Tuesday, March 7, 2017

Đã đến lúc Mỹ mạnh tay với vấn đề đầu tư Trung Quốc?

Về kinh tế và nhất là trong đầu tư, những số liệu cụ thể cho thấy rằng, Trung Quốc cần Mỹ hơn rất nhiều so với Mỹ cần Trung Quốc. Với việc Trung Quốc có những hành động không mấy “thân thiện” với các nhà đầu tư Mỹ, đã đến lúc Mỹ cần thay đổi và mạnh tay hơn với Trung Quốc.
Hàng năm, Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc thực hiện một cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp nước mình, và năm nay có gần 500 doanh nghiệp phản hồi. Ba trên bốn doanh nghiệp báo cáo rằng họ cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc so với hai thập kỷ trước đây. Những kết quả trên phản ánh một thực tế là các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ ngày càng phải đối mặt với một môi trường kinh doanh khó khăn và không thân thiện ở Trung Quốc. Vụ tranh chấp bản quyền giữa Apple và một công ty Trung Quốc và tuyên bố của Uber rằng công ty này sẽ bán chi nhánh của mình ở Trung Quốc cho Didi Chuxing, một đối thủ bản địa, là những ví dụ mới đây phản ánh xu thế trên. 
Chẳng ai nghi ngờ việc nước Mỹ và doanh nghiệp Mỹ có lợi ích to lớn trong duy trì mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế, chính trị với Trung Quốc. Nhưng một thực tế đáng chú ý khác là những vấn đề đặc biệt mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở đó. Đó là hàng loạt vấn đề từ những quy định không rõ ràng và thiếu nhất quán đến những lệnh cấm hoàn toàn đối với đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực như thực phẩm và truyền thông. Thách thức ở đây là việc làm thế nào để mang lại sự công bằng hơn cho hai thực tế nêu trên, điều đó có nghĩa là thực thi một chính sách của Mỹ với mục tiêu đạt được nguyên tắc có đi có lại về đầu tư với Trung Quốc, thậm chí là nó bị hạn chế trong vài năm qua và với những ngoại lệ mà hai bên thống nhất đối với các dự án đầu tư ở các lĩnh vực thực sự quan trọng đối với an ninh quốc gia. 
Chính sách đó phải được dựa trên hai nguyên tắc. Thứ nhất là khẳng định lại rằng, về kinh tế và nhất là trong đầu tư, Trung Quốc cần Mỹ hơn rất nhiều so với Mỹ cần Trung Quốc. Thứ hai là phải công nhận rằng, khi nói đến môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, thật thiếu khả thi nếu tìm kiếm sự đền bù từ Chính phủ Trung Quốc, bởi vì cho đến nay gần như chẳng có ai thành công bằng cách đó. Cách tốt nhất để vươn tới Bắc Kinh là thông qua hàng nghìn cá nhân và nhóm doanh nhân Trung Quốc có lợi ích ngày càng lớn trong việc duy trì khả năng tiếp cận nền kinh tế Mỹ. Khi những lợi ích của những người trong nước đứng trước nguy cơ hiện hữu, Bắc Kinh sẽ lắng nghe họ rõ ràng hơn rất nhiều so với bất kỳ một đề nghị nào từ Washington. 
Một minh họa điển hình cho những khác biệt trong lĩnh vực đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc là câu chuyện lâu năm đang diễn ra về Hiệp định Đầu tư song phương Mỹ-Trung Quốc (gọi tắt là BIT). Các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2008 và đến nay đã trải qua 24 vòng. Vấn đề gai góc nhất là điều mà các nhà đàm phán thương mại gọi là “danh sách tiêu cực”: một nhóm lĩnh vực kinh tế được duy trì trong tình trạng đóng cửa với đầu tư nước ngoài ngay cả sau khi hiệp định trên hoàn thành. Nước Mỹ muốn một “danh sách tiêu cực” rất ngắn, trong khi Bắc Kinh tìm cách bảo hộ số lượng lĩnh vực và ngành công nghiệp lớn hơn nhiều. Nhưng những khác biệt giữa Bắc Kinh và Washington còn lớn hơn cả vấn đề chính sách nói trên. Thực ra, những khác biệt đó phản ánh sự mâu thuẫn căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài. Như chuyên gia David Dollar thuộc Viện Brookings đưa ra nhận định với tạp chí “Wall Street Journal” hồi tháng 9 vừa qua: “Trung Quốc là quốc gia ‘đóng’ nhất trong nhóm nước G20 về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ, với một vài ngoại lệ, nói chung là hoan nghênh loại đầu tư trên, và Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đồng ý với những thứ đã đạt được ở giai đoạn đàm phán ban đầu của BIT. 
Một số tổ chức tại Mỹ cũng có lập trường tương tự trong đó có Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung. Báo cáo năm 2016 của Ủy ban này, với tiêu đề “Những người láng giềng mới”, thực sự là một văn bản đáng chú ý bởi nó công khai khuyến khích sự ủng hộ trong giới chính trị và công chúng cho đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ. Báo cáo trên, được sắp xếp bởi hội đồng bầu cử nghị viện, tạo được sự chú ý đối với vấn đề việc làm và khoản thu từ thuế mà đầu tư Trung Quốc mang đến mỗi địa phương. (Một ví dụ hay xuất hiện khi ông Donald Trump chuẩn bị chỉ định Thống đốc bang Indiana, Mike Pence, làm người đồng tranh cử với mình. Financial Times, cũng dẫn cùng nguồn với báo cáo của ủy ban trên, cho rằng “Doanh nghiệp Trung Quốc thuê người dân Idiana ở các nơi thuộc 9 đơn vị bầu cử của bang này”). Thậm chí ở New Hamshire, một địa phương mà người ta ít khi nghĩ đến với tư cách là một nơi nhận được nhiều đầu tư nước ngoài, thì báo cáo trên cũng được quan tâm. Bang này cho biết, có hai công ty “chiếm đa số” khối lượng đầu tư Trung Quốc ở bang và rằng hai công ty đó vừa mới thuê hơn 300 người.” Và đáng chú ý, báo cáo trên cho biết Dự án Segway do New Hamshire đầu tư đã được bán lại cho một nhà đầu tư Trung Quốc một năm trước đây. 
Tất nhiên, những khoản đầu tư như vậy là rất nhỏ nếu so sánh với các thương vụ tỷ đô của Trung Quốc ở California, New York, và Texas. Thương vụ bán Khách sạn Waldorf Astonia ở New York trị giá 1,95 tỷ USD cho các nhà đầu tư Trung Quốc nhận được sự quan tâm đặc biệt trên truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những bản báo cáo như vậy về đầu tư Trung Quốc chỉ phản ánh những dòng đầu tư hiện hành và mới đây, tương đối khác với tổng lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ. 
Những nguồn đầu tư trên bé nhỏ một cách đáng ngạc nhiên. Hết năm 2014, cơ sở dữ liệu từ Phòng Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra rằng tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Mỹ là 2.900 tỷ USD, và 80% trong số đó (tương đương với 2.300 tỷ) là đến từ 8 quốc gia và trong số đó không có tên Trung Quốc. Thay vào đó, 4 nguồn cung cấp đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Mỹ là Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hà Lan và Canada (lần lượt là 450 tỷ, 373 tỷ, 305 tỷ và 261 tỷ USD). Chỉ riêng 4 quốc gia trên đã chiếm gần 1.400 tỷ trong tổng lượng đầu tư nước ngoài 2.900 tỷ của Mỹ trong năm 2014, và 4 nước khác ở châu Âu (Luxembourg, Đức, Thụy Sỹ và Pháp) theo sát phía sau, mỗi nước với một lượng đầu tư trong khoảng 224 đến 243 tỷ USD. 
Mỗi nước trong số 8 quốc gia trên có một lượng đầu tư cao nhất của Mỹ được tính bằng hàng trăm tỷ USD, trong khi đó các khoản đầu tư được báo cáo cho Trung Quốc cao nhất chỉ được tính bằng chục tỷ USD. Tất nhiên, trong năm 2015, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra, đầu tư Trung Quốc ở Mỹ chỉ vừa đạt mức đầu tư của Singapore, một đất nước với 6 triệu người. 
Do sự chú ý của công chúng thường được dành cho đầu tư Trung Quốc ở Mỹ, những con số tương đối nhỏ bé này có vẻ đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, những khoản đầu tư trên được che giấu trong hình ảnh dễ nhận biết của các con số chính thức của Mỹ. Một số nguồn đã cung cấp các con số ước tính lớn hơn, một số trong đó phản ánh hoạt động đầu tư gần đây nhất của Bắc Kinh. Ví dụ, trong khi số liệu chính thức của Mỹ năm 2014 chỉ ra rằng tổng lượng đầu tư vào Mỹ của Trung Quốc ít hơn 10 tỷ USD, Bộ Thương mại Trung Quốc báo cáo con số 38 tỷ USD cho năm đó và 46,6 tỷ USD cho năm 2015. Tập đoàn Rhodium, một công ty tư vấn Mỹ, cung cấp một con số còn lớn hơn, 63 tỷ USD cho năm 2015. Nhưng bản chất cuối cùng của vấn đề không thay đổi: tổng lượng đầu tư Trung Quốc ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với của 8 quốc gia đứng đầu. 
Điều đó có nghĩa là tầm quan trọng của đầu tư Trung Quốc đối với Mỹ là tương đối nhỏ. Tất nhiên là nó có giá trị, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp liên quan, nhưng không giống với các nước mà đầu tư từ bên ngoài vào được nhiều người coi như là quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, đó không phải là trường hợp của nước Mỹ. Quan hệ đầu tư Trung Quốc đối với Mỹ gợi lại câu chuyện ngụ ngôn của Aesop về con ruồi đậu trên sừng một con bò: khi con ruồi tuyên bố là nó sẽ chuẩn bị rời đi, con bò trả lời rằng nó đã không hề biết việc con ruồi đến và sẽ không biết khi nào con ruồi đó bay đi. 
Mỹ nên lựa chọn một chính sách thận trọng tương tự như vậy đối với những đề nghị đầu tư từ Trung Quốc. Một lý do là để nói với các nhà đầu tư Trung Quốc rằng kinh doanh như thường lệ sẽ không còn áp dụng đối với thị trường đầu tư nước ngoài ở Mỹ. Một lý do khác là liệu một khoản đầu tư sẽ là tư nhân hay của nhà nước; khoản đầu tư đó có đe dọa cạnh tranh ở thị trường mà nó sẽ ảnh hưởng hay không; và liệu nó có xâm phạm an ninh quốc gia của Mỹ hay không, bằng việc tác động đến cấu trúc sống còn của quốc gia, nguồn cung các nguyên liệu thiết yếu, hoặc bằng việc khoản đầu tư được đề nghị đó liên quan đến những công nghệ gốc quan trọng ở Mỹ, như microchip, và những máy công cụ hiện đại. 
Một vài trong số những vấn đề trên, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và những nghi vấn về sở hữu nhà nước hay tư nhân của các khoản đầu tư được đưa ra, đã được nêu lên trong mối liên hệ với các khoản đầu tư Trung Quốc ở Đức và Anh cũng như mới đây nhất là ở Úc. Ở Anh, vấn đề là việc xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân Hinkley Point, trong đó Trung Quốc là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu. Khía cạnh trên làm dấy lên quan ngại trong giới an ninh của Anh. Trong khi đó ở Đức, một số đề nghị bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc đã gieo hồi chuông cảnh tỉnh cho Berlin. Vụ việc khởi đầu là việc dự kiến bán công ty robot lớn của Đức Kuka cho một nhà đầu tư Trung Quốc, một thương vụ mà Thủ tướng Đức Angela Merkel ban đầu hết sức phản đối. Những quan ngại của bà Merkel tập trung vào hai vấn đề: một là tác động đến nền kinh tế Đức nếu vị thế gần như duy nhất trong phát triển robot của nước này bị bán mất cho nước ngoài; vấn đề khác là sự thất bại của Trung Quốc trong việc tạo ra sự đối xử công bằng, có đi có lại cho các khoản đầu tư của Đức ở Trung Quốc. Tất nhiên, khi bà Merkel đến thăm Bắc Kinh vào hồi tháng 6 vừa qua, bà đã yêu cầu giới chức trách sở tại cho các công ty nước ngoài các quyền và đặc cách như những doanh nghiệp nội địa. 
Tuy nhiên, ở cả Đức và Anh, những mối quan ngại trên đã không thể ngăn chặn các thương vụ đó. Ở Anh, Thủ tướng Theresa May đồng ý một cách bất đắc dĩ với dự án Hinkley Point, mặc dù bà bổ sung các bước đi liên quan đến an ninh để gắn vai trò giám sát của chính phủ mà có thể áp dụng đối với những lời đề nghị đầu tư tương tự trong tương lai, cùng với những đảm bảo mới rằng Anh vẫn mở cửa đối với đầu tư nước ngoài. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Đức: Tháng 8/2016, sau nhiều tháng trì hoãn, thương vụ bán Kuka với giá 5 tỷ USD đã bất đắc dĩ được thông qua, mặc dù Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel tiếp tục tranh cãi rằng vấn đề với thương vụ trên không phải là chủ nghĩa bảo hộ như một số người nói, mà thay vào đó xuất phát từ việc Đức khăng khăng muốn có các sân chơi công bằng. 
Mục tiêu trên vẫn là một mối quan ngại của Đức. Cuối tháng 10 vừa qua, quyết định của Berlin rút lại sự ủng hộ cho thương vụ bán công ty microchip Aixtron trị giá 736 triệu USD cho một quỹ đầu tư Trung Quốc đã chỉ ra một sự thay đổi quan trọng trong tư duy của người Đức đối với sự việc đó. Điều này cũng khuyến khích những hy vọng trong Liên minh châu Âu (EU) cho một thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc – một hiệp định mà theo cả Thủ tướng Merkel và Phó Thủ tướng Gabriel đang hướng tới là để cân bằng môi trường đầu tư. Trong khi đó ở Úc, Canberra đã đình chỉ thương vụ bán một mạng lưới điện rộng lớn cho Trung Quốc, và các nghị sỹ quốc hội nước này được sự ủng hộ của một nhóm kinh doanh giàu có, quyết liệt phản đối thương vụ bán cho một công ty Trung Quốc một trang trại gia súc có diện tích bằng nước Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, sau một nỗ lực kéo dài gần hai năm, vào cuối tháng 10 vừa qua, họ đã “chào thua” trước lời đề nghị lớn hơn bởi chính các nhà đầu tư Trung Quốc. 
Không giống như các nước trên, ở Mỹ, Ủy ban đa thành viên về Đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính có quyền đình chỉ bất kỳ một dự án đầu tư tiềm năng nào mà cơ quan này cho rằng không phù hợp với những yêu cầu về an ninh quốc gia Mỹ. Chính thức thì cơ quan này ít khi làm như vậy, nhưng mới đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy các khoản đầu tư Trung Quốc ở Mỹ đang thu hút sự chú ý mới. Ví dụ, Thượng nghị sỹ Chuck Grassley đã đề nghị rằng Bộ Nông nghiệp Mỹ cần được bổ sung vào Ủy ban về Đầu tư nước ngoài, cụ thể là bởi vì những hệ quả tiềm tàng của các khoản đầu tư nước ngoài đối với nguồn cung nông nghiệp và thực phẩm của nước này. 
Tóm lại, những đánh giá này cung cấp một nền tảng rộng lớn để truyền tải một cách mạnh mẽ tới lãnh đạo Trung Quốc rằng, việc đảm bảo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được chính phủ Mỹ đối xử công bằng hơn nhiều so với Bắc Kinh đã đảm bảo cho họ. Sức ảnh hưởng của Mỹ ở trong cuộc đàm phán đó sẽ được tăng cường bằng những điều nhắc nhở Bắc Kinh rằng nước này ít phụ thuộc hơn nhiều vào đầu tư Trung Quốc so với nhiều người nghĩ và chứng cứ không thể chối cãi được rằng các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng cần và muốn đầu tư ở Mỹ. Đối xử công bằng và có đi có lại đã trở thành trung tâm của chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ kể từ thời Chính quyền Tổng thống Roosevelt áp dụng thành quả quan trọng của Ngoại trưởng Cordell Hull đó là Đạo luật Hiệp định thương mại bình đẳng năm 1934. Và hiện là thời điểm chín muồi để làm mới lại di sản đó.
Bernard K. Gordon là Giáo sư danh dự về Khoa học Chính trị tại trường Đại học New Hampshire và là tác giả cuốn “America’s Trade Follies”. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.
Trần Quang (gt)

No comments: