Monday, November 3, 2014

3. Cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề Biển Đông

ASEAN nên hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông càng sớm càng tốt và mời Nhật-Mỹ tham gia ký kết. Thỏa thuận này sẽ chi phối hành vi trên một số khía cạnh như “đóng băng” hoạt động xây dựng, thăm dò ở khu vực tranh chấp, chia sẻ thông tin cũng như biện pháp xây dựng lòng tin để giúp hạ nhiệt căng thẳng
2220057645_ed7c37aab8.jpg
Việc Trung Quốc từ chối đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc “đóng băng” các hành động “khiêu khích” ở Biển Đông trong cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) mới đây tại Naypyidaw, Myanmar là có thể dự đoán được. Đối mặt với một Trung Quốc không nhượng bộ và ngoan cố, nỗ lực thiếu thực tế của ông Kerry đã phơi bày sự phá sản trong cách tiếp cận của Mỹ đối với việc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Rõ ràng, Mỹ và các đối tác châu Á của mình, ít nhất là các nước có vai trò trung tâm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần một chiến lược tốt hơn. 
Trò chơi này nên được kết thúc bằng việc kiến tạo một nền hòa bình lâu dài ở Biển Đông. Cách duy nhất để làm điều đó là giải quyết các tuyên bố chủ quyền xung đột của các nước khác nhau. Một biện pháp sẽ là đàm phán những thỏa thuận phát triển chung tại các khu vực tranh chấp. Biện pháp khác sẽ là sử dụng cơ chế trọng tài mà Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã nêu ra. Điều này có thể được thực hiện như đã từng thấy qua các quyết định trọng tài gần đây về việc giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Indonesia, Bangladesh và Myanmar cũng như giữa Ấn Độ và Bangladesh. 
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc từ chối các cách tiếp cận này với lập luận rằng các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông là không có tranh chấp và rằng bất kỳ một thảo luận nào phải là song phương giữa các quốc gia liên quan. Nước này từ chối sự can dự của các bên ngoài tranh chấp, đồng thời Bắc Kinh đã lên án các nỗ lực của Mỹ trong việc đẩy mạnh vấn đề này tại các cuộc họp của ASEAN. Bên cạnh đó, Trung Quốc khiên cưỡng trong việc kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và đã tiến hành mạnh mẽ việc thay đổi nguyên trạng trên mặt đất và trên biển thông qua việc xây dựng và thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. 
Thách thức đối với Mỹ và các đối tác châu Á của Mỹ là liệu họ có thể có được đòn bẩy khuyến khích Trung Quốc tìm kiếm việc giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán ở Biển Đông và biển Hoa Đông hay không? 
Kéo Trung Quốc vào cuộc chơi
Một cách để đạt được đòn bẩy như vậy sẽ là giữ Trung Quốc chặt hơn trong hệ thống kinh tế và thể chế toàn cầu. Khi Trung Quốc càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống toàn cầu thì lợi ích của nước này trong sự ổn định khu vực sẽ càng lớn hơn. Trên tất cả, Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và đã sẵn sàng để trở thành nền kinh tế lớn nhất tính theo sức mua tương đương. 
Sự miễn cưỡng của các nước tiên tiến trong việc cho Trung Quốc một chỗ đứng xứng đáng trong cấu trúc thể chế toàn cầu chỉ củng cố thêm những hoài nghi của Bắc Kinh về trật tự toàn cầu hiện tại. Nó đã thúc đẩy Trung Quốc tự khai phá theo cách thức của riêng mình thông qua việc thành lập các thể chế đa phương mới, ví dụ như Ngân hàng Phát triển mới (còn được gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Quỹ Dự phòng khẩn cấp. Thay vào đó, Trung Quốc nên được phép có một vai trò quan trọng hơn trong các thể chế và sáng kiến toàn cầu, trong một số trường hợp là vị trí lãnh đạo. 
Quốc hội Mỹ nên ngay lập tức đảo ngược quyết định thiển cận của mình hồi đầu năm nay phản đối các cải cách về quản trị ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cho Trung Quốc một vai trò nổi bật hơn tại thể chế này. Tương tự như vậy, thay vì bác bỏ sáng kiến thiết lập một cơ sở hạ tầng toàn cầu lớn của Ngân hàng Thế giới, theo đó Trung Quốc có thể đóng vai trò hàng đầu, Mỹ nên tích cực khuyến khích điều này. Có lẽ quan trọng nhất là 12 chính phủ đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần chủ động ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc, kể cả trong trường hợp phải trao cho Trung Quốc các điều khoản gia nhập dễ dàng hơn. 
Một cách tiếp cận song song sẽ là cần thiết cho cả Mỹ và các đối tác châu Á của nước này trong việc cùng nhau đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và đảm bảo các liên lạc trao đổi công khai với Trung Quốc để các sự cố không vô tình làm leo thang căng thẳng có thể dẫn tới chiến sự. Thật không may, mặc dù Trung Quốc là một bên ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhưng hành động khiêu khích của nước này tại những khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhìn chung đã thường dẫn tới các tính toán phòng thủ của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở khu vực trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Cuộc chơi “ăn miếng trả miếng” nguy hiểm này ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã leo thang trong thời gian gần đây và đẩy khu vực tới bên bờ xung đột vũ trang. 
Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, ASEAN nên hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông càng sớm càng tốt và mời Nhật Bản và Mỹ tham gia ký kết. Thỏa thuận này sẽ chi phối hành vi trên một số khía cạnh như “đóng băng” các hoạt động xây dựng và thăm dò ở khu vực tranh chấp, chia sẻ thông tin về vận chuyển tàu thuyền và tự do hàng hải, cũng như biện pháp xây dựng lòng tin để giúp hạ nhiệt căng thẳng. Ngay cả khi Trung Quốc không phải là một bên ký kết, một bộ quy tắc ứng xử chính thức ít nhất sẽ khiến hành động của các bên ký kết trở nên đúng mực, đồng thời chỉ ra các tiêu chuẩn ứng xử, điều mà khu vực mong muốn Trung Quốc thực hiện. 
Sự lạc quan có tính thực tế
Việc ngăn chặn cần phải là một mũi tên thứ ba. Nó đã là một phần trong tư duy chiến lược của hầu hết các quốc gia Đông Á. Lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông dù hợp lý hay không cũng đang cô lập nước này với các nước láng giềng, đồng thời thúc đẩy họ có các quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với nhau. Điều này được thể hiện qua sự phát triển quân sự nhanh chóng ở Đông Nam Á, nơi mà tăng trưởng chi tiêu quốc phòng chỉ đứng vị trí thứ hai, sau Đông Âu. Nó cũng được minh chứng qua chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản, qua việc nước này bán trang thiết bị quân sự cho các nước láng giềng ASEAN, đồng thời qua quy mô quân sự trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ với châu Á. Tuy nhiên, các biện pháp này thiếu một khuôn khổ chặt chẽ và tính tổng thể. 
Mỹ và các đối tác châu Á của mình cần từng bước phát triển các thỏa thuận quốc phòng đa phương nhằm không làm bất ổn nền hòa bình đang rất mong manh ở thời điểm hiện tại. Ban đầu, các thỏa thuận như vậy có thể bao gồm những hoạt động đào tạo quân sự hỗn hợp, hợp tác mua sắm vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo, năng lực phòng không và rađa giám sát, phối hợp diễn tập quân sự, hợp tác quân y và tăng cường liên kết khả năng hoạt động của hệ thống và thiết bị quân sự. Các hoạt động này được tiến hành đồng thời với việc thúc đẩy các cuộc thảo luận quốc phòng khu vực thông qua các thể chế do ASEAN làm trung tâm như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), ARF và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). 
Giống như các cuộc xung đột trước đây được khơi mào bởi một sự kiện riêng lẻ, xác suất một sự cố khá nhỏ ở gần một đảo nhỏ không quan trọng, xa xôi và cằn cỗi ở Biển Đông hay biển Hoa Đông có thể nhấn chìm châu Á, và có lẽ cả thế giới, vào một cuộc đối đầu khác, đang ngày càng tăng. Châu Á không thể nhắm mắt làm ngơ để khả năng này xảy ra và hy vọng vấn đề tự nó sẽ được giải quyết. Châu Á cần phải chú trọng tới sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của mình và Trung Quốc với một chiến lược rõ ràng được thiết kế cẩn thận và phối hợp hành động với các đối tác chiến lược trọng yếu của nó. Châu Á có thể hy vọng về một điều tốt nhất, tuy nhiên phải sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất./. 
Tác giả Vikram Nehru là Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Carnegie. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang “Carnegie”.
Vũ Hiền (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/4293-4293

No comments: