Tuesday, March 7, 2017

Cạnh tranh địa chính trị Trung-Ấn định hình bức tranh chiến lược Nam Á

Trung Quốc chỉ là một trong ba chặng dừng chân của chuyến công du nước ngoài gần đây của Ngoại trưởng Ấn Độ, song điểm dừng chân này lại có ý nghĩa bao trùm lên cả chuyến đi.
Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp. Mặc dù hai quốc gia- chiếm hơn 2/3 dân số thế giới- có quan hệ mậu dịch trị giá 70 tỷ USD, song cũng đồng thời là đối thủ của nhau. Trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ngày một lớn, quốc gia này đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Nam Á, tiến hành các dự án hạ tầng cơ sở ở các quốc gia như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Tuy nhiên, trong quá trình đó, họ đã vươn tầm với tới nơi mà Ấn Độ lâu nay vẫn xem là phạm vi ảnh hưởng của họ. Trong bối cảnh đó, ngày 18/2, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bắt đầu chuyến công du ba nước, trong đó ông tham gia cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên của Ấn Độ với Trung Quốc. Trên thực tế, quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc là nội dung xuyên suốt cả chuyến đi: Ngay cả các chặng dừng chân của ông Jaishankar ở Sri Lanka và Bangladesh cũng nhấn mạnh tới sự cạnh tranh kinh tế và chiến lược giữa hai nước tại Nam Á.
Trong năm qua, mối quan hệ có truyền thống xích mích giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên sóng gió hơn. Ông Jaishankar đặt mục tiêu làm dịu bớt một số vấn đề bằng cách thảo luận với ngoại trưởng và quốc vụ khanh Trung Quốc về quân sự, về việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân và khu vực Kashmir đang có tranh chấp. Chính phủ Ấn Độ thất vọng trước việc Trung Quốc từ chối tán thành kiến nghị của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc trừng phạt Masood Azhar, nhà sáng lập tổ chức dân quân Pakistan Jaish-e-Mohammad. New Dehli cũng phật ý khi Trung Quốc phủ quyết việc kết nạp Ấn Độ vào Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân tại cuộc họp trù bị hồi năm ngoái và Bắc Kinh đang xúc tiến kế hoạch xây dựng Hàng lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) chạy qua phần Kashmir do Pakistan quản lý. Bất luận trọng tâm cụ thể của các cuộc đàm phán vừa qua là gì, thì chủ đề rõ ràng là: Pakistan đang làm phức tạp thêm mối quan hệ Trung - Ấn.
Pakistan là đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. CPEC sẽ nối tỉnh Xinjiang kém phát triển với cảng Gwadar thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan, đem lại cho Trung Quốc một cửa ngõ xuất khẩu nữa hướng ra vùng biển Arập. Ngoài ra Trung Quốc công nhận rằng liên minh chiến lược của họ với Pakistan sẽ giúp họ đối phó dễ dàng hơn với mối đe dọa quân sự của Ấn Độ vì lẽ đơn giản là hai quốc hạt nhân cộng lại sẽ mạnh hơn một. Với tư duy như vậy, Trung Quốc đã bắt đầu ủng hộ chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan từ những năm 1980.
Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi việc củng cố quan hệ kinh tế với Pakistan, nước này sẽ còn tiếp tục cản trở yêu cầu của Ấn Độ về việc đưa Azhar vào danh sách đen, kết nạp nước này vào Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân và sửa đổi dự án CPEC. Bắc Kinh hiểu rằng nếu họ nhượng bộ trước yêu cầu của Mỹ và Ấn Độ muốn trừng phạt Azhar, một nhân vật ủng hộ việc chia cắt Kashmir, họ sẽ gây phương hại tới những lợi ích của Pakistan. Tương tự, Trung Quốc phủ quyết việc kết nạp Ấn Độ vào Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân phần nào là để phản đối việc loại Pakistan khỏi tổ chức này. Và xem ra trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm 22/2, ông Jaishankar không khiến được các quan chức chủ nhà đổi ý trong bất kỳ vấn đề nào kể trên.
Ngoài ra, những vấn đề mà ông Jaishankar đã nêu trong cuộc đối thoại chiến lược chỉ là một vài trong số những nhân tố làm căng thẳng quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc. Như một phần của chiến dịch "Sản xuất tại Ấn Độ" nhằm vực dậy ngành sản xuất trong nước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành chính sách "Hàng xóm là trên hết" để củng cố quan hệ mậu dịch của Ấn Độ với các nước láng giềng. Hiện kim ngạch mậu dịch liên khu vực chỉ chiếm 5% tổng hoạt động kinh tế của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Maldives, Bhutan, Bangladesh và Afghanistan). Trái lại, mậu dịch giữa các nước thành viên ASEAN chiếm 25% tổng kim ngạch thương mại của cả khối, và con số này ở EU là 60%. Ông Modi hy vọng tăng cường quan hệ mậu dịch với các nước Nam Á không chỉ để dành lợi ích kinh tế mà còn là để đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực.
Với Sri Lanka, nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đã gia tăng từ năm 2005 thông qua việc đầu tư ồ ạt, Ấn Độ muốn tiến hành các dự án hạ tầng cơ sở của mình tại Sri Lanka để đối phó với sự xâm nhập của Trung Quốc tại đây. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ đã cấp cho Colombo khoản vay 800 triệu USD phục vụ Dự án Phục hồi tuyến đường sắt miền Bắc. Sáng kiến này nằm trong nỗ lực của New Delhi nhằm giúp các thành viên của cộng đồng thiểu số Tamil sống ở các khu vực miền Bắc và miền Đông Sri Lanka cải thiện đời sống sau nhiều năm chiến tranh.
Chặng dừng chân cuối cùng của ông Jaishankar là Bangladesh, một quốc gia Nam Á khác đang được cả Trung Quốc và Ấn Độ đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận trị giá 24 tỷ USD với Chính phủ ở Dhaka. Trong số 27 thỏa thuận mà ông ký kết có thương vụ xây dựng nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Patuakhali. Trong khi đó, Ấn Độ cũng có những dự án ở Bangladesh, trong đó có nhà máy điện chạy bằng than Indo-Bangla Rampal với công suất 1.320 megawatt nằm ngay gần Sundarbans, rừng đước lớn nhất thế giới.
Tóm lại chuyến công du của ông Jaishankar tới Sri Lanka, Trung Quốc và Bangladesh đã đề cập đến những chủ đề quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ và làm nổi bật những lĩnh vực mà họ sẽ chủ trọng để đối phó với Trung Quốc. Cả hai nước đều coi Nam Á là khu vực hàng xóm quan trọng của mình. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc này chắc chắn sẽ định hình bức tranh kinh tế và chiến lược của Nam Á trong những thập niên tới.
Theo “Stratfor
Nhật Linh (gt)

No comments: