Saturday, May 3, 2014

3. HỒ SƠ TÌNH HÌNH UKRAINE






Các bản tin liên quan đến tình hình Ukraine (Cập nhật đến 1/5/2014):

1. RFI (4-2-2014): Đồng rúp mất giá, Nga bất lực.
2. VND (5-2-2014): Mỹ đã ấn định thời gian can thiệp vào Ukraine?
3. BBC (2-3-2014): Ukraine kêu gọi tổng động viên.
4. BBC (2-3-2014): Ván cờ Nga – Mỹ tại Ukraine.
5. BBC (3-3-2014): Nga ra tối hậu thư ở Crimea.
6. BBC (3-3-2014): Crimea: Putin hoàn thành mục tiêu.
7. RFI (3-3-2014): Ukraina : Phương Tây đình chỉ tư cách thành viên G8 của Nga.
8. BBC (5-3-2014): Nỗ lực ngoại giao cấp cao cho Ukraine.
9. VOA (6-3-2014): Nghị viện Crimea bỏ phiếu quyết định sáp nhập vào Nga.
10. PTT (6-3-2014): Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina: Phương Tây quá bất ngờ với Putin!
11.  VND (7-3-2014): Putin xuống thang?
12. BBC (11-3-2014): Mỹ cảnh cáo Nga không sáp nhập Crimea.
13. VN+ (11-3-2014): Nga: Tuyên bố độc lập của Crimea "hoàn toàn hợp pháp".
14.  RFI (11-3-2014): Ukraina và những hạt cát của ông Putin
15. RFI (12-3-2014): Phương Tây sẽ bỏ rơi Crimée cho Nga để Ukraina bảo toàn độc lập?
16. VOA (14-3-2014): 'Nga có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề vì khủng hoảng Ukraina'
17. VOA (17-3-2014): Nghị viện Crimea tuyên bố độc lập, xin sáp nhập vào Nga.
18.  VNN (18-3-2014): "Mỹ có thể trừng phạt cả Putin".
19. RFI (18-3-2014): Tổng thống Putin ký Hiệp định sáp nhập Crimée vào Liên bang Nga.
20. ĐCV (18-3-2014): Nhà Trắng ứng xử với Putin thế nào mới đúng?
21.  VEF (18-3-2014): Đòn tỷ đô, Putin 'dằn mặt' Âu, Mỹ.
22.  RFI (21-3-2014): Pháp -Đức đình chỉ hợp tác quân sự với Nga.
23. BBC (22-3-2014): Nga đã thắng phương Tây?
24.   BBC (23-3-2014): Putin sẽ không dừng ở Crimea?
25. GDVN (29-3-2014): Putin đề nghị Mỹ tìm cách kết thúc khủng hoảng tại Ukraine.
26.  BBC (30-3-2014): Ukraine: Theo ai tốt hơn?
27.  BBC (2-4-2014): Mô hình nhà nước liên bang Ukraine?
28.  VNN (7-4-2014):Thêm một thành phố ở Ukraina tuyên bố độc lập.
29. GDVN (10-4-2014): Khủng hoảng Ukraine: Mỹ có thể sớm triển khai quân đội tới châu Âu.
30.  NVO (10-4-2014): Nga vận dụng lợi thế về khí đốt thiên nhiên.
31. GDVN (10-4-2014): Putin gửi thư cho 18 nước châu Âu cảnh báo cắt giảm khí đốt.
32. RFI (11-4-2014): Đối phó thế nào với mối đe dọa Putin ?
33. GDVN (11-4-2014): Nhiều nhóm lợi ích Mỹ phải cảm ơn Putin vì đã sáp nhập Crimea.
34.  CAFEF.VN (15-4-2014): Kế hoạch của Tổng thống Putin.
35. RFI (18-4-2014): Ukraina: Nga và Tây phương đạt thỏa hiệp giảm căng thẳng.
37. TTX.VN (21-4-2014): Nga: Mỹ phải nhận trách nhiệm về khủng hoảng Ukraine.
38.  VOA (23-4-2014): Hoa Kỳ đưa lính nhảy dù đến Ba Lan, vùng Baltics.
39.  PTT (25-4-2014): Phương Tây dàn trận chống Nga.
40. VN+ (1-5-2014): Giải mã chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Angela Merkel.

*****

Đồng rúp mất giá, Nga bất lực

RFI - Thứ Ba 04 Tháng Hai 2014
Nga và nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới phải đương đầu với hiện tượng các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn đi nơi khác. Trong 6 tuần lễ đầu 2014, đồng rúp của Nga mất giá 10%, rơi xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2009. Người dân lo sợ nhưng Matxcơva hài lòng. Tổng thống Putin loại trừ mọi khả năng phá giá đồng tiền.
Tỷ lệ tăng trưởng của Nga đang đổ dốc, đang từ 4.3 % năm 2011 rơi xuống còn 3.4 % vào năm 2012 và 1.3 % vào năm ngoái. Matxcơva kỳ vọng vào “hiệu ứng” của Thế vận hội mùa đồng Sochi để đem lại một làn gió mới cho kinh tế Nga. Điện Kremly kỳ vọng GDP tăng 2.5 % trong năm 2014. Các chuyên gia không mấy tin tưởng vào dự phóng lạc quan đó của chính quyền.
Sergoy Dmitriev nhà báo ban tiếng Nga RFI giải thích thêm về nguyên nhân khiến đồng rúp mất giá so với hai ngoại tệ chính là đô la và euro.
“Đúng là đồng rúp đã rơi xuống mức thấp nhất từ 4 năm qua. Nhìn từ phía Matxcơva đây là một sự ‘điều chỉnh’ bởi vì trong quá khứ đồng tiền Nga được đánh giá là cao hơn sơ với trị giá thực sự của nó. Ngân hàng trung ương cố tình giữ giá đồng tiền quốc gia ở mức cao để tránh lạm phát. Đúng là vốn đầu tư nước ngoài vào Nga đang bị thất thoát ra ngoài, trước viễn cảnh Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Đứng đầu là các nhà đầu tư vào những lĩnh vực năng lượng của Nga. Cần biết rằng 70% tiền ủy thác của các ngân hàng Nga đều trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa tình hình cả kinh tế lẫn chính trị của Nga hiện còn bấp bênh. Về kinh tế như đã biết, GDP của Nga tăng trưởng chậm lại cho dù được thế vận hội Olympic Sochi tiếp sức. Còn về tình hình chính trị, thì mọi người chưa biết đối lập Nga sẽ có ‘ngồi yên’ hay không”.
Trả lời báo chí, thống đốc Ngân hàng trung ương Nga bà Elvira Naboiullina tuyên bố đồng rúp mất giá không phải là do đơn vị tiền tệ của Nga “yếu” mà là do euro và đô la tăng giá “mạnh”. Dù vậy cho đến trung tuần tháng Giêng 2014 định chế tài chính này đã liên tục tung tiền ra để mua vào đồng rúp hòng giữ giá đơn vị tiền tệ quốc gia ở một mức phải chăng và tăng lãi suất chỉ đạo với hy vọng chặn được hiện tượng chảy máu vốn ra nước ngoài. Nhưng từ gần ba tuần qua, Ngân hàng trung ương đã giới hạn sự can thiệp đó để “thả nổi tỷ giá đồng tiền theo luật cung cầu của thị trường”.
Lợi hay hại cho kinh tế Nga ?
Câu hỏi thiết thực nhất đặt ra là liệu đồng rúp mất giá như vậy có lợi hay không cho kinh tế của Nga ? Đơn vị tiền tệ của Nga đã liên tục bị mất giá trong sáu tuần lễ đầu năm 2014, giảm 6.5 % so với đô la và hơn 5 % so với đồng euro của châu Âu. Vào lúc mà người dân lo ngại vật giá leo thang khi hàng nhập khẩu vào Nga tăng giá, thì chính quyền của ông Putin lại coi hiện tượng đồng tiền bị mất giá này là một cơ may.
Phần lớn ngân sách của liên bang Nga tùy thuộc vào tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt. Hóa đơn bán năng lượng cho nước ngoài luôn được tính bằng đô la. Trong tài khóa 2013 bội chi ngân sách của Nga tương đương với 0.5% GDP – tức là ở mức rất thấp. Thành quả đó có được chủ yếu nhờ giá dầu hỏa và khí đốt trên thế giới đã tăng lên trong khi đó, bản thân kinh tế của nước Nga thì bị chựng lại, khiến thuế thu vào giảm đi. Điều đó cho thấy, trong ngắn hạn đồng rúp càng mất giá so với đô la chừng nào thì lại càng có lợi cho chính phủ chừng đó.
Như phân tích của chuyên gia kinh tế Nikolai Petrov giảng dậy tại trường cao đẳng Matxcơva, tổng thống Putin đã cố ý để cho đồng tiền Nga trượt giá, qua đó có thêm phương tiện để tài trợ các chương trình xã hội và kinh tế như ông Vladimir Putin đã cam kết trong chương trình vận động tranh cử. Xuất khẩu khí đốt và năng lượng của Nga được thanh toán bằng đô la, đem về đến 40 % ngân sách của chính quyền liên bang. Điều đó cho thấy là đồng rúp mất giá khiến thu nhập của chính phủ Nga được thổi phồng lên. Nhờ vậy Matxcơva có thể hào phóng trong việc chi tiêu. Vào những ngày cuối tháng 12/2013 chính phủ Nga phải cáng đáng một khoản chi tiêu ngoài dự kiến đó là hỗ trợ cho Ukraina 15 tỷ đô la để Kiev không ký kết hiệp ước đối tác với Liên Hiệp Châu Âu.
Về phần mình bộ trưởng Công nghiệp Nga, Denis Mantourov ghi nhận đây là một cơ may cho nền công nghiệp nước này đang dậm chân tại chỗ. Với một đơn vị tiền tệ bị mất giá, hàng của Nga sẽ rẻ hơn và như vậy dễ bán ra nước ngoài hơn. Đây sẽ là một cú hích đối với nền công nghiệp đang tăng trưởng ở mức 2.6 % năm 2012 đã tuột dốc mạnh vào năm ngoái (tăng 0.3 %).
Mặt khác với một đồng rúp bị mất giá, hàng nước ngoài nhập vào thị trường Nga trở nên đắt đỏ hơn. Đây có thể là yếu tố khiến người dân Nga thiên về hàng nội hơn là hàng ngoại khi họ cần mua sắm.
Thêm một lợi thế không nhỏ khác là các tập đoàn nước ngoài có cơ sở tại Nga nhẹ gánh hơn khi trả lương cho nhân viên bằng đồng rúp. Matxcơva coi đây là một yếu tố quyết định để cầm chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng hiện tượng đồng tiền mất giá không hẳn là một tin vui đối với người tiêu dùng. Thứ nhất do tất cả các món hàng nhập đều sẽ trở nên đắt hơn. Đe dọa lạm phát và mãi lực bị thu hẹp lại là những rủi ro có thực và là mối ưu tư số 1 của người dân Nga. Thứ hai là dư luận nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt đồng rúp phá giá liên tục kể từ khi Liên Xô sụp đổ và nhất là trong giai đoạn năm 1998 hay 2009 khi nước Nga bị đe dọa khủng hoảng tài chính, và tiền tệ. Khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 dẫn tới hậu quả là lạm phát khi đó tăng 84% trong vòng một năm.
Một mối rủi ro khác đối với người tiêu dùng là để ngăn chặn hiện tượng “chảy máu tư bản” các tập đoàn ngân hàng Nga có khuynh hướng tăng lãi suất để giữ các nhà đầu tư. Lãi suất tăng làm phương hại trực tiếp đến khả năng mua sắm và đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp.
Ai cũng biết là tăng trưởng của Nga trong năm 2013 đã rơi xuống thấp, chỉ còn bằng 1/3 so với thành tích của năm 2012. Chắc chắn là chính quyền không thể khoanh tay nếu như đồng rúp tiếp tục mất giá và đè nặng lên túi tiền của người dân.
Theo thẩm định của cơ quan tài chính Citigroup của Mỹ thì đồng rúp có khuynh hướng tiếp tục mất giá trong hai 2014 và 2015, giảm thêm 4 % so với đô la vào năm nay.
Khuynh hướng chung của các nền kinh tế đang trỗi dậy
Không chỉ đồng rúp của Nga mà cả đồng rand của Nam Phi, đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ hay peso của Achentina, đồng rupee của Ấn Độ, real của Brazil cũng đã mất giá mạnh trước những tín hiệu báo trước Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo.
Giới lãnh đạo tại Ankara đang phải đối mặt với hàng loạt các vụ tai tiếng tham nhũng làm suy yếu nội các của thủ tướng Erdogan. Đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đang mất lòng dân, có thể sẽ thua đậm trong đợt bầu cử cấp thành phố sắp diễn ra vào cuối tháng 3/2014. Bên cạnh đó là những khó khăn kinh tế dồn dập càng gây thêm khó khăn cho Ngân hàng trung ương trong nhiệm vụ chấn chỉnh tỷ lệ hối đoái của đơn vị tiền tệ quốc gia. Ngày 29/01/2014 sau một cuộc họp khẩn cấp ngân hàng trung ương Thổ thông báo tăng lãi suất chỉ đạo đang từ 4.4 % lên thành 10 % để chặn đà mất giá của đồng bảng.
Về phần Achentina, kinh tế nước này đang trải qua một chu kỳ khó khăn chưa từng thấy từ 2001 tới nay. Dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, Achentina bị đe dọa lạm phát ngựa phi. Đồng peso liên tục bị tấn công. Ngân hàng trung ương Achentina đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp mạnh: mua vào nội tệ, tăng lãi suất, bơm thêm tiền vào khu vực kinh tế tránh để xảy ra hiện tượng thiếu hụt tiền mặt và nhất là hạn chế các dịch vụ mua vào ngoại tệ.
Tất cả những biện pháp “nguy hiểm này” chỉ có hiệu lực trong vài giờ. Đồng bạc Thổ Nhĩ Kỳ hay đồng peso Argentina vào những ngày cuối tháng Giêng đã tiếp tục trượt giá. Giới quan sát đã nói tới một “sự hốt hoảng” của các nền kinh tế đang vươn lên. Đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 30% so với thời điểm của tháng 6/2013. Đồng peso Argentina mất giá 20% so với đô la trong 6 tuần lễ đầu năm 2014.
Tác động dây chuyền
Bên cạnh những thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị của bản thân các nền kinh tế đang trỗi dậy, chính sách tiền tệ của Mỹ là một nguyên nhân có thể gây ra “giông tố” cho các quốc gia này. Trong phiên họp cuối cùng với tư cách Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hôm 29/01/2014, ông Ben Bernanke thông báo “siết chặt” chính sách tiền tệ. Liền sau đó đồng đô la tăng giá so với tất cả các đơn vị tiền tệ khác của thế giới. Đe dọa các nền kinh tế đang trỗi dậy khan hiếm tiền mặt và là nạn nhân của chính sách tiền tệ được định đoạt tại Washington càng trở nên rõ nét. Nhiều quốc gia chỉ trích thái độ “ích kỷ” của Fed. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ lấy làm tiếc là trong chính sách tiền tệ cộng đồng quốc tế không còn “hợp tác với nhau” và New Delhi không quên nhắc nhở Washington là trong giai đoạn đen tối nhất của khủng hoảng tài chính 2008-2009 chính các nền kinh tế đang trỗi dậy là đầu tàu tăng trưởng và nhờ sự tăng trưởng đó mà thế giới đã tránh được một tai họa. Ấn Độ cho rằng ngày nay các nền kinh tế công nghiệp phát triển không nên “qua cầu rút ván” phó mặc cho các nước tân hưng phải tự giải quyết lấy những vấn đề của họ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cảnh cáo là chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ gây phương hại cho răng trưởng và ổn định kinh tế của khối các nước đang phát triển. Trên nguyên tắc, nếu như các đơn vị tiền tệ của các nước tân hưng tiếp tục rơi trong những ngày tới, cầm chắc là cộng đồng quốc tế sẽ phải đề cập đến hồ sơ này nhân cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tổ chức tại Sydney trong hai ngày 22 và 23 sắp tới.
Lo ngại hàng đầu của các nước công nghiệp phát triển là những khó khăn kinh tế và tài chính của các quốc gia đang phát triển sẽ không chỉ khoanh vùng ở những khu vực này. Tuy nhiên trong lượng kinh tế của các nước đang trỗi dậy ngày càng lớn, điều đó có nghĩa là những khó khăn của khối này sẽ phải tác động dậy chuyền đến các nền quốc gia phát triển.

Từ Khóa : Kinh Tế - Nga - Quốc Tế - Tạp Chí

*****

Mỹ đã ấn định thời gian can thiệp vào Ukraine?

VietnamDefence - 05/02/2014| By VP
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ấn định thời hạn can thiệp vào Ukraine.
Tất cả những gì đã xảy ra, đó là “những bông hoa nhỏ”, những sự kiện chính vẫn còn ở phía trước.
Các sự kiện ở Ukraine còn lâu mới kết thúc, phong trào bạo loạn Euromaidan đang củng cố các lều trại để cho thấy là họ nổi dậy trong một thời gian dài và không ai định rời khỏi các tòa nhà đã chiếm giữ, các chiến binh đã đánh nhau ở Syria bên phía quân nổi loạn hiện đã có mặt ở Ukraine và sẵn sàng hành động.
Nhưng tất cả những gì đã xảy ra giống như là “những bông hoa nhỏ”, những sự kiện chính vẫn còn ở phía trước chúng ta. Và chắc chắn chúng sẽ bắt đầu vào ngày 7/2, lúc đó Olympics bắt đầu ở Sochi, còn ở Mỹ tuyên bố vỡ nợ. Chính vào thời gian từ ngày 7/2, nước Nga sẽ bị “trói tay” tối đa về mặt thông tin và tổ chức. Người Nga sẽ được kể về những chiến thắng tại Thế vận hội Olympics, nhưng những sự kiện chính sẽ ảnh hưởng đến tương lai nước Nga sẽ lại xảy ra ở Ukraine. Đáng chú ý là Bộ Ngoại giao Mỹ đã đặt ra thời hạn ngày 24/3 - chính vào lúc đó, họ định hoàn tất chiến dịch lật đổ Yanukovich, đó là thông tin chính thức đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ tại địa chỉ http://travel.state.gov/content/passports/english/alertswarnings/ukraine-travel-alert.html#  Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đại ý như sau:
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các công dân Mỹ về những rủi ro tiềm tàng liên quan đến các chuyến đi tới Ukraine do phong trào phản đối chính trị tiếp diễn và những đụng độ ác liệt giữa cảnh sát và người biểu tình. Các hoạt động biểu tình liên quan đến bạo lực, cụ thể là ở Kiev, đã rất căng thẳng từ ngày 19/1, làm mấy người chết và hàng trăm người bị thương. Người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường Độc lập ở Kiev và một số tòa nhà chính phủ ở Kiev và các thành phố khác trên khắp Ukraine. Các nhóm thanh niên mà dân chúng gọi là “titushky” đã tấn công phóng viên và người biểu tình, và thực hiện các hành động bạo lực ngẫu nhiên khác ở Kiev và các thành phố khác. Chúng tôi khuyến nghị các công dân Mỹ tránh xa tất cả các cuộc biểu tình, phản đối và tụ tập đông người. Các công dân Mỹ có nơi ở hay khách sạn nằm ngay gần nơi biểu tình phải tính đến việc rời các khu vực đó hoặc sẵn sàng ở trong nhà, có thể là trong mấy ngày trong khi sẽ xảy ra đụng độ. Thông báo cảnh báo đi lại này hết hạn vào ngày 24/3/2014.  Tấm màn đã kéo lên, các diễn viên chính đã bước ra sân khu và màn kịch chính sắp bắt đầu.
Nguồn: iskra-news.info, 2.2.2014.

******

Ukraine kêu gọi tổng động viên


BBC - Chủ nhật, 2 tháng 3, 2014
 Ukraine tuyên bố sẽ tổng động viên toàn bộ lính dự bị sau khi Nga đe dọa đưa quân vào Ukraine.
Quốc hội Nga hôm thứ Bảy bỏ phiếu cho phép quân Nga tiến vào Ukraine, một bước đi bị Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “vi phạm chủ quyền của Ukraine”.
Trong cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ cô lập về chính trị nếu họ tiếp tục biện pháp quân sự ở Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, hôm Chủ nhật, Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov, ra lệnh tổng động viên và không cho phép máy bay quân sự đi vào không phận.
Vào trưa Chủ nhật, Nato sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp để bàn về tình hình Ukraine.

Căng thẳng
Căng thẳng đang lên cao ở Ukraine, không chỉ ở bán đảo Crimea, nơi có nhiều người Nga sinh sống.
Hôm thứ Bảy đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga tại nhiều thành phố của Ukraine.
Ở Donetsk, vốn là cứ điểm truyền thống của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, khoảng 7,000 người xuống đường.
Họ định chiếm tòa nhà chính quyền chính ở đây nhưng không thành công.
Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, hơn chục người bị thương trong đụng độ giữa người thân và chống Nga.
‘Phạm luật rõ ràng’
Cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và ông Putin là lần đối đầu trực tiếp hếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
“Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga rõ ràng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Obama đã nói với Putin rằng hành động của Nga là ‘vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có các nghĩa vụ của Nga được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và vi phạm thỏa thuận đặt căn cứ quân sự mà họ ký với Ukraine hồi năm 1997’.
"Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga rõ ràng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine."
Thông cáo của Nhà Trắng
Trước đó, ông Obama đã kêu gọi ông Putin đưa quân trở lại doanh trại của họ trên bán đảo Crimea.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề nghị triển khai các quan sát viên quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ định đến Ukraine để đảm bảo an toàn cho người dân gốc Nga, theo hãng tin Pháp AFP.
Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính phủ lâm thời ở Kiev và cam kết sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nato và OSCE để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày sâu sắc.
Trong khi đó, bộ máy an ninh của ông Obama đã nhóm họp ở Nhà Trắng để cân nhắc các lựa chọn đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine – một ngày sau khi ông Obama cảnh báo rằng Nga sẽ phải ‘trả giá’ cho hành động của mình.
Trong cuộc điện đàm với Putin, Obama nói rằng phía Mỹ ngay lập tức sẽ dừng tham gia vào các cuộc thảo luận chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự kiến sẽ diễn ra tại Sochi của Nga vào tháng Sáu.

Liên minh phương Tây
Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Tổng thống Francois Hollande của Pháp và Thủ tướng Stephen Harper của Canada về vấn đề Ukraine.
Lên án Nga bằng ‘những ngôn từ mạnh mẽ nhất’, Thủ tướng Harper đã triệu hồi đại sứ Canada ở Moscow và cảnh báo rằng nước ông sẽ theo bước Washington trong việc tẩy chay Thượng đỉnh G8 ở Nga.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tham gia một cuộc họp qua điện thoại với sáu người đồng cấp ở châu Âu và Canada. Tham dự cuộc họp này còn có bà Catherine Ashton, đại diện chính sách đối ngoại của EU, và đại sứ Nhật tại Washington để ‘phối hợp bước tiếp theo’.
Trong một thông cáo sau đó, ông Kerry cảnh báo rằng Moscow đang đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ của Ukraine mà còn của cả khu vực.
"Thông điệp ở đây là quý vị phải rút quân. Hãy tham gia đàm phán chính trị, nói chuyện với chính phủ Ukraine – những người đang đề nghị quý vị đàm phán."
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power
Nếu Nga không làm giảm căng thẳng thì điều này sẽ ‘ảnh hưởng nghiêm trọng’ đến quan hệ với Mỹ, ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga bên lề các cuộc thảo luận ở Rome vào tuần tới.
Còn tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Samantha Power đã mô tả hành động của Nga là ‘vừa nguy hiểm vừa gây bất ổn’.
“Thông điệp ở đây là quý vị phải rút quân. Hãy tham gia đàm phán chính trị, nói chuyện với chính phủ Ukraine – những người đang đề nghị quý vị đàm phán,” bà Power phát biểu.
Trước cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã gọi điện cho người tương nhiệm Nga Sergei Shoigu.
Một quan chức quốc phòng của Mỹ nói với AFP rằng Washington ‘không có thay đổi gì’ về bố trí lực lượng của họ ở châu Âu.
*****

Ván cờ Nga – Mỹ tại Ukraine


BBC - Chủ nhật, 2 tháng 3, 2014
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Nga không can thiệp vào Ukraine.
Quốc hội Nga đã bỏ phiếu cho phép quân Nga có thể tiến vào Ukraine.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc "xung đột vũ trang".
Nhà Trắng nói ông Obama có thông điệp thẳng thắn với ông Putin trong cuộc điện đàm 90 phút.
Nhưng yêu cầu của Mỹ có vẻ không được nghe. Điện Kremlin tuyên bố ông Putin nhấn mạnh với Obama rằng có đe dọa thực sự cho công dân Nga ở Ukraine, và rằng Nga có quyền bảo vệ công dân tại đó.
Quân đội Nga đang kiểm soát Crimea, trong khi quốc hội Nga hôm thứ Bảy cho phép tổng thống có thể đưa quân vào Ukraine để bảo vệ công dân.
Nhà Trắng tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án sự can thiệp quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine.”
Giới phân tích nói ông Obama đối diện thử thách là liệu ông có quân cờ nào để buộc Moscow nhượng bộ.
Trong cuộc điện đàm, Obama nói với Putin rằng Mỹ sẽ tạm ngừng việc chuẩn bị cho hội nghị G8 mùa hè này ở Sochi, Nga.
Nhưng Putin có vẻ tính toán rằng sự sẵn lòng can thiệp của Obama không thể bằng quyết tâm của Nga khẳng định ảnh hưởng ở một đất nước mà Nga có nhiều duyên nợ.
Cộng hòa tự trị Crimea, còn thuộc Nga cho đến năm 1954, là vùng duy nhất tại Ukraine có đa số dân là người Nga.
Nga có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói Tổng thống Putin xem khủng hoảng hiện nay như cuộc chiến tranh Lạnh.
 “Việc Mỹ có vẻ yếu thế trên thế giới đã khuyến khích ông ta,” ông McCain nói.
Lựa chọn
Chính quyền Obama dường như không có nhiều lựa chọn để phản kích Nga.
Phía Mỹ đã nói Washington và châu Âu, mặc dù đã bác bỏ khả năng dùng quân sự, vẫn có thể gây áp lực lên Moscow bằng cách chứng tỏ Nga có nhiều điều để mất.
Nhà Trắng, trong thông cáo, đe dọa Nga có thể chịu “cô lập chính trị và kinh tế”.
Tuy vậy, đến nay Washington vẫn đang dùng các biện pháp ngoại giao.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói chuyện với người tương nhiệm của Nga hôm thứ Bảy.
Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ đều đang cân nhắc giúp đỡ tài chính cho chính phủ mới ở Kiev.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) tổ chức họp khẩn cấp hôm Chủ nhật.
Tổng thư ký Nato nói Nga đã vi phạm luật bằng hành động quân sự ở Ukraine.
Ukraine chưa phải là thành viên Nato, vì vậy Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ bảo vệ.
Một số người nói bước đi khả dĩ nhất cho Mỹ là gửi một vài tàu chiến vào Biển Đen theo tư cách đơn phương.
Nhiều thành viên trong Nato và EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Điều này khiến họ muốn duy trì quan hệ tốt với Moscow.
Tuy vậy, nếu Mỹ và EU không thành công trong áp lực với Nga, nó có thể để lại hậu quả lâu dài.
Mỹ liệu có buộc được Nga thoái lui ở Ukraine?
“Nếu Nga chiếm Crimea, nó sẽ sỉ nhục phương Tây, cho thấy đấy chỉ là hổ giấy,” Tim Ripley, từ tạp chí quốc phòng Jane’s Defence, nói.

*****

Nga ra tối hậu thư ở Crimea


BBC - Thứ hai, 3 tháng 3, 2014
Quân đội Nga đã lệnh cho lực lượng Ukraine ở Crimea phải đầu hàng trước 03:00 GMT nếu không sẽ bị tấn công, các nguồn tin quốc phòng Ukraine cho biết.
Trước đó Nga thắt chặt vòng kiềm tỏa quân sự trên vùng Crimea và thực tế đang kiểm soát vùng này bất chấp đề nghị rút lui của phương Tây.
Hàng ngàn lính Nga đang trấn giữ vùng này và cũng có tin về việc dịch chuyển xe thiết giáp và tàu.
Bảy nước công nghiệp phát triển đã lên án việc Moscow "vi phạm chủ quyền của Ukraine".
Ukraine đã lệnh tổng động viên, phát giấy triệu tập quân sỹ và đề nghị quốc tế ủng hộ.
Nga nói họ bảo vệ lợi ích của người nói tiếng Nga tại Crimea và ở những nơi khác tại Ukraine sau khi Tổng thống Victor Yanukovych bị lật đổ trong tháng trước.
Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Nga hôm thứ Hai với chỉ số MICEX ở Moscow giảm 9% vào đầu giờ buôn bán.
Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la và Ngân hàng Trung ương Nga tăng mức cho vay từ 5,5% lên 7%.
"Chúng tôi tạm thời quyết định ngưng việc chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng Sáu."
Tuyên bố của nhóm G7
Phóng viên BBC Mark Lowen tại Sevastopol nói Crimea giờ coi như thuộc quyền kiểm soát quân sự của Nga cho dù họ chưa tốn viên đạn nào.
Anh nói hai căn cứ quân sự lớn của Ukraine đã bị bao vây và các nơi trọng yếu như sân bay cũng bị chiếm.
Hàng ngàn lính tinh nhuệ của Nga mới tới đã có số lượng áp đảo sự hiện diện quân sự của Ukraine.
Những ụ chắn đường cũng được lập ra để ngăn cách Crimea với phần còn lại của Ukraine.
Lính biên phòng Ukraine thông báo họ thấy có nhiều xe thiết giáp tập trung ở phía bên kia của eo biển ngăn cách Nga và Crimea.
Binh lính thân Nga cũng đã chiếm quyền kiểm soát bến phà sang Nga ở vùng viễn đông Crimea.
Một số dịch vụ điện thoại di động cũng bị chặn.
'Vi phạm chủ quyền'
Chỉ huy hải quân Ukraine hôm thứ Hai đã khẳng định trung thành với Ukraine, hãng tin Interfax-Ukraine tường thuật, bất chấp cố gắng của nhóm thân Nga toan vào trụ sở hải quân ở Simferopol để buộc họ thay đổi quan điểm.
Phóng viên BBC ở Sarah Rainsford ở Kiev nói chính phủ lâm thời đã kêu gọi có sự ủng hộ quốc tế để buộc quân đội Nga rời Crimea.
Cô nói Ukraine đã tổng động viên quân đội cho dù họ hy vọng sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng trong hòa bình.
Nam giới tại khắp Ukraine đã nhận được giấy triệu tập và sẽ bắt đầu luyện tập 10 ngày bắt đầu từ thứ Hai.
Phóng viên của BBC cũng nói người dân rất giận dữ trước hành động của Nga và nhiều người Ukraine nói họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ cho dù về mặt quân sự Ukraine không phải là đối thủ có thể sánh được với Nga.
Hôm Chủ Nhật các nước công nghiệp phát triển đã lên án việc Nga tăng cường quân đội.
Trong một tuyên bố từ Nhà Trắng, nhóm G7 lên án "Liên bang Nga vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tuyên bố cũng nói: "Chúng tôi tạm thời quyết định ngưng việc chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng Sáu."
Các bộ trưởng G7 nói họ sẵn sàng "ủng hộ tài chính mạnh mẽ cho Ukraine."
Bộ Tài chính Ukraine nói nước này cần 35 tỷ đô la trong vòng hai năm tới.
'Bên bờ thảm họa'
Trong khi đó các hoạt động ngoại giao vẫn tiếp tục để giải quyết khủng hoảng.
Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu sẽ có phiên họp khẩn ở Brussels.
Liên Hiệp Quốc nói Phó Tổng Thư ký Jan Eliasson sẽ tới Ukraine để "trực tiếp xem xét tình hình tại chỗ."
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào thứ Hai.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới Kiev để đàm phán với chính phủ mới.
Ông nói cuộc khủng hoảng ở Ukraine là lớn nhất mà châu Âu đối mặt với trong thế kỷ này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ tới Ukraine vào thứ Ba. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama coi hành động của Nga là vi phạm luật lệ quốc tế và đe dọa cho an ninh và hòa bình.
Thủ tướng lâm thời của Ukraine Arseniy Yatsenyuk cảnh báo đất nước ông "đang bên bờ vực thảm họa".
Moscow không công nhận chính quyền hiện nay ở Kiev sau cuộc lật đổ ông Yanukovych.
Quyết định hồi tháng Mười Một của ông Yanukovych về việc bỏ quan hệ gần gũi hơn với EU để đi về phía Nga đã gây ra biểu tình lớn ở Kiev.
*****

Crimea: Putin hoàn thành mục tiêu

PJ Crowley - Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ - Thứ hai, 3 tháng 3, 2014
 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ tin tưởng hôm Chủ nhật rằng “Nga sẽ thua” trong cuộc đối đầu với phương Tây vì Ukraine.
Nhưng đến khi ông Kerry có mặt ở Kiev để bàn bạc khẩn cấp với chính phủ lâm thời, Tổng thống Vladimir Putin đã hoàn thành mục tiêu chính – giành lại lợi thế để chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra trong cuộc cách mạng không có kịch bản ở Ukraine.
Vấn đề khi ta cố đánh giá phe nào rồi sẽ thắng là ở chỗ, họ đang chơi các trò chơi khác nhau.
Phương Tây đang chống Nga, nhưng Nga lại đang nhắm tới Ukraine. Đến nay, ông Putin đang thắng với cái giá mà ông sẵn sàng chấp nhận.
Ukraine và phương Tây có vài lá bài dự trữ, nhưng có thể không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và chi phí đi kèm.
Ukraine là vấn đề lớn duy nhất chưa giải quyết sau Chiến tranh Lạnh. Họ sẽ đi theo phương Đông hay phương Tây? Đó là câu hỏi chủ chốt của cuộc cách mạng và lịch sử Ukraine.
Khủng hoảng bắt đầu từ tháng 11 vì lựa chọn cho Ukraine: chọn Liên minh châu Âu hay Liên minh thuế quan Á Âu?
Cựu tổng thống Viktor Yanukovych nhìn sang phía Đông, hấp dẫn vì cam kết 15 tỉ đôla của ông Putin nhằm vực dậy kinh tế.
Một phần quan trọng trong dân số lại nhìn sang Tây, phản đối và buộc ông chạy sang Nga.
Ông Yanukovych có thể đã bỏ trốn mang theo tới 70 tỉ đôla. Quốc khố đất nước trống rỗng.
Ông Putin ngừng chi tiền sau khi giải ngân chỉ mới 3 tỉ đôla.
Liệu phương Tây và/hay các tổ chức tài chính quốc tế có chi tiền, và bao lâu? Không chắc chắn là đủ vì sự bất trắc của kinh tế phương Tây.
Phương Tây có thể áp đặt trừng phạt các cá nhân và tổ chức bị xem là xâm phạm độc lập của Ukraine.
Nhưng cũng có giới hạn để không gây hại cho lợi ích kinh tế của châu Âu. Đức vẫn nhập một phần ba lượng khí đốt từ Nga.
Nhiều khả năng cuộc họp G8 tháng Sáu ở Sochi sẽ bị hủy.
G7 có thể tạm ngừng thẻ thành viên của Nga, nhưng thực ra ông Putin quan tâm Ukraine hơn là quan hệ với phương Tây.
Mục tiêu chiến lược của ông là giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của Nga, dù là một nước vệ tinh hay một hàng rào trung lập.
Lá bài của phương Tây là tái tục đàm phán để rồi có thể đưa Ukraine vào EU và có thể cả Nato.
Nhưng Mỹ và châu Âu liệu có chấp nhận rủi ro cắt đứt quan hệ với Nga chỉ để có một kết quả không chắc chắn ở Ukraine?
Không đâu.
Bầu cử ở Ukraine
Các vấn đề này chắc chắn sẽ phủ bóng cuộc bầu cử tháng Năm ở Ukraine.
Crimea dự định tiến hành trưng cầu dân ý để xem xét quy chế tự trị hiện nay, độc lập hay hợp nhất với Nga.
Để mất Crimea sẽ là viên thuốc đắng cho chính phủ mới của Ukraine.
Vladimir Putin đã giành lại lợi thế để phá cuộc cách mạng lần này như ông đã làm năm 2005.
P.J. Crowley từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ, do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm năm 2009. Ông từ chức năm 2011, và hiện là giáo sư ở Đại học George Washington, Mỹ.
*****

Ukraina : Phương Tây đình chỉ tư cách thành viên G8 của Nga

 

RFI - Thứ hai 03 Tháng Ba 2014


 

Trong hai ngày cuối tuần qua, Mỹ và Châu Âu đã có nhiều hoạt động ngoại giao để ngăn ngừa Nga can thiệp quân sự vào Ukraina. Để gây sức ép, tối qua, 02/03/2013, bẩy nước công nghiệp phát triển nhất cùng với Liên Hiệp Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã thông báo đình chỉ các hoạt động chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8, theo dự kiến được tổ chức tại Sotchi, Nga vào tháng Sáu tới đây. Như vậy, trên thực tế, Nga bị đình chỉ tư cách thành viên G8 và nhóm này chỉ còn 7 nước.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio, gửi về bài tường trình :
“Thông cáo do Nhà Trắng công bố, nhân danh 7 nước công nghiệp phát triển nhất và các định chế Châu Âu. Nga bị đình chỉ trên thực tế quy chế thành viên G8 cho đến khi môi trường trở nên thuận lợi cho các cuộc thảo luận có nội dung bên trong G8.
Trong một loạt phát biểu trên truyền hình, ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa trục xuất Nga ra khỏi G8 và do vậy nhóm này chỉ còn 7 nước – G7. Quyết định được thông báo tối hôm qua là bước đầu tiên. Nhóm G7 lên án hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraina và khẳng định hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. G7 cũng nhấn mạnh đến quyền tự quyết của nhân dân Ukraina được lựa chọn tương lai của mình.
Matxcơva được khuyến khích mạnh mẽ là hãy chấp nhận một sự trung gian hòa giải. Các nước ký bản thông cáo này sẵn sàng phối hợp với ông Putin để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Thông cáo không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt khác về chính trị hoặc kinh tế. Văn bản này được đưa sau sau nhiều cuộc thảo luận để có được đồng thuận chung”.
*****

Nỗ lực ngoại giao cấp cao cho Ukraine

BBC - Thứ tư, 5 tháng 3, 2014

Các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng tại Ukraine đang được thúc đẩy, với việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuẩn bị có các cuộc đàm phán quan trọng tại Paris.
Hoa Kỳ muốn các quan sát viên độc lập tới điểm nóng Crimea và có các cuộc đàm phán trực tiếp Kiev - Moscow.
Nga tỏ ra muốn có sự hiện diện nhiều hơn của các khu vực nói tiếng Nga trong chính quyền Kiev.
EU nay đã đề nghị viện trợ 11 tỷ euro (15 tỷ đô la) cho Ukraine.
Chủ tịch Ủy hội Âu châu Jose Manuel Barroso nói gói các khoản vay và viện trợ trong vòng vài năm tới là "nhằm hỗ trợ một chính phủ cam kết theo đường lối cải tổ" tại Kiev.
Bộ Tài chính Ukraine dự đoán nước này cần 35 tỷ đô la để cứu vãn nền kinh tế.
Ông Lavrov được trông đợi sẽ gặp ông Kerry và các lãnh đạo EU bên lề cuộc họp tại Paris về Lebanon, vốn đã được lên kế hoạch tổ chức từ lâu.
Nato và Nga cũng sẽ có các cuộc đối thoại song phương tại Brussels.
Phiên họp Paris được coi như cơ hội thăm dò cho cuộc đối thoại về Ukraine, phóng viên chuyên về quan hệ ngoại giao của BBC, Bridget Kendall nói.
Nhưng Ngoại trưởng Anh William Hague nói Nga đã không xuất hiện trong một cuộc họp với Ukraine tại Paris, cho nên ông "không mấy lạc quan" về tiến bộ sắp tới.
"Nếu chúng ta không thể đạt tiến triển gì, thì sẽ có những cái giá phải trả và có những hậu quả," ông nói thêm khi nhắc tới mối đe dọa trừng phạt từ Hoa Kỳ và EU.
"Chiều nay, nó sẽ là phép thử về việc Nga liệu có sẵn sàng ngồi xuống với Ukraine hay không."
Trước đó, ông Lavrov nhấn mạnh sự khác biệt giữa Moscow với các nước phương Tây, cáo buộc các nước này đã đưa ra một ví dụ xấu khi ủng hộ những người biểu tình, mà một số người trong đó nay đã thành lập chính phủ, trong "cuộc đảo chính có vũ trang".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ "không cho phép xảy ra tình trạng tắm máu" và nói thêm: "Chúng tôi sẽ không cho phép có những nỗ lực nhắm vào sinh mạng và sự an nguy của những người sống tại Ukraine và các công dân Nga sống tại Ukraine."
Ông Lavrov, phát biểu tại Madrid sau các cuộc trao đổi với ngoại trưởng Tây Ban Nha, cũng nói rằng người dân Ukraine và Crimea có quyền quyết định việc có muốn có các giám sát viên quốc tế hay không.
Tổ chức An ninh Hợp tác Âu châu (OSCE) sau đó xác nhận đã gửi 35 giám sát viên quân sự không vũ trang từ 18 nước châu Âu tới Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Không rõ những người này có được triển khai tới Crimea hay không.
Ông Lavrov cũng nói Moscow không có quyền xóa bỏ cái mà Nga gọi là "các lực lượng phòng vệ" hiện đang canh gác các địa điểm chính tại Crimea và nói đó không phải là lính Nga.
Các quân nhân thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga, vốn đóng tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, vẫn đang đóng tại các vị trí thông thường, ông nói thêm.

*****
Nghị viện Crimea bỏ phiếu quyết định sáp nhập vào Nga
VOA - Thứ năm, 06/03/2014
Các nhà lập pháp ở vùng Crimea của Ukraina đã bỏ phiếu để quyết định sáp nhập vào Nga, trong một hành động có phần chắc sẽ làm căng thẳng leo thang thêm nữa.
Cuộc biểu quyết ngày hôm nay của nghị viện Crimea được Nga hậu thuẫn đã diễn ra trong lúc các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu tham dự phiên họp khẩn ở Brussels để bàn về cách gây áp lực đòi Nga chấm dứt vụ xâm lăng quân sự ở Crimea.
Chính phủ của vùng Crimea, nơi đa số dân cư là người nói tiếng Nga, hôm nay cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng 3 về việc sáp nhập vào Nga.
Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk, đang có mặt ở Brussels để dự hộïi nghị Liên hiệp Âu châu, nói rằng cuộc biểu quyết của nghị viện Crimea là “một quyết định bất hợp pháp” và cho biết chính phủ ông đang hối thúc Nga “đừng hỗ trợ cho những kẻ hô hào cho việc chia cắt đất nước.”
Ông Yatsenyuk cũng cho biết chính phủ ông sẵn sàng thảo luận về vụ khủng hoảng này với Moskova.
Trong khi đó, tin tức từ vùng Crimea cho biết một toán quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu đã bị chận tại biên giới và không được phép vào vùng này. Hiện chưa rõ những người này có bị câu lưu hay không.
Cũng trong ngày hôm nay, Hoa Kỳ loan báo các biện pháp hạn chế cho việc cấp thị thực nhập cảnh cho những người Nga và người Crimea mà họ nói đang đe dọa Ukraina. Tòa Bạch Ốc hôm nay cũng cho biết Tổng thống Barack Obama đã ký một mệnh lệnh hành chánh để cho phép chế tài những tổ chức và cá nhân “chịu trách nhiệm đối với những hoạt động gây phương hại cho tiến trình hoặc định chế dân chủ ở Ukraina.”
Trước đó trong ngày hôm nay, Liên hiệp Âu châu đã phong tỏa tài sản của 18 viên chức cấp cao trong chính phủ cũ của Ukraina, kể cả Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Mặt khác, nhiều hoạt động ngoại giao trực tiếp nhằm xoa dịu vụ khủng hoảng quân sự ở bán đảo Crimea tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay.
Các nhà lãnh đạo của những nước E.U. sẽ họp tại Brussels để xem xét tới những biện pháp chế tài có thể áp dụng đối với Nga.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa tại Rome trong ngày hôm nay. Nhưng sau cuộc họp ông Lavrov nói rằng chưa có thỏa thuận nào giữa Moskova với Washington.
Hôm thứ tư, ông Kerry đã thực hiện một loạt các cuộc thảo luận với ông Lavrov, ngoại trưởng Anh William Hague và Ngoại trưởng lâm thời Ukraina Andriy Deshchytsia.
Hai ông Lavrov và Deshchytsia đã không giáp mặt nhau trong các cuộc điều đình hôm thứ tư, và ông Kerry nói rằng ông không dự kiến là một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ diễn ra.
*****
Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina: Phương Tây quá bất ngờ với Putin!

Petrotimes - 06/03/2014
Những phản ứng cứng rắn và cương quyết của Nga về vấn đề Ukraina đã khiến cả Mỹ và châu Âu lúng túng bởi lẽ họ không tin Tổng thống Putin lại có thể đi nước cờ bất ngờ đến vậy.
Phải chờ đến một tuần sau khi Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych bị phe đối lập thân châu Âu phế truất (ngày 22/2), Tổng thống Nga V.Putin mới chính thức lên tiếng phản đối (ngày 1/3). Sự phản ứng muộn màng này đã khiến phương Tây ngỡ rằng Nga đã thất bại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraina. Tuy nhiên, cái được gọi là phản ứng muộn màng đó (thực chất là chín chắn) đang khiến họ lúng túng.
Nga đưa quân vào bán đảo Crimea, kiểm soát khu tự trị này trước sự bất lực của chính quyền Kiev và phương Tây. Châu Âu và Mỹ chỉ còn biết đe dọa trừng phạt Nga nhưng thậm chí ngay cả những lời hù dọa đó cũng không có chút trọng lượng nào. Tổng thống Putin quyết tâm bảo vệ những lợi ích của Nga tại Ukraina. Sự cương quyết đó đã khiến Mỹ và châu Âu chùn bước và chấp nhận thỏa hiệp.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao phương Tây lại đánh giá quá thấp phản ứng của Nga trước vấn đề Ukraina để rồi từ chuốc lấy sự bất lực? Báo chí Pháp mấy ngày nay liên tục có các bài bình luận đả kích sự ấu trĩ của các nhà chính trị Mỹ và châu Âu. Chẳng hạn, tờ La Croix ra ngày 4/3 có bài xã luận tựa đề “Một bằng chứng cho thấy sự bất lực của nền ngoại giao phương Tây”. Bài báo phân tích, ngoại trừ đe dọa tẩy chay thượng đỉnh G8 sắp mở ra vào tháng 6/2014 tại Sochi hay gạt Nga ra khỏi câu lạc bộ các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, từ Liên hiệp quốc đến Liên minh Bắc Đại Tây dương, từ Liên hiệp châu Âu đến Mỹ đều không có những hành động cụ thể trước sự quyết đoán của chủ nhân điện Kremlin.
Trong khi tờ Les Echos lại nói tới “tầm hoạt động rất hạn hẹp của phương Tây” và một nước Mỹ “mờ nhạt trước quyết tâm của Vladimir Putin”. Tờ Libération thì có bài viết: “Một tổng thống Barack Obama rất rụt rè”, trước ông Putin bởi vì Mỹ đang cần đến Nga để giải quyết những hồ sơ quan trọng khác như là Afghanistan, Syria hay Iran. Theo quan điểm của tờ báo tương lai của Crưm như đã được an bài: “Crimea trong vòng ảnh hưởng của Nga”.
Về phần mình, Le Figaro cho rằng, việc Tổng thống Nga tăng cường quân sự ở Crimea là “một cái tát tai với ông Obama”. Một trong những chuyên gia hàng đầu về Liên Xô cũ và cũng là Chủ tịch cơ quan tư vấn Eurasia Group, Ian Bremmer, được Le Figaro trích dẫn báo trước: đối với Ukraina, “những ý đồ quân sự của Nga sẽ không dừng lại ở Crimea”. Chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ lan rộng ra các vùng ở miền đông và miền nam Ukraina. Sở dĩ kịch bản đó có thể xảy tới do châu Âu và Mỹ đã đánh giá sai lệch tình hình cả về Ukraina lẫn Tổng thống Putin. Chuyên gia Bremmer đã chỉ ra một số sơ hở của Nhà Trắng trong việc đánh giá tình hình Ukraina cũng như phản ứng của Nga.
Thứ nhất, Washington đã ngây thơ tin vào sức mạnh của chính mình, cho rằng dù vị trí siêu cường của Mỹ đang trên đà suy yếu nhưng nước Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong. Sơ hở thứ nhì là lâu nay Nhà Trắng đã lơ là với hồ sơ Ukraina, cả tin rằng khi người dân Ukraina nổi dậy chống lại Tổng thống Yanukovitch, quốc gia này hiển nhiên ngả vào vòng tay của châu Âu. Ở đây Mỹ quên mất rằng, quyền lợi của Nga tại Ukraina lớn gấp 10 lần so với của châu Âu. Khác với phương Tây, ông Putin có hẳn một kế hoạch, một chiến lược rất rõ ràng cho Ukraina.
Nhược điểm thứ ba là Mỹ đã xem thường đối phương, tưởng lầm là Nga không còn ảnh hưởng lớn đối với Ukraina. Thế rồi lại cũng Mỹ, theo chuyên gia Bremmer, đã làm ngơ để cho thỏa hiệp giữa Tổng thống bị truất Yanukovitch với ba nước châu Âu bị vi phạm. Nhưng chốt lại, cả Liên minh châu Âu và Mỹ chỉ mạnh miệng lên tiếng cảnh cáo Nga nhưng cả Bruxelles lẫn Washington tới nay vẫn chưa biết phải đối phó ra sao trên vấn đề Ukraina.
Le Figaro phân tích về sự ngộ nhận và thiếu tinh tế của ngành ngoại giao Mỹ và châu Âu như sau: “Thình lình Mỹ và các đồng minh châu Âu tỉnh ngủ trước thái độ cứng rắn của Nga”. Trước đó, mặc cho những quốc gia trong vùng Baltic hay Ba Lan đánh động dư luận quốc tế về lò lửa Ukraina, phương Tây vẫn làm ngơ. Giờ đây Mỹ thực sự lúng túng trước một ông Putin sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định quyền lợi của Nga tại Ukraina”.
Trên chính trường Mỹ, mọi người đều ý thức được rằng, nếu chỉ đe dọa suông mà không có những hành động cụ thể, uy tín của Mỹ sẽ bị sứt mẻ. Nhưng chẳng mấy ai tin rằng Washington sẽ đọ sức với Matxcơva vì Ukraina. Còn nhớ vào tháng 8/2008, các nước phương Tây đã không làm gì được khi Nga đưa quân sang Abkhazia và Ossetia, hai tỉnh thành thuộc chủ quyền của Gruzia. Liệu rằng kịch bản đó sẽ có lặp lại với Ukraina hay không?
Các nhà phân tích cho rằng, châu Âu nên để một cánh cửa ngỏ cho giải pháp ngoại giao. Việc tăng quân tại Crưm cho thấy Matxcơva cảnh cáo cộng đồng quốc tế chớ nên làm mất mặt nước Nga. Điều đó cũng có nghĩa là Điện Kremlin hoàn toàn xem nhẹ những lời đe dọa trừng phạt Matxcơva của châu Âu.
Theo nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu, Bruxelles nên nhanh chóng tìm ra một kênh đối thoại với Matxcơva bởi vì căng thẳng càng kéo dài chừng nào càng trở nên nguy hiểm chừng đó.
H.Phan
*****

Putin xuống thang?

VietnamDefence 04/03/2014 | By Nhân Vũ
Sau khi đánh trống thu quân tập trận, Putin lập tức tổ chức họp báo tại tư dinh lần đầu tiên trình bày quan điểm của ông về tình hình ở Ukraine. Ý ông là gì?

Putin lần đầu bình luận công khai về tình hình Ukraine kể từ khi Viktor Yanukovich bị phế truất và phe đối lập chiếm quyền ở Kiev.
Ngày 4/3/2014, Tổng thống Nga Vladimit Putin đã có dấu hiệu chủ động hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine và với Mỹ, phương Tây khi hạ lệnh thu quân tập trận về doanh trại và tổ chức họp báo lần đầu tiên bình luận về tình hình Ukraine kể từ khi Viktor Yanukovich bị truất quyền.
Putin công nhận ban lãnh đạo Crimea là hợp pháp
Tổng thống Putin công nhận ông Sergei Aksenov được nghị viện Crimea bầu làm Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea là hợp pháp. Tại phiên họp của nghị viện, khi bầu Aksenov tất cả các thủ tục pháp lý đều được tuân thủ, không có vi phạm gì.
Mưu toan vũ trang chiếm nghị viện Crimea đã khiến dân chúng bán đảo lo ngại. “Chính bởi vậy mà họ đã thành lập các ủy ban tự vệ và giành lấy quyền kiểm soát tất cả các lực lượng vũ trang”, ông Putin nói.
Ông Putin nói rằng, lãnh thổ Crimea “chính là một thứ cứ điểm”, ở đây có một số lượng lớn phương tiện phòng không và gần 22,000 binh sĩ. Ông Putin bác bỏ sự dính líu của quân Nga vào việc chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea.
Thay đổi chính quyền ở Ukraine là đảo chính vi hiến
Ông Putin gọi các sự kiện tháng 2/2014 ở Ukraine là đảo chính vi hiến và chiếm đoạt vũ trang chính quyền. Tổng thống Nga nói ông không hiểu phe đối lập Ukraine đã làm thế để làm gì. Bởi vì, lúc đó, Tổng thống Ukraine Yanukovich đã chấp nhận nhượng bộ phe đối lập khi đồng ý bầu cử tổng thống trước thời hạn và cải cách hiến pháp. Tuy nhiên, ông Yanukovich không còn cơ hội tái cử.
Tổng thống Nga không thừa nhận tính hợp pháp của ban lãnh đạo Ukraine hiện nay. Ông Yanukovich đã bị truất quyền không theo đúng trình tự phế truất quy định. Bản thân ông Yanukovich từ chối rời chức vụ vì thế xét từ góc độ luật pháp, ông vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine.
Đảo chính vì chính quyền yếu đuối
Ông Putin coi sự yếu ớt và không vững chắc của chính quyền là nguyên nhân đảo chính ở Ukraine, “Không một chính phủ đã qua nào nghĩ đến nhu cầu của người dân”.
“Các thế hệ những chính trị giá yếu ớt đã dẫn đến việc mọi người thất vọng”, ông Putin nói và lưu ý vai trò quan trọng của những sự khác biệt về mức sống của các tầng lớp dân cư trong cuộc động loạn vừa qua, nhưng việc thay đổi chính quyền ở Ukraine “có lẽ là cần thiết, nhưng chỉ được bằng con đường hợp pháp”. Một số yêu cầu của Euromaidan là có cơ sở.
Cuộc đảo chính ở Ukraine xảy ra do tình huống hình thành từ khi công nhận độc lập của Ukraine.  Một trong những nguyên nhân bạo động đảo chính là nạn tham nhũng ở Ukraine vốn cũng xảy ra ở các nước khác thuộc Liên Xô trước đây, nhưng nghiêm trọng hơn nhiều. Mức độ tham nhũng ở nước này đã có ảnh hưởng lớn đến các sự kiện đã qua. Nhưng ông Putin cho rằng, không được khuyến khích những thay đổi bất hợp pháp ở không gian hậu Xô-viết, “nơi mà các thiết chế chính trị rất mỏng manh, kinh tế rất yếu ớt”. Ở những nước này, “cần hành động tuyệt đối hợp hiến”. Vượt ra ngoài khuôn khổ hiến định là “sai lầm cực đoan”.
Ban lãnh đạo mới của Ukraine mà ông Putin không coi là hợp pháp đã bổ nhiệm các đại doanh nhân vào các chức vụ hàng đầu.
Yanukovich hết thời
Tổng thống Nga Putin nói rằng, vị tổng thống bị mất quyền lực của Ukraine, ông Viktor Yanukovich không còn tương lai chính trị. Ông Yanukovich có thể đã bị giết chết ở Ukraine nếu như ông ta không rời khỏi đất nước. “Cái chết là thứ dễ nhất để loại trừ một vị tổng thống hợp pháp”, Putin nói. Nhưng ông Putin không coi chính quyền Ukraine hiện nay là hợp pháp và khuyên người Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp mới.
Việc từ chối ký hiệp định liên kết với EU là cái cớ cho cuộc đảo chính vi hiến. “Đây đã là cái cớ để ủng hộ các thế lực đối lập với ông ấy trong cuộc đấu tranh quyền lực”, ông Putin nói và cho biết thêm là kết quả Ukraine đã chìm vào hỗn loạn. Ông Putin cho rằng, Yanukovich không từ chối ký hiệp định liên kết mà đã đi đến kết luận rằng, văn kiện này không phù hợp với các lợi ích quốc gia của Ukraine. Ký hiệp định này sẽ dẫn đến tăng giá nhiên liệu cung cấp cho dân chúng, phá vỡ các quan hệ kinh tế với Nga và làm mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm của Ukraine.
Putin khuyên Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuyên trong thời gian nhanh nhất tổ chức trưng cầu dân ý và thông qua hiến pháp mới. Nga sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại và nhân đạo với Ukraine, nhưng chỉ sau khi bình thường hóa tình hình trong nước và tổ chức bầu cử tổng thống. Chính phủ Nga đã được chỉ thị nối lại tiếp xúc với Kiev ở cấp chính phủ.
Nga sẽ không thừa nhận tính hợp pháp của vị tổng thống mới của Ukraine nếu việc bầu cử diễn ra trong bầu không khí khủng bố. Sau khi phế truất Yanukovich, phe đối lập Ukraine lên chiếm quyền và quyết định tổ chức bầu cử tổng thống bất thường vào tháng 5/2014.

Putin chưa xem xét vấn đề sáp nhập Crimea
Nga chưa xem xét khả năng sáp nhập Crimea. Ông Putin nói rằng, Moskva sẽ không kích động chủa nghĩa ly khai ở Ukraine và lưu ý rằng, chỉ người dân nước này mới có quyền quyết định số phận của các vùng lãnh thổ của mình.
Putin hiện chưa thấy cần phải đưa quân vào Ukraine
Ông Putin cũng tuyên bố rằng, hiện chưa cần thiết đưa quân Nga vào lãnh thổ Crimea hay các khu vực của Ukraine. Nhưng ông cảnh cáo, quân Nga sẽ được đưa vào Ukraine trong “trường hợp cùng quá” khi người dân cần sự bảo vệ. Việc làm đó được bảo đảm tính hợp pháp nhờ lời kêu gọi của Tổng thống hợp hiến hiện nay của Ukraine là ông Viktor Yanukovich.
Các sự kiện mấy tháng gần đây ở Ukraine, ông Putin gọi là cuộc đảo chính vi hiến và nói thêm là ông không thừa nhận tính hợp pháp của ban lãnh đạo thực tế Ukraine hiện nay.
Cuộc tập trận quy mô lớn của bộ đội các quân khu miền tây và miền trung diễn ra trong tuần qua không có liên quan đến các sự kiện ở Ukraine.
Ông Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang Nga cho phép đưa quân vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ công dân Nga vào ngày 1/3. Hội đồng Liên bang đã nhất trí thông qua. Khả năng đưa quân Nga vào Ukraine đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ phía nhiều nước châu Âu và Mỹ. Sau quyết định này của Hội đồng Liên bang, các nước G7 từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi. Đáp lại, Ukraine đã tuyên bố tổng động viên và đưa quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn phần.
Chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea, quân Nga có liên quan gì đâu!
Ông Putin bác bỏ sự dính líu của Nga vào việc chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea, những người mặc đồ rằn ri chiếm quyền kiểm soát nhiều cơ sở ở Crimea là thành viên của “các lực lượng tự vệ địa phương”.
Ông Putin nói rằng, ở Kiev các thành viên các đội tự vệ ở Kiev do những người ủng hộ chính quyền mới được huấn luyện ở Litva và Ba Lan, đồng thời lưu ý đến trang bị kỹ thuật và công tác tổ chức tốt của các đội này.
“Tại sao các vị nghĩ là ở Crimea phải kém hơn?”, Tổng thống Nga nói và nhấn mạnh rằng, Nga không tham gia gì vào việc huấn luyện các đội tự vệ ở Crimea.
Đóng băng khoản vay
Nga tạm đình hoãn việc chuyển tiền vay cho Ukraine vì các nước phương Tây đã đề nghị giúp Kiev theo chương trình chung qua kênh IMF. Nga đã sẵn sàng xem xét khả năng thực hiện các gói hỗ trợ tài chính tiếp theo.
Cuối năm ngoái, Nga đã đồng ý hỗ trợ tài chính 15 tỷ USD cho Ukraine. Kiev lẽ ra sẽ nhận được số tiền này sau khi Nga mua từng bước trái phiếu chính phủ Ukraine giao dịch tại sàn chứng khoán Ireland. Đợt đầu 3 tỷ USD đã được chuyển cho Ukraine vào tháng 12/2013. Cuối tháng 2/2014, Bộ Tài chính Nga tạm đình chỉ chuyển đợt 2 gồm 2 tỷ USD cho đến khi tình hình ở Ukraine trở lại ổn định, nhưng không nói cụ thể bao giờ nối lại việc chuyển tiền.
Các thị trường căng thẳng của là do các hành động của Mỹ
Tình hình bất ổn trên các thị trường tài chính đã xuất hiện từ trước khi các sự kiện leo thang căng thẳng ở Ukraine và có liên quan trước hết đến các hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED, ông Putin tuyên bố. Các nhà đầu tư đã bắt đầu rút tiền khỏi các thị trường phát triển sau khi FED bắt đầu ngừng các biện pháp chống khủng hoảng. Đây cũng là lý do được Ngân hàng Trung ương Nga nêu ra đẻ giải thích sự mất giá đột biến của đồng rúp so với đồng euro và đô la Mỹ vào đầu năm nay.
Tổng thống Nga nói thêm là tình hình hiện tại trên thị trường là hiện tượng nhất thời và chịu tổn thất nhiều nhất là các nước BRICS.
Các chỉ số thị trường chứng khoán Nga hôm 3/3 đã giảm mạnh hơn 10% sau khi Hội đồng Liên bang chấp thuận đề xuất của Tổng thống Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine hôm 1/3. Các nhà đầu tư lo ngại xung đột leo thang đã bắt đầu bán ra cổ phần của các công ty Nga, cũng như mua vào mạnh ngoại tệ. Kết quả là tỷ giá euro ở Nga đã tăng lên đến hơn 50 rúp, của đồng đô la Mỹ là gần 37 rúp.
Sáng 4/3, thị trường thu lại một phần thiệt hại trước đó: các chỉ số MMVB và RTS trong mấy phút đầu phiên giao dịch đã tăng khoảng 4%. Tỷ giá đồng rúp cũng mạnh lên: tỷ giá euro và đô là đã giảm đi khoảng 4 rúp; giá đồng euro đã giảm xuống dưới 50 rúp/1 euro. Tổn thất của thị trường Nga do giảm giá mạnh có thể là từ 57-72 tỷ USD.
Chơi nhau, cả hai đều thiệt
Ông Putin gọi tất cả những đe dọa đó đối với Nga là có hại và phản tác dụng. Các đối tác phương Tây của Nga đã ủng hộ cuộc đảo chính phản hiến pháp và chiếm giữ vũ trang chính quyền ở Ukraine, trong khi tất cả các hành động của Nga một khi đưa quân vào sẽ phù hợp với các chuẩn mực luật pháp quốc tế. Ông có trong tay lời kêu gọi của Tổng thống hợp pháp của Ukraine Viktor Yanukovich yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự. Ngoài ra, theo các cam kết quốc tế của mình, Nga hoàn toàn có quyền bảo vệ người dân có quan hệ chặt chẽ với Nga ở nước ngoài.
Ông Putin cũng cho biết thêm là Nga tiếp tục chuẩn bị cho Hôi nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2014 ở Sochi bất chấp đe dọa tẩy chay từ một số nước dự kiến tham gia. Trước đó, các nước G7 đã tuyên bố đình chỉ việc chuẩn bị tham dự và tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh này.
Cuộc họp báo của ông Putin nói lên điều gì? Bị Mỹ và phương Tây xúm lại đánh hội đồng về kinh tế, cô lập về chính trị, ngoại giao, ông Putin chọn các giải pháp hoãn binh, xoa dịu chiến thuật để câu giờ, ra những điều kiện mới đẩy chính quyền Ukraine hiện nay và Mỹ, phương Tây vào thế bí để tranh thủ củng cố thế trận trên thực địa Ukraine và phản kích trên chiến trường quốc tế? Hay quả thực ông không chịu nổi áp lực kinh khủng của đối phương mà phải xuống thang, phản bội và bỏ mặc những người ở Crimea và miền đông nam Ukraine kỳ vọng vào ông và nước Nga cho những kẻ cực đoan dân tộc chủ nghĩa, phát xít mới ở miền tây định đoạt số phận và qua đó đánh mất uy tín với toàn thể người dân nước Nga?
Có lẽ với tính cách và kiên định mục tiêu chiến lược của mình, ông Putin sẽ không chọn giả thiết thứ hai. Như các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã từng hô vang khi chiến đấu chống phát xít Đức trước cửa ngõ Moskva năm 1941" "Nước Nga vĩ đại, nhưng không được lùi bước, phía sau là Moskva". Ông Putin và nước Nga đang ở trong tình cảnh ấy với cuộc bạo loạn cướp chính quyền do Mỹ và phương Tây tổ chức, xúi giục ở Ukraine. 
*****
Simon Shuster từ Simferopol, Time, ngày 3/3/2014

Vũ Thị Phương Anh dịch – Bauxite Việt Nam - 08/03/2014

Chỉ một tuần trước đây, ý tưởng về sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina vẫn còn rất xa vời nếu không phải chỉ là những đồn thổi nhằm gây hoang mang dư luận. Bởi các rủi ro là quá lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin và đất nước mà ông đã cai trị trong suốt 14 năm qua. Nhưng sự xuất hiện của quân đội Nga ở Crimea vào cuối tuần qua đã cho thấy rằng Putin chẳng phải là không thích những cuộc phiêu lưu liều lĩnh, ngay cả khi chúng hầu như chẳng mang lại lợi ích gì cả. Trong những ngày tới, ông sẽ phải quyết định xem mình sẽ tiếp tục can thiệp đến đâu và sẵn sàng trả giá cho nó đến mức độ nào. Tuy nhiên, rõ ràng là Putin đã không thể nổi lên như kẻ chiến thắng trong cuộc xung đột này, ít ra là không cân nhắc những thiệt hại và lợi ích mà ông đạt được qua cuộc xung đột. May lắm thì đó sẽ là một chiến thắng với cái rất cao, còn nếu không may thì đó sẽ là một thảm họa hoàn toàn. Dưới đây là những lý do:
Trong nước, can thiệp này có vẻ là một trong những quyết định không được lòng dân nhất mà Putin đã từng thực hiện. Bộ phận thăm dò dư luận riêng của Kremlin hôm Thứ Hai vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 73 % người Nga không đồng ý với việc Nga can thiệp vào Ukraina. Trong cuộc thăm dò được đưa ra vào đầu Tháng Hai với số lượng tham gia là 1,600 người trên toàn quốc, các nhà xã hội học tại WCIOM, một tổ chức sử dụng kinh phí của nhà nước, rõ ràng đã cố gắng viết câu hỏi sao cho có được càng nhiều sự ủng hộ cho sự can thiệp càng tốt: "Nước Nga có nên phản ứng về việc lật đổ một chính quyền đã được bầu lên một cách hợp pháp ở Ukraina không?" – câu hỏi được diễn đạt như vậy. Chỉ có 15% đồng ý – khó có thể xem đây là một sự đồng thuận quốc gia.
Kết quả này thật đáng kinh ngạc nếu ta xét đến việc người dân Nga đã bị tẩy não như thế nào với những thông tin liên quan đến Ukraina. Trong nhiều tuần, tin tức độc quyền hiệu quả của điện Kremlin thông qua kênh truyền hình đã tạo ra một tâm lý báo động về Ukraina. Cuộc cách mạng ở Ukraina, họ tuyên bố, chính là kết quả của sự liên minh giữa Mỹ và Đức Quốc xã nhằm làm suy yếu nước Nga. Mặc dù thế, có đến gần ba phần tư dân Nga đã phản đối việc Nga có "phản ứng” dưới bất kỳ hình thức nào, chứ đừng nói là một cuộc chiếm đóng quân sự như đang diễn ra ở Crimea. Cuộc xâm lược năm 2008 của Georgia đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn nhiều, vì Georgia không phải là Ukraina. Ukraina là một quốc gia của người Slave với mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc đối với Nga. Hầu hết người Nga đều có ít nhất một vài thành viên của gia đình hoặc bạn bè sống ở Ukraina, và ý tưởng về một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai quốc gia cùng gốc Slave lớn nhất thế giới gợi lên một nỗi kinh hoàng mà dù có bị Kremlin tẩy não đến cỡ nào thì người ta cũng không thể bình tĩnh chấp nhận.
Thật vậy, cuộc khảo sát hôm Thứ Hai cho thấy ảnh hưởng của các kênh truyền hình của Putin đang thất bại. Các thông tin về Ukraina sai lệch trắng trợn và mị dân trên truyền hình Nga dường như đã đẩy dân Nga lên mạng để tự tìm thông tin cho mình. Còn đối với những người không có kết nối Internet, họ chỉ cần nhấc điện thoại lên và gọi cho bạn bè và người thân đang hoảng loạn của họ ở Ukraina để biết.
Vậy còn những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc của Nga thì sao? Đảng Dân chủ Tự do hiếu chiến, con rối cánh hữu của Kremlin, đang kêu gào nước Nga sử dụng xe tăng. Vào ngày 28 Tháng Hai, khi các đội quân bắt đầu xuất hiện trên các đường phố của Crimea, nhà lãnh đạo của đảng này là Vladimir Zhirinovsky, đã có mặt tại hiện trường để cung cấp tiền mặt cho một đám đông dân địa phương đang reo hò ủng hộ tại thành phố Sevastopol, nơi trú quân của các hạm đội Biển Đen của Nga. "Hãy đưa tiền cho các phụ nữ, những người giúp việc lớn tuổi, các bà bầu, những kẻ cô đơn, ly dị," ông đứng trên một chiếc ghế và nói với đám đông như vậy. "Nước Nga giàu có. Chúng tôi sẽ cung cấp những gì cần thiết cho tất cả mọi người." Nhưng trong cuộc khảo sát hôm Thứ Hai, đến 82% số người trung thành với đảng của ông đã bác bỏ bất kỳ sự hào phóng nào tương tự như vậy. Ngay cả những tín đồ của Đảng Cộng sản, những người có xu hướng cảm thấy mình có quyền trên tất cả các vùng đất thuộc Liên Xô cũ, đa số – đến 62% – cũng tin rằng Nga không nên nhảy vào cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraina.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy trong nước. Cho đến nay, các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Moscow đều tỏ ra kiềm chế đến thảm hại. Nhưng các nhà xã hội học thì lâu nay vẫn cho rằng số cử tri nòng cốt ủng hộ Putin ngày càng giảm. Lý do khiến ông đạt được sự ủng hộ cho đến giờ – khoảng 60% dân Nga vẫn tin tưởng vào Putin trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina bắt đầu – chẳng qua là do không có những lựa chọn thay thế tốt hơn cho Putin mà thôi. Nhưng quyết định can thiệp vào Ukraina lần này chắc chắn sẽ làm giảm đi đám đông thụ động gồm những người ủng hộ ông, đặc biệt là ở các thành phố lớn nhất của Nga.
Trong cuộc khảo sát hôm thứ hai, 30% người trả lời đến từ Moscow và St Petersburg cho biết nước Nga đã có thể đoán được các cuộc biểu tình chính trị lớn nhằm lật đổ chính phủ Ukraina từ tháng trước. Đối với Putin thì phương tiện duy nhất để ngăn chặn những bất ổn như vậy là thẳng tay đàn áp từ sớm. Vì vậy, vào ngày 28, nhà hoạt động đối lập nổi bật nhất của Nga Alexei Navalny đã bị quản thúc tại nhà với thời gian là dưới sáu tháng sau khi ông giành được 30% số phiếu bầu trong cuộc chạy đua giành chức thị trưởng Moscow. Và nếu phe đối lập bắt đầu mở miệng phản đối sự can thiêp vào Ukraina thì coi chừng sẽ có nhiều bản án tương tự nữa.
Tác động kinh tế đã khiến nước Nga loạng choạng. Khi thị trường mở cửa vào sáng Thứ Hai vừa qua, các nhà đầu tư đã có cơ hội đầu tiên để phản ứng với sự can thiệp của Nga vào Ukraina, với kết quả là các chỉ số chứng khoán chính của Nga giảm mạnh hơn 10 %. Sự sụt giảm đó tương đương với gần 60 tỷ USD trên giá trị cổ phiếu chỉ trong vòng một ngày, hơn cả số tiền mà Nga đã bỏ ra để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa đông tại Sochi vào tháng trước. Gazprom, công ty khí đốt độc quyền của nhà nước, chiếm khoảng một phần tư doanh thu từ thuế của Nga, đã bị mất 15 tỷ USD giá trị thị trường trong vòng một ngày – ngẫu nhiên trùng với số tiền Nga hứa sẽ giúp đỡ cho cái hế độ đang bị khủng hoảng của Ukraina hồi tháng Mười Hai và sau đó đã bị lật đổ vào Tháng Một khi cách mạng xảy ra.
Trong khi đó, giá trị tiền tệ của Nga đã giảm giá so với đồng đô la ở mức thấp nhất đã từng được ghi nhận, và các ngân hàng trung ương Nga đã chi 10 tỷ USD vào thị trường ngoại hối để cố gắng chống đỡ cho đồng tiền của mình. "Điều này đã làm thay đổi cơ bản cách nhìn về nước Nga của các nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng", Timothy Ash, người đứng đầu nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng Standard Bank cho biết. Vào thời điểm khi tăng trưởng kinh tế của Nga vốn đã trong tình trạng trì trệ, "cuộc phiêu lưu quân sự mới nhất này sẽ làm tăng tình trạng thoái vốn, làm suy yếu giá tài sản của Nga, làm chậm lại sự đầu tư cũng như các hoạt động và sự tăng trưởng kinh tế. Biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga sẽ làm tổn thương thêm nữa", Ash đã phát biểu với tờ Wall Street Journal như vậy.
Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Nga cũng không muốn dính líu. Đất nước Kazakhstan nhiều dầu mỏ, thành viên quan trọng nhất trong số các liên minh khu vực của Nga trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, hôm Thứ Hai đã đưa ra lời tuyên bố lên án, đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của nước này quay lưng lại với Nga về một vấn đề chiến lược quan trọng như vậy: "Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diến biến tại Ukraina," Bộ Ngoại giao của nước này cho biết. "Kazakhstan kêu gọi tất cả các bên chấm dứt việc sử dụng vũ lực để giải quyết tình trạng hiện nay."
Điều làm cho các nước láng giềng của Nga lo lắng nhất có lẽ là phát biểu của Kremlin vào ngày 02 Tháng Ba, sau khi Putin nói chuyện trên điện thoại với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. "Vladimir Putin lưu ý rằng trong bất kỳ trường hợp nào có sự leo thang về bạo lực đối với dân số nói tiếng Nga ở khu vực phía Đông của Ukraina và Crimea, Nga sẽ không thể đứng ngoài và sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào phù hợp với luật pháp quốc tế." Điều này đặt ra một tiền lệ kinh hoàng cho tất cả các nước láng giềng của Nga.
Tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, từ vùng Trung Á đến vùng Baltic, đều có một số lượng lớn người dân nói tiếng Nga, và tuyên bố này có nghĩa là Nga có quyền xâm nhập các nước này khi cảm thấy rằng dân nói tiếng Nga bị đe dọa. Phản ứng tự nhiên của bất kỳ đồng minh nào của Nga trong khu vực sẽ là tìm kiếm sự đảm bảo an ninh để tránh khả năng trở thành một Ukraina tiếp theo. Đối với các nước ở Đông Âu và vùng Caucasus, bao gồm cả Armenia, một đồng minh trung thành của Nga, điều này có khả năng tạo ra sự mong muốn được liên minh chặt chẽ hơn với NATO và Liên minh châu Âu. Đối với các nước Trung Á, vùng đất truyền thống nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga trên bản đồ địa chính trị thế giới, điều đó có nghĩa là tăng cường quan hệ với đất nước Trung Quốc ở gần đó, bao gồm cả quan hệ quân sự.
Trung Quốc, đối tác vốn thường im lặng của Nga đối với tất cả các vấn đề an ninh toàn cầu từ Syria tới Iran, cũng đã đưa ra tuyên bố thận trọng về hành động của Nga trong Ukraina. "Quan điểm lâu nay của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của người khác," Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là đã phát biểu như vậy trong một tuyên bố hôm chủ nhật."Chúng tôi tôn trọng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina." Vậy là chỉ trong vòng hai ngày cuối tuần, Putin đã làm hoảng sợ tất cả các nước mà ông muốn bao gồm trong cái Liên minh Á-Âu vĩ đại của mình, khối các quốc gia mà ông hy vọng sẽ làm cho nước Nga một lần nữa trở thành một cường quốc khu vực. Những quốc gia tích cực nhất trong cái liên minh ấy cho đến nay chỉ còn lại Kazakhstan (xem ở trên) và Belarus, vốn được gọi là chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu. Lãnh đạo nước này, ông Alexander Lukashenko, cho đến nay vẫn giữ im lặng về sự can thiệp của Nga trong Ukraina. Nhưng tuần trước, Belarus cũng đã công nhận tính hợp pháp của chính quyền cách mạng mới tại Kiev, đánh dấu một sự thay đổi lớn để tách khỏi ảnh hưởng của Nga, vốn đang lên án các nhà lãnh đạo mới của Ukraina là cực đoan và thân phương Tây. Đại sứ Belarus tại Kiev còn chúc mừng Bộ trưởng Ngoại giao mới của Ukraina khi nhậm chức và nói rằng ông trông đợi được làm việc với người đồng cấp mới của mình.
Đối với đất nước Armenia nghèo khổ, một thành viên mới của cái Liên minh Á-Âu non trẻ của Nga, cũng đã được công nhận chính phủ mới tại Kiev mặc dù vẫn không đưa ra bất kỳ lời lên án chính thức nào đối với sự can thiệp của Putin tại Ukraina cho đến nay. Nhưng vào ngày Thứ Bảy, các chính trị gia nổi bật của nước này cũng đã dẫn đầu một cuộc biểu tình chống Putin ở thủ đô Armenia. "Chúng tôi không chống lại nước Nga", cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia David Shakhnazaryan tuyên bố. "Chúng tôi là chống lại các chính sách mang tính đế quốc của Putin và của Kremlin."
Sự cô lập nước Nga từ phương Tây sẽ tăng cường đáng kể. Vào Tháng Sáu năm trước, Putin đã lập kế hoạch để chào đón các nhà lãnh đạo G8, câu lạc bộ của các cường quốc phương Tây (cộng thêm Nhật Bản), tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga. Nhưng Chủ nhật vừa qua, tất cả trong các nước này đều thông báo rằng họ đã ngưng lại sự chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh này để phản đối sự can thiệp của Nga tại Ukraina. Và thế là chẳng còn hy vọng cho chiếc ghế phải khó khăn lắm mới giành được của Putin trong cùng một bàn với các nhà lãnh đạo của thế giới phương Tây.
Trong những năm gần đây, một trong những điểm tranh cãi lớn nhất của Nga với phương Tây chính là kế hoạch để xây dựng một lá chắn tên lửa ở châu Âu của NATO. Nga đã xem điều này như một mối đe dọa lớn đối với an ninh của mình, vì lá chắn này có thể quét sạch khả năng khởi động tên lửa hạt nhân tấn công phương Tây của Nga. Khả năng ngăn chặn hạt nhân từ lâu đã bảo vệ Nga khỏi sự tấn công của phương Tây qua nhiều thế hệ – tức học thuyết chiến tranh lạnh đảm bảo hủy diệt lẫn nhau, viết tắt là MAD – vì thế sẽ bị phá hủy, các tướng lĩnh của Nga đã đưa ra lời cảnh báo như vậy. Nhưng sau khi Nga quyết định đơn phương xâm chiếm nước láng giềng phía Tây hồi cuối tuần này, tất cả mọi ý kiến chống lại dự án lá chắn tên lửa đã hoàn toàn bị gạt bỏ trước mối quan tâm an ninh mới của các thành viên NATO, mà chủ yếu là các nước ở Đông Âu và vùng Baltic. Mọi hy vọng của Nga trong việc ngăn cản xây dựng lá chắn tên lửa thông qua biện pháp ngoại giao hiện nay hầu như đã biến mất.
Gây lo ngại không kém cho Putin là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang chuẩn bị để đáp trả cho sự can thiệp của Nga tại Ukraina. Tùy thuộc vào cường độ của các biện pháp này, các công ty và doanh nghiệp Nga có thể bị cắt đứt toàn bộ khả năng vay vốn và kinh doanh với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các đồng minh của Putin cũng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn nhiều khi cho con cái đi du học hoặc giữ cho tài sản của họ trong các ngân hàng phương Tây, điều mà hiện nay họ đều làm. Tất cả những điều đó làm tăng nguy cơ cho Putin ngay trong vòng những người ủng hộ mình và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc đảo chính bên trong cung điện. Hầu như không có bất cứ điều gì quan trọng đối với các quan chức chính trị của Nga hơn là sự an toàn của những tài sản của họ ở nước ngoài, và chắc chắn là hơn sự trung thành của họ đối với một nhà lãnh đạo có vẻ đang sẵn sàng gây ra những nguy hại cho quyền lợi riêng của họ.
Vậy có điểm nào thuận lợi cho Putin không? Hầu như không có gì nhiều, ít nhất là không nhiều so với những thiệt hại mà Putin đã gây ra cho nước Nga và cho bản thân mình. Tuy nhiên, Putin có vẻ như cũng đang cố gắng bằng mọi giá đạt được một vài điều. Ít nhất, ông đã chứng minh được với thế giới rằng các đường ranh màu đỏ của mình là dứt khoát không thể vượt qua – không giống như cách làm của Nhà Trắng.
Nếu chính quyền cách mạng của Ukraina vẫn tiếp tục với kế hoạch hội nhập thị trường EU, và, có lẽ thế nếu NATO, liên minh quân sự mà Nga coi là mối đe dọa chiến lược chính, di chuyển đến vùng biên giới phía Tây của Nga và tiến vào Crimea, thì hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị bao vây. Đó chính là đường ranh giới màu đỏ không thể vượt qua đối với Putin và tướng lĩnh của ông.
Bằng cách gửi quân tới bán đảo Crimea và có thể vào cả phía Đông Ukraina, Nga có thể đảm bảo một vùng đệm xung quanh hạm đội hải quân chiến lược của Nga và tại biên giới phía Tây của mình. Đối với các tướng lĩnh ở Moscow, đó là những ưu tiên quan trọng, và để đạt được điều này họ sẵn sang chấp nhận trả một giá cao. Các hành động của Putin vào cuối tuần qua cho thấy ông đang chăm chú lắng nghe các tướng lĩnh của mình. Đồng thời, nó cũng cho thấy ông dường như đang bỏ qua sự phẫn nộ đến từ hầu hết những người khác.
S. Sh.
******

Mỹ cảnh cáo Nga không sáp nhập Crimea


BBC - Chủ nhật, 9 tháng 3, 2014
Mỹ cảnh báo Nga rằng bất kỳ động thái sáp nhập nào với Crimea sẽ đóng sập cánh cửa ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Crimea là một phần của Ukraine và Moscow cần tránh leo thang quân sự.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về cuộc khủng hoảng sâu sắc với các nhà lãnh đạo thế giới .
Động thái diễn ra sau khi có một vụ nổ súng cảnh cáo buộc các quan sát viên quốc tế trên đường đi vào Crimea phải quay bước.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết không ai bị thương trong vụ việc tại Armyansk.
"Các nhà lãnh đạo bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về hành vi vi phạm rõ ràng của Nga với luật pháp quốc tế và tái khẳng định sự hỗ trợ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine"
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc
Đây là lần thứ ba OSCE bị ngăn chặn đi vào bán đảo Crimea, nay đặt trong vòng kiểm soát của các lực lượng thân Nga.
Moscow đã đang siết chặt kiểm soát quân sự trên bán đảo Crimea và chính quyền thân Nga đã lập ngày 16/3 làm ngày trưng cầu dân ý để Crimea ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga.
Trao đổi giữa ông Kerry và ông Lavrov diễn ra qua điện đàm hôm thứ Bảy, theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Ông ấy (John Kerry) nêu rõ rằng việc tiếp tục leo thang quân sự và khiêu khích tại Crimea hay ở các nơi khác của Ukraine, cùng lúc với các bước thôn tính Crimea, Nga sẽ tự đóng sập lại bất cứ không gian nào còn có cho cánh cửa ngoại giao, và ông thúc giục kiềm chế tối đa," quan chức này nói.
‘Khủng hoảng giả tạo'
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục khẳng định ông có quyền bảo vệ các lợi ích của Nga và các quyền của người sắc tộc Nga ở Crimea .
Ông Lavrov nói rằng cuộc khủng hoảng đã có trước đó ở Ukraine đã được "giả tạo vì lý do địa chính trị thuần túy".
Ông khẳng định Nga đã liên lạc với chính phủ lâm thời của Ukraine nhưng nói rằng Kiev khăng khăng với các quyền quá khích.
Phát biểu với các phóng viên tại Moscow vào ngày thứ Bảy, ông nói:
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại [với phương Tây] trên cơ sở hiểu biết rằng một cuộc đối thoại cần phải trung thực và có tinh thần đối tác, không được có những nỗ lực làm cho chúng ta trông giống như một bên trong cuộc xung đột. Chúng tôi không tạo ra cuộc khủng hoảng này.”
Trong lúc các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp tục, Tổng thống Obama đã có các cuộc hội đàm vào hôm thứ Bảy với Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francois Hollande, theo Tòa Bạch Ốc.
"Các nhà lãnh đạo bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về hành vi vi phạm rõ ràng của Nga với luật pháp quốc tế và tái khẳng định sự hỗ trợ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine," một tuyên bố cho hay.
'Điện đàm liên tục'
Ông Obama cũng đã điện đàm để hội thoại với Tổng thống Latvia Andris Bērziņš, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite và Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves.
Ba nước Baltic từng là một phần của Liên Xô cũ.
"Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh về "nhu cầu Nga rút quân đội được gửi đến Crimea kể từ cuối tháng Hai và làm tất cả mọi thứ để cho phép việc triển khai các quan sát viên quốc tế"
Văn phòng Tổng thống Pháp Hollande
Trước đó, tổng thống Pháp nói ông Hollande và ông Obama đã thảo luận "các biện pháp mới" chống lại Nga nếu Moscow không có hành động để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh về "nhu cầu Nga rút quân đội được gửi đến Crimea kể từ cuối tháng Hai và làm tất cả mọi thứ để cho phép việc triển khai các quan sát viên quốc tế", văn phòng của ông Hollande nói.
Hiện chưa rõ "các biện pháp mới" là gì.
Các nhân chứng đi cùng với phái đoàn quan sát của OSCE nói một phát súng đã được bắn chỉ thiên khi một đoàn xe tiếp cận một trạm kiểm soát do các lực lượng thân Nga kiểm soát trên một con đường từ đất liền Ukraine dẫn vào bán đảo Crimea.
Một phát ngôn viên của OSCE nói rằng đoàn công vụ đã rút khỏi thành phố lớn ở gần nhất là Kherson, để quyết định các bước đi tiếp theo.
Tổ chức OSCE có trụ sở tại Vienna đã được chính phủ lâm thời của Ukraina mời tới khu vực, nhưng nhà chức trách ly Nga ở Crimea nói tổ chức này không có giấy phép để đi vào khu vực.
*****

Nga: Tuyên bố độc lập của Crimea "hoàn toàn hợp pháp"

(Vietnam+) : 11/03/14
Ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vừa được Quốc hội Crimea phê chuẩn là "hoàn toàn hợp pháp."
"Bộ Ngoại giao Nga coi quyết định của quốc hội Crimea là hoàn toàn hợp pháp," bộ này nói trong một tuyên bố trên website trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần này về việc liệu khu vực miền nam Ukraine có nên sáp nhập vào Nga hay không.
Truyền hình nhà nước Nga ngày 11/3 cũng đăng tải các thông tin từ Crimea là "Cộng hòa Crimea." Bộ trên cho biết thêm tuyên bố độc lập của Crimea đã viện dẫn việc trao nền độc lập cho Kosovo, đồng thời nêu rõ Liên hợp quốc đã không coi hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Crimea đã thông qua "tuyên ngôn độc lập của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol” với tỷ lệ 78/81 nhà lập pháp có mặt bỏ phiếu thuận.

Trong một diễn biến liên quan ngày 11/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng quyền của cư dân Crimea tự quyết định tương lai của chính mình cần phải được tôn trọng./.
*****

Ukraina và những hạt cát của ông Putin

RFI - Thứ ba 11 Tháng Ba 2014

Thụy My

“Những hạt cát của Putin”, đó là tựa đề một bài bình luận trên nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay. Là một nhà chiến thuật đáng nể, Vladimir Putin khi tính toán đã không lường được tác động của những con người cụ thể.

Tối thứ Bảy 08/03/2014, những người mặc quân phục canh giữ quảng trường Maidan ở Kiev tiếp một người khách bất ngờ: Mikhail Khodorkovski. Người chủ cũ của tập đoàn Youkos, nhà tỉ phú Nga bị ông Putin bỏ tù và được trả tự do hôm 20/12/2013 sau mười năm cải tạo, đã ghé qua thủ đô Ukraina. Ông chọn lựa cuộc sống lưu vong tại Berlin và Thụy Sĩ, và một hôm sau khi được phóng thích đã ngoan ngoãn tuyên bố sẽ không làm chính trị mà chỉ đấu tranh cho quyền lợi của các tù nhân. Như thế cũng là điều tự nhiên khi cuối tuần này ông đến Kiev ?
Bài báo viết, có thể người Ukraina và người Nga không có cùng quan niệm về chính trị với phương Tây. Nhưng khi người ta mang cái tên Mikhail Khodorkovski, và chọn Viện Bách khoa Kiev làm nơi đầu tiên để lên tiếng trước công chúng hôm 10/3 với đề tài “Tự do và nhân quyền”, thì có thể nghĩ là sự chọn lựa này không thể lọt qua khỏi con mắt của Kremli. Và việc ghé qua quảng trường Maidan, tưởng niệm những người đã thiệt mạng hồi tháng Hai, cùng sưởi ấm với những người Afghanistan muốn xin chữ ký của ông, những cái bắt tay nồng nhiệt được trong những tấm ảnh được lan truyền trên internet, tất cả đều là một thứ chính trị tuyệt diệu.
Đó là những hạt cát làm lộ ra những điểm yếu trong kịch bản do Tổng thống Nga đưa ra để không mất Ukraina. Là một nhà chiến thuật tài ba, Vladimir Putin chứng tỏ là một người bày mưu tính kế rất giỏi. Những người lính không mang phiên hiệu Nga nhưng đã nắm quyền kiểm soát Crimée, một chính quyền địa phương bù nhìn kêu gọi giúp đỡ, một tổng thống bị lật đổ trốn sang Nga, sản xuất ra một lá thư yêu cầu can thiệp hôm 1/3 trong khi chỉ trước đó một ngày từng tuyên bố chống lại mọi can thiệp quân sự. Một Hội đồng Bảo an bất lực không thể phản ứng vì Nga nắm quyền phủ quyết, những chiếc xe buýt chở người biểu tình đến những vùng nói tiếng Nga để gieo rắc sự chia rẽ…Tất cả đều ổn thỏa. Bản thân việc trả tự do cho ông Khodorkovski và nhóm Pussy Riot cũng đã được tính toán để không làm ảnh hưởng đến Thế vận hội Sotchi.
Nhưng ông Vladimir Putin khi tính toán đã không dự kiến đến yếu tố con người. Những con người bằng xương bằng thịt. Và thế là vị cựu tù nhân nổi tiếng, sau ba tháng sống cuộc sống tị nạn sang cả, đã lên máy bay đến Kiev. Đó là cơn ác mộng tệ hại nhất của Putin: sự hỗ trợ của những nhà dân chủ Nga đối với cách mạng Ukraina. Điều này chưa thành hiện thực, nhưng đây là những hạt cát có thể làm cho bộ máy bị hư hại.
Những hạt cát đôi khi làm nên ngọn núi
Cũng như giáo sư Zoubov, một hạt cát khác. Andrei Borissovitch Zoubov, nhà sử học dạy môn triết tại MGIMO, Viện Quan hệ Quốc tế danh giá của Matxcơva. Một nhà trí thức đáng tôn trọng và rất được tôn trọng. Ông năm nay 62 tuổi, có đôi mắt xanh biếc và chòm râu xám, như từ trong bộ phim Bác sĩ Jivago bước ra. Khi được biết về vụ Crimée, bầu máu nóng của giáo sư bỗng sôi sục trong huyết quản.
Ông viết một bài báo so sánh kế hoạch của Putin tại Crimée với việc Hitler xâm chiếm nước Áo năm 1938-1939, gởi cho nhật báo Vedomosti tại Matxcơva và được đăng trên mạng ngay. Sau đó ông giải thích với đài Radio Free Europe: “Tôi muốn nói lên sự thật và cho người Nga thấy điều phải trái. Tôi cũng muốn chứng tỏ với người Ukraina là không phải tất cả mọi người Nga đều chia sẻ quan điểm của Putin. Có sự hiện diện của một nước Nga khác. Đó là nghĩa vụ của một người dân Nga như tôi”.
Giáo sư Zoubov cho biết đã nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ từ khi bài báo đăng lên. Tất nhiên là không phải từ điện Kremli, vì sau đó ông nhanh chóng được biết mình đã bị cách chức. Tuy vậy theo các thông tin mới nhất, giáo sư đã được quay trở lại chức vụ cũ.
Cũng luôn tại Matxcơva, nơi mà chính quyền nghĩ rằng có thể bịt miệng được nhà đối lập Alexei Navalny khi quản thúc ông tại gia và cắt internet, vợ ông đã quyết định tiếp bước người chồng. Bà thông báo trên tài khoản Twitter của chồng: “Kể từ hôm nay, tôi, Ioulia Navalnaia quản lý tài khoản này”. Và bỗng dưng bà có đến nửa triệu người theo chân (follower). Thế là dù bị cấm đoán, @Navalny vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin thông qua Navalnaia.
Ngoài ra còn có, và có nhiều những hạt cát tại Ukraina. Chẳng hạn những người đã từ chối tin vào luận điệu đơn giản về “phương Tây chống lại phương Đông”, bọn phát-xít tấn công vào người nói tiếng Nga. Andréi Sadovyi, thị trưởng Lviv, thành phố chống đối nhất và dân tộc chủ nghĩa nhất ở miền tây Ukraina, hôm 2/3 đã cho thu lời kêu gọi bằng tiếng Nga trên YouTube, hướng về các đồng bào ở Crimée và miền đông đất nước.
Đó là một lời kêu gọi đoàn kết quốc gia đầy xúc động: “Chúng ta hãy cùng chiến đấu cho tính đa dạng, cho ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, để chiến thắng nạn tham nhũng và cùng xây dựng một nước Ukraina dân chủ. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian từ khi giành được độc lập. Và điều này không phải Washington, Bruxelles hay Matxcơva làm nên, mà phải do chính chúng ta”.
Hay là đại tá Youli Manchour, người mà hôm 4/3 đã dẫn đầu đoàn quân khoảng 200 người của đơn vị Belbek, tại Loubimovka ở Crimée. Đi bộ, không mang theo vũ khí, các quân nhân Ukraina này đã quyết định quay lại căn cứ không quân đã bị quân Nga chiếm đóng, để giữ thể diện tối thiểu. Hay là chiếc huy chương đầu tiên của Ukraina tại Thế vận hội người khuyết tật. Vận động viên Olena Iourkovska đã dành vinh dự này cho “nền độc lập của Ukraina”.
Bài báo kết luận, đôi khi với những hạt cát, người ta có thể làm nên cả một ngọn núi.
Putin thắng cuộc trong ván bài Crimée dù phải trả giá
Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên nhật báo Libération trong bài phân tích cho rằng “Tại Crimée, ông Putin đã chơi ván bài và đã thắng cuộc”.
Tờ báo nhắc lại cách đây ba tháng, Tổng thống Nga tuyên bố trước một ngàn phóng viên trong và ngoài nước là việc can thiệp quân sự vào Ukraina là một ý tưởng “buồn cười” và sẽ không xảy ra. Và nay quân Nga đã kiểm soát tất cả những điểm chiến lược ở Crimée.
Cách đây mười ngày, cũng trong một cuộc họp báo, ông Putin không chối cãi khả năng sử dụng đến vũ lực vì đã được Thượng viện cho phép, nhưng bác bỏ việc sáp nhập Crimée vào Nga. Điều này không ngăn cản Hạ viện soạn thảo một dự luật cho phép sáp nhập các lãnh thổ mới, và hoan nghênh “chọn lựa lịch sử” của nghị viện Crimée muốn tách khỏi Ukraina để nhập vào Nga.
Các nhà quan sát đều đồng ý rằng Nga đang vội vã hợp thức hóa việc chiếm đóng Crimée và không ngần ngại làm tổn hại đến mối quan hệ với các đối tác phương Tây cũng như với người láng giềng Ukraina. Theo một chuyên gia, thì ban đầu có thể Matxcơva chưa có ý định vẽ lại đường biên giới, nhưng hy vọng duy trì được Ukraina trong vòng ảnh hưởng ở miền đông và miền nam. Nhưng tình cảm thân Nga có vẻ yếu đi tại Crimée, nên Kremli phải ra tay.
Bài báo nhận xét, khi tạo nên một sự đã rồi tại tỉnh tự trị này của Ukraina, Tổng thống Nga củng cố được uy tín tại Nga. Đối với nhiều người Nga, thì Crimée thuộc về nước Nga và không bao giờ nên để địa phương này thuộc về Ukraina sau khi Liên Xô sụp đổ.
Matxcơva có thể đã mất đi Kiev, lọt vào tay “phát xít”, nhưng không thể nào mất Crimée. Kremli đóng vai người bảo vệ lợi ích quốc gia trước phương Tây thù địch, mà mục tiêu duy nhất là làm cho Nga yếu đi. Nhìn chung, trong lôgic tuyên truyền của Kremli, cuộc khủng hoảng Ukraina là phương tiện tốt để kích động dư luận chống lại “mối đe dọa của xu hướng tự do”. Những người bất mãn và phản kháng bỗng trở thành các “nhân viên nước ngoài” tìm cách gây mất ổn định cho Nga theo “kịch bản Ukraina”.
*****

Phương Tây sẽ bỏ rơi Crimée cho Nga để Ukraina bảo toàn độc lập ?

RFI - Thứ tư 12 Tháng Ba 2014

Đức Tâm

 

Ngày 16/03/2014, vùng tự trị Crimée tổ chức trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga. Phương Tây đã cực lực phản đối hành động này và đe dọa gia tăng trừng phạt Matxcơva. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây đang tranh luận về câu hỏi phải chăng việc bỏ rơi Crimée cho Nga là cái giá phải trả để đưa đất nước này thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva và xích lại gần Châu Âu hơn.

Thế nhưng, việc chia chác giữa các cường quốc, cụ thể là để cho vùng Crimée sáp nhập vào Nga, liệu có đủ để thỏa mãn tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin muốn được lịch sử lưu danh như một người hùng phục hồi được sức mạnh của liên bang Nga, sau khi Liên Xô tan rã ?
Mặt khác, chiến lược làm dịu căng thẳng này có thể sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nước Đông Âu, trước đây là vệ tinh của Liên Xô, hiện đang lo ngại cho an ninh của mình.
Có một thực tế là không một cường quốc nào tỏ ra sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga để bảo vệ Crimée, vùng lãnh thổ mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchev, vào năm 1954, đã rứt ra khỏi Nga để “tặng” cho Ukraina, trong khuôn khổ Liên bang Xô Viết.
Đồng thời, các nước phương Tây lại muốn đưa Ukraina thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của Matxcơva, và có được một quốc gia hữu hảo ở biên giới phía tây, tiếp giáp với Nga.
Ông Alexander Motyl, đại học Rutgers, New Jersey, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, nhận định: “Phương Tây có thể quyết định bịt mũi, mắt nhìn đi nơi khác để khỏi phải thấy việc chiếm đóng vùng Crimée, nhưng chỉ với điều kiện là ông Putin công nhận chính phủ Ukraina hiện nay”. Do vậy, theo vị giáo sư này, “ông Putin sẽ phải đưa ra các bảo đảm rõ ràng đối với phương Tây. Thế nhưng, rất tiếc là không có gì trong phát biểu hoặc hành động của ông Putin để cho phép nghĩ rằng ông ta sẽ dừng lại ở vùng Crimée”.
Ngược lại, chuyên gia James Nixey, thuộc cơ quan tư vấn Chatham House, Luân Đôn, Anh Quốc lại cho rằng ít có khả năng Tổng thống Putin đi xa hơn, vì ông ta “đã đạt được mục tiêu mong muốn”“vùng Crimée đã mất rồi”.
Cho đến lúc này, ý tưởng về sự thỏa hiệp như vậy không phải là quan điểm chính thức tại phương Tây. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken tuyên bố: “Nếu có sự sáp nhập Crimée, một cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vùng Crimée của Ukraina và Nga, chúng tôi sẽ không công nhận việc này”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn rất thận trọng trong quan hệ với Matxcơva, cũng nói thẳng với Tổng thống Putin rằng cuộc trưng cầu dân ý 16/03 là “bất hợp pháp”. Các nước vùng baltic, vốn bị xâm chiếm và sáp nhập vào Liên Xô sau đệ nhị thế chiến, tỏ ra rất lo ngại. Tổng thống Litva hối thúc các lãnh đạo Châu Âu cần “ý thức được việc Nga tìm cách vẽ lại bản đồ và các đường biên giới Châu Âu thời hậu chiến”.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, ông Putin chỉ tìm cách “trừng phạt” giới lãnh đạo mới tại Ukraina, đồng thời vẫn duy trì vẻ bề ngoài là muốn có quan hệ với phương Tây.
Ông Erik Nielsen, thuộc tập đoàn ngân hàng Ý UniCredit, cho rằng, đối với nước Nga, mất ảnh hưởng với Ukraina là một việc, nhưng từ bỏ kiểm soát Crimée với hậu quả là một trong hai hạm đội chính của hải quân Nga mất đi lối ra biển là một việc quan trọng hơn nhiều và Matxcơva rất khó chấp nhận điều này. Vẫn theo nhà phân tích này, nếu ông Putin tìm cách trừng phạt Ukraina vì nước này tỏ ra thân phương Tây, thì ông ta cũng không muốn để cho các căng thẳng với phương Tây vượt quá mức có thể chấp nhận được về mặt chính trị và kinh tế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây vẫn chủ trương phải lên án mạnh mẽ việc sáp nhập Crimée vào Nga, nếu không, ông Putin sẽ còn can thiệp mạnh hơn vào Ukraina.
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina, ông Geoffrey R. Pyatt, cho biết, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk và các quan chức nước này đã nhiều lần tuyên bố là Kiev sẵn sàng dành cho người dân vùng Crimée quyền tự trị rộng lớn hơn. Tuy nhiên, đây là công việc mà người dân Ukraina phải tự quyết định trong khuôn khổ Hiến pháp, chứ không phải dưới sự đe dọa của vũ lực.
*****
'Nga có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề vì khủng hoảng Ukraina'

VOA - Thứ sáu, 14/03/2014

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Nga có nguy cơ gặp thiệt hại nặng nề về chính trị và kinh tế nếu không thay đổi đường lối trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội Đức ngày hôm nay, bà Merkel nói sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina 'không phải là vấn đề để thảo luận'.
Phương Tây và Nga đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng về việc quân đội Nga xâm nhập bán đảo Crimea của Ukraina.
Tổng thống Barack Obama ngày hôm qua lại cảnh báo Nga là phương Tây sẽ 'làm cho Moscow bị tổn hại' nếu Nga tiếp tục can thiệp vào nội bộ của Ukraina.
Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc bên cạnh Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk, Tổng thống Obama nói Washington 'hoàn toàn bác bỏ' cuộc trưng cầu dân ý dự trù tổ chức vào Ngày Chủ Nhật này về việc có tách rời khỏi Ukraina và sát nhập vào Nga hay không. Ông Yatsenyukng nói cuộc bỏ phiếu 'được sắp xếp trong vòng vài tuần lễ' là vi phạm luật quốc tế.
Thủ tướng Yatsenyuk cám ơn sự ủng hộ của Washington và nói chính phủ ông “tuyệt đối sẵn sàng và muốn” thảo luận với Moscow. Nhưng ông nói thêm Ukraina sẽ không bao giờ đầu hàng. Ông cũng nói rằng chính phủ ông chuẩn bị ký một hiệp ước hợp tác với Liên hiệp châu Âu trong tháng này.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain ngày hôm nay sẽ hướng dẫn một phái đoàn lưỡng đảng đi thăm Kiev.
Một phát ngôn viên mô tả chuyến đi này để chứng tỏ sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với chính phủ lâm thời và đối với nguyện vọng của dân chúng Ukraina về tự do, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ.
Chuyến đi thăm trùng hợp với một cuộc họp khẩn cấp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Nga vào ngày mai tại London.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa McCain và người đồng viện là Thượng nghị sĩ Dân chủ Christopher Murphy đã đi thăm Kiev vào tháng 12 năm ngoái vào lúc những cuộc biểu tình chống chính phủ lên đến cao độ khiến Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải rời khỏi nước.
Ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo Khối G7 các nước công nghiệp hàng đầu kêu gọi Nga 'ngưng tất cả những nỗ lực thay đổi tình trạng của Crimea trái với luật Ukraina'.
Khối G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng nói sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Liên hiệp Châu Âu sẽ áp đặt trừng phạt đối với Nga nếu nước này không tiến hành việc thành lập một nhóm liên lạc để thảo luận về cuộc khủng hoảng Crimea.

*****

Nghị viện Crimea tuyên bố độc lập, xin sáp nhập vào Nga

VOA - Thứ hai, 17/03/2014


Nghị viện Crimea đã tuyên bố độc lập tách khỏi Ukraina và chính thức yêu cầu được trở thành một phần của lãnh thổ Nga, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ủng hộ với đa số áp đảo giải pháp sáp nhập vào Liên bang Nga.
Một phái đoàn các nhà lập pháp Crimea đang sẵn sàng lên đường sang Moscow hôm nay để thảo luận các thủ tục phụ trội cần thiết để trở thành một phần của Liên bang Nga.
Trong cùng lúc, quốc hội Ukraina phê chuẩn luật động viên từng phần các lực lượng trừ bị để ứng phó với cuộc khủng hoảng.
Dự kiến Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở Âu Châu sẽ loan báo các biện pháp chế tài chống nước Nga trong ngày hôm nay.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày hôm qua nói với vị tương nhiệm Nga, Tổng Thống Vladimir Putin, rằng Washington và “các đối tác Âu Châu đang chuẩn bị để áp đặt những hậu quả phụ trội” đối với Moscow về việc Nga hậu thuẫn cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crimea để tách ra khỏi Ukraina.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc mô tả cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật là bất hợp pháp, và nói rằng cuộc trưng cầu này vi phạm hiến pháp của Ukraina. Thông báo này còn nói rằng cuộc biểu quyết đó “sẽ không bao giờ được Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế công nhận.”

Người đứng đầu ủy ban bầu cử Crimea hôm nay loan báo rằng gần 97% cử tri đã đi bỏ phiếu, ủng hộ việc tách ra khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, những người chống đối động thái này đã được khuyên hãy tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.
Thủ lãnh thân Moscow của Crimea, ông Sergei Aksyonov, loan báo chính quyền của ông sẽ chính thức đệ nạp hồ sơ để sáp nhập vào Liên bang Nga.
Tại Kyiv, Thủ Tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk mô tả cuộc biểu quyết ở Crimea được Nga hậu thuẫn, là “một trò hề” đã được Moscow đạo diễn, và diễn ra dưới họng súng của Nga.
Một thông báo của Tòa Bạch Ốc trước đó nói rằng không có một quyết định nào về tương lai của Ukraina nên diễn ra mà không có sự tham gia của chính phủ Ukraina.
Tòa Bạch Ốc còn nói rằng cuộc bầu cử tổng thống dự định tổ chức vào ngày 25 tháng Năm là một cơ hội chính đáng để tất cả mọi người dân Ukraina nói lên tiếng nói về tương lai của đất nước họ.

*****

"Mỹ có thể trừng phạt cả Putin"

VNN – 18/3/2014
Mỹ không loại trừ việc trừng phạt bất cứ quan chức Nga nào; Tổng thống Nga công nhận Crưm là quốc gia độc lập và có chủ quyền... là các tin nóng.
Hôm 17/3, sau cuộc họp kéo dài suốt 3 tiếng, 28 ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã đã thông qua quyết định trừng phạt 21 quan chức của Nga và Ukraina, trong đó có các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản.
Ngoại trưởng Lithuania cho biết các biện pháp trừng phạt khác sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Ông nói thêm, danh sách trừng phạt sẽ mở rộng, bao gồm các quan chức cấp cao gần gũi với Tổng thống Putin.
Trong khi đó, Mỹ cũng ra lệnh trừng phạt 11 quan chức Nga và Ukraina trong đó gồm Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Thủ tướng Cộng hòa Crưm Aksyonov, cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych.
Khi được hỏi về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ hay không, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết rằng, Mỹ không loại trừ bất cứ quan chức Nga nào.
Phát biểu cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt đối với các quan chức Nga đã thể hiện rõ rằng "có những hậu quả cho hành động của họ" ở Crưm.
Ông Obama cũng cảnh báo, nếu cần thiết, Mỹ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Ông nhấn mạnh, Mỹ có quyền nhắm tới giới chức về vũ khí của Nga, những người ủng hộ cánh thân hữu nước này.
Liên quan tới Crưm, hôm 17/3, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh chính thức công nhận Crưm là quốc gia độc lập và có chủ quyền, sau khi người dân ở đây bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Ukraina, sáp nhập vào Nga.
Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 16/3, có tới 96,6% cử tri ở nước Cộng hòa tự trị Crưm đã bỏ phiếu chọn sáp nhập Liên bang Nga. Sắc lệnh trên chính thức có hiệu lực ngay sau khi ký.
Thanh Vân (tổng hợp)
*****

Tổng thống Putin ký Hiệp định sáp nhập Crimée vào Liên bang Nga


RFI - Thứ ba 18 Tháng Ba 2014

Đức Tâm

Hôm nay, 18/03/2014, trong cuộc gặp các tân lãnh đạo Crimée thân Nga, tại Matxcơva, Tổng thống Vladimir Putin đã ký Hiệp định sáp nhập bán đảo Crimée vào Liên bang Nga và Hiệp định này có hiệu lực ngay lập tức. Việc ký kết đã diễn ra sau khi ông Putin phát biểu trước các dân biểu Hạ viện và Thượng viện, thống đốc các vùng và thành viên chính phủ.

Theo lời ông Putin, chính quyền Matxcơva không mong muốn phân chia lãnh thổ Ukraina, nhưng vùng Crimée có tầm quan trọng sống còn và lịch sử đối với nước Nga.
Điện Kremlin sau đó khẳng định “nước Cộng hòa Crimée được coi như gắn với Liên bang Nga, kể từ ngày ký Hiệp định”.
Cho dù văn bản này còn phải được sự phê chuẩn của các nghị sĩ Nga, nhưng đây chỉ là thủ tục. Ngày phê chuẩn chưa được công bố.
Như vậy, chỉ trong vòng 48 giờ, Matxcơva đã tuần tự thực hiện các quy trình để sáp nhập Crimée vào Nga, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phương Tây.
Cụ thể là tối qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của bán đảo Crimée. Quyết định này được đưa ra ngay sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm Chủ nhật, 16/03, với kết quả có hơn 96% phiếu thuận, đồng ý sáp nhập Crimée vào Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình :
Như vậy là chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau cuộc trưng cầu dân ý, Matxcơva đã công nhận nền độc lập của Crimée. Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, chiểu theo ý nguyên của nhân dân vùng Crimée được bày tỏ qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/03/2014, Nga quyết định công nhận nước Cộng hòa Crimée như một Nhà nước có chủ quyền và độc lập và thành phố Sébastopol có một quy chế đặc biệt. Sắc lệnh có hiệu lực cùng ngày ký.
Trong vòng hai tuần, Nga đã đạt được mục tiêu cắt bán đảo Crimée ra khỏi Ukraina, qua việc gây áp lực về quân sự mà không dẫn đến đổ máu cùng với một chiến dịch tuyên truyền nhằm thuyết phục người Nga và cư dân vùng Crimée rằng họ cùng có tương lai chung.
Hôm qua, 17/03, Quốc hội Crimée đã nhất trí quyết định đề nghị chính thức cho vùng Crimée được hội nhập vào Liên bang Nga. Một phái đoàn do Thủ tướng Crimée ly khai Serguei Axionov dẫn đầu, đã tới Matxcơva. Thứ Sáu tới, 21/03, Hạ viện – Douma – sẽ bỏ phiếu dự luật về việc sáp nhập bán đảo Crimée vào Liên bang Nga”.
 
*****

Nhà Trắng ứng xử với Putin thế nào mới đúng?


ệt - |

Từ sáng sớm thứ Hai đã có tin cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia sẽ bắt đầu lúc 3 giờ chiều, tức chỉ 15 phút đồng hồ sau khi Tổng Thống Barack Obama tiễn Chủ Tịch Mahmoud Abbas của Palestine. Phiên họp quan trọng đến mức Ngoại Trưởng John Kerry phải hủy bỏ bài nói chuyện đọc trước các vị đại sứ được gọi về thủ đô dự cuộc họp hàng năm, để ông cùng với các phụ tá đặc trách quan hệ với Nga và Đông Âu đong góp ý kiến về cách ứng xử đối với chính phủ Liên Bang Nga sau khi được tin Tổng Thống Vladimir Putin quyết định công nhận Crimea là một nước cộng hòa độc lập thuộc Nga.
Khoảng 6 tiếng đồng hồ trước đó Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc bài phát biểu ngắn, nhắc lại những gì ông đã nói trong cuộc điện đàm với ông Putin hồi trưa Chủ Nhật. Đại ý vẫn là những gì nhà lãnh đạo Mỹ đã từng nói trong suốt một tuần lễ: Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới không công nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, Hoa Kỳ và thế giới sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ đối với hành động của Nga khi can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine. Bài phát biểu dài chỉ vài phút đồng hồ kết thúc bằng lời loan báo “đã ký sắc lệnh ban hành biện pháp chế tài đối với 11 người” thân cận nhất của ông Putin. Sắc lệnh này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phong tỏa tài sản của những người có tên trong danh sách, và không cho họ chiếu khán vào Mỹ.
Quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ tức khắc bị các chính trị gia đối lập coi là “quá nhẹ”, không thể giải quyết được gì cả theo nhận xét của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain. Là vị dân cử mới từ Ukraine về, ông McCain cho rằng biện pháp Tòa Bạch Ốc đưa ra “không thể thúc đẩy ông Putin tới chỗ phải nhượng bộ”, nói rõ “không làm gì cả thì quá tệ, làm như thế này thì tệ cũng chẳng kém”.
Thượng Nghị Sĩ John McCain tin rằng “ông Putin sẽ không nhả Crimea ra đâu” đề nghị Tổng Thống Barack Obama “nên định lại mối quan hệ giữa nước Mỹ với Nga” nói thêm ông và nhiều đồng viện Dân Chủ lẫn Cộng Hòa “sẵn sàng ủng hộ biện pháp cấm vận kinh tế”, tức phải đánh thẳng vào bao tử “của một quốc gia vừa độc đoán lại vừa tham nhũng”. Cũng vẫn ông McCain, “kinh tế của Nga chỉ có xăng dầu và hơi đốt”, tại sao không cấm vận 2 món hàng này, đẩy lãnh dạo Nga tới chỗ phải suy tính lại việc làm của họ, “phải cứng rắn chứ đừng bảo với ông Putin là chúng tôi sẵn sàng nhân nhượng (để chờ đợi ông ta gật đầu với một giải pháp chính trị)”.
Giải pháp chính trị “là điều chúng ta luôn luôn phải nghĩ đến”, nhà bình luận Paul Begala trả lời khi được hỏi Tổng Thống Obama làm đúng hay sai. Từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho Tổng Thống Bill Clinton, ông Begala nói rằng “chế tài với những người thân cận với ông Putin là thông điệp mạnh mẽ nhất Hoa Kỳ có thể gửi cho Kremlin ngay trong lúc này”. Ông còn cho rằng “biện pháp chế tài (11 người) của Mỹ và biện pháp chế tài (21 người) Liên Minh Âu Châu EU) cũng vừa đưa ra cho thấy 2 bên làm việc rất nhịp nhàng với nhau” và cả 2 bên cũng đều tin “đòi hỏi Nga phải nói chuyện trực tiếp với chính phủ Ukraine là điều khả thi”. Vì thế, “chúng ta không quên những biện pháp cứng rắn hơn (cấm vận), nhưng (áp dụng biện pháp cứng rắn đó) ngay lúc này chưa hẳn đã là điều hay”.
“Nói đến cấm vận là phải nói đến quyền lợi”, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại Học George Mason ở Virginia đưa ra quan điểm của ông khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có sử dụng đòn cấm vận với Liên Bang Nga hay không. “Khi nào cũng thế, trước khi bàn đến chuyện cấm vận, họ sẽ bàn thảo với nhau xem lợi hại như thế nào, có lợi thì mới cấm vận, còn nếu cấm vận mà phần thiệt hại về mình thì chưa chắc họ đã làm”.
Nếu cân nhắc lợi hại như Giáo Sư Hùng nói, có lẽ chuyện Hoa Kỳ và đồng minh Tây Âu cùng đưa ra quyết định cấm vận với Liên Bang Nga là điều khó có thể xảy ra. Trong những cuộc trao đổi với báo chí, một số nhà phân tích kinh tế e rằng “cấm vận Nga có nghĩa là thiệt hại sẽ về mình hơn là có lợi”. Nhưng nhà phân tích này đưa ra nhiều lý do như hầu hết các đại công ty Mỹ “đều đang hiện diện và làm ăn rất tốt ở Nga” -chẳng hạn như McDonald hay Pepsi-, có người còn nói nghe được tin công ty Boeing đã vận động với hành pháp xin đừng “nặng tay” với Nga vì công ty sản xuất máy bay này tin trong một thời gian ngắn nữa Nga cần mua thêm cả trăm chiếc máy bay của Hoa Kỳ với số tiền lên đến vài chục tỷ bạc, đủ để nuôi hàng chục ngàn công nhân trong nhiều năm trời.
Riêng với Liên Minh Âu Châu, thị trường xuất khẩu sang Nga của khối này lớn hơn thị trường xuất khẩu hàng của họ vào Mỹ, nhiều công ty dầu của Âu Châu có phần hùn rất lớn với Tổ Hợp Dầu Khí của Nga, chưa kể đến một lý do quan trọng khác: Âu Châu đang mua 1/3 lượng khí đốt Nga sản xuất hàng năm, phân nửa tổng số hàng xuất khẩu của Nga được đưa sang Âu Châu, chủ yếu là xăng dầu và nguyên liệu thô. Một yếu tố khác cũng được nhắc đến: thị trường Âu Châu là thị trường các đại gia Nga đang bỏ những khoản tiền khổng lồ vào đầu tư ở nhiều lãnh vực khác nhau, chẳng hạn như tiền họ đầu tư vào địa ốc nhiều đến mức người dân thủ đô Anh Quốc nói đùa với nhau rằng tư bản Nga muốn biến London thành “Londongrad”.
Có lẽ cũng vì “đang còn cân nhắc” hay “chưa thấy lợi” nên sau cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia không thấy các giới chức Tòa Bạch Ốc không nói gì với báo chí. Một phụ tá của ông Ngoại Trưởng John Kerry nhắc lại lời người điều khiển ngành ngoại giao Mỹ đã nói ở London hôm thứ Bảy vừa rồi sau cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov: “Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ chính phủ lâm thời Ukraine và chúng tôi tiếp tục tán thành một cuộc thảo luận trực tiếp giữa Ukarine và Nga, xem đó là cách hay nhất để giải quyết vấn đề” (nguyên văn: “The United States strongly supports the interim government of Ukraine, and we continue to favor a direct dialogue between Ukraine and Russia as the very best way to try to resolve the crisis.”). Một phụ tá của bà Cô Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice thì bảo “ngày mai (thứ Ba) ông Putin sẽ đọc bài diễn văn nói về chuyện Ukraine và Crimea”, hứa hẹn “sẽ có câu trả lời” sau khi nhà lãnh đạo Liên Bang Nga kết thúc bài diễn văn quan trọng đó. 
© Nguyễn Văn Khanh
*****

Đòn tỷ đô, Putin 'dằn mặt' Âu, Mỹ

- 18/3/2014
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin có nhiều quân bài để đối phó với phương Tây. Bên cạnh đó, có những sức mạnh nằm ngoài tính toán của vị tổng thống nước Nga.
Phương Tây trừng phạt
Cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea đã kết thúc hôm 16/3 với trên 95% cử tri lựa chọn sáp nhập vào Liên bang Nga, đúng như dự đoán của dư luận và lo ngại của Mỹ và châu Âu.
Mỹ, châu Âu và một số nước trên thế giới ngay lập tức không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Crimea, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Các biện pháp trừng phạt cụ thể chưa được áp dụng, nhưng trước đó Nhà Trắng đã tính tới nhiều biện pháp với mục đích gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế, như cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân thân cận Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thậm chí, các biện pháp còn đề cập tới khả năng đóng băng tất cả các quỹ và các nguồn lực kinh tế thuộc sở hữu, nắm giữ hoặc kiểm soát bởi những người chịu trách nhiệm cho những hành động làm suy yếu sự toàn vẹn của Ukraine.
Các tính toán cho thấy, Nga sẽ thiệt hại nặng nề nếu phương Tây áp dụng các biện pháp này. Kinh tế của Nga sẽ không có tăng trưởng trong năm 2014, TTCK lao dốc, dự trữ ngoại hối tụt giảm, đồng rúp mất giá ...
Những dự báo này phần nào đã được phản ánh gần đây. Đồng rúp của Nga trong tuần qua đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại, chứng khoán Nga cũng xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Sức tiêu dùng và đầu tư được dự báo sẽ sụt giảm khi Kremlin kiểm soát Crimea.
Trong các báo cáo gần nhất, nhiều tổ chức đã hạ tăng trưởng GDP của Nga năm 2014 từ mức 1.9-2.6% xuống chỉ còn khoảng 0.8-1% với những lo ngại về cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine trong đó có lo ngại lạm phát sẽ tăng vọt, thị trường tiền tệ bị thắt chặt và thu từ xuất khẩu tụt giảm.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo luồng vốn tháo chạy khỏi Nga sẽ lên tới 130 tỷ USD vào cuối năm nay sau khi ghi nhận khoản 45 tỷ USD bị rút ra trong khoảng 2.5 tháng đầu năm.
Nhìn chung, các dự báo đều cho thấy, Nga là đối tượng thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng lần này và thiệt hại sẽ còn gia tăng nếu vẫn sáp nhập Crimea hoặc can thiệp sâu hơn vào Ukraine bởi các lệnh cấm vận tài chính và thương mại rộng lớn hơn sẽ được thực thi.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Nga không dễ bị ăn hiếp và không lùi bước. Nếu phương Tây sử dụng các biện pháp trừng phạt, không biết ai sẽ tổn thương nhiều hơn trong cuộc đối đầu này.
Trạng chết chúa cũng băng hà
Trong một nhận định gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, các lệnh cấm vận có thể diễn ra nhưng tác động có thể kiểm soát được.
Nhận định nói trên rất đáng chú ý bởi có lẽ không nói thì các nước phương Tây cũng đều hiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế thế giới trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và đan xen chằng chịt như hiện nay là rất lớn.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga cuối cùng sẽ phản tác dụng đối với EU và Hoa Kỳ.
Cảnh báo này có thể không khiến Hoa Kỳ ngại nhưng với EU đây là một điều phải cân nhắc. Trong những năm gần đây, giao dịch thương mại giữa Nga và EU lên tới hàng trăm tỷ Euro. FDI của EU tại Nga cũng chiếm gần 75%, trị giá cũng hàng trăm tỷ.
Những khoản đầu tư lớn, những tài sản của DN Âu đang nằm ở Nga rất có thể là mục tiêu nếu Nga áp dụng các biện pháp trả đũa. Đây có lẽ chính là lý do mà khi nói đến các biện pháp trừng phạt Nga, nhiều thành viên EU đã không mạnh miệng như Hoa Kỳ.
Không những thế, EU đang phải nhập khẩu năng lượng lớn từ Nga, với khoảng hơn 30% cho nhu cầu của khu vực. Nếu Nga khóa van các dòng dầu xuất khẩu sang khu vực này thì nền kinh tế nhiều nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong tuần qua, có một diễn biến cũng khiến nhiều người giật mình. Các thị trường chính toàn cầu đã trở nên căng thẳng trong sự đồn đoán Kremlin đã rút khỏi Hoa Kỳ hơn 100 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Đây là một bước đi được cho là của Nga nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến với lệnh trừng phạt của phương Tây. Không chỉ Kremlin mà các DN, các doanh nhân Nga đã phải lên phương án cho những kịch bản xấu nhất.
Trên thực tế, nhìn vào bản đồ có thể thấy, tầm quan trọng của Ukraine nói chung và Crimea nói riêng đối với Nga là rất lớn. Nga là một cường quốc nhưng lại "không thực sự có biển". Cả về mặt quân sự lẫn thương mại, để có thể xuống Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương hay ra Thái Bình Dương, Nga đều phải xuống Biển Đen (mà Crimea được xem như cái cổng), chứ không thuận khi vượt qua vùng Siberia và rừng Baikal rộng lớn được.
Những diễn biến gần đây cho thấy, phương Tây rất khó thay đổi ý chí của ông Putin. Sự trừng phạt lẫn nhau sẽ xảy ra. Chiến tranh lạnh sẽ ảnh hưởng tới Nga. Tuy nhiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của châu Âu, thậm chí cả Mỹ. Nga có dự trữ ngoại hối lớn và nước này sẽ chống chọi được với các lệnh cấm vận trong một khoảng thời gian.
Nếu Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ với mũi dùi chĩa vào các nền kinh tế khát năng lượng của khu vực này và các DN châu Âu đang đầu tư và hoạt động tại Nga thì điều gì sẽ xảy ra?
Trong cuộc đối đầu này, có lẽ tất cả sẽ trở thành những kẻ thua cuộc. Ukraine và Nga sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Với châu Âu, Đức có lẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi có hàng nghìn DN đang hoạt động tại Nga. Mỹ trong khi đó có thể chịu ảnh hưởng ít nhất, thậm chí còn có lợi trong các chính sách năng lượng giá rẻ cho châu Âu.
Trên một bàn cờ, khi mà một bên bị dồn vào thế yếu, ắt hẳn họ sẽ phải tìm cách thoát ra, nhất là khi sức mạnh hai bên đang ở mức ngang ngửa, phụ thuộc lẫn nhau.
Chứng khoán Nga tăng điểm
Ngay sau khi Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga, cổ phiếu Nga đã tăng điểm vào phiên mở cửa ngày thứ hai, các nhà đầu tư đại phương đang phớt lờ những đe dọa trừng phạt từ phương Tây.
Vào lúc 7:45 GMT, chỉ số IRTS tăng 1,4% đạt 1,078 điểm.
Đồng Rúp suy yếu so với đồng USD nhưng lại mạnh lên so với đồng euro, giao dịch ở mức 36,64 rúp/usd và 43,09 rúp/euro.
Dmitry Ryzhkov, một nhà đầu tư tại Renaissance Capital, cho biết, những kì vọng tiêu cực liên quan đến cuộc bỏ phiếu phần lớn đã ảnh hưởng đến thì trường bằng việc giảm giá trong hai tuần qua. (Nhị Anh)
Huấn Tú
******
Pháp -Đức đình chỉ hợp tác quân sự với Nga

RFI - Thứ sáu 21 Tháng Ba 2014

 

Tú Anh

 

Khủng hoảng tại Ukraina được thể hiện qua các biện pháp trả đũa từng bước trong quan hệ giữa Tây phương và Nga. Hôm nay 21/03/2014, Đức thông báo đình chỉ mọi hình hợp tác quân sự với Nga, kể cả lãnh vực xuất khẩu linh kiện. Paris cũng tuyên bố ngưng hợp tác quân sự với Nga trừ các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ cam kết quốc tế.

Phát ngôn viên bộ quốc phòng Đức cho biết quyết định ngưng hợp tác quân sự với Nga “trên mọi hình thức” và biện pháp này có hiệu lực ít nhất là cho đến hết tháng 4. Cụ thể là ngay tức khắc, công ty Rheinmetall đã theo yêu cầu của bộ quốc phòng, không bán máy “thực tập giao chiến” cho quân đội Nga.
Đang thăm viếng Estonia, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tuyên bố tình hình khủng hoảng Ukraina buộc nước Pháp phải đình chỉ một số quan hệ quân sự với Nga từ viếng thăm trao đổi đến tập trận chung nhưng vẫn duy trì tiếp xúc trong khuôn khổ các cám kết quốc tế.
Tây Phương cũng công bố danh sách trừng phạt cá nhân quan chức Nga và Ukraina cũ. Hôm qua 20/03/2014 Washington ra tay mạnh nhất, đánh thẳng vào quyền lợi của các cộng sự viên thân cận nhất của Putin trong đó chánh văn phòng phủ tổng thống Nga Serguei Ivanov. Vài giờ sau, từ Bruxelles, Liên Hiệp châu Âu thêm vào danh sách trừng phạt 12 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga. Tổng số nhân vật bị chiếu cố là 33 trong danh sách của Bruxelles và 31 người trong danh sách của Mỹ.
Theo tổng thống Pháp François Hollande, hai danh sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu gần như nhau và nhắm vào các nhân vật có “can dự vào tiến trình được gọi là trưng cầu dân ý” sáp nhập Crimée vào nước Nga.
Từ Bruxelles, thông tín viên Gulliaume Naudin phân tich chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu:
Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà chiến lược sử dụng từ “trả đũa từng bước” phù hợp theo tỷ lệ tấn công của đối phương. Lần này, sau khi loại trừ biện pháp quân sự, Liên Hiệp Châu Âu cũng áp dụng chiến thuật “trả đũa từng bước” với Nga để đáp trả thái độ thô bạo của điện Kremli trên hồ sơ Ukraina.
Để có được tiếng nói thống nhất, Liên Hiệp Châu Âu đã làm theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Sau khi ban hành biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân 21 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga, phong tỏa tài sản và cấm visa, danh sách được kéo dài thêm đến 12 người nữa, tổng cộng 33 người, gần như không khác gì danh sách của Mỹ.
Cho đến bây giờ, theo lập luận của Châu Âu, giải pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chỉ được tính đến trong trường hợp tình hình xấu thêm. Mục đích của Liên Hiệp Châu Âu là khuyến cáo điện Kremli không được quá trớn, xâm phạm đến các vùng lãnh thổ khác của Ukraina sau khi kiểm soát Crimée. Điều này cũng nhằm mục đích thúc đẩy Matxcơva đối thoại về việc để quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE hoạt động trên toàn lãnh thổ Ukraina . Nếu Nga từ chối, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn phương lập đoàn quan sát viên OSCE.
Tạm thời, Liên Hiệp Châu Âu ký với Ukraina thỏa thuận chính trị trong hiệp ước cho phép Kiev làm thành viên liên kết với Liên Âu. Nói cách khác, Bruxelles chính thức công nhận chính quyền lâm thời tại Ukraina dù cho tổng thống Pháp có tuyên bố, điều đó không có nghĩa là Ukraina đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Nga đã phản ứng lại, cũng công bố danh sách riêng, trừng phạt ba cố vấn của tổng thống Mỹ và một số nghị sĩ trong đó có Thượng Nghị sĩ John McCain, bị phong tỏa tài sản ở Nga ( ?) và đi du lịch ở Nga. Liên Hiệp Châu cũng đang chờ phản ứng trả đũa tương tự.


*****

Nga đã thắng phương Tây?


TS Đoàn Xuân Lộc - Gửi cho BBC từ Anh quốc
Thứ bảy, 22 tháng 3, 2014
Động thái của ông Putin ở Crimea và Ukraine gây ra những phản ứng trái chiều
Một bài bình luận có tựa đề ‘Trận pháp Putin’ của Đặng Vương Hạnh trên báo Tiền Phong hôm 20/03 nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘đã thắng trong trận chiến Crimea’.
Bài viết cho rằng ‘có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych, nhưng sau “cú giật mình”, ông Putin đã nhanh chóng giành lại thế chủ động và vượt lên trong ván cờ địa chính trị’.
Cũng theo tác giả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ‘bối rối, bị động’, cố gắng ‘gỡ gạc thể diện’ sau kết quả ‘không có gì bất ngờ’ của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và đang ‘đau đầu trước nan đề kỳ thủ Putin’ vì không biết ông có ‘tung ra những nước cờ nào nữa trong “hiệp hai” cuộc đấu’.
Bằng những nhận định đó, xem ra Đặng Vương Hạnh cũng cảm thấy phấn khởi trước ‘chiến thắng’ này của Tổng thống Nga.
‘Bị động’ do đâu?
Không ai có thể phủ nhận Nga đã dễ dàng chiếm được Crimea. Chủ biên thời sự quốc tế của BBC John Simpson gọi việc Nga thôn tính vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này là một ‘cuộc xâm lăng êm thấm nhất của thời hiện đại’.
Được coi là ‘êm thấm’ vì – ngoại trừ tới lúc các tay súng thân Nga tấn công một căn cứ quân sự của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người khác bị thương – cuộc xâm lược đã diễn ra và kết thúc nhanh gọn, không có đổ máu, thương vong.
"Thậm chí khi bị khiêu khích, binh lính Ukraine vẫn giữ bình tĩnh. Khi thấy phía Nga và những dân quân thân Nga có những hành động gây hấn, họ đã chấp nhận rút lui để tránh xung đột"
Nga đã giành ‘chiến thắng’ dễ dàng vì ngày từ đầu quân đội nước này không phải chiến đấu với bất cứ ai trong ‘trận chiến Crimea’. Họ thản nhiên tiến vào Crimea mà không gặp sự phản kháng quân sự nào từ Ukraine và các nước phương Tây.
Hơn ai hết, giới nắm quyền mới ở Kiev biết rằng dùng vũ lực để chống lại sự xâm chiếm của Nga sẽ dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai nước và trong một cuộc chiến như thế Ukraine sẽ thất bại nặng nề.
Mỹ và đặc biệt các nước EU cũng không thể – và càng không muốn – dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn việc Nga xâm chiếm Crimea vì nếu làm vậy, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ leo thang và có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Và nếu một cuộc chiến như vậy xẩy ra, không chỉ châu Âu mà cả thế giới sẽ rơi vào bất ổn, nếu không muốn nói là phải đối diện thảm họa.
Nga và Mỹ, Anh và Pháp – ba trong số những quốc gia quyết liệt lên án hành động của Nga – là bốn trong tám quốc gia chính thức có vũ khí hạt nhân.
Giới lãnh đạo phương Tây biết rõ chẳng ai được lợi gì nếu Chiến tranh Lạnh thứ hai hay Thế chiến ‘nóng’ thứ ba bùng nổ.
Về phần mình, đã từng bị hai đại chiến tàn phá, các nước châu Âu sẵn sàng làm tất cả và tìm bằng mọi cách để tránh một cuộc chiến tương tự.
Lãnh đạo EU càng không muốn đánh mất sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng mà họ phải bỏ bao nhiêu công sức gây dựng từ sau Thế chiến thứ hai.
Vì vậy, dù không thể chấp nhận việc Nga xâm chiếm Crimea đến giờ Mỹ và EU vẫn chủ yếu dùng các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế để buộc Moscow suy nghĩ và xem lại hành động của mình.
Đây là lý do chính yếu giải thích tại sao Mỹ và EU ‘bị động’ trước Nga.
Nắm bắt được sự ‘bị động’ này, ông Putin đã cho quân vào Crimea và Nga đã giành được một chiến thắng quá dễ dàng trong ‘trận chiến Crimea’.
Đó cũng là một sự khác biệt lớn giữa ông Putin và giới lãnh đạo phương Tây.
Trong khi Tổng thống Nga sẵn sàng dùng biện pháp cứng rắn và dám bất chấp mọi hậu quả để đạt được mục đích, tham vọng của mình tại Crimea và Ukraine, giới lãnh đạo Mỹ và EU không thể dùng những hình thức đó để giải quyết cuộc khủng hoảng Crimea/Ukraine.
Nói cách khác, ông Putin và những người ủng hộ vẫn còn mang não trạng của homo sovieticus (con người Xô Viết) – coi mình hơn người nhưng lại thích bạo lực, phi luật pháp.
Và khi phải đối diện với một người như vậy – đặc biệt khi người ấy có vũ khí (hạt nhân) nguy hiểm – chuyện các nước phương Tây ‘bối rối’, ‘bị động’ và ‘đau đầu trước nan đề Putin’ ít hay nhiều có thể hiểu được.
Một đối tượng khác mà Mỹ và các nước phương Tây luôn cảm thấy ‘đau đầu’ cũng vì những lý do tương tự là chế độ Bình Nhưỡng ở Bắc Hàn.
Ai thắng, ai thua?
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin hoàn toàn thắng – và phương Tây hoàn toàn thua – ‘trong trận chiến Crimea’.
Đến giờ ông Putin gần như chắc chắn có được Crimea nhưng ông và Nga cũng đang mất nhiều thứ khác. Một trong số đó là việc ông Putin và Nga bị cộng đồng quốc tế khinh thường, cô lập.
Chẳng hạn, hôm 15/03, 13 nước trong số 15 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đã tán thành một nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Chỉ một mình Nga trơ trọi, cô đơn ‘giơ tay’ phủ quyết vì Trung Quốc – được coi là đồng minh của Nga trong vấn đề Crimea/Ukraine và thường cùng với Moscow phủ quyết các dự thảo liên quan đến các vấn đề quốc tế tại LHQ do các nước phương Tây khởi xướng – đã bỏ phiếu trắng.
"Ai cũng biết việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy như chính tác giả của ‘Trận pháp Putin’ thừa nhận Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất hơn vì trong khi chuyện đó làm Nga ‘vỡ đầu’ thì phương Tây chỉ ‘mẻ trán’"
Các nước thuộc khối G7 cũng không muốn họp với Nga trong khuôn khổ G8 – một diễn đàn được bảy nước công nghiệp phát triển mở rộng vào năm 1998 để đón nhận Nga.
Không chỉ bị cộng đồng quốc tế cô lập, ông Putin cũng bị một số người dân Nga chỉ trích.
Cũng vào ngày 15/03 tại Moscow có hai cuộc biểu tình liên quan đến việc Nga can thiệp vào Ukraine. Trong khi có khoảng 50,000 người xuống đường phản đối hành động của Nga ở Ukraine, cuộc biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý ở Crimea chỉ quy tụ khoảng 15,000 người.
Bài viết của Đặng Vương Hạnh cho rằng ‘Nga đã sẵn sàng chơi đòn cân não với phương Tây’ và nếu trừng phạt kinh tế làm Nga ‘vỡ đầu’ thì nó cũng làm phương Tây ‘mẻ trán’.
Ai cũng biết việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy như chính tác giả của ‘Trận pháp Putin’ thừa nhận Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất hơn vì trong khi chuyện đó làm Nga ‘vỡ đầu’ thì phương Tây chỉ ‘mẻ trán’.
Đó cũng là lý do tại sao trong những ngày qua Mỹ và EU đưa ra nhiều hình thức trừng phạt với Nga và sẵn sàng chấp nhận chịu ‘mẻ trán’ để làm Nga ‘vỡ đầu’.
Vũ khí lớn nhất mà Nga dùng để chèn ép Ukraine và để ông Putin thách thức Mỹ và EU là khí đốt. Nhưng tiền từ xuất khẩu khí đốt sang EU – chiếm đến 15% GDP của Nga – cũng là một nguồn sống của nền kinh tế nước này.
Trong khi EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Sự trừng phạt kinh tế của phương Tây còn có thể làm mức tăng trưởng kinh tế của Nga vốn đang giảm – chỉ 1.3% năm 2013 so với năm 2012 và là nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong số các quốc gia đang nổi – càng giảm trong năm 2014.
Điều đó cũng có nghĩa là hy vọng biến nước Nga thành một cường quốc kinh tế của ông Putin bị tan biến.
Trong thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ dẫn đến một Chiến tranh Lạnh khác. Nhưng nếu điều đó diễn ra, Nga luôn yếu thế hơn phương Tây và cũng giống như Liên Xô trước đây, cuối cùng Nga cũng thất bại.
Về kinh tế, dù đứng thứ tám trên thế giới về GDP (với hơn 2,000 tỷ USD vào năm 2012, theo chỉ số GDP của Ngân hàng thế giới), GDP của Nga chỉ bằng 17% của năm nền kinh tế lớn của EU (Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha) và 12.4% GDP của Mỹ.
Mức độ ảnh hưởng của Nga cũng không còn mạnh như Liên Xô trước đây vì ba trong số 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết và sáu trong tám nước thuộc khối Warszawa giờ là thành viên của EU.
Và trên hết, dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để có được Crimea, ông Putin lại đang từ từ đánh mất Ukraine.
Trong khi tại Moscow ông ký các sắc lệnh hoàn tất thủ tục sáp nhập Crimea vào Nga và cho bắn pháo hoa ăn mừng ‘chiến tích’ mới thu được, ở Brussels lãnh đạo EU đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine.
Việc Ukraine tiến gần EU là một điều ông Putin hoàn toàn không muốn và ông đã từng dùng mọi cách để ngăn ngừa điều đó.
Có nên vui mừng?
Đối với Mỹ và các nước EU, việc chọn các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế – thay vì dùng vũ lực để đối phó với Nga – chắc chắn làm ông Putin và những người ủng hộ ông cho rằng phương Tây yếu thế.
Nhưng có thể nói đó giải pháp tốt nhất – hay ít ra ít thiệt hại nhất – cho Ukraine, châu Âu, các nước phương Tây và có thể cả thế giới lúc này. Vì dùng vũ lực để đáp trả vũ lực trong trường hợp này chỉ gây nên bất ổn, xung đột, chiến tranh.
"Càng ngạc nhiên khi tác giả muốn Nga giúp Trung Quốc ‘hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’. Được biết Việt Nam là một trong các nước khu vực ủng hộ chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ"
Vì vậy, không nên quá vui mừng trước ‘chiến thắng’ của ông Putin và sự ‘bị động’, ‘bối rối’ của các nước phương Tây trong ‘trận chiến Crimea’.
Trong bài viết của mình, ông Hạnh còn nhận định rằng ‘ông Putin có nhiều sự lựa chọn để đánh vào các lợi ích của Mỹ’ vì theo ông Nga có thể sẽ ‘cung cấp nhiều vũ khí hơn cho chính quyền Syria, hâm nóng thùng thuốc súng Trung Đông’.
Hơn nữa, ông cũng cho rằng Nga có thể ‘hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’.
Nếu là một người yêu chuộng hòa bình, muốn thế giới ổn định chắc không ai lại cảm thấy thích thú khi biết ‘thùng thuốc súng tại Trung Đông’ được ‘hâm nóng’ vì điều đó càng làm cho khu vực này vốn đã nhiều bất ổn lại càng thêm xung đột.
Hơn nữa, khi một số nước tại Đông Á, trong đó có Việt Nam, đang quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc và những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, chắc chỉ có những người như tác giả của ‘Trận pháp Putin’ muốn Trung Quốc có thêm ‘các loại vũ khí công nghệ cao’.
Càng ngạc nhiên khi tác giả muốn Nga giúp Trung Quốc ‘hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’. Được biết Việt Nam là một trong các nước khu vực ủng hộ chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ.
Có thể Đặng Vương Hạnh ủng hộ hành động của ông Putin ở Crimea và chê phương Tây (một phần) vì không thích các cuộc biểu tình ở Ukraine dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ và cho rằng phương Tây đứng đằng sau làn sóng biểu tình đó.
Nhưng đến giờ nhiều người đã biết ông Yanukovych là một Tổng thống bất tài, tham nhũng và chính ông bỏ Kiev chạy sang Nga kêu gọi Moscow can thiệp vào Ukraine. Tại sao lại đi ủng hộ những lãnh đạo như Yanukovych?
Ai cũng hiểu có nhiều người Nga tại Crimea và miền Đông Ukraine nói chung và ai cũng biết Nga có căn cứ quân sự tại Ukraine và nhiều lợi ích khác ở Ukraine. Nhưng không thể viện cớ bảo vệ người Nga và bất chấp luật pháp quốc tế để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Vẫn biết rằng ít hay nhiều các nước phương Tây góp phần gây nên cuộc khủng hoảng hiện tại ở Crimea/Ukraine. Nhưng những quốc gia – như Việt Nam – có nên vui mừng trước việc một nước láng giềng lớn mạnh dùng vũ lực và các thủ đoạn khác nhau hay viện cớ bảo vệ kiều bảo của mình để đưa quân vào và thôn tình lãnh thổ của mình như Nga đang làm với Ukraine?
Cộng đồng mạng trong những ngày qua đang bàn tán về một văn thư của Ban Tuyên giáo hướng dẫn báo chí Việt Nam đưa tin về một số vụ việc, trong đó có tình hình ở Ukraine. Dù chuyện đó đúng hay không, hy vọng rằng những bài như ‘Trận pháp Putin’ không được viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận người Việt Nam đang sinh sống ở Anh.
*****

Putin sẽ không dừng ở Crimea?


BBC - Chủ nhật, 23 tháng 3, 2014
Anh đánh giá lại quan hệ với Nga trong lúc nhiều bình luận lo ngại rằng sau Crimea, Vladimir Putin sẽ tiếp tục 'ra tay' ở nơi khác.
Trong bài viết trên tờ Sunday Telegraph sáng Chủ Nhật 23/3/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông William Hague nói Anh và các đồng minh 'cần xem xét việc đánh giá một tình trạng quan hệ khác với Nga'.
Trong tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Carl Bildt trả lời CNN rằng theo ông, Crimea chỉ là'bước mở đầu' trong một kế hoạch lâu dài 'giành lại Kiev' của lãnh đạo Nga.
Trước mắt, các nước châu Âu lo ngại Nga sẽ dùng lá bài 'bảo vệ thiểu số' ở vùng phía Đông Ukraine để chiếm vùng này.
Trên trang Observer sáng nay, phóng viên Luke Harding tường thuật từ Donetsk rằng giới quan sát đang lo ngại Moscow vẫn có ý muốn chiếm thêm các vùng khác của Ukraine.
Nhà báo Anh ghi nhận 'phái ủng hộ Nga ở Donetsk thể hiện rõ giọng điệu ly khai' khỏi Ukraine nhưng tại đây họ là một số nhỏ.
"Trong tuần tới, chúng ta sẽ rõ hơn là các nhóm biểu tình có tổ chức sẽ tiếp tục hay giảm đi, sau khi có lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Moscow", Luke Harding viết.
Tính toán lâu dài
Một tờ báo Anh khác, tờ Sunday Times nêu lại lo ngại về tính toán lâu dài hơn của Tổng thống Nga, Vladimir Putin với vùng Đông Âu và Baltic.
Bài trên Sunday Times trích đăng ý kiến của ông Anders Aslund, một cựu cố vấn cho Nga và Ukraine nói rằng khủng hoảng Crimea nhắc lại tình hình châu Âu năm 1938 với sự yếu kém của Phương Tây và sự hung hăng của Adolf Hitler về lãnh thổ.
Ông Aslund cho rằng ở châu Âu chỉ có Nga là nước duy nhất tiếp tục cải cách quân sự và đủ sức mạnh tái vũ trang.
"Ông Putin sẵn sàng gây hấn về quân sự dù không bị khiêu khích, và đơn phương thu về nhiều lãnh thổ của các vùng nói tiếng Nga cho Liên bang Nga."
Báo Sunday Times cũng cho rằng Putin nhận thấy Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á nên châu Âu bị Mỹ coi như 'khu vực thứ yếu' về chiến lược, thể hiện từ chỗ ngay trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Barack Obama đã bỏ kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đặt tại Ba Lan và CH Czech.
Đây là dấu hiệu khiến Putin coi rằng Mỹ yếu.
Báo Sunday Times cũng vẽ ra viễn cảnh năm 2015 Nga sẽ đánh Latvia lấy cớ bảo vệ thiểu số Nga tại đây.
Tờ báo cho rằng đó chỉ là một 'kịch bản' khi Nga sẵn sàng đánh vào một nước vùng Baltic là thành viên Nato nhưng không phải là chuyện hoàn toàn 'tưởng tượng'.
Hiện nay tại châu Âu lo ngại này đang được các giới chức cao cấp bày tỏ.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Carl Bildt hôm 20/3 đã trả lời CNN rằng ông tin là 'nghị trình thực sự của Putin không phải là Crimea mà là Kiev'.
"Tôi nghĩ ông ta sẵn sàng dùng các biện pháp từ kinh tế đến lật đổ, gây bất ổn, và cả cách thức quân sự nữa. Và đây là điều rất đáng sợ và gây lo ngại sâu sắc."
"Điều này có thể không xảy ra ngay nhưng ông Putin sẵn sàng cho cuộc chơi lâu dài," Bộ trưởng của Thụy Điển nói.
Báo Sunday Times nhận định rằng chính cuộc biểu tình của giới trung lưu Nga hồi 2011 phản đối kế hoạch cầm quyền 'vĩnh viễn' của ông Putin đã làm Điện Kremlin đổi cách nhìn về châu Âu và Ukraine.
Nhà báo Ben Judah trên trang báo này đánh giá rằng khi đó, ông Putin và nhóm cộng sự bị choáng và tin rằng cần ngăn chặn làn sóng thay đổi chế độ đến từ phía Tây.
Bằng mọi giá họ phải 'giữ được Ukraine' trong một liên minh chặt chẽ do Nga chỉ đạo.
Nếu như châu Âu lo ngại về sự thay đổi biên giới 'bằng vũ lực', báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận thực trạng đó nhưng rút ra bài học rằng dùng 'vũ lực' là một thực tế trên chính trường quốc tế thời nay.
Trang Global Times của Trung Quốc hôm 20/3 có bài viết 'Crimea cho thấy vũ lực quan trọng hơn trưng cầu dân ý'.
Tác giả bài báo, ông Li Kaisheng từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng "Không phải lá phiếu của dân Crimea có tính quyết định mà là tàu chiến, phi cơ và tên lửa của Nga quyết định số phận của vùng đất này."
Nhà nghiên cứu này kết luận không phải trưng cầu dân ý mà cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa các nước đã và đang quyết định các sự kiện chính trị quốc tế ngày nay.
*****

Putin đề nghị Mỹ tìm cách kết thúc khủng hoảng tại Ukraine


GDVN - Nguyễn HườnG - 29/03/14
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/3 đã kêu gọi người đồng cấp Obama thảo luận về đề xuất của Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.
Đáp lại, Tổng thống Barack Obama cho rằng Nga cần đưa ra một phản ứng cụ thể qua văn bản, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết.
Đề nghị được đưa ra sau cuộc tham vấn với Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), trong đó 2 Tổng thống Putin và Obama đồng ý rằng Ngoại trưởng hai nước sẽ gặp nhau để thảo luận về các bước tiếp theo của thỏa thuận.
Trước đó, ông Obama nói trong cuộc phỏng vấn với CBS rằng Nga cần phải rút quân khỏi biên giới với Ukraine và ngăn chặn leo thang cuộc khủng hoảng vẽ lại bản đồ châu Âu, mở ra cuộc chiến tranh Lạnh chia rẽ Đông-Tây.
Ông Obama cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, nhưng nhấn mạnh điều này chỉ có thể đạt được một khi Moscow rút quân và không thực hiện các bước tiếp tục vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. 
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tới việc chính phủ Kiev phải hạn chế leo thang căng thẳng và thúc đẩy tiến trành cải cách hiến pháp, bầu cử dân chủ./.

*****

Ukraine: Theo ai tốt hơn?

TS Đoàn Xuân Lộc - Gửi cho BBC từ Anh quốc
Thứ bảy, 29 tháng 3, 2014
Nguyên nhân chính khơi mào cuộc khủng hoảng Ukraine là chuyện nước này nên hướng theo Nga hay đến với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych muốn đưa Ukraine vào quỹ đạo của Nga phe đối lập và người dân Ukraine lại muốn đất nước họ gần gũi với EU.
Những bất đồng nội bộ ấy cuối cùng không chỉ dẫn đến xung đột giữa Moscow và Kiev mà còn gây nên tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây.
Xem ra người Việt cũng có hai cái nhìn, hai thái độ hoàn toàn trái ngược về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong khi một số báo chính thống coi làn sóng biểu tình ở Kiev là bạo lực, lên tiếng chê phương Tây và ủng hộ việc Nga xâm chiếm Crimea, có không ít bài viết, bình luận bày tỏ thiện cảm với các cuộc biểu tình đó và ủng hộ thái độ, phản ứng của EU và Mỹ về cuộc khủng hoảng này.
Vì vậy một câu hỏi đáng được quan tâm lúc này là quay sang Nga hay tìm đến với EU, hướng đi nào tốt hơn cho Ukraine?
Nếu dựa vào các chỉ số kinh tế, dân chủ, tự do và minh bạch của các tổ chức quốc tế và so sánh Ukraine với một số nước liên quan – trong đó ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây và nay là thành viên của EU – có thể thấy rằng đến với EU tốt hơn theo Nga.
Tốt hơn về kinh tế
"Ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô – hay các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu thuộc Khối Warszawa trước kia – và nay đã gia nhập EU cũng tự do, dân chủ và minh bạch hơn Nga, Ukraine và Belarus"
Theo Ngân hàng thế giới, năm 1991 – khi Liên Xô tan rã – GDP theo đầu người của Belarus và Ukraine là 1,747 USD và 1,490 USD. Năm 2012, các con số đó tăng lên 6,685 USD và 3,687 USD.
Như vậy, sau 21 năm, GDP đầu người của hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô này đã tăng lên 383% và 247%.
Trong khi đó, GDP đầu người của Latvia và Lithuania – hai nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô và trờ thành thành viên của EU từ 2004 – đã tăng tới 550% và 511% (từ 2,549 USD và 2,777 USD lên 14,008 USD và 14,183 USD).
Một quốc gia khác từng thuộc Liên Xô và đã vào EU năm 2004 có mức gia tăng GDP đầu người cao hơn của Ukraine và Nga là Estonia.
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP theo đầu người của Estonia năm 1993 là 1,145 USD và năm 2013 là 18,027 USD (tăng tới 1,590%). Trong khi đó, tỷ lệ tăng của Ukraine vào giai đoạn ấy chỉ là 243% (từ 1,653 USD lên 4,015 USD) và của Nga là 1263% (từ 1,239 USD lên 15,650 USD).
Cũng vào giai đoạn 1991-2012, GDP đầu người của các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước quân sự (hay còn gọi là Khối Warszawa) – nhóm các nước cộng sản ở Trung và Đông Âu trước đây – và nay đã gia nhập EU – cũng tăng cao hơn GDP đầu người của Nga.
Theo Ngân hàng thế giới, trong khi con số đó ở Nga là 410% (từ 3,427 USD lên 14,037 USD), ở Bulgaria 555% (từ 1,268 USD lên 6,978 USD), Ba Lan 581% (từ 2,187 USD lên 12,708 USD) và Romania 721% (từ 1,254 USD lên 9,036 USD).
GDP đầu người của Cộng hòa Séc và Slovakia – hai quốc gia thuộc Tiệp Khắc và Khối Warszawa trước đây và này là thành viên của EU – tăng 671% (từ 2,783 USD lên 18,683 USD) và 681% (từ 2,474 USD lên 16,847).
Dựa vào số liệu của Ngân hàng thế giới, trong các quốc gia thuộc Khối Warszawa đã vào EU, với 381% (từ 3,288 USD lên 12,531 USD), chỉ có Hungary là có mức gia tăng GDP đầu người thấp hơn của Nga trong giai đoạn 1991 và 2012.
Hơn về nhiều điểm khác
Ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô – hay các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu thuộc Khối Warszawa trước kia – và nay đã gia nhập EU cũng tự do, dân chủ và minh bạch hơn Nga, Ukraine và Belarus.
Chẳng hạn năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Belarus, Nga và Ukraine ở vị trí 157, 148 và 126 trên 179 quốc gia về tự do báo chí.
Trong khi đó, Estonia được xếp thứ 11, Cộng hòa Séc 16, Ba Lan 22, Slovakia 23, Lithuania 33, Lativa 39, Romania 42, Hungary 56 và Bulgaria 87.
Bị xếp ở thứ 141, 122 và 80 trên 167 quốc gia trong chỉ số dân chủ của tạp chí The Economist năm 2013, Belarus, Nga và Ukraine cũng thua xa những quốc gia cựu cộng sản khác hiện là thành viên của EU về dân chủ.
Chẳng hạn, Cộng hòa Séc được xếp thứ 17 và Bulgaria – nước ít dân chủ nhất trong số đó – ở vị trí 54.
Ukraine, Nga và Belarus cũng có nhiều tham nhũng hơn chín nước cựu cộng sản và nay là thành viên của EU kia.
"Trong những ngày qua có ý kiến cho rằng người dân Crimea sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này sáp nhập vào Nga. Đúng hay sai thời gian sẽ trả lời."
Năm 2013, Tổ chức minh bạch quốc tế xếp Ukraine ở vị trí 144, Nga 127 và Belarus 123 trên 175 quốc gia về mức độ tham nhũng/minh bạch. Trong khi đó, chín quốc gia đó được xếp từ thứ 38 đến 77.
Có thể nói đây cũng là một lý do quan trọng khác làm những phe đối lập và người dân Ukraine chống đối ông Yanukovych, không thiện cảm với Nga và muốn đất nước họ tiến gần EU.
Một phần vì nhiều tham nhũng, thiếu dân chủ và tự do, Ukraine cũng xếp sau xa chín quốc gia kia về một chỉ số quan trọng khác – đó là chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đưa ra đế đánh giá khả năng cạnh tranh, mực đố thịnh vượng kinh tế của một quốc gia.
Năm 2013-2014, Nga chỉ xếp trên hai trong chín quốc gia ấy là Romania và Slovakia về GCI.
Ngoài ra, trong khi người dân và giới kinh doanh Ukraine bị giới hạn trong việc đi lại, làm việc, sinh sống, kinh doanh tại các nước EU, người dân và các công ty của chín quốc gia ấy được tự do – hay ít ra được dễ dàng – làm những chuyện đó ở tất cả các quốc gia thuộc EU.
Về an ninh và quốc phòng chín quốc gia kia giờ được EU hoặc NATO bảo vệ.
Hơn nữa, Nga có thể dùng vũ lực can thiệp vào Ukraine, nhưng chắc chắn không dám làm một việc tương tự đối với bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô và Khối Warszawa và nay là thành viên của EU hoặc NATO.
Trong những ngày qua có ý kiến cho rằng người dân Crimea sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này sáp nhập vào Nga. Đúng hay sai thời gian sẽ trả lời.
Nhưng đối với đất nước Ukraine, nếu bỏ qua các yếu tố khác như lịch sử hay dân tộc (người Nga hay người nói tiếng Nga ở Ukraine) và dựa vào những chỉ số trên có thể thấy rằng tiến gần với EU hay gia nhập Liên minh này sẽ tốt hơn cho Ukraine và người dân tại đây.
Tại sao tốt hơn?
Một câu hỏi quan trọng khác là tại sao cũng từng thuộc Liên Xô giờ Latvia và Lithuania hơn hẳn Belarus và Ukraine về mọi mặt.
Hay cũng từng là những quốc gia xã hội chủ nghĩa, sống dưới chế độ độc tài, độc đảng, Cộng hòa Séc và Slovakia vượt qua Nga về nhiều phương diện?
Vẫn biết rằng mọi chuyện ở EU không phải là hoàn hảo, lúc nào cũng tốt đẹp. Việc một số nước thành viên của EU rơi vào khủng hoảng kinh tế cách đây không lâu là một ví dụ.
Nhưng Liên minh này – được coi là một tổ chức khu vực thịnh vượng và hòa bình nhất – có những nguyên tắc, cơ chế rất căn bản, phù hợp, thiết thực để giúp các quốc gia ứng viên và thành viên xây dựng một xã hội, một đất nước ổn định, phát triển và dân chủ.
Chẳng hạn, một nước ứng viên phải hội đủ ba điều kiện – hay còn được gọi là tiêu chuẩn Copenhagen vì chúng được thông qua trong một hội nghị thượng đỉnh của EU tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào năm 1993 – trước khi gia nhập Liên minh châu Âu.
"Không phải bổng dưng ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây và những quốc gia cựu cộng sản ở Trung và Đông Âu trên đều tự do, minh bạch, dân chủ, ổn định và phát triển hơn Ukraine"
Đó là phải có các thể chế ổn định bảo đảm dân chủ, pháp trị, nhân quyền, phải có một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu và phải tán thành mọi mục đích kinh tế, chính trị và tiền tệ – cũng như phải áp dụng khung pháp chế – của EU.
Không phải bổng dưng ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây và những quốc gia cựu cộng sản ở Trung và Đông Âu trên đều tự do, minh bạch, dân chủ, ổn định và phát triển hơn Ukraine.
Những quốc gia này đạt được những điều đó vì biết áp dụng những nguyên tắc, cơ chế EU đề ra.
Thực ra, không chỉ có các thành viên của EU mà bất cứ một quốc gia trên thế giới nếu biết xây dựng các thể chế ổn định bảo đảm dân chủ, pháp trị nhân quyền và có một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt, quốc gia ấy sẽ phồn thịnh và dân chủ.
Một yếu tố khác giúp Latvia, Estonia, Ba Lan và nhiều nước cựu cộng sản và nay là thành viên của EU phát triển hơn Ukraine về mặt kinh tế đó là những quốc gia này đã có những chuyển đổi quan trọng về cơ cấu kinh tế sau khi vào EU.
Trong khi các nước đó đã chuyển sang dịch vụ và những ngành đòi hỏi nhiều kiến thức, Ukraine vẫn chủ yếu là nước nông nghiệp và công nghiệp nặng nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Chính điều này kìm hãm sự phát triển kinh tế của Ukraine.
Vì những lý do trên ba nước thuộc Liên Xô là Estonia, Latvia, Lithuania và những thành viên khác thuộc Khối Warszawa trước đây đã quyết định gia nhập EU sau khi Liên Xô và các nước cộng sản ở Trung và Đông Âu sụp đổ.
Không chỉ thế, hai nước cộng sản thuộc Nam Tư trước kia là Slovenia và Croatia cũng đã vào EU năm 2004 và năm 2013 và ba quốc gia khác thuộc Liên bang này – là Macedonia, Montenegro, Serbia – đang xin gia nhập Liên minh châu Âu.
Có thể nói vì muốn đất nước mình được tự do, dân chủ, ổn định và phát triển như những thành viên của EU và quốc gia khác trên thế giới, giới đối lập và người dân Ukraine nói chung đã xuống đường phản đối việc ông Yanukovych quyết định dừng ký kết một thỏa thuận hợp tác với EU.
Trái lại, là một người rất tham nhũng và khá độc tài, ông Yanukovych đã không muốn đi theo EU vì làm vậy, ông buộc phải tuân thủ một số điều kiện về chính trị, kinh tế mà Liên minh này đưa ra.
Vì thế, ông đã chọn theo Nga vì Moscow không buộc ông phải minh bạch trong cung cách quản lý, lãnh đạo của mình.
" Ý tưởng thành lập một mô hình tương tự của ông Putin chắc sẽ không được các nước cộng hòa thuộc Liên Xô còn lại ủng hộ và chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực"
Tổng thống Nga Vladimir Putin – một người tham quyền cố vị và cũng được coi là tham nhũng – chắc chắn không muốn thấy Ukraine ổn định, tự do, dân chủ và minh bạch.
Đây cũng là lý do tại sao, ngoài muốn có ảnh hưởng địa chính trị hay vấn đề lịch sử, sắc tộc, ông đã làm tất cả để bảo vệ cựu Tổng thống thân Nga Yanukovych và đưa Ukraine vào quỹ đạo của mình.
Và khi không làm được hai điều đó, ông đã bất chấp luật pháp quốc tế - trong đó có những hiệp ước Nga đã đồng ý, ký kết trước đây – cho xâm chiếm Crimea và sáp nhập vùng này vào Nga.
Sau khi Nga xâm chiếm Crimea, đâu đó trong giới nghiên cứu, quan sát có người cho rằng ông Putin còn có tham vọng hồi sinh Liên Xô bằng cách thiết lập một khối các quốc gia chịu sự kiểm soát của Moscow giống như Liên Xô.
Nhưng việc một số nước thuộc Liên Xô trước đây và hầu hết các quốc gia cộng sản ở Trung và Đông Âu hay vùng Balkan đã và đang xin gia nhập EU kể từ khi Liên Xô sụp đổ – hoặc việc người dân và giới lãnh đạo mới ở Ukraine muốn tiến gần EU – cho thấy mô hình Liên Xô trước đây đã hoàn toàn thất bại.
Vì vậy, ý tưởng thành lập một mô hình tương tự của ông Putin chắc sẽ không được các nước cộng hòa thuộc Liên Xô còn lại ủng hộ và chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận đang sinh sống ở Anh Quốc.
*****

Mô hình nhà nước liên bang Ukraine?

Bridget Kendall - Phóng viên chuyên về ngoại giao, BBC News - Thứ tư, 2 tháng 4, 2014
Nga đang thúc đẩy việc Ukraine trở thành một liên bang, khiến Kiev phản ứng lại rằng Moscow hãy lo ổn thỏa việc của mình trước.
Nhưng thực sự Moscow nghĩ gì?
Theo quan điểm của Nga, một liên bang Ukraine sẽ đem đến cho các vùng thuộc nước này thêm nhiều quyền về kinh tế địa phương, tài chính và ngoại thương cũng như ngôn ngữ, truyền thống, thực hành tôn giáo, giáo dục, các quan hệ văn hóa với nước ngoài, và quan hệ với các nước láng giềng, gồm cả Nga.
Các khu vực này, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số.
Kiev sẽ duy trì các hoạt động ở tầm quốc gia như quốc phòng, đối ngoại và pháp luật. Hay nói cách khác là chính quyền trung ương sẽ bị thu nhỏ rất nhiều.
Những cải cách này có thể diễn ra như thế nào?
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lặp đi lặp lại rằng Nga hay bất kỳ cường quốc bên ngoài nào cũng không thể cố áp đặt một khuôn khổ nào, mà phải để chính người dân Ukraine quyết định.
Thế nhưng câu hỏi là người dân Ukraine nào? Hoa Kỳ lập luận rằng chính phủ Kiev phải nắm vai trò dẫn dắt.
Nhưng Moscow thì cho rằng Kiev, một chính quyền tạm thời lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính bất hợp pháp, không thể có quyền phủ quyết những gì diễn ra, mà thay vào đó là phải mời tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực tham gia vào cuộc đối thoại toàn quốc, nơi tất cả các thành phần tham dự đều có tiếng nói và lá phiếu bình đẳng như nhau.
Điều đó có nghĩa là chính quyền trung ương không thể áp đặt kế hoạch riêng của mình lên những người khác. Thế nhưng nó cũng trao cho các khu vực quyền chủ động hơn khi quyết định xem nên tiếp nhận những quyền gì từ chính phủ trung ương.
Nga cũng đề xuất rằng một khi đã được nhất trí thì khuôn khổ mới sẽ được đưa ra lấy trưng cầu dân ý trên toàn quốc, là điều cần phải thực hiện trước khi có bất kỳ kỳ bầu cử toàn quốc nào. Trên thực tế, điều này có nghĩa là trước khi có kỳ bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Năm.
Hồi tuần trước, vị tổng thống bị lật đổ của Ukraine, Viktor Yanukovych nay đang lưu vong tại Nga, nói rằng kỳ trưng cầu toàn quốc sẽ xác định quy chế của từng khu vực thuộc Ukraine, và các vùng khác nhau sẽ được quyền có sự tự trị nhiều hay ít hơn đối với chính quyền trung ương, phù hợp với điều kiện của mỗi vùng.
Nếu một số vùng đòi ly khai?
Một số nhóm thân Moscow tại các thành phố đa phần nói tiếng Nga như Donetsk và Kharkiv đã bóng gió tới khả năng này.
Và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ý các vùng này cũng sẽ được chào đón nếu muốn gia nhập Nga.
Ông mô tả miền nam và đông nam của Ukraine là những vùng đất lịch sử của Nga, và ám chỉ việc những người Bolshevik trao các nơi này cho Ukraine sau cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 là một sai lầm.
Tại sao Moscow khăng khăng muốn có cải tổ đó?
Nga lập luận rằng Ukraine không thể tồn tại như một quốc gia thống nhất và chỉ có cách chuyển thành một nhà nước liên bang với kết cấu nới lỏng hơn để các khu vực khác nhau có thể giữ được bản sắc riêng và đôi khi cả những quyền lợi xung đột mà không gây ra đổ vỡ.
Do đó, việc liên bang hóa Ukraine thay vì khiến nước này trở nên yếu đuối và dễ bị chia cắt hơn, thực ra sẽ giúp nó tồn tại tốt hơn.
Đặc biệt hơn, chính phủ Nga cảnh báo rằng đó là con đường duy nhất để bảo vệ cho quyền của các nhóm sắc tộc thiểu số như các nhóm nói tiếng Nga khỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy Ukraine, mà Moscow nói là đang có áp dụng chế độ độc tài tại Kiev.
Nhưng những người nghi ngờ về động cơ của Nga thì sợ rằng mục đích chính của đòi hỏi này chính là nhằm làm suy yếu chính quyền trung ương ở Kiev.
Điều này có thể trở thành một cơ chế theo đó cho phép các khu vực ly khai và sáp nhập vào Nga, hoặc việc ra quyết định sẽ ngay lập tức chịu sự phê chuẩn của chính quyền địa phương, trong đó có nhiều nơi Nga hy vọng sẽ là các đồng minh gần gũi với Moscow, do đó cho phép Nga gây ảnh huwongr lên khối liên minh cũng như chính sách của Ukraine.
Những vùng nào muốn nới lỏng quan hệ với Kiev?
Nga tập trung chú ý vào các vùng miền đông và miền nam, nơi thành phần nói tiếng Nga chiếm đa số và nơi đa số dân bầu cho Viktor Yanukovych trong kỳ bầu cử tổng thống trước.
Những nơi này gồm các thành phố Kharkiv, Donetsk và Odessa, nơi đã có các cuộc biểu tình thân Nga và thậm chí có cả việc một số nhóm thân Moscow tìm cách chiếm các trụ sở chính quyền và quốc hội địa phương.
Nhưng kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng khó có thể đoán trước. Nó phụ thuộc vào những tình thế cụ thể, và vào những câu hỏi được nêu ra.
Không hề có gì đảm bảo rằng việc mỗi khu vực đó theo đuổi việc có quan hệ gần gũi hơn với Nga sẽ làm suy yếu nhà nước Ukraine. Và nếu như trong trường hợp Crimea, binh lính đã được triển khai hoặc đã có những lý do khác khiến cho cử tri cảm thấy bị dọa dẫm hoặc nghiêng ngả bởi sức mạnh tuyên truyền, thì nó sẽ ảnh hưởng tới việc người dân bỏ phiếu ra sao, hay liệu người ta có tẩy chay hay không.
Phản ứng từ phương Tây ra sao?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chỉ ra rằng Washington sẽ không phản bác ý tưởng nhà nước liên bang, một hướng đi có thể nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng chỉ với điều kiện là chính bản thân Ukraine đồng ý với việc đó. Và ông cũng rất cứng rắn rằng chính phủ lâm thời Kiev có quyền thông qua việc này.
Phản ứng của Kiev thì sao?
Kiev rõ ràng là đã sẵn sàng cân nhắc tới việc trao cho các khu vực thêm quyền lực, nhưng cho tới nay vẫn cương quyết phản đối ý tưởng nhà nước liên bang.
Bộ Ngoại giao Ukraine bác bỏ kế hoạch này và nói điều đó chỉ nhằm một mục đích là chia rẽ và hủy hoại vị thế nhà nước của Ukraine.
Thêm nữa, ngoại trưởng lâm thời Ukraine nói ông lo ngại rằng hiện đang có những kế hoạch nhằm gây bất ổn ở các vùng đông và nam Ukraine, nhằm trao cho Nga cơ hội tạo hành lang chạy xuyên Ukraine, nối liền Nga, Crimea và vùng Trans-Dniester có đông dân nói tiếng Nga, cũng là một vùng ly khai của Moldova ở biên giới phía tây của Ukraine.
Trong những ngày gần đây, Nga đã cảnh báo là họ vô cùng quan ngại về điều mà Moscow nói là sự phong tỏa Trans-Dniester của tân chính phủ Ukraine và gọi đó là điều quá đáng, không thể chấp nhận được.
Những quan ngại này đã được nêu ra với Nato, rằng Nga có thể phải có các kế hoạch can thiệp quân sự vào nơi này.
Liên bang Ukraine so với Nga thì thế nào?
Nga cũng là một liên bang gồm hơn 80 thực thể, trong đó có các nước cộng hòa là nơi sinh sống của những sắc dân thiểu số cụ thể, cũng như các vùng tự trị.
Mức tự trị và tự quản của mỗi thực thể tùy thuộc vào quy chế của thực thể đó, đồng thời phụ thuộc vào việc ai là người nắm quyền tại Kremlin.
Hồi thập niên 1990, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, số các vùng tự quản nhiều hơn.
Một số nước cộng hòa như Tatarstan (là một nước cộng hòa ở vùng Trung Á với đa số dân là người Tatar có liên hệ với người Tatar ở Crimea) có quyền tự điều hành khá cao, là quyền được trao như một phần nhằm xoa dịu dân và chặn việc họ tìm cách ly khai khỏi Nga như trường hợp Chechnya.
Nhưng khi Tổng thống Putin lên nắm quyền hồi 2000, một trong những cải tổ đầu tiên của ông là áp quyền kiểm soát lớn hơn lên các khu vực, nhằm tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương và làm suy yếu các thách thức từ vùng biên ải.
Quan trọng hơn cả, ông ra lệnh các loại thuế phải được chuyển về trung ương, khiến cho hầu hết các vùng phải phụ thuộc vào sự bảo trợ của Moscow.
Hồi 2004, ông cũng bãi bỏ việc bầu cử trực tiếp ở địa phương đối với vị trí thống đốc, tỉnh trưởng, và ông trở thành tổng thống có quyền bổ nhiệm người vào các chức vụ này.
Hồi 2012, Tổng thống Medvedev khôi phục lại quyền bầu thống đốc trực tiếp, nhưng các ứng viên vẫn phải được tổng thống phê chuẩn khiến Kremlin có quyền lực đáng kể đối với các lãnh đạo cấp vùng.
Sự cứng rắn của Tổng thống Putin trong việc áp đặt quyền cai trị trung ương tại Nga trong lúc hỗ trợ cho phe đối lập tại Ukraine vẫn rõ nét trong tâm trí các chính trị gia Kiev.
Bộ Ngoại giao Ukraine thì nói Nga nên lo cải tổ các cơ cấu liên bang riêng của mình đi hẵng, trước khi nói Ukraine phải làm gì.
*****

Thêm một thành phố ở Ukraina tuyên bố độc lập

 - 7/4/2014
Tại Dotnesk, thành phố miền đông Ukraina, một nhóm các nhà hoạt động tuyên bố khu vực này độc lập với Kiev. Việc này diễn ra sau khi những người biểu tình tấn công một tòa nhà chính phủ vào đêm qua, RT đưa tin.
Các cuộc biểu tình rộng khắp chống lại bộ máy lãnh đạo mới của Ukraina diễn ra trong hòa bình hôm 6/7 song tình hình mau chóng leo thang.
Những người biểu tình ủng hộ Nga ở Donetsk đã chiếm tòa nhà quyền lực ở địa phương, gồm trụ sở chính của cơ quan an ninh Ukraina và tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Donetsk.
Cảnh sát và lực lượng an ninh Ukraina không can thiệp trong khi giới chức ở Kiev đe dọa sẽ trừng phạt những đối tượng dấy loạn.
Người biểu tình đã dựng các hàng rào quanh tòa nhà hội đồng thành phố.
Lúc 12h20 trưa nay giờ địa phương, một phiên họp của Hội đồng nhân dân của Donbass (khu vực Donetsk) đã diễn ra tại tòa thị chính của Hội đồng vùng và nhất trí bỏ phiếu thông qua tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập mới: Cộng hòa nhân dân Donetsk.
Hội đồng trên tuyên bố họ là cơ quan hợp pháp duy nhất trong vùng cho tới khi các vùng ở đông nam Ukraina tiến hành tổng trưng cầu dân ý, dự kiến diễn ra trước 11/5.
"Cộng hòa Donetsk sẽ được thành lập trong khuôn khổ biên giới hành chính của vùng Donetsk. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau khi trưng cầu dân ý", tuyên bố cho biết.
Hội đồng ở Donetsk gửi một bức thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề nghị Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tạm thời tới khu vực. "Nếu không được giúp đỡ, chúng tôi sẽ khó chống lại được chính quyền ở Kiev. Chúng tôi đề nghị với Tổng thống Putin vì chúng tôi chỉ có thể giao phó an ninh khu vực cho Nga"
Các cuộc tuần hành ủng hộ liên bang hóa Ukraina tiếp tục diễn ra ở một loạt thành phố ở đông nam nước này. Hàng nghìn cư dân đã tham gia biểu tình đòi liên bang hóa nước này sớm nhất có thể.
Hoài Linh
*****

Khủng hoảng Ukraine: Mỹ có thể sớm triển khai quân đội tới châu Âu


GDVN - Nguyễn Hường - 10/04/14 

Kế hoạch này được đưa ra nhằm đảm bảo sự ổn định ở châu Âu và trấn an các đối tác của NATO trong khu vực.

Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu hôm 9/4 cho biết, quân đội Mỹ có thể sẽ sớm được triển khai tới châu Âu trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới Ukraine-Nga tiếp tục xấu đi.
Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn AP, tướng Philip Breedlove cho biết, kế hoạch này được đưa ra nhằm đảm bảo sự ổn định ở châu Âu và trấn an các đối tác của NATO trong khu vực.
 Đại diện của 28 thành viên NATO đã yêu cầu tướng Breedlove đưa ra chi tiết kế hoạch ngay trong tuần tới để trấn an các đồng minh trong khu vực. Theo tiết lộ của Breedlove, có thể ông sẽ trình bày kế hoạch của mình vào Thứ Ba tới. 

Tuyên bố trên của tướng Breedlove xuất hiện trong bối cảnh người dân 3 tỉnh biên giới phía đông giáp Nga của Ukraine tiến hành biểu tình quy mô lớn chiếm trụ sở chính quyền, tuyên bố thành lập nhà nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraine và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào láng giềng. 

Lo ngại về sự leo thang căng thẳng cũng như bạo lực cũng gia tăng trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Nga đang tập kết 40 ngàn binh sĩ được trang bị đầy đủ ở sát biên giới Ukraine và dự đoán Moscow có thể xâm nhập và thôn tính Ukraine trong vòng 3-5 ngày. 
Ngày 9/4, Bộ Ngoại giao Nga đã đáp trả các cáo buộc từ Kiev và phương Tây khi cho biết cả Ukraine và Mỹ "không có lý do nào để lo ngại" về sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực. Moscow nhấn mạnh các tuyên bố được đưa ra từ trước đó rằng Nga không có hoạt động bất thường hoặc kế hoạch tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, tướng Breedlove vẫn cho rằng tình hình hiện nay vẫn còn nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
"Những gì chúng tôi thấy là có một đội quân 40 ngàn người. Tôi mô tả nó là một đội quân được trang bị vũ khí. Nói cách khác, đây là đội quân đã được trang bị đầy đủ cho phép họ có thể hoàn thành mục tiêu quân sự nếu có lệnh", tướng Breedlove nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo AP, mục tiêu của Nga vẫn chưa rõ ràng đến độ tướng Breedlove có thể đưa ra các quyết định cụ thể chống lại Moscow.
"Lực lượng này có thể chỉ đứng đó và đe dọa Ukraine bằng sự hiện diện của mình. Họ cũng có thể di chuyển về phía nam để bảo vệ Crimea, cũng có thể đi dọc theo bờ Biển Đen đến thành phố cảng Odessa và Trans - Dniester của Moldova hoặc xâm nhập vào phía đông Ukraine, nơi những người dân tộc Nga đang đòi đoàn kết với Moscow", phát ngôn viên của tướng Breedlove mô tả về hiện trạng của quân đội Nga tại biên giới Ukraine.
Phát biểu với CNN hôm 9/4 , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết , "Chúng tôi luôn cảnh giác và chúng tôi luôn theo dõi các tùy chọn mà chúng tôi cần phải thực hiện"./.
*****
Nga vận dụng lợi thế về khí đốt thiên nhiên
Hà Tường Cát / Người Việt (Tổng Hợp) - Tuesday, April 08, 2014
Trong vụ khủng hoảng Ukraine, Nga đang sử dụng tới khí giới mạnh nhất của họ là khí đốt. Tranh chấp liên quan đến  khí đốt đã xảy ra nhiều lần từ thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng có thể có nhiều tác động ở tình thế hiện nay.
Nga vẫn muốn giữ Ukraine nằm trong tầm ảnh hưởng của mình, chống lại việc ngả về phía Tây Phương. Hiện nay, tiếp theo việc Nga đã thâu hồi lại Crimea, nếu Hoa Kỳ có thể đạt tới thỏa hiệp để Nga ngừng việc can thiệp quân sự thêm nữa vào Ukraine, thì Nga vẫn còn một áp lực khác là khí đốt.
Công ty quốc doanh dầu khí Gazprom của Nga trước đây đã cho biết là Ukraine không hoàn thành nghĩa vụ trả $2.2 tỷ nợ của Nga và có thể đưa tới việc Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Hôm Thứ Ba, Bộ Trưởng Năng Lượng Liên Âu Guenther Oettinger chủ tọa hai cuộc họp tại Brussels, Bỉ, để thảo luận về dự trữ khí đốt của Liên Âu và an toàn  trong vấn đề cung ứng năng lượng . Bộ Trưởng Năng Lượng Ukraine, ông Yuriy Prodan, nói với các phóng viên là trong tình hình hiện nay, mối đe dọa đang gia tăng trong việc ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, cũng như  chuyển khí đốt đến Liên Âu, vì "khả năng hỗ trợ của Ukraine không phải vô giới hạn".  Nga cung cấp cho Liên Âu khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt  và 40% bằng những đường ống dẫn ngang qua lãnh thổ Ukraine. Riêng Ukraine, khoảng 50% khí đốt là do Nga cung cấp.
Theo lời bộ Trưởng Prodan, giá khí đốt mà Ukraine phải trả cho Nga là không công bằng và quá cao. Từ tháng 4, sau khi Gazprom hủy bỏ hai biện pháp ưu đãi về giá khí đốt, Ukraine phải trả $485 cho mỗi ngàn mét khối khí dốt, so với giá $380 Liên Âu phải trả. Giá cũ Ukraine trả cho Nga là $268.5. Từ 2010, Nga đã giảm giá khí đốt cho Ukraine $100 mỗi ngàn mét khối, đổi lấy thỏa thuận nới dài thời hạn cho hạm đội Hắc Hải của Nga thuê căn cứ Sevastopol ở Crimea. Tới tháng 12 năm ngoái Nga giảm giá cho Ukraine thêm nữa và đi tới giá $268.5. Sau khi tái sát nhập Crimea, Nga loan báo hủy bỏ tất cả các thỏa thuận cũ.
Ông Prodan cho rằng như vậy Ukraine sẽ phải tìm cách bơm ngược khí đốt vẫn chuyển từ Nga qua Ukraine đến Liên Âu. Một cách cụ thể, chính quyền Kiev muốn khí đốt cung cấp tới Slovakia được đưa ngược trở lại Ukraine, vì Slovakia có cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn tất cả mọi nước Liên Âu khác về việc này.
Các đại diện của Slovakia tuy nhiên giải thích với phái đoàn Ukraine ở Brussels rằng mặc dầu không khó khăn lắm về mặt kỹ thuật, nhưng họ không thể làm điều này vì vấn đề pháp lý do sự thỏa thuận đã có với Gazprom.
Trong cuộc họp ở Brussels, Bộ Trưởng Oettinger đề cập đến việc Liên Âu có thể mua thêm LNG (Liquefied Natural Gas = khí đốt hóa lỏng) từ nhiều nguồn trên thế giới và được chở đến bằng tàu biển,  giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt Nga. Từ lâu Liên Âu đã có dự án gia  tăng mua LNG và khí đốt nhập cảng dư thừa từ Nga sẽ được chuyển trở lại Ukraine. Như thế  Slovakia có thể chuyển lại cho Ukraine 8 tỷ mét khối khí đốt một năm. Nhưng dự án sẽ cần có sự thỏa thuận với Gazprom và trong tình hình căng thẳng hiện nay, kế hoạch coi như không thực tế.
Thật ra trong cuộc chiến khí đốt này, mỗi phía đều có lợi thế của mình. Ukraine chịu ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên vì thiếu năng lượng nếu nguồn cung cấp gián đoạn. Nhưng với nhiều đường ống dẫn đi ngang lãnh thổ mình, Ukraine cũng có điều kiện để đặt vấn đề với Liên Âu cũng như Nga. Liên Âu cần tới khí đốt của Nga nhưng xuất cảng khí đốt qua Liên Âu trung bình mỗi tháng  Gazprom thu được khoảng $5 tỷ. Những mối ràng buộc ấy khiến tất cả các bên phải cân nhắc những biện pháp có thể đưa ra.
Mặt khác Gazprom vẫn tiếp tục thúc đẩy dự án $22 tỷ làm một đường ống phía Nam, từ Nga sang tới Ý. Theo kế hoạch, đường ống “South Stream” đi ngang Hắc Hải, không qua Ukraine, sẽ đưa phân nửa khí đốt xuất cảng từ Nga qua Liên Âu.
Hôm Thứ Ba, các đại diện Gazprom cũng có mặt tại Brussels  để thảo luận với các đối tác Âu Châu. Nhưng do sự đối đầu chính trị từ vụ Crimea, những cuộc gặp gỡ thảo luận chỉ giới hạn trên mặt kỹ thuật.vì mọi sự hợp tác thỏa thuận  ở cấp cao giữa Đông và Tây hiện nay đều bị ngưng lại. Các đại công ty dầu khí Eni - Ý, Wintershall – Đức và EDF – Pháp đều vắng mặt.  Trước đây giàm đốc các công ty này đã chỉ trích  quyết định ngưng đàm phán của Bộ Trưởng Liên Âu Oettinger, nhưng hôm Thứ Ba từ chối không bình luận gì.
Mặc dầu tình thế bất định, Gazprom có 50% cổ phần trong dự án, cho biết vẫn tiếp tục công cuộc xây dựng, đặt ống ở Nga, Bulgaria và Serbia với dự trù “South Stream” khởi sự hoạt động từ 2015. Đường ống South Stream sẽ củng cố vị trí của Nga là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất cho Âu Châu mà không dính dáng gì tới Ukraine dù tương lai sẽ ra sao.  (HC)
*****

Putin gửi thư cho 18 nước châu Âu cảnh báo cắt giảm khí đốt

GDVN - Nguyễn Hường - 11/04/14 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/4 cảnh báo rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/4 cảnh báo rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn khi Moscow cắt giảm lượng khí đốt bán cho Ukraine vì chậm thanh toán tiền mua khí quá lâu.

Trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo của 18 quốc gia châu Âu (gồm Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Moldova, Ba Lan và Romania), ông Putin nói rằng sự kiên nhẫn của ông đối với khoản nợ 2.2 tỉ USD mua khí đốt của Kiev đã gần tới giới hạn nếu Ukraine không có một giải pháp khẩn trương cho vấn đề này.
Nga đã tăng gần gấp đôi giá bán khí đốt cho Ukraine sau khi chính quyền Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ và bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang. 
Ông Putin cho biết, tập đoàn Gazprom sẽ yêu cầu thanh toán trước khi cung cấp khí đốt cho Ukraine và trong trường hợp tiếp tục vi phạm các điều kiện thanh toán sẽ chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần hoạt động phân phối khí đốt. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh rằng yêu cầu thanh toán trước tiền mua khí đốt sẽ là một biện pháp cực đoan vì nó sẽ tác động tới nguồn cung cấp khí cho các quốc gia châu Âu khác. 

Điều này có thể gây tác động lớn tới các nước Liên minh châu Âu, trong đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và hệ thống đường ống dẫn khí đốt chạy qua Ukraine. Nga cung cấp 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu, trong đó một nửa số này đi qua đường ống ở Ukraine.
"Chúng tôi hoàn toàn nhận ra rằng điều này làm tăng nguy cơ giảm lượng khí đốt tự nhiên đi qua lãnh thổ Ukraina và hướng tới người tiêu dùng châu Âu", Tổng thống Nga cho biết trong bức thư.
Mỹ đã ngay lập tức lên án động thái trên của Tổng thống Putin là sử dụng năng lượng để gây áp lực với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
"Chúng tôi lên án những nỗ lực của Nga sử dụng năng lượng như một công cụ ép buộc chống lại Ukraine," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói.
Gazprom từng ngừng bơm khí đốt cho Ukraine trong thời gian tranh chấp giá vào mùa đông năm 2005-2006 và 2008-2009, dẫn đến nguồn cung cho các nước châu Âu cũng bị sụt giảm. 
Các quan chức Nga cho biết, việc bán khí đốt cho Ukraine bị cắt giảm là hoàn toàn vì mục đích thương mại và Moscow buộc phải làm như vậy sau khi Kiev không đáp ứng thời hạn thanh toán tiền nợ mua khí những tháng trước cho Nga vào hôm thứ Hai.  
Khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga là Đức, quốc gia phải nhập khẩu 25 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, khoảng 1/3 nhu cầu của người Đức. Ý cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí của Nga vì các đối tác khác không đáng tin cậy. Trong khi đó, Lithuania , Estonia, Phần Lan, Latvia, Bulgaria và Cộng hòa Séc nhập khẩu 100% khí tự nhiên từ Nga./.

*****

Đối phó thế nào với mối đe dọa Putin ?

 

RFI - Thứ sáu 11 Tháng Tư 2014

 

Mai Vân

Châu Âu phải chăng đang ở trong tư thế "lưỡng diện thọ địch" ? Câu hỏi trên đã được báo chí Pháp ngày hôm nay, 11/04/2014 gợi lên, nhấn mạnh trên hai bình diện. Trước hết là kinh tế với nguy cơ giảm phát, và kế đến là an ninh, phản ánh qua cuộc đọ sức với Nga ở Ukraina. Trên vấn đề thứ hai này, báo Le Monde ở trang ý kiến đã nêu thành tựa câu hỏi : "Phải chăng Nga là một mối đe dọa đối với Châu Âu ?"

Qua diễn tiến ở Ukraina – các phần tử thân Nga chiếm đóng các cơ quan ở Donetsk và Louganks, Le Monde nêu một loạt câu hỏi : Phải chăng Putin có chủ trương bành trướng, muốn vẽ lại bản đồ của vùng ? Matxcơva sẽ đe dọa lâu dài các nước láng giềng, ngay cả những nước trong Liên Hiệp Châu Âu và trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO ?
Câu hỏi hiện đặt ra cho Châu Âu là phải tiến đến một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Matxcơva, hay là những biện pháp trừng phạt và thương lượng sẽ đủ để làm dịu tình hình ? Le Monde trích dẫn quan điểm các chuyên gia tên tuổi ở Pháp. những quan điểm đôi khi có phần trái ngược nhau.
François Heisbourg, Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp
Đối với ông François Heisbourg, Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondation pour la recherche stratégique) thì giữa hai bên là một sự cạnh tranh mang tính chất đối kháng, Châu Âu luôn luôn muốn ngăn chận, kềm hãm Putin.
Đối với ông Heisbourg, Châu Âu phải huy động lực lượng, nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ để răn đe Nga là không nên tấn công vào các láng giềng trong những tuần lễ tới đây.
Theo chuyên gia Heisbourg, những trừng phạt áp dụng cho Iran có thể thực hiện được với Matxcơva, vì Nga cũng là một quốc gia dầu hỏa.
Domique David, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI
Còn ông Domique David, Viện Quan hệ Quốc tế Ifri, trước tiên cho là phải nghĩ đến việc chìa bàn tay thân thiện dối với người dân Nga. Chuyên gia này cũng nhận định như ông Heisbourg về sự đối đầu, nghi kỵ triền miên giữa Nga và Châu Âu.
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraina, theo ông David, xuất phát một bên từ việc Matxcơva lo ngại đà Đông tiến của phương Tây, với Liên Hiệp Châu Âu là tiền đồn của NATO, và bên là phương Tây e ngại ‘để chế’ Nga, và nghĩ ra cách tự bảo vệ : Liên kết với Ukraina.
Cộng thêm vào sự nghi kỵ nói trên, còn có 3 yếu tố làm cho Ukraina lâm vào tình cảnh sôi bỏng : Trước tiên là tình hình miền đông Ukraina, chẳng ai kiểm soát được, từ Kiev cho đến Matxcơva; thứ hai là hành động tuyên truyền mang tính chất dân tộc chủ nghĩa của Nga; và thứ 3 là chính sách lộn xộn của Châu Âu, vấn để năng lượng và những biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân. Đó là một loạt yếu tố làm lửa bén lên ở Ukraina.
Tuy nhiên nhìn tình hình hiện nay, ông Davíd thấy khói nhiều hơn là lửa. Chủ trương của chuyên gia này là hai bên, Nga và Liên Hiệp Châu Âu cùng đóng góp vào sự ổn định chính trị và kinh tế của Ukraina.
Nhưng đi xa hơn Ukraina, ông David cho là chính Nga mới quan trọng. Châu Âu nên chìa tay thân thiện, không phải với chính quyền mà là với người dân Nga. Họ cũng là nạn nhân của chế độ Nga.
Yannick Mireur, trường võ bị Saint Cyr
Đấy cũng là quan điểm của ông Yannick Mireur, giáo sư trường võ bị Saint Cyr. Theo ông, xã hội Nga không còn tin tưởng vào phương Tây. Châu Âu phải lưu ý đến việc người Nga cảm thấy niềm tự hào dân tộc của họ bị tổn thương.
Theo ông Mireur, phải đứng vào vị trí của đối phương để hiểu quan điểm của họ, không nên tự đặt mình vào những tình thế khó có lối thoát. Đối với ông phải xây dựng lại quan hệ với Nga, vì một nước Nga được cải cách, không mặc cảm, và hùng mạnh, có lợi cho Châu Âu.
Giảm phát đe dọa Châu Âu ?
Riêng báo Công giáo La Croix hôm nay lại chú trọng đến kinh tế, nêu thành tựa câu hỏi : "Có nên lo ngại giảm phát hay không ?"
Tờ báo dành cả hai trang trong cho hiện tượng, nhắc lại rằng giá cả ở Châu Âu tăng rất ít đang làm cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế lo ngại. sợ rằng kinh tế bị khựng lại.
La Croix khẳng định là mối e ngại này không phải viễn vông, vì thực tế là giá cả ở vùng đồng euro đã tăng rất ít : Vào tháng 3 vừa qua, chỉ tăng 0,5% tính theo nhịp độ thường niên, mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Tại những nước yếu, mực độ này còn ít hơn nữa.
Ngay tại Pháp, giá cả trong một số lãnh vực không những không tăng, mà lại còn giảm, giảm 0,2% trong lãnh vực thực phẩm, 0,8% đối với sản phẩm công nghiệp, và 0,3% đối với thuốc men...
Giới kinh tế hiện nay, theo La Croix rất quan ngại, tự hỏi rằng đây chỉ là hiện tượng giảm lạm phát nhất thời hay là Châu Âu thực sự bước vào giai đoạn giảm phát (déflation) - tức là hiện tượng tổng nhu cầu không đủ so với sản phẩm và dịch vụ cung ứng ? Nếu như thế thì sẽ vô cùng đáng ngại, vì khiến cho kinh tế bị đình đốn.
Dĩ nhiên là trong vấn đề giả cả không tăng nhiều, có khi giảm này, người tiêu dùng và giới kinh tế gia không phản ứng như nhau. Người dân mua sắm rất hài lòng, nhưng ngược lại đối với giới sản xuất thì tai hại vô cùng, với hậu quả xã hội là sẽ phải giảm bớt nhân công. Tóm lại đây là căn bênh vô cùng nguy hiểm đối với một nền kinh tế với những tác động dây chuyền.
*****

Nhiều nhóm lợi ích Mỹ phải cảm ơn Putin vì đã sáp nhập Crimea

GDVN - Hồng Thủy - 11/04/14

Khủng hoảng thường mang đến cho các công ty một cơ hội, đó là điều phổ biến. Và họ sẽ sử dụng vận động hành lang để theo đuổi lợi ích của mình

Bloomberg ngày 11/4 đưa tin, rất nhiều nhóm lợi ích ở Washington nợ Tổng thống Nga Vladimir Putin một lời cảm ơn vì ông đã sáp nhập Nga vào Crimea. Nói cách khác, khủng hoảng Ukraine không hề vô dụng đối với các nhóm vận động hành lang ở Washington.

Việc Putin sáp nhập khu vực Crimea vào lãnh thổ Nga hồi tháng trước đang được người Mỹ sử dụng như một lý do để thúc đẩy xây dựng một đường ống dẫn dầu cho đến đẩy mạnh xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu.

"Đây là hành vi thực sự cổ điển. Bạn có thể tạo ra một câu chuyện mà bạn được đặt bên cạnh các thiên thần", Burdett Loomis, một giáo sư khoa chính trị tại đại học Kansas chuyên vận động hành lang cho biết.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã thúc đẩy Washington hành động, phục vụ  như là chất xúc tác cho chính sách. Điều này tương tự như việc Liên Xô phóng vệ tinh lên quỹ đạo thấp năm 1957 làm tăng lo ngại Mỹ bị thụi lùi phía sau trong cuộc đua chạy vào không gian. Chính điều này đã thúc đẩy Washington phát triển chương trình đưa người lên Mặt Trăng.
"Bạn không bao giờ muốn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bị lãng phí", Rahm Emanuel, nghị sĩ đảng Dân chủ nhận xét. Can thiệp của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy các cuộc xúc tiến xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Karen Harbert, Chủ tịch Phòng Thương mại và năng lượng Mỹ nói với các phóng viên hôm 4/3, đúng ngày Putin cho biết Nga sẽ hủy chương trình giảm giá khí đốt bán cho Ukraine: Có thêm nhiều khí đốt của Mỹ được đưa ra thị trường sẽ làm giảm biến động và tạo nguồn cung đa dạng.
Những nỗ lực của các nhóm vận động hành lang chính sách ở Washington khác bao gồm Viện Dầu khí Mỹ (API) để bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt năm 1970. "Chúng tôi chỉ cần có một tiếng trống phù hợp. Chúng tôi liên tục làm điều đó, và việc này đã trở thành một cuộc tranh luận mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc khủng hoảng tại Ukraine", Erik Milito, giám đốc API cho biết. Milito cho hay, các nhà lập pháp Mỹ của cả 2 đảng đang chú ý đến thông điệp từ API và các thành viên bao gồm tập đoàn Chevron, Exxon Mobil. "Điều cuối cùng ông Putin và cộng sự của mình mong muốn là sự cạnh tranh của Mỹ trong cuộc đua năng lượng", Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và tài nguyên Thượng viên Mỹ Mary Landrieu cho biết. Bà kêu gọi cơ quan quản lý năng lượng của Mỹ phê duyệt dự án xuất khẩu khí đốt của hãng Sempra. Xuất khẩu dầu khí cung cấp một "cơ hội vàng" để giúp Ukraine và các đồng minh châu Âu làm xói mòn ảnh hưởng của Nga, John Hess, Giám đốc điều hành của New York Hess Corp cho biết.
"Khủng hoảng thường mang đến cho các công ty một cơ hội, đó là điều phổ biến. Và họ sẽ sử dụng vận động hành lang để theo đuổi lợi ích của mình", James Thurber, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đại học America từ Washington phân tích.

*****

Kế hoạch của Tổng thống Putin


CAFEF.VN 15/4/2014

Tổng thống Nga muốn ngăn chặn bước tiến của Ukraine vào EU hoặc NATO. Ông muốn chia nhỏ Ukraine thành nhiều khu vực tự trị, một số trong đó hướng về Moscow hơn là về Kiev.

Tổng thống Nga muốn ngăn chặn bước tiến của Ukraine vào EU hoặc NATO. Ông muốn chia nhỏ Ukraine thành nhiều khu vực tự trị, một số trong đó hướng về Moscow hơn là về Kiev.

3 tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều khoảng 40,000 quân tới biên giới với Ukraine. Các tư lệnh của NATO liên tiếp cảnh báo rằng triển khai quân trên quy mô lớn như vậy có nghĩa là Nga đang có ý định xâm chiếm miền Đông Ukraine – nơi có rất đông người nói tiếng Nga.
Nhìn vào cách Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng trước, lo ngại trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, có vẻ lần này Nga sẽ hành động khác. Và, lần này châu Âu sẽ không dễ gì tìm ra biện pháp đối phó.
Cách đây 1 tuần, những người ủng hộ Nga tấn công và chiếm đóng các tòa nhà chính phủ ở 3 thành phố miền Đông với lý lẽ tìm kiếm quyền tự trị từ chính phủ mới ở Kiev. 
Cuối tuần trước, những tay súng bịt mặt không rõ danh tính tấn công các văn phòng chính phủ. Điện Kremlin nhiều lần khẳng định lực lượng này không thuộc về quân đội Nga. Tuy nhiên, phương Tây cáo buộc Nga cũng đã sử dụng lực lượng đặc nhiệm không rõ nguồn gốc này để tạo nên bất ổn ở Crimea. Không có gì phải nghi ngờ nếu như ông Putin lại tiếp tục sử dụng chiến lược này ở giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Nga muốn làm suy yếu chính quyền ở Kiev nhằm ngăn chặn bước tiến của Ukraine vào EU hoặc NATO. Để đạt được điều này, ông muốn chia nhỏ Ukraine thành nhiều khu vực tự trị, trong đó một số khu vực sẽ hướng về Moscow hơn là về Kiev. 
Tuy nhiên, ông Putin chắc chắc cũng biết rằng lấy đi toàn bộ miền Đông Ukraine là một thử thách lớn về mặt quân sự. Động thái này cũng sẽ khiến phương Tây mở rộng các lệnh cấm vận kinh tế. Bởi vậy, có vẻ như ông đang cố gắng “liên bang hóa” Ukraine.
Âm mưu của ông Putin tạo nên thử thách cho cả chính quyền lâm thời ở Kiev và phương Tây. Đầu tiên, chính quyền Ukraine phải tránh được việc khơi dậy cơn tức giận của cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông. Kiev phải cố gắng tước bỏ vũ khí của quân đội đã đóng quân ở Ukraine, nhưng phản ứng bằng bạo lực chính là thứ mà điện Kremlin mong muốn. 
Thứ hai, Mỹ và các đồng minh cần phải bắt đầu vạch ra kế hoạch chi tiết ứng phó với trường hợp Nga tiếp tục gián tiếp khiến Ukraine bất ổn. Từ trước đến nay, thông điệp mà phương Tây đưa ra là nếu Nga tiến sâu hơn vào miền Đông Ukraine, một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào những ngành cốt lõi của kinh tế Nga sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, Mỹ và EU nên đưa ra cả phản ứng trong trường hợp Nga âm thầm khiến Ukraine bất ổn. 

Châu Âu cần phải nhận thức rằng vấn đề này có liên quan đến họ. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở Ukraine, chính quyền của ông Obama luôn sẵn sàng trừng phạt Nga trong khi các thành viên của EU không thể thống nhất thái độ với Nga bởi một số phụ thuộc quá nhiều vào Moscow về mặt năng lượng. 
Gót chân Achille của Nga chính là nền kinh tế. Nếu ông Putin kiên trì can thiệp vào sự ổn định của Ukraine, các lãnh đạo châu Âu phải cương quyết hơn, kể cả khi điều này khiến đất nước họ phải chịu thiệt.

Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/FT

*****
David Francis, The Fiscal Times, 15-4-2014

Bauxite Việt Nam - Trần Ngọc Cư dịch - 17/04/2014

Từ viễn kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, kế hoạch sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraine có thể diễn tiến như thế này: chiếm Crimea; châm ngòi chủ nghĩa dân tộc Nga tại các vùng của Ukraine có quan hệ sâu đậm với Maxkơva; rồi kích động các cuộc biểu tình chống Ukraine tại những nơi này và dùng các cuộc chống đối như một cái cớ để gửi binh lính Nga vào miền Đông Ukraine để sáp nhập vùng này – như Putin đã từng làm tại Crimea.
“Chính sách đối ngoại cổ điển của Nga là cố gắng gây bất ổn tại một quốc gia trước khi chiếm đoạt nó toàn bộ,” Edward Goldberg, một giáo sư tại Đại học Baruch và tại Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học New York, đã phát biểu như vậy. “Nga luôn luôn coi Ukraine như một quốc gia có quan hệ văn hóa và lịch sử gắn bó với mình.”
Kế hoạch của Putin đã triển khai đúng như ông ta mong muốn – các người biểu tình thân Nga đã chiếm các công thự tại miền Đông Ukraine, trong khi quân Nga đang lăm le tại biên giới. Tuy thế, trong tình hình hiện nay, kế hoạch của Putin đang trở nên thất bại chỉ vì một lý do giản dị là tinh thần dân tộc chủ nghĩa Nga trong nội địa Ukraine không mãnh liệt như ông ta dự kiến.
Việc Nga xâm chiếm Crimea đã châm ngòi một làn sóng bài Nga vốn đã âm ỉ trước năm 2014. Các số liệu thăm dò minh họa điều này; cuộc nghiên cứu của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev cho thấy rằng đa số dân chúng Ukraine, bất luận là từ địa phương nào, đều mạnh mẽ chống đối việc Nga xâm chiếm Crimea.
Thậm chí dân chúng nói tiếng Nga trong lãnh thổ Ukraine cũng chống lại các hành động gần đây của Nga. Một nghiên cứu của Viện Cộng hòa Quốc tế [International Republican Institute, một cơ quan đối tác với Liên Hiệp Quốc và nhận một phần tài trợ từ Hạ viện Mỹ], cho thấy rằng 67 phần trăm dân chúng nói tiếng Nga tại miền Nam và 61 phần trăm người nói tiếng Nga tại miền Đông tin rằng họ không bị vi phạm dân quyền, và họ phản đối việc gửi quân đội Nga vào Ukraine để bảo vệ họ.
Đại đa số người Ukraine nói tiếng Nga cũng chống lại việc Nga xâm chiếm Crimea; họ tin rằng cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga là một đe dọa đối với Ukraine, và họ sẵn sàng hậu thuẫn một nước Ukraine độc lập. Chỉ 14 phần trăm người nói tiếng Nga tại Ukraine muốn nước này trở thành một liên bang theo một cung cách có thể cho phép các vùng nói tiếng Nga trở thành một phần của một liên bang Nga.
Giới truyền thông Nga vẽ ra một bức tranh rất khác với sự kiện này. Họ quả quyết rằng các vùng có quan hệ văn hóa với Nga đang bị chính phủ Ukraine và các nhóm Phát-xít đàn áp. Nhưng theo Viện Cộng hòa Quốc tế, thậm chí tại miền Viễn Đông Ukraine, hậu thuẫn dành cho Nga vẫn thấp, chỉ 26 phần trăm dân chúng ở đó ủng hộ việc liên bang hóa Ukraine, trong khi 45 phần muốn duy trì một Ukraine thống nhất. Thậm chí tại Donetsk, nơi mà các phần tử tử thân Nga đã chiếm đóng các công thự của chính phủ, hơn 50 phần trăm dân chúng muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Bất đồng quan điểm giữa giới già và giới trẻ tại Ukraine cũng là một trở ngại cho Putin. Hầu hết thanh niên Ukraine mong muốn có quan hệ thân thiết hơn với châu Âu, chứ không phải với Nga. Phần lớn tình cảm thân Nga tại nước này phát xuất từ những người già, những người còn lưu luyến chế độ cộng sản và lấy làm chán nản về một nước Ukraine ngày một xích gần châu Âu. Yevhen Holovakha, một nhà xã hội học và là trí thức nổi tiếng tại Ukraine, cho rằng trong vòng 10 năm nữa các thế lực hậu thuẫn cho quan hệ thiết thân hơn với Nga sẽ hoàn toàn biến mất, ngay cả trong những vùng nói tiếng Nga.
Các hành động của Putin cũng làm gia tăng đột biến tinh thần thân châu Âu khắp Ukraine. Hậu thuẫn dành cho những mối quan hệ thiết thân hơn với châu Âu đã gia tăng từ 10 phần trăm lên đến 52 phần sau khi Nga xâm chiếm Crimea. Hậu thuẫn dành cho hợp đồng thương mại với Nga cũng đã suy giảm, rớt từ 72 phần trăm xuống 55 phần trăm tại miền Đông Ukraine. Chính hợp đồng này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình bắt đầu từ tháng Mười Một năm 2013.
Nhiều người gợi ý rằng các hành động của Putin chứng tỏ rằng chính sự lưu luyến với thời Liên Xô cũ đã thúc đẩy các việc làm của ông, và ông vẫn còn nằm trong não trạng Chiến tranh Lạnh. Điều không may cho Putin là, những số liệu nói trên cho thấy đa số nhân dân Ukraine không nằm trong não trạng ấy.
D. F.
Dịch giả gửi cho BVN

*****

Ukraina: Nga và Tây phương đạt thỏa hiệp giảm căng thẳng


RFI - Thứ sáu 18 Tháng Tư 2014

Tú Anh

 

Sau 6 giờ thương lượng bốn bên tại Genève ngày 17/04/2014, Ngoại trưởng Mỹ, Nga, Liên Hiệp Châu và Ukraina đồng ý một kế hoạch làm giảm căng thẳng tại Ukraina : Giải giới các toán võ trang và chấm dứt chiếm đóng công sở. Trong bầu không khí bi quan, thỏa thuận này do vậy khá bất ngờ và còn nhiều điểm không rõ ràng cụ thể.

Hôm qua, tại Genève, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov là người đầu tiên loan báo kết quả sau 6 giờ đàm phán dài hơn dự kiến : Bốn bên đạt được đồng thuận trên một văn kiện với những biện pháp cụ thể làm giảm căng thẳng và bảo đảm an ninh cho tất cả công dân Ukraina.
Thỏa thuận gồm hai giai đoạn. Trước tiên là xuống thang căng thẳng, giải giới các toán dân quân võ trang, chấm dứt tình trạng bao vây chiếm đóng cơ quan hành chính, trả lại công sở cho chính quyền, giải tỏa đường phố, quảng trường và các nơi công cộng trong thành phố. Ân xá tất cả những người tham gia tranh đấu trong cuộc khủng hoảng trừ những kẻ “phạm tội ác nghiêm trọng”. Bước thứ hai là tiến trình tham vấn chính trị trước bầu cử Tổng thống 25/05 và cải cách Hiến pháp về quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Mục tiêu sau cùng là tăng thêm quyền tự trị cho các vùng.
Nhiều vấn đề cốt lõi mà văn kiện này không nói rõ: Một là các toán võ trang nào phải bị giải giới, phải trả lại công sở cho chính quyền, hai là về lực lượng Nga đang áp sát biên giới Ukraina cũng như các đơn vị biệt kích của an ninh quân đội Nga mà Kiev và Tây phương khẳng định đang có mặt tại miền Đông Ukraina để tiếp tay cho các phe nổi dậy theo Nga.
Một điểm mơ hồ nữa là trong thỏa thuận tại Genève không có điều khoản nào nói đến lịch trình thi hành các bước xuống thang kể trên.
Đại diện ngoại giao cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh là Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE sẽ đóng vai trò chính trong việc thi hành thỏa thuận. Văn kiện quy định Mỹ, Châu Âu và Nga cung cấp quan sát viên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh cáo trước nếu không thấy tiến triển trên hiện trường thì Tây phương “bắt buộc phải gia tăng trừng phạt Nga”.
Từ Washington, Tổng thống Barack Obama tuyên bố bi quan “không tin” là thỏa thuận sẽ được thi hành mà phải chờ xem “tình hình thực tế có tiến bộ hay không”.
Tình hình tại Ukraina vẫn căng thẳng
Theo AFP, phe nổi dậy tại Donetsk tuyên bố là sẽ không “giải giới”. Phe theo Nga đòi Kiev phải tước vũ khí các đơn vị Vệ binh Quốc gia gửi đến miền đông và lực lượng bán quân sự cực hữu Pravy Sektor.
Chính phủ Kiev thông báo bắt được “10 gián điệp Nga” yễm trợ cho phe nổi dậy thân Nga.
Hãng hàng không Aeroflot cho biết được chính phủ Ukraina thông báo cấm chuyên chở khách hàng nam giới từ 16 tuổi đến 60 trên các chuyến bay sang Ukraina.
Quốc hội Ukraina đề nghị tái lập nghĩa vụ quân sự bắt buộc bị dẹp bỏ hồi năm 2013.
*****

Nga: Mỹ phải nhận trách nhiệm về khủng hoảng Ukraine

(TTXVN/Vietnam+): 22/04/14
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/4 đã có mặt tại Kiev bắt đầu chuyến thăm Ukraine trong bối cảnh các bên liên quan vừa đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, tình hình ở miền Đông Ukraine vẫn căng thẳng với việc các bên quy trách nhiệm cho nhau phá vỡ thỏa thuận.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết trong chuyến thăm kéo dài hai ngày này, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov, Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk, các thành viên đảng phái khác nhau trong Quốc hội và đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO). 
Mục đích chính của chuyến thăm là để "bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ" đói với chính phủ tạm quyền tại Kiev đồng thời thảo luận các biện pháp mà Mỹ, các đồng minh châu Âu và các tổ chức tài chính thế giới có thể hỗ trợ Ukraine ổn định tình hình, vực dậy nền kinh tế và hướng tới sửa đổi hiến pháp và tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 25/5 tới. 
Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ tham khảo ý kiến giới chức nước chủ nhà về những diễn biến mới tại các tỉnh phía Đông Ukraine cũng như việc Mỹ cung cấp khí đốt để giúp Ukraine bảo đảm an ninh về năng lượng trước mắt cũng như lâu dài.
Chuyến thăm Kiev của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra một ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng tại thành phố Slavyansk ở miền Đông Ukraine làm 5 người thiệt mạng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc chính phủ tạm quyền ở Kiev không kiểm soát được những phần tử cực đoan. 
Ông Lavrov cho rằng Ukraine đã "thô bạo" phá vỡ thỏa thuận đạt được tại Geneva tuần trước, theo đó kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang trái phép ở miền Đông Ukraine phải giải giáp và rời các tòa nhà chiếm đóng, đồng thời thiết lập phái đoàn giám sát của châu Âu. 
Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine vì sự hậu thuẫn của Washington đối với chính phủ tạm quyền tại Kiev./.
*****

Hoa Kỳ đưa lính nhảy dù đến Ba Lan, vùng Baltics

VOA - Thứ Tư, 23/04/2014
Hoa Kỳ đang đưa khoảng 600 lính nhảy dù đến Ba Lan và các nước vùng Baltic trong một chương trình mở rộng nhằm nhấn mạnh cam kết của mình với các đồng minh NATO như là kết quả của những căng thẳng leo thang tại Ukraine. Phát ngôn viên Ngũ Giác Ðài, chuẩn đô đốc John Kirby nói 150 lính nhảy dù đóng quân tại Ý sẽ đến Ba Lan vào thứ Tư. Ông cho biết 450 lính nhảy dù khác sẽ đến Latvia, Estonia và Lithuania. Các bài tập song phương sẽ kéo dài khoảng một tháng. Ông nói các binh sĩ mới sẽ luân phiên nhau trong các cuộc diễn tập mới trong suốt thời gian còn lại của năm.
Ông Kirby cho biết việc đưa binh sĩ đến đồn trú mang nhiều ý nghĩa hơn một hành động biểu tượng. Ông kêu gọi Nga rút quân khỏi vùng biên giới giáp với Ukraine và tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

*****

Phương Tây dàn trận chống Nga


Petrotimes - 25/04/2014
Cuộc đối đầu Nga-phương Tây tại Ukraina ngày càng leo thang căng thẳng. Mỹ và NATO đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất mà họ có thể áp dụng đối với Nga và ngược lại Moskva cũng cho thấy họ không ngồi yên.
Những tưởng việc Nga, Mỹ, EU và Ukraina đồng ý ký vào bản thỏa thuận Geneve hôm 17-4 sẽ phần nào hạ hỏa những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau khi Crưm tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga.
Nhưng đúng như những nhận định, bản thỏa thuận trên đã trở thành tờ giấy lộn vì các bên không thực hiện những cam kết. Người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraina từ chối trao trả những trụ sở công quyền mà họ đang chiếm giữ. Về phần chính phủ Kiev, ngày 22-4 cũng đã mở lại chiến dịch đàn áp người biểu tình thân Nga. Trong suốt 2 ngày qua, xung đột đã diễn ra dữ dội tại các tỉnh miền đông Ukraina giữa lực lượng biểu tình thân Nga và lực lượng an ninh chính phủ.
Trước sự đổ vỡ của thỏa thuận Geneve và sự gia tăng đối đầu tại Ukraina, phương Tây đang chuẩn bị mọi phương án cho một cuộc đối đầu sẽ có phần cam go và dai dẳng với Nga trong thời gian tới.
Ngày 20-4, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Barack Obama cùng các cố vấn an ninh quốc gia đang xét đến một sách lược lâu dài đối với Nga. Theo tờ báo, đây là một phiên bản cập nhật của chiến lược ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh. Cụ thể giống như quyết định của Mỹ nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô sau Thế chiến thứ hai, Tổng thống Obama đang tập trung vào việc cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, bằng cách cắt các quan hệ kinh tế lẫn chính trị của Nga với thế giới. Sách lược này cũng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng, đồng thời làm cho Nga trở thành suy yếu một cách có hiệu quả.
Một phụ tá của ông Obama được New York Times dẫn lời cho biết, cho dù đạt được một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Ukraina hiện nay, Tổng thống Obama sẽ không còn duy trì mối quan hệ xây dựng với ông Putin nữa. Minh chứng cho suy nghĩ này có thể thấy được trong việc Tổng thống Obama sắp chọn một tân đại sứ của Mỹ ở Moskva. Tuy chưa chính thức, nhưng Nhà Trắng đang chuẩn bị bổ nhiệm ông John F. Tefft, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trước đây từng làm đại sứ ở Ukraina, Georgia và Lithuania, vốn là những quốc gia thuộc Liên Xô cũ và sẽ làm Nga tức giận không ít. Ðồng thời, Nhà Trắng cũng sẵn sàng với danh sách các nhân vật và định chế khác của Nga sẽ chịu biện pháp chế tài, và sẽ đem ra áp dụng trong vài ngày tới, nếu Moskva không tuân thủ theo thỏa thuận đạt được ở Geneve hôm 17-4 và gia tăng áp lực với chính quyền Kiev.
Nhằm trấn an các nước đồng minh NATO trong thời điểm căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang, ngày 23-4, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết 600 binh sĩ của nước này đã và đang được gửi tới Ba Lan và vùng Baltic. Theo AFP, khoảng 150 binh sĩ thuộc lữ đoàn lính dù 173 của quân đội Mỹ đóng ở Vicenza (Ý) đã đến Ba Lan trong ngày 23-4. Khoảng 450 binh sĩ khác sẽ đến đóng ở Estonia, Lithuania và Latvia trong vài ngày tới để tham gia các cuộc tập trận từ nay tới cuối năm.
Kể từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra, Mỹ đã triển khai 12 máy bay chiến đấu F-16 đến Ba Lan. Lầu Năm Góc cho biết không loại trừ khả năng sẽ tổ chức các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự tại những nước NATO khác trong khu vực. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, việc triển khai binh sĩ là sự thể hiện cam kết của Mỹ tại châu Âu. Ông Kirby cũng mô tả đây là “thông điệp” mà Washington muốn gửi đến Moskva. Đó là “Mỹ rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ an ninh tại châu Âu”.
Cũng trong ngày 23-4, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định điều 5 tàu phá mìn tới khu vực biển Baltic. Một động thái được cho là thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO giữa cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Đội 5 tàu phá mìn của NATO được điều đến từ các nước thành viên là Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Estonia. Các tàu phá mìn này sẽ tiến hành các cuộc tập dưới sự chỉ huy của Na Uy cho tới cuối tháng 5, sau đó Đức sẽ tham gia và nắm quyền chỉ huy các hoạt động tiếp theo của đội chiến hạm này. Đại tá Arian Minderhoud, Bộ chỉ huy các chiến dịch Hải quân NATO cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là một phần của một gói các hành động để cho thấy giải pháp của NATO, cũng như cho thấy sự sẵn sàng của NATO trong việc hỗ trợ các thành viên NATO. Đó cũng là tất cả những gì NATO hướng đến, đảm bảo với các nước thành viên là NATO luôn sẵn sàng và có đủ khả năng phòng thủ nếu cần thiết”. Tuần trước, NATO cũng cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực biên giới dọc phía Đông của liên minh này. Trong khi Canada thì cam kết sẽ đóng góp thêm 6 chiến đấu cơ CF-18 cho các nhiệm vụ tuần tra của NATO xung quanh căn cứ ở Ba Lan.
Trước tình hình này, nước Nga cũng đã chuẩn bị mọi phương án đáp trả trong trường hợp leo thang căng thẳng đối đầu với phương Tây.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 24-4, Tổng thống Nga tuyên bố chiến dịch của Kiev tại miền đông là “một tội ác nghiêm trọng” và điều này sẽ để lại “các hậu quả”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoygu tuyên bố, do chính quyền Ukraina triển khai chiến dịch chống khủng bố tại miền Đông, các đơn vị chiến thuật của quân đội Nga thuộc hai Quân khu Tây và Nam đã bắt đầu các cuộc tập trận tại vùng giáp ranh biên giới với Ukraina. “Nếu ngày hôm nay cỗ máy quân sự này không dừng lại, sẽ có nhiều người chết và bị thương. Chúng tôi sẽ buộc phải có phản ứng trước diễn biến tình hình như vậy” - Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hôm 23-4, nói đến khả năng Nga can thiệp quân sự vào miền đông Ukraina, như đã làm tại Gruzia năm 2008. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraina ngày 25-5 tới đây sẽ “phá hoại” đất nước này, và muốn Kiev trước hết phải tìm được “một kênh đối thoại với miền đông và nam Ukraina”.
Th.Long (tổng hợp)
*****

Giải mã chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Angela Merkel

Mạnh Hùng/Berlin (Vietnam+) lúc : 01/05/14

Trong một tuyên bố của Chính phủ Đức trước Quốc hội nước này hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định "Đức khó có thể tìm kiếm một đốt tác nào tốt hơn Mỹ." Tuyên bố này được đưa ra bất chấp những xích mích từ trước đó giữa hai nước liên quan vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).  Giờ đây, Thủ tướng Đức lên đường công du Mỹ, chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới quốc gia đồng minh kể từ sau khi các vụ bê bối của NSA nêu trên bị phát giác mùa Thu năm ngoái. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine, trọng tâm của chuyến thăm không phải để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan NSA hay hợp tác tình báo, mà là vấn đề Ukraine và những biện pháp đáp trả Nga trong trường hợp nước này tiếp tục "không chịu" làm dịu tình hình. Là những "người bạn," như cách nói của bà Merkel, thì Đức hay châu Âu nói chung và Mỹ không phải luôn tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các diễn biến liên quan vấn đề Ukraine.  Ngay từ khi xảy ra khủng hoảng, Mỹ đã chủ trương "rắn" với Nga, trong khi châu Âu, mà Đức được xem là người dẫn lối và chi phối lớn nhất, lại muốn một cách tiếp cận song hành, đó là đe doạ đi kèm với đối thoại. Đặc biệt việc Mỹ gia tăng áp lực nhằm cô lập Nga đã đẩy châu Âu vào tình thế khó xử, bởi Brussels cảm thấy lo ngại về chiến lược mới này và nếu đi theo sẽ rất khó khăn khi muốn thúc đẩy đổi thoại với Moskva.  Thực tế, khi nói về trừng phạt, Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều so với châu Âu, bởi họ không phụ thuộc nhiều về kinh tế với Moskva như châu Âu và họ cũng không chịu nhiều thiệt hại nếu áp dụng biện pháp cứng rắn với Nga. Trong khi đó, mọi biện pháp trừng phạt sẽ chỉ có hiệu quả tối đa nếu được sự đồng thuận của cả Mỹ và châu Âu (như trường hợp đối với Iran).  Một châu Âu ôn hòa dưới ngọn cờ của Đức đã khiến Mỹ phải đắn đo và trong bối cảnh đó, Obama cũng không dại "đơn phương độc mã," điều có thể gây rạn nứt cho mối quan hệ giữa các đồng minh phương Tây.
Chuyến công du Mỹ và cuộc thảo luận với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng của Thủ tướng Merkel lần này chắc chắn sẽ lấy Ukraine làm trọng tâm. Mục đích chính là tìm kiếm một chủ trương chung với các kịch bản có thể xảy ra để ứng phó kịp thời và cương quyết trước mọi diễn biến ở Ukraine.  Biện pháp trừng phạt cấp độ ba (về kinh tế) có thể sẽ là chiêu cuối cùng của phương Tây đối với Nga nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang nghiêm trọng hơn. Tất nhiên, EU không muốn điều đó và đang làm mọi thứ có thể để tránh phải đi tới một quyết định như vậy. Trong chuyến thăm Mỹ, một trong những sứ mệnh của quan trọng nữa của bà Merkel là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Thủ tướng Merkel dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phòng Thương mại Mỹ về mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương, trong đó Đức chủ trương kết thúc các cuộc đàm phán về thoả thuận TTIP vào cuối năm 2015.

Ukraine và TTIP sẽ là hai chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Mỹ của bà Merkel. Tuy nhiên, với người dân Đức, họ muốn biết bà Merkel sẽ nói gì về vụ bê bối nghe lén của NSA với Tổng thống Mỹ Obama khi mà trước đó bà đã khẳng định "nghe lén giữa những người bạn là điều không thể chấp nhận." Chính phủ Đức nhìn nhận đây là một chủ đề phức tạp, cần có thêm thời gian, trong khi giới phân tích cho rằng hai bên khó có thể được tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này và ngay cả hiệp định "không do thám nhau" mà Berlin khởi xướng cũng khó có thể được bàn tới. Bản thân bà Merkel cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào việc có thể làm sáng tỏ hành động nghe lén của NSA trong chuyến công du Mỹ khi mà còn quá nhiều việc quan trọng hơn cần giải quyết. Ngoài những vấn đề trên, dự kiến lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán với Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, về tình hình Syria, Afghanistan và Trung Đông.  Bên cạnh đó, ông Obama và bà Merkel cũng sẽ thảo luận về tình hình châu Á sau khi nhà lãnh đạo Mỹ vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 8 ngày ở châu Á, trong khi Thủ tướng Đức cũng vừa tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản./.


No comments: