Friday, May 9, 2014

7. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC TRUNG QUỐC XÂY DỰNG CƯỜNG QUỐC BIỂN


Trung Quốc lần đầu tiên đưa “việc xây dựng cường quốc biển” vào văn kiện của đảng tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản, cho thấy sự coi trọng cao độ của tập thể lãnh đạo Trung Quốc đối với vấn đề biển. Bài viết phân tích những tách thức và cơ hội cho việc triển khai chiến lược này của Trung Quốc.


1.    Tầm quan trọng của việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển
Nhu cầu thích ứng với tình hình cạnh tranh biển của thế giới
Sau khi “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” có hiệu lực từ năm 1994, rất nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu điều chỉnh đối với chiến lược biển của mình, từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, những điều chỉnh này vẫn đang tiếp tục, trong đó hành động của ba nước Mỹ, Nga và Nhật Bản nhận được sự chú ý. Ví dụ như Mỹ đã đưa ra “Quy hoạch tổng thể biển trong thế kỷ 21” và “Kế hoạch hành động biển”… Nga đưa ra “Học thuyết biển Liên bang Nga”, công bố chính sách ở “Nam Cực” và “Bắc Cực” của Nga, cũng như “Chiến lược phát triển biển Liên bang Nga”... Nhật Bản đã công bố “Sách Trắng về biển”, “Kiến nghị chính sách biển trong thế kỷ 21”, “Đại cương chính sách biển” và “Luật cơ bản về biển”… Do các nước điều chỉnh chiến lược biển, biển thế giới trong thế kỷ 21 đã xuất hiện tình hình cạnh tranh mới. Trong tình hình này, Trung Quốc đưa “việc xây dựng cường quốc biển” vào văn kiện Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là biện pháp chiến lược quan trọng mà Trung Quốc phải áp dụng, cho thấy nguyện vọng và thái độ tích cực muốn tham gia khai thác và cạnh tranh biển của Trung Quốc.
Nhu cầu thực hiện sự trỗi dậy của dân tộc Trung Hoa 
Trong lịch sử, rất nhiều nước dựa vào biển để trỗi dậy, đặc biệt là một số cường quốc thế giới. Đương nhiên, đối với chính sách pháo hạm và hành vi cướp đoạt thực dân khi đó của những cường quốc này, cần phải kiên quyết loại bỏ, nhưng đường lối dựa vào biển để phát triển bản thân và một số biện pháp hợp lý thì đáng để làm theo. Đặc biệt là hiện nay, tầm quan trọng của biển ngày càng nổi bật, được cho là không gian thứ hai để con người sinh tồn phát triển ngoài lục địa, một trong những nguyên nhân quan trọng trong đó chính là giá trị kinh tế của biển. Biển chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú, trên 70% tổng giá trị thương mại thế giới đến từ vận tải biển, 1/3 thu nhập du lịch toàn thế giới dựa vào biển, các khu vực có nền kinh tế phát triển nhất thế giới đều tập trung ở ven biển… Trung Quốc muốn xây dựng xã hội khá giả, thực hiện phát triển kinh tế kiểu nhảy vọt, thực hiện sự trỗi dậy của dân tộc Trung Hoa, cũng cần phải dựa vào biển.
Nhu cầu bảo vệ an ninh và quyền lợi biển quốc gia
Trong lịch sử Trung Quốc, biển luôn được coi lá chắn an ninh, vì lúc đó, mối đe dọa đối với Vương triều phong kiến Trung Quốc chủ yếu vẫn là các dân tộc du mục đến từ phía Bắc. Tuy nhiên, cục diện này đến thời kỳ cận đại thì bị phá vỡ. Sau Chiến tranh Nha Phiến, mối đe dọa của dân tộc Trung Quốc không chỉ đến từ lục địa, mà còn đến từ biển. Trong thời gian 100 năm từ năm 1840-1940, các cường quốc đế quốc chủ nghĩa xâm lược hơn 470 lần Trung Quốc từ biển, bài học đau đớn này phải được ghi nhớ vĩnh viễn. Hiện nay, cho dù Trung Quốc không tồn tại mối nguy hiểm xâm lược của kẻ thù bên ngoài, nhưng Trung Quốc vẫn đối diện với vấn đề an ninh biển, trong đó bao gồm an ninh truyền thống trên biển, như bảo vệ chủ quyền lãnh hải và quyền lợi biển…, cũng như an ninh phi truyền thống trên biển, như tấn công cướp biển và khủng bố, thiên tai trên biển, vấn đề sinh thái biển… Muốn giải quyết những vấn đề nêu trên, phải dựa vào việc Trung Quốc thực hiện chiến lược cường quốc biển, nâng cao sức mạnh tổng hợp biển của Trung Quốc.
Nhu cầu bảo vệ hòa bình thế giới
Nhắc đến việc bảo vệ hòa bình thế giới, chắc chắn có liên quan đến “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” được ra đời vào năm 1982. Sự ra đời của luật biển này có ý nghĩa rất quan trọng. Mặc dù luật biển này là sản phẩm của sự tranh giành giữa các nước lớn, nhưng về tổng thể, nó đã phản ánh nguyện vọng chung về khai thác, lợi dụng biển của đông đảo các nước đang phát triển, phá vỡ cục diện một vài nước kiểm soát và lũng đoạn biển, đồng thời cũng đưa tới căn cứ pháp luật cho việc giải quyết các tranh chấp biển. Nhưng công ước này vẫn tồn tại một số thiếu sót, chủ yếu là sự diễn tả đối với một số cơ chế vẫn còn chung chung, hàm hồ, gây nên sự tranh chấp và bất hòa trên biển trong thực tiễn. Đối với công ước này, với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và là một trong những nước đầu tiên ký công ước này, trước tiên Trung Quốc có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền uy của “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, để xây dựng thế giới biển hài hòa, hòa bình. Hai là trong quá trình thực tiễn, Trung Quốc phải hợp tác với các nước trên thế giới, để sửa đổi và hoàn thiện những nội dung có tranh cãi trong đó, khiến cho trật tự biển quốc tế phát triển theo hướng công bằng hợp lý hơn, những hành động này đều là những hành động bảo vệ hòa bình thế giới. Và việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển sẽ có lợi cho việc Trung Quốc thực hiện những mục tiêu nêu trên.
2.    Những nhân tố có lợi cho việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển
Có điều kiện địa lý tương đối tốt
Trung Quốc là một quốc gia có cả lục địa và biển, lưng dựa vào lục địa Á-Âu, mặt hướng ra Thái Bình Dương, đường bờ biển trên lục địa dài 18.000 km, diện tích biển rộng lớn. Trung Quốc còn có hàng trăm hải cảng tốt, đặc biệt là thềm lục địa rộng mênh mông chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây đều là nguồn của cải vô giá để Trung Quốc xây dựng cường quốc biển. 
Từng có nền văn hóa biển rực rỡ
Xem xét lịch sử Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa không phải lúc nào cũng bế quan tỏa cảng, cũng từng có mơ ước đối với biển, đồng thời tạo ra những kỳ tích biển huy hoàng. Ngoài “Con đường tơ lụa trên đất liền mà mọi người biết đến, Trung Quốc cổ đại còn có một “Con đường tơ lụa trên biển” sớm hơn. Con đường tơ lụa trên biển này được hình thành vào thời nhà Tần-Hán, trải qua thời kỳ Tam Quốc và thời nhà Tùy, phồn vinh vào thời nhà Đường và nhà Tống. Con đường tơ lụa trên biển này bắt nguồn từ Tuyền Châu, đi qua Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương, lại từ biển Arập lần lượt đến khu vực Địa Trung Hải, Bắc Phi, Nam Phi. Đặc biệt là thời nhà Minh, hoạt động hàng hải của Trung Quốc đạt đến mức độ cực thịnh, khi Trịnh Hòa dẫn đội thuyền đến đại dương phía Tây, vẫn sớm hơn 80 năm so với Colombo phát hiện ra lục địa mới, nơi xa nhất từng đến là khu vực phía Đông Bắc Phi, vịnh Persian và Biển Đỏ. Kỹ thuật đóng tàu và kỹ thuật hàng hải của Trung Quốc khi đó đều đứng hàng đầu thế giới. Thực tế đã chứng minh người Trung Quốc từng tạo ra văn hóa biển rực rỡ, nhưng lại không tiếp tục duy trì và làm rạng rỡ thêm. Sau này, cùng với việc thực hiện “chính sách cấm biển”, Trung Quốc dần dần không giao lưu với bên ngoài. Và khi Trung Quốc từ bỏ biển, thì phương Tây lại chính thức mở ra thời đại “hàng hải”.
Thành tựu xây dựng kinh tế to lớn
Muốn xây dựng cường quốc biển, không có sự hỗ trợ của thực lực kinh tế hùng mạnh là không thể, đây là nhân tố then chốt của sức mạnh tổng hợp quốc gia, cũng là cơ sở của nhân tố khác. Từ khi thực hiện cải cách mở cửa đến nay, kinh tế Trung Quốc giành được sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sau những năm 90 của thế kỷ 20 đã tiến vào thời kỳ phát triển nhanh chóng. Bước vào thế kỷ 21, tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc vẫn được duy trì. Từ năm 2003 đến năm 2011, cho dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế Trung Quốc vẫn đạt mức 10,7%. Năm 2011, tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng năm, thu nhập tài chính vượt mức 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ đô thị hóa lần đầu tiên vượt mức 50%, những số liệu này cho thấy những thành tựu to lớn mà kinh tế Trung Quốc đã giành được, cũng có nghĩa là Trung Quốc đã cơ bản có điều kiện vật chất để hướng ra biển. 
Môi trường hòa bình quốc tế tương đối có lợi
Trong thời gian rất dài sau khi xây dựng đất nước, do các nhân tố như tình hình quốc tế phức tạp và tranh chấp biên giới chưa được giải quyết, Trung Quốc từng lần lượt hoặc đồng thời phải đối diện với hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô, tức là mối đe dọa từ biển và lục địa. Những năm 70 của thế kỷ 20, quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện, mối đe dọa biển mà Trung Quốc phải đối diện bắt đầu giảm bớt. Sau Hội nghị trung ương 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại, môi trường quốc tế của Trung Quốc được cải thiện rõ rệt, lúc này cũng là lúc Trung Quốc thực sự bắt đầu hội nhập cộng đồng quốc tế. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa lục địa đến từ phía Bắc Trung Quốc cuối cùng cũng được xóa bỏ, sau đó Trung Quốc liên tục thiết lập và khôi phục quan hệ ngoại giao với nhiều nước, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh tiến vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Hiện nay, tuy môi trường xung quanh Trung Quốc nảy sinh một số thay đổi mới, sức ép an ninh đến từ biển mà Trung Quốc phải đối diện đang tăng lên, nhưng về tổng thể môi trường hòa bình quốc tế của Trung Quốc chưa nảy sinh những thay đổi thực chất, tình hình xung quanh vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát, điều này đem đến những cơ hội có lợi cho việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển.
3.    Những thách thức đối với việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển
Ý thức về biển của người Trung Quốc tương đối mờ nhạt
Do trong lịch sử, Trung Quốc là một nước lớn về nông nghiệp, nên tư tưởng chi phối ý thức chủ yếu xã hội Trung Quốc khi đó luôn là “coi trọng nông nghiệp, xem nhẹ trao đổi thương mại”, “coi trọng lục địa, xem nhẹ biển”, “lục địa là chủ yếu và biển là thứ yếu”, trước ảnh hưởng của tư tưởng này, tư tưởng và khả năng hướng ra biển của người Trung Quốc luôn bị yếu đi. Đến nay, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “coi trọng lục địa, xem nhẹ biển” truyền thống, ý thức về biển của đông đảo dân chúng Trung Quốc vẫn mờ nhạt. Ví dụ như luật biển quốc tế ra đời đã nhiều năm, nhưng rất nhiều người Trung Quốc bao gồm cả các sinh viên vẫn chỉ biết diện tích lãnh thổ Trung Quốc có 9,6 triệu km2, không biết Trung Quốc còn có diện tích vùng biển có thể quản lý, đó là “lãnh thổ biển” hoặc “lãnh thổ màu xanh”, và trong đại dương trên thế giới cũng như còn có khu vực đáy biển quốc tế rộng 250 triệu km2, là tài sản mà nhân loại cùng kế thừa. Ý thức về biển này của dân chúng rõ ràng là lạc hậu so với yêu cầu của thời đại.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền lợi biển ngày càng phức tạp
Tranh chấp chủ yếu liên quan đến vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông. Có hai vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông: một là vấn đề quần đảo Điếu Ngư, năm 2012 do Chính phủ Nhật Bản đơn phương tuyên bố mua quần đảo này, thực hiện điều gọi là “quốc hữu hóa”, gây nên sự phản đối và kháng nghị mạnh mẽ của Trung Quốc, tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản không ngừng tăng lên, khiến cho quan hệ Trung-Nhật liên tục căng thẳng. Hai là vấn đề phân định ranh giới thềm lục địa trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc chủ trương phân định ranh giới dựa theo nguyên tắc trải dài tự nhiên của thềm lục địa, nhưng phía Nhật Bản thì chủ trương phân định ranh giới theo đường trung truyến, vấn đề này lại liên quan đến những bất đồng giữa hai nước về việc khai thác khí đốt tự nhiên ở Biển Hoa Đông. Hai vấn đề nêu trên cùng với vấn đề lịch sử, việc đến thăm đền Yasukuni trở thành vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung-Nhật.
Biển Đông là vấn đề liên quan đến chủ quyền của các đảo và vùng biển của các đảo này trên Biển Đông, là vấn đề tranh cãi liên quan đến “6 nước 7 bên” bao gồm cả Trung Quốc. Hiện thực hiện nay là: có nhiều đảo trên Biển Đông Việt Nam, Philippines và Malaysia đang chiếm giữ; tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc đôi khi cũng xảy ra, sự kiện “bãi cạn Scarborough” chính là một ví dụ trong đó.
Ngoài ra, còn có tranh cãi về việc phân định ranh giới trên biển giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, máy bay và tàu của Mỹ do thám Trung Quốc.
Cuộc đọ sức chiến lược giữa các nước lớn và cường quốc khu vực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không ngừng tăng lên
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có sức sống kinh tế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay, cũng là khu vực mà sự cạnh tranh và cuộc đọ sức chiến lược giữa các nước lớn và cường quốc khu vực không ngừng tăng lên. Ở khu vực này, điều đáng quan tâm là sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ. Năm 2009, Mỹ đưa ra chiến lược “quay trở lại châu Á”, mục tiêu của chiến lược này hiển nhiên là để phòng ngừa và kiềm chế sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, để bảo vệ quyền lợi trên biển ở Tây Thái Bình Dương và quyền chủ đạo trong các công việc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đã áp dụng các bước sau: không ngừng tăng cường liên minh Mỹ-Nhật, đưa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật; tăng cường bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, đưa ra ý tưởng “liên hợp không quân-hải quân” lấy eo biển Đài Loan làm bối cảnh; tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông, không ngừng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, dựa vào Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc… Việc Mỹ điều chỉnh chiến lược chắc chắn sẽ tạo nên sự kiềm chế đối với không gian chiến lược biển Trung Quốc, khiến cho sức ép an ninh biển của Trung Quốc tăng lên. Ngoài việc Mỹ điều chỉnh chiến lược, Ấn Độ còn đưa ra “chiến lược hướng Đông”, mở rộng chiến lược từ Ấn Độ Dương đến vùng biển rộng lớn phía Đông eo biển Malacca, Nga thì tìm cách quay trở lại vịnh Cam Ranh, những hành động này khiến cho vấn đề trên biển châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phức tạp.
Mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng tăng lên
Sau Chiến tranh Lạnh, một đặc điểm quan trọng khiến cho tình hình quốc tế biến động là trong khi vấn đề an ninh truyền thống vẫn chưa thể rút khỏi vũ đài lịch sử, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng nổi cộm, hai vấn đề an ninh này đan xen với nhau, đã làm nảy sinh những ảnh hưởng quan trọng đối với chính trị quốc tế. Mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển là một biểu hiện trong đó.
Hiện nay, mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển mà Trung Quốc đang phải đối diện về cơ bản có mấy loại sau: một là cướp biển và khủng bố trên biển, như cướp biển Somalia hoành hành đang đe dọa nghiêm trọng tuyến đường giao thông trên biển, tàu thuyền hoặc thuyền viên đến từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hong Kong cũng bị ảnh hưởng sâu sắc; hai là các nhóm tội phạm có tổ chức trên biển, như buôn lậu, ma túy, vượt biên, buôn người, cướp có vũ trang trên biển…; ba là thiên tai biển, như bão, sóng thần, động đất…, Trung Quốc đặc biệt phải phòng ngừa xảy ra tai nạn rò rỉ hạt nhân giống như động đất và sóng thần ở Nhật Bản; bốn là sự cố trên biển, như tai nạn tàu, máy bay…; năm là vấn đề sinh thái biển, như biến đổi khí hậu biển, ô nhiễm môi trường biển, sinh thái biển xấu đi, tính đa dạng của biển đang mất dần…
4.    Một số nhận định về việc Trung Quốc xây dựng cường quốc biển
Nâng cao toàn diện ý thức và tố chất về biển của dân chúng Trung Quốc
Muốn xây dựng cường quốc biển, trước tiên phải nâng cao ý thức về biển của toàn dân. Vì vậy, các đơn vị có liên quan phải chú ý làm tốt mấy điểm sau: phải tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu về vấn đề biển, ra sức tuyên truyền, phổ cập và phổ biến kiến thức liên quan đến biển, đẩy nhanh công tác bồi dưỡng nhân tài và xây dựng đội ngũ chuyên gia về biển.
Bên cạnh việc tiến hành phổ cập nhanh chóng kiến thức cơ bản về biển, phải chú trọng tăng cường giáo dục tuyên truyền các mặt như tình hình cơ bản về biển Trung Quốc, quyền lợi và chủ quyền biển Trung Quốc. Điều phải chỉ ra là giáo trình địa lý với tư cách là phương tiện truyền đạt chủ yếu kiến thức khoa học về biển trong giáo dục bắt buộc 9 năm đã xuất hiện khuynh hướng yếu kém, phải thay đổi, trong quá trình soạn thảo giáo trình đại học, cũng phải tăng cường soạn thảo giáo trình cơ sở về biển. Đặc biệt là ở khu vực ven biển, phải áp dụng nhiều hình thức để truyền bá kiến thức biển, như mở các diễn đàn và trang mạng về biển, tổ chức các cuộc thi về mô hình tàu thuyền hàng hải và kiến thức về biển, tổ chức trại hè biển, ngày biển và hoạt động hải quân, tăng cường xây dựng viện bảo tàng biển và thủy cung…, khiến cho quan niệm về biển thực sự đi vào lòng người, trở thành một trong những bộ phận cấu thành của văn hóa biển mang màu sắc Trung Quốc.
Phối hợp phát triển kinh tế biển, khoa học kỹ thuật biển và sinh thái biển…
Kinh tế biển là nền tảng sức mạnh của việc xây dựng cường quốc biển. Muốn phát triển kinh tế biển, trước tiên phải khai thác tài nguyên biển, nhưng hiện nay rất nhiều nguồn tài nguyên đều nằm dưới đáy biển sâu của thế giới, điều này đòi hỏi phải nắm vững công nghệ thăm dò và khai thác biển sâu, còn phải phối hợp với các máy móc và trang thiết bị tiên tiến, và điều này lại phải dựa vào sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật biển, yêu cầu nghiên cứu khoa học phải luôn đi đầu. Trên thực tế, rất nhiều ngành nghề về biển hiện nay đều phải nâng cấp chuyển đổi mô hình từ trình độ kỹ thuật giá trị thấp lên giá trị cao như như ngành đóng tàu... Còn phương hướng phát triển của các ngành khai thác biển, khoa học kỹ thuật biển, kinh tế biển… cũng như đòi hòi phải phát triển theo phương hướng công nghệ “xanh”. Cho nên, những lĩnh vực này đòi hỏi phải phối hợp phát triển, đó là tiền đề “văn minh sinh thái”, thì việc nghiên cứu khoa học khai thác tài nguyên biển, ra sức phát triển các ngành nghề mới về biển, cần phải được bảo vệ trong sự phát triển và phải được phát triển trong sự bảo vệ, thực hiện sự phối hợp và phát triển bền vững giữa con người và biển.
Tăng cường vững chắc lực lượng quốc phòng biển
Không có lực lượng hải quân hiện đại hóa hùng mạnh, thì việc xây dựng cường quốc biển chỉ là nói suông. Những năm gần đây, lực lượng hải quân Trung Quốc đã có sự tăng trưởng ổn định, khả năng chiến đấu không ngừng nâng cao, đóng vai trò quan trọng cho việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, ủng hộ công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển sự nghiệp biển quốc gia, như vượt qua chuỗi đảo thứ nhất để tiến hành huấn luyện quân sự, đến vịnh Aden làm công tác bảo hộ đội tàu Trung Quốc, tham gia cứu hộ trên biển…
Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ được trao cho nhiều sứ mệnh lịch sử hơn, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng hiện đại hóa hải quân. Nhưng mục tiêu xây dựng hải quân của Trung Quốc vẫn là có giới hạn, đồng thời không theo đuổi xây dựng lực lượng hải quân siêu cường toàn cầu như Mỹ hiện nay và Liên Xô trước đây. Trung Quốc phát triển hướng ra biển, và không muốn trở thành “quốc gia biển”, thậm chí cũng không phải là coi trọng cả lục địa và biển, truyền thống lịch sử và thuộc tính văn hóa của Trung Quốc đã quyết định trọng tâm chiến lược của Trung Quốc sẽ luôn dựa vào lục địa. Hơn nữa, việc Trung Quốc không theo đuổi bá quyền và thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, cũng đã quyết định tính giới hạn của sự phát triển sức mạnh quân sự trên biển của Trung Quốc.
Xử lý ổn thỏa quan hệ Trung-Mỹ
Về quan hệ nước lớn, việc Trung Quốc hướng ra biển phải đối diện quan hệ với Mỹ - cường quốc biển số một thế giới. Bước vào thế kỷ 21, do sức mạnh trên biển của Trung Quốc tăng lên, Mỹ bắt đầu nảy sinh sự hoài nghi sâu sắc đối với mục tiêu hòa bình phát triển quyền lợi trên biển của Trung Quốc, trong quá trình Mỹ thực hiện chuyển dịch chiến lược sang phía Đông, sự hoài nghi của Mỹ có một loạt biểu hiện nổi bật. Để phòng ngừa “khó khăn về mặt an ninh” trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên, nảy sinh xung đột trên biển, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường và hoàn thiện hơn nữa cơ chế tin tưởng về an ninh trên biển Trung-Mỹ được xây dựng sau những năm 90 của thế kỷ 20, thông qua đối thoại chiến lược, tăng cường các cuộc thăm viếng lẫn nhau của nhân viên, điều tiết chính sách và hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển, tăng cường hiểu biết, thu hẹp bất đồng. Trung Quốc phải nhắc lại lập trường nhất quán, khiến cho Mỹ nhận thức được rằng trong các vấn đề như Đài Loan, quần đảo Điếu Ngư/Senkaka và Biển Đông…, ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc là rất kiên định, nhưng không thách thức ưu thế trên biển của Mỹ, cũng không có ý đồ loại Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương.
Mặt khác, Trung Quốc cũng phải đối phó một cách lý tính vấn đề biển trong quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời tìm cách tránh khả năng xảy ra xung đột trên biển với Mỹ. Có thể dự đoán, việc Trung Quốc và Mỹ thông qua cơ chế tin tưởng nhau về an ninh trên biển, để làm giảm bớt những khó khăn an ninh trên biển là một quá trình phức tạp và lâu dài, Trung Quốc phải có sự chuẩn bị và kiên nhẫn về tư tưởng.
Tích cực đối phó với tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Năm 2012 là 40 năm Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nhưng quan hệ Trung-Nhật lại vì việc Chính phủ Nhật Bản “mua” quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà xấu đi nhanh chóng. Trung Quốc lập tức áp dụng các hành động phản đối, thông qua các công bố về điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, sách trắng và tuần tra thường xuyên của tàu hải giám, phá vỡ cục diện Nhật Bản từ trước đến nay luôn mưu đồ một mình kiểm soát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, kiềm chế thế lực cánh hữu hung hăng kiêu ngạo.
Từ khi Nhật Bản “mua đảo” đến nay, quan hệ Trung-Nhật rơi vào trạng thái chính trị lạnh nhạt, kinh tế “không khởi sắc”. Do khả năng Nhật Bản từ bỏ các chính sách đã có là tương đối thấp, nên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có thể trở thành vấn đề nổi bật khó có thể giải quyết giữa hai nước. Từ lâu dài cho thấy vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cuối cùng vẫn phải thông qua đàm phán để giải quyết. Hiện nay, hai bên có thể mượn mô hình ngoại giao Trung-Nhật những năm 50, 60 của thế kỷ 20, tăng cường “ngoại giao phi chính phủ” giữa các học giả, thực hiện “lấy nhân dân để thúc đẩy chính phủ”. Học giả hai nước cũng phải tăng cường nghiên cứu hơn nữa đối với những vấn đề ảnh hưởng quan hệ Trung-Nhật như quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, để tìm kiếm phương án hóa giải.
Xử lý thận trọng vấn đề Biển Đông
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề Biển Đông là sự tranh chấp của các nước xung quanh đối với chủ quyền trên Biển Đông, và sự can dự của các thế lực bên ngoài khiến cho vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp. Do vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích sát sườn của các bên tranh chấp, nên việc giải quyết vấn đề này sẽ là một quá trình lâu dài.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc phải kiên trì căn cứ lịch sử và căn cứ pháp lý, kiên trì nguyên tắc “chủ quyền thuộc ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Do vấn đề Biển Đông liên quan đến nhiều nước xung quanh, nên Trung Quốc phải kiên trì nguyên tắc đàm phán và hiệp thương song phương, cố gắng tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đặc biệt là phản đối sự can dự của các thế lực bên ngoài, và đề phòng ASEAN hình thành lập trường đồng nhất gây bất lợi cho Trung Quốc.
Căn cứ vài đặc thù của các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông, Trung Quốc phải nghiên cứu các phương thức quản lý và kiểm soát khác nhau, tiếp tục mở rộng phạm vi và mức độ bảo vệ quyền lợi trên Biển Đông, có thể rút ra bài học từ mô hình xử lý sự kiện Scarborough. Về dư luận quốc tế, Trung Quốc phải tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn dư luận, như nhắc lại nguyên tắc tự do hàng hải trên Biển Đông, bảo đảm tàu thuyền các nước an toàn đi lại trên Biển Đông, khi cần thiết phải công bố Sách Trắng về vấn đề Biển Đông. Để đề phòng đa phương hóa vấn đề Biển Đông, Trung Quốc phải xử lý ổn thỏa mối quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, ASEAN, có sự phân biệt trong khi đối xử với Việt Nam, Malaysia và Philippines, phải tích cực tham gia hợp tác an ninh ở khu vực Biển Đông bao gồm cả eo biển Malacca.
Văn Cường (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/4035-mot-so-nhan-dinh-ve-viec-trung-quoc-xay-dung-cuong-quoc-bien
30/4/2014

No comments: