Tuesday, May 13, 2014

13. HỒ SƠ QUỐC TẾ VÀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG



Các bản tin về nhận định quốc tế đối với tình hình Biển Đông (Cập nhật đến 13/5/2014):

1. ĐCV (2/2/2014): Thiên văn bói toán: gieo quẻ đầu năm

2. BBC (21/2/2014): Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông.

3. NVO (9/4/2014): Biển Đông có nguy cơ 'là một thùng thuốc súng'.

4. RFI (9/4/2014): Chính Châu Âu giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.

5. VN+ (12/5/2014): Chuyên gia Nhật loại trừ nổ ra xung đột vũ trang trên biển.
6. VN+ (12/5/2014): Anh ủng hộ tuyên bố của EU về căng thẳng trên Biển Đông.
Độc giả tìn đọc năm 2013

1. NCBĐ (10-1-2013): “Khối kim cương” an ninh của các nền dân chủ tại Châu Á.
2. SGTT (13-1-2013): Các “bẫy” nguy hiểm của Trung Quốc.
3. VOA (24-1-2013): LHQ kêu gọi giải pháp hòa giải cho tranh chấp Biển Đông.
5.  RFI (2-2-2013):  Phó tổng thống Mỹ kêu gọi Châu Âu trợ giúp Hoa Kỳ tại châu Á.
7.   BBC (16-2-2013):  EU nói 'Trung Quốc nên ra tòa án LHQ'.
8. BBC (8-3-2013):  Tránh để tranh chấp Biển Đông 'quá nóng'.
9.  VND (18-3-2013):  Pháp giúp Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản.
10. VOA (28-3-2013): Cùng khai thác tài nguyên có thể hóa giải tranh chấp Biển Đông?
11. VN+ (13-4-2013): NB không để Biển Đông thành "ao nhà của Bắc Kinh".
12.BBC (25-4-2013):  EU hậu thuẫn Philippines kiện TQ.
13. RFI (6-6-2013):  Chủ quyền biển đảo: Giới chế tạo vũ khí hưởng lợi.
14.    ĐVO (28-9-2013):  Ngày hòa bình Biển Đông, hòa bình thế giới nhưng ...
15.  NCBĐ (20-10-2013):  Hành động của Mỹ ở Biển Đông.
*****

Thiên văn bói toán: gieo quẻ đầu năm


ệt - |
Người viết xin nhập đề bằng ba lời tiên đoán táo bạo hé lộ thiên cơ từ nay cho đến năm 2020:
1.                  Năm 2017 nước Mỹ sẽ được lãnh đạo bởi Tam Thư Anh Kiệt (Hillary Clinton – Janet Yellen – Nancy Pelosi).
2.                  Dọn đường trước đó là trận thư hùng giữa Tứ Đại Thiên Vương (Putin – Obama – Tập Cận Bình – Sinzo Abe) mà hồi bán kết sẽ tỏ tường vào năm 2015.
3.                  Cuộc chạy đua Mỹ-Trung dù chưa chấm dứt nhưng bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc ngay tại kỳ Thế Vận Hội 2020 ở Tokyo.
***
Nước Mỹ năm 2014 sẽ có bà Janet Yellen là phụ nữ đầu tiên lên làm Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương, tức chức vụ quan trọng thứ nhì chỉ sau ngôi Tổng Thống.
Bà Hillary Clinton rất có triển vọng trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hoa Kỳ nếu quyết định ra tranh cử Tổng Thống vào năm 2017.
Năm 2015 hoặc 2017, bà Nancy Pelosi hy vọng đứng hàng thứ ba trong nước Mỹ với chức vụ Chủ Tịch Hạ Nghị Viện nếu đảng Dân Chủ thắng lớn qua hai kỳ bầu cử Quốc Hội.
Cho nên việc Hoa Kỳ được lãnh đạo bởi ba vị anh thư vào năm 2017 tuy khó nhưng vẫn có thể xảy ra – vì vậy các đấng mày râu từ nay nên thận trọng khi đối xử với phái vừa đẹp lại thông minh tài ba!
***
Lòng đất rung chuyển [1] nên Tứ Trụ Thiên Vương sa xuống trần gian tranh nhau vẽ lại bản đồ thế giới, đó là các ông: Bạch Đế (Tổng Thống Putin của nước Nga tuyết trắng), Hắc Đế (Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ, Hoàng Đế (Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc) và Xích Đế (Thủ Tướng Shinzo Abe của nước mặt trời mọc rực đỏ) [2]. Việc làm của các ông này được báo chí nhắc đến hàng ngày tưởng không cần nhắc lại mà người viết xin đi ngay vào lời tiên đoán tại sao kết quả trận thư hùng sẽ diễn ra vào năm 2015.
Hai nhân vật chính vẫn là Obama và Tập Cận Bình, và dù tranh chấp về địa chính trị nhưng nền tảng của mỗi bên vẫn chính nơi sức mạnh kinh tế. Nhiều dự đoán cho thấy áp lực sẽ dồn dập đến với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong năm 2015, và nhà lãnh đạo nào vượt qua các thử thách này sẽ tạo nhịp đẩy cho hồi chung cuộc trong thập niên 2020.
Cuối năm 2013 kinh tế Mỹ có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng do phát triển ở mức 2.8% với con số thất nghiệp còn 7%. Ngân Hàng Trung Ương bắt đầu giảm lượng tiền tệ bơm vào để kích thích tăng truởng cũng giống như người trước đây bệnh nặng nay phục hồi nên cần giảm lượng thuốc hồi sinh. Câu hỏi đặt ra là liệu người bệnh có bị lạm thuốc hay không? Có đúng là lượng tiền khổng lồ được tung ra đã thúc đẩy sản xuất hay chỉ tạo thêm bong bóng mới khiến những nhà lập chính sách bị lầm lẫn với của cải được tạo ra. Nhiều chỉ dấu đáng lo ngại khi thị trường chứng khoán và giá địa ốc nhảy vọt trong khi nạn thất nghiệp và mức lương bổng cải thiện rất chậm thì liệu tăng trưởng đã nhờ vào kích thích hay do tình hình kinh tế thật sự cải thiện? Nhưng mặt khác Hoa Kỳ đang trở nên tự túc về năng lượng, đồng đô-la lại hạ giá nên sản xuất trong nội địa đang tăng. Không ai đoán chắc được câu trả lời cho đến khoảng cuối năm 2014 tức là lúc mà Ngân Hàng Trung Ương có thể chấm dứt các gói kích cầu, khi đó mới biết nền kinh tế đã tự phát triển vững mạnh hay lại rơi vào vòng xoáy của một chu kỳ khủng hoảng mới vào năm 2015.
Tình hình của Trung Quốc cũng đáng lo ngại không kém. Tăng trưởng giảm từ 10% năm 2010 xuống còn khoảng 7.5% năm 2013, tức là sát với chỉ tiêu do nhà nước đề ra, nhưng số nợ của các địa phương bị phanh phui đã tăng vọt lên đến 3000 tỷ USD, tức khoảng 33% GDP. Nhà nước không dám tăng đầu tư để kích thích kinh tế vì nợ xấu quá nhiều mà cũng sợ sẽ khơi động một bong bóng khác đào sâu thêm mâu thuẫn giàu nghèo. Hoa Lục muốn chuyển đổi trọng tâm kinh tế đặt từ đầu tư sang tiêu thụ tư nhân thì phải tái phân phối lợi tức quốc gia, tức đụng chạm với các khối quyền lực nay đã bén rễ. Chương trình cải cách kinh tế của Tập Cận Bình lệ thuộc vào việc cải thiện toàn bộ xã hội, nhưng ông chỉ vận động chống tham nhũng và không dám cải tổ chính trị nên giống như một người đu dây mầy mò thăng bằng giữa các đòi hỏi nghịch lý.
Nếu vào năm 2015 nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 3% còn Trung Quốc rơi xuống 6% thì Obama thắng lớn; còn xảy ra ngược lại Hoa Lục tăng 7% trong lúc Mỹ chỉ trên 1% thì Tập Cận Bình tạo được đà tiến để qua mặt Hoa Kỳ trong thập niên 2020. Thêm một trường hợp thứ ba khi cả hai nước Mỹ-Trung đều cùng không giải quyết được các vấn đề kinh tế và chính trị nội bộ, khi đó tình hình thế giới sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Cũng cần nhắc đến hai ông Putin và Abe. Tổng Thống Putin thắng lớn tại Syria và trong vụ Edward Snowden khiến Hoa Kỳ bị sứt mẻ uy tín trước đồng minh. Ông đang hứng khởi thả các đối thủ chính trị để tô điểm hình ảnh của nước Nga, nhưng bất ngờ đến cuối năm âm lịch, Putin bị hai vố nặng với các cuộc biểu tình tự phát chống Nga ở Ukraine và những lần tấn công khủng bố trước kỳ Thế Vận Hội mùa Đông tại Sochi. Putin tuy là kỳ thủ cao tay nhưng lại không thu phục nhân tâm; thêm vào việc ông hợp tác với Trung Quốc chỉ dựa vào quyền lợi ngắn hạn nhằm tạo khó khăn cho Tây Phương để nâng cao vai trò của chính mình mà lại không vạch ra được tầm nhìn lâu dài cho nước Nga trong suốt thế kỷ thứ 21.
Sự nghiệp của ông Abe gắn liền với ba mũi thần tiễn [3] mà ông bắn ra để cứu nước Nhật thoát khỏi nạn suy trầm trong suốt 20 năm nay. Nếu thành công ông sẽ vực dậy niềm lạc quan và tự tin trong dân chúng để đẩy mạnh chính sách quốc phòng và ngoại giao nhằm đối phó với những thách thức liên tục từ Trung Quốc. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khả quan trong năm 2013 nhưng phải đợi đến cuối năm 2014 người ta mới biết được kết quả lâu dài.
***
Thế Vận Hội 2020 sẽ được tổ chức tại Tokyo. Tuỳ theo cán cân kinh tế và quân sự cùng tinh thần dân tộc trong những năm trước đó mà Nhật-Hoa sẽ gặp nhau trong tư cách hoà hoãn bình đẳng, kình địch hay giữa  đại quốc và chư hầu!
Thế Vận Hội 2020 tại Á Châu sẽ mang biểu tượng chính trị vô cùng quan trọng, là cơ hội để Nhật Bản thể hiện niềm tự tin và tinh thần dân tộc [4], nhưng cũng là dịp cho Bắc Kinh phô trương Giấc Mộng Trung Hoa ngay trên lãnh thổ của đối thủ hàng đầu ở Thái Bình Dương, cũng giống như Thế Vận Hội 1936 ở Bá Linh khi Hitler muốn đề cao tính ưu việt của chủng tộc Aryan và Đức Quốc Xã tại Âu Châu [5].
Chiến tranh giữa Hoa-Mỹ-Nhật khó thể xảy ra. Nhưng giống như vũ điệu của loài công trống phùng lông trợn mắt để dành đàn mái mà không thật sự đánh nhau, phô trương tiềm năng kinh tế và quân sự của mỗi quốc gia cũng đủ để phân định thứ hạng trên bàn cờ thế giới.
GDP của Trung Quốc dù chưa qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2020 nhưng đà tăng trưởng nhanh hay chậm đủ để thế giới tiên liệu khá chính xác ai sẽ là siêu cường hàng đầu của thế kỷ 21.
Tương lai của Trung Quốc phần lớn lệ thuộc vào ổn định chính trị, và nếu Tập Cận Bình giải quyết được nạn bè phái tham nhũng, làm giảm bớt mâu thuẫn giàu nghèo trong xã hội đồng thời chuyển đổi  trọng tâm kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa (nâng từ mức 35% của GDP hiện thời lên khoảng 50%) thì ông thật sự thực hiện được Giấc Mộng Trung Hoa. Tiềm lực kinh tế đi đôi với đà phát triển quân sự sẽ khiến Hoa Lục đánh bật ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi Thái Bình Dương. Trong giả thuyết này, Nhật Bản sẽ đứng trước một chọn lựa vô cùng khó khăn: hoặc thần phục trở thành nước chư hầu, hay trang bị vũ khí nguyên tử để tự bảo vệ nền độc lập.
Nhưng ngược lại những cải cách của Tập Cận Bình có thể thất bại vì ông không thể chọn bước tiến xa hơn nữa để dân chủ hoá và phát triển đất nước mà không làm rạn nứt Trung Hoa. Hoa Lục sẽ trì trệ trong những thập niên kế tiếp, GDP tăng trưởng chỉ còn 3-4% vì không thể nào giải quyết các mâu thuẫn nội tại.
Trung Quốc sẽ vẫn đứng hạng nhất hay nhì về số huy chương vàng trong Thế Vận Hội 2020 nhờ vào dân số 1.3 tỷ người đủ để đè bẹp các dân tộc khác. Nhưng tư cách tham dự sẽ cho thế giới thấy rõ đây là một ngôi sao còn đang lên hay đã đến đỉnh điểm.
***
Thật tình mà nói thì “Thiên Cơ Bất Khả Lậu”- người viết chọn ra 3 mốc thời gian để phiếm bàn cho vui trong dịp Tết chớ thắng bại không biết về phần ai.
Cơ Trời tuy huyền bí nhưng Thuật Trị Nước lại rõ ràng từ ngàn xưa cổ đại và qua suốt dòng lịch sử: thương dân quí dân thì đất nước cường thịnh; còn ức hiếp dân thì nhân tâm ly tán nên đất nước khó tránh nổi họa ngoại xâm.
Nhân mùa Xuân mới người viết xin chúc mọi gia đình được an khang hạnh phúc thịnh vượng, và trong Năm Mới dành chút thời giờ nhắc nhở đến công đức của tiền nhân.
Cũng đừng tin mấy ông thầy bói rùa… mà hãy sống theo giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
———————————————————–
[1] Người Mỹ thường gọi là “tetonic shift” để chỉ giai đoạn mà trời đất rung chuyển cho các đổi thay.
[2] Có thêm một Thiên Vương thứ năm là bà Thủ Tướng Angela Merkel của nước Đức nhưng vì sao bổn mệnh không hiện rõ ở phương Đông nên người viết không dám lạm bàn.
[3] Ba mũi thần tiễn của Thủ Tướng Shinzo Abe gồm: (a) nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất (b) thêm các gói kích cầu mới (c) cải tổ để guồng máy kinh tế trở nên linh hoạt trong đầu tư và thuê mướn nhân viên.
[4] Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Thế Vận Hội Tokyo 1964 đã mở màn cho thời đại vàng son của nước Nhật trong ¼ thế kỷ 1965-1990.
[5] Người Mỹ da đen Jesse Owens đã đi vào lịch sử Thế Vận Hội khi chiếm 4 huy chương vàng về điền kinh để qua mặt lực sỉ của Đức năm 1936. Hitler tự xem là “mất mặt” vì huyền thoại về tính ưu việt của chủng tộc Ayrian bị sụp đổ.

*****

Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông

BBC - Thứ sáu, 21 tháng 2, 2014
Chỉ trong vòng một tháng rưỡi vừa qua, có bảy diễn biến mới xuất hiện làm gia tăng căng thẳng về cả ngắn và dài hạn ở khu vực.
Năm diễn biến ngắn hạn bao gồm: Phản ứng của Philippines với lệnh cấm bắt cá của Bắc Kinh, sự bị động của ASEAN, hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc trên vùng bãi ngầm James Shoal (cách Malaysia 80km), khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, và sự phản đối mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với các hành vi của Bắc Kinh.
Vào tháng Một vừa qua, chính quyền Philippines đứng ra phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Lực lượng vũ trang của nước này còn để ngỏ khả năng hỗ trợ an ninh cho các ngư dân đi đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.
Sang tháng Hai, Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ để chống lại những đòi hỏi chủ quyền vô l‎ý của Bắc Kinh.
Diễn biến thứ hai xuất hiện ở hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Bagan, Myanmar trong hai ngày 16-17 tháng Một. Trong khi Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết để phản ứng với ADIZ và lệnh cấm bắt cá, thì phần đông các nước còn lại chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc” và mong các nước giải quyết vấn đề “bằng biện pháp hòa bình,” chứ không đưa ra các bình luận chính thức hay hành động cụ thể nào.
Chỉ vài hôm sau đó, một đội tàu của Hải quân Trung Quốc (PLAN), gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbaisan), và hai tàu khu trục (Vũ Hán và Hải Khẩu), nhổ neo từ căn cứ Hải Nam và đi tuần tra khắp Biển Đông. Đội tàu này sau đó cập bến bãi James Shoal, cách bờ biển Malaysia có 80km và Hải Nam khoảng 1.800km, và thề bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, báo chí nước này cho biết.
Ngày hôm sau, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” với James Shoal.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế hòa bình."
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel
Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở bãi này để thể hiện chủ quyền. Cả hai lần chính quyền Malaysia đều cho rằng không hề biết sự hiện diện của quân Trung Quốc.
Điều này khiến người ta nghi ngờ: hoặc là Kuala Lumpur đã thiếu thành thực, hoặc khả năng cảnh báo của hải quân Malaysia quá kém, hoặc do chính quyền nước này yêu cầu lực lượng hải quân không đến khu vực trên để tránh va chạm.
Diễn biến thứ tư là việc một bản dự thảo ADIZ trên Biển Đông đã được gửi lên chính quyền Trung Quốc vào tháng 5/2013, tờ Asahi Shimbun đưa tin. Tuy ngay sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận, cần phải lưu ý ‎ rằng Bộ Quốc phòng nước này đã từng tuyên bố vào năm ngoái rằng sẽ thành lập các khu vực ADIZ khác khi đã có sự “chuẩn bị sẵn sàng.”
Diễn biến thứ năm là ở thái độ ngày càng quyết liệt của Mỹ với ADIZ và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Evan Medeiros, giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cảnh báo vào ngày 1/2 rằng sự khiêu khích của Trung Quốc sẽ có thể làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.
Vào ngày 5/2, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trợ l‎ý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói Trung Quốc nên thu lại các tuyên bố về ADIZ.
Ông này cũng phản đối “đường chín đoạn” và cho biết Mỹ sẽ ủng hộ việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế hòa bình.”
Xung khắc trong dài hạn
Việc Mỹ đang xem xét lại cán cân quyền lực tại Châu Á-Thái Bình Dương và quá trình hiện đại hóa không ngừng của Hải quân Trung Quốc là hai xu hướng dài hạn rất đáng lưu tâm.
Trong hai tháng vừa qua, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra những nhận xét khá bi quan về sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở phía Tây Đại Tây Dương.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thống trị tuyệt đối của người Mỹ đang giảm dần,” Đô đốc Samuel Locklear, Tổng chỉ huy tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết trên tờ Defense News. ”Đó không phải là điều gì đáng lo ngại, mà là thực tế cần phải nhìn nhận.”
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall cho rằng sự vượt trội về công nghệ của quân đội Hoa Kỳ đang bị thách thức nghiêm trọng từ quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, và bởi sự cắt giảm ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ.
Theo biên bản điều trần của Văn phòng Tình Báo Hải quân Hoa Kỳ (ONI), thì Trung Quốc đang có tham vọng tăng nhanh chóng các số lượng các đội tàu trên biển, tàu ngầm, và vũ khí.
Quốc gia này cũng vừa bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ hai, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018. Nhiều chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc sẽ vận hành đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu ở các vùng biển xa vào năm 2020.
Những kế hoạch hiện đại hóa của Trung Quốc được hỗ trợ bởi ngân sách quốc phòng đạt tới 160 tỷ đô la trong năm 2015. Theo thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kendall, ngân sách cho quân đội của Trung Quốc tăng khoảng 10% mỗi năm.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thống trị tuyệt đối của người Mỹ đang giảm dần... Đó không phải là điều gì đáng lo ngại, mà là thực tế cần phải nhìn nhận."
Đô đốc Samuel Locklear
Với các lực lượng bán quân sự địa phương, Trung Quốc cũng đầu tư khá nặng tay. Vào ngày 10/1, một chiếc tàu 5,000 tấn đã được giao cho Hạm đội Phòng vệ bờ biển phía Nam, đặt tại thành phố Tam Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết một chiếc tàu tuần tra nặng 10 nghìn tấn, loại lớn nhất thế giới, cũng đang được lắp ráp.
‘Rủi ro xung đột an ninh’
Những xu hướng an ninh ngắn và dài hạn sẽ càng làm gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Philippines sẽ tiếp tục đấu khẩu với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ có thể cho tàu chiến đóng quân tại bãi ngầm Second Thomas Shoal, khu vực tranh chấp với Manila. Sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa Philippines và Malaysia sẽ khiến cho bốn nước tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực khó đạt được thỏa thuận chung.
ASEAN cũng đã không đạt được đồng thuận trong việc tuyên bố lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc, cũng như khả năng thiết lập ADIZ, là rủi ro an ninh cho toàn Đông Nam Á, chứ không riêng gì các nước tranh chấp.
Về phía Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục đẩy nhanh hiện đại hóa cả hải quân lẫn lực lượng bán quân sự tuần tra bờ biển.
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở trong vùng chín đoạn, vốn sẽ xâm phạm vào các khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia tranh chấp. Trong khi đội tàu bán quân sự sẽ tăng cường tuần tra hoặc đóng quân trên Biển Đông với thời gian dài hơn.
Chính sách chủ động hơn của Mỹ ở khu vực sẽ dễ dẫn tới những phản ứng về mặt chính trị, ngoại giao, và thậm chí là quân sự, của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Điều này cũng dễ hiểu: quá trình hiện đại hóa hải quân và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tất yếu dẫn tới sự suy giảm quyền lực của hải quân Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương.
Bài lược dịch từ bản gốc tiếng Anh phân tích của Giáo sư Carl Thayer đã đăng trên trang The Diplomat.
*****

Biển Ðông có nguy cơ 'là một thùng thuốc súng'

Người Việt Online - Wednesday, April 09, 2014
TORONTO, Canada (NV) - Biển Ðông đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước là thùng thuốc súng của nguy cơ xung đột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho phương Tây, theo phân tích gia Robert Kaplan.
Robert Kaplan là một phân tích gia địa chính trị nổi tiếng. Ông nhận định trong một quyển sách mới xuất bản có tên là “Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific.” Tạm dịch là 'Vạc dầu ở Á Châu: Biển Ðông và sự chấm dứt ổn định ở Thái bình Dương,' do Random House xuất bản.
Theo ông nhận định, cuộc tranh chấp địa chính trị trên Biển Ðông liên quan tới nhiều nước, khu vực có tiềm năng lớn về dầu khí, lâu nay có vẻ không được (Tây Phương) quan tâm.
“Vạc dầu có thể đang sôi sục ở Âu châu và Trung Ðông, nhưng không có nghĩa là Á Châu ổn định hơn.” Ông Kaplan nói với đài truyền hình CTV ở Toronto hôm Thứ Ba. “Chúng ta đã hưởng sự ổn định ở Á Châu khá lâu.”
Cuộc tranh chấp Biển Ðông liên quan 6 nước gồm Brunei, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Ðài Loan. Có nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn thể khu vực, có nước chỉ tuyên bố chủ quyền một phần. Cũng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật về vùng biển và quần đảo Senkaku.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không trên biển Hoa Ðông, bao gồm cả khu vực quần đảo Senkaku. Hành động này đã bị Mỹ, Hàn, Nhật đả kích dữ dội và tuyên bố không nhìn nhận. Phi cơ quân sự của các nước này đã bay qua khu vực mà không thông báo trước như đòi hỏi của Bắc Kinh.
Những vùng giông tố nói trên có thể là điểm phát khởi cho những loạt tranh chấp có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào và có thể làm hỗn loạn thị trường tài chính quốc tế, theo ý kiến của ông Kaplan.
“Á Châu lâu nay đang ở giữa những cuộc chạy đua võ trang lớn lao nhất.” Ông nói.
Ðiều đáng quan ngại đặc biệt, theo ông, là việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng liên tục mấy năm qua. Mới tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh loan báo tăng ngân sách quốc phòng năm nay 12.2%. Theo bản tin Tân Hoa Xã, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng này cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Trong một tình huống giả định là Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và năng lực của Hoa Kỳ giảm xuống, theo phân tích của ông Kaplan thì “Các cơ nguy xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng lên rất cao.”
Hệ quả của một cuộc chiến giả định như thế sẽ làm xáo trộn thị trường tài chính thế giới, đồng thời, Trung Quốc có cái thế mạnh trong tay sẽ lấn chủ quyền lãnh thổ của các nước khác chung quanh, gồm cả Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trong ngày Thứ Ba, ám ảnh bởi một cuộc xung đột quân sự có thể liên quan đến cả Hoa Kỳ về các cuộc tranh chấp trên Biển Ðông và Hoa Ðông ngày càng trở nên rõ nét hơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói với người đồng nhiệm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có quyền ngang nhiên thiết lập vùng phòng không.
“Tất cả các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có quyền làm như thế một mình mà không có sự hợp tác hay sự tham khảo của các nước khác.”
Ông Chuck Hagel nói ở Bắc Kinh. Ông cho hay thêm là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản, Philippines và các đồng minh khác liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc.
Theo Trung Tâm Khảo Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies) ở Hoa Thịnh Ðốn, Cơ quan Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của LHQ (UN Convention on the Law of the Sea) không có quy định giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thế nào.
Trong một bài viết khác phổ biến trên tờ South China Morning Post hôm Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014, ông Mark Valencia, một chuyên viên Mỹ phân tích địa chính trị khu vực Á Châu, cho rằng các tranh chấp về Biển Ðông sẽ vẫn tiếp diễn và không thấy một giải pháp nào trong tương lai gần, cho dù một cuộc chiến tranh toàn diện nhiều phần sẽ không xảy ra.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí khi đến Honolulu họp với Hoa Kỳ và đại diện các nước ASEAN khác về đối phó với thiên tai và các loại thảm họa khác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng ASEAN và Trung Quốc rất muốn thấy có bản Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông sớm được thành hình.
Nhận định lạc quan của ông khác với những lời tuyên bố của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh, tức trước đến nay, không thay đổi lập trường đòi độc chiếm cả Biển Ðông và chỉ muốn đàm phán tay đôi với các nước tranh chấp để lấy thế nước lớn dễ chèn ép.
Không những vậy, các cuộc tập trận hải quân quy mô của Trung Quốc hàng năm vẫn diễn ra nhiều lần chỉ để uy hiếp tinh thần các nước nhỏ phía Nam. (TN)
*****

 

Chính Châu Âu giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự

RFI - Thứ năm 01 Tháng Năm 2014

Đức Tâm

Vào lúc Bắc Kinh đầu tư mạnh mẽ cho quân đội và tỏ ra hung hăng với các nước láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ, thì nhiều nước Châu Âu đã thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ qua việc bán vũ khí và cung cấp công nghệ quân sự, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. AFP đã tiến hành điều tra và đưa ra nhận định như trên.

Không quân Trung Quốc hiện đang sử dụng trực thăng theo ý tưởng và thiết kế của Pháp. Khu trục hạm và tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động ngang dọc ở biển Trung Hoa được lắp đặt động cơ của Đức và Pháp. Các động cơ này được giao cho Trung Quốc trong khuôn khổ các hợp đồng “công nghệ lưỡng dụng”, tức là cho cả dân sự và quân sự.
Cuối tháng Ba vừa qua, khi công du nước Pháp, Chủ tịch nước, kiêm Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ tăng số lượng trực thăng Airbus EC175 được chế tạo tại Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, dự án này có thể dẫn đến việc chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc.
Theo ông Bình Khả Phu (Andrei Chang), tổng biên tập tạp chí Hán hòa Quốc phòng Châu Á (Kawan Asian Defense Review) ở Hồng Kông, “các xuất khẩu của Châu Âu rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Không có công nghệ Châu Âu, hải quân Trung Quốc không thể động đậy được”.
Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Liên Hiệp Châu Âu đã cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. 25 năm sau, hai bên vẫn đang thảo luận về việc dỡ bỏ cấm vận. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, việc diễn giải lệnh cấm này lại tùy thuộc vào từng quốc gia.
Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu cho biết: “Quyết định cuối cùng cho phép hay cấm xuất khẩu vũ khí là trách nhiệm của các nước thành viên”.
Theo bản báo cáo thường niên lần thứ 15 về thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, từ năm 2002 đến 2012, các nhà sản xuất vũ khí Châu Âu đã nhận được giấy phép xuất khẩu với tổng giá trị lên đến 3 tỷ euros.
Trong năm 2012, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã cho phép xuất khẩu 173 triệu euros vũ khí, trong đó có cả “những đại bác nòng trơn” của Anh và “tàu chiến” của Hà Lan. Hơn 80% các giấy phép xuất khẩu này là của Pháp và một báo cáo của nghị viện Pháp thẩm định, trong năm 2012, vũ khí mà Pháp bán cho Trung Quốc trị giá 104 triệu euros.
Năm 2013, Trung Quốc đã nhập khẩu chủ yếu vũ khí từ Nga. Khoảng 18% tổng số lượng vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu, đến từ Pháp, Đức và Anh.
Hiện nay, Trung Quốc có ngân sách quân sự đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Tháng trước, Bắc Kinh thông báo chi phí quân sự trong năm 2014 tăng 12%.
Các động cơ cũng như các phần mềm được thiết kế cho máy bay tiêm kích, đã được xuất khẩu dưới dạng “các công nghệ lưỡng dụng” và do vậy, tránh được lệnh cấm vận.
Bà Bernadette Andereosso, phụ trách nghiên cứu Châu Âu ở Đại học Limerick, Ai Len, nhận định, chính sách “lưỡng dụng” của Châu Âu “rất tự do và rất khoan dung”.
Ông Roger Cliff, chuyên gia quân sự thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, các trực thăng mới nhất của quân đội Trung Quốc chỉ là một phiên bản được hiện đại hóa từ các trực thăng của Airbus.
Đối với ông Emil Kirchner, đại học Essex, Anh Quốc, thì “việc thiếu vắng một chiến lược chung của Châu Âu có thể sẽ gây ra những thiệt hại cho lợi ích của chính Châu Âu”.
Theo ông Andrew Smith, thuộc tổ chức phi chính phủ “Chiến dịch chống bán vũ khí”, các giá trị của Châu Âu “rất thường xuyên bị trà đạp chỉ vì những lợi nhuận trước mắt của các doanh nghiệp sản xuất vũ khí”.
Đương nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về cuộc điều tra của AFP.
*****
Chuyên gia Nhật loại trừ nổ ra xung đột vũ trang trên biển

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+) lúc : 12/05/14    
Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có bài phỏng vấn giáo sư danh dự Trường Đại học Tokyo, ông Akira Ishii, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Giáo sư Akira Ishii là người am hiểu và có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc cận-hiện đại.
- Hồi tuần trước, Trung Quốc tuyên bố hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou-981) trái phép tại thềm lục địa Việt Nam và còn thực hiện những động thái mang tính khiêu khích nguy hiểm nhằm vào các tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam như phun vòi rồng và cố tình đâm va gây hư hại tàu, gây thương tích cho một số cán bộ chấp pháp Việt Nam. Theo Giáo sư, lý do thực sự của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này là gì ạ?
Giáo sư Akira Ishii: Trung Quốc đã có ý đồ khai thác nguồn lợi dầu mỏ ở Biển Đông từ cách đây hàng thập kỷ. Tôi cho rằng diễn biến phức tạp trên thực địa vừa rồi cũng như căng thẳng được đẩy lên cao ở Biển Đông giữa hai nước chưa hẳn đã nằm trong dự liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ quyết định đặt giàn khoan Hải Dương 981. Họ chưa lường hết được những hệ quả của động thái này. Động thái đó đã buộc Việt Nam phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, hoạt động của hải quân Trung Quốc tại khu vực Hoàng Sa vẫn tỏ ra dè dặt và chưa thấy có dấu hiệu gia tăng. Cần lưu ý là sự kiện lần này xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến công du châu Á lần này, Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp định hợp tác quân sự, thắt chặt quan hệ đồng minh. Và đây có thể là lý do chính khiến cho căng thẳng trên Biển Đông được đẩy lên cao.
- Có quan điểm cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa Việt Nam không chỉ nhằm mục đích khai thác cho nhu cầu dầu lửa mà nó mang động cơ về chính trị. Ý kiến của ông về việc này ra sao ạ?
Giáo sư Akira Ishii: Việc Trung Quốc xác lập quyền kiểm soát đối với các vùng biển đã nằm trong mục tiêu hàng thập kỷ qua của nước này. Ý nghĩa của việc xác lập quyền chi phối hải dương của Trung Quốc là nhằm đối đầu với Mỹ.
Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch cân bằng ảnh hưởng với Mỹ thông qua việc phân chia phạm vi ảnh hưởng và chi phối thực tế tại Tây Thái Bình Dương. Biển Đông và biển Hoa Đông đương nhiên là không nằm ngoài toan tính của Bắc Kinh. Và thực tế là chúng ta đã nhận thấy quan điểm mở rộng ảnh hưởng về hải dương của Trung Quốc thông qua các sự kiện vừa rồi. Rõ ràng, đối tượng chính mà Bắc Kinh muốn nhắm đến chính là Washington.
- Để đối phó với tham vọng hải dương và những động thái nguy hiểm của Trung Quốc trên các vùng biển, Nhật Bản và các quốc gia cần phải làm gì để ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ nổ ra xung đột?
Giáo sư Akira Ishii: Theo tôi, các nước trong đó có Nhật Bản cần sớm thống nhất đối sách hiệu quả nhằm đương đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với khu vực. Đây là một sứ mệnh tối quan trọng. Và căn cứ để chúng ta triển khai được việc đó không gì khác là phải dựa vào Luật pháp quốc tế.
Trở ngại lớn nhất mà các nước hiện đang gặp phải chính là những tranh cãi về vấn đề sở hữu các hòn đảo. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên đúng là tất cả các nước đều có quyền tự do đi lại trên biển.
Tôi cho rằng “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông quả thật là một điều “nực cười.” Dù có nói thế nào thì căn cứ vào luật pháp quốc tế, “đường chín đoạn” cũng hết sức phi lý. Theo hiểu biết của tôi thì “đường chín đoạn” không phải do Chính quyền Trung Quốc hiện nay tự nghĩ ra mà nó có nguồn gốc từ thời Trung Hoa Dân Quốc. Về sau, Chính quyền Trung Quốc hiệu chỉnh lại và dựa vào vào đó để đưa ra các yêu sách chủ quyền. Và đương nhiên là các nước đã phản ứng trước sự phi lý của “đường chín đoạn” căn cứ theo luật pháp quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố rằng Biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh song tôi được biết không ít người Trung Quốc có quan điểm khác với chính quyền và họ ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển của các quốc gia.
- Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì qua động thái đặt giàn khoan tại thềm lục địa của Việt Nam?
Giáo sư Akira Ishii: Rất khó để xác định được cái được và cái mất của Trung Quốc thông qua sự việc lần này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách chiếm đóng đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như mở rộng khả năng kiểm soát đối với vùng biển xung quanh quần đảo này. Tôi e rằng Trung Quốc sẽ thực hiện mục đích khai thác và tìm kiếm các nguồn lợi dầu mỏ đến cùng đối với khu vực này.
Cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đang gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ động thái trên. Từ ngày 10/5, Hội nghị của ASEAN tại Myanmar bắt đầu khai mạc. Đương nhiên là Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những động tĩnh từ Hội nghị lần này bởi Việt Nam sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo.
Tôi cho rằng chắc chắn Việt Nam cần đưa ra đề nghị đối với ASEAN là phải nhất trí một quan điểm và đối sách rõ ràng đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ chờ đợi xem ASEAN có phản ứng ra sao đối với các sự kiện vừa qua tại Biển Đông và các nước Đông Nam Á sẽ đi đến nhất trí trong vấn đề gì và với mức độ thế nào để từ đó Bắc Kinh xác định những động thái tiếp theo của họ trong thời gian tới.
- Như giáo sư cũng biết là Philippines đã đưa vấn đề “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra tòa án quốc tế phân xử và có ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi nghĩ là mỗi nước đều có lập luận và tuyên bố riêng về vấn đề lãnh thổ. Trong trường hợp của Nhật Bản, Tokyo cho rằng không có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku và lẽ dĩ nhiên là không thể đưa ra tòa án quốc tế.
Còn trong trường hợp của Việt Nam, nếu Chính phủ Việt Nam khẳng định lập trường tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, cũng có ý kiến đề xuất phương án Việt Nam cần kiện ra tòa án quốc tế và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa.
Tuy nhiên, Trung Quốc có chấp thuận tham gia phân xử hay không lại là một vấn đề khác. Sẽ vẫn tốt hơn nếu các bạn áp dụng nhiều phương thức khác nhau để giải quyết những vướng mắc với Trung Quốc.
- Vậy ông có thể đưa ra một số dự báo về tình hình hiện nay hay không? Liệu Trung Quốc có tiếp tục những hành động leo thang hay sẽ tìm cách hạ nhiệt?
Giáo sư Akira Ishii: Một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng mở rộng ảnh hưởng tới các vùng biển của họ. Tuy nhiên, Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ vẫn tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Quan điểm hợp tác của các bên vẫn chưa có xáo trộn.
Trong quan hệ với Việt Nam cũng vậy, mặc dù giữa hai bên căng thẳng trong vấn đề biển đảo nhưng các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước sẽ vẫn diễn ra đều đặn và vì vậy mà quan hệ thương mại song phương không bị ảnh hưởng.
Và tôi dự đoán là chính quyền Bắc Kinh sẽ đi theo phương châm là vừa thực hiện tham vọng biển nhưng vẫn duy trì các hoạt động thương mại một cách bình thường với Việt Nam. Quan hệ Nhật-Trung hiện cũng diễn biến như vậy. Mặc dù giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện căng thẳng trong vấn đề lịch sử và chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhưng Trung Quốc chắc chắn vẫn muốn duy trì quan hệ giao thương kinh tế với Nhật Bản. Nếu như Trung Quốc và Nhật Bản dàn xếp được khúc mắc trong vấn đề lịch sử và chủ quyền biển đảo thì quan hệ hai nước sẽ trở lại quỹ đạo bình thường.
Trong vấn đề Hoàng Sa, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng mở rộng quyền chi phối thực tế đối với vùng biển quanh quần đảo này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc chưa tính đến việc đánh chiếm hay xác lập khả năng chi phối toàn bộ khu vực Biển Đông.
Tuy hiện nay các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn chưa có mấy tiến triển song việc thúc đẩy đàm phán và đặt ra với Bắc Kinh nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc này có ý nghĩa quan trọng. Tôi nghĩ là không có biện pháp nào khác ngoài việc các bên cùng thương lượng sớm đi đến thống nhất COC và đây là cách thức duy nhất để hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.
- Sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tình hình chính trị thế giới có nhiều thay đổi trong đó Nga và Trung Quốc đang có xu hướng xích lại gần nhau. Hồi đầu tháng, hai nước này tuyên bố tổ chức tập trận trên biển Hoa Đông. Theo ông, việc Nga-Trung xích lại gần nhau có tạo ra cục diện mới ở châu Á-Thái Bình Dương hay không?
Giáo sư Akira Ishii: Quan hệ Nga và Trung Quốc từ lâu đã có những ràng buộc nhất định và hai bên vẫn hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ không bao giờ là đồng minh của nhau. Vì vậy, mà cuộc tập trận trên biển lần này giữa hải quân hai nước thu hút chú ý của dư luận song tôi nghĩ rằng cuộc tập trận này không nhằm vào Nhật Bản hay ASEAN.
Mối quan hệ Nga-Trung thực chất chỉ là cần đến nhau vì một mục đích nào đó trong ngắn hạn mà thôi. Hai bên không hề có ý định trở lại với quan hệ đồng minh kiểu Xô-Trung từng có trước đây. Và tôi cho rằng nên loại trừ khả năng Nga và Trung Quốc bắt tay với nhau để đối trọng với ASEAN và Nhật Bản.
- Có giả thuyết cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, dù chỉ là trong ngắn hạn thì vô hình trung có thể khiến cục diện địa chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương phân cực mạnh mẽ và làm phát sinh khả năng xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai. Đánh giá của ông về việc này ra sao ạ?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi không nghĩ là sự chuyển dịch Nga-Trung vừa qua sẽ làm bùng phát Chiến tranh Lạnh ở châu Á-Thái Bình Dương. Bất chấp tình hình ở Ukraine, biển Hoa Đông hay Biển Đông, quan điểm giữa Nga và Trung Quốc khác biệt nhau hoàn toàn.
Xét về toàn cục, Trung Quốc gần như không đồng tình với Nga trên mọi phương diện. Đơn cử như việc Trung Quốc không chấp nhận tách độc lập cho các dân tộc thiểu số như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ trong khi Nga cho rằng Bắc Kinh cần phải tiến hành việc này. Cho nên tôi nghĩ cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là cơ hội châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh giữa khối Nga-Trung và khối Nhật-Mỹ-ASEAN.
- Ông cho rằng khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh hầu như không có. Vậy thì nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột vũ trang cục bộ như trên biển Hoa Đông và Biển Đông liệu có xảy ra hay không?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi nghĩ các cuộc đụng độ nhỏ lẻ là việc không thể tránh khỏi nhưng những vụ đụng độ nhỏ gần như khó có thể bùng phát thành những cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn hay thậm chí là chiến tranh giữa các nước.
Với tình hình ở Biển Đông và quan hệ Việt-Trung hiện nay, tôi cho rằng tình hình sẽ không diễn biến xấu. Bằng chứng là quân đội Trung Quốc và Việt Nam không can dự vào vụ việc. Và để căng thẳng dịu bớt, vẫn cần phải có thời gian.
Giờ đã là tháng 5/2014 rồi. Tháng 9/2014, một hội nghị của APEC 2014 sẽ diễn ra tại Trung Quốc và tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các bên cải thiện quan hệ. Nhật Bản hiện cũng đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe và cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung. Từ nay đến đó, tôi nghĩ rằng tình hình sẽ lắng dịu. Lãnh đạo của Việt Nam cũng sẽ đến Trung Quốc dự hội nghị và đây sẽ là cơ hội tốt để tình hình bớt căng thẳng./.
*****
Anh ủng hộ tuyên bố của EU về căng thẳng trên Biển Đông

 (Vietnam+) : 12/05/14  
Liên quan đến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Anh cho biết nước này ủng hộ tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 8/5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ trưởng.
 Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh (FCO), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hugo Swire khẳng định: "Việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam đã khiến căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8/5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ trưởng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng leo thang."
Trước đó, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính chính sách an ninh và đối ngoại EU đã ra tuyên bố về tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự, uy hiếp và gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi quan ngại về những diễn biến giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Trung Quốc Hải Dương-981. Đặc biệt, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc.
Chúng tôi hối thúc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này"./.
*****

Báo Nhật: Cư dân mạng Trung Quốc hung hăng quá

InfoNet: 13/5/2014

Trang Livedoor, một trong những mạng tin lớn nhất của Nhật, đã dẫn đăng lại bài viết Sankei Shimbun, chỉ trích thái độ cực đoan, hiếu chiến thái quá của cư dân mạng Trung Quốc khi nước này đi gây hấn trên biển Đông.
“Sau những va chạm trên Biển Đông, người dùng Internet Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Họ đòi chiến tranh, dùng ngôn ngữ xúc phạm đối với những các nước khác”, bài viết trên Livedoor nhận định.
Trong vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào biển Đông, Việt Nam đã mạnh mẽ lên án và tuyên bố “đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, Trung Quốc ngang ngược trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đáp lại những lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam bằng những hành động bạo lực như bắn vòi rồng, đâm tàu và thậm chí đưa cả tiêm kích đến vùng biển này.
Theo Sankei Shimbun, khi có những thông tin về xung đột trên biển Đông, cư dân mạng Trung Quốc đã có những người đòi phát động chiến tranh với những phát ngôn hiếu chiến như: “Tại sao lại chỉ là bắn vòi rồng? Hãy bắn pháo trực tiếp”. “Đánh chìm tàu Việt Nam”, “Hãy trừng phạt kinh tế và tấn công Việt Nam”…
Đồng thời, việc Phillipines bắt tàu cá Trung Quốc cùng 11 ngư dân cũng trở thành tiêu điểm truyền thông trong tuần qua ở Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã họp báo và có những phát ngôn chính thức về cả hai sự việc trên sau khi bị truyền thông thế giới làm cho “ê mặt”, nhằm vớt vát lại hình ảnh ở trong nước.
Thế nhưng, những phát ngôn của Trung Quốc lại cố tình lấp liếm, nói sai sự thật, hoặc nói chỉ một phần sự thật. Trong vụ việc tàu cá Trung Quốc bị Phillipines bắt giữ, chính phủ Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm đi thông tin về tình trạng của tàu này khi bị bắt: trên tàu có đến 500 con rùa biển quý, loài vật trong danh sách bảo tồn, bị cấm săn bắt.
Sankei Shimbun đã dẫn đăng một ý kiến của độc giả tại Hồng Kong về vụ việc này, cho rằng người những người "được biết đầy đủ thông tin" sẽ "xấu hổ mà chết" nếu bị người nước ngoài chất vấn vì vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã.
Chỉ có một số ít độc giả tỉnh táo như vậy, một trong số đó đã lên tiếng thẳng thừng trên mạng tin Sina: “Chính phủ Trung Quốc đừng làm như mình là nạn nhân nữa”.
Trong khi phần còn lại, đa số cư dân mạng bày tỏ thái độ tức giận vì “chính phủ chỉ biết cứng rắn trong nước mà nhu nhược ở ngoài”. “Phát ngôn viên Ngoại giao nói ư? Tôi không cần nghe. Nếu có một cái máy ghi âm, sẽ thấy mỗi lần họ nói một khác”, một độc giả khác chỉ trích.
Thậm chí, còn có ý kiến mỉa mai nói rằng nên đổi tên “Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành Bộ phản đối”.
Và sự việc đã đi quá đà,  việc cư dân mạng dùng từ ngữ miệt thị đối với các nước như gọi các nước đối đầu bằng “bọn khỉ”. Hành động thái quá này bị xem là một hành vi có tính kỳ thị và phản văn minh.  
Tuy nhiên, theo Sankei Shimbun, ngày 7/5, Trung Quốc bắt đầu chế độ kiểm soát bình luận độc giả và xóa nhiều bài viết cũng như các bình luận “nhạy cảm” vào ngày 8/5 để kiểm soát dư luận trong nước.
Bích Chi (lược dịch)
(Còn nữa)


No comments: