Tuesday, May 13, 2014

12. TÀI LIỆU VAI TRÒ CỦA ASEAN


Các bản tin liên quan đến vai trò của ASEAN (CẬP NHẬT ĐẾN NGÀY 12/5/2014):
2. VOA (6-1-2014): Tình hình Biển Đông tạm lắng.
4. VN+ (9-1-2014): Đông Nam Á hưởng lợi do tranh chấp Nhật Bản-Trung Quốc.
5. GDVN (21-1-2014): "Liên kết với khu vực sẽ hóa giải được những áp lực từ Trung Quốc".
6. BBC (20-2-2014): Liên minh quân sự: nên hay không?
7. BBC (28-2-2014): Biển Đông : Trung Quốc hung hăng, Mỹ lên gân, Malaysia vững dạ.
8. BBC (25-3-2014): Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Asean gặp nhau.
9. RFI (19-4-2014): Mỹ-Nhật sẽ giúp ASEAN tăng cường khả năng giám sát trên biển.
11. VOA (11-5-2014): ASEAN kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông.
12. ĐNO (12-5-2014): ASEAN ra tuyên bố báo động về tranh chấp trên Biển Đông.

 Độc giả tìm đọc năm 2013

1.                  VOA (1-1-2013): Lãnh đạo ASEAN sẽ thúc đẩy sự đồng thuận về vấn đề Biển Ðông.
2.                  RFI (1-1-2013): ASEAN 2013 : Brunei làm chủ tịch và Việt Nam làm tổng thư ký.
3.                  RFI (3-1-2013): ASEAN 2013 : Brunei đặt Biển Đông lên hàng đầu chương trình nghị sự.
4.                  NCBĐ (7-1-2013): Những thách thức cho tân Tổng Thư ký ASEAN.
5.                  VOA (9-1-2013): Tân Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi đàm phán về Biển Đông.
6.                  RFI (14-1-2013): Brunei tìm cách thúc đẩy xây dựng bộ luật ứng xử tại Biển Đông.
7.                  VOA (15-1-2013): Singapore: Không có giải pháp tức thời cho tranh chấp Biển Đông.
8.                  RFI (17-1-2013):Thu hút đầu tư nước ngoài: Asean sẽ đẩy lùi Trung Quốc?
9.                  TNO (19-1-2013): Nhật hợp tác với ASEAN bảo đảm an ninh biển.
10.             PTT (25-1-2013): Kiện Trung Quốc là quyền hợp pháp của Philippines.
11.             RFI (9-2-2013): Các nước Đông Nam Á trang bị thêm vũ khí đối phó với Trung Quốc.
12.             BBC (13-2-2013): Singapore quay lưng lại với Manila?
13.             PTT (17-2-2013): Indonesia soạn thảo 'qui tắc hành động' ở Biển Đông.
14.             SGTT (1-3-2013): Ông Lý Quang Diệu nói về Trung Quốc bằng giọng khác.
15.             TNO (19-3-2013): Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long.
16.             RFI (29-3-2013): Indonesia xác nhận đã phản đối hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc.
17.             VOA (4-4-2013): Trung Quốc-ASEAN đồng ý phát triển Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
18.             TNO (11-4-2013): ASEAN sẽ ra thông cáo chung về biển Đông.
19.             VOA (12-4-2013): ASEAN, Trung Quốc sắp họp về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
20.             VOA (23-4-2013): Tranh chấp Biển Ðông: Ðề tài chính của Thượng đỉnh ASEAN.
21.             RFI (24-4-2013): ASEAN khai mạc cuộc họp thượng đỉnh tại Brunei.
22.             SGTT (26-4-2013): ASEAN: điệu kèn thắng lợi mới còn ngập ngừng.
23.             VOA (3-5-2013): TQ cảnh báo các nước về Biển Đông.
24.             BBC (4-5-2013): 'Asean phải kiềm chế thành viên'
25.             RFI (5-5-2013): Biển Đông : Trung Quốc nhắc lại lập trường đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp.
26.             VOA (11-5-2013): ASEAN+6 bắt đầu đàm phán lập khối thương mại tự do khu vực.
28.             VN+ (5-6-2013): Mỹ mong Trung Quốc, ASEAN sớm đàm phán COC.
30.             ĐVO (16-6-2013): Đông Nam Á sắm vũ khí khủng ngang cơ Trung Quốc.
31.             RFI (22-6-2013): Biển Đông: Cạnh tranh Mỹ-Trung làm giảm vai trò của ASEAN.
32.             GDVN (11-7-2013):  Ứng xử ra sao nếu tàu chiến các bên giáp mặt nhau ở Biển Đông?
33.             GDVN (9-8-2013):  Báo Mỹ: "ASEAN nên sử dụng ngoại giao pháo hạm".
34.             RFI (23-8-2013):  Phản bác tham vọng của Bắc Kinh, Indonesia tổ chức tập trận chung với các nước TBD ở Biển Đông.
35.             RFI (5-9-2013):  Châu Á: Mỹ chuyển trục - ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ.
36.             VOA (12-9-2013):  Căng thẳng Philippines-TQ làm lu mờ cuộc họp ASEAN sắp tới.
37.             GDVN (18-9-2013):  Quan hệ Trung Quốc - Philippines rơi tự do và dấu hiệu lạ ở Biển Đông.
38.             GDVN (22-9-2013):  "Nhật-Mỹ-ASEAN phải chung tay chống bành trướng của TQ ở Biển Đông".
39.             RFI (8-10-2013):  Thượng đỉnh APEC 2013 bế mạc : Biển Đông tiếp tục được nêu trong hậu trường.
40.             PTT (17-10-2013):  Vì sao Mỹ, Nhật quan tâm tới Philippines?
42.             VN+ (28-11-2013):  Nhật chia sẻ quan ngại an toàn không phận với ASEAN.
43.             BBC (13-12-2013):  TQ: 'ASEAN nên tôn trọng nước thứ ba'.
44.             RFI (30-12-2013): Sự im lặng khó hiểu của ASEAN về vùng phòng không Trung Quốc.

*****

Tình hình Biển Đông tạm lắng

VOA - Thứ hai, 06/01/2014
Tình hình trên vùng Biển Đông có thể sẽ lắng dịu trong ngắn hạn giữa lúc các nước tranh chấp đang thương thuyết để đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, gọi tắt là COC, với Trung Quốc.

Một bản tin của tờ South China Morning Post hôm nay nói rằng tình hình có thể thay đổi vào giữa năm 2014, khi một tòa án của Liên Hiệp Quốc khởi sự tiến hành xét xử đơn kiện của Philippines, thách thức tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này.

Theo nguồn tin này thì có ít nhất 4 buổi họp đã được ấn định vào đầu năm nay giữa Trung Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN để thương thuyết một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, COC.

Tờ South China Morning Post dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế về các vấn đề Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng nỗ lực của Trung Quốc hối thúc các cuộc thương thuyết để đạt một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý đã gặp sự đoàn kết của các nước trong khối ASEAN.

Giáo sư Thayer nói các nước thành viên ASEAN sẽ tự kiềm chế để không tác động tới mục tiêu nhắm tới, bởi vì đang có hy vọng sẽ đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.

Trong nhiều năm qua, ASEAN đã hối thúc để các bên đạt được một bộ quy tắc có tính cách ràng buộc pháp lý, vạch ra những quy định để các bên hành xử đúng đắn trên vùng biển tranh chấp.x
Cho tới hồi gần đây, Trung Quốc một mực đòi giải quyết tranh chấp với từng nước một, nhưng lập trường ấy đã bắt đầu thay đổi vào cuối năm ngoái.

Tháng 9 năm 2013, Trung Quốc và các nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN đã mở một cuộc tham khảo ý kiến đầu tiên về bộ Quy tắc Ứng xử trên biển tại thành phố Tô Châu.

Theo ông Oh Ei Sun, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, thì Bắc Kinh rốt cuộc kết luận rằng một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển phù hợp với mục tiêu mà chính họ nhắm tới, là đẩy sang một bên các tranh chấp để tập trung vào nỗ lực hợp tác.

Trong khi chờ đợi, Philippines có tới ngày 30 tháng 3, 2014 để đệ trình một biên bản ghi nhớ lên tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để vạch ra những lập luận của họ chống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Tòa án quốc tế sau đó sẽ gửi đến Trung Quốc một văn kiện để yêu cầu Trung Quốc trả lời.

Giáo sư Thayer nói nếu Trung Quốc không trả lời, thì tòa án sẽ sớm đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Giáo sư Thayer khuyến cáo hiện vẫn chưa biết nội vụ sẽ kết thúc như thế nào, và thế giới còn phải chờ xem.

Nguồn: Thanhniennews, Vnexpress
*****
PetroTimes -  07/01/2014
Tình hình Biển Đông có thể sẽ lắng dịu trong ngắn hạn khi các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này đang thương thuyết để đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc. Đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 5/1.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia khu vực nổi tiếng này, tình hình có thể thay đổi vào giữa năm khi tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bắt đầu xét xử đơn kiện của Philippines về tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này.
Hiện tại, có ít nhất bốn cuộc họp thương lượng về COC giữa Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được lên kế hoạch tổ chức vào đầu năm nay.
Theo Giáo sư Carl Thayer, các thành viên ASEAN sẽ tự kiềm chế để không tác động tới mục tiêu nhắm tới, bởi đang có hy vọng đạt được COC.
Trong nhiều năm qua, ASEAN đã hối thúc các bên đạt được một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, vạch ra những quy định hành xử để ngăn ngừa nguy cơ xung đột bùng phát trên vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm cách né tránh đàm phán COC và khăng khăng rằng, tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết song phương. Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi vào năm ngoái. Tháng 9/2013, Trung Quốc và các nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN đã tổ chức một cuộc tham vấn đầu tiên về COC tại thành phố Tô Châu.
“Dù muộn nhưng Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, bộ quy tắc ứng xử thực sự giống như những gì họ đang thúc đẩy, cụ thể là đặt các tranh chấp sang một bên và tập trung vào hợp tác”, Oh Ei Sun - chuyên gia cao cấp tại Trường nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho hay.
Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2014, Philippines sẽ phải đệ trình trước Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển những lập luận chống yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”, mà theo đó “ôm trọn” gần hết Biển Đông.
Tòa án quốc tế sau đó sẽ gửi đến Trung Quốc một văn kiện để yêu cầu Trung Quốc trả lời.
Nếu Bắc Kinh không trả lời, thì theo Giáo sư Thayer, tòa án sẽ sớm đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đây là một việc chưa có tiền lệ và ông Thayer cũng không rõ câu chuyện sẽ diễn tiến ra sao và kết thúc như thế nào.
Minh Châu
*****

Đông Nam Á hưởng lợi do tranh chấp Nhật Bản-Trung Quốc

Vietnam+ : 09/01/14

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do các báo của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc phối hợp tiến hành được công bố ngày 8/1 cho thấy quan hệ Nhật - Trung càng khó khăn thì các nước Đông Nam Á càng được hưởng lợi bởi ngày càng có nhiều doanh nhân Nhật Bản ủng hộ phương án Trung Quốc + 1.

Phương án này tức là vừa làm ăn với Trung Quốc, vừa tìm cách mở rộng địa bàn kinh doanh ở nơi khác, chủ yếu là ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và thậm chí là Myanmar.

Theo cuộc khảo sát do báo "Nikkei" của Nhật, "Global Times" của Trung Quốc và "South Korea Mail Business" của Hàn Quốc đồng thực hiện vào tháng 12/2013 vừa qua, có đến 60% chủ doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy khó mà làm ăn được với các công ty Nhật Bản do quan hệ chính trị đang rất căng thẳng giữa hai nước. 
Chỉ có 13% là cho rằng họ hoàn toàn có thể bỏ qua những căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo. Trong khi tại Hàn Quốc, có đến 60% chủ doanh nghiệp sẵn sàng hạn chế quan hệ kinh doanh với các công ty Nhật Bản, lý do cũng bắt nguồn từ căng thẳng ngoại giao Nhật-Hàn liên quan đến tranh chấp biển đảo.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy giới kinh doanh Nhật ngày càng tín nhiệm Đông Nam Á khi có đến gần 2/3 chủ doanh nghiệp nước này cho rằng khu vực với 600 triệu dân kể trên là thị trường hứa hẹn nhất của họ. 
Cuộc khảo sát này diễn ra trước thời điểm Thủ tướng Nhật đi viếng đền Yasukuni, một sự kiện đã làm quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul thêm căng thẳng.

Trong hơn một năm qua, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt do tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. 
Trong cùng thời điểm, quan hệ Nhật-Hàn cũng suy thoái do tranh chấp về đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản.

*****

"Liên kết với khu vực sẽ hóa giải được những áp lực từ Trung Quốc"


Hồng Thủy - 21/01/14  - GDVN

Vai trò vị trí địa chính trị hiện nay của Myanmar và liên minh với các nước khác trong khu vực chắc chắn sẽ đối trọng được với bất cứ áp lực nào từ Trung Quốc.
Hãng thông tấn Burma ngày 20/1 đưa tin nhận định, xử lý sự khác biệt trong khối ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức chính đối với Myanmar trong vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Giáo sư Robert Taylor từ viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét, đây là vấn đề lớn và sẽ đánh giá khả năng của Myanmar trong việc đưa ra một dự thảo nghị quyết mà các bên đều đồng ý.
Wahyu Dhyatmika, quản lý tuần san Tempo của Indonesia nói với Burma, Myanmar có thể làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các bên xung đột và hướng con tàu ASEAN vượt qua những vấn đề gai góc và nguy cơ bùng nổ.
Quan điểm cơ bản của ASEAN về Biển Đông đã được xác định, Dhyatmika nhấn mạnh, đó là việc xây dựng bộ quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Nói cách khác, Trung Quốc phải đối mặt với toàn khối ASEAN chứ không phải từng bên tranh chấp, phương thức Trung Quốc vẫn tìm mọi cách theo đuổi và cản trở mọi nỗ lực xây dựng COC.Dhyatmika cho biết, những bên liên quan trên Biển Đông không hài lòng với quỹ đạo hiện nay rõ ràng sẽ cố gắng để bẻ cong những gì có lợi cho họ và Myanmar phải giải quyết được vấn đề này. ASEAN không muốn một sự cố tương tự như đã xảy ra tại Phnom Penh năm 2012.
Theo Wahyu Dhyatmika, Trung Quốc có khả năng sử dụng các sức mạnh của mình về kinh tế và chính trị vốn vượt xa Myanmar để "bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ". Nhưng quan trọng hơn, vai trò vị trí địa chính trị hiện nay của Myanmar và liên minh với các nước khác trong khu vực chắc chắn sẽ đối trọng được với bất cứ áp lực nào từ Trung Quốc.
Học giả Marvin Ott từ trường Nghiên cứu Quốc tế đại học John Hopkins từ Washington cũng khẳng định, vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN là thử nghiệm và cơ hội với Myanmar. Trong đó, vấn đề Myanmar có chịu nổi áp lực không thể tránh khỏi từ Bắc Kinh hay không sẽ trở thành bài kiểm tra với quốc gia này.
Cùng một nhận định này, nhà phân tích chính trị độc lập Richard Horsey nói, Trung Quốc có thể hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với Myanmar để gây ảnh hưởng lên các cuộc thảo luận, nhưng thực tế Myanmar đang trong quá trình tái cân bằng quan hệ đối ngoại và Bắc Kinh đã không còn ảnh hưởng lớn đến Myanmar như họ đã từng có.

*****

Liên minh quân sự: nên hay không?

Luật sư Vũ Đức Khanh - Viết cho BBCVietnamese.com từ Canada
Thứ tư, 19 tháng 2, 2014
Tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang là đề tài nóng bỏng với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trước sự bất lực của Hoa Kỳ đã làm cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực thật sự vô cùng lo lắng.
Việc kiến tạo một tổ chức đa quốc gia về an ninh quốc phòng, giống như mô hình NATO, có thể sẽ là một giải pháp để duy trì và bảo vệ nền hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng chung cho châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 4 tháng 4 năm 1949, Tổ chức Minh ước Liên phòng Bắc Đại Tây Dương ra đời, một phần hình thành để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô cũ và thiết lập sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Âu, phần nữa là để liên kết châu Âu hậu Đệ Nhị thế chiến tái thiết, đồng thời ngăn chặn làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Mặc dù người ta có thể tranh luận không ngừng về tầm quan trọng của NATO trong thế giới ngày nay, tuy nhiên ở những nơi khác, thí dụ như ở châu Á-Thái Bình Dương, một liên minh như vậy có thể được chứng minh là rất cần thiết. Các quốc gia tham dự và cách thiết lập có thể sẽ khác, nhưng những thách thức vẫn y nguyên như cũ.
Quyết đoán và quan ngại sâu sắc
Sự trỗi dậy quyết liệt và quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã hơn là những nỗi lo lắng hàng ngày, nếu không muốn nói là quá quan trọng đối với một số quốc gia trong khu vực. Việc hồi cuối tháng 11 năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập “Khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) ) trong khu vực Biển Hoa Đông, bao trùm các quần đảo tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, chỉ là một thí dụ điển hình.
Mới đây, bất chấp phản đối của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 01/02/2014 đã ra tuyên bố cho biết là một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông tuy chưa cần thiết, song Bắc Kinh cho rằng, họ có toàn quyền thiết lập khu vực này để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” của Trung Quốc.
"Làm sao có thể thương lượng tay đôi với Trung Quốc, khi họ được cho là quá lớn so với các nước láng giềng quá nhỏ, thí dụ như mối quan hệ Việt – Trung."
Cũng nên nhắc lại rằng từ nhiều năm qua, Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và vẫn liên tục dùng sức mạnh để áp đặt các yêu sách biển đảo của họ, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Philippines, quốc gia có sự đụng độ với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trong khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham vào năm 2012, đã đưa Bắc Kinh năm 2013 ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan thụ lý theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối tham gia và đã khuyến cáo Việt Nam không nên tham gia vào vụ kiện.
Những nỗ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ cho đến nay hình như vô hiệu.
Ngoài các biện pháp pháp lý như đã được thực hiện bởi Philippines, các diễn đàn khu vực như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, thường được gọi tắt là ARF và Đối thoại Shangri-La, mặc dù cung cấp một cơ hội cho các quốc gia thành viên để chia sẻ mối quan tâm của họ, đã thất bại trong việc giảm căng thẳng.
Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu “xuống thang” mà ngược lại họ còn đang ráo riết chuẩn bị cho một sự việc đã rồi, chẳng hạn như tăng cường các hoạt động quân sự nhằm củng cố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp với Philippines và Việt Nam.
Đây không ngụ ý để nói rằng Trung Quốc đã cố tình tránh không tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, điều Bắc Kinh mong muốn đàm phán song phương đã đơn giản là không thể chấp nhận được! Làm sao có thể thương lượng tay đôi với Trung Quốc, khi họ được cho là quá lớn so với các nước láng giềng quá nhỏ, thí dụ như mối quan hệ Việt – Trung.
Thay vì dậm chân tại chỗ, biết đâu đây cũng có thể là thời gian tốt để những nước có liên quan thử đi tìm một giải pháp khác.

Tổ chức Minh ước Liên phòng Á châu-Thái Bình Dương
Thực ra không phải tất cả các nước thành viên của NATO là hoàn toàn giống nhau và có thể trong thực tế còn có những lợi ích đối nghịch, nhưng tất cả họ vẫn có cùng cam kết với các mục tiêu chung của NATO.
Tương tự như vậy, không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á là không có tranh chấp với nhau, tuy nhiên, họ ít nhất có cùng một điểm đồng thuận đó là tự do hàng hải, điều duy nhất có tầm quan trọng sống còn đối với tất cả họ. Xung đột về tranh chấp hàng hải và lãnh thổ sẽ chỉ gây tổn hại cho tất cả các nước trong khu vực, ngoài việc tạo cơ sở cho việc phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan nguy hại, nó còn dẫn đến kết quả bạo lực và bất ổn định.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hàng năm và Hội nghị ADMM mở rộng (ADMM +) là một địa điểm cho bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên đến để thảo luận về các vấn đề quốc phòng và an ninh có ảnh hưởng tới khu vực.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ này, một tổ chức như vậy cũng chẳng mang lại một hiệu quả gì, vì đơn giản ở đó người ta chỉ nói nhưng không làm!
"Đây là một ván cờ chiến lược với Trung Quốc và chỉ có những nhà lãnh đạo Washington có tầm nhìn chiến lược mới có khả năng tham chiến thành công. "
Do đó, một tổ chức chặt chẽ hơn và cụ thể hơn là điều bắt buộc. Cũng như NATO ở hai bên bờ Đại Tây Dương, “Tổ chức Minh ước Liên phòng Á châu-Thái Bình Dương” là vô cùng cần thiết và sẽ phục vụ cho khu vực Thái Bình Dương.
Dẫn đầu là Hoa Kỳ, vì họ là quốc gia duy nhất có thể kết nối các quốc gia thành viên với nhau, tổ chức này sẽ bao gồm các cường quốc trụ cột trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, và cả các cường quốc mới nổi như Indonesia, Malaysia và Singapore.
Lợi ích là điều hiển nhiên vì ngoài việc phục vụ như một liên minh quân sự đa quốc gia, tổ chức này có thể giúp kết nối các quốc gia Thái Bình Dương cả về chính trị lẫn kinh tế, và tiêu chuẩn hóa các trang thiết bị quân sự và đào tạo trong các quốc gia thành viên. Vun đắp các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên và tăng cường khả năng tương tác giữa các quân đội có thể làm tăng tính minh bạch và giảm thiểu tối đa sự hiểu lầm giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các hậu quả không lường trước được của việc tạo ra một tổ chức như vậy. Giả dụ như trường hợp của Liên Xô cũ bị đứng ngoài NATO đã tạo động lực đẩy sự ra đời của khối Hiệp ước Warsaw.
Dù có dùng bất kỳ ngôn ngữ để mô tả liên minh này cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ cần thiết của Trung Quốc; Bắc Kinh chắc chắn sẽ thấy tổ chức này như một phản ứng với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Lịch sử rất có thể lặp lại nếu Trung Quốc quyết định họ cần phải lập một liên minh quân sự riêng để chống lại bất kỳ tổ chức nào do Mỹ dẫn đầu. Và đây chính là điều mà Washington cũng đang cân nhắc.
Liệu sự hình thành của một liên minh như vậy có thực sự mang lại một bước tiến mới trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực hay vô hình trung chỉ làm tăng thêm sự thù địch và đẩy nhanh tiến trình chạy đua vũ trang?
Dù vậy, những thách thức phải đối mặt với bất kỳ tổ chức quốc phòng đa quốc gia nào sẽ không nhất thiết phải đến từ bên ngoài nhưng từ bên trong.
Sự tồn tại và thành công của một liên minh như vậy trong dài hạn phụ thuộc đa phần vào nghệ thuật lãnh đạo và sự cam kết của Hoa Kỳ. Với vai trò trung tâm này, Washington sẽ thất bại nếu họ cũng hời hợt như họ đã từng làm trong quá khứ với SEATO (Hiệp ước Liên phòng Đông Nam Á) cũng như trong chiến tranh Việt Nam.
Đây là một ván cờ chiến lược với Trung Quốc và chỉ có những nhà lãnh đạo Washington có tầm nhìn chiến lược mới có khả năng tham chiến thành công. Chuyến công du của Tổng thống Obama vào tháng 4 này sẽ quyết định thế trận cho những năm sắp tới.
Tuy nhiên, trong khi vai trò lãnh đạo của tổ chức này có thể đè nặng trên đôi vai của người Mỹ, trách nhiệm cũng cần phải được chia sẻ bởi tất cả các nước thành viên.
Không giống như NATO, các nước thành viên sẽ được yêu cầu đóng góp chia sẻ công bằng cho liên minh, bao gồm nhưng không giới hạn nguồn tài nguyên, chính trị, tài chính và quân sự. Do hạn chế về tài chính rất thực tế phải đối mặt bởi Washington hiện nay, và những ảnh hưởng của hạn chế về đầu tư quốc phòng trong hiện tại và tương lai ở Mỹ, mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải làm một phần trách nhiệm liên đới của họ và không thể nhìn vào Mỹ như là nhà cung cấp quốc phòng duy nhất.
Tư tưởng chỉ đạo của “hợp tác quốc phòng Xuyên-Thái Bình Dương” ở đầu thế kỷ 21 sẽ là “quyền lợi tương đồng, trách nhiệm tương sẻ”.
Dĩ nhiên, tất cả các điều trên chỉ là giả định thậm chí còn phải xét lại liệu Hoa Kỳ có ý định thực sự thành lập một liên minh quân sự như thế ở châu Á-Thái Bình Dương với tất cả trách nhiệm và thách thức đi kèm với một tổ chức như vậy.
Dù tất cả đó chỉ là giả định, nhưng khi Hoa Kỳ tuyên bố “chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” và đang điều chỉnh ngân sách, chúng ta có quyền tin rằng Tòa Bạch Ốc sẽ không bỏ qua bất kỳ giải pháp khả thi nào.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư sống tại Canada.

*****

Biển Đông : Trung Quốc hung hăng, Mỹ lên gân, Malaysia vững dạ

RFI - Thứ sáu 28 Tháng Hai 2014

 

Hãng tin Reuters ngày 26/02/2014 có bài phân tích Sự quyết đoán của Trung Quốc làm cho Malaysia cứng rắn hơn trong tranh chấp biển của Stuart Grudgings, nói về sự thay đổi thái độ - một cách kín đáo - của Malaysia trước những đòi hỏi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Người ta có thể dễ dàng không để ý đến rạn san hô nửa chìm nửa nổi này trong vùng biển màu ngọc lam, cách đảo Borneo, thuộc bang Sarawak, Malaysia, khoảng 80 km (50 dặm).
Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao cao cấp nói với Reuters, thì hai cuộc tập trận hải quân Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm xung quanh bãi ngầm James đã gây sốc cho Malaysia và đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của nước này về yêu sách của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Rạn san hô nằm bên ngoài lãnh hải của Malaysia, nhưng thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia.
Theo các nhà ngoại giao, sự cố gần đây nhất, trong tháng Giêng, đã thúc đẩy Malaysia lặng lẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và Philippines, là hai nước Đông Nam Á bầy tỏ công khai nhất thái độ của mình trước những động thái của Trung Quốc trong khu vực, nhằm cố gắng ép Bắc Kinh chấp nhận một bộ luật ứng xử tại Biển Đông, mang tính ràng buộc.
Sự quyết đoán ngày càng gia tăng của hải quân Bắc Kinh cũng có thể đẩy Malaysia xích lại gần Hoa Kỳ hơn, vốn là đồng minh của nước này trong lĩnh vực an ninh và càng đào sâu thêm các bất đồng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc về vùng biển có tiềm năng lớn về khoáng sản.
Thông thường, Malaysia tìm cách giảm nhẹ những quan ngại về an ninh, đồng thời tiếp tục duy trì các quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.
Bãi ngầm James, mà Trung Quốc gọi là Tằng Mẫu ám sa (Zengmu Reef), cách Trung Hoa đại lục 1,800 km (1,100 dặm). Bãi ngầm này gần Malaysia, Brunei, Singapore, Philippines, Việt Nam, Indonesia – và hầu như tất cả các nước Đông Nam Á – hơn là so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh coi những vùng biển này là lãnh thổ cực nam của họ, dựa trên cái gọi là đường vòng chín đoạn thể hiện trên các bản đồ, bao gồm tới 90% tổng diện tích 3.5 triệu km² ( 1,350,000 dặm vuông) của Biển Đông.
Các bức ảnh mà phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 26/01 cho thấy hàng trăm thủy thủ Trung Quốc đứng nghiêm nghe mệnh lệnh trên boong tàu chiến, bên cạnh có hai khu trục hạm và một trực thăng, và báo chí cho biết là các tàu này đang ở bãi ngầm James.
Vào lúc đó, chỉ huy hải quân Malaysia đã bác bỏ những thông tin của truyền thông Trung Quốc, và nói với hãng tin Bernama rằng, các tàu Trung Quốc ở ngoài vùng biển của Malaysia, nơi có nhiều dầu lửa và khí đốt phục vụ cho nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà phân tích về an ninh, thì có thể vị chỉ huy này bác bỏ việc tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Malaysia vì các lực lượng hải quân nước này không giám sát hoặc không nhìn thấy các tàu Trung Quốc.
Nhưng các nguồn tin an ninh hàng hải và ngoại giao đã nói với Reuters rằng, cuộc tập trận, với sự tham gia của ba tàu chiến Trung Quốc, trong đó có cả một buổi lễ tuyên thệ bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, đã diễn ra tại bãi ngầm James hoặc gần đó.
Về các sự cố gần đây, ông Tang Siew Mun, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, hiện làcố vấn của chính phủ Malaysia, nói: “Đó là một lời cảnh tỉnh về điều có thể xẩy ra đối với chúng ta và đang xẩy ra đối với chúng ta”.
Trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng vào mối quan hệ đặc biệt này ... Sự cố ở bãi ngầm James đã chỉ ra cho chúng ta thấy rõ và rõ hơn, là khi Trung Quốc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của họ, thì đó là một vấn đề khác”.
Càng khẩn cấp phải có một bộ luật về hàng hải.
Cả Bộ Ngoại giao Malaysia cũng như Văn phòng Thủ tướng không trả lời các đề nghị bình luận về những sự kiện này.
Trong khi phản ứng công khai của Malaysia về các sự cố hồi tháng Giêng không ầm ĩ, thì các nhà ngoại giao cao cấp của các nước Đông Nam Á khác cho biết là các đồng nghiệp Malaysia đã hoạt động mạnh hơn kể từ lúc đó, nhằm thúc đẩy một lập trường chung trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Các quan chức của 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán tại Singapore vào ngày 18 tháng 3, sau khi vào năm ngoái, họ đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán và từ đó đến, nay, đã đạt được một số tiến triển.
Bộ luật mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và ASEAN sẽ bao gồm những quy định chi tiết về hành vi ứng xử trên biển, làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng có thể dẫn đến xung đột. Trung Quốc nói rằng họ thành thật muốn đạt được một thỏa thuận.
Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và Đài Loan tuyên bố có chủ quyền đối với một số vùng tại Biển Đông. Tất cả đều là thành viên của ASEAN, ngoại trừ Đài Loan.
Chưa đầy một tuần sau sự cố tháng Giêng, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã có chuyến công du không thông báo trước tới Manila để gặp gỡ đồng nhiệm Philippines, Bộ Ngoại giao Philippines đã cho biết như vậy. Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, thì hai bên đã thảo luận vấn đề Biển Đông.
Sau đó, vào ngày 18/02, các quan chức Philippines, Malaysia và Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp để phối hợp chính sách đối với Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp trên biển và bộ quy tắc ứng xử, một nhà ngoại giao nắm bắt các cuộc thảo luận này đã tiết lộ như vậy.
Ông nói: “Trong quá khứ, chỉ có Philippines và Việt Nam thúc đẩy tổ chức một cuộc họp như vậy, nhưng bây giờ chúng ta thấy có sự tham gia của Malaysia”.
Nhà ngoại giao này cho biết thêm, tại cuộc đàm phán không được thông báo trước này, các quan chức đã đồng ý bác bỏ bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, thúc đẩy để sớm kết thúc các cuộc thương lượng về bộ luật ứng xử và yêu cầu Brunei tham gia cuộc họp với ba đối tác, tại Kuala Lumpur, vào tháng Ba.
Sự thay đổi chính sách của Malaysia diễn ra trước chuyến thăm Kuala Lumpur của Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong tuần này và trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng Tư.
Các quan chức Mỹ cũng đã có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông trong những tuần gần đây. Ngày 13/02, chỉ huy Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Washington sẽ hỗ trợ Philippines trong trường hợp xẩy ra xung đột với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Ông Hong Nong, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật Biển và Chính sách thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, ở đảo Hải Nam Trung Quốc, nhận định: Những loại ý kiến này giúp động viên một số quốc gia.
Ông cho biết: “Điều này có ảnh hưởng tới ASEAN. Trong quá khứ, Mỹ không bao giờ nói rõ là họ sẽ đứng về bên nào”.
Một căn cứ hải quân mới của Malaysia
Vào tháng 03/2013, một cuộc tập trận tương tự tại bãi ngầm James với sự tham gia của bốn tàu đổ bộ thuộc lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đã làm cho Malaysia lo lắng và dẫn đến việc nước này có một hành động hiếm thấy là phản đối không công khai Trung Quốc.
Ông Ian Storey, một chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói: “Hai sự kiện này làm cho cơ quan phụ trách an ninh quốc gia Malaysia rất lo lắng”.
Chúng ta có thể dự đoán sẽ có nhiều loại sự cố như vậy trong tương lai. Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ giương cờ Trung Quốc trong vùng biển Malaysia và điều này sẽ buộc Malaysia phải điều chỉnh lại chính sách của mình”.
Và dường như Malaysia đang làm điều này.
Vào tháng 10/2013, Malaysia đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân tại Bintulu ở Sarawak, thị trấn lớn, gần nhất với bãi ngầm James. Đây sẽ là nơi đồn trú của một lực lượng Thủy quân lục chiến mới, được thành lập theo mô hình của quân đội Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mục đích của kế hoạch này là để bảo vệ các trữ lượng dầu khí trong khu vực và không hề nhắc đến Trung Quốc.
Với một cách nói thẳng bất thường, Thủ tướng Najib Razak nói tại New York hồi tháng 09/2013, rằng Trung Quốc đã đưa ra những “tín hiệu hỗn loạn” và không thể không làm cho các nước láng giềng Châu Á mất thiện cảm.
Theo giới phân tích an ninh Malaysia, Washington dự kiến tư vấn và có thể cả huấn luyện để giúp Malaysia lập lực lượng Thủy quân lục chiến.
Ông Tang, một chuyên gia về chính sách đối ngoại, nhận định: “Đây là một phát triển rất quan trọng” và nói thêm rằng điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Malaysia.
Chỉ huy hải quân Mỹ, tướng Greenert, tuyên bối với các phòng viên rằng ông đã thảo luận về việc thành lập lực lượng Thủy quân lục chiến với đối tác Malaysia khi ông đi thăm Malaysia trong tháng này, tuy nhiên, các chi tiết về lực lượng mới này còn rất sơ sài.
Lo lắng về phản ứng của Trung Quốc
Mặc dù thay đổi lập trường, nhưng dường như Malaysia không muốn mạo hiểm gây gây lạnh nhạt trong quan hệ với Trung Quốc và Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố rằng các tàu tuần duyên của họ hiện diện trong khu vực là để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Các nguồn tin thân cận với chính phủ Malaysia cho biết, nước này không xem xét việc tham gia kiện tụng cùng với Philippines để chống lại những tuyên bố về quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Manila đã đưa hồ sơ tranh chấp lên tòa án trọng tài trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển và các luật sư của Philippines nói rằng, tòa án ở La Haye có thẩm quyền cho phép các quốc gia khác tham gia vào vụ kiện tụng này. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện.
Vả lại, Malaysia đã từng gây ấn tượng khi cho rằng tranh chấp Biển Đông là một vướng mắc trong mối quan hệ mang tính lịch sử và đang phát triển với Trung Quốc. Người cha của ông Najib, cũng là thủ tướng, đã thiết lập quan hệ chính thức của Malaysia với Bắc Kinh vào năm 1974. Đây là quốc gia đầu tiên của ASEAN làm việc này.
Báo New Straits Times, thân chính phủ, hồi tháng 10 năm ngoái, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Malaysia, đã viết, Malaysia có một " cách thức tỉnh táo và riêng biệt để giải quyết các xung đột trong khu vực".
Quan hệ kinh tế song phương đã tăng mạnh. Năm ngoái, Thủ tướng Najib và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu tăng gấp ba lần thương mại hai chiều, lên tới 160 tỷ đô la vào năm 2017.
Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói rằng ông hy vọng Malaysia sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách cân bằng quan hệ liên minh với Bắc Kinh và Washington.
Theo nhà ngoại giao này, “về nguyên tắc, Malaysia cam kết có cùng lập trường với ASEAN và về bộ quy tắc ứng xử. Nhưng đồng thời, họ cũng lo lắng về phản ứng của Trung Quốc”.
Họ nghĩ rằng có thể đạt được một thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc sẽ không làm như vậy. Người ta có thể thấy là Trung Quốc đang từng bước tỏ ra hung hăng hơn”.

*****

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Asean gặp nhau


BBC - Thứ ba, 25 tháng 3, 2014

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dự kiến sẽ là khách của Lầu Năm Góc cùng các bộ trưởng khác của Asean trong sự kiện đặc biệt tại Hawaii.
Sự kiện ngày 1 đến 3/4 là cuộc họp lần đầu tiên do một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tổ chức với Asean.
Giới quan sát nói sự kiện có một phần gợi hứng từ Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Cuộc họp tại Hawaii là dịp để Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với Asean trong bối cảnh lo ngại về sự cứng rắn của Trung Quốc trên biển.
Theo ông Brian Harding, từng làm việc trong Văn phòng bộ trưởng quốc phòng Mỹ, sự kiện ở Hawaii bắt nguồn từ chuyến thăm Lầu Năm Góc tháng 12/2009 của Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Gặp người đồng cấp Robert Gates, ông Thanh hỏi liệu Mỹ có quan tâm tham dự lần gặp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng (ADMM+).
Sau khi ông Gates tham dự cuộc họp tại Hà Nội năm 2010, quan hệ quốc phòng của Mỹ với Asean đã gia tăng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ kế tiếp, Leon Panetta, đã dự hội nghị của Asean năm 2011 và 2012.
Năm 2013, đến lượt ông Chuck Hagel dự ADMM+ ở Brunei.
Dự kiến cuộc họp ở Hawaii sẽ bàn đến nhiều chủ đề từ an ninh khu vực đến hỗ trợ thiên tai.
Các bộ trưởng Asean cũng sẽ được nghe báo cáo và xem diễn tập của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
*****

 

Mỹ-Nhật sẽ giúp ASEAN tăng cường khả năng giám sát trên biển

RFI - Thứ bảy 19 Tháng Tư 2014

Thanh Phương

Theo báo chí Nhật, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ cùng giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng giám sát vùng biển, vào lúc mà căng thẳng trong khu vực gia tăng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Tờ nhật báo Yomiuri Shimbun số ra hôm nay, 19/04/2014, cho biết là Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thảo luận về vấn đề này với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản vào tuần tới. Một thoả thuận dự kiến sẽ được loan báo trong bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo sau cuộc họp thượng đỉnh. 
Theo thỏa thuận nói trên, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần tra cho những nước thành viên ASEAN, đồng thời sẽ huấn luyện các lực lượng tuần duyên của ASEAN, cũng như giúp các nước Đông Nam Á phát triển một hệ thống chia sẻ thông tin về các nhóm hải tặc và những tàu khả nghi trong khu vực. 
Tờ Yomiuri cho biết sáng kiến Mỹ-Nhật là nhằm giúp các nước ASEAN thi hành những biện pháp hiệu quả để chống cướp biển và đối phó với thiên tai, mà còn giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. 
Tờ báo trích dẫn một quan chức chính phủ Tokyo tuyên bố rằng tăng cường khả năng giám sát trên biển của các nước ASEAN cũng sẽ có lợi cho Nhật Bản và Hoa Kỳ.
*****


Arif Havas Oegroseno - Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Chủ tịch Kì họp thứ 20 của các nước thành viên của UNCLOS 1982 cho giai đoạn 2010-2011

Dịch giả: Phan Văn Song – Bauxite Việt Nam - 21/04/2014


Có vẻ có một nỗi ám ảnh trong các nhà bình luận chính trị ở châu Á và bên ngoài khi cho rằng Indonesia phải thừa nhận rằng mình là một bên tranh chấp ở biển Đông và do đó, phải từ bỏ vai trò như là một "trung gian hòa giải". Đây quả là chuyện buồn cười dưới góc độ luật pháp quốc tế.
Đây là cách của tôi nắm bắt về vấn đề này.
Thứ nhất, bản chất thật sự của tranh chấp biển Đông, nói dưới dạng đơn giản, là về nước nào làm chủ hàng trăm hòn đảo, đá, rạn san hô, mặt bằng triều thấp và bãi cát ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Các bên tranh chấp là Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Đài Loan cũng được nhiều người coi là một bên tranh chấp.
Kể từ khi giành được độc lập, Indonesia chưa bao giờ nghĩ tới việc yêu sách chủ quyền đối với bất kỳ một trong hàng trăm thể địa lý (feature) ở biển Đông. Ngay cả khi Thủ tướng lúc đó là Djuanda Kartawidjaja tuyên bố vùng nước quần đảo của Indonesia năm 1957, Indonesia cũng không bao gồm quần đảo Trường Sa vào. Indonesia không có bất kỳ tham vọng lãnh thổ nào trong khu vực này.
Nếu các bên tranh chấp thực sự muốn giải quyết việc nước nào sở hữu thứ gì và ở đâu, họ phải áp dụng các nguyên tắc chung của công pháp và án lệ quốc tế tính từ ngày có phán quyết vụ Las Palmas / Miangas vào năm 1928. Họ không thể sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 vì Công ước này không được vạch ra để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Thứ hai, nếu (chứ không phải khi) quyền sở hữu của hàng trăm thể địa lý ở biển Đông được xác định thì việc thực hành kế tiếp sẽ là việc phân định các vùng biển từ những thể địa lý này. Nguyên tắc luật pháp quốc tế quy định rằng "đất thống trị biển", do đó, chiều rộng của bất kì khu vực biển nào ở biển Đông phải được dựa trên việc quy từ đất ra.
Luật lệ áp dụng cho việc này nằm trong UNCLOS 1982, cụ thể là Điều 15 (phân định lãnh hải), 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế [EEZ]), 83 (phân định thềm lục địa) và 121 (quy chế về đảo).
Quy chế về đảo là một khía cạnh rất quan trọng của luật biển trong việc xác định quyền được hưởng vùng biển của một đảo cụ thể. Phái đoàn Trung Quốc tại phiên thứ 19 các thành viên nhà nước của UNCLOS nói rằng theo điều 121 của UNCLOS, đảo đá (rock) nào không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế sẽ không có EEZ hay thềm lục địa.
Vì hầu hết các thể địa lý có tranh chấp đều rơi vào điều này, những gì có thể xảy ra sẽ là các "bong bóng" bao quanh vùng lãnh hải 12 hải lý. Những bong bóng này có khả năng nằm cách xa khó mà chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở biển Đông.
Thứ ba, tất cả các bên tranh chấp đều đã làm cho các tuyên bố chủ quyền của họ hết sức rõ ràng, tuy nhiên không có nước nào trong số đó đã vạch ra tỉ mỉ cơ sở cho yêu sách của mình. Có lẽ lập luận của họ thiếu căn cứ pháp lý nên tiết lộ ra sẽ là thảm hoạ.
Thứ tư, một trong các bên tranh chấp đã đưa ra một mảnh bản đồ với một hình vẽ không nhất quán được biết với tên là đường 9 vạch. Không nhất quán bởi vì đường đó không phải luôn luôn có 9 vạch. Đôi khi lại có 11 hoặc 10 vạch.
Đường nhiều vạch đó không liên tục. Các vạch có vẻ không phải là đường phóng chiếu cho một vùng biển suy từ bất kỳ thể địa lý nào ở biển Đông. Mảnh bản đồ mà trên đó đường 11/10/9 vạch được vẽ không có tọa độ, không mốc quy chiếu cũng như không có hệ thống trắc địa.
Không ai có thể giải thích dứt khoát liệu bản đồ đó nhằm thể hiện yêu sách chỉ đối với các thể địa lý hay đối với các thể địa lý lẫn các vùng biển hay thậm chí đối với các thể địa lý, vùng biển lẫn biên giới trên biển.
Trong vụ tranh chấp Burkina Faso - Mali toà quy định rằng "Bản đồ [...] mà chỉ dựa trên sự tồn tại của một mình nó [...] không thể tạo nên quyền sở hữu lãnh thổ". Trong việc phân xử vụ Eritrea kiện Yemen, Tòa Công lý Quốc tế phán quyết rằng họ "không sẵn lòng với việc quy ý nghĩa cho các đường chấm chấm. Các kết luận trên cơ sở này do Eritrea thúc giục liên quan đến [...] bản đồ của họ không được chấp nhận".
Trong việc giải thích yêu sách của mình, Trung Quốc đã sử dụng các thuật ngữ không có trong UNCLOS 1982, cụ thể là "vùng biển liên quan" (relevant waters) và "vùng biển liền kề" (adjacent waters). Các nhà bình luận Trung Quốc cũng nói rằng bản đồ này thể hiện quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử.
Tuy nhiên, trong UNCLOS 1982 chỉ có khái niệm vịnh lịch sử (historic bay) và sở hữu / danh nghĩa lịch sử (historic title) liên quan đến lãnh hải.
Thứ năm, vùng biển Indonesia trong khu vực đó được đường bao ngoài của vành đai lãnh hải 12 hải lý chia thành hai phần. Đường bao ngoài này phát sinh từ đường cơ sở quần đảo đã được nộp cho Liên Hiệp Quốc và được coi là phù hợp với nguyên tắc quần đảo của UNCLOS 1982.
Vùng biển bên trong đường bao ngoài này là lãnh hải của Indonesia và vùng nước quần đảo được gọi là biển Natuna. Vùng biển bên ngoài đường bao ngoài này cho tới ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là một bộ phận của biển Đông. Indonesia và Malaysia đã nộp hiệp ước về phân định thềm lục địa của hai nước ở biển Đông cho Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 năm 1969.
Không một quốc gia đơn lẻ nào đã thách thức tính hợp lệ của hiệp ước lâu 45 năm này [dù] hiệp ước này lấy đi một phần đáng kể của biển Đông.
Thứ sáu, việc Indonesia tuyên bố chính mình là một bên trong tranh chấp biển Đông vì có cái bản đồ 11/10/9 vạch sẽ là vô lý.
Như một vấn đề pháp lý, thực tế và logic cho thấy rằng việc Indonesia sẽ bắt đầu phải che phủ công trình rất chính xác và đúng đắn về mặt pháp lý của mình với một bản đồ không hoàn chỉnh, không chính xác, không nhất quán và có vấn đề về mặt pháp lý là điều không thể hiểu được.
Indonesia đã bày tỏ lập trường về bản đồ nhiều vạch đó trong công hàm gửi Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc vào ngày 08 tháng 7 năm 2010, nêu rằng bản đồ đó thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc làm đảo lộn UNCLOS 1982.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã tái khẳng định việc Indonesia bác bỏ tính hợp pháp của bản đồ đó vào ngày 19/3.
Là một nước tuân thủ luật pháp quốc tế, Indonesia luôn luôn bác bỏ bất kì đường nào trên vùng biển mà thiếu cơ sở theo UNCLOS 1982, như Hiệp ước Paris năm 1898[1] và bản đồ nhiều vạch này.
Trong lĩnh vực luật biển quốc tế, chúng không không có chút giá trị pháp lý nào cả. Không có sự mơ hồ, chiến lược hay gì gì khác.
Thứ bảy, lập luận của một số nhà bình luận như Tiến sĩ Murphy của Mỹ và Tiến sĩ Batongbacal của Philippines cho rằng Indonesia đã đánh mất vai trò của mình như là trung gian hòa giải trong tranh chấp biển Đông là một sai lầm không chữa được. Indonesia không phải là một "trung gian hòa giải" vì tranh chấp chưa bước vào giai đoạn"hòa giải".
Không có bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào là tranh chấp hiện còn đang ở giai đoạn thảo luận, chưa phải hoà giải, theo Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông mới vừa họp cuối tháng 3 tại Singapore.
Việc Indonesia không ngừng tạo thuận lợi trong tiếp cận vòng hai có tên là Hội thảo về Quản lý xung đột tiềm năng ở biển Đông, không nhằm định vị Indonesia như một trung gian hoà giải. Đó là một biện pháp xây dựng lòng tin để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Sự tồn tại đơn thuần của một bản đồ không đầy đủ, không chính xác, không nhất quán và có vấn đề về mặt pháp lý sẽ không buộc Indonesia phải từ bỏ nỗ lực tạo thuận lợi trong xây dựng lòng tin cũng như không đột nhiên làm cho Indonesia đánh mất niềm tin vào công trình chính xác cao, đúng đắn về pháp lý và đã nộp cho LHQ về phân giới biển ở biển Đông của mình.
A.H.O.
Nguồn bản gốc: The Jarkarta Post (09/04/2014)
Dịch giả gửi BVN

[1] Hiệp ước giữa Mỹ và Tây Ban Nha theo đó đế quốc Tây Ban Nha nhượng quyền kiểm soát Cuba, nhượng Porto Rico, nhiều phần của West Indies, đảo Guam và Philippines cho Mỹ. Liên quan tới Philippines, hiệp ước này dính dáng tới tranh chấp đảo Palmas/Miangas mà trong tài quốc tế đã có phán quyết nghiêng về Indonesia như tác giả có nhắc đến trong bài. (ND)
*****
ASEAN kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông
VOA - Chủ nhật, 11/05/2014
Các vị ngoại trưởng của 10 nước hội viên ASEAN đã bày tỏ quan tâm về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với hai nước hội viên ASEAN là Việt Nam và Philippines.

Các giới chức này đã họp với nhau ngày hôm nay tại thủ đô Napyidaw của Miến Điện để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Thượng đỉnh ASEAN vào ngày mai.

Các giới chức cho biết tổ chức khu vực này hôm nay đưa ra một thông cáo chung để kêu gọi tự chế trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin hôm nay kêu gọi Trung Quốc và các nước liên hệ giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông bằng phương thức hòa bình.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh, cho báo chí biết rằng ASEAN có thể có vai trò rất quan trọng cho việc giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ.

Ông Vinh nói thêm rằng mọi người cảm thấy hài lòng về việc ASEAN có thể nắm giữ một vai trò trọng yếu và đã có được một lập trường chung về vấn đề này, nhưng các nước không vui khi thấy những vụ việc xảy ra ngoài Biển Đông.

Hôm qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, cho biết tranh chấp Biển Đông sẽ ở vị trí hàng đầu của chương trình nghị sự. Ông cũng nói rằng ASEAN đang chuẩn bị để hình thành Cộng đồng Kinh tế vào tháng 12 năm tới.

Hồi đầu tuần này, Manila đã bắt 11 ngư phủ Trung Quốc về tội đánh bắt trái phép trong vùng biển gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Cảnh sát Philippines đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi họ trả tự do cho các ngư phủ này.

Trong khi đó, các tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm với nhau trong vài ngày qua gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc mới đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến hoạt động trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của họ trùng lắp với những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
*****
ASEAN ra tuyên bố báo động về tranh chấp trên Biển Đông

ĐNO - Thứ Hai, 12/05/2014

AFP đưa tin, theo tuyên bố ra ngày 12-5, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Tuyên bố này được đưa ra sau Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Myanmar, vốn bị chi phối bởi tình trạng căng thẳng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đang xảy ra trên Biển Đông." ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan "kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình tuân theo những quy định đã được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế."

Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên đánh dấu sự thay đổi về tiếng nói của ASEAN trong vấn đề này.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Carl Thayer, đánh giá tuyên bố này "thể hiện ASEAN ngày càng siết chặt lập trường," đồng thời cho thấy "một sự đồng thuận" hiếm hoi về vấn đề chủ quyền biển tranh cãi.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng "vấn đề mà chưa có bên nào đề cập tới - đặc biệt Trung Quốc - là quy chuẩn của ASEAN".

                    (Còn nữa)

No comments: