Võ Minh Tập
NCS, Trường Đại
học KHXH-NV TP.Hồ Chí Minh
Tóm tắt/ Abstract
Trải qua gần 47 năm xây dựng và phát triển, ASEAN là một
tổ chức khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới. Sự kiện được xem là bước
ngoặt trong lịch sử phát triển của tổ chức ở thế kỉ XXI là tiến đến xây dựng Cộng
đồng ASEAN (AC) vào năm 2015, trong đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được đánh
giá là nổi bật và quan trọng nhất. Như vậy, lộ trình xây dựng và hiện thực hóa
AC, cũng như AEC phải mất thời gian hơn 10 năm (2003 – 2015).
Căn cứ vào cơ sở lí luận và thực tiễn của ASEAN, việc
hiện thực hóa AEC đem lại những thuận lợi, cơ hội tích cực cho các nước thành
viên nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức, thậm chí dẫn đến tụt hậu trong
quá trình liên kết, hội nhập và phát triển, nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra. Đối
với Việt Nam, xét về kinh tế và yếu tố hội nhập vẫn còn gặp nhiều bất cập như về
tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, kết cấu hạ tầng giao thông và năng lượng, qui
mô thị trường và cấu trúc ngành nghề, chất lượng các nguồn lực, chênh lệch
trình độ phát triển, cơ chế và chính sách…
Do đó, bài viết này tập trung phân tích và làm rõ: (1)
Khái quát Cộng đồng kinh tế ASEAN và vai trò của Việt Nam; (2) Thực trạng Việt
Nam khi tham gia và hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN; và (3) Đối sách của
Việt Nam đối với quá trình hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Từ khóa: ASEAN, cộng đồng ASEAN, đối sách, kinh tế….
VIETNAM IN PROCESS
OF PARTICIPATING IN REALIZING
THE ASEAN
ECONOMIC COMMUNITY (AEC):
REAL SITUATION AND RESPONSE
After
nearly 47 years of implementation and development, ASEAN is one of the most
dynamic regional organizations. The event which is considered as a milestone in
the history development of organization in the XXI century, is setting up ASEAN
Community (AC) in 2015, of which, the ASEAN Economic Community is
appreciated as the most prominent and
important. Thus, the plan in implementing and realizing AC, as well as AEC has
been taken for over 10 years (2003-2015).
Based on the
theoretical basis and reality of ASEAN, realization of AEC not only brings
about advantages, positive chances to the national members but also a lot of
challenges, or even leads to lagging behind in process of connection,
integration and development, a lot of issues continue appear. For Vietnam, in
term of economy and integration factors still remain many inadequacies such as
growth, competitiveness, transport infrastructure and energy, market scope and
profession structure, quality of sources, difference in development level,
institutional and policy…
Therefore,
this article focuses on analysing and clarifying: (1) Generalized of economy
community ASEAN and role of Vietnam; (2) Reality of Vietnam when participating
and realizing the ASEAN economic Community; and (3) Response of Vietnam with
ASEAN economic community's realizing process.
Key words: ASEAN, ASEAN community, response, economy…
1. Khái quát cộng đồng kinh tế ASEAN và vị trí của Việt
Nam
Ý tưởng về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)[1]
đã được Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh
ASEAN VIII tại Campuchia (11/2002) và chính thức được các nguyên thủ quốc gia thành
viên ASEAN nhất trí thành lập AEC vào năm 2020 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần
thứ 9 (Bali, Indonesia, 10/2003), nhưng do bối cảnh thế giới và khu vực thay đổi,
đến Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 12 (Cebu, Philippin, 1/2007) đã nhất trí đẩy
nhanh quá trình xây dựng AC vào năm 2015 và đưa ra Kế hoạch Tổng thể AEC (AEC
Blueprint) 12/2007 tại Singapore.
Kế hoạch Tổng thể AEC nhấn mạnh “AEC là
mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế như đã được nhấn mạnh trong Tầm nhìn
ASEAN 2020[2],
dựa trên sự hội tụ các lợi ích của các nước thành viên ASEAN nhằm làm sâu sắc
và mở rộng hội nhập kinh tế thông qua sáng kiến hiện có và những sáng kiến mới
với thời gian đã định”[3].
Theo đó, Kế hoạch Tổng thể đặt ra mục tiêu làm thay đổi ASEAN thành một thị trường
và cơ sở sản xuất duy nhất; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; một khu
vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu[4].
Bốn nội dung nêu trên cũng chính là những đặc trưng quan trọng nhất của mô hình
AEC 2015. Vì vậy, lộ trình mà AEC cần thiết phải thực hiện các cam kết thuộc
nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tự
do hóa luồng vốn, công nghệ và nguồn nhân lực vào một cơ sở sản xuất và thị trường
chung… Đây là những nội dung chính mà các nước trong khu vực đang hết sức nỗ lực
hoàn thành nhằm thực hiện được mong muốn hội nhập khu vực ở mức độ sâu nhất có
thể.
Về mô hình, việc thực hiện thành công mô hình AEC với 4 đặc trưng nêu trên, ASEAN
sẽ là một thị trường chung, có sự lưu chuyển tự do các yếu tố sản xuất như hàng
hóa, vốn, nguồn nhân lực, dịch vụ, đầu tư, lao động có kĩ năng…
Về thời gian, AEC sẽ phải hoàn thành vào năm 2015.
Về biện pháp thực hiện, các thành viên ASEAN sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập thông qua các
chương trình sẵn có và mới như tự do thương mại hàng hóa tiến tới hoàn thành
Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA); triển khai và hoàn thành các hiệp định
như Hiệp định về thuế quan ưu đãi (CEPT), Hiệp định Thương mại Hàng hóa
(ATIGA), tự do hóa một số lĩnh vực dịch vụ để hoàn thành Hiệp định khung về
thương mại dịch vụ (AFAS), tự do hóa đầu tư và tạo lập Khu vực đầu tư ASEAN
(AIA), thực hiện chế độ đầu tư tự do và mở nhằm hoàn thành Hiệp định Đầu tư
Toàn diện ASEAN (ACIA). Đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển và
xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng liên ASEAN là thực hiện Sáng kiến liên kết
ASEAN (IAI), triển khai các FTA, CEP của ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Hàn
Quốc, Nhật Bản, và tương lai là Mĩ, EU). Mặt khác, các thành viên phải quyết
tâm thực hiện kế hoạch phát triển và liên kết thị trường vốn, thực hiện tự do
di chuyển của dòng vốn trong ASEAN, thiết lập các cơ chế khu vực nhằm tạo thuận
lợi cho sự di chuyển tự do của lao động có kĩ năng, hoàn thành Hiệp định khung
ASEAN về Hội nhập các khu vực ưu tiên và thức đẩy các chương trình hợp tác
trong ASEAN về lương thực, nông, lâm nghiệp…
Về thể chế, ASEAN cần hoàn thiện các thể chế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và đẩy
mạnh hợp tác với các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh, bảo vệ người
tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng…. Hiện tại, AEC vẫn
là một thể chế còn lỏng lẽo, chưa có cơ quan giải quyết tranh chấp ra các quyết
định có tính chất bắt buộc đối với các nước thành viên, cho nên trước mắt ASEAN
cần củng cố cơ chế thực thi và giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm tăng
tính cưỡng chế cho các cam kết trong các hiệp định kinh tế khu vực, các nội
dung cần thêm vào AEC như hoàn toàn tự do hóa lĩnh vực dịch vụ; xây dựng một cơ
chế cho phép mọi đối tượng lao động được tự do di chuyển; tự do hóa hoàn toàn
lĩnh vực tài chính và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô[5]…
Kết quả thực hiện bước dầu các biện pháp được ASEAN đưa ra từ năm 2008 đến
tháng 12/2011 cho thấy, tỉ lệ thực hiện của bốn trụ cột như sau: Một thị trường
và cơ sở sản xuất thống nhất đạt 65,9%; Khu vực có tính cạnh tranh cao đạt
67,9%; Một khu vực phát triển đồng đều đạt 66,7% và hội nhập vào nền kinh tế
toàn cầu đạt 85,7%. Tính chung cả 4 trụ cột của AEC, các nước ASEAN đã hoàn
thành 187/277 biện pháp, đạt tỉ lệ 67,5%[6]
và đến 4/2013 thì ASEAN đã hoàn thành 259 biện pháp, đạt 77,54%[7]. Tính chung năm
2013, ASEAN đã hoàn thành khoảng 72% tổng số các biện pháp trong Lộ trình tổng
thể xây dựng AEC. Riêng đối với các biện pháp ưu tiên hoàn thành AEC,ASEAN đã
hoàn thành 81,7%[8]. Các lĩnh
vực đang được thúc đẩy thảo luận là thu hẹp khoảng cách phát triển, xử lý các
rào cản thương mại phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, kết nối. ASEAN cũng
đang nỗ lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN trong các lĩnh vực
nông-lâm-thủy sản, thảo luận khuôn khổ về an ninh lương thực ASEAN.
Như vậy, chỉ còn 2 năm nữa, AEC trở thành hiện thực cho toàn bộ khu vực,
những tham vọng lớn lao đó được các nước kì vọng. Tuy nhiên, kết quả bước đầu
cũng cho thấy độ chín muồi của các trụ cột mà ASEAN thực thi để năm 2015 trở
thành hiện thực còn là một thách thức, khó khăn lớn cần phải vượt qua, nếu
không hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra, khi AEC thành hiện thực thì sau đó sẽ
gặp không ít trở ngại và khó khăn nối tiếp và dài thêm.
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng theo
chiều dài của lịch sử phát triển, Việt Nam luôn ưu tiên chiến lược trong quá
trình mở rộng cơ chế hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực. ASEAN luôn
là điểm tựa và là cầu nối trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là
trong thế kỉ XXI. Tham gia AEC là thước đo để đánh giá quá trình hội nhập kinh
tế với không gian rộng hơn, thể chế phức tạp hơn, tính chất cạnh tranh quyết liệt
hơn, từ đó Việt Nam có cơ hội điều chỉnh và hoàn thiện mình, để mang lại lợi
ích, thịnh vượng và phồn vinh cho đất nước.
Chính vì thế, vai trò của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa AC nói
chung và AEC nói riêng được phản ảnh trên các phương diện quan trọng sau: Việt
Nam đã có vai trò tích cực trong việc đoàn kết khu vực, đưa ASEAN trở thành diễn
đàn hữu nghị và hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Những nổ lực của Việt
Nam đối với ASEAN trong cả tiến trình phát triển của Hiệp hội là tiên phong, đi
đầu. Từ vai trò là chủ tịch ASEAN 2010, đến vai trò Tổng thư kí ASEAN hiện nay,
Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong quá trình đưa ra
các sáng kiến hợp tác, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, góp
phần đóng góp to lớn cho thành công của AEC.
Việt Nam giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế của Hiệp
hội thông qua các Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), để thực hiện tầm nhìn
ASEAN 2020, đóng góp các biện pháp, khung thể chế, thực hiện lộ trình để rút ngắn
hiện thực hóa AEC 2015. Việt Nam là nước phát triển kinh tế khá năng động, luôn
có trách nhiệm hoàn thành các cam kết AEC, vượt qua các nước ASEAN 4, tạo niềm
tin cho hội nhập khu vực, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
2.2. Thực trạng Việt Nam khi tham gia và hiện thực hóa
Cộng đồng kinh tế ASEAN
Tham gia và hiện thực hóa AEC là một nổ lực rất lớn của các quốc gia
thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng, đây cũng là một nội dung thực tế để
đánh giá sự hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam trong thời kì toàn cầu
hóa. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố từ bên ngoài (ngoại lực) và bên
trong (nội lực), nhất là yếu tố bên trong cần phải được đánh giá thực tế để thấy
được vị thế, chỗ đứng, đóng góp và triển vọng của Việt Nam khi tham gia AEC.
Thứ nhất, về quyết
tâm chính trị, ý chí và nổ lực của Việt Nam. Đây là vấn đề được cho là quan trọng
nhất để đánh dấu sự thành công hay thất bại của Việt Nam, cũng như chính AEC.
Những tham vọng của AEC là rất lớn, là hợp lí, nhưng để thực thi nó là không dễ
dàng. Lý do được đưa ra ở chính quyết tâm của các nước thành viên, khi tình
hình chính trị, an ninh khu vực đầy biến động như hiện nay (xét về cạnh tranh
chiến lược các nước lớn tại khu vực, nhân tố Trung Quốc và quan hệ của các nước
ASEAN với các đối tác bên ngoài), khả năng đóp góp, ứng xử của từng nước, nhất
là lợi ích mà các nước theo đuổi. Trong vấn đề Biển Đông, các nước trong khu vực
có nhiều cách ứng xử khác nhau, làm cho ASEAN có dấu hiệu bị chia rẽ lớn. Để hiện
thực hóa AEC thì các thành viên ASEAN cần đoàn kết và ý chí chính trị luôn đóng
vai trò quan trọng nhất, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm và là xương sống trong hợp
tác khu vực. Ở vấn đề này, Việt Nam là nước có quyết tâm, ý chí và nổ lực rất
cao và chân thành. Điều này thể hiện các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN như
tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, hội nghị các quan chức chuyên môn
cao (cấp Thứ trưởng và Vụ trưởng), ở cương vị Tổng thư kí ASEAN, Chủ tịch
ASEAN, sáng kiến AIA… đến việc thực thi và kí kết các hiệp định về kinh tế của
ASEAN…Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay mà Việt Nam cần phải cố gắng vượt qua
như đồng thuận với các thành viên trong việc đưa ra các kế hoạch, các biện pháp
thực hiện; chủ nghĩa bảo hộ còn khá mạnh và níu kéo còn khá lớn trong khu vực;
thu hẹp chênh lệch phát triển và cải cách thể chế điều tiết khu vực…
Thứ hai, về tiềm lực
quốc gia. Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển và hội nhập khu vực và thế
giới. Là đất nước đông dân (hơn 90 triệu người), có nguồn tài nguyên phong phú
và đa dạng, tiềm năng cần phải được khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, nguồn nhân
lực của Việt Nam chất lượng vẫn còn thấp do bất cập của ngành giáo dục và đào tạo
và cung cách sử dụng, thu hút nguồn nhân lực, nhân tài của Việt Nam không hiệu
quả, điều này làm lãng phí và thất thoát về nguồn nhân lực của Việt Nam so với
các nước trong khu vực. Tài nguyên thiên nhiên (năng lượng, du lịch, biển đảo,…)
là ưu thế lớn của Việt Nam nhưng còn nhiều bất cập. Sức mạnh kinh tế, sức mạnh
quân sự, trình độ khoa học – công nghệ, cơ sở hạ tầng, pháp luật và chính sách…
còn thấp so với nhiều nước, nhất là còn thấp so với các nước ASEAN-6 (Thái Lan,
Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippin, Brunei).
Thứ ba, về năng lực cạnh
tranh[9];
trình độ phát triển kinh tế và tăng trưởng. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới xếp
hạn cạnh tranh 144 quốc gia năm 2012 – 2013, trong đó các nước ASEAN 6 ở hạng
rất cao, còn ASEAN 4, xếp hạng rất thấp, Việt Nam xếp hạn 75, tụt 10 bậc so với
năm 2011 – 2012, đến năm 2013 – 2014,
Việt Nam tăng lên 5 bậc. Cụ thể, theo Diễn đàn
kinh tế thế giới (WEF), việc tăng hạng này chủ yếu nhờ những cải thiện của Việt
Nam về môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc) khi lạm phát trở về
mức một con số trong năm 2012, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng
lượng cũng được cải thiện (xếp thứ 82, tăng 13 bậc. Ngoài ra, Việt Nam cũng có
bước tiến về hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc nhờ giảm các
rào cản thương mại và thuế quan. Theo bản báo cáo năm 2014/2015 của WEF,
thứ hạng của Việt Nam tăng thêm 2 bậc so với năm 2012-2013, Việt Nam có điểm cạnh tranh GCI là 4,23 đứng
thứ 68, sau 5 nước ASEAN không thay đổi thứ hạng là Singapore 2; Malaysia
20; Thái Lan 31; Indonesia 34 và Philippin 52, Việt Nam đứng trên Lào 93 (tụt
12 bậc), Campuchia 95 (tụt 13 bậc), Myanmar 134 (tăng 5 bậc). Trong đó, xếp hạn
cạnh tranh của Việt Nam về thể chế (3,51 xếp 92); kết cấu hạ tầng (3,74 xếp
81); môi trường kinh tế vĩ mô (4,66 xếp 75) và các lĩnh vực giáo dục tiểu học
và y tế (5,86, xếp 61). Đối với môi
trường kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện đứng thứ 75 trên thế giới và thứ 6
trong ASEAN, thấp hơn Singapore (thứ 15), Thái Lan (thứ 19), Philippines (thứ
26), Indonesia (thứ 34), Malaysia (thứ 44), nhưng cao hơn Campuchia (thứ
90), Myanmar (thứ 116), Lào (thứ 124). Đối với trụ cột về kết cấu hạ tầng, mà nước ta coi
là một trong ba đột phá chiến lược, Việt Nam xếp thứ 81, hay là đứng thứ 5
trong các nước ASEAN, sau các nước Singapore (thứ 2); Malaysia (thứ 25); Thái
Lan (thứ 48); Indonesia (thứ 56), hơn Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.
Lĩnh vực thể chế được xem là khâu đột phá chiến lược,
nhưng thứ hạng còn kém, chỉ đứng thứ 92 trên thế giới, và xếp thứ 6 trong
ASEAN, còn được xếp kém cả Singapore (thứ 3); Malaysia (thứ 20); Indonesia (thứ
53); Lào (thứ 63), Philippines (thứ 67); Thái Lan (thứ 84), chỉ hơn Campuchia
(thứ 119) và Myanmar (thứ 127)[10].
Nhìn tổng quan, thứ hạng của Việt Nam vẫn không cao, đòi hỏi Việt Nam kiên trì
nỗ lực hơn nữa trong dài hạn để vươn lên mạnh mẽ.
Xét về tăng trưởng kinh tế, ASEAN nói chung có
mức độ tăng trưởng khá cao so với các khu vực khác trên thế giới, năm 2010 là
7,8%, đến năm 2012 đạt bình quân 5,2%[11].
Riêng trong khu vực ASEAN, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng
trưởng trung bình là năm 2006 (6,1%), 2008 (4,2%), 2009 (1,2%), 2010 (7,8%),
2012 (5,7%), 2013 (5,1%). Nhưng so với từng nước trong khu vực ASEAN thì không
đồng đều, riêng Việt Nam đạt được tốc độ khá cao từ 5,3% (2009) lên 6,78%
(2010), năm 2012 lại giảm xuống còn 5,03%[12],
năm 2013 khoảng 5,42% và có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn thấp hơn so
với các nước cùng thời điểm. Lý do cơ bản là do tác động của cuộc khủng hoảng
tài chính năm 2008-2009, đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính của ASEAN
và do năng suất lao động thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng. Điều này
cũng chứng minh cho khả năng cạnh tranh của ASEAN thấp, ảnh hưởng đến hiện thực
hóa AEC sau 2015.
Ngoài ra, vấn đề lạm phát, nợ nần, thất nghiệp,
thâm hụt thương mại cũng khá lớn ở khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. So
với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức lạm phát lớn nhất từ 7,5% (2006) lên 9,2% (2010) so với mức trung bình
của ASEAN là 4%[13], năm
2011 tăng vọt đến 18,13%, cao nhất trong ASEAN, sau đó giảm xuống ở mức 1 con
số là 6,81% (2012), 6,04% (2013), xếp thứ 3 trong khu vực, lạm phát khoảng 3
năm trở lại đây giảm là nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Tuy
nhiên, theo đánh giá của bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN stats)
thì kết quả kiềm chế lạm
phát ở Việt Nam vẫn còn chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro[14].Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng
trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 dao động trong khoảng 5,4% -5,6% (thấp hơn
so với chỉ tiêu mà Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ Sáu thông qua cuối năm 2013
là 5,8%) và lạm phát biến động quanh mức 6,5% - 7,9%[15],điều này do giá
lương thực, thực phẩm, giá xăng và đồng nội tệ suy yếu. Về nợ nước ngoài, Việt
Nam thấp hơn ASEAN 6 nhưng lại cao hơn các nước còn lại trong ASEAN 4. Đối với
vấn đề quan trọng nữa ở lĩnh vực thâm hụt thương mại, hầu hết các nước đều có
mức thâm hụt lớn, ít an toàn. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức độ
thâm hụt lớn nhất, ví dụ năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là
96,9 tỷ USD (tăng 34,2% so với năm 2010), trong khi đó nhập siêu là 106,7 tỷ
USD (tăng 25,8%)[16]. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 142,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt mức sát sao là 144,5 tỷ USD. kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2013 chỉ tăng 15,4%
so với năm 2012, giảm so với mức tăng 34,2% của năm 2011 và 18,2% của năm 2012.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2013 tăng cùng mức 15,4% so với
xuất khẩu, cao hơn mức 6,6% của năm 2012[17].
Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại chủ yếu là do tình trạng nhập
siêu, dự trữ ngoại hối thấp, tỷ giá hối đoái giảm.
KIM NGẠCH
XNK HÀNG HÓA, NHẬP SIÊU VÀ TỶ LỆ NHẬP SIÊU
QUA CÁC NĂM
CỦA VIỆT NAM (2001 – 2013)
Năm
|
XK (triệu USD)
|
Tốc độ tăng XK (%)
|
Nhập khẩu (triệu USD)
|
Tốc độ tăng NK (%)
|
Nhập siêu (triệu USD)
|
Tỷ lệ nhập siêu so với XK
(%)
|
2001
|
15.029,2
|
3,8
|
16.217,9
|
3,7
|
1.188,7
|
7,9
|
2002
|
16.706,1
|
11,2
|
19.745,6
|
21,8
|
3.039,5
|
18,2
|
2003
|
20.149,3
|
20,6
|
25.255,8
|
27,9
|
5.106,5
|
25,3
|
2004
|
26.485,0
|
31,4
|
31.968,8
|
26,6
|
5.483,8
|
20,7
|
2005
|
32.447,0
|
22,5
|
36.761,1
|
15,0
|
4.314,0
|
13,3
|
2006
|
39.826,2
|
22,7
|
44.891,1
|
22,1
|
5.064,9
|
12,7
|
2007
|
48.561,4
|
21,9
|
62.764,7
|
39,8
|
14.203,3
|
29,2
|
2008
|
62.685,1
|
29,1
|
80.713,8
|
28,6
|
18.028,7
|
28,8
|
2009
|
57.096,3
|
-8,9
|
69.948,8
|
-13,3
|
12.852,5
|
22,5
|
2010
|
71.629,0
|
26,4
|
84.801,2
|
21,2
|
12.609,3
|
17,5
|
2011
|
96.905,7
|
34,2
|
106.749,9
|
25,8
|
9.844,2
|
10,2
|
2012
|
114.529,0
|
18,2
|
113.780,0
|
6,6
|
748,8
|
0,7
|
2013
|
132.032,9
|
15,3
|
132.032,6
|
16,1
|
500,0
|
0,4
|
Nguồn: Niên giám của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan và tính toán của tác
giả.
Tóm lại, tổng quan
về lộ trình trong quá trình tham gia và hiện thức hóa AEC, Việt Nam được đánh
giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Điều này thể hiện rõ ở những đóng
góp quan trọng trong quá trình thực hiện các sáng kiến, biện pháp, kế hoạch
tổng thể của AEC, nổi bật nhất là thực hiện ở 4 trụ cột về một thị trường và cơ
sở sản xuất thống nhất (như tham gia các hoạt động về thương mại hóa bằng việc
kí kết các Hiệp định Thương mại hàng hóa, góp phần tăng tỉ trọng thương mại nội
khối từ 21% (1998) lên 25 % (2011)[18],
về dòng tự do của lĩnh vực dịch vụ, dòng đầu tư và vốn tự do, dòng di chuyển tự
do của lao động có kỹ năng…); thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng khu vực
kinh tế có tính cạnh tranh cao (như chính sách và luật cạnh tranh, bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ viễn thông, năng lượng);
dần tích cực nổ lực để rút ngắn trình độ phát triển tạo nên khu vực phát triển
kinh tế đồng đều và hội hập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế phản ảnh Việt
Nam còn nhiều việc phải làm, nổ lực hơn nữa, nếu so sánh với nhiều nước nội
khối ở nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế lớn, điều này tác động không nhỏ đến hiện
thực hóa AEC nói riêng và AC nói chung.
3. Đối sách của
Việt Nam đối với quá trình hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Từ thực trạng phân tích ở trên và tác động của AEC, Việt
Nam cần đưa ra đối sách có tính chiến lược (gồm những đối sách đã thực thi và
những đối sách cần tiếp tục triển khai) trong bối cảnh mới trên tinh thần chủ động,
tích cực và có trách nhiệm khi tham gia AEC, không chỉ đóng góp cho sự hội nhập
và phát triển toàn khu vực mà còn phản ánh lợi ích sống còn của quốc gia. Đối
sách của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới có thể tập trung vào những vấn
đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần thể hiện quyết tâm chính trị để xây dựng
cộng đồng AC nói chung và AEC nói riêng cao hơn, tích cực hơn. Thời gian ngày
càng được rút ngắn (đến 2015), nhiều vấn đề thách thức đặt ra hơn là cơ hội cả
bên trong lẫn bên ngoài, nên Việt Nam cần thể hiện là thành viên năng động, thiện
chí, kết nối ASEAN, hợp tác chặt chẽ hơn, thực hiện các cam kết đúng đắn và hiệu
quả, tránh tình trạng bị các yếu tố bên ngoài gây chia rẽ nội khối, làm phá vỡ
cấu trúc liên kết của ASEAN, nhất là các nước lớn bên ngoài khu vực. Vấn đề rõ
nhất hiện nay là chính sách cạnh tranh của Mĩ và Trung Quốc ở khu vực, trong đó
Trung Quốc là đối tác tiềm tàng nhất, là nhân tố dễ làm chia rẽ các thành viên
trong khu vực, Campuchia là nước dễ bị phân hóa nhất, ngoài ra các nước khác
(trừ những nước có tranh chấp Biển Đông với Việt Nam) dễ dàng thay đổi hành động
vì lợi ích quốc gia, vì có lợi ích rất lớn về kinh tế với Trung Quốc. Để làm tốt
điều này, Việt Nam cần tuân thủ nguyên tắc đồng thuận, tham vấn, tăng cường hợp
tác về thể chế khu vực, ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình trước các
vấn đề chung. Đây là biện pháp cực kì quan trọng quyết định tương lai hội nhập
khu vực và hiện thực hóa AC.
Thứ hai, cải cách thể chế mạnh mẽ về kinh tế. Thực tiễn trong
hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều khuyết điểm, cùng lúc ta
tham gia nhiều sân chơi ở cấp độ toàn cầu, phần nào thiếu tính bền vững, phân cực.
Khuyết điểm lớn là về thể chế và năng lực quản trị, quản lý bộ máy nhà nước về
kinh tế ở cấp độ vĩ mô và cả vi mô, chất lượng nguồn lực yếu và kết cấu hạ tầng
chưa cân xứng, khả năng quản lí và lành mạnh hóa tài chính còn nhiều bất cập.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn làm ăn thua lỗ, phá sản, nợ lớn,
tăng trưởng GDP chủ yếu nhờ các công ty FDI, sự vận hành và cải cách hoàn thiện
thể thế yếu nên nền kinh tế nhiều khi đứng trước những rủi ro lớn. Chính vì vậy,
Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tái cấu trúc nền kinh tế hướng
đến tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực quản trị công, cải cách thủ tục hành
chính triệt để, cải cách doanh nghiệp, cải cách chính sách thu hút đầu tư và
môi trường kinh doanh… Làm được điều này, nghĩa là Việt Nam sẽ phát huy nội lực
bên trong, đồng thời thúc đầy hài hòa chính sách, thể chế liên kết giữa Việt
Nam với các quốc gia trong khu vực, tạo nền tảng cho sự thống nhất giữa các
chính sách của quốc gia và khu vực, tăng tính năng động nhằm hiện thực hóa 4 trụ
cột của AEC.
Thứ ba, tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết trong AEC.
Như trên phân tích, việc thực hiện các cam kết của ASEAN hiện ở mức trung bình
khá, chưa đạt tỷ lệ cao, điều này phản ảnh quá trình thực hiện các cam kết của
nhiều thành viên là không đồng đều, tùy vào từng nước, nhóm nước, ít có tính
ràng buộc pháp lí, điều này gây trở ngại lớn khi hiện thực hóa AEC vào 2015. Là
thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam cần rà soát, nghiên cứu và đánh giá lại
mọi khâu (hiệp định, thể chế, đầu tư, thương mại, luật, tài chính, cạnh tranh…)
mà mình có trách nhiệm thực thi. Để làm tốt điều này, Việt Nam cần phải thực hiện
công tác phối hợp với các bộ phận trong nước (nhà nước, doanh nghiệp, kể cả người
dân, nguồn lực…) để khẩn trương hoàn thành kế hộ trình thực hiện. Bên cạnh đó,
vì thời gian không còn dài, Việt Nam chắc chắn còn nhiều vướng mắt cần tháo gỡ
nên phải tăng cường các chương trình nghị sự giữa các nước trong khu vực, nhằm
trao đổi những vấn đề cụ thể khi thực hiện, nhất là vai trò của Ban thư ký
ASEAN về chức năng giám sát, giúp các nước thành viên nâng cao năng lực thực hiện.
Cuối cùng, đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh, rút
ngắn khoảng cách phát triển. Nhìn tổng thể, Việt Nam còn rất yếu những nội dung
này, trình độ phát triển của Việt Nam còn khá chênh lệch so với các nước trong
khu vực về nhiều mặt, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu,
làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược so với doanh nghiệp
một số nước ASEAN. Để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh (kể cả về
thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, viện trợ, nguồn nhân lực…), Việt Nam đồng
thời thực hiện liên kết giữa chính phủ - doanh nghiệp – sản phẩm là then chốt,
vì đây là vấn đề quan trọng thiết yếu đối với nước ta trong lộ trình hiện thực
hóa AEC và hội nhập khu vực và thế giới. Còn đối với việc rút ngắn khoảng cách
phát triển, Việt Nam cần tận dụng tốt thành tựu khoa học – công nghệ của các nước
tiên tiến, các nước phát triển trên thế giới và khu vực để phát triển rút ngắn.
Riêng trong nội khối, Việt Nam cần phải tăng cường liên kết, kết nối mạng lưới về
tài chính, cơ sở hạ tầng, thông tin viễn thông, dịch vụ, phát huy cả ngoại lực
và nội lực cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên vấn đề này là thách thức không
nhỏ đối với Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
4. Kết luận
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động và có
tính khẩn trương, ASEAN luôn nêu cao tinh thần hội nhập và liên kết khu vực
toàn diện, đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm đầy tham vọng của cả nội khối
nói chung và từng thành viên nói riêng. Điều này hoàn toàn là hợp lí trong bối
cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và quốc tế hóa về kinh tế quốc tế. Việc thực hiện
lộ trình và hiện thực hóa AEC cũng là một trong những nét đặc trưng của nền
kinh tế thế giới khi bước vào thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. Đây cũng được
coi là tính bùng nổ theo chiều hướng tích cực, mang đặc điểm riêng của ASEAN,
là mơ ước, hòa bảo của hàng trăm triệu trái tim và khối óc của người dân Đông
Nam Á. Chính vì vậy, dù cơ hội và niềm hy vọng là rất lớn nhưng thách thức cũng
vô cùng lớn cần phải đối mặt. Chắc chắn AEC cũng như AC sẽ thành công vào năm
2015, nhưng có điều các thành viên trong ASEAN phải làm gì để cho AEC mang lại
hiệu quả và lợi ích thiết thực, hướng đến phát triển bền vững và thịnh vượng.
Việc hiện thực hóa AEC vào 2015 đã gần đến giai đoạn hết
hạn để hoàn thành, quá trình hoàn thành sau đó sẽ tác động đa chiều đối với
toàn khu vực. Đối với Việt Nam là một thành viên, việc hiện thực hóa sẽ có những
tác động tích cực cũng như tiềm ẩn những khó khăn, thách thức ở cả hiện tại và
tương lai phía trước. Việt Nam cần có những đối sách, giải pháp để hoàn thành đại
nghiệp ấy. Nếu những vấn đề như cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh
tranh… một cách thỏa đáng thì tương lai tốt đẹp sẽ chờ đợi Việt Nam, cũng như
ASEAN khi AEC được hiện thực hóa trong cấu trúc hợp tác khu vực Đông Nam Á và mở
rộng cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tài liệu tham khảo.
1. ASEAN
Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, January 2008.
2. ASEAN Economic Community
scorecard, ASEAN Secretariat, Jakarta, March 2012.
3. ASEAN Economic Community
Chartbook 2012 and 2013 ASEAN Secretariat, Jakarta, January 2013 and Mar 2013.
4. ASEAN Community in Figures
(ACIF) 2010, 2011, 2012 and 2013, ASEAN Secretariat, Jakarta, April 2011,
April 2012, March 2013 and Feb 2014.
5. ACB (2012), Asian Development
Outlook Supplement Update, Dec 2012.
6. ADB (2011), Asian Development
Outlook 2011, Philippines.
7. Nguyễn Huy Hoàng (2013), Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Nxb Từ điển
Bách khoa, Hà Nội.
8. Nguyễn Văn Hà (Chủ biên, 2013), Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và tác động đến
Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
9. Nguyễn Duy Dũng (Chủ biên, 2012), ASEAN từ Hiệp hội đến Cộng đồng: Những vấn đề
nổi bật và tác động đến Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội..
10. Chairman’s Statement of The 22nd ASEAN Summit, “Our
People, Our Future Together” Bandar Seri Begawan, 24-25 April 2013.
11. Trương Duy Hòa (Chủ biên, 2013), Hiện
thực hóa Cộng đồng ASEAN: Bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra, Nxb
KHXH, tr.258.
12. Võ Minh Tập
(2013), Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp
ứng nhu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam theo lộ trình AEC 2015, Sách Kỷ yếu
Hội thảo khoa học “Đào tạo nhân lực trong
giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế”, Nxb Thế giới, HN.
13. Nguyễn
Quang Thái (2014), Cạnh tranh toàn cầu: Việt Nam đã tiến bộ nhưng chưa
đủ,
http://canhtranhquocgia.vn.
14. Đại học kinh
tế (VNU), (2013), Tài liệu Hội thảo quốc tế: “Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho
Việt Nam, Hà Nội.
15. Đại học kinh
tế (ĐHQG HN)& Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG HCM), (2014), Kỷ yếu Hội thảo “Bối cảnh quốc tế mới và tác
động tới Cộng đống kinh tế ASEAN, HCM.
16. Website: www.asean.org
[1] Cộng đồng kinh
tế (ASEAN Economic Community-AEC) là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng
ASEAN (AC), cùng với AEC là Cộng đồng chính trị-an ninh (ASEAN Political
Security Community-APSC) và Cộng đồng văn hóa-xã hội (ASEAN Social and
Culturanl Community-ASCC).
[2] Trong Tầm nhìn ASEAN 2020 đã nhấn
mạnh xây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng
cạnh tranh cao; có sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự chu chuyển
tự do hơn đối với nguồn vốn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói, sự chênh lệch
về xã hội và kinh tế được giảm bớt vào 2020.
[3] ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, January 2008, p.5.
[4] ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, January 2008, p.3.
[5] Nguyễn
Duy Dũng (Chủ biên, 2012), ASEAN từ Hiệp
hội đến Cộng đồng: Những vấn đề nổi bật và tác động đến Việt Nam, Nxb KHXH,
Hà Nội, tr.32.
[6] Xem kết
quả cụ thể về việc thực hiện các biện pháp của 4 trụ cột của ASEAN tại: ASEAN Economic Community scorecard,
ASEAN Secretariat, Jakarta, March 2012, p.8-15.
[7] Chairman’s
Statement of The 22nd ASEAN Summit, “Our People, Our Future Together” Bandar Seri Begawan, 24-25 April
2013.
[8] Nguồn: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trù bị và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng
Kinh tế ASEAN lần thứ 11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24,
http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/3147/hoi-nghi-bo-truong-kinh-te-asean-tru-bi-va-hoi-nghi-hoi-dong-cong-dong-kinh-te-asean-lan-thu-11-trong-khuon-kho-hoi-nghi-cap-cao-asean-lan-thu-24.aspx
[9] Tiêu chí
xét mức độ cạnh tranh gồm: 12 nhân tố chính của mức độ cạnh tranh, cung cấp cái nhìn
toàn cảnh về tình hình cạnh tranh ở các nước trên thế giới. Các nhân tố này là:
thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, sức khỏe và giáo dục, mức độ
hiệu quả của thị trường hàng hóa, thị trường lao động, sự phát triển thị trường
tài chính, công nghệ thông tin, quy mô thị trường, sự tinh vi trong kinh doanh
và cải tiến.
[10] Nguyễn Quang Thái (2014), Cạnh tranh toàn cầu: Việt Nam đã tiến bộ
nhưng chưa đủ, http://canhtranhquocgia.vn.
[11] ACB
(2012), Asian Development Outlook
Supplement Update, December 2012.
[12] Tăng trưởng
GDP của các nước trong khu vực năm 2012: Singapore (1,3%), Malaysia (5,6%),
Philippin (6,6%), Thái Lan (5,8%), Indonesia (6,2%), Campuchia (8,4%)…
[13] ADB
(2011), Asian Development Outlook 2011,
Philippines.
[14] Nếu so sánh với các nước trong ASEAN
thì khoảng cách chênh lệch giữa lạm phát với tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn
còn khá lớn. Năm 2012, GDP của Campuchia tăng 7% và tốc độ tăng CPI chỉ 2,5%.
Hai chỉ tiêu tương ứng của Lào là 7,93% và 4,73%. Malaysia là 5,64% và 1,2%;
Philippines là 6,81% và 3%; Thái Lan là 6,49% và 3,63%. Tốc độ tăng CPI năm 2013 của Việt
Nam hơn 6%, tuy
thấp hơn mức tăng trên 8% của Indonesia và gần 7% của Lào nhưng vẫn còn cao hơn so
với tốc độ tăng CPI của nhiều nước trong khu vực.
[15] Dự báo
tăng trưởng và lạm phát năm 2014-2015,
http://www.tapchitaichinh.vn/Kinh-te-Dau-tu/Du-bao-tang-truong-va-lam-phat-nam-2014-va-2015/48266.tctc
[16] Trương
Duy Hòa (Chủ biên, 2013), Hiện thực hóa Cộng
đồng ASEAN: Bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra, Nxb KHXH, tr.258.
[17] Trong đó,
xét về cơ cấu đóng góp vào kim ngạch xuất –
nhập khẩu chủ yếu vẫn đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu đạt
88,4 tỷ USD (tăng 22,4%), cao gấp đôi khu vực kinh tế trong nước (đạt 43,8 tỷ
USD, tăng 3,5%); nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD (tăng 24,2%) cũng cao hơn mức 56,8 tỷ
USD (tăng 5,6%) của khu vực quốc doanh. Thương mại của khu vực này trong những
năm gần đây luôn duy trì ở mức thặng dư cao và có xu hướng tăng mạnh, xuất khẩu
lần lượt chiếm 56,9% - 63,1% - 61,4% và nhập khẩu chiếm 45,7% - 52,7% -
56,7% kim ngạch từ năm 2011 đến 2013.
[18] ASEAN Economic Community Chartbook 2012,
ASEAN Secretariat, Jakarta, January 2013,
p.17; Năm 2012 giảm xuống còn 24,3%.
Bài đăng tại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và
một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam”, Đại học kinh tế (ĐHQG Hà Nội) và
Ban kinh tế Trung ương, Hà Nội, ngày 28/10/2014, tr.113-124.