TS. Đinh Thị Dung
Hoạt động ngoại giao có vị trí đặc biệt trong tiến trình lịch sử của một đất nước, biểu hiện tập trung bản lĩnh và bản sắc văn hóa của một dân tộc trong ứng xử với môi trường xã hội. Bài viết bước đầu tìm hiểu và khái quát văn hóa ứng xử của Việt Nam thể hiện qua quan hệ ngoại giao, cụ thể là quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
1. “Lịch sử là một trong những phương tiện để thấy lại quá khứ và để xác lập một bản sắc văn hóa dân tộc. Nó cũng là một cửa mở ra kinh nghiệm và sự phong phú của quá khứ và của nhiều nền văn hóa khác” [Assamblé 1996: 3]. Quả vậy, qua thực tiễn lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử ngoại giao, chúng ta có thể nhận ra nhiều nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc, nhận ra hoạt động ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng không chỉ đối với việc bảo tồn mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình phát triển lịch sử của mình. Mặt khác, qua những nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta có được những cơ sở lý luận để lý giải được nhiều đặc điểm có tính bản sắc, nhất quán của ngoại giao Việt Nam trong trường kỳ lịch sử dân tộc. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi xin trình bày đôi nét về văn hóa ứng xử của Việt Nam qua quan hệ ngoại giao với các nước, tiêu biểu là quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
2. Hoạt động ngoại giao của một đất nước không tách rời với những đặc điểm cơ bản, có tính loại hình làm nên bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước đó. Việt Nam thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp với đặc trưng cơ bản là lối sống cộng đồng và trọng tình, nên truyền thống ứng phó với môi trường xã hội thường hướng đến tinh thần hiếu hòa, tránh đối đầu, tránh chiến tranh [Trần Ngọc Thêm 2001: 544-552]. Quả thật, nếu không xuất phát từ những đặc trưng gốc này sẽ khó lý giải cho trọn vẹn những ứng xử ngoại giao trên tinh thần hiếu hòa của các vương triều phong kiến Việt Nam. Đối với Trung Quốc là một nước lớn, cùng với những hoàn cảnh địa – chính trị cụ thể, Việt Nam lại càng phát huy tinh thần hiếu hòa trong ứng xử ngoại giao của mình.
Trung Quốc là một quốc gia phong kiến lớn với thể chế tập trung chuyên chế cao độ, luôn thể hiện tư tưởng bá quyền, thôn tính nước khác hoặc tạo nên một hệ thống chư hầu, lấy mình làm trung tâm, tự cho mình có quyền cất binh “điếu phạt”. Chính vì lẽ đó, các nước nhỏ thường phải chọn con đường ứng xử theo lối hòa bình, thần phục, chịu nhiều thiệt thòi, nhún nhường để ít nhiều có thể mua được sự bình yên cho đất nước. Với Việt Nam, phong kiến Trung Quốc luôn muốn “biến Việt Nam thành khu đệm trên con đường tràn xuống Đông Nam Á” [Thư tịch cổ 1985: 150] nên Việt Nam luôn phải ứng phó thường trực với nguy cơ bị xâm lược và càng phải có đường lối, chiến lược, sách lược ngoại giao hợp lý. Một trong những con đường hiệu quả nhất là phát huy tối đa bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc trong ứng xử ngoại giao với Trung Quốc, trước hết là quan hệ mềm dẻo, linh hoạt, chịu làm nước nhỏ, nhận “sách phong” và chịu “triều cống”. Điểm lại lịch sử dân tộc, có thể thấy các vương triều Việt Nam đều phải chấp nhận và cần có sự “sách phong” của phong kiến Trung Quốc, vừa như một sự thừa nhận vai trò của Trung Quốc, vừa như một đối sách ngoại giao để mua lấy sự yên ổn của đất nước. Bên cạnh “sách phong” là “triều cống” – lệ định của Trung Quốc có từ lâu đời đối với các chư hầu (có từ khoảng năm 19 trCN đến gần hết thế kỷ XIX). Các vương triều phong kiến Việt Nam đều tuân theo lệ định này, cho đến năm 1856 dưới triều Tự Đức, việc thực hiện “triều cống” mới chấm dứt do Trung Quốc tạm ngưng để Trung Quốc giải quyết những rối ren trong nội tình đất nước.
Rõ ràng chưa bàn đến thực chất của quan hệ ngoại giao theo con đường “thần phục” vẫn có thể khẳng định rằng “sách phong” và “triều cống” là hai hình thức hoạt động ngoại giao có tính bắt buộc do những điều kiện lịch sử – chính trị cụ thể quy định. Tuy nhiên khi đánh giá tính chất quan hệ này không thể không đặt trên một trục hệ giá trị được biểu hiện rất nhất quán trong lịch sử Việt Nam. Đó là sức mạnh của lòng yêu nước, của ý thức dân tộc sớm được trui rèn do lối sống cộng đồng vốn có của cư dân nông nghiệp và do yêu cầu phải đối phó thường trực với ngoại xâm. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy thần phục, cụ thể là nhận “sách phong” và thực thi “triều cống” của các vương triều phong kiến Việt Nam còn là biểu hiện của một đường lối ngoại giao mềm dẻo, chủ động trên tinh thần hiếu hòa. Tiêu chuẩn cao nhất của hoạt động ngoại giao của Việt Nam vẫn là độc lập dân tộc nên tuy chủ trương mềm dẻo, chịu thần phục trên danh nghĩa, các vương triều phong kiến Việt Nam luôn tỏ ra cứng rắn, không nhân nhượng khi Trung Quốc núp dưới danh nghĩa “điếu phạt” đưa quân xâm lược hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Lịch sử ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc cho thấy hầu hết các vương triều phong kiến Việt Nam đã kết hợp được một cách linh hoạt tính cách cứng rắn với mềm dẻo, hiếu hòa trong những ứng xử ngoại giao của mình, trong đó hiếu hòa là nền tảng, là bản sắc và cũng là kế sách lâu dài. Điều này thể hiện rất rõ trong ứng xử của Lý Thường Kiệt khi đánh bại quân Tống nhưng lại chủ động đặt vấn đề điều đình để mở cho địch lối rút trong danh dự; thể hiện rất rõ trong ứng xử của vua quan nhà Trần trong ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông hay của Lê Lợi và Nguyễn Trãi sau khi đánh tan 10 vạn quân Minh tại Chi Lăng năm 1427… Những ứng xử này đều thể hiện được truyền thống hiếu hòa, độ lượng của dân tộc Việt, đồng thời thể hiện rõ chiến lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt của Việt Nam đối với phong kiến phương Bắc vì yêu cầu hòa bình, độc lập dân tộc. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, hai triều đại chừng như đối lập nhau gay gắt là nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, đều có những biểu hiện khá tương đồng trong ứng xử ngoại giao với Trung Quốc do đều xuất phát từ truyền thống ngoại giao đặc sắc của dân tộc:
Đối với Quang Trung, bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền với việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Ngay khi từ Phú Xuân ra Thăng Long để tiêu diệt quân xâm lược, đến Thanh Hóa, Quang Trung đã có lời dụ tướng sĩ:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đnh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Quyết tâm và khí thế của quân Tây Sơn thật hào hùng. Tuy nhiên, Quang Trung vẫn chủ trương hòa đàm để sớm chấm dứt chiến tranh và cũng đã lên kế hoạch bình thường hóa quan hệ Việt – Trung sau chiến tranh. Ngay sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã xác định Trung Quốc “là nước lớn hơn gấp 10 lần nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế đánh nhau mãi không thôi” [Trần Trọng Kim 1971: 132]. Quang Trung cũng quan niệm rằng “Người khéo thắng là thắng chỗ mềm dẻo, chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít” [Trần Trọng Kim 1971: 131] và Quang Trung chủ động cử sứ sang Yên Kinh đưa thư cầu hòa. Trong thư cầu hòa này, Quang Trung khéo léo viết: “Kể ra lấy đường thiên triều so được thua với nước mọi rợ nhỏ mọn, tất phải đánh đến cùng… chắc lòng thánh đế không nỡ thế. Lỡ ra quân đánh triền miên mãi không thôi… thật không phải lòng thần mong muốn” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1993: 522]. Cùng với quan niệm về “người khéo thắng” và chủ trương hòa hiếu, chính sách của Quang Trung đối với quân giặc thua trận cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong “Chiếu phát phối hàng binh nội địa”, ông viết: “Lúc chinh phạt gặp giặc thì giết, đó là lệ thường. Bắt được mà tha từ xưa chưa từng có… Những kẻ trận tiền bị bắt hoặc thế bách xin hàng đáng lẽ phải theo quân luật mà chém để làm răn cho kẻ khác. Song vì thể đức hiếu sinh của Thượng đế và lấy lượng cả bao dung, Trẫm tha tính mệnh cho các ngươi” [Dương Trung Quốc 1999: 11]. Quang Trung còn cho gom xác giặc chôn cất, lập đàn cúng tế. Quang Trung đã giải quyết rất thỏa đáng mâu thuẫn giữa hận thù và hợp tác thời hậu chiến, đã tái xây dựng quan hệ hòa hiếu, xóa bỏ mầm mống của chiến tranh. Quang Trung đã ứng xử linh hoạt, mềm dẻo trên cơ sở một bản lĩnh vững vàng, cứng cỏi. Chính Quang Trung bằng đấu tranh kiên quyết không khoan nhượng đã buộc Trung Quốc bỏ lệ bắt ta dâng người bằng vàng cho Trung Quốc.
Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn vào tháng 7-1802 sau khi thắng Tây Sơn. Trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động từ đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn có nhiều lúng túng trong ứng xử ngoại giao, nhất là với các nước phương Tây. Tuy vậy, trong quan hệ với Trung Quốc, Gia Long rồi Minh Mạng đã cố gắng phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để ổn định và phát triển đất nước. Gia Long tiếp tục đường lối “trong xưng đế, ngoài xưng vương” trong quan hệ với nhà Thanh. Năm 1802 ngay khi lên ngôi, Nguyễn Ánh – Gia Long sai sứ sang Trung Quốc cầu phong nhằm tránh sự xâm lược của Trung Quốc dưới danh nghĩa “phù Lê”( điều mà nhà Thanh đã làm với nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII). Tháng 5-1804 Gia Long cử Trịnh Hoài Đức sang Trung Quốc nộp ấn triện, giao giặc biển Trung Quốc, bày tỏ thiện chí hòa hiếu và hợp tác. Liên tiếp trong hai năm sau (1805, 1806) Gia Long đều có Quốc thư gởi sang xin thần phục Trung Quốc, tuy nhiên điều đáng chú ý là trong những Quốc thư này Gia Long đều khẳng định mình là vua nước Nam Việt, không quá nhún nhường [Maybon Charles 1919: 375]. Tiếp tục thực hiện lối ứng xử truyền thống, Gia Long nhận “sách phong” và thực thi “triều cống” nhưng hai nội dung này ở thời Gia Long nói riêng, triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX nói chung, vẫn dựa trn cơ sở của tinh thần hòa hiếu. Gia Long vẫn kiên quyết khi cần thiết. Điều này thể hiện rõ qua sự kiện xin đổi Quốc hiệu. Khi lên ngôi, Gia Long sai sứ sang Trung Quốc xin đổi Quốc hiệu là Nam Việt, Gia Khánh nhà Thanh không đồng ý bởi tên gọi này trùng với tên gọi gồm cả vùng Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc. Gia Long không nhân nhượng. Ông tuyên bố nếu không đổi tên nước sẽ không chịu thụ phong. Năm 1833, Minh Mạng tự ý đổi tên nước ta thành Đại Nam, không cần hỏi ý kiến và cũng không hề bị nhà Thanh chất vấn gì.
Từ đời Gia Long đến đời Tự Đức, các vua triều Nguyễn đều chỉ xin nhận “sách phong” khi đã lên ngôi xưng đế. Tuy khéo nhún nhường, mềm dẽo, nhưng các vua đầu triều Nguyễn vẫn thể hiện vai trò của hoàng đế của một quốc gia độc lập đối với nhà Thanh Trung Quốc. Gia Long lên ngôi, theo ông, là “hợp lời xin của mọi người”. Khi kế thừa ngai vàng vào năm 1820, Minh Mạng cũng ban chiếu rằng “Trẫm tuân theo di chiếu… năm nay lên ngôi hoàng đế”, qua năm sau mới sai sứ sang Trung Quốc cầu phong. Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều làm như vậy. Bên cạnh đó, các vua đầu triều Nguyễn còn tỏ rõ sự cứng rắn và nguyên tắc khi bị động chạm đến độc lập của nước và bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự đối sánh với Trung Quốc. Khi bàn về trang phục trong lễ Dụ tế, Minh Mạng khẳng định “Ta tự theo lễ nước ta” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1994: 206]. Cũng dưới thời Minh Mạng, năm 1831, Trung Quốc đem 600 ngàn quân vượt qua biên giới đòi Việt Nam giao vùng Phong Thu -Hưng Hóa( nay thuộc tỉnh Lai Chu), Minh Mạng đã kiên quyết đấu tranh trên cả hai mặt trận ngoại giao và quân sự, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết khẳng định “đồn Phong Thu nguyên lệ thuộc bản triều”, buộc Trung Quốc phải rút quân và xin lỗi [Nội các triều Nguyễn 1993: 150]. Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, mềm dẻo và cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc cũng được thực hiện nhất quán. Tất nhiên khi bàn về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc thời Nguyễn không thể không chú ý đến những nhân tố khách quan của giai đoạn này đối với cả hai nước, nhưng nhìn chung, về cơ bản, triều Nguyễn đã thực thi được một đường lối ngoại giao đúng đắn, có tính truyền thống trong quan hệ với nhà Thanh Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ XIX.
3. Không chỉ với Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam còn ứng xử ngoại giao trên tinh thần hiếu hòa, mềm dẻo với các nước ngang bằng hoặc nhỏ hơn trong khu vực, thể hiện rõ bản sắc văn hóa trong ứng xử ngoại giao của dân tộc. Ở đây chỉ xin nêu vài nét về chính sách láng giềng thân thiện của Minh Mạng trong quan hệ với Vạn Tượng, Xiêm La. Việt Nam dưới thời Minh Mạng trở thành Đại Nam, khẳng định được tư thế của một quốc gia phong kiến độc lập hùng mạnh. Tuy nhiên Minh Mạng vẫn coi trọng mối quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng trong khu vực: Từ cuối thế kỷ XVIII, Vạn Tượng thần phục Xiêm La. Nhưng ngay khi Gia Long lên ngôi, quốc vương Vạn Tượng là Châu Anụ đã sai sứ sang Việt Nam triều cống và xin thần thuộc. Quan hệ giữa hai nước được đánh giá là “rất mật thiết nên trong lịch sử mỗi khi hưng hay suy đều có ảnh hưởng nhất định đến nước láng giềng của mình” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1963: 203]. Năm 1827, Vạn Tượng cùng Xiêm La động binh đánh nhau, Châu Anụ thất bại, phải cùng gia quyến chạy sang Nghệ An và cầu viện triều Nguyễn. Đình thần triều Nguyễn cĩ nhiều ý kiến khc nhau. Lê Văn Duyệt đại biểu cho xu hướng giúp Vạn Tượng vì theo ông, “Nước Vạn Tượng giữ cống đã lâu… nghĩa láng giềng không thể cự tuyệt” [Phạm Trung Việt 1973: 54]; xu hướng thứ hai tỏ vẻ e dè, thận trọng trong việc giúp Vạn Tượng. Cách giải quyết của Minh Mạng là không đứng về phía nước này mà đoạn giao với nước kia. Minh Mạng chủ trương vừa giúp Vạn Tượng vì “Vạn Tượng là thuộc quốc của ta gặp lúc nguy khốn chạy về với ta”[Quốc sử quán triều Nguyễn 1963: 274], đồng thời ứng xử khéo léo nhưng kiên quyết với Xiêm La. Minh Mạng một mặt cho 3000 quân đưa Châu Anụ về nước, mặt khác, gởi thư cho vua Xiêm khẳng định Vạn Tượng là tôi của hai nước” để làm yên lòng vua Xiêm. Minh Mạng dặn quân đưa Châu Anụ xong phải trở về ngay và nếu gặp quân Xiêm thì “lấy nghĩa lớn thì bảo họ cho thôi” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1963: 247]. Minh Mạng chủ trương ôn hòa với Xiêm nhưng vẫn tích cực phòng bị và chủ trương “giặc đến ta kháng cự, giặc đi ta không cần đuổi theo” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1994: 380]. Thực tế cho thấy Minh Mạng đã giữ được hòa hiếu với láng giềng Xiêm La và cũng không thể hiện sự kẻ cả với nước thần phục mình là Vạn Tượng. Đây là điều thể hiện khá rõ trong truyền thống chống xâm lăng bảo vệ đất nước của dân tộc ta.
***
4. Những điều trình bày trên còn khá sơ lược, nhưng qua đó vẫn cho thấy truyền thống ngoại giao của Việt Nam thể hiện khá rõ và khá tập trung bản sắc văn hóa của dân tộc, ở đây là văn hóa ứng xử, vừa tận dụng, vừa đối phó với môi trường xã hội vì sự tồn vong của đất nước. Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc trong ứng xử ngoại giao, đặc biệt là trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay là hướng đi có nhiều ý nghĩa thực tiễn, không chỉ trong hoạt động chính trị mà còn cả trong hội nhập về mọi mặt của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Assamblé 1996: Assamblé parlementaire du conseil de l’ Europe. Lession ordinaire de 1996, Recommandation 1238 (1996) relative à l’histoire et l’Apprentisage de l’histoire en Europe. – In: History and learning of History in Europe Strabourg.
- Dương Trung Quốc 1999: Việt Nam một dân tộc khoan hòa. - Tạp Chí Xưa & Nay, Hội Sử học Việt Nam, Số 64 B, 6.
- Đại Nam 1993: Đại Nam liệt truyện, T. 2. – Huế: NXB. Thuận Hóa.
- Maybon Charles 1919: Nguyen Anh Empeurer et fondateur de Dynastic Gialong (1802 – 1820). - Le Trim, Revue de L’ histoire des Colonies.
- Nội các triều Nguyễn 1993. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T. 8. – Huế: NXB. Thuận Hóa.
- Phạm Trung Việt 1973: Khuôn mặt Quảng Ngãi. - NXB Nam Quang.
- Quốc sử quán triều Nguyễn 1963: Đại Nam thực lục chính biên, T. 8. – H.: NXB. Sử học.
- Quốc sử quán triều Nguyễn 1974: Đại Nam thực lục chính biên, T. 5. – H.: NXB. Khoa học xã hội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn 1994: Minh Mạng chính yếu, T. 3. – Huế: NXB. Thuận Hóa.
- Thư tịch cổ 1985: Thư tịch cổ Việt Nam nói về chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. – H.: NXB. Thông tin lý luận.
- Trần Ngọc Thêm 2001: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. - NXB. Thành phố HCM.
- Trần Trọng Kim 1971: Việt Nam sử lược, Q.II. – SG.: Trung tâm học liệu xuất bản.
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia, 2013
No comments:
Post a Comment