chiến lược, quan hệ quốc tế, …
1.
Lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Mỹ ở châu Phi
Trong hơn một thập niên qua, xét về lợi ích chiến lược
của hai cường quốc Hoa Kì và Trung Quốc tại châu Phi đều có những lợi ích chung
và riêng tùy theo cách
tiếp
cận trong chính sách của mỗi nước về chính trị, kinh tế và an ninh... Chúng tôi xin phân tích một số lợi ích chủ yếu sau:
1.1. Điểm tương đồng
Thứ nhất, châu Phi là khu vực cung cấp
nguồn cung năng lượng, nguyên vật liệu cho cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là dầu mỏ.
Hiện nay, theo Cơ
quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Mỹ
phụ thuộc vào châu Phi khoảng 20% nhập khẩu dầu mỏ, trong đó, khoảng 60% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ
châu Phi là dầu lửa. Các ước tính khác cho thấy có tới hơn 75% kim ngạch nhập
khẩu của Mỹ từ khu vực này là các loại tài nguyên thiên nhiên. Năm 2010, Mỹ nhập
khẩu 2,3 triệu thùng dầu/ngày từ 54 quốc gia châu Phi (chiếm 20%), trong đó
châu Phi cận Sahara chiếm hơn 80% các sản phẩm năng lượng, còn Trung Quốc nhập khẩu 1,5 triệu
thùng/ngày (chiếm 30%). Năm 2010, Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ
trở thành quốc gia sử dụng năng lượng cao nhất thế giới. Trong năm 2013, kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ châu Phi của Trung Quốc là
51,019 tỷ USD, chiếm 23,24% kim ngạch nhập khẩu dầu thô của nước này. Châu Phi
vẫn là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc.
Về nhu cầu, tính chung châu Phi chiếm hơn 85% nguồn
cung năng lượng (gồm dầu mỏ, khoáng sản, nguyên liệu) và đóng góp đáng kể vào tốc
độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, còn Mỹ chiếm hơn 90%. Bộ năng lượng Mỹ cam kết đến năm 2020, mỗi
năm Mỹ sẽ nhập khẩu
trên 770 triệu thùng dầu của châu Phi, lượng nhập khẩu dầu của châu Phi sẽ chiếm
25% tổng khối lượng nhập khẩu của Mỹ vào năm 2015.
Các đối tác nhập khẩu dầu chủ yếu của Trung Quốc và Mỹ là Angola, Nigeria, Nam Sudan, Ai Cập,
Algeria, Zambia…
Thứ hai, cả Trung Quốc và Mỹ muốn đẩy mạnh quan hệ với châu Phi để
tìm kiếm sự hổ trợ chính trị, kinh tế của các quốc gia châu Phi trong các diễn
đàn khu vực và quốc tế.
Cả Trung Quốc và
Mỹ là hai cường quốc hàng đầu và có quyền lực nhất thế
giới hiện nay về kinh tế, chính trị, quân sự và trong các tổ chức quốc tế… Mặc
dù có sức mạnh tổng hợp như vậy, nhưng cả hai nước đều không tránh khỏi những
thách thức lớn trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới. Vị trí, vai trò của
châu Phi trong chiến lược của Mỹ và Trung Quốc
trong thế kỉ 21 là rất quan trọng. Cụ thể, Mỹ muốn củng cố địa vị siêu cường
duy nhất trên thế giới; trong khi đó, Trung Quốc cũng đang vươn lên trở thành
cường quốc trong khu vực châu Á và mong muốn vươn ra toàn cầu, vượt qua Mỹ trong tương lai gần. Cả Mỹ
và Trung Quốc là hai nước lớn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống
quốc tế, còn châu Phi là khu vực tập trung nhiều nước đang phát triển nhất thế
giới (chiếm ¼ quốc gia thành viên trong Liên hiệp quốc). Vị trí lớn của lục địa
đen sẽ giúp củng cố vai trò toàn cầu và địa vị nước lớn của Mỹ và Trung Quốc.
Thứ ba, cả Trung Quốc và Mỹ muốn gia tăng đáng kể và mở rộng xuất khẩu sang thị
trường châu Phi, nhất là các thị trường tiềm năng.
Châu Phi giàu
tài nguyên thiên nhiên và là thị trường đầy tiềm năng cho các nước lớn trên thế
giới để khai thác như Ấn Độ, Nhật Bản, EU…, nhất là Trung Quốc và Mỹ. Thông qua
quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và hổ trợ phát triển, cả Mỹ và Trung Quốc
ra sức cạnh tranh độc chiếm khu vực. Bên cạnh lợi ích về địa chính trị, châu
Phi nổi lên yếu tố địa kinh tế nên cả Trung và Mỹ có thêm những lợi ích kinh tế
ở châu lục, để truy cập tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ.
Từ năm
2000-2012, tỷ trọng khối lượng thương mại giữa Trung Quốc-châu Phi trong tổng
kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc tăng từ 2,23% đến 5,13%, trong đó hàng
hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi tăng từ 2,47% đến 6,23% và của Trung
Quốc xuất khẩu sang châu Phi từ 2,02% đến 4,16%. Về phía châu Phi, cũng thay đổi
đáng kể, từ năm 2000-2012, tỷ trọng khối lượng thương mại Trung Quốc-châu Phi
trong tổng kim ngạch ngoại thương của châu Phi tăng từ 3,82% đến 16,13%, trong
đó xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc tăng từ 3,76% đến 18,07% và nhập khẩu
từ Trung Quốc từ 3,88% đến 14,11%.
Trong năm 2012, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đạt 198,5 tỷ USD, với
42% xuất khẩu, 58% trong nhập khẩu.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong
năm 2009. Khoảng cách thương mại giữa Trung Quốc-châu Phi và Mỹ-châu Phi đã
phát triển theo cấp số nhân kể từ đó.
Trong năm 2012, tổng thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ đạt 99,8 tỷ USD, chiếm khoảng
50% của thương mại Trung Quốc-châu Phi cùng thời điểm.
Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi chủ yếu tập trung vào năng lượng và tài nguyên
thiên nhiên. Trong năm 2011, hơn 80% (93,2 tỷ USD) nhập khẩu từ châu Phi của
Trung Quốc bao gồm dầu thô, nguyên liệu và các nguồn lực,
châu
Phi đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Trung
Đông. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi chủ yếu là thành phẩm
như máy móc, dệt may và điện tử.
Năm 2013, quy mô thương mại Trung Quốc-châu Phi đã vượt
ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, lập mức cao mới trong lịch sử.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi là 92,809 tỷ USD,
tăng 8,8% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ châu Phi là 117,429 tỷ USD,
tăng 3,7%. Kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ châu Phi của Trung Quốc trong năm
2013 là 51,019 tỷ USD, chiếm 23,24% kim ngạch nhập khẩu dầu thô của nước này.
Châu Phi vẫn là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc.
Năm 2015, đạt 300 tỷ USD, hai bên phấn đấu đến năm 2020 đạt 400 tỷ USD.
1.2. Điểm khác biệt về lợi ích
Đối với Trung Quốc
Về chính trị, một khát vọng chính trị quan trọng của Trung Quốc
trong quan hệ với châu Phi là chấm dứt sự hiện diện ngoại giao của Đài Loan ở lục
địa, thay vào đó là sự công nhận Bắc Kinh. Đối với Bắc Kinh, đó là một vấn đề mang
tính hợp pháp cơ bản mà châu Phi chấp nhận chính sách một nước Trung Quốc. Hiện
nay, còn ba nước châu Phi duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan là Burkina
Faso, Swaziland và São Tomé và Príncipe. Trường hợp Gambia, được thiết lập quan
hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1974, khôi phục quan hệ với Đài Loan năm 1995,
nhưng lại cắt đứt quan hệ với Đài Loan 11/2013. Riêng Burkina Faso thiết lập
quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1973 nhưng đã chuyển sang Đài Loan năm
1994 và São Tomé và Príncipe thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 1992
và chuyển sang Đài Loan năm 1997. Trong quá khứ, Đài Loan đã thành công trong
việc giành sự công nhận từ một số nước châu Phi bằng chính sách kinh tế-tài
chính, như São Tomé và Príncipe (năm 1997, với một khoản vay 30 triệu USD),
Niger (1992, 50 triệu USD) và Chad (năm 1997, 125 triệu USD). Tuy nhiên, đến đầu
thế kỉ XXI, với nguồn tài chính đáng kể để Trung Quốc chiến thắng cuộc chiến
ngoại giao với Đài Loan và đã loại Đài Loan ra khỏi châu Phi. Trong năm 1996,
2006 và 2007, Niger, Chad và Malawi tương ứng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với
Đài Loan để thiết lập mối quan hệ chính thức với Trung Quốc.
Về an ninh, việc tăng cường sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc
trên lục địa đã tạo ra thách thức trong việc bảo vệ các khoản đầu tư của Trung
Quốc đang bùng nổ và công dân của nước này ở châu Phi. Đến nay, đây là một
trong những mối quan tâm an ninh hàng đầu của Trung Quốc ở châu lục. Trong
những năm gần đây, lợi ích kinh tế và công dân Trung Quốc đã gặp phải gia tăng
các mối đe dọa nghiêm trọng dưới các hình thức: Tấn công để cướp và bắt cóc như
ở Nigeria, Togo, Nam Phi, Cameroon...; Các cuộc tấn công mang động cơ chính trị
vào Trung Quốc như Nigeria, Ethiopia, Niger, Sudan, Mali...; Tấn công vào các dự
án của Trung Quốc do tranh chấp lao động và các hoạt động bất hợp pháp của các
công ty Trung Quốc như ở Zambia, Ghana...; Tấn công bởi cướp biển Somali. Ngoài
ra, các bất ổn chính trị tại châu Phi (như sự thay đổi chế độ, đảo chính quân sự,
chủ nghĩa khủng bố…). Ví dụ, cuộc đảo chính quân sự tại Liberia (2003) hay cuộc
nội chiến ở Lybia (2011), Trung Quốc phải hy động quân sự để sơ tán hơn 30.000
công dân Trung Quốc và hơn 1.000 vào năm 2014 sau khi một số đã trở về nước, ước
tính thiệt hại của Trung Quốc lên đến 20 tỷ USD do hợp đồng bị dỡ dang khi kí kết
với chính quyền Gadhafi.
Trung Quốc giống như bất kỳ quốc gia nào khác, theo đuổi lợi ích quốc gia riêng
của mình ở châu Phi và các nơi khác. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong một bài
phát biểu năm 2014 rằng “Chúng
ta cần phải bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc và tiếp tục nâng cao năng
lực của chúng tôi (Trung Quốc) để cung cấp sự bảo hộ đó”. Lợi ích an ninh của Trung Quốc
thường phù hợp với các nước châu Phi mà các nhà lãnh đạo châu Phi muốn tìm kiếm
như sự ổn định chính trị và mối quan tâm của Trung Quốc là vì lý do kinh tế.
Không phải ngạc nhiên khi Trung Quốc thường đóng góp quân đội cho hoạt động gìn
giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại các nước mà họ có lợi ích thương mại đáng kể
như Sudan (dầu), Nam Sudan (dầu) và Cộng hòa Dân chủ Congo (khoáng sản). Trung
Quốc đã tham gia vào các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden phụ vụ lợi ích của
chính mình. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang dần chuyển từ sự không can
thiệp để hướng tới một sự thích nghi thực dụng cho toàn cầu hóa về lợi ích kinh
tế và an ninh của Trung Quốc. Như
vậy, lợi ích an ninh của Trung Quốc là rất quan trọng, hoạt động của Trung Quốc
chủ yếu là để phòng thủ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và công dân của mình trên lục
địa. Việc bảo vệ quyền, lợi ích kinh tế và công dân của Trung Quốc ở châu Phi
có liên quan đến tính hợp pháp của Chính
phủ nước này, sự thành công hay thất bại trong vấn đề này sẽ đánh giá uy tín của
Trung Quốc bởi công dân của họ ở cả châu Phi và ở Trung Quốc.
Về vấn đề tư tưởng, trong thời kì Chiến tranh Lạnh
và trước khi cải cách mở cửa của Trung Quốc, ý thức hệ là một yếu tố chính quyết
định chính sách của Trung Quốc đối với các nước châu Phi.
Ngày nay, yếu tố này đã thay
đổi, thay vào đó là sự lôi cuốn về mô hình phát triển của Trung Quốc ở lĩnh vực
chính trị và kinh tế, như Trung Quốc áp dụng mô hình “Đồng
thuận Bắc Kinh” để đối nghịch
với “Đồng thuận Washington” đóng một vai trò quan trọng. Trung
Quốc sử dụng mô hình phát triển riêng của mình, kết hợp chủ nghĩa chính trị và
chủ nghĩa tư bản kinh tế, để chứng minh cho một số nước châu Phi về sự phát triển
kinh tế và ổn định chính trị có thể chiến thắng hệ thống dân chủ như kiểu
phương Tây. Từ quan điểm của Bắc
Kinh, sự phổ biến của mô hình Trung Quốc là cách tốt nhất để xác nhận tính khả
thi tính hệ thống của Trung Quốc. Một nhà phân tích Trung Quốc thuộc tại Đại học
Nhân dân Bắc
Kinh, Tao Wenzhao, đã viết công khai rằng: “Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể ở
châu Phi, đó là một quyền lực mềm không thể thiếu cho Trung Quốc trở thành một
cường quốc trên thế giới”. Trong ý nghĩa này,
Trung Quốc đã thực hiện một hình thức tinh vi nhằm hỗ trợ tính hợp pháp của Bắc
Kinh thông qua truyền bá và phổ biến mô hình phát triển của Trung Quốc. Bắc
Kinh không chỉ cho châu Phi thấy chỉ có mô hình dân chủ phương Tây là duy nhất
mà các Chính
phủ không dân chủ cũng phát triển và thịnh vượng ở châu Phi, đơn giản chỉ vì muốn
châu Phi xác nhận hệ thống chính trị của Trung Quốc và giảm thiểu sự cô lập quốc
tế bằng cách cho thấy rằng nền dân chủ phương Tây không phải là một giá trị phổ
quát và rằng hệ thống dân chủ phương Tây không phải áp dụng ở mọi quốc gia. Vì
vậy, bất kỳ thành công của các Chính
phủ độc tài ở châu Phi như Sudan, Zimbabwe, DRC và của chính họ coi là cấu
thành hỗ trợ cho tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy, khi Trung
Quốc thúc đẩy “dân
chủ hóa quan hệ quốc tế”,
sự thành công của cái gọi là Mô hình Trung Quốc và mối quan hệ với các nước
châu Phi không thuộc phương Tây và phi dân chủ đã trở thành một mục tiêu ngày
càng quan trọng cho cả mục tiêu chính sách trong và ngoại vi của Trung Quốc.
Đối với Mỹ,
Về chính trị, hướng
đến mục tiêu nâng cao và truyền bá giá trị phổ quát về tư tưởng dân chủ, Mỹ đã
tăng cường ủng hộ đa nguyên chính trị, truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân
quyền kiểu Mỹ vào châu Phi. Với nhiều chính sách khác nhau như thúc đẩy đa
nguyên dân chủ, xây dựng Chính phủ, xây dựng hệ thống pháp luật, thực hiện công
bằng xã hội và triển khai các biện pháp thực hiện đa dạng,
Mỹ đã thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu của Mỹ ở châu Phi như tăng cường ảnh hưởng,
mở rộng thâm nhập, lôi kéo tập hợp lực lượng và hổ trợ an ninh từ các nước châu
Phi đối với Mỹ.
Về quân sự, an ninh, cũng như các khu vực khác trên
thế giới, ở châu Phi, Mỹ
cũng phải đối mặt với một số diễn biến tiêu cực như môi trường, nghèo đói, chiến
tranh, tội phạm quốc tế (cướp biển, nạn rửa tiền, buôn bán ma túy), nhất là hoạt động của
các tổ chức khủng bố, Mỹ đã
tăng cường tham gia giải quyết xung đột, duy trì an ninh ở châu Phi.
Đặc biệt, việc tìm kiếm sự hổ trợ của các quốc gia châu Phi cho hoạt động quân sự (như thực hiện các chuyến
bay, tàu hải quân) được hạ tại các sân bay hay các cảng ở châu Phi. Mỹ đã duy trì một căn cứ quân sự ở Djibouti (tại Sừng châu Phi) chủ yếu là
để triển khai các hoạt động chống khủng bố Al-Qaida
và tổ chức khủng bố Hồi Giáo al-Shebab. Hiện ở Djibouti có thể chứa được
khoảng 4.000 binh sĩ Hoa Kỳ và các nhân viên quân sự khác. Hoa Kỳ coi đó như một
vị trí quan trọng trong khu vực để tấn công các phần tử chủ chiến tại Yemen,
Somalia và các quốc gia Đông Phi khác. Đây là căn cứ thường trực của quân đội
Hoa Kỳ tại châu Phi.
Mặt khác, Mỹ
cũng đã thành lập Bộ chỉ huy quân sự tại châu Phi (tại Sừng châu Phi) tương
đương với các Bộ chỉ huy quân sự ở châu Âu và Thái Bình Dương. Tại Sừng châu
Phi, dưới sự quản lí của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM - cơ quan chịu trách
nhiệm hoạt động quân sự tại Trung Đông, Trung Á, Sừng châu Phi). Các khu khác ở
châu Phi chịu sự điều hành của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Âu và Thái Bình
Dương. Việc thành lập Bộ chỉ huy nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược, an ninh năng
lượng của Mỹ tại châu Phi. Hơn nữa, điều này cũng giúp Mỹ phần nào kiềm chế ảnh
hưởng của một số cường quốc mới nổi như Trung Quốc đối với nguồn nguyên liệu dồi
dào ở châu lục, ngoài ra còn nhằm chống chủ nghĩa khủng bố, đối phó với các
thách thức đe dọa an ninh nước Mỹ. Đây là cách thức mà Mỹ nhằm tăng cường sự hiện
diện ở lục địa đen.
Kết luận
Qua phân tích
cho thấy, đối với Trung Quốc, lợi ích của châu Phi tập trung ở 4 lợi ích quốc
gia rộng lớn trong quan hệ với châu Phi (về chính trị, kinh tế, an ninh và tư
tưởng). (i) Về chính trị, Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi đối với
chính sách “Một nước Trung Quốc” của
Trung Quốc và chính sách đối ngoại trong các chương trình nghị sự quốc tế, đặc
biệt trên các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, WTO...;(ii) Về kinh tế, châu
Phi được xem như là một nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu và các cơ hội thị
trường đầy tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng trong nước của Trung Quốc; (iii) Về an ninh, sự hiện diện ngày càng
tăng của lợi ích thương mại của Trung Quốc tại châu Phi đã dẫn đến những thách
thức an ninh ngày càng tăng đối với Trung Quốc, như sự an toàn của các khoản đầu
tư và công dân Trung Quốc do các mối đe dọa từ sự bất ổn chính trị và xung đột
trên lục địa và (iv) Về tư tưởng, Trung
Quốc cũng chứng kiến sự quan tâm về tư tưởng cơ bản ở châu Phi, là sự thành
công của “mô hình Trung Quốc” ở các
nước châu Phi không dân chủ cung cấp hỗ trợ gián tiếp cho tư tưởng chính trị của
Trung Quốc và để khẳng định những lý tưởng dân chủ phương Tây không phải là phổ
quát.
Đối với Mỹ, (i) Về chính trị, an ninh, Mỹ tham gia
giải quyết xung đột, duy trì an ninh ở châu Phi, thúc đẩy tự do, dân chủ và
nhân quyền nhằm tăng cường gia tăng ảnh hưởng và tạo điều kiện thâm nhập vào
châu Phi, lôi kéo các nước châu Phi vào quĩ đạo của Mỹ trong các vấn đề quốc tế;
(ii) Về kinh tế, Mỹ thực hiện chính
sách thương mại, đầu tư và tài chính nhằm thực hiện các lợi ích phát triển kinh
doanh của các doanh nghiệp Mỹ, tiếp cận các nguyên liệu thiết yếu, nhất là dầu
mỏ và tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi để cạnh tranh với các cường quốc khác.
Như vậy, xét thấy
cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích chung ở châu Phi và các lợi ích riêng
biệt, điều này cho thấy châu Phi có tầm quan trọng đặt biệt cho cả hai cường quốc.
Cùng với sự có mặt của nhiều nước lớn khác ở châu Phi, một mặt làm ảnh hưởng đến
vị thế của hai nước, mặt khác làm gia tăng sự canh tranh giữa các nước, trong
đó có Mỹ và Trung Quốc ở lục địa. Từ các lợi ích chiến lược nêu trên, cả Trung
Quốc và Mỹ điều phải đưa ra các chiến lược để ứng phó, nhận thức mạnh mẽ sự gia
tăng ảnh hưởng của nhau ở châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng và cạnh tranh tại
lục địa đen trong bối cảnh mới.
Hiện tại Trung Quốc cũng đang liên kết với một số nước
châu Phi, nhất là Liên minh châu Phi để chống khủng bố, nạn rửa tiền và làm nhiệm
vụ giữ gìn hòa bình của Liên hiệp
quốc. Trung Quốc cũng
cho tàu hải quân hoạt động để chống cướp biển ở Vịnh Aden, đồng thời tăng cường
an ninh để bảo vệ “con đường Tây tiến”
của Trung Quốc đến lục địa, bảo vệ các hoạt động kinh doanh và người dân Trung
Quốc ở châu Phi. Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh và ban hành chính sách với
châu Phi (2006, 2011 và 2015) để thực hiện ý đồ đối với châu Phi và kích hoạt
các cuộc tranh luận trên thế giới… Với Mỹ vẫn là một cường quốc có ảnh hưởng và
có tiếng nói lớn nhất tại châu Phi, Mỹ tiếp tục tăng cường điều chỉnh chiến lược
với châu Phi qua các lĩnh vực chính trị an ninh và kinh tế. Vấn đề giải quyết
xung đột, duy trì an ninh, thúc đẩy tự do dân chủ, nhân quyền ở châu Phi được
tăng cường, gia tăng hoạt động quân sự để kiểm soát một số vị trí chiến lược ở
châu Phi, nhất là Sừng châu Phi, đồng thời thông qua các chương trình kinh tế
đa dạng để cạnh tranh với các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc. Mỹ cũng nhiều
lần đưa ra các kế hoạch trong nhiều năm và mới nhất là năm 2012, với 4 mục tiêu
chiến lược cho sự tương tác giữa Mỹ với khu vực: củng cố thể chế dân chủ; thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy hòa bình và an ninh; và
thúc đẩy cơ hội và phát triển, trong đó, nhấn mạnh các mục tiêu quan trọng là
tăng cường thể chế dân chủ và phát triển nền kinh tế của châu Phi như những nỗ
lực ưu tiên quan trọng cho khu vực.
Tài liệu tham khảo
1. Lauren Dickey
(2014), “China and the US Compete for Influence in Africa”, see: http://thediplomat.com/2014/08/china-and-the-us-compete-for-influence-in-africa/
2. Đỗ Đức Định
(chủ biên), (2012), Châu Phi và Trung
Đông những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật, Nxb. KHXH, Hà Nội.
3. Phạm Thanh Hà
và Nguyễn Vĩnh Thanh (2009), “Châu Phi trong chiến lược của các nước lớn những
năm đầu thế kỉ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu
châu Phi và Trung Đông, số 10(50), tháng 10/2009, tr.20.
4. Nguyễn Thanh
Hiền (chủ biên), (2011), Châu Phi: Một số
vấn đề kinh tế và chính trị nổi bật từ sau Chiến tranh lạnh và triển vọng, Nxb.
KHXH, Hà Nội.
5. Zachary Keck
(2014), “Five Reasons Why the United States Can’t Beat China in Africa”, see:
http://nationalinterest.org/feature/five-reasons-why-the-united-states-can%E2%80%99t-beat-china-africa-11094
6. Chris
Matthews (2014), U.S. in Africa: There's no race with China, see:
http://fortune.com/2014/08/06/africa-us-china/
7. An Nhiên
(2013), “Trung Quốc vượt mặt Mỹ mua chuộc châu Phi thế nào?”
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-vuot-mat-my-mua-chuoc-chau-phi-the-nao-3048494/
8. PRC (2013), China-Africa Economic and Trade Cooperation,
Information Office of the State Council, August 2013, Beijing.
9. Government
Accountability Office,
United
States (2013), “Sub-Saharan Africa: Trends” in U.S. and Chinese Economic Engagement, (February), see: www.gao.gov/assets/660/652041.pdf.
10. Yun Sun and
Jane Olin-Ammentorp (2014), “The US and China in Africa: Competition or
Cooperation?”, Brookings Institution Press, see:
http://www.brookings.edu/blogs/africa-in-focus/posts/2014/04/28-us-china-africa-policy-sun
11. Yun Sun
(2014), Africa in China’s Foreign Policy,
L. Thornton China Center and the Africa Growth Initiative, Brookings, 1775
Massachusetts Ave., NW, Washington, D.C. 20036, brookings.edu.
12. Witney
Schneidman (2013), Obama and Africa:
Guilt Trip or Pivot?, Brookings Institution Press, see:
http://www.brookings.edu/blogs/up-front/posts/2013/07/08-obama-africa-trip-guilt-schneidman
14. Shinn, David
H. (2012), “Assessing China’s Role and
Influence in Africa”, see:
http://www.internationalpolicydigest.org/2012/03/29/assessing-chinas-role-and-influence-in-africa/
17. “African
Expert Interprets the 55 Years of Si-no-African Relations”, China Talk,
http://fangtan.china.com.cn/2011-02/21/con-tent_21965753.htm
18. “商务部: 中非 贸易额 创新 高 正 逐步 改变 逆差 过多, China.com.cn, ngày 18/4/2013,
http://finance.china.com.cn/news/gnjj/20130418
No comments:
Post a Comment