Friday, February 6, 2015

1. NHẬN THỨC ĐƯƠNG ĐẠI CỦA TRUNG QUỐC VỀ ÂU CHÂU


Lời Mở Đầu

Sau gần hai mươi năm tê liệt, quá trình hội nhập Âu châu đã được tái khởi động với Hiệp Định mới về định chế Liên Hiệp Âu Châu (EU), đạt được vào ngày 19-10-2007 tại Lisbon. Nicolas Sarkozy, Tổng Thống Pháp, mới đây, đã lên tiếng kêu gọi 27 nước thành viên hãy ủng hộ quá trình sáng lập một Ủy Ban Các Thức Giã cao cấp (a high level Committee of Wise Men) để xem xét tương lai của Âu châu và khuyến nghị một viễn kiến minh bạch nhằm phát triển Liên Hiệp cho hai mươi năm sắp tới. Sứ mệnh của Ủy ban là thẩm định khả năng của Liên Hiệp Âu Châu trước những thách đố của toàn cầu hóa và tác động của một Trung Quốc đang trổi dậy.
Trong những năm gần đây, người ta đã thấy vô số những nghiên cứu về vấn đề nầy. Tuy nhiên, phần lớn đều do các tác giả nước ngoài, nhất là Âu châu. Rất ít công trình chú tâm đến những gì người Trung Quốc nghĩ về thế giới bên ngoài nơi đó Trung Quốc đang chiếm một vị trí ngày một ưu thế. Hơn nữa, người ta chưa từng gặp một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống để tìm hiểu người Trung Quốc đã nhận thức như thế nào về Liên Hiệp Âu Châu nói riêng và châu Âu nói chung. Đã hẵn đây là một đề tài “tuy hai mà một”, không thể nghiên cứu riêng rẽ mà không đánh mất ý nghĩa.
Đã hẵn, một cuộc nghiên cứu phản ảnh quan điểm của giới thức giã Trung Quốc – tự nó đã mang tính phiến diện – nhưng một phần nào vẫn có thể giúp giới lãnh đạo Âu châu điều chỉnh cái mà một bình luận gia Trung hoa gọi là xu thế hướng nội ngày một gia tăng đang ám ảnh người Âu và phương hại đến khả năng Âu châu giữ vai trò lãnh đạo trong sinh hoạt thế giới.
Ngày nay, Trung Quốc hình như đang cực lực hướng ngoại. Nền kinh tế hiện đang phát triển với tốc độ 11.5% mỗi năm. Nhiều người tin vào khoảng năm 2030, và có lẽ còn sớm hơn, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt lên vị trí số 1 của thế giới. Trong quá trình phát triển, dĩ nhiên Trung Quốc luôn đặc biệt quan tâm đến vai trò của Liên Hiệp Âu Châu. Kể từ năm 2004, Liên Hiệp Âu Châu đã là đối tác thương mãi hàng đầu, và tầm quan trọng của thị trường Âu châu ngày một gia tăng nhanh chóng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù một số bình luận gia đã nói nhiều về một đối tác chiến lược , và một số đối thoại và khung hợp tác đã được thảo luận trong hai thập kỷ qua, người ta phải đợi đến cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu- Trung Quốc năm 2006 ở Helsinki, các cuộc thảo luận về một Thỏa Ước Đối Tác và Hợp Tác mới (New Partnership and Cooperation Agreement – PCA), mới được khởi động. Điều nầy trái hẵn với hàng loạt thỏa ước “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Từ đó, tiến độ cũng chẳng mấy chóng vánh. Những cuộc thảo luận dự liệu diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh thứ 10 tại Bắc Kinh ngày 28-11-2007 và tiếp tục trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu của Pháp vào hậu bán niên 2008 (trong khoảng thời gian phiên họp thượng đỉnh thứ 11 dự liệu được triệu tập).
Công trình nghiên cứu nầy đặc biệt nhằm nêu rõ:
. Người Trung Quốc (TQ) cảm thấy Âu châu thiếu một viễn kiến chiến lược, và nội bộ còn lủng củng, những nhược điểm ảnh hưởng đến uy tín trong sinh hoạt thế giới. Âu châu không hiện diện như một trung tâm quyền lực chính trị, nhất là khi sánh với Hoa Kỳ.
. TQ muốn thấy một tiếng nói Âu châu thống nhất, như một thành tố trong quan niệm của người Hoa về một trật tự thế giới đa cực tương lai .
. TQ có một cách tiếp cận tinh tế đối với Âu châu, bao gồm một sự am hiểu thấu đáo về Liên Hiệp Âu Châu (EU) trong hai khía cạnh định chế và các xứ thành viên chính, cũng như nền văn minh Âu châu nói chung.
. Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Âu châu và TQ hiện hạn chế trong khuôn khổ song phương với từng quốc gia thành viên riêng lẻ. Tuy nhiên, EU như một thực thể ngày một quan trọng hơn đối với TQ về thương mãi và về nhiều khía cạnh kinh tế khác. Trong vòng 20 năm sắp tới, xét cho cùng, chỉ có EU như một thực thể mới có thể duy trì một vị thế thương nghị đứng đắn với TQ trong những địa hạt vừa kể.
. Người TQ xem sự ra đời của đồng Euro như một thành tựu rất ấn tượng. Họ tin vị trí của Âu châu trong tương lai sẽ tùy thuộc, trên hết, ở khả năng xây dựng một bản sắc quốc phòng và an ninh chung chặt chẻ hơn và tăng cường khu vực Eurozone – đặc biệt là với sự gia nhập của Vương quốc Anh.
. TQ xem kinh nghiệm Âu châu như một nguồn cảm hứng, tiếp sức cho sự hợp tác kinh tế cấp khu vực ở Á châu, nhất là trong tương quan với Nhật Bản.
. Âu châu vẫn còn rất hấp dẫn về văn hóa và, trong căn bản, không thoái bộ (trái với suy đoán của một số người Ấn và người Mỹ). Mặc dù người TQ cảm nhận Âu châu và Hoa Kỳ cuối cùng rồi cũng thắt chặt với nhau, họ vẫn luôn xem Âu châu và TQ như hai nền văn minh nòng cốt của thế giới, và từ góc cạnh nầy, xem Hoa Kỳ chỉ ở bên lề (marginal). Nhận thức nầy đem lại một căn bản chung đặc thù cho sự hiểu biết và cảm thông giữa người Âu châu và người Hoa. Người TQ nhìn Âu châu trong ý niệm EU là một tập thể căn bản và mong muốn được thấy EU mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, họ vẫn còn chưa nhất trí xem Nga trên căn bản là một cường quốc Âu châu.

KINH TẾ ÂU CHÂU: NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

1. Liên Hiệp Âu Châu: Quan hệ kinh tế then chốt của Trung Quốc

Người Trung quốc hiện nay rất quan tâm đến quan hệ kinh tế với Âu châu và Liên hiệp Âu châu (EU). Từ 2004, EU luôn là đối tác thương mãi đầu tiên của Trung quốc, chiếm 15% ngạch số ngoại thương năm 2006, với thương mãi song phương gia tăng 25% so với 2005. Nhìn chung, mậu dịch song phương giữa Trung quốc và EU đã gia tăng gấp 6 lần từ 1978, lên đến 255 tỉ Euro vào năm 2006. Ngược lại, Trung quốc hiện là đối tác thương mãi lớn thứ nhì của EU, chỉ sau Hoa Kỳ, và năm 2006 đã là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU, với ngạch số lên đến khoảng 192 tỉ euros, hay 14,4% tổng số nhập khẩu của EU, và gia tăng 21% so với năm 2005. Trong cùng khoảng thời gian, số xuất khẩu của EU qua Trung quốc đã gia tăng 23%, đạt ngạch số 63 tỉ euros (xem Bảng 1 đính hậu).
Sau đây là một số sự kiện đáng lưu ý:
(1) Năm 2005, Trung quốc là nước hưởng ưu đải lớn thứ hai trong chương trình Generalized System of Preferences -GSP (Hệ Thống Ưu Đải Tổng Quát Hóa), lên tới 10,3% tổng số nhập khẩu trong năm.
(2) Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2006, tổng số giao dịch thương mãi giữa EU (25 thành viên) và Trung quốc đã lên đến 231,4 tỉ euros. Trong số nầy, 178 tỉ (77%) từ Eurozone (khu vực Euro,12 thành viên). Điều nầy có nghĩa là thành viên của Eurozone chiếm đến 70% ngạch số khuy khiếm của EU với Trung quốc.
(3) EU là nguồn cung cấp lớn nhất cho Trung quốc các trang bị phẩm kỷ thuật cao và tư bản phẩm nói chung. Trung quốc đã tiếp nhận trên 40% tổng số nhập khẩu các sản phẩm loại nầy từ EU (so với 23% từ Nhật và 19% từ Hoa Kỳ trong năm 2006). Trong năm 2006, Trung quốc đã có đến 2.500 hợp đồng nhập khẩu máy móc trang bị từ EU, với trị giá trên 8,6 tỉ Euro.
(4) Đầu tư trực tiếp (Foreign direct investment – FDI) từ EU vào Trung quốc đã lên đến 3,7 tỉ Euro năm 2006. Trong những năm gần đây, các công ty EU đã gia tăng đầu tư vào Trung quốc, đem tổng số FDI của EU (với 25 thành viên) lên trên 31,4 tỉ Euro vào cuối năm 2005 (từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2007, 2,5 tỉ FDI từ Nhật và 1,8 tỉ từ Hoa Kỳ ).
(5) FDI Trung quốc đến Âu châu, trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 9, 2005, lên tới 130 triệu Euro, gia tăng 68% so với cùng kỳ trong năm 2004.

2. Phần lớn thương mãi là với các quốc gia thành viên riêng rẻ

Theo một số người Trung quốc được phỏng vấn, EU là một khối có khả năng đặt chuẩn mực và quy luật có ảnh hưởng toàn cầu, chẳng hạn như WTO. Tuy nhiên, trong mục tiêu kinh tế thực dụng, họ cảm nhận Trung quốc thà làm việc trực tiếp song phương với từng quốc gia Âu châu riêng rẻ hơn là với một Âu châu như một tập thể. Theo lời một doanh nhân Âu châu thường trú ở Trung quốc, Âu châu không có một đội túc cầu và người ta cũng không thấy hiện diện một đội ngủ doanh nhân Âu châu thống nhất khả dĩ lợi dụng tối đa các cơ hội do quá trình phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung quốc đem lại. Các công ty Âu châu cạnh tranh gay gắt với nhau, phương hại đến hình ành của tập thể. Trạng huống đó đã cho phép Trung quốc lợi dụng trong chiến lược hạ thấp lợi nhuận với toàn bộ Âu châu. Một ví dụ điển hình là hợp đồng xây tuyến đường hỏa xa cao tốc nối liền với phi cảng Thượng Hải. Một tập đoàn do công ty Siemens dẫn đầu đã trúng thầu, nhưng trong những điều kiện bất lợi hơn nhiều, vì phải cạnh tranh không những với một công ty Nhật mà còn cả với một nhà thầu Pháp.
Trong các xứ thành viên EU, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung quốc, chiếm 29% tổng số EU trong năm 2006. Mậu dịch đã gia tăng 25% từ 2005 đến 2006 với nhịp gia tăng trung bình 20-28% mỗi năm kể từ 1998. Trung quốc là đối tác số 10 đối với hàng xuất khẩu của Đức. Theo sự đánh giá của các doanh nhân Trung quốc, Đức được xem có nhiều ngành kỹ nghệ rất hiệu quả, với những công ty then chốt hoạt động trong các ngành kỹ nghệ xe hơi, hóa học (BASF và Bayer) và điện tử. Ngược lại, Anh quốc đứng thứ ba trong EU, với một thị phần 11% – sau cả Hòa Lan, xứ có nhập siêu lớn nhất Âu châu. Mậu dịch của Anh với Trung quốc đã gia tăng 25% từ 2005 và Anh là xứ có mức FDI lớn nhất EU ở Trung quốc. Các công ty Anh thành công nhất ở Trung quốc gồm HSBC (với 8% cổ phần trong Bank of Shanghai) và Royal Bank of Scotland (6% cổ phần trong Bank of China) trong khu vực tài chánh, và BG Group trong kỹ nghệ hơi đốt. Pháp đứng hàng thứ tư trong EU (9%) với 1.400 công ty hoạt động ở Trung quốc. Một số thành công lớn như bán 150 máy bay Airbus vào tháng 12-2005, trị giá 8,3 tỉ Euro, thỏa ước sản xuất liên doanh một phi cơ lên thẳng dân sự, loại 175, trị giá 300 triệu Euro, và thỏa thuận cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân EPR 1.600 MW do công ty Areva của Pháp vào mùa đông 2007.
Đối với vị giám đốc một công ty Âu châu lớn người Anh ở Thượng Hải, điều rõ ràng là “ba năm trước đây, CEO của công ty có thể dễ dàng gặp những bộ trưởng hàng đầu trong chính quyền Trung quốc”, nhưng “giờ đây, với tư thế một quốc gia thành viên (EU), thật khó lòng có đủ uy tín bằng tư thế chung với các chính quyền Âu châu khác”. Một nhận xét tương tự:”Tôi đã trở thành người Âu châu khi đặt chân đến đây”. Trong những dự án lớn, người Âu nên hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh.”Nói chung, Âu châu sẽ cần những tập đoàn vô địch nếu muốn đối đầu với thách đố do Trung quốc và cách làm ăn của người Hoa đem lại”. Đã hẵn, với một dân số 490 triệu, và tiềm năng mở rộng hơn nữa, EU, như một định chế, một thực thể, đương nhiên có thể là một “đối tác tự nhiên” với Trung quốc hơn là những thành viên riêng rẻ. Như một chuyên viên Trung quốc hàng đầu thổ lộ, mặc dù chúng tôi thủ lợi trước tình trạng phân tán chia rẻ, chúng tôi tiên liệu người Âu ngày một ý thức rõ chỉ khi nào họ đoàn kết hay thống nhất, họ mới có thể giữ được vị trí cạnh tranh hữu hiệu với Trung quốc”.

3. Liệu Âu châu có giữ được vị trí của mình?

Hầu hết chuyên viên kinh tế Trung quốc đồng ý, trong đoản kỳ, EU cần tiếp tục giữ vai trò đối tác thương mãi lớn nhất của Trung quốc. Tuy nhiên, một số tiên đoán, năm mươi năm sau, Trung quốc sẽ là cường quốc kinh tế số một của thế giới, kế đến là Ấn độ, rồi mới tới Hoa Kỳ và Nhật bản, mặc dù ‘điều nầy có thể đến sớm hơn nhiều’. Điều không ai nghi ngờ là ‘không một quốc gia Âu châu riêng lẽ nào sẽ lọt vào bốn nước đầu bảng’. Mặc dù ‘Âu châu nói chung vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất của thế giới’, địa vị tương đối của Âu châu ‘hiện nay thật bấp bênh’. ‘Rất có thể kinh tế Âu châu sẽ quan trọng hơn Á châu, ngoài Trung quốc và Ấn Độ, và cũng vượt cả Bắc Mỹ’. Dù sao, có lẽ phải đợi khoảng một thập kỷ sau ‘mới có thể xét đoán dễ dàng’. Một sử gia Trung quốc đã nêu rõ, ‘điều nầy có nghĩa một sự trở lại trạng huống hay mô hình kinh tế vào cuối thế kỷ thứ 18, khi Trung quốc chiếm giữ gần 30% thương mãi toàn cầu, với Ấn Độ đứng thứ hai với 15% – dĩ nhiên vào thời điểm châu Mỹ tiền-Columbus còn cô lập – kéo dài trong suốt phần lớn thời kỳ lịch sử đã được ghi chép’.Trong ba thập kỷ sắp đến, người Trung quốc đặc biệt quan tâm ba yếu tố mang tính quyết định nhận thức kinh tế của họ về Âu châu. Theo thứ tự quan trọng tiệm tăng, đó là diễn biến trong quan hệ thương mãi của họ với Hoa Kỳ, tăng trưởng trong trình độ hội nhập với các nền kinh tế lớn khác ở Á châu, và biến chuyển trong nền kinh tế quốc nội.

4. Âu châu, đồng đô la và khuy khiếm

Các quan sát viên Trung quốc, đã hẵn, rất e ngại trước áp lực ngày một gia tăng từ phía Hoa Kỳ , và cố nhiên, cả từ phía Âu châu, đòi hỏi Trung quốc tái định giá đồng nhân dân tệ (renmimbi), giảm bớt mức thặng dư trong cân thương mãi (hiện gia tăng 85% với thế giới bên ngoài trong 6 tháng đầu năm 2007), và mở cửa kinh tế tiếp nhận đầu tư của nước ngoài nhiều hơn. Một chuyên gia quen thưộc với những chuyển biến gần đây ở Hoa Thịnh Đốn nghĩ, nguy cơ ‘chiến tranh thương mãi thực sự hiện hữu’. Mối lo càng gia tăng với viễn tượng một Tổng Thống phe Dân chủ có nhiều cơ may lọt vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 1-2009. Bởi lẽ Trung quốc không thể xem quan hệ với Hoa Kỳ là ‘thuần túy kinh tế như chúng ta đang mong muốn’. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung quốc vẫn tin tưởng ‘quyền lợi của đôi bên đòi hỏi phải duy trì ổn định và phát triển, và tránh những bất trắc, nguy cơ của chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch’. Đối với người Âu châu, điều đặc biệt quan trọng trong địa hạt nầy, chính là việc người Trung quốc rõ ràng âu lo lập trường của EU sẽ ngày một gần gũi và đồng điệu với Hoa Kỳ trong những cuộc thương thảo trong tương lai hơn là từ trước đến nay. Người Trung quốc nghĩ ‘người Âu hiện nay hình như đang tha thiết với tự do mậu dịch hơn là người Mỹ’. Nhưng điều quan trọng là ‘Âu châu chắc chắn sẽ đi theo đường lối của Hoa Kỳ’ trong vấn đề nầy. ‘Chúng tôi không nghĩ là EU sẽ sửa đổi chính sách thương mãi với Trung quốc một cách đáng kể độc lập với Mỹ. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ quyết định đi theo đường lối bảo vệ nhiều hơn, chúng tôi tin EU cũng hành động tương tự’.
Một vài bình luận gia lấy làm ngạc nhiên về điều nầy. Xét cho cùng, ‘trên bình diện thuần túy kinh tế, Âu châu hiện đang có nhiều quyền lợi ở Trung quốc hơn là Hoa Kỳ’. Theo một nghiên cứu gần đây, rào cản của Trung quốc đối với xuất khẩu từ EU đã đánh mất 20 tỉ Euro mỗi năm, hay 30% tổng số. Ngạch số khuy khiếm trong thương mãi hai chiều lớn nhất của EU (lúc đó mới có 25 thành viên) là với Trung quốc. Con số nầy lên đến gần 128 tỉ Euro vào năm 2006, tăng 57% so với 2003. Trong chín tháng đầu năm 2007, ngạch số xuất khẩu của Trung quốc qua EU gia tăng 37% . Với Hoa Kỳ, con số nầy chỉ tới 16% – một phần phản ảnh sự lên giá của đồng Euro đối với tiền Trung quốc trong những quảng thời gian đó, trong khi đồng đô la lại bị mất giá. Đôi khi, các quan sát viên Trung Hoa xem đây như một dấu hiệu của ‘sự suy yếu và rời rạc bất nhất’ của Âu châu. Mặc dù đôi khi họ phóng đại thái quá trình độ và ý nghĩa của những lủng củng nội bộ EU về mậu dịch và chính sách hối đoái, nhưng chắc chắn nay họ rất mong muốn giao dịch với EU, giống như ‘chúng ta đang làm với Hoa Kỳ về các vấn đề tiền tệ và mậu dịch’.

5. Hướng tới một đối thoại chiến lược kinh tế vĩ mô

Vào tháng 6-2007, Nhóm High-Level Group (Nhóm Cấp Cao) về mất quân bình trong cân thương mãi EU-Trung quốc được thiết lập với mục tiêu soạn thảo một phúc trình sơ bộ cho cuộc họp thượng đỉnh Bắc kinh về các phương cách giải quyết tình trạng khuy khiếm ngày một gia tăng trong mậu dịch song phương. Đây là nổ lực bổ túc cho Đối Thoại Kinh Tế Tài Chánh thường niên nhằm tăng cường hiểu biết đôi bên. Cuộc họp thứ ba vào ngày 5-7-2007 đã trao đổi rộng rãi quan điểm về sự tương tác trong các chính sách thuế khóa và tiền tệ của Trung quốc và EU cũng như các cải tổ trong khu vực tài chánh Trung quốc. Đúng như một chuyên viên Âu châu nhận xét, nổ lực nầy ‘đúng ra phải đưa đến một cuộc đối thoại song phương về chiến lược kinh tế vĩ mô giữa Âu châu và Trung quốc tương tự như những cuộc đối thoại với Hoa Kỳ vào tháng 12-2006 và Nhật vào tháng 4-2007′. Tuy nhiên, phía EU rõ rệt có một vấn đề: sự thiếu nhất trí giữa Ủy Hội EU đại diện cho tất cả 27 thành viên và 13 xứ trong khu vực Eurozone. Trung quốc không thấy ai thực sự đại diện cho đồng Euro. Phải chăng đó là Ngân Hàng Trung Ương Âu châu (European Central Bank -ECB)? Quan hệ giữa Jean-Claude Trichet, Chủ Tịch ECB, và Joaquín Almunia, Ủy Viên Tiền Tệ và Kinh Tế (Economic and Monetary Affairs Cơmmissioner) hay với Jean-Claude Juncker, Chủ Tịch Nhóm Eurogroup như thế nào? Còn vai trò của Fernando Teixeira dos Santos, Bộ Trưởng Tài Chánh Bồ Đào Nha là gì? Lập trường sẽ ra sao khi chức vụ Chủ Tịch EU do một nước thành viên không ở trong khu vực Eurozone nắm giữ? Sự tương phản với việc đối thoại với Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Henry Paulson và với Thống Đốc Ngân hàng Dự trử Liên Bang Ben Bernanke là rất rõ rệt.

6. Vai trò Khu Vực Eurozone

Tuy nhiên, các nhà bình luận tài chánh Trung quốc nhìn nhận sự sáng lập và phát triển của đồng Euro có lẽ là thành công về định chế lớn lao nhất của EU. Họ tin rằng với sự ra đời của đồng Euro, mặc dù quá trình hội nhập chính trị Âu châu vẫn còn gặp nhiều gai gốc, hội nhập kinh tế Âu châu ngày nay không còn có thể đảo ngược. Họ cũng xác nhận đồng Euro là thành tố quan trọng nhất trong thế lực đối ngoại của Âu châu vì đồng Euro đã trở thành ‘một ngoại tệ dự trử có thể thay thế đồng mỹ kim’, một thứ tiền đem lại ‘nhiều lợi ích lớn lao như giảm phí tổn cho các xứ thành viên cũng như cho chúng ta’. Đối với nhiều người Trung quốc, một Eurozone mạnh mẽ hơn sẽ lôi kéo theo một thế giới ổn định hơn.Trong khi Trung quốc tiếp tục nắm giữ một số ngoại tệ dự trử khổng lồ và gia tăng nhanh chóng bằng đô la, một số người chờ đợi một sự thay đổi, mặc dù chỉ trong phương cách’phù hợp với chính sách tỉ suất hối đoái của chúng tôi’. Họ tin chắc là một sự tái định giá đơn vị tiền tệ đáng kể chỉ có thể xẩy ra cùng lúc với một cải cách hệ thống ngân hàng của mình. Họ tin quản lý quá trình điều chỉnh cần thiết đối với đồng Euro’có thể khó khăn hơn là với đồng đô la, bởi lẽ đồng Euro cũng gia tăng giá trị trên toàn cầu’. Họ tiên liệu đồng Euro sẽ trở thành một ngoại tệ dự trử và trong vòng 30 năm tới , thế giới sẽ chỉ có ba đơn vị tiền dự trử: nhân dân tệ, đô la và euro.
Các chuyên gia Trung quốc rất lấy làm ấn tượng về cách xử lý thành công vụ khủng hoảng trên thị trường tín dụng gần đây của Ngân hàng Trung Ương Âu châu (ECB). Họ cũng rất thán phục khi thấy Ủy Hội EU, ECB, và các xứ thành viên riêng rẽ đã đạt đồng thuận về tính minh bạch chờ đợi từ quỷ tài khoản tối thượng mới của Trung quốc – tập đoàn China Investment Corporation (Tập đoàn Đầu Tư Trung Quốc) thiết lập vào cuối tháng 9-2007 với tổng số vốn lên tới 200 tỉ mỹ kim. Cùng lúc, họ vẫn xem ‘đồng euro còn quá yếu như một định chế để có thể phát huy đầy đủ tiềm lực trên toàn cầu’. Như lời một chuyên gia Trung quốc, khu vực Eurozone sẽ không thể hoạt động hữu hiệu nếu không sớm giải quyết nhu cầu hội nhập sâu xa hơn nữa chính sách thuế khóa giữa các xứ thành viên. Hơn nữa, bất cứ một sự nới rộng khu vực Eurozone nào, nhất là đến các xứ thành viên mới , trong hiện trạng, quả thật là khá khó khăn. Ngược lại, sự khả dĩ gia nhập khu vực Eurozone của Anh quốc, nếu thật sự xẩy ra, sẽ là một khích lệ lớn lao gia tăng sức mạnh của đồng euro, và là điều Trung quốc rất hoan nghênh.

7. Hội nhập kinh tế Á châu: Quyền lợi của Âu châu và Trung quốc

Trong bối cảnh các cuộc thương nghị thương mãi và tiền tệ đầy cam go với Hoa Kỳ và Âu châu, các nhà nghiên cứu chiến lược Trung quốc muốn nói rõ , đối với họ, mậu dịch trong khu vực Á châu ngày một quan trọng hơn và Trung quốc sẽ là đầu tàu của sự phú cường của phương Đông, cũng như Âu châu có thể sẽ là đầu tàu của sự thịnh vượng Tây phương. Trung quốc và Âu châu đều giữ vị trí trung tâm. Trung quốc nhiều lợi thế hơn Ấn Độ vì có một vị trí địa lý thiết yếu giữa Bắc và Nam Á. Âu châu có lợi thế hơn Bắc Mỹ vì Âu châu là một bộ phận của Âu-Á hay Eurasia. Hơn nữa, Âu châu có sẵn một chương trình hành động nhằm bành trướng mà Hoa kỳ thì không.
Năm 2006, theo thống kê Trung quốc, 66% số nhập khẩu của TQ đến từ Á châu, và châu Á cũng là thị trường thu hút 47% số xuất khẩu của TQ (xem bảng 2 và 3). Mậu dịch với ASEAN+Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ấn Độ, chiếm 45% tổng số ngoại thương. Theo một nhà ngoại giao hàng đầu Trung quốc, con số nầy sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.Yếu tố quyết định là sự tăng trưởng trong các quan hệ kinh tế với Nhật. Năm 2006, Trung quốc đã trở thành đối tác thương mãi hàng đầu của Nhật, vượt qua Hoa Kỳ. Nhật chiếm 17,2% ngoại thương Trung quốc trong khi FDI Nhật chiếm khoảng 10% trong tổng số FDI đầu tư vào Trung quốc trong cùng năm. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật qua Trung quốc gia tăng 15,6%, trong khi nhập khẩuTrung quốc từ Nhật gia tăng 9%. Cho đến nay, khỏang 20.000 công ty Nhật đang hoạt động ở Trung quốc. Những khu vực quan trọng nhất là sản xuất xe hơi và điện tử.
Sự tăng trưởng trong mậu dịch song phương Trung quốc-Ấn Độ cũng rất quan trọng: năm 2006 , đạt 22 tỉ đô la (tăng 22% so với 2005, và so với 260 triệu đôla năm 1990). Trong 4 tháng đầu năm 2007, ngạch số thương mãi hai chiều lên đến 11,4 tỉ, gia tăng 57% so với năm trước. Thương nghị một thỏa ước mậu dịch tự do đã là ưu tiên hàng đầu. Lần trao đổi Trung quốc-Ấn Độ thứ 5 vào ngày 25-26 tháng 9 năm 2007 ở Bắc Kinh hình như đã vượt qua giai đoạn nghiên cứu khả thi và dọn đường cho sự hình thành một thỏa ước khởi động từ tháng 4-2005.
Ít ra đối với một số chuyên gia về chính sách thương mãi Trung quốc, trong trường kỳ, lô gic của những diễn biến vừa nói phải đưa đến sự trổi dậy của một xu hướng mới ở Á châu, tương đương với quá trình hội nhập kinh tế mà EU đã giúp hình thành ở Âu châu. Một cộng đồng Á châu đa phương nhằm gặt hái những lợi ích của một nổ lực hợp tác thương mãi được tăng cường, có thể bao gồm sự tạo dựng một đơn vị tiền tệ Á châu dựa trên kinh nghiệm của EU. Xu hướng nầy có thể dẫn đến một liên hiệp tiền tệ Đông Á và cũng có thể rộng lớn hơn. Âu châu đã phải mất gần 20 năm mới thiết lập được đồng Euro khởi đi từ một đơn vị tiền tệ chung cho Âu châu. Để thể hiện một hình thức Euro, Á châu chắc chắn phải mất một thời gian lâu dài hơn. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên tỏ ý nghi ngờ về khả năng nầy, tin rằng Nhật chưa sẵn sàng cộng tác với Trung quốc nhằm xây dựng một mô hình kiểu EU với một đơn vị tiền tệ duy nhất. Hơn nữa, với những khác biệt trong nhịp độ phát triển kinh tế trong vùng, chắc chắn còn nhiều trở ngại lớn lao trước khi đạt được đồng thuận.Tháng 1-2007, các xứ ASEAN ký thỏa ước mở cửa đón nhận thương mãi dịch vụ với Trung quốc, năm năm sau ngày đón nhận thương mãi hàng hóa. Khối ASEAN cũng đồng ý thiết lập một khu vực mậu dịch tự do có cả Triung quốc tham dự vào năm 2015. Khu vực mậu dịch tự do Trung quốc-ASEAN sẽ có một tổng dân số khoảng 1,8 tỉ, và sẽ trở thành một khối mậu dịch toàn cầu lớn thứ ba sau EU và Khu Vực Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ. Những suy diễn và vận động viễn kiến trên đây rõ ràng cho chúng ta thấy rõ tham vọng của Trung quốc ở Á châu nhiều hơn là sự lượng định của Trung quốc về Âu châu và EU. Tuy nhiên, các chiến lược gia Trung quốc chắc chắn đang xem những thành tựu của EU như một nguồn cảm hứng lớn lao đầy ý nghĩa cho sáng kiến hợp tác cấp vùng.

8. Âu châu và sự trổi dậy của Trung quốc như một siêu cường kinh tế

8.1. Tham vọng kỷ thuật của Trung quốc

Theo dự phóng của người Hoa, Trung quốc có tiềm năng phát triển trung bình 7%/năm trong vòng 20 năm tới (11,5%/năm trong 6 tháng đầu năm 2007).Trung quốc quyết chí trở thành một nền kinh tế kỹ thuật cao giống như Hoa Kỳ, khác với Ấn Độ chỉ mạnh về dịch vụ. Tham vọng nầy được thể hiện, đặc biệt nhờ ở sự phát triển của các kỹ nghệ mới về sinh học – loại kỹ nghệ nền tảng của cuộc cách mạng kỹ nghệ sắp tới do Trung quốc dẫn đầu – cũng như Âu châu và Mỹ châu đã dẫn đầu các kỹ nghệ mới về vật lý và hóa học vào đầu thế kỷ 20. Ngày nay, Trung quốc đang dẫn đầu trong ngành sản xuất táo (apples), và trên đường trở thành một trong những xứ sản xuất dâu xanh (blue berries), chè trái cây (jam), và các sản phẩm đông lạnh liên hệ, qui mô nhất. Bí quyết là sự quyết tâm theo đuổi công nghệ di truyền. Gạo biến đổi theo công nghệ di truyền chiếm 10% ngân sách dành cho ngành nghiên cứu công nghệ sinh học, trong khi Trung quốc có đến 3,5 triệu hectares trong tổng số toàn thế giới 102 triệu hectares đất dành trồng giống được sửa đổi theo kỷ thuật di truyền.
Người Trung quốc tin khoa học là cốt lỏi của ý niệm về chính quốc gia mình. Họ tin văn hóa của Trung quốc gần gũi và cởi mở đối với ngành nghiên cứu di truyền, nhất là y khoa, hơn là Tây phương. Họ chỉ trích thái độ chống đối các ngành canh tác dựa trên công nghệ di truyền của Âu châu. Họ e rằng trong tương lai Âu châu có thể thiếu khả năng cải tiến so với Hoa Kỳ, nếu Liên Hiệp Âu châu không mặn mà hơn với các dự án nghiên cứu lớn về sinh học và khoa học không gian. Hầu hết các khoa học gia Trung quốc trong những ngành nầy đều xem EU còn cần phải cạnh tranh nhiều hơn trong ngành giáo dục. Vào năm 2020, Trung quốc sẽ có 4 triệu sinh viên mới, gần gấp đôi con số nầy ở Hoa Kỳ và Âu châu. Hơn nữa, “Âu châu không hề có một Đại học nào tương đương với Massachusetts Institưte of Technology” và cũng không đánh giá đủ cao “tầm quan trọng chiến lược của một nền giáo dục tuyệt hảo”. Tuy nhiên, người Trung quốc biểu lộ những điều lo ngại nầy là vì họ xem Âu châu, với tiềm lực nghiên cứu khoa học lớn lao và một văn hóa khoa học phi chính trị và thế tục, như một đối tác trong quá trình phát triển khoa học của Trung quốc, có lẽ còn quan trọng hơn cả Hoa Kỳ. Như lời một chuyên gia TQ: “Trung quốc sẽ xét đoán EU theo khả năng như một trung tâm giàu khả năng khoa học và nguồn cung cấp công nghệ cao chính yếu, cũng như theo trình độ cởi mở trong việc theo đuổi những chương trình nghiên cứu chung với Trung quốc”.

8.2. Giai đoạn thương thảo kế tiếp với Âu châu

Một khía cạnh quan trọng khác trong viễn kiến phát triển kinh tế của Trung quốc sẽ là sự chuyển tiếp kỹ nghệ chế biến từ quốc nội ra nước ngoài, theo con đường trước đây người Nhật, ngưới Đại Hàn, và các cường quốc kinh tế đang lên đã trải nghiệm. Bên cạnh Châu Mỹ La Linh, Âu châu, đặc biệt là Trung và Đông Âu, các thành viên của EU là những trường hợp thật sự đáng lưu ý. Trong chiều hướng nầy, sự giao dịch của Trung quốc với Hungary hiện quan trọng nhất, với thương mãi hai chiều lên đến 4,6 tỉ vào năm 2006. Xuất khẩu Trung quốc qua Hungary tăng gấp bốn kể từ 2003, lên đến 3,8 tỉ năm 2006. Hungary cũng là nước chủ nhà của hơn 3.000 xí nghiệp Trung quốc. Chẳng hạn, Lenovo, một trong những doanh nghiệp máy vi tính lớn của Trung quốc, đã sản xuất chiếc máy vi tính để bàn PC thứ một triệu ở Hung vào năm 2007. “Hungary là cửa ngõ vào thị trường EU cho thương mãi, tài chánh, và du lịch Trung quốc.Trong chuyến công du ngày 4-9-2007 đến Trung quốc của bộ trưởng thương mãi Hung, một thỏa ước đã được ký kết theo đó Trung quốc sẽ thiết lập một Trung Tâm Thương Hiệu Trung quốc tại Budapest với một số đầu tư 250 triệu euro, để bán ở Âu châu các loại hàng sản xuất từ Trung quốc . Người Trung quốc cũng không chỉ giới hạn quyền lợi tại Trung Âu như một căn cứ chế biến tiềm năng các loại đồ điện, hay vải vóc. Họ còn tìm thấy ở đây nhiều cơ hội tốt cho các dịch vụ, khởi đầu với dịch vụ xây cất. Chẳng hạn, tháng 9-2007, công ty China International Industry Commerce Co Ltd – CIIC – đã ký một thư cam kết (letter of intent) xây một tòa nhà thương mãi 40 tầng ở Roumania và một thỏa ước đối tác thương mãi tham dự chương trình canh tân các phương tiện vận tải đường bộ.

8.3. Âu châu như một mô hình xã hội

Mặc dù với ‘sự lạc quan cơ bản không bờ bến’ về triển vọng kinh tế xứ sở, người Trung quốc cũng không choáng ngợp đến nổi không thấy những trở ngại vô cùng khó khăn họ đang đối diện trong quá trình hoàn thành mục tiêu trong những năm sắp tới. Để nuôi sống một dân số 1,3 tỉ , TQ tiên liệu, cho đến năm 2020, sẽ tiêu thụ 2/5 trên 55% số gia tăng tiêu thụ thịt trên thế giới. Với hơn 1.000 xe hơi mới đăng ký mỗi ngày chỉ trong phạm vi thành phố Bắc kinh mở rộng, nhiều đoạn đường chính trong hệ thống xa lộ gần như luôn luôn bị ùn tắc. Với 70% các thành phố bị ô nhiểm, phí tổn để duy trì không khí trong lành và nước sạch, ước tính lên đến gần 100 tỉ mỗi năm (hay 5,8% GDP), và bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác gia tăng nhanh chóng. Đây là 4 mối lo chính của TQ:
(1) Nhiều công ty quốc nội không đem lại lợi nhuận thích ứng (do đó rất dễ bị thương tổn khi có biến động bất lợi trong các thị trường chính).
(2) Bất bình đẳng trong xã hội ngày một gia tăng; và hố cách biệt giữa những vùng phát triển và những vùng thiếu phát triển trong nước (với 11 vùng cực Tây chỉ dành được 13% GDP, trong khi 10 vùng ven biển lại chiếm đến 58%).
(3) Sự lệ thuộc ngày một tăng vào những tài nguyên năng lượng từ bên ngoài. Trung quốc hiện đã là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên thế giới, nhưng số cầu vẫn tiếp tục gia tăng, 135% đối với dầu hỏa và 260% với hơi đốt từ nay cho đến năm 2025. (Vào năm 2020, 25% nhu cầu phải được đáp ứng bằng dầu lửa, 10% bằng hơi đốt, và 4% bằng năng lượng nguyên tử).
(4) Sự xuống cấp nhanh chóng của đất canh tác và nguồn nước (90% nguồn cung cấp nước ở đô thị và 62% sông ngòi bị ô nhiễm, trong khi tổng phí tổn cung cấp nước lên khoảng 1% GDP).
Người Trung quốc vững tin, hầu hết những vấn đề trên đều có thể giải quyết nhờ ở sáng tạo kỷ thuật. Về điểm nầy,’chúng ta rõ ràng có nhiều lòng tin hơn Tây phương’. Tuy nhiên, họ cũng thấy cần thực hiện nhiều điều chỉnh xã hội và hành chánh và ‘phát triển vừa phải và công bình’, một việc làm ‘rất khó khăn nhưng thiết yếu’. Trong bối cảnh đó, nhiều lúc họ tỏ ra băn khoăn còn nhiều điều phải học hỏi từ Âu châu, chứ không phải chỉ phương cách xây dựng những nhà máy năng lượng hạt nhân tốt nhất. Như di sản của biện chứng Marxist, một trí thức Thượng Hải nhìn Âu châu như một xã hội trung lưu nhiều hơn là Hơa Kỳ (căn cứ trên tiêu chí lợi tức được phân phối bình đẳng hơn). Lịch sử Âu châu ‘được định hình bởi sự nổi trội của tầng lớp trung lưu giống như những gì Trung quốc đang trải nghiệm hiện nay. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng ở một sự tăng trưởng theo chiều hướng nầy’. Vài nhà bình luận đã nêu rõ sự gặp gở giữa ‘sự khôn ngoan của chiến lược năm quân bình’ trong Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 11 (2006-10) và ‘ý tưởng của Âu châu tìm kiếm một thế quân bình giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội, cũng như giữa nhu cầu của nền kinh tế và xã hội và môi trường’.
Nếu những ý tưởng nầy được sớm phát biểu cụ thể, có lẽ là nhờ một số chuyên gia Trung quốc quan tâm học hỏi các cơ chế điều hành thị trường nội bộ của EU và quản trị các quỹ cơ cấu. Như một chuyên gia ở Bắc Kinh đã phát biễu: ‘về nhiều phương diện, Trung quốc cũng đa dạng và tản quyền (diverse and decentralized) như Âu châu’ và với tầm cở của mình, ‘có thể tìm thấy ở Ủy Hội Âu châu một nguồn cảm hứng và kinh nghiệm tiềm năng’. Tháng 10-2006, một Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding) đã được ký kết giữa Ủy Hội Âu châu và Ủy Hội Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia của Trung quốc (Chinese National Development and Reform Commission), khởi động một cuộc nghiên cứu toàn bộ các vùng ở Trung quốc.Trung quốc và Âu châu cũng đàm luận về những thách thức đặt ra cho một dân số già cỗi. Trung quốc đối diện với một dân số bất lợi không mấy khác với Âu châu. Dân số Trung quốc sẽ lên tới 1,44 tỉ vào nặm 2025, sau đó sẽ bắt đầu sụt giảm, xuống lối 1,39 tỉ vào năm 2050. Tháng 9-2006, Trung quốc và Âu châu tham dự một hội nghị bàn tròn đầu tiên về an sinh xã hội và khởi động Dự Án hợp tác EU-Trung quốc về Cải Cách An Sinh Xã Hội, nhằm nghiên cứu các áp lực ngân sách liên quan đến hệ thống hưu bổng và các hệ thống y tế và giúp phát triển một hệ thống an sinh xã hội khả thi rất thiết yếu cho Trung quốc. Đây là một địa hạt có thể trao đổi rộng rãi và có thể đưa tới một sự tham gia lớn lao hơn của Âu châu trong các khu vực y tế của Trung quốc.

9. Sự đánh giá của Trung quốc về kinh tế Âu châu

Như vậy, người Trung quốc lạc quan hay bi quan về tương lai kinh tế của Âu châu? Câu trả lời là cả hai. Họ sẵn sàng công nhận tiềm lực lớn lao của EU hơn những nhà quan sát Mỹ và Ấn Độ . Họ thán phục cơ sở thương mãi và khoa học đặc trưng của các quốc gia thành viên EU. Trong phạm vi đồng Euro và viễn ảnh tiếp tục quá trình mở rộng EU, họ tin tưởng Âu châu có sẵn những công cụ đặc trưng để sửa chữa sai lầm và nâng cao thịnh vượng, cũng như thích ứng với những nguy cơ tiềm tàng trong kinh tế thế giới như sự lan tràn chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch. Nhưng họ nghi ngờ khả năng của EU trong nổ lực thống nhất về chính trị thiết yếu cho sự duy trì và tăng cường những ưu điểm vừa nói. Theo họ, Âu châu còn có nhiều nhược điểm ngày một nghiêm trọng hơn – nhất là trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là cấp đại học, và thiếu tham vọng trong địa hạt khoa học và kỷ thuật, những nhược điểm đưa đến tình trạng thiếu quyết đoán, đôi khi dị ứng hoặc chống đối các công nghệ mới quan trọng về thương mãi. Điều đó là nguyên nhân đưa đến tình trạng thiếu tinh thần kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch. Tóm lại, vị thế kinh tế khách quan chung của EU rõ ràng là hùng mạnh trong căn bản. Các khó khăn của Âu châu phần lớn có thể tìm thấy trong phạm trù chính trị và văn hóa.

NHẬN THỨC CỦA TRUNG QUỐC VỀ CHÍNH TRỊ ÂU CHÂU

1. Đối tác Trung quốc-Âu châu: hướng tới một khung hợp tác mới

Tháng 5-2005, TQ và EU đã cử hành kỹ niệm thứ 30 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một dấu mốc rất ít ý nghĩa, bởi lẽ quan hệ song phương đúng nghĩa chỉ thực sự bắt đầu với cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung quốc đầu tiên vào năm 1998, một phần lớn do người Âu châu đang có nhu cầu nâng cao uy tín của đồng Euro sắp ra đời. Từ đó, họp thượng đỉnh đã trở thành một sự kiện hàng năm. Năm 2003, thỏa ước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược được ký kết, tiếp theo sau việc Trung quốc chỉ định đại sứ đầu tiên bên cạnh EU vào năm trước. Văn kiện chính sách 2003 của Ủy Hội Âu châu đính kèm thỏa ước nêu rõ kế hoạch hành động đầu tiên nhằm khởi động đối thoại chính trị , bao gồm việc duyệt xét các cơ chế hiện hữu và quản trị cấp vùng và toàn cầu cũng như các vấn đề an ninh. Trước đó, hai bên cũng đã có trao đổi bán chính thức các văn kiện vào năm 1994 và 2002 và nhiều thảo luận kế tiếp liên quan nhiều vấn đề như các cuộc họp cơ cấu với các ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU (nhất là Bộ ba EU – EU Troika), với các trưởng phái bộ và các chuyên viên kỷ thuật. Ngoài ra cũng có các cuộc Đối thoại về Nhân quyền năm 1995, và hợp tác khoa học năm 1998. Quan hệ EU-TQ cũng đã được quy định trước đó trong thỏa ước ký năm 1985, chủ yếu về thương mãi nói chung và vài đề mục kinh tế, mặc dù vẫn là khung pháp lý chính hiện nay.Tuy nhiên, kể từ năm 2003, và sau khi hợp tác kinh tế song phương ngày một gia tăng, tiến bộ phần nào đã nhanh chóng hơn.
Đặc biệt đáng chú ý là những tiến triển sau:
. Tuyên bố chung về các vấn đề môi trường đạt được sau phiên họp thượng đỉnh EU-TQ tháng 9-2005, khởi động một đối tác nhằm đối phó với hiện tượng thay đổi khí hậu qua sự hợp tác thiết thực và thành đạt một số kết quả cụ thể. Bản tuyên bố chung nầy được xem như bổ túc cho Thỏa Ước Khung LHQ về Thay Đổi Khí Hậu và Hiệp Nghị Thư Kyoto.
. Thỏa thuận hợp tác của TQ trong chương trình vệ tinh vận tải hàng hải Galileo của EU, ký kết vào tháng 10 -2003, và được khai triển thành đối thoại về khoa học và kỷ thuật không gian vào tháng 7-2006.
. Thỏa ước 8-12-2004: tuyên bố chung về vấn đề kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí.
. Thỏa ước 2005, tăng cường trao đổi về giáo dục trong khuôn khổ chương trình Erasmus-Mundus và hội thoại TQ-EU.
. Khởi động thương nghị Thỏa ước Đối Tác và Hợp Tác mới vào ngày 18-01-2007 ở Bắc Kinh, nhằm thay thế Thỏa Ước Thương Mãi và Hợp Tác Kinh Tế EEC-TQ 1985. Hiệp định khung nầy dự liệu bao gồm 22 khu vực và chuyên đề, kể cả năng lượng, môi trường, thương mãi, nhân quyền, và phản ảnh sự tiến bộ trong quan hệ song phương từ kinh tế đến chính trị.

2. Tại sao nhịp tiến triển lại chậm ?

Thành tích khiêm tốn nầy là do TQ thiếu hiểu biết sâu xa về bản chất của EU. Một vài bình luận gia Âu châu nêu rõ sự kiện không có một định nghĩa chính thức cho cụm từ “đối tác chiến lược” trong thỏa ước được đề nghị, như tượng trưng cho sự thiếu hiểu biết nầy. Một nhà quan sát khác lại cho rằng người TQ thường thích nhấn mạnh những điểm tương đồng hơn là những vấn đề gây tranh cải, vì vậy, rất khó thương thuyết đúng vấn đề. Trong thực tế, người TQ thường khá thoải mái với áp lực nhẹ nhàng hiện nay từ phía người Âu về nhân quyền, một đề tài tranh cải cổ điển. Đối thoại EU-TQ về nhân quyền, chẳng hạn, vẫn tiếp tục mặc dù đối thoại với Hoa kỳ đã đình chỉ từ năm 2001-02. TQ cũng chẳng xem sự căng thẳng thương mãi là một vấn đề, mặc dù điều nầy đang thay đổi. Người TQ giải thích những vấn đề nầy chủ yếu là do EU chưa sẵn sàng thay đổi giai đoạn 15 năm áp đặt, khi TQ gia nhập WTO vào năm 2001, trong thời gian nầy TQ được xem như một nền kinh tế phi-thị-trường. Nhưng vài nhà bình luận Âu châu có khuynh hướng xem đây như một vấn đề kỹ thuật liên kết với những lo ngại ngày một gia tăng về quyền sở hữu trí tuệ, hơn là một chướng ngại quan trọng đối với thỏa ước chiến lược.
Nếu người ta muốn nhận chân một đề tài quan trọng trong nhãn quan người TQ, đó chính là vấn đề cấm vận vũ khí do Tây phương áp đặt sau vụ đàn áp phong trào đòi dân chủ ở Bắc Kinh và vài noi khác ở TQ năm 1989. Đối với các quan sát viên TQ, việc EU chưa đáp ứng được điều kiện tháo gở cấm vận chứng tỏ trong tư duy chiến lược, người Âu châu không cảm thấy thoải mái với TQ. Điều đó cũng xác nhận hai cảm nhận căn bản của người TQ. Trước hết, nó phản ảnh những quan hệ chiến lược chặt chẻ giữa EU và Hoa Kỳ. Như một chuyên gia TQ nhận xét: ‘Chúng tôi nghĩ sau chiến tranh lạnh, quan hệ nầy đáng lẽ đã phải chuyển biến theo chiều hướng tách bạch rõ ràng hơn giữa chính sách đôi bên, nhưng trong thực tế, điều nầy đã không xẩy ra’. Cảm nhận thứ hai còn quan trọng hơn. Nó chứng tỏ sự vướng mắc, khó khăn trong thương nghị với EU hoặc trực tiếp như một thực thể, qua ‘Ủy Hội hay Hội Đồng, hoặc qua các phiên họp thượng đỉnh thường niên, hoặc gián tiếp qua thương nghị với từng thành viên quan trọng riêng lẻ’. TQ đã chờ đợi thái độ chống đối cấm vận của Tổng Thống Pháp Chirac, chẳng hạn, đã có thể đem lại một sự thay đổi chính sách. Vả chăng, người TQ cảm thấy ‘nếu họ đã không thành công trong thương nghị với tất cả các quốc gia Âu châu về vấn đề cấm vận vũ khí và không hiểu rõ quá trình quyết định tập thể của Âu châu về vấn đề nầy, thì đó chính là do EU như một thực thể, chứ không phải TQ, đã thiếu ý chí phát huy sự hợp tác và đối thoại chính trị đứng đắn’. Họ cũng lập luận tháo gở cấm vận sẽ giúp thu hẹp ngạch số khuy khiếm thương mãi vì Âu châu có thể bán cho TQ các công nghệ phi-quốc-phòng TQ đang cần, nhưng hiện nay, bị ngăn cản vì những lý do chính trị hơn là lý do an ninh.

3. Trường hợp công nghệ

Nhiều người TQ quả thật rất ca ngợi khả năng kỹ thuật của Âu châu. Họ tin hợp tác trong địa hạt nầy là đáng theo đuổi và ít rắc rối hơn là với người Mỹ.

Môi trường

Địa hạt nổi trội nhất chính là môi trường. Người TQ công nhận vai trò quán quân và lãnh đạo thế giới của Âu châu trong nổ lực đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu và ô nhiễm. Năm 2005, Đối Tác Thay Đổi Khí Hậu TQ-EU được khởi động, bao gồm hợp tác trong việc phát triển, dàn trải và chuyển giao công nghệ ‘low carbon’, như kỹ thuật tiền tiến đốt than không gây ô nhiễm, kiểm soát nắm bắt và tồn trử carbon (advanced near-zero emissions coal burning and carbon capture and storage). Thỏa ước còn dự liệu thăm dò tiềm năng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, vài bình luận gia TQ thấy cần phân biệt rõ ràng giữa các sáng kiến khoa học và kỹ nghệ vừa nói với sự tranh cãi rộng lớn hơn về vị trí của TQ trong việc đối phó với hiện tượng hâm nóng toàn cầu và ô nhiễm. Họ công nhận đường lối phát triển đất nước trong tương lai phải hiệu quả về năng lượng, và tình trạng ô nhiễm ở TQ chắc chắn sẽ gia tăng và phải được kiểm soát chặt chẻ. Những âu lo về chất lượng không khí trong thời gianThế Vận Hội, tổ chức vào tháng 8-2008, đã thúc đẩy TQ đề xuất, trong tháng 6-2007, chiến lược quốc gia đầu tiên về hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Chiến lược dự liệu sẽ cắt giảm 50 triệu tấn lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2010. TQ ước lượng sẽ vượt qua Hoa Kỳ về lượng khí thải vào năm 2008. Tuy nhiên, những biện pháp cứu chữa không thể phương hại đến tiến độ phát triển của nền kinh tế TQ. Như Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố trong dịp thủ Tướng Đức Angela Merkel viếng thăm, tháng 8-2007: ‘TQ đã chịu một phần trách nhiệm trong hiện tượng thay đổi khí hậu từ 30 năm nay, trong khi các xứ kỹ nghệ khác đã phát triển nhanh trong 200 năm qua’. Một nhà ngoại giao kỳ cựu cũng nhận xét: ‘TQ đang ở trong một vị thế tương tự như vị thế của Âu châu trong hai thập kỷ 1960s và 1970s, và sẽ phải tìm giải pháp để đối phó với những vấn đề ô nhiễm. Đây là lãnh vực trong đó EU và TQ có nhiều tiềm năng hợp tác chặt chẻ và rộng lớn, cũng như để đối đầu. Chúng ta phải ra sức xây đắp tiềm năng thứ nhất và tránh tai vạ thứ hai’.

Năng lượng hạt nhân

Một địa hạt, trong đó người TQ rất phấn khởi trước sự tiến bộ trong chương trình hợp tác với Âu châu, là năng lượng hạt nhân(thermonuclear fusion). Quyết định của TQ tham gia vào dự án Lò Phản ứng Nguyên Tử Thực Nghiệm Quốc Tế (International Thermonuclear Experimental Reactor – ITER) năm 2003 (góp một tỉ mỹ kim trong khi EU tài trợ 50% trong tổng số 12,8 tỉ quỷ tài trợ dự án) cho thấy ưu tiên ngày một cao TQ dành cho an ninh năng lượng và tác động của tình trạng lệ thuộc vào nhiên liệu than dầu (fossil fuels) trên môi trường . Tháng 8-2007, TQ là thành viên cuối cùng đã chuẩn y thỏa ước thành lập tổ chức ITER. Vài người Âu châu tỏ ý lo ngại TQ có thể dùng tổ chức nầy để chính thức hóa chương trình hạt nhân riêng của mình.Tuy nhiên, các bình luận gia TQ đã nói rõ, TQ được đón nhận vì thành quả nghiên cứu của chính mình trong địa hạt nầy. Tháng 9-2006, dự án EAST superconducting Tokamak thuộc Viện Vật Lý Plasma, Hàn Lâm Viện Khoa Học ở tỉnh Hefei, đã thí nghiệm thành công ‘plasma discharge’ lần đầu. Các nhà bình luận cũng nhấn mạnh khía cạnh môi trường của chương trình nghiên cứu hạt nhân chỉ là một phần trong quyết định của TQ hợp tác với Âu châu về môi trường.

Không Gian

Tháng 10-2003, TQ đồng ý gia nhập chương trình hệ thống vệ tinh vận tải Galileo, dự trù sẽ đi vào hoạt động năm 2013. (TQ là nước ngoài EU đầu tiên tham gia, tiếp đó còn có Israel, Ukraine, Ấn Độ, Nam Hàn và Morocco). TQ cam kết 200 triệu euro vào dự án, bằng phần đóng góp của các thành viên EU chính. Điều nầy đã đưa đến một loạt các dự án hợp tác giữa EU và TQ trong chương trình không gian và các địa hạt liên hệ. Một lần nữa, các bình luận gia Âu châu lên tiếng báo động điều nầy có thể giúp TQ phát triển hệ thống vệ tinh vận tải độc lập riêng của họ (hệ thống Beidou, lên đến 30 vệ tinh với quỹ đạo trung bình quanh địa cầu, và như vậy, đủ khả năng cạnh tranh thương mãi với hệ thống EU). Người TQ giải thích những e ngại đó (theo họ là thiếu cơ sở) chỉ phản ảnh những bất đồng quan điểm giữa người Âu châu với nhau về vấn đề tài trợ chương trình Galileo. Họ cũng cho biết TQ đã dành nhiều tài nguyên cho chương trình nghiên cứu không gian, một lãnh vực họ tin Âu châu cũng nên quan tâm đầy đủ hơn. Từ lần phóng vệ tinh có người lái vào năm 2003, TQ đã khai triển một chương trình tham vọng hơn. Chương trình bao gồm nhiều chuyến thám hiểm không-phi-hành-gia lên mặt trăng , để thăm dò đá giàu hàm lượng khí helium-3, một tiềm năng nhiên liệu cần thiết trong các lò phản ứng hạt nhân, và một chuyến gửi phi hành gia đổ bộ lên mặt trăng trong vòng 15 năm sắp tới (ngày 24-10-2007, tàu vũ trụ Chang’e I với quỹ đạo quanh mặt trăng đã được phóng trên hỏa tiển cải tiến Long March 3-A từ giàn phóng vệ tinh Xichang Satellite Launch Center), cũng như các kế hoạch xây dựng một cảng không gian qui mô mới ở phía Nam đảo Hainan. Cảng không gian nầy còn là một hệ thống phòng thủ không gian, như đã chứng tỏ qua vụ thử nghiệm hỏa tiển chống vệ tinh vào tháng 1-2007.

Trường hợp quốc phòng

Mặc dù cấm vận vũ khí, TQ vẫn tranh thủ sự hợp tác của Âu châu trong một số địa hạt liên hệ đến quốc phòng. Đặc biệt quan trọng là vấn đề kiểm soát nạn lan tràn vũ khí. Năm 2004, EU và TQ đã đưa ra một tuyên bố chung. Một đề án tiếp theo vào năm 2006 nhằm huấn luyện các viên chức quan thuế trong việc nhận diện và truy tầm các hàng hóa và vật liệu nhạy cảm cũng như trao đổi kinh nghiệm thực tế trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và khuyến cáo xem xét các sáng kiến chung EU-Á châu qua sự tham gia của diễn đàn ASEAN. Ngoài ra còn có sự trao đổi khiêm tốn về quân trang, quân dụng ngoài vũ khí (bị cấm vận). Tổng giá trị các giấy phép thuộc loại nầy lên đến 340 triệu euro năm 2004 – quan trọng nhất là 169 triệu với Pháp, 148 triệu với Anh. Ngân sách quân sự chính thức của TQ đã gia tăng từ 15 tỉ năm 2000 đến 46,4 tỉ năm 2007, với một tỷ lệ gia tăng 17,8% từ 2006, mặc dù vài nhà quan sát xem những con số trên đã loại ra ngoài những chi tiêu liên hệ đến quốc phòng như những tạo mãi từ nước ngoài.
Hơn nữa, sự quan tâm ngày một gia tăng của TQ, từ một cường quốc trên bộ đến một cường quốc trên biển, đã đưa đến những trao đổi với hải quân một số quốc gia Âu châu. Như một nhà bình luận giải thích, TQ rất tò mò về các truyền thống hàng hải và kinh nghiệm chiến lược của Âu châu, vì lẽ như một xứ lệ thuộc vào giao thương hàng hải để phát triển, TQ phải đối đầu với sự đe dọa lớn lao nhất cho sự trường tồn từ những khu vực bên ngoài biên giới của mình, và vì vậy, cần có một hải quân hùng mạnh để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Hải quân TQ có một trọng tải 790.000 tấn so với 475.000 tấn của Anh, và 308.000 tấn của Pháp. Mùa hè 2007, các tàu chiến TQ đã có một cuộc du hành kéo dài 87 ngày, kể cả thăm viếng Liên Bang Nga, Anh quốc, Pháp, và Tây Ban Nha. Các tàu hải quân TQ đã cùng hải quân hoàng gia Anh tổ chức một cuộc diễn tập đầu tiên với sự tham dự của một hàng không mẩu hạm, và là cuộc tập trận chung đầu tiên ở Đại Tây Dương. Sau đó, hải quân TQ còn có tập trận chung lần đầu tiên ở Địa Trung Hải với hải quân Pháp, lấy tên Hữu Nghị TQ-Pháp 2007. ( Năm 2006, Hải quân TQ cũng đã tham gia những cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn chung với hải quân Hoa Kỳ ở ngoài hải phận Hawaii vào tháng 9 và Nam Hải tháng 11).
Vài chuyên gia ngoại giao TQ nói rõ là, trong hiện tình, sự quan tâm của TQ với Âu châu trong địa hạt quân sự sẽ theo mẩu mực với Hoa Kỳ, bởi lẽ trên phương diện chiến lược, họ không có đủ lý do để phân biệt giữa Âu châu và Mỹ. Một ví dụ điển hình là sự hổ trợ rõ rệt của Anh và Pháp đối với sự quan tâm của Hoa Kỳ trước những tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn và Iran. Hai quốc gia hạt nhân của Âu châu đều hùa theo giọng điệu của Hoa Kỳ cả trong hai trường hợp: vai trò của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, và giọng điệu gay gắt của Hoa Kỳ đối với quan hệ của chính quyền TQ với Tehran . Âu châu rất có thể chuyển biến theo chiều hướng thống nhất và có một lực lượng quân sự hùng hậu hơn, lúc đó TQ mới xét lại quan hệ của mình. Đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, họ tin điều nầy khó thể sớm xẩy ra. Hậu quả của sự khả dĩ nầy có lẽ sẽ giảm bớt gánh nặng an ninh cho Hoa Kỳ, bởi lẽ người TQ không thể tưởng tượng trong một trạng huống nào đó, Âu châu sẽ đi ngược lại người Mỹ. Thực vậy, một chuyên gia Bắc Kinh còn nghĩ rằng TQ không nên loại bỏ một sự khả dĩ theo đó quan hệ an ninh hiện nay giữa Hoa Kỳ và các nước thành viên của NATO một ngày đẹp trời nào đó có thể biến dạng đến trìnhđộ Âu châu có thể giữ vai trò đàn anh.

5. Trường hợp thế lực mềm

Sự quan tâm rõ rệt và ngày một gia tăng cuả TQ đến ‘thế lực cứng’ đã thuyết phục các nhà quan sát Âu châu là TQ có rất ít thì giờ để nghĩ đến ‘thế lực mềm’, thứ thế lực chính của Âu châu trong sinh hoạt thế giới. Thực vậy, rất nhiều người chỉ trích thành tích của Âu châu trong vùng Balkan và Trung Đông. Như một bình luận gia đã nói, ‘ít ra cho đến nay, EU hoặc hoàn toàn vô hiệu, hoặc phải được người Mỹ tiếp sức, hoặc phục tùng người Mỹ’. Người ta cũng có thể nghĩ như vậy về sự xét đoán của người TQ đối với sự quan tâm của Âu châu về khủng hoảng Dafur. ‘Phê bình TQ, một gương mặt mới đến từ phía bên kia của thế giới – về sự thất bại của chính Âu châu trong một vùng kế cận mình, ở đó Âu châu đã giữ một vai trò áp đảo trong nhiều thế kỷ – là một điều sai lầm. Và cũng là một sai lầm khi Âu châu mong đợi Hoa Kỳ quan tâm hay nhảy vào hợp tác xuyên-Phi châu’.
Điều nầy càng khiến Âu châu âu lo hơn , nhất là quyền lợi kinh tế TQ, gia tăng nhanh ở Phi châu nói chung, đặc biệt ở vùng sub-Sahara, đang giúp duy trì các chế độ thối nát toàn trị phương hại cho nhân quyền và dân chủ. Bên cạnh việc TQ đang tài trợ và xây 1.500 cây số ống dẫn dầu đến cảng Marsa-el-Bashair ở Sudan, TQ còn đầu tư đáng kể, hoặc mua hoặc cho vay để dành quyền khai thác, các tài nguyên thiên nhiên ở Gabon, ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Zambabwe. Một vài chuyên gia TQ sẵn sàng giải thích sự kiện nầy như là ‘đạo đức giả của Âu châu’. Nhưng một phản ứng phổ thông khác là nhấn mạnh sự kiện TQ luôn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào nội tình các xứ khác, ‘ở châu Phi, điều đó không có nghĩa là thờ ơ, nhất là đối với khủng hoảng nhân đạo hoặc các điều kiện chính trị thuận lợi cho khủng bố’.
Cuộc họp thượng đỉnh EU-TQ tháng 9-2006 khuyến cáo thiết lập một đối thoại định kỳ cấp cao về Phi châu. Từ đó, vài chuyên gia đã cho thấy cũng có tiềm năng ‘trao đổi về các dự án hỗn hợp, như các chương trình hạ tầng cơ sở quan trọng’. Các nhà quan sát TQ rất muốn nêu rõ ‘TQ có kinh nghiệm có lợi cho các quốc gia đang phát triển’, và điều quan trọng là phải dành ưu tiên tuyệt đối cho phát triển kinh tế. Những thẩm định gần đây của TQ về Palestine, Iraq, Bắc Hàn, Iran, Sudan và Burma, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề chung về nghèo đói và thiếu phát triển như là điều kiện tiên quyết cho bất cứ mục tiêu chính trị nào khác. Chẳng hạn, ‘đầu tư của TQ ở Phi châu đã có thể đem lại nhiều phát triển kinh tế trong thập kỷ qua hơn tất cả các số viện trợ của Tây phương’. Thực vậy, cơ sở của ý niệm nầy là lòng tin của TQ rằng ‘mọi phát triển kinh tế bất cứ ở đâu cũng giúp cho phát triển và tiến bộ của chính TQ’, nhất là trong những xứ gần TQ hoặc TQ có nhiều quyền lợi thương mãi. Mặc dù cách tiếp cận nầy ‘hoàn toàn loại bỏ phương cách thay đổi chế độ như Hoa KỲ đã áp dụng ở Iraq’, đây chính là phương cách ‘đã cho phép TQ tham dự nhiều hơn trong các công tác gìn giữ hòa bình’. Khoảng 1.000 quân nhân TQ đã được gửi tới Lebanon. Quan hệ của các quân nhân nầy với các đối tác người Âu đã được mô tả là ‘rất hữu ích’. Vài nhà bình luận TQ hình như nghĩ rằng tất cả những điều nầy đã tạo nên sự xuất hiện một thứ chủ thuyết ‘thế lực mềm của TQ’ và một sự gặp gở trong chủ thuyết chính sách ngoại giao giữa EU và TQ. Theo một nhà phân tích hàng đầu TQ: ‘người Âu cũng đặt nặng tầm quan trọng của phát triển kinh tế và thương mãi như một khí cụ cơ bản của ảnh hưởng của họ và cũng chia sẻ cách nhìn của chúng tôi về tầm quan trọng của trao đổi văn hóa và duy trì sự đa dạng văn hóa’. Điểm nầy có thể tạo ‘một căn bản cho sự hiểu biết thông cảm sâu xa hơn’.

6. Vai trò của Âu châu ở Tây phương

Những cảm nghĩ vừa nói thường dễ tìm thấy trong nhiều phát biểu của người TQ, ‘cũng giống như các đối tác EU, các nhà tư duy chiến lược TQ nghĩ về quan hệ quốc tế tương lai trong khuôn khổ đa cực’ – ‘một khuôn khổ duy nhất, theo họ, sẽ có thể bảo đảm sự ổn định và tính khả dĩ tiên liệu’ cần thiết cho TQ ‘trổi dậy trong hòa bình’ với tới ‘địa vị thích hợp’ giữa các cường quốc hay các khu vực trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong thực tế, Weltanschauung của TQ trong cốt lỏi là luỡng cực. Như một nhà phân tích chính sách đối ngoại TQ nhận xét: ‘tay chơi duy nhất thật sự quan trọng đối với TQ là Hoa KỲ. Chúng tôi cũng muốn thấy một Âu châu hùng mạnh hơn trên thế giới’. Âu châu có thể trở thành một trong những cực của một trật tự đa cực nào đó, nhưng ‘yếu tố Hoa kỳ đang là một chướng ngại ngoại lai lâu dài làm vướng víu bất cứ một đối tác chiến lược nào giữa EU-TQ’. Những khoảnh khắc Âu châu tách khỏi Hoa kỳ như trường hợp đa số các thành viên EU trong vụ xâm chiếm Iraq luôn được hoan nghênh. Hy vọng nhiều khi được bộc lộ, hoặc ít ra hiểu ngầm, một thái độ tương tự có thể xẩy ra trước một khủng hoảng ,ví dụ, ở Taiwan. Trong mọi trường hợp, ‘Âu châu không được xem như có thể là một đối trọng, hoặc một thay thế, của Hoa Kỳ’.
Trạng huống nầy bắt nguồn từ EU thiếu cả hội nhập nội bộ lẫn thế lực đối ngoại. Âu châu hiện diện như ‘một ý tưởng hơn là một thế lực’. Với những giới hạn như vậy, quả thật rất khó lòng để xem Âu châu như một lực lượng thống nhất và chặt chẽ trên thế giới. Lý do là TQ hiện vẫn duy trì 27 chính sách riêng rẽ bên sau đối tác chiến lược Âu châu đang theo đuổi với TQ. Điều quan trọng hơn đối với TQ là xây đắp quan hệ song phương với từng quốc gia Âu châu, mỗi xứ có những phương cách làm việc riêng với chính quyền TQ. Theo Kishore Mahbubani, khoa trưởng trường Đại Học Lý Quang Diệu ở Singapore, TQ đã ‘nổi dậy như một tay chơi địa chính trị hết sức khôn lanh trên thế giới’, trong khi ‘EU chỉ là một diễn viên địa chính trị với một cơ cấu khập khiểng què quặt’. Nhiều chuyên gia TQ xem Âu châu ‘quá thủ thân, hướng nội và dành quá nhiều năng lực vào việc giải quyết những vấn đề nội bộ’ thay vì ‘hướng ngoại tham dự vào những sinh hoạt toàn cầu’, là ‘phương cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn vừa nói’. Yếu tố căn bản là ‘người Âu châu phải hoàn toàn thức tỉnh trước sự trổi dậy của Á châu nói chung, và TQ nói riêng’. Tuy nhiên, rõ ràng là Âu châu không có lợi lộc căn bản nào để hành động cạnh tranh với Hoa Kỳ vì cả hai đều là thành tố của Tây phương. Như một người TQ đã nói: ‘Xét cho cùng, trong nhiều khía cạnh, chúng tôi, người TQ, không phân biệt người Âu và người Mỹ về phương diện văn hóa, cũng như về văn hóa, người Âu cũng không phân biệt người TQ với người Nhật’.
Nhận xét trên có nghĩa, người TQ vững tin, sự sắp hàng của Nhật với Hoa KỲ hiện nay (một việc làm, nói theo từ ngữ thời chiến tranh lạnh, đã biến Nhật thành một bộ phận của ‘Tây phương’), khi có thời cơ, sẽ được thay thế bởi ‘một tình hữu nghị thắm thiết và hòa bình’ với TQ (một biến chuyển một lần nữa giúp Nhật trở về cương vị một phần của ‘Đông phương’). Điều nầy cho thấy có thể có một sự song hành trong sự chuyển biến khả dĩ (possible evolution) trong quan hệ Nhật-Mỹ và Hoa-Nhật. Từ năm 1945, và có lẽ sớm hơn thế, Nhật đã vượt qua TQ, cũng như Hoa Kỳ đã vượt qua châu Âu. Tuy nhiên, ngày nay, TQ đã lấy lại ‘vị trí lãnh đạo truyền thống về văn hóa, kinh tế và chính trị’. Liệu một điều tương tự có thể đến với Âu châu hay không? Đã hẵn là có thể, khi so sánh giữa mặc cảm tự ti và tự tôn lẫn lộn trong sự xét đoán hổ tương Hoa-Nhật và Âu châu-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu điều nầy xẩy ra, sự hồi sinh của Âu châu so với Hoa Kỳ, ít ra trong phạm vi chính trị, có lẽ phải mất một thời gian lâu dài hơn trong quan hệ Hoa-Nhật. ‘Trong hiện tình, tất cả những gì TQ có thể hy vọng là tạo một không gian đồng thuận đủ để giúp EU tỉnh táo không hành động trái với quyền lợi của chính mình, nhờ đó, có thể ảnh hưởng tốt đến chính sách của Hoa Kỳ’.

7. Nhận thức thay đổi của Âu châu và Trung quốc về Đông và Tây

Một số bình luận gia cho TQ đã có một định nghĩa quá uyển chuyển về Đông và Tây. Họ giải thích điều nầy như ‘quyết tâm của TQ không để cho các khu vực quan trọng khác trên thế giới vô tình trôi dạt vào quỹ đạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ’. Một chuyên gia khác lại cho đây là một dạng hiện đại của ý thức hệ Maoist ‘Hổ Trợ của Phương Nam’ (a modernized version of the Maoist ‘South Solidarity’ ideology) của thập kỷ 1960s và 1970s. Sự giao hảo của TQ với Phi châu sub-Sahara đã được ghi nhận. Quan hệ với Bắc Phi và vùng Trung Đông cũng khá quan trọng. Ngoài những sáng kiến đã được bàn đến trước đây, ở Sudan và Lebanon, công ty Thăm Dò Dầu Khí Quốc Gia TQ đã đầu tư vào nhà máy khai thác dầu Zarzaitine ở Algeria, với khả năng sản xuất 1,3 -2,5 triệu tấn dầu mỗi năm, và sẽ khởi công xây nhà máy lọc dầu gần Adrar. TQ cũng có sự hiện diện đáng kể ở Libya, lắp đặt một đường ống dẫn dầu và hơi đốt dài 500 cây số. Ngoài ra, từ lâu TQ đã có nhiều trao đổi , đầu tư và quyền lợi quan trọng về dầu khí, cả về bán vũ khí cho Saudi Arabia, và trên hết, với Iran.
Âu châu và Hồi giáo, cả hai đều được người TQ hiểu như những thành tố của thế giới địa lý và tôn giáo của văn minh Tây phương, vì vậy, Bắc Phi và Trung Đông là những phân bộ trong quỷ đạo chiến lược của Âu châu. Tuy nhiên, hậu quả đặc trưng của tình trạng nầy là gì thì chưa rõ ràng. Có lẽ, như một quan sát viên ở Singapore đã nói thẳng thắn: ‘Hồi giáo là một vấn đề của Âu-Mỹ’. Tuy nhiên, một cái nhìn như vậy hình như đã quên bẳng không những kinh nghiệm của Ấn Độ mà cả kinh nghiệm dài lâu và cực kỳ quan trọng của TQ về thiểu số Hồi giáo, chưa nói gì đến Malaysia và Indonesia – những kinh nghiệm rõ ràng vô cùng quan trọng đối với quyền lợi của TQ.
Sự kiện TQ sẵn sàng tin tưởng Tây phương đang thay đổi có lẽ đã được chứng minh một cách rõ ràng nhất qua quan hệ với Nam Mỹ. So với Phi châu, quan hệ nầy sâu xa hơn rất nhiều, mặc dù châu Mỹ La Tinh rõ rệt là gần gũi với văn hóa Âu châu hơn hẵn Phi châu sub-Sahara. Gần 50% FDI của TQ tập trung ở Nam MỸ và nhiều người tiên liệu thương mãi hai chiều sẽ đạt 100 tỉ trong vòng 5 năm tới. TQ cũng hoan nghênh ảnh hưởng gia tăng của Á châu ở Nam Mỹ nói chung ( chẳng hạn, tháng 9-2007, Nhật đã ký một thỏa ước đối tác kinh tế chiến lược và thương mãi tự do với Chile, thỏa ước đầu tiên loại nầy trong vùng, trong khi Brazil là xứ thứ 11 cho đầu tư trực tiếp của Nhật), như một ‘báo hiệu cho những gì sẽ xẩy ra trong trường kỳ, ngay cả ở Bắc Mỹ’ với ‘những hậu quả địa chính trị vô cùng quan trọng’.
Điều TQ quan tâm hơn cả là sự hội nhập và liên kết chặt chẻ của Á châu, nhất là Đông Á. Vài người xem đây là cách giải quyết chính sách bao vây họ cảm nhận qua quan hệ ngày một gần gủi hơn giữa Nhật và Ấn Độ. Một số khác giải thích theo chiều hướng ý thức hệ, như một sự thức tỉnh của tinh thần liên đới Á châu.Theo Wu Jianmin, viện trưởng Viện Đại Học Ngoại Giao Trung Quốc, quan hệ Hoa-Nhật cần được un đúc trong tinh thần 2.000 năm lịch sử giao thương giữa hai nước. Suốt thời gian đó, bang giao giữa hai quốc gia xét chung khá tốt. TQ nên đi theo dòng suối hòa bình với Nhật. Khi làm như vậy, gương thành công lớn lao của EU – đã làm cho chiến tranh ở Âu châu không thể xẩy ra, đặc biệt là giữa Pháp và Đức – được xem như rất đáng noi theo.Theo một chuyên gia khác, sự chấm dứt chiến tranh lạnh ở Âu châu, và sự tái thống nhất của Đức cũng là những kinh nghiệm điển hình khác cho bán đảo Triều Tiên, và quan hệ của Triều Tiên với TQ và Nhật. Như vậy, kinh nghiệm dùng hội nhập kinh tế như một phương tiện giải quyết những thù nghịch chính trị và bất ổn là một nguồn cảm hứng để theo đuổi một sự hợp tác chặt chẻ hơn giữa TQ và Nhật Bản, cũng như ý tưởng hội nhập lớn lao hơn cho phần còn lại của Á châu.

8. Sự bánh trướng của EU

Chính vì lý do nêu trên, các chuyên gia TQ rất quan tâm đến cơ chế mở rộng EU. Một số xem đây như lợi thế chính trị và kinh tế lớn nhất của EU đối với Hoa Kỳ. Họ còn thấy con đường mở rộng Âu châu hơn nữa là yếu tố quyết định cho qui chế tương lai như một thực thể hùng cường có ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, một số khác lúc đầu lại băn khoăn trước sự gia nhập của các quốc gia cộng sản Đông Âu trước đây (bởi lẽ điều nầy phương hại đến nhận thức của họ về EU như một câu lạc bộ của các nước giàu). Mặc dù ngại ngùng còn dai dẳng, hiện nay, ngày một nhiều người hơn công nhận diễn tiến mở rộng là một thành công và viễn ành quá trình mở rộng tiếp tục là một biểu lộ tiềm lực lớn lao của Âu châu. Vài chuyên gia còn hăm hở trước triễn vọng gia nhập EU của Thổ Nhi Kỳ, xem đó như một diễn tiến tự nhiên. Một số khác lại nhấn mạnh có lẽ TQ còn hiểu rõ hơn Âu châu: ‘Thổ Nhị Kỳ không chỉ là một cầu nối với Trung Đông mà cả với Trung Á’. Cùng một cảm nghĩ và mong mỏi cũng được bày tỏ về mối quan hệ gần gũi hơn của Âu châu với các xứ trong vùng Maghreb, Tây Bắc Phi châu, và có lẽ với nhiều xứ khác ở Trung Đông. Một nhà quan sát TQ còn muốn EU nên cố gắng nhiều hơn để giao hảo với cả Israel song song với các xứ Hồi giáo, để cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu EU rồi ra có mở rộng đến tất cả các xứ Đông Âu, Belarus và Ukraine và, lâm thời, có lẽ cả Liên Bang Nga?
Như vậy, phải chăng TQ xem Nga như Âu châu? Nga luôn là đối tác truyền thống của TQ, xứ cung cấp vũ khí và năng lượng quan trọng hơn cả. Nga đã cung cấp 80% vũ khí nhập khẩu của TQ và là nước cung cấp dầu lớn thứ năm trong năm 2006. Trong năm 2005, TQ và Nga đã có cuộc tập trận chung lớn đầu tiên kể từ khi Mao Trạch Đông cắt đứt quan hệ với Liên Bang Xô Viết. Nhiều người nghĩ,’trong mắt người Nga, mối lợi bán vũ khí cho TQ chưa chắc đã tương xứng với nỗi lo âu về quyền kiểm soát Siberia trong tương lai – mối lo âu ngày một gia tăng với sự hiện diện ngày một đông đảo người Hoa trên lãnh thổ Nga, nhất là Vladivostok, Khabarovsk, Irkutsk, và ngay cả Moscow. Phía TQ cũng có nhiều e ngại. Mặc dù có nhiều thỏa ước quan trọng với Nga trong những năm gần đây, chẳng hạn thỏa ước năm 2006 thiết lập một đường ống dẫn 80 tỉ thước khối hơi đốt mỗi năm nội trong 5 năm, Bắc Kinh cũng khá dè dặt khi lệ thuộc quá nhiều vào số năng lượng do Nga cung cấp. Quan hệ của TQ đối với Nga liên kết chặt chẻ với quan hệ với Trung Á . TQ rất tin tưởng sự liên kết nầy trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO). Tuy nhiên, như một bình luận gia Âu châu nhận xét, từ khi thành lập vào năm 2001, SCO đã phát triển được rất ít sự hợp tác tăng cường nầy.
Vài chuyên gia TQ hình như tin nền kinh tế Liên Bang Nga vẫn ở trong tình rạng mất thăng bằng, lệ thuộc quá nhiều vào sản xuất năng lượng và rất dễ tổn thương trước những hậu quả bất lợi của một dân số sụt giảm. Giới thức giả Nga cũng bị đánh giá là bất cập trước những thách thức hồi sinh của một quốc gia vĩ đại. Những nhược điểm nầy, mặc dù gây nghi ngờ về khả năng duy trì địa vị một đại cường, vẫn chưa phải là chỉ dấu cho thấy trong tương lai Nga sẽ hướng nhiều hơn về Tây phương hay Đông phương. Các chuyên gia thường trú ở Bắc Kinh nghiêng về giả thuyết của TQ – Nga là Âu châu. Điều nầy có nghĩa là sau Ukraine, Nga rất có thể trở thành một đối tác thân cận , ngay cả một thành viên của EU. Đã hẵn, một khi Nga gia nhập EU, nếu điều đó thực sự xẩy ra, đó sẽ là một thành tựu lớn và tích cực của Âu châu. Tuy nhiên, các nhà quan sát thường trú ở Thượng Hải, có lẽ chú tâm về kinh tế nhiều hơn là xu hướng chính trị hay văn hóa, tin tưởng Nga đã thất bại như là một quốc gia dân chủ kiểu Tây phương. Mặc dù Nga có thể tự xem là Âu châu hay chưa có quyết định, Nga chắc chắn đang chuyển dịch về hướng Á châu.

9. Triển vọng của EU

Nhu cầu một viễn kiến chiến lược mạch lạc cho Âu châu
Những phân tích trên đây hình như chỉ đưa đến một nhận thức chính trị thiếu mạch lạc về Âu châu, một nhận định cùng lúc rất bi quan và cũng rất lạc quan. Nói chung, các chiến lược gia TQ cảm nhận một Âu châu thống nhất hơn có thể thích ứng dễ dàng vào quan niệm một thế giới hài hòa của TQ. Mặc dù duy trì những quan hệ song phương với từng nước thành viên riêng lẻ có nhiều điều lợi, nhiều người TQ vẫn nghĩ cuối cùng họ thà giao hảo với một Âu châu thống nhất, một Âu châu có chung một tiếng nói. Một số đồng ý với các bình luận gia Âu châu, theo đó, nếu Âu châu không muốn bị lép vế bởi Hoa Kỳ trong những giao dịch với TQ, Âu châu phải đủ sức thay đổi đường lối đơn thuần kỷ thuật để bao trùm cả khía cạnh chính trị , nhưng điều nầy chỉ thực hiện được khi khai triển được một tiếng nói chung về chính sách ngoại giao mạnh mẻ hơn cho Âu châu. Nói chung, thỏa ước cải cách định chế mới là một bước tiến đáng kể theo chiều hướng nầy. Với sự giải quyết các vấn đề thủ tục gặp phải trong quá trình mở rộng Liên Hiệp, điều đó sẽ cho phép Liên Hiệp điều hành nội bộ một cách hiệu quả hơn. Thỏa ước dự liệu nhiệm kỳ chủ tịch EU là hai năm rưởi, tối đa hai nhiệm kỳ, và một quan chức đại diện chính sách ngoại giao cao cấp với quyền hạn gia tăng, sẽ đem lại cho Âu châu thêm một cơ chế quan trọng cần thiết trong lãnh vực đối ngoại.

Quốc phòng, đồng Euro, và mở rộng Liên Hiệp

Ba địa hạt chính sách đặc biệt sau đây sẽ quyết định uy tín của EU trong những năm tới:
(1) Tiến bộ trong việc hình thành chính sách an ninh và ngoại giao chung cho Âu châu. TQ sẽ đặc biệt quan tâm đến chiều hướng biến chuyển thuận lợi cho Âu châu trong cán cân quyền lực giữa người Âu và người Mỹ bên trong NATO , với một thành tố Âu châu hùng mạnh hơn, và vai trò những định chế EU trong việc hoạch định và thi hành một chính sách thống nhất và mạch lạc về ngoại giao và an ninh chung . Điều nầy đòi hỏi trước hết những quan hệ chặt chẻ hơn giữa Anh quốc và Pháp.
(2) Tiến bộ của đồng Euro như một phương tiện dự trử toàn cầu ( nhiều chuyên gia xem đây như là một tiến bộ chính trị cũng như kinh tế).
(3) Nhịp độ và kích thước mở rộng Liên Hiệp. TQ mong muốn được thấy tiến trình mở rộng sẽ diễn tiến theo chiều hướng gia tăng thay vì giảm bớt trình độ kết hợp nội bộ và mục tiêu đối ngoại mạch lạc và rõ ràng. Trong trung hạn, một xứ đặc biệt quan trọng là Ukraine, như một bước tiến tới một quan hệ EU-Nga chặt chẻ hơn.
Tưởng cũng cần nhắc lại là nhiều nhà quan sát TQ vẫn nghi ngờ EU có đủ khả năng vượt qua các nhược điểm vừa nói. Âu châu rất chia rẽ và đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, nhiều người tin với thời gian, những khó khăn nầy có thể được khắc phục. Vì vậy, mặc dù không ai có thể tiên đoán thời gian chuyển tiếp sẽ kéo dài bao lâu, nhưng cuối cùng, tương lai của Âu châu vẫn luôn sáng sủa.

NHẬN THỨC CỦA TRUNG QUỐC VỀ VĂN HÓA ÂU CHÂU

1. Tha hóa hay Di thất văn hóa (Cultural estrangement)

Một sự kiện rõ ràng là mặc dù rất quí mến người Âu, người Hoa từ lâu đã tích lũy một số cảm nghĩ khó chịu mang tính lịch sử – một di thất hay tha hóa văn hóa nhuốm màu sắc nghi ngờ. Cảm nghĩ khó chịu nầy đôi khi được bộc lộ dưới hình thức giận dữ trước sự đưa tin của các cơ quan truyền thông Âu châu về một số vấn đề như nhân quyền, sản phẩm nhái, tình báo kỹ nghệ, hay ô nhiễm môi trường . Họ tin, đối với các cơ quan truyền thông Âu châu, ‘TQ chẳng bao giờ làm được điều gì đúng’.Người Hoa đặc biệt có cảm nhận các nhà bình luận Âu châu về TQ ‘thường không mấy quan tâm đến văn hóa hoặc lịch sử TQ’ và ‘càng ít quan tâm hơn đến những khía cạnh phức tạp và mâu thuẩn trong quá trình phát triển của TQ hiện nay’. Như một chuyên gia đối ngoại TQ đã nói, ‘thái độ cao ngạo đó được xem như quá tầm thường và nhàm chán’. Ngược lại, người ta rất ưa thích những nổ lực của Âu châu giao lưu với văn hóa TQ đương đại, như ‘Năm Trung Quốc’ ở Pháp vào các năm 2003-04, tiếp theo đó là những chương trình tương tự ở Ý năm 2006 và Liên Bang Nga năm 2007. Như Kerry Brown, một chuyên gia Âu châu về TQ, đã gợi ý, ‘một Năm Âu châu ở Trung Quốc cũng cần được cổ súy’.
Mặc dù những sáng kiến vừa nói trong từng quốc gia là đáng trân quí, nhiều người TQ nghĩ ‘có nhiều địa hạt và cơ hội để hợp tác chân thành giữa EU và TQ trong lãnh vực văn hóa’. Như một sử gia TQ đã phát biểu:’ Chúng tôi cảm thấy phần lớn sự ngộ nhận hiện nay giữa chúng ta và người Âu bắt nguồn từ chỗ Âu Châu gặp khó khăn nắm bắt tầm cở những gì chúng ta đang làm để hiện đại hóa đất nước, và từ đó, tầm cở những trở lực chúng ta phải vượt qua. Điều nầy hình như không phải là một vấn đề đối với người Mỹ’. Nếu người Âu hiểu được ‘tầm cở dự án to lớn hội nhập toàn lục địa của họ’, nếu họ dấn thân nhiều hơn vào dự án của họ ở cấp quần chúng, ngay cả ở cấp thức giã, ‘họ sẽ có thể thấu hiểu được nhiều hơn về TQ’. Trong hiện tình, nhiều người nghĩ sự ngộ nhận được hiểu đang làm cho Tây phương – và một lần nữa, đặc biệt là Âu châu – e ngại sự trổi dậy của TQ’. Và sợ hải không phải là ‘một cơ sở tốt cho giao lưu văn hóa rộng sâu hơn’.

2. Trung Quốc và Liên Hiệp Âu châu: âm và dương của văn minh thế giới

Cơ sở của cái gọi là Weltanschauung ‘luỡng cực’ của TQ là ý niệm có hai thành tố căn bản của văn minh nhân loại, thành tố Đông phương do TQ đại diện và thành tố Tây phương do văn hóa Âu châu đại diện. Cả hai đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Toàn cầu hóa đã đưa đến giao lưu văn hóa, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng ý nghĩa của dị biệt văn hóa.Theo một nhà quan sát TQ, hậu quả văn hóa chính của sự trổi dậy cuả TQ là phá vở huyền thoại (myth) của cái gọi là “chung điểm của lịch sử”(end of history) như là một ‘trường phái chủ thắng nông cạn của Tây phương’ (superficial Western triumphalism). Trong mọi trường hợp, nhiều người Hoa tin, kể từ ngày kỷ nguyên thuộc địa cáo chung, đa số người Âu, trái với một số người Mỹ, đã từ bỏ sự bất bình thường nầy. Họ xem EU, một phần, đã được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ sự đa dạng văn hóa và là một phản ứng chống lại quá khứ đế quốc của Âu châu, một quá khứ chỉ đưa đến thảm họa, ngay chính bên trong châu Âu.
Nét đặc trưng của văn minh Âu châu được nhận diện qua cội nguồn tôn giáo của nó . Người Âu đánh giá thay đổi (tiến bộ) cao hơn là ổn định, bởi lẽ họ tin tưởng ở ý nghĩa thiêng liêng mang tính định mệnh của lịch sử (a divinely determined meaning to history). Điều nầy trái ngược với người Hoa luôn trân trọng giá trị của ổn định (hài hòa) hơn là thay đổi. Nền tảng của văn minh TQ là ở triết lý. Văn hóa Âu châu hiện có chiều hướng bớt tin vào ‘thay đổi’ và đánh giá ‘ổn định’ cao hơn – điều nầy khá nguy hiểm, bởi lẽ, mặc dù Âu châu ngày nay về hình thức là thế tục, các giá trị vốn bắt nguồn từ tôn giáo có thể tái khẳng định, như trường hợp quan tâm của Âu châu đến khoa học hiện đang sụt giảm. Trái lại, TQ có thể trở nên quá thiết tha với thay đổi , và lơ là với ổn định – đây cũng là điều khá nguy hiểm, vì thiếu những giá trị vốn bắt nguồn từ triết lý, những giá trị có thể tự tái khẳng định và bào mòn tính nhất trí của xã hội. Như vậy, cả hai nền văn minh cần trở về cội nguồn nhiều hơn. Nói một cách khác, Âu châu và TQ cần giao lưu trao đổi văn hóa nhiều hơn. Được vậy, người Âu có thể thấu hiểu những ý niệm của người Hoa phân biệt rạch ròi giữa ổn định đơn thuần với hài hòa; và người Hoa cũng có thể hiểu rõ những ý niệm của người Âu phân biệt giữa thay đổi đơn thuần với tiến bộ.

3. Giao lưu văn hóa giữa Âu châu và Trung Quốc

Về phía TQ, phương tiện chuyển tải sự khả dĩ hiểu biết lẫn nhau là phát huy tư tưởng của nhà triết học quốc gia lỗi lạc người Hoa – Khổng Phu Tử. Sau khi tố cáo cuộc Cách Mạng Văn Hóa trong thập kỷ 1960s, học thuyết Khổng Tử (Confusianism) đã dần dà hồi phục được địa vị một cách bình lặng và hiện được xem như một học thuyết triết lý quốc gia. Vào ngày 28-9-2007, sinh nhật thứ 2557 của Khổng Tử đã được chính thức cử hành lần đầu tiên kể từ ngày đảng Cộng Sản lên cầm quyền. Riêng buổi lễ tại Qufu, nơi sinh của ngài, đã được cử hành một cách trang trọng với sự hiện diện của các hậu duệ của chính vị sư tổ. Sự kiện nầy bắt nguồn từ việc chính quyền ngày một âu lo TQ đương đại cần một ý niệm mới để phát huy các giá trị căn bản chung và đem lại sự đoàn kết quốc nội kể từ ngày chủ nghĩa Maoism tan loảng thành Chủ Nghĩa Xã Hội với Những Nét Đặc Thù của TQ (Socialism with Chinese Characteristics). TQ vô cùng hãnh diện với lịch sử thống nhất dài lâu độc nhất vô nhị của mình. Nhưng sự đa dạng của TQ cũng rất đáng chú ý và ngày nay, trong nhiều phương diện, với sự cách biệt giàu nghèo ngày một gia tăng và ảnh hưởng của công cuộc hiện đại hóa giữa các vùng, còn lớn hơn cả EU.Thật là một điều đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia TQ luôn dò hỏi: ‘ý niệm đoàn kết của Âu châu là cái gì? Phải chăng đó là giấc mơ của các nhà lập Liên Hiệp Âu Châu – EU?’.
Người TQ đã khai triển một mạng lưới các Viện Khổng Học (Confucius Institưtes), bắt đầu ở bên trong TQ, và từ năm 2004, ở hải ngoại. Nguồn hứng khởi cho sáng kiến nầy đến từ sự quan sát các phong trào tương tự ở Anh quốc, Pháp và Đức, với tới nhiều quốc gia trên khắp thế giới – như British Council, Alliance Francaise, Goethe-Institut. Cho đến năm 2007, tất cả có đến 190 Viện Khổng Học đã mở cửa trên thế giới , kể cả 10 ở Anh và 5 ở Pháp. TQ dự định thành lập trên 1.000 Viện như thế vào năm 2020. Vài nhà bình luận tin những viện như thế được xem như một phương tiện để nâng cao ‘thế lực mềm’ văn hóa TQ trên thế giới. Người TQ rất quan tâm đến việc tìm kiếm những phương cách tốt hơn , chẳng hạn, để phổ biến phim ảnh, sách báo ,nhất là ở Âu châu, và khuyến khích nhiều du khách Âu châu đến thăm viếng xứ sở của họ. Trong những năm gần đây, TQ chỉ xuất khẩu một số lượng hạn chế phim ảnh , trong khi sách báo chỉ vào khoảng chưa đến 1% con số của Hoa Kỳ và Âu châu vào năm 2004. Ngược lại, theo Tổ Chức Du Lịch Thế Giới, TQ sẽ trở thành điểm đến lớn thứ hai của thế giới vào năm 2010, trên cả Tây Ban Nha, và thứ nhất vào năm 2020, nếu không sớm hơn, vượt qua Pháp. Cũng như các tổ chức tương tự của Âu châu, ngày nay, vai trò chính của các Viện Khổng Học bên ngoài TQ là dạy tiếng Hoa. (Chính vì điểm nhấn nầy, các quốc gia Âu châu đã không thể phối hợp những hoạt động văn hóa của họ một cách chặt chẻ ở TQ). Tuy nhiên, theo các nhà bình luận TQ và Âu châu, các mạng lưới đại diện văn hóa nầy có thể tạo thành hạ tầng cơ sở cho một sự tương tác sâu xa hơn giữa TQ và EU.
Một phương cách để làm được việc nầy có thể là đi theo gương của Trường Thương Mãi Quốc Tế TQ-Âu châu ở Thượng Hải (được thành lập năm 2004 và tài trợ bởi Ủy Hội Âu châu và chính quyền TQ). Tháng 1-2007, hai bên đã đồng ý thành lập thêm Trường Luật Khoa Âu châu-TQ (với 23,5 triệu tài trợ từ EU). Một phương cách khác là nới rộng sáng kiến gần đây (9-2007) của Charles de Gaulle Foundation, bảo trợ những quan hệ văn hóa giữa những nhà lãnh đạo trẻ Pháp-Hoa thành một sự giao lưu cho toàn khối EU. Phần lớn các nhà nghiên cứu TQ đều đồng ý, địa hạt quan trọng nhất cho sự hợp tác Âu châu-TQ là nhu cầu bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong một thế giới toàn cầu hóa. Một nhu cầu khác là trao đổi văn hóa rộng lớn hơn. Jean-Pierre Raffarin, nguyên thủ tướng Pháp, đề nghị EU nên thiết lập một Chương Trình Khổng Học với TQ, theo mẩu Chương Trình Eramus, nhằm bảo trợ những quan hệ trong giới đại học trong toàn bộ Âu châu.

4. Trung Quốc đánh giá cao văn hóa Âu châu

Mặc dù phần lớn được đại diện bởi người Anh, người Pháp và người Đức, Âu châu có một ảnh hưởng văn hóa sâu rộng, chí ít là trong giới kinh doanh thượng lưu TQ. Các tỉ phú TQ xây những biệt thự theo kiểu Điện Versailles. Giai cấp trung lưu mới bị ám ảnh bởi những sản phẩm xa hoa Âu châu và đi nghỉ thư giản ở Âu châu. Như một nhà quan sát TQ nhận định, người Hoa gần gũi với ý tưởng về lối sống Âu châu hơn là lối sống Mỹ. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, năm 2005 Hoa Kỳ đã là nơi được các sinh viên TQ lựa chọn đến du học. Số sinh viên TQ du học ở Âu châu trong thực tế đã sụt giảm. Các nhà bình luận TQ thường hay tỏ ý mong muốn Âu châu cải tiến chế độ phân chia số hộ chiếu giữa các xứ thành viên để xử lý song phương. Họ đặc biệt thích mở rộng khu vực các thỏa ước Schengen (ký kết năm 1985 và 1990 tại Schengen, Luxembourg). Nếu khu vực nầy bao gốm cả Anh quốc, đó sẽ là một cải tổ mang tính rất tích cực đối với sinh viên, nhân công, và du khách TQ.
Đã hẵn vẫn còn rất nhiều nghi vấn về chiều rộng cũng như chiều sâu của mối giao lưu văn hóa thực sự của TQ với Âu châu. Chẳng hạn, khi được hỏi họ ước mơ gì cho tương lai xứ sở của họ, nhiều người Hoa rất sẵn sàng cho biết họ muốn có dân chủ hơn. Nhưng khi đi sâu vào vấn đề, ước mơ đó khác xa với các quan niệm của người Âu về chính quyền đại diện và phổ thông đầu phiếu, cũng như pháp trị. Nếu những phương tiện để thành đạt ước mơ thường bị hiểu lầm, thì ngược lại, cứu cánh – lối sống Âu châu – họ lại nhận thức rõ ràng và ưa thích. Như một vị thức giả ở Bắc Kinh giải thích: ‘Mô hình Âu châu với chúng tôi là mô hình công bằng xã hội và sự quân bình giữa chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế. Mô hình nầy khác với Hoa Kỳ và gần gủi với lý tưởng của chúng tôi vế một trật tự hài hòa’. Điều nầy cho thấy lịch sử về các nhận thức văn hóa hình như đã hoàn tất một tiến trình vòng tròn. Trước đây một số người Âu hâm mộ TQ, như Ruggieri, Leibniz, Montesquieu và Voltaire, tin họ tìm thấy nhiều giá trị và nguyên tắc của TQ rất gần với lý tưởng của họ hơn là ngay ở Âu châu. Ngày nay, các trí thức TQ hình như đang khen đáp lễ. Liệu điều nầy có đem lại cho người Hoa những kết quả chất lượng như Âu châu trước đây, chúng ta phải chờ xem.

5. Những nền văn minh lớn bị thương tổn nhưng không bao giờ mai một

Chẳng bao lâu sự khâm phục và hâm mộ của người Âu đối với TQ vào thế kỷ 18 đã phải nhường chỗ cho sự khinh thường hay thương hại vào thế kỷ 19. Nhiều người TQ ngày nay tự hỏi Âu châu đương đại phải chăng ‘là một lâu đài của lịch sử hay của tương lai’. Với họ, Âu châu tỏ ra thụ động, hướng nội, thoái hóa,và mệt mỏi, còn quá trù phú để mạo hiểm, quá êm ấm để chấp nhận đổi thay, một lục địa đã đánh mất tham vọng và vị trí của mình trên thế giới’. Hay như một nhà phân tích chính sách ngoại giao đã nhận xét: ‘Thật đáng buồn khi thấy Âu châu gặp khó khăn vì chia rẽ nội bộ. Chỉ ở cấp EU, các quốc gia thành viên mới có thể có ảnh hưởng và một chỗ đứng trong trật tự thế giới tương lai, cả về mặt kinh tế lẫn địa chính trị, và có đủ sức mạnh cần thiết để trở thành một đối tác chiến lược với TQ’. Nhiều nhà bình luận TQ cảm thấy Âu châu đang đối diện với một nhu cầu khẩn thiết phải hồi sinh, một quá trình đòi hỏi phải tự tái khẳng định bản sắc của mình trong đó di sản và giá trị cơ đốc kế thừa từ Thời Đại Khai Sáng là một thành tố quan trọng’. Xét cho cùng, ‘đó chính là chất keo văn hóa của Âu châu , một yếu tố quyết định khả năng duy trì uy thế một đại cường trên thế giới’.
Những cảm nghĩ đó cũng không mấy khác sự thẩm định bi quan, hay thực tế, của các nhà quan sát ngoài Âu châu về EU và Âu châu như một tập thể. Đó cũng là thẫm định thường gặp ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật, châu Mỹ La Tinh và Đông Nam Á. Nhưng chỉ có nhận định của TQ là đặc biệt và độc nhất về phương diện sau: ngay cả nếu Âu châu, trong đoản kỳ hay trung hạn, không thành đạt được một sự đoàn kết chặt chẻ hơn và một tham vọng thiết yếu cho một đại cường trên thế giới, ‘điều đó cũng chưa phải là chung cuộc’. Chính TQ trước đây cũng trong cùng tình cảnh: Một nền văn minh lớn, đã một lần bị mờ nhạt, nhưng bây giờ ‘đã tìm lại được sức mạnh bẩm sinh của mình’, bừng dậy một lần nữa ‘lên đúng vị trí nổi trội tự nhiên của mình’. Âu châu là nền văn minh duy nhất TQ công nhận có thể sánh vai với chính mình. Đến một thời điểm nào đó, sự kiện nầy sẽ trở thành quyết định trong sinh hoạt của thế giới.

Appendix

1. EU-25-China trade

Year
Exports(billion)
%change
Imports(billion)
% ofchange
EU-25 Trade deficit with China(billion)
2002
34.9
 89.6
-54.7
2003
41.2
18
105.4
18
-64.2
2004
48.2
17
127.5
21
-79.3
2005
51.6
 7
158.5
24
 -106.9
2006
63.5
23
191.8
 21
-128.3
Source: Eurostat ( September 2007)

2. Mainland China’s imports with major trading partners

Largest trading Partners
2006 (billion $)
% growth
% of total 2006
Japan
115.7
15
15
EU(then 25)
90.3
23
11
Korea
89.8
17
11
Asean10
89.5
 19
11
Taiwan
87.1
17
11
USA
59.2
22
 7
Latin America
34.2
28
4
Africa
28.8
37
4
Hong Kong
10.8
-12
1
Source: Customs General Administration of the People’s Republic of China (December 2006)

3. Mainland China’s exports with major trading partners

Largest trading Partners
2006(billion $)
% growth
 % of total 2006
USA
203.5
25
21
EU(then 25)
182.0
27
19
Hong Kong
155.4
 25
16
Japan
91.6
9
9
Asean10
71.3
29
7
Korea
44.5
27
5
Latin America
36.0
52
4
Africa
26.7
43
3
Taiwan
 20.7
25
2
© GS Nguyễn Trường
Irvine, CA, USA
25-9-2008
———————————————————–

Chú thích:

Karine Lisbonne-de Vergeron tốt nghiệp Đại Học London School of Economics, HEC-Paris và Bocconi University Milan, chuyên về quan hệ quốc tế và chính trị Âu châu, nhất là khía cạnh bản sắc văn hóa. Phúc trình nầy là kết quả một công trình nghiên cứu từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2007 sau 22 cuộc phỏng vấn, mỗi lần dài 2 giờ, ở Trung Quốc, phần lớn với các nhà làm chính sách, các học giả và các vị lănh đạo doanh nghiệp.
Phúc trình đồng thời được xuất bản Ở Anh, năm 2007, bằng Anh ngữ, bởi Royal Institưte of International Affairs Chatham House, 10 St James’s Square, London SW1Y4LE; và ở Pháp, năm 2007, bằng Pháp ngữ, bởi Fondation Robert Schuman, 29, boulevard Raspail – 75007 Paris, France.

NOTES

1 Hubert Védrine, Rapport pour le président de la République sur la France et la mondialisation, Fayard, October 2007.
2 According to the International Monetary Fund, October 2007 forecast. It is expected that its GDP growth will slow between 10.5% and 10% in 2008.
3 Measured at purchasing power parity, according to the Economist Intelligence Unit. Other experts estimate that China will have increased its current GDP by three times by 2025, and will become second then behind the United States. (Le Monde en 2025, directed by Nicole Gnesotto and Giovanni Grevi, Robert Laffont, October 2007.)
1 Chinese economic views of Europe
1 According to Chinese estimates (Customs General Administration of the People’s Republic of China, Mainland China, Statistics with the World), from January to September 2004, bilateral trade amounted to $128 billion, above the $122 billion for China’s trade with the United States over the same period.
2 Eurostat.http://ec.europa.eu/trade/issues/bilateral/countries/china/index_en.htm. Chinese statistics are consistently lower than US and European sources on account of the exclusions of re-exports through Hong Kong.
3 The GSP scheme allows the EU to grant autonomous trade preferences to imports from a list of beneficiary developing countries.
4 The European Commission’s delegation in China, trade statistics.http://www.delchn.cec.eu.int/en/.
5 Xinhua.net, 10 January 2007.
6 The European Union Chamber of Commerce in China, China’s Position Paper 2007-2008, October 2007.
7 Eurostat, EU-25 Foreign Direct Investment in Brazil, Russia, India, and China, No. 111-2007, 13 September 2007.
8 Statistics from Invest in China, http://www.fdi.gov.cn/.
9 French economic mission in China, Les investissements chinois en France et en Europe, 18 October 2006.
10 According to Chinese statistics (Customs General Administration of the People’s Republic of China, Mainland China, Trade Statistics with the EU (then 25)).
11 Statistics from the German embassy in China.
12 Le Monde, 5 December 2005.
13 ‘EPR chinois: la commande finalisée prochainement’, Challenges, 20 September 2007.
14 Already, China is set to replace Germany as the third-largest national economy in the world by the end of 2007, having overtaken Britain as the fourth-largest in 2005. In the next 10-15 years or so, most analysts predict that it will surpass Japan to achieve second place and by 2020 will have matched the US and the EU, finally overtaking the United States a decade later on a purchasing power parity basis, when it will also have the largest technology sector in the world.
15 Kishore Mahbubani, in ‘Charting a new course’, Survival, IISS Quarterly, Vol. 49, No. 3, Autumn 2007, p. 203.
16 The US Congress has legislation pending penalizing China for its currency controls.
17 China is currently running both an external commercial and financial surplus.
18 Whilst China has accumulated in excess of $750 billion of FDI, important sectors still remain restricted, notably the limitations on investment in certain industries such as automotive telecoms, petrochemicals and energy, and finance. In the latter, foreign companies are limited to a 20% shareholding or up to 25% through an international consortium. Technical barriers are still placed in the way of foreign companies and there is an emerging trend towards unequal treatment by some Chinese regulatory bodies. (The European Union Chamber of Commerce in China, China’s Position Paper 2007-2008, October 2007.)
19 On 18 October 2007, the G7 called for the revaluation of the Chinese currency.
20 In speech delivered by Peter Mandelson, EU Commissioner for external trade, at the European Parliament in Strasbourg on 10 July 2007.
21 From January to May 2007, the EU deficit with China increased by nearly 53% (primarily due to a 138% increase to reach €61.1 billion. Eurostat, in External and Intra-European Union Trade, monthly update, Monthly statistics, Issue number 9/2007 and French economic mission in China in ‘Note de conjonctưre Chine’, Economic Review, August 2007.
22 Since 2002, it has depreciated by 30% against the euro, with a deprecion of 1.8% from January to August 2007. By contrast, it has steadily appreciated against the dollar since July 2005 by around 8.8%.
23 For example, a few experts wondered whether Peter Mandelson’s influence as Commissioner for external trade had diminished since the departưre of Tony Blair from the office of British Prime Minister. Or they would analyse the dispute between France and Germany over the monetary policy of the European Central Bank as the critical determinate of the euro/dollar exchange rate.
24 In 2006, China displaced Japan as the largest foreign exchange reserves in the world, estimated to $1.43 trillion in September 2007, a 5% growth from June 2007 (then estimated at $1.33 trillion). It is believed that over 70^ of these are held in US dollars, mostly in Treasury bonds.
25 While it is obvious that full convertibility of the renminbi would require further improvements in China’s banking sector, most European experts do not see this as being a prerequisite for a managed revaluation of 10% or 20%. There is even less sympathy for the other two arguments for inactivity, which the Chinese sometimes advance: that they resisted Western calls for a devaluation during the 1998-99 Asian financial crisis and were vindicated, and that the successful US campaign to force the revaluation of the yen in the 1970s led to the Japanese asset bubble of the 1990s. Neither case really bears comparison with China’s current circumstances.
26 Such predictions assume the disappearance certainly of sterling and probably also of the yen.
27 This follows a spectacular rise in Chinese strategic investments abroad – for example, in May 2007, $3 billion in the American private equity group Blackstone and in July 2007 a 3.1% in the British Barclays Group for €2.2 billion.
28 On 28 September 2007, Joaquín Almunia, the European Commissioner for economic and monetary affairs, indicated that sovereign wealth funds investment will be restricted in Europe unless they are more transparent.
29 How this squares with Chinese assessments of the modalities of a potential Asian currency union is unclear.
30 This would be ‘the modern geopolitical meaning for China of “the Middle Kingdom”’.
31 The Association of South East Asian Nations currently comprises Brunei, Cambodia, Vietnam, Thailand, Singapore, Philippines, Burma, Malaysia, Laos and Indonesia.
32 Given the scale of China’s requirements, some analysts expect these to be overtaken by joint energy projects. Important recent agreements include that signed during the Sino-Japanese Energy Forum held in April 2007 by Nippon Oil and China National Petroleum Corporation for joint oil and gas exploration production and supply both in China and overseas; and that between Japan’s Sumitomo Corporation and Kyushu Electric Power Corporation the China Datang Corporation to build and operate wind power generators in Inner Mongolia.
33 Garteh Price, China and India: Cooperation and Competition, Asia Programme Briefing Paper, Chatham House, May 2007.
34 See also Jaram Ramesh, Making Sense of Chindia,India Research Press 2005.
35 There is also the redevelopment of the old Stilwell Road connecting China and India through Burma, currently being restored as a highway to boost bilateral trade. China and also India, are expected to help rebuild the Burmese Section (Financial Times, 19 October 2007).
36 To date, the most considered proposal has come from the Asian Development Bank, which mooted an Asian Currency Unit (ACU) based on a weighted index of the currencies of ASEAN + 3 countries i.e. included Japan, South Korea and China.
37 ‘New attempt at East Asia financial cooperation’, People’s Daily, 6 February 2006.
38 ‘Asean deal with China paves way for free-trade zone’, The Times, 15 January 2007.
39 ‘New free-trade harbor area approved for trade with ASEAN’, China Daily, 11 October 2007.
40 French economic mission in China, in ‘Note de conjunctưre Chine’, Economic Review, August 2007.
41 In 2004, research and development amounted to 1.93% of the EU’s GDP against 2.59% for the United States. By contrast, 1.44% of the Chinese GDP is devoted to research amounting for nearly €20 billion in 2006, a sharp increase from respectively 1.31% of GDP in 2004 and 0.6% of GDP in 1996. China now ranks 5th worldwide among scientific publications, behind the United States (30.5%), Japan (8.9%), the United Kingdom (8.5%) and German (8.1%). It is also qualifying over 300,000 new engineers a year. By contrast, there were some 30,000 new engineers qualified in Britain and 28,000 in France in 2006.
42 According to Chinese statistics, in 1999, China already allocated 9% of its national crop research budget to biotechnologies (Shanghai Daily, 7 September 2007).
43 Investment in high technology has been reasserted in the wake of the 17th Congress of the National Communist Party of China in October 2007 as the key priority for China’s development with the concept of’a scientific view of development’ to be enshrined into the Chinese party’s constitưtion.
44 There is particular emphasis on the positive achievements of the French-Chinese Scientific House in Beijing created in 2001.
45 ‘Hungary: gateway to Europe for Chinese business’, China Daily, 3 September 2007.
46 ‘Chinese firm, Polish road’, China Daily, 12 September 2007.
47 As embodied in the traditional Chinese saying, ‘everybody is responsible for the rise or fall of the country’.
48 For example, the admission of the serious problem of corruption in the opening address of the Chinese president to the 17th Congress of the National Communist Party of China on 15 October 2007 (Le Monde, 16 October 2007).
49 Food Policy Report, Foresight 2020, International Food Policy Research Institưte, October 1999.
50 Sixteen out of the twenty most polluted cities in the world are Chinese.
51 World Bank, Statement on the ‘Cost of Pollution in China’ Report, 11 July 2007.http://www.worldbank.org/.
52 ‘China must come clean about its poisonous environment, Financial Times, 3 July 2007.
53 It is also expected that the urbanization rate will increase from 41% in 2007 to 57% by 2025 with an overall 824 million people living in the cities.
54 The 11th Five-Year Plan has set targets to reduce energy consumption and to meet 10% of China’s energy needs from renewable sources by 2010. It has also pledged to reduce total discharge of major pollutants by 10% by 2010. See Changing Climates: Interdependencies on Energy and Climate Security for China and Europe,Chatham House Report (November 2007).
55 The Chinese middle class will comprise some 300 million by 2011 (out of a total of 1.3 billion) and 520 million by 2025, according to McKinsey estimates, June 2006.http://www.mckinseyquarterly.com. Also some 35% of multinational companies’ senior management teams are made up of mainland-born executives.
56 One element of the 11th Five-Year Plan is to set out the need to achieve five balances: between rural and urban development, interior and coastal development, economic and social development, people and natưre, and domestic and international development.
57 European Commission, IP/06/1502, 31 October 2006, http://europa.eu/rapid/.
58 The retired population of China will rise from 7% in 2007 to 20% in 2025, with a dependency rate of 25 young people to 24 elderly by 2030, against respectively 26 and 13 in 2015. By contrast, by 2050, the EU will have lost 48 million people of working age and the over-65 population would have increased by 77%, when there will be approximately one inactive person for every two of working age against one inactive for every four in 2004. (Le Monde en 2025, directed by Nicole Gnesotto and Giovanni Grevi, Robert Laffont, October 2007.)
59 Projections by the United Nations. India will have overtaken China by 2030 with estimate of 1.59 billion in 2050. One of the principal reason for this has been China’s ‘one child policy’ which has also led a growing gender imbalance. A ‘bride shortage’ of some 30 million is expected within the next 15 years or so.

2 Chinese political views of Europe

1 European Commission, A Matưring Partnership – Shared Interests and Challenges in EU-China Relations, Brussels COM (2003) 533 final, 10 September 2003.
2 Joint Statement of the 8th EU-China Summit, Beijing, IP/05/478, 5 September 2005.http://ec.europa.eu/external_relations/.
3 Galileo has been developed jointly with the European Space Agency as an alternative Global Navigation Satellite System. Unlike the current American GPS, it will be administered and controlled by civilians.
4 Jean-Pierre Cabestan, in European Union-China Relations and the United States: Asian Perspective, Vol. 30, No. 4, 2006, p.15.
5 The Joint Dialogue on Human Rights has continued to be held regularly twice a year even though China has yet to ratify the International Covenant on Civil and Political Rights, which it signed in 1998.
6 Stephen Green, ‘China’s quest for Market Economy Statưs’, Briefing Note, Chatham House, May 2004.
7 For example, in August 2007 the US government requested the initiation of the WTO dispute settlement proceedings against China over deficiencies in the Chinese legal regime for protecting and enforcing copyright and over its barriers to trade in cultưral goods.
8 Jean-Pierre Cabestan, op. cit., p. 26.
9 It is worth noting that the latest EU position on the matter highlighted that ‘the EU has agreed to continue to work towards lifting the embargo’. Communication from the Commission to the Council, and the European Parliament, EU-China: Closer partners, growing responsibilities, COM(2006) 632 final, 24 October 2006.
10 The near-Zero Emissions Coal (nZEC) project has been developed around a threefold process beginning with a three-year feasibility stưdy, examining the viability of different technology options for the captưre of carbon dioxide emissions from power generation, leading towards a demonstration project between 2010 and 2015. Britain is leading the first phase of this project, with a £3.5 million funding.http://www.defra.gov.uk/environment/climatechange/internat/devcountry/china.htm.
11 ‘China admits Three Gorges dam danger’, Financial Times, 26 September 2007.
12 ‘Merkel presses China on climate change’, Reuters, 27 August 2007. On 9 September 2007, China signed, along with the United States and the members of the Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC), the APEC leaders’ declaration on climate change, energy security and clean development (setting an ‘aspirational goal’ to increase energy efficiency by a quarter by 2030).
13 The ITER agreement signed on 26 November 2006, came into force on 24 October 2007. The agreement aims to show the feasibility of fusion as an energy source. The first session of the ITER Council is planned on 27 and 28 November 2007. ITER currently comprises seven members: the European Union, China, India, Japan, South Korea, the United States and Russia.
14 ‘China to play major role in ITER’, China Daily, 30 November 2006.
16 The European Commission recently proposed a regulation providing that the deployment phase of Galileo would be fully funded by the European Community acting on its own. The budgetary resources required for funding the last phases of development for the period running from 1 January 2007 to 31 December 2013 for Galileo have been set at €3.4 billion (European Commission, IP/07/1358, 19 September 2007.)
17 ‘China launches navigation satellite’, Financial Times, 4 February 2007.
18 Stéphane Marchand, Quand la Chine veut vaincre,Fayard, October 2007.
19 NewScientistSpace, 3 February 2007.
20 Communication from the Commission to the Council and the European Parliament, 24 October 2006, op. cit.
21 Seventh Annual Report of the EU Code of Conduct on Arms Exports, Council of the European Union, December 2005. The currect EU Code of Conduct on Arms Exports (adopted in 1998) is based on the principle of sharing information with other member states when a country denies an export license to a company.
22 ‘Major step in military opening’, China Daily, 3 September 2007.
23 On 2 September 2007, China eventưally agreed to participate in the United Nations Military Transparency Mechanism and to consume providing data on trade in conventional weapons to the United Nations register on an annual basis, stopped since 1996. There is still concern, however, over the accuracy and transparency of China’s military statistics. According to US estimates and the International Institưte for Strategic Stưdies, China’s annual military spending in 2006 was between $80 billion and $122 billion, an increase of up to 18.4% over the previous year (in Military Balance 2007, January 2007).
24 The recent Chinese documentary broadcast twice in winter 2006 on the Chinese CCTV, ‘The Rise of Great Nations’, emphasized how historically Japan, the United States and European countries, in particular Britain, became dominant by sea power.
25 Stéphane Marchand, Quand la Chine veut vaincre, op. cit.
26 China Daily,29 September 2007. On 19 September 2007, the Chinese Navy held a similar exercise with the Spanish navy in the Atlantic.
27 ‘Coming over the horizon’, The Economist, 6 January 2007.
28 The EU is currently Africa’s largest trading partner, with trade totaling more than €200 billion in 2006. China ranked third the same year, with trade amounting to €43 billion. However, China’s share is growing over three times faster than that of Europe.
29 Recently, China granted a $5 billion loan to the Democratic Republic of Congo to develop its infrastructưre network.
30 ‘L’heure de la Chine’, Le Monde, 2 October 2007.
31 For example, on 24 April 2007, the attack of the Ogaden National Liberation Front in Ehtiopia’s Somali region at an oil field in Abole, in which nine Chinese oil workers from China petroleum and Chemical Corporation were killed.
32 China recently granted a $200 million loan to the Sudanese government for compensation payment to the Darfur region.
33 There is, however, deep skepticism by European observers about such an exposition.
34 Pang Zhongying, ‘On Sino-European strategic partnership’, International Review, Shanghai Institưte for International Stưdies, Vol. 46, Spring 2007.
35 Though it is felt that the European position on Taiwan is very similar to that of the United States. While recognizing the ‘One China Policy’’, the EU has taken ‘a significant stake in the maintenance of peace and stability’. (Communication from the Commission to the Council and the European Parliament, 24 October 2006, op. cit.)
36 Though this Chinese commentator added: ‘We Chinese have a great respect for the power of ideas.’
37 Kishore Mahbubani, in ‘Charting a new course’, Survival, op. cit.
38 Information report No. 400, Central Asia, Foreign Affairs Committee of the French Senate, 15 June 2006. http://www.senat.fr/noticerap/2005/r05-400-notice.html.
39 Marcin Zaborowski, ‘US-China relations running on two tracks’, in Facing China’s Rise: Guidelines for an EU Strategy, Chaillot Paper No. 94, December 2006.
40 This has led some Western observers to question the reliability of China in addressing the problem of terrorism in the Middle East and more widely, which Beijing, of course, strenươusly denies.
41 The Chinese commentator who compared Europe and America to China and Japan also drew a parallel between Europe’s relationship to the Middle East and China’s relationship to India. China is indebted cultưrally and ethically to India, above all as the home of Buddhism, ‘like Europe’s debt to the ancient cultưres of Mesopotamia and Egypt to the Middle Eastern monotheism’.
42 In 2004, China announced a $100 billion investment in Latin America by 2014.
43 Japan Ministry of Foreign Affairs. http://www.mofa.go.jp/.
44 There is some wariness about the new initiative in the form of a ‘quadrilateral’ grouping to discuss security issues in Asia between the United States, japan, India and Australia, termed by some critics the core of ‘an Asian NATO’. This followed the four respective foreign ministers’ meeting in the margins of the ASEAN Regional Forum held in Manila in May 2007. In May 2007, India participated in military exercises with the United States and Japan, not far from China’s eastern coast.
45 Wu Jianmin, ‘A broad perspective on common interests’, excerpt of a speech given during the Third Beijing-Tokyo Forum, China Daily, 30 August 2007.
46 The Chinese are proud of the huge influence their ceramics have had on Ottoman art. They are also very interested in Tưrkey’s post-Ottoman history and especially very recent developments, both economic and political, where they see issues of modernization in some ways comparable to those they face themselves.
47 Information Report No. 400, Foreign Affairs Committee of the French Affairs Committee of the French Senate, op. cit., p. 15.
48 François Godement, ‘Neither hedgemon nor soft power: China’s rise at the gates of the West’, in Facing China’s Rise: Guidelines for an EU Strategy, Chaillot Paper No. 94, December 2006, p. 53.
49 There is also the potential negotiation to build a $11.5 billion pipeline from Anagarsk in Russia’s Siberia to the Pacific Ocean, with a connection to the Daqing oil fields in eastern China, a very contentious issue for Japan. ‘Russia signs gas deal with China’, BBC, 21 March 2006.
50 For example, in August 2007, a large-scale exercise was conducted in the Ural mountains, with some 6,000 Chinese and Russian troops taking part, together with smaller contingents from all the other SCO States. The SCO was created in 2001 (as a successor to the Shanghai Five grouping formed in 1996) as an intergovernmental organization between Russia, China, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan and a sixth new member, Uzbekistan. It is primarily centred around security-related concerns in the region, and particularly counterterrorism and drug trafficking. Mongolia, since 2004, as well as Iran, Pakistan, and India, since 2005, have been granted an observer statưs.
51 The United Nations estimates Russia’s population of about 140 million in 2005 could fall by a third by 2050.

3 Chinese cultưral views of Europe

1 In China Daily, 7 June 2007.
2 As the Chinese Premier, Wen Jiabao, put it: ‘Our unique 5,000-year-long, uninterrupted civilization is the source of pride of every Chinese.’ Tưrning your eyes to China, Speech delivered at Harvard University, 10 December 2003.
3 Although this commentator notes: ‘The end of history is a very Asian idea as we would perhaps expect from M. Fukuyama’.
4 As one commentator explained: ‘Chinese do not believe in original sin but in cultivated virtưe as the fundamental human characteristic’.
5 To many Europeans, however, the Chinese seem particularly superstitious, as evidenced, for example, in the fact that the site of the Olympics has been chosen in alignment of two of the greatest Chinese cultưral centres, the Temple of Heaven and the Forbidden City, and that the opening has been scheduled at 8:08 pm on 8 August 2008.
6 It is possible that this exposition is highly coloured by current Chinese concerns about Buddhism, especially groups such as Falun Gong, which are presented as fostering selfish and anti-social values in contrast to the much more officially favoured Confucianism.
7 ‘Party Chief admits that what Confucius says … is good for the nation’, The Times, 29 September 2007.
8 One Chinese commentator suggested that one of the best ways to understand China was to imagine Europe if the Roman Empire had not fallen. ‘Our wall worked’.
9 ‘Confucius Institưtes Taking Chinese to the World’, China-gate, 24 march 2007.
10 Estimates from the office of the Chinese Language Council International.
11 Gong Yidong, ‘China featưres’, Chinese embassy in the United Kingdom, 29 September 2006.
12 There were some 21.5 million visitors to China for the first five months of 2007 a 10% increase over 2006, which saw 3 million visitors from Japan and Korea. According to the latest estimate of the World Tourist Organization, China could even become the first destination as early as 2014.
13 According to the Chinese Ministry of Education, in 2006 there were 30 million foreigners stưdying Chinese worldwide. Some 2,500 colleges and universities offer Chinese courses in more than a hundred countries, while the number of foreign stưdents stưdying in China has increased from 8,000 in the mid-1980s to 110,800 in 2005.
14 The Chinese have a great reverence for General de Gaulle, not least because he ensured that France was the first Western power to recognize the People’s Republic of China.
15 Jean-Pierre Raffarin, ‘Pour un programme euro-chinois’, Les Echos, 18 April 2006.
16 There was extensive media coverage, for example, on 19 October 2007, for a Fendi fashion show held on the Great Wall.
17 China Daily, 16 July 2005.
18 According to Britain’s university admissions body (UCAS) acceptances from China for undergraduate degrees for the 2006 academic year were down by 21.3% from 2005, from 4,4401 to 3,464. This fall was considered by some to be mainly due to visa constraints.
19 One common formulation is that democracy is ‘the apparent process of legitimization of good governance’.
20 It is, however, plainly of considerable significance that the new 7th most senior member of the ruling politburo of the Chinese Communist Party and the man seen by some as likely to be the next premier, Li Keqiang, translated the British jurist Lord Denning’s The Due Process of law.

No comments: