11/08/2013
Trong các ngày 24-26/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Chủ tịch Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước. |
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mục đích của chuyến đi là nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... Hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn, xây dựng về các vấn đề còn nhiều khác biệt như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, đồng thời thảo luận vấn đề biển Đông. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm và họp báo chung với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 25-7.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng: “Gần một thập niên đã trôi qua kể từ khi hai nước xây dựng khuôn khổ quan hệ “Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi” vào năm 2005, với tầm mức của quan hệ hai nước hiện nay, với những tiềm năng đáng kể đang hứa hẹn phía trước, đã đến lúc hai nước cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước”. Sau đây chúng tôi trình bày một số nội dung làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ.
1. Hội đàm với Tổng thống Barack Obama
Theo đánh giá chung, cuộc hội đàm của Chủ tịch Trương Tấn Sang với Tổng thống B. Obama đã được diễn ra một cách thẳng thắn và đạt kết quả rất tốt đẹp, sau hội đàm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác toàn diện” (comprehensive partnership) (Xem “Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ” trong số Tạp chí này), khảng định Tổng thống B.Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang "quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ để đem lại khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ", dựa trên các nguyên tắc “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”, nhằm tạo ra “cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực gồm quan hệ ngoại giao và chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch”.
Nội dung của cuộc hội đàm và Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác toàn diện” đã được Tổng thống B. Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang thông báo trước giới phóng viên ngay sau cuộc gặp.
Tổng thống B. Obama cho rằng, sự kiện này thể hiện sự tiến bộ vững chắc và củng cố quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì rằng, giữa hai nước có lịch sử vô cùng phức tạp, mặc dù vậy, từng bước một, hai nước đã có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin tưởng nhau, nhờ đó, cho phép giờ đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước; điều này sẽ cho phép có sự hợp tác lớn hơn nữa về một loạt vấn đề từ thương mại đến hợp tác quân sự, công tác đa phương về các vấn đề như trợ giúp thiên tai, trao đổi khoa học và giáo dục.
Tổng thống Mỹ cũng nêu việc thảo luận giữa Tổng thống và Chủ tịch về các cách thức mà Mỹ và Việt Nam đang tham gia thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó sẽ là nỗ lực vô cùng tham vọng để gia tăng thương mại, buôn bán và minh bạch trong quan hệ thương mại ở vùng châu Á Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ khảng định rằng “Chúng tôi quyết tâm với mục tiêu tham vọng là hoàn tất thỏa thuận này trước cuối năm, vì chúng tôi biết rằng, điều này có thể tạo thêm việc làm và tăng đầu tư khắp khu vực và ở hai nước chúng ta”.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã thảo luận nhu cầu tiếp tục các nỗ lực giải quyết trong hòa bình những vấn đề trên biển đã xảy ra ở Biển Đông và các nơi khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ “đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam làm việc với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để chúng ta đạt được các Quy tắc Ứng xử mà sẽ giúp giải quyết các vấn đề này trong hòa bình và công bằng”. Chủ tịch Trương Tấn Sang hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam, cũng như các nước ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Tuyên bố DOC, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC và cam kết đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Đề cập hợp tác đa phương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Hoa Kỳ và các nước quan tâm đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Về các vấn đề nhân quyền, Tổng thống B. Obama nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả hai bên phải tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và Tổng thống Mỹ cho rằng, hai Ông đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại.
Cả hai Ông tái khẳng định những nỗ lực đã có để giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Tổng thống Mỹ đánh giá rất cao sự hợp tác tiếp tục của Việt Nam trong cố gắng tìm lại những người mất tích và những người đã chết trong chiến tranh, và tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ làm việc với Việt Nam về một số vấn đề môi trường và sức khỏe đã tiếp tục nhiều thập niên sau đó, vì chiến tranh.
Về người Mỹ gốc Việt, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng,, một trong những nguồn sức mạnh giữa hai nước là những người Mỹ gốc Việt đang ở Mỹ, nhưng rõ ràng vẫn duy trì quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam. Và trên hết, những quan hệ người với người là chất keo có thể tăng cường quan hệ giữa bất kỳ hai quốc gia nào. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, định cư tại Hoa Kỳ. Chủ tịch truyền tải thông điệp của Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng người Việt sẽ là cầu nối vững chắc nối liền tình hữu nghị của nhân dân hai nước, sự phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ đã chân thành phát biểu: “tôi chỉ muốn nói với Chủ tịch Sang, tôi vô cùng trân trọng chuyến thăm của Ngài. Nó là dấu hiệu cho sự trưởng thành và bước phát triển kế tiếp giữa Mỹ và Việt Nam. Khi chúng ta gia tăng tham vấn, tăng cường hợp tác, thương mại, trao đổi khoa học và giáo dục, nó sẽ tốt cho sự thịnh vượng và cơ hội của nhân dân Mỹ, cũng như tốt cho cơ hội và thịnh vượng của nhân dân Việt Nam. Và Ông chia sẻ: Vào cuối cuộc gặp, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chia sẻ với tôi bản sao lá thư của Hồ Chí Minh gửi Harry Truman. Và chúng tôi đã bàn về việc Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson. Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng, ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thật tốt khi chúng ta đang có tiến bộ. Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, “Với những tiến bộ đạt được 18 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã “đến lúc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện” Và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Obama và phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam trong nhiệm kỳ này của ông.
2. Làm việc với lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ
Tại Thủ đô Washington D.C., Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp các Nghị sỹ Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Hoa Kỳ.
Tại các cuộc gặp, các Nghị sỹ Hoa Kỳ nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như khẳng định Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và Quốc hội Mỹ ủng hộ Chính quyền trong chính sách đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển lên tầm mức cao hơn. Các Nghị sỹ chia sẻ quan tâm về một số vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông; đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN và Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Trong cuộc gặp tọa đàm với Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị mong muốn Thượng nghị sỹ Leahy tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, chẳng hạn như ủng hộ việc thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa hai Quốc hội, tái lập nhóm Nghị sỹ vì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ủng hộ Việt Nam trong đàm phán TPP, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, loại bỏ các biện pháp cản trở quan hệ thương mại giữa hai nước, trong đó có chương trình giám sát cá da trơn mới theo Đạo luật Nông trại 2013, bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, không thông qua các dự luật, nghị quyết không có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Thượng nghị sỹ Leahy cho biết, Thượng nghị viện Hoa Kỳ rất quan tâm tới tình hình khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ủng hộ chính sách tái cân bằng của Chính quyền Tổng thống Obama, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang nổi lên ở khu vực, ủng hộ vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN, cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế; hoan nghênh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ 2014 và sẽ sớm tham gia Công ước chống tra tấn. Thượng nghị sỹ Leahy tái khẳng định Thượng nghị viện Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, hay các biện pháp cưỡng ép trong giải quyết các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ủng hộ DOC và sớm tiến tới COC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những đóng góp của các Nghị sỹ đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; đề nghị các Nghị sỹ tiếp tục ủng hộ quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trên các lĩnh vực song phương, cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực. Chủ tịch nước cũng đề nghị các Nghị sỹ thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ, khuyến khích tăng cường quan hệ giữa các địa phương của hai nước. Chủ tịch nước cũng trao đổi cởi mở về quan tâm của các Nghị sỹ về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
3. Làm việc với Bộ Ngoại giao
Cũng trong ngày 24/7/2013, Theo các nguồn tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Tại đây, Bộ trưởng John Kerry đã nhắc lại chặng đường dài của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm qua. Ông ca ngợi và cảm ơn Việt Nam đã giúp Hoa Kỳ tìm kiếm những quân nhân mất tích trong chiến tranh...Và một tiến trình bình thường hóa quan hệ khó có thể xảy ra nếu không có sự đối thoại trung thực, thẳng thắn từ hai phía.
Trong bài phát biểu chào đón Chủ tịch Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho rằng: mọi người đều nhớ rằng, việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, thực sự theo nhiều cách là không dễ dàng. Có rất nhiều người trong phòng họp hôm nay đã tham gia đóng góp rất lớn trong suốt các năm qua vào việc xây dựng mối quan hệ hai nước (như thượng nghị sĩ Bob Kerrey, Chuck Robb, Ben Cardin và cựu Thượng nghị sĩ Richard Lugar và Tom Vallely, Dân biểu Sandy Levin…)
Với thời kỳ đó, có thể cho rằng, khó có thể đạt được tiến bộ, nếu không có nỗ lực giải quyết về vấn đề tù binh Mỹ ở Đông Nam Á, vượt qua mọi sự phản đối của nhiều người ở cả hai nước. Đây là lý do mà Ông cho rằng, Ông luôn biết ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam mà Ông từng làm việc trong cả một thập niên, những người đã xây dựng mối quan hệ đối tác đặc biệt để giúp mọi người hôm nay có thể ngồi lại cùng trao đổi với nhau. Những người Việt Nam đã giúp người Mỹ tìm kiếm hàng nghìn người con, kể cả khi phần lớn trong số ấy mất tích. Những người Việt Nam đã tình nguyện đào xới những cánh đồng lúa của mình để giúp người Mỹ trả lời các câu hỏi về người mất tích; cho phép người Mỹ vào nhà của mình, đến cả những di tích lịch sử thiêng liêng. Người Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Mỹ tới thăm các nhà tù mà không cần báo trước, phỏng vấn các tù nhân. Và người Việt Nam đã thực sự để cho trực thăng Mỹ bay qua các thôn làng, để phỏng vấn người dân, nhằm trả lời các câu hỏi chưa được giải đáp trong nhiều năm. Để tìm kiếm người Mỹ mất tích, người Việt Nam đã đi cùng và hướng dẫn người Mỹ (đi tìm kiếm) đi qua những gì mà nghĩa đen đúng là các bãi mìn…
Ông cho rằng, tất cả những việc làm chân thành đó đã tạo dựng tình hữu nghị, và dẫn tới đỉnh cao bình thường hoá quan hệ vào ngày 11/7/1995, phù hợp với ý Trời và lòng người hai nước đổi mới hướng tới tương lai (ý một câu được khắc tại Văn Miếu). Việt Nam trở lại là một quốc gia, chứ không phải một cuộc chiến. Với thành tựu của bình thường hoá, Ông nhận thấy, Việt Nam đã trỗi dậy là một trong những câu chuyện thành công nhất của châu Á. Nhờ Hiệp định Thương mại Song phương bước ngoặt năm 2001, thương mại hai chiều từ năm 1995 trở lại đây đã tăng hơn 50 lần. Bình quân theo đầu người, thu nhập tại Việt Nam tăng gần 500%. Cùng với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, ngày nay, hai nước đang làm việc để ký kết hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương lịch sử, một thoả thuận thương mại đỉnh cao của thế kỷ XXI sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế, thịnh vượng và đem lại cơ hội cho người dân ở tất cả các nước trong khu vực.
Hướng tới tương lai, nước Mỹ đang tập trung phát triển các chương trình hỗ trợ Việt Nam, hai nước cũng đang cộng tác để thúc đẩy an ninh trên biển và tăng cường khả năng cứu trợ nhân đạo, cũng như ứng phó trước thiên tai. nhằm bảo đảm phát triển bền vững, tăng khả năng thích nghi của Việt Nam, phát triển năng lượng sạch, khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước sự biến đổi khí hậu, triển khai Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong và các hoạt động khác…
Mỹ cũng đang chú trọng chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, tạo nên một cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Việt Nam là một xã hội trẻ phi thường với gần 21 triệu người dưới độ tuổi 15...và Ông từ lâu đã là một người ủng hộ chương trình này, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright ở Tp. Hồ Chí Minh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến sự đối thoại chân thành, thẳng thắn giữa Washington và Hà Nội, ngay cả đối với những vấn đề nhạy cảm, như quyền con người, và Ông cam kết sẽ xây dựng dạng quan hệ hợp tác thẳng thắn và có tính xây dựng thiết yếu này đối với cả hai nước.
Cuối bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ đã khảng định lại, để đạt được những thành tựu to lớn của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, những người tận tâm với quá trình này ở cả hai phía đã phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn, nhưng đúng đắn. Về phía Mỹ, quá trình này bắt đầu với George Bush (cùng với Brent Scowcroft), đã có những quyết định đầy dũng cảm để thúc đẩy tiến trình tiếp tục tiến về phía trước và dỡ bỏ lệnh cấm vận, và cấm vận đã kết thúc dưới thời Tổng thống B. Clinton, người không chỉ có những động thái tiến tới bình thường hóa, mà còn là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2000. Và Ngoại trưởng đã chân thành nói “Chúng ta đã cùng nhau đi một chặng đường dài, và tôi xin khẳng định với Ngài, thưa Ngài Chủ tịch, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ giữa hai bên trong những năm tới”, đưa hai nước hướng tới tương lai.
Về phần mình, tại cuộc gặp ở Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã cảm ơn những đóng góp lớn lao và không mệt mỏi vì sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của nhiều người bạn Hoa Kỳ, đặc biệt là Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain và rất nhiều những người bạn thân thiết khác ...
Chủ tịch nước cho biết, sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chính sách của Việt Nam là duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục cải thiện đời sống người dân, tái cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sau nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an từ 2008 – 2009, Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đang ứng cử vào nhiều cơ quan đa phương và sẽ tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian tới. Việt Nam mong muốn là một thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy và đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, vai trò và trách nhiệm của các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ đối với việc xử lý các điểm nóng ở khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông cùng các vấn đề mang tính toàn cầu, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống tội phạm xuyên quốc gia, đối phó với biến đổi khí hậu… đang ngày càng trở nên bức thiết. Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Chủ tịch cũng khẳng định, trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam coi trọng và xem Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu. Hai nước hiện nay không chỉ là đối tác hợp tác sâu rộng trong các vấn đề song phương, mà còn cả trong các vấn đề đa phương, khu vực, toàn cầu mang tính chiến lược, như chống khủng bố, an toàn an ninh hàng hải, ứng phó biến đổi khí hậu, và đặc biệt đang cùng quyết tâm để hoàn tất một Hiệp định TPP cân bằng, đáp ứng lợi ích của các bên...
Về vấn đề nhân quyền, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, Thông qua các cuộc đối thoại, hai bên hiểu nhau hơn, nhất là về cách tiếp cận, cũng như những đặc thù về văn hóa, lịch sử của mỗi bên. Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phấn đấu để người dân được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của công cuộc Đổi mới. Cũng như những gì chính quyền Hoa Kỳ đang hướng tới, Việt Nam không ngừng cải thiện các chương trình y tế, xã hội, giáo dục cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... các vị chức sắc tôn giáo và các cán bộ phụ trách tôn giáo sẽ có các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với các cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ về tôn giáo để các bạn bè Hoa Kỳ sẽ hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam...
Và Chủ tịch cho rằng, đây là thời điểm mà hai nước đang đứng trước những cơ hội để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới. Hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và cùng các đối tác sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, duy trì đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề khác biệt…
4. Làm việc với các Bộ khác
Ngày 24/7, tại Washington D.C., Thủ đô Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp và làm việc với ba quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ, gồm Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack và Đại diện Thương mại Michael Froman.
Tại cuộc gặp này, các Bộ trưởng nhấn mạnh quan hệ hai nước đang có những cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và đều cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng Thương mại P. Pritzker và Đại diện Thương mại M. Froman nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với các thành viên khác, đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng và Đại diện Thương mại cho rằng, những tiến triển trong vòng đàm phán vừa qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Malaysia là bước đi tích cực hướng tới kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack đánh giá hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có nhiều tiềm năng và khẳng định sẽ thúc đẩy các chương trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực, đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chúc mừng các Bộ trưởng vừa nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ hai của Chính quyền Tổng thống Barack Obama và khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhất trí về tầm quan trọng của Hiệp định TPP đối với quá trình liên kết kinh tế trong khu vực, cũng như đối với sự phát triển kinh tế của mỗi nước; Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng, TPP cần phải là một Hiệp định cân bằng vì các mục tiêu phát triển và cần tính đến tính đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư đã và đang là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ; Chủ tịch đề nghị Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tránh áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, những vụ kiện từ phía Hoa Kỳ về bán phá giá hoặc trợ cấp đối với cá tra, basa và tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu nông dân Việt Nam, cả về mặt kinh tế và xã hội, gây khó khăn cho việc tạo công ăn việc làm cho nông dân, và nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn.
Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước đang phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực thực thi các cam kết, trong đó tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong những cơ sở để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay và trong tương lai khi có TPP.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đồng thời hai nước cần sớm thảo luận về việc xây dựng Hiệp định khung về hợp tác nông nghiệp.
5. Làm việc với các doanh nghiệp Mỹ
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong 18 năm qua, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu, và là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam. Chủ tịch bày tỏ quan điểm, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định sự năng động và vai trò đầu tầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Các cơ chế liên kết kinh tế hiện có ở khu vực tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, đồng thời đang hình thành nhiều tầng nấc mới, với nội hàm liên kết sâu rộng và mức độ cam kết cao.
Các đàm phán trong khuôn khổ TPP, Khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á… tạo nên những xung lực đầy tiềm năng cho thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của từng quốc gia và cả khu vực. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới; trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng kinh doanh và đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực..., góp phần đưa Việt Nam tham gia vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả...
6. Trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa kỳ (CSIS)
Chiều 25/7/2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa kỳ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng trước nhiều học giả có tên tuổi, nhiều vị đã có mối quan tâm lâu dài với Việt Nam, đã và đang có những đóng góp rất quan trọng cho mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đây là một trung tâm học thuật, nghiên cứu chiến lược hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới, có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Bài phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang được hết sức chú ý và được đánh giá là có tính “lịch sử”.
Tại đây, Chủ tịch “muốn chia sẻ một số suy nghĩ về khung cảnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong khung cảnh đó”. Chủ tịch cho rằng, trong thế kỷ XXI, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tầu trong liên kết kinh tế thế giới. Đây là khu vực tập trung 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất, với tỉ trọng thương mại xuyên Thái Bình Dương hiện đã chiếm 2/3 thương mại toàn cầu, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Và Hoa Kỳ cùng chia sẻ bờ biển Thái Bình Dương, Châu Âu với những mối liên hệ lịch sử,… việc các nước lớn, kể cả Hoa Kỳ, đặt châu Á-Thái Bình Dương ở vị trí ưu tiên trong chính sách của mình là điều tất yếu. Khu vực này đang có nhiều tiềm năng, cơ hội to lớn, nhiều xu hướng hợp tác, liên kết năng động. Chủ tịch cho rằng, việc thực hiện thành công các liên kết này có tầm quan trọng chiến lược với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm khai thác thành công những tiềm năng và cơ hội; thế nhưng, những tiềm năng đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào môi trường hòa bình, an ninh khu vực, trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Bên cạnh vai trò của các nước lớn, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á, các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Trong khu vực, việc tăng cường quan hệ với các nước đối tác quan trọng luôn là một ưu tiên của ASEAN cũng như Việt Nam. Việt Nam đã và đang tham gia vào các hoạt động của ASEAN một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm, cũng như tăng cường quan hệ với các nước lớn nhằm củng cố vai trò, vị thế, cũng như sự phát triển trong đoàn kết và đồng thuận của ASEAN.
Đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, Chủ tịch cho rằng, mối quan hệ đó đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực, cả bề rộng, bề sâu cũng như hiệu quả của các lĩnh vực đó. Nếu nhìn lại cả chặng đường dài lịch sử, mới thấy được những bước tiến, những thành tựu trong quan hệ hai nước ngày nay là rất có ý nghĩa. Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định.
Trong cuộc gặp tại CSIC, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã thông báo về kết quả Hội đàm với Tổng thống B. Obama, mà kết quả quan trọng là hai bên đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh. Chủ tịch cũng thông báo về các cuộc tiếp kiến với Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Nông nghiệp và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ; có các cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế, gặp các Nghị sỹ của Thượng, Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Tọa đàm bàn tròn với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quan hệ hai nước đang có cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, sẽ tiếp tục hình thành những cơ chế đối thoại và hợp tác với những chương trình cụ thể, nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và phát triển thực chất. Chủ tịch cũng nhấn mạnh đến việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết cùng các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP theo lộ trình đã đề ra, hướng tới một hiệp định cân bằng vì phát triển. Chủ tịch cho rằng, tham gia vào liên kết kinh tế trong TPP, Việt Nam sẽ tiến một bước lớn trên con đường hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời đóng góp vào sự năng động, phồn vinh của khu vực; việc tham gia TPP cũng góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, Kết thúc và thực hiện TPP không hề đơn giản với một nước đang phát triển như Việt Nam; bên cạnh sự cố gắng cao độ của Việt Nam, thì sự linh hoạt và hợp tác của Hoa Kỳ cũng là yếu tố rất quan trọng.
Trong tiếp xúc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch cho rằng, họ đều khẳng định ủng hộ mạnh mẽ quan hệ song phương phát triển toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư; và cam kết hết sức hỗ trợ để đạt được một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao và toàn diện, cân bằng lợi ích cho tất cả các bên; nhất trí vận động dành một giai đoạn chuyển đổi hợp lý cho Việt Nam trong tiến trình TPP.
Chủ tịch nhấn mạnh đến cam kết của Tổng thống Obama tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mekong, Cấp cao Đông Á và APEC.
Đối với những vấn đề khác, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, hai nước sẽ tiếp tục phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại, và trong bất cứ mối quan hệ quốc tế nào, việc tồn tại các bất đồng và khác biệt là điều bình thường, Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ và hướng tới tương lai”, việc hai nước cần làm là xây dựng lòng tin, xây dựng quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thể chế chính trị và cùng có lợi.
Về vấn đề quyền con người, Chủ tịch cho rằng, còn có sự khác biệt. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là phải tiếp tục tăng cường đối thoại một cách thẳng thắn, để tăng cường hiểu biết và thu hẹp khác biệt. Trên tinh thần đó, trong cuộc gặp với các Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch đã trao đổi cởi mở và xây dựng trên tinh thần bạn bè về quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề nhân quyền, tôn giáo.
Cuối cùng, Chủ tịch phát biểu: “Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quí vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó”.
7. Về vấn đề Biển Đông
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, các Bộ trưởng, các doanh nghiệp, tại CSIS…Chủ tịch Trương Tấn Sang tái khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua đường chín đoạn, nó không có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố đó.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ được đưa ra sau cuộc Hội đàm giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống B. Obama có đoạn: "Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống B. Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ".
"Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả."
Đặc biệt, Chính phủ Mỹ đã thẳng thắn và rõ ràng trong việc ủng hộ hợp tác kinh doanh - khai thác giữa các công ty Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.
Tuyên bố chung viết: "Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy...".
Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong lô 118, ngoài khơi Đà Nẵng, và là nơi tập đoàn ExxonMobil thông báo đã khoan thấy khí đốt năm ngoái. ExxonMobil đã mua lại phần hùn tại các lô 117,118 và 119 trong bể Phú Khánh từ tập đoàn dầu khí Anh BP năm 2009. Từ tháng 5/2011, ExxonMobil đã khoan nột số giếng tại lô 118 và tìm thấy khí. Khu vực này nằm ngoài khơi trên thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông và do vậy bị Trung Quốc liệt vào vùng tranh chấp, cho dù Việt Nam và ExxonMobil cho rằng, đây hoàn toàn là khu vực chủ quyền của Việt Nam và có thể khai thác hợp pháp. Trong khi đó, tập đoàn Murphy Oil đang tham gia dự án với đối tác Việt Nam PVEP ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, các lô 144 và 145 cũng trong bề Phú Khánh. Ngoài các lô nói ở trên, ExxonMobil còn tham gia dự án thăm dò với Việt Nam ở một số địa điểm khác, trong đó có ở khu vực Vũng Mây-Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía Nam.
Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ thể hiện rõ ràng quan điểm của Hoa Kỳ trong việc làm ăn với Việt Nam ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thư ký LHQ, gặp mặt Gia đình cựu Tổng thống B. Clinton, gặp gỡ trao đổi với các quan chức chính quyền Mỹ, các nhà giáo dục và nghiên cứu kinh tế của Hoa Kỳ, các cựu chiến binh, nhiều bạn bè Hoa Kỳ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Gặp ban lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Đại học Việt Nam và Đại diện một số trường Đại học Hoa Kỳ, gặp đại diện các chương trình giáo dục, đào tạo, giảng dạy…
8. Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
Chúng tôi cho rằng, kết quả lớn nhất của chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang là hai bên đã tuyên bố xác lập quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước. Nội dung quan trọng của “Đối tác toàn diện” được Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama trao đổi trong cuộc Hội đàm ngày 25/7/2013 và được thể hiện trong Tuyên bố chung của hai Nguyên thủ quốc gia.
Hai nhà Lãnh đạo khẳng định Đối tác toàn diện chính là việc cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung, phản ánh mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước, nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ, theo các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Quan hệ Đối tác toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch.
Về hợp tác chính trị và ngoại giao
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao, tiếp xúc ở tất cả các cấp và ủng hộ việc tăng cường các cơ chế đối thoại và hợp tác (giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan đảng của hai nước).
Tổng thống Obama khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những quy định của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), nguyên tắc không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ; nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả…
Về quan hệ kinh tế và thương mại
Một trong những vấn đề quan trọng nhất về quan hệ kinh tế thương mại giưa hai nước là hai bên đã tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm nay, có tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên trong khuôn khổ một thỏa thuận cân bằng và toàn diện.
Những nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, những nỗ lực cải cách của Việt Nam với tư cách một nền kinh tế đang phát triển và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế được Hai Nhà lãnh đạo coi như một nền tảng và động lực của đối tác toàn diện mới Việt Nam-Hoa Kỳ.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ TIFA, Sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng ASEAN và trong APEC nhằm tăng cường liên kết kinh tế và thương mại phù hợp với đối tác toàn diện song phương và các mục tiêu chung của WTO, APEC và của ASEAN.
Tổng thống Obama hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế, ghi nhận quan tâm của Việt Nam về quy chế kinh tế thị trường, cam kết tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với Việt Nam về cải cách kinh tế. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, bảo hiểm, nông nghiệp...
Về hợp tác khoa học và công nghệ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tái khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác khoa học, trong đó có lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, công nghệ không gian và nghiên cứu biển, xây dựng quan hệ giữa các cộng đồng khoa học hai nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên sự sáng tạo..
Về hợp tác giáo dục
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết tăng cường hợp tác giáo dục, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, là nhân tố quan trọng trong giai đoạn tới của quan hệ giữa hai nước. Hai bên ghi nhận sự thành công của các sáng kiến giáo dục, trao đổi song phương, đặc biệt là chương trình Fulbright và Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành kỹ thuật (HEEAP), sự thành công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright và phía Việt Nam hoan nghênh sáng kiến thành lập Trường Đại học Fullbright ở Việt Nam.
Về môi trường và y tế
Đây là lĩnh vực mà hợp tác song phương ngày càng tăng nhằm cải thiện điều kiện sống của con người, hai bên chú trọng đến việc giảm khí thải nhà kính tại Việt Nam bằng việc gia tăng năng lượng sạch, hiệu suất năng lượng và lâm nghiệp bền vững và tăng cường khả năng của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thảm họa thiên nhiên, trong đó có Chương trình Năng lượng sạch và Chương trình Rừng và Đồng bằng của USAID. Hoa Kỳ cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào ở Việt Nam. Hai bên chú trọng vấn đề Hạ lưu sông Mekong.
Việt Nam và Hoa Kỳ chú trọng thúc đẩy hợp tác y tế công nhằm tăng cường an ninh y tế toàn cầu, thông qua Hiệp định Hợp tác Y tế và Khoa học Y học. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về phòng chống AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống phòng ngừa, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bền vững.
Về các vấn đề hậu quả chiến tranh
Lãnh đạo hai nước cho rằng, việc tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh làm sâu sắc sự tin cậy lẫn nhau, cho phép hai nước phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai. Tổng thống Obama đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục hợp tác tìm kiếm đầy đủ quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh và cam kết hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm bộ đội mất tích. Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn đối với các nỗ lực của Việt Nam về rà phá các vật liệu nổ còn sót lại (UXO), hỗ trợ những nạn nhân bị thương, và ngăn chặn thương vong trong tương lai. Vấn đề tẩy độc dioxin cũng được hai bên đề cập đến.
Về quốc phòng và an ninh
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác về quốc phòng và an ninh. Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương đã được ký năm 2011 và hai bên tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ đó. Hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ và đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng song phương, nhằm đánh giá quan hệ quốc phòng và an ninh và thảo luận về hợp tác trong tương lai, nhất trí mở rộng hợp tác cùng có lợi, nhằm tăng cường năng lực trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thiên tai. Việt Nam quyết định sẽ tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 2014.
Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực chống khủng bố; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có chống cướp biển, buôn lậu ma túy, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã; ứng phó với tội phạm công nghệ cao và vấn đề an ninh mạng.
Về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Về vấn đề này, hai bên ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Phía Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và thành tựu trong việc thúc đẩy quyền con người, nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo, Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014. Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.
Văn hóa, du lịch và thể thao
Hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch có tầm quan trọng to lớn trong việc tăng cường giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận những thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ và sự đóng góp quan trọng của họ đối với quan hệ song phương. Hai bên nhất trí khuyến khích giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, triển lãm và các sự kiện văn hóa và thể thao khác giữa hai nước”
______________________
Tài liệu tham khảo:
1. "Joint Statement by President Barack Obama of the United States of America and President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam". http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/joint-statement-president-barack-obama-united-states-america-and-preside.
2. "Remarks by President Obama and President Truong Tan Sang of Vietnam after Bilateral Meeting". http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/remarks-president-obama-and-president-truong-tan-sang-vietnam-after-bila
3. Phạm Bình Minh. "Về kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước". http://www.vietnamplus.vn/Home/Ve-ket-qua-chuyen-tham-Hoa-Ky-cua-Chu-tich-nuoc/20137/208810.vnplus. 28/07/2013
4. David Brown. "Vietnam Between Rock and a Hard Place". YaleGlobal, 18 July 2013
5. Carl Thayer. "The U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership: What’s in a Name?" . Thayer consultancy 26-7-13
6. "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong một châu Á - Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng". http://www.nhandan.com.vn/ Thứ bảy, 27/07/2013 - 09:59 PM
7. Mark Landler. "Obama and Vietnam’s Leader Pledge Deeper Ties". Published: July 25, 2013. http://www.nytimes.com/2013/07/26/world/asia/obama-and-vietnams-leader-pledge-deeper-ties.html?ref=world&_r=0
8. "Tuyên bố chung của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama". Tin tham khảo đặc biệt TTXVN 25/7/2013
9. "Đại sứ Mỹ đầu tiên tại VN nghĩ gì về chuyến đi của ông Sang?". http://www.voatiengviet.com/content/dai-su-my-dau-tien-tai-vietnam-nghi-gi-ve-chuyen-di-cua-ong-truong-tan-sang/1708766.html. 24/7/2013.
10. Nguyễn Tâm Chiến. "Quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Mỹ là hòn đá tảng". http://sgtt.vn/Thoi-su/181750/Quan-he-hop-tac-kinh-te-Viet-%E2%80%93-My-la-hon-da-tang.html
11. "A Conversation with U.S. Ambassador to Vietnam David Shear". http://asiafoundation.org/in-asia/. July 10, 2013.
12. "Đại sứ VN nói về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước". http://vietnamnet.vn/. 22/07/2013 13:37 GMT.
Nguyễn Tuấn Minh - Viện Nghiên cứu Châu Mỹ
No comments:
Post a Comment