Monday, November 3, 2014

5. Cuộc chiến chống IS và những toan tính địa chiến lược

22:57' 22/10/2014
TCCSĐT - Hàng trăm cuộc không kích của Mỹ vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại I-rắc được tiến hành, đã gây nhiều tổn thất cho IS. Tuy nhiên, vấn đề IS và những toan tính địa chiến lược vẫn được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

Từ An Kê-đa (Al-Qaeda) đến IS…
Thời gian mới xuất hiện, dư luận tưởng rằng IS chỉ là một chi nhánh thuộc An Kê-đa, nhưng không phải vậy. Tại một địa điểm ở Pa-kit-xtan (Pakistan), nơi trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen (Osama bin Laden) bị tiêu diệt, người ta đã tìm được một bức thư dài 21 trang có nội dung cảnh báo về sự tàn bạo cùng cực của nhóm Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL) - tiền thân của IS, đồng thời kêu gọi An Kê-đa cắt đứt quan hệ với nhóm này để tránh “tổn hại danh tiếng”.
Bức thư mô tả các hành vi man rợ của nhóm Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông, như sử dụng khí clo làm vũ khí hóa học, đánh bom nhà thờ Hồi giáo và thảm sát một nhà thờ Công giáo ở thủ đô Bát-đa (Bagdad), I-rắc... Hồi tháng 2 năm nay, thủ lĩnh An Kê-đa khẳng định trong một tuyên bố trực tuyến rằng IS “không phải là một chi nhánh của tổ chức” này.
Được biết, thủ lĩnh IS là một người Hồi giáo dòng Xun-ni (Sunni), tên là A-bu Bác An Bác-đa-đi (Abu Bakr Al-Baghdadi), sinh năm 1971 trong một gia đình mộ đạo tại Sa-ma-ra (Samarra), thành phố miền Trung của I-rắc. 
An Bác-đa-đi cầm đầu hàng chục nghìn chiến binh thánh chiến, bao gồm các chiến binh nước ngoài xin gia nhập nhóm. IS đã dùng mạng xã hội twitter, facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để đăng tải những đoạn video giết người rùng rợn. Do nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu, với sự chống lưng ban đầu của một số nhân vật người Xun-ni giàu có đến từ vùng vịnh, cùng với buôn lậu, cướp bóc, tống tiền và trộm cắp cổ vật, khiến tài sản của nhóm này nay đã lên tới 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tài sản giá trị nhất mà IS nắm giữ là lòng trung thành của các chiến binh cùng với nhiều loại vũ khí hiện đại. Trong các cuộc giao tranh bùng phát từ tháng 6 vừa qua, IS đã thu giữ số lượng lớn pháo binh, xe tăng và xe bọc thép do Mỹ cung cấp mà quân đội I-rắc bỏ lại khi tháo chạy, với giá trị hàng trăm triệu USD.
Những tham vọng…
Theo giới quan sát, cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở I-rắc là sự đụng độ trực tiếp giữa người Hồi giáo Xun-ni và Xi-ai (Shiite), nhưng sâu xa hơn còn phải kể đến yếu tố chính trị, tôn giáo và những tham vọng địa chiến lược từ bên ngoài.
Ngay từ năm 2003, khi Mỹ quyết định thành lập chính phủ do người Xi-ai lãnh đạo ở I-rắc đã vấp phải sự phản đối của Sau-đi A-ra-bi-a (Saudi Arabia). Vì nước này rất lo ngại về ảnh hưởng của I-ran ở đây, đặc biệt là sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa I-ran và phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Sau-đi A-ra-bi-a luôn được xem là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ, nhưng có thể sẽ mất đi tầm quan trọng nếu Mỹ bình thường hóa quan hệ với I-ran. Vì vậy, sau khi chế độ Hun-sen (Hussein) sụp đổ khu vực này đã chuyển hướng có lợi cho an ninh quốc gia của I-ran, khiến Sau-đi A-ra-bi-a không hài lòng với cục diện này. 
Có ý kiến cho rằng, Sau-đi A-ra-bi-a có thể là quốc gia đầu tiên đã hỗ trợ về tài chính và tinh thần cho cộng đồng Xun-ni ở I-rắc, dựa trên những tuyên ngôn về hệ tư tưởng tôn giáo Xa-la-phi (Salafi). Những khoản tài trợ lớn cho Hồi giáo Xun-ni là từ các quỹ bí mật của cơ quan tình báo, các thể chế Hồi giáo, các doanh nhân và lãnh đạo tôn giáo…
Vì thế, Sau-đi A-ra-bi-a có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho tổ chức IS ở I-rắc. Nếu không có sự hỗ trợ này, IS khó có thể phát triển lực lượng và khả năng tác chiến nhanh như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với tư cách là một tổ chức, IS lại theo đuổi những mục tiêu lớn hơn là thành lập Vương quốc Hồi giáo trên phần lãnh thổ của tất cả các nước Ả Rập, kể cả Sau-đi A-ra-bi-a. Vì vậy, sau khi cân nhắc, Sau-đi A-ra-bi-a đã quyết định cùng Mỹ và 4 quốc gia Ả Rập khác tham gia không kích IS trên lãnh thổ Xy-ri từ ngày 23-9 vừa qua.
Theo giới quan sát, I-ran là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của chế độ Hun-sen. Do vậy, I-ran hiện là nước rất lo ngại về diễn biến tình hình xấu đi ở I-rắc và phản đối mọi hình thức gây bất ổn cho I-rắc cũng như bất kỳ trở ngại nào có thể ngăn cản việc thành lập một chính quyền trung ương mạnh mẽ ở nước này.
I-ran hiện có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nhóm Xi-ai ở I-rắc, nên họ không muốn thấy một kịch bản I-rắc bị chia rẽ. Việc IS chiếm đóng lâu dài một phần lãnh thổ I-rắc cũng như thành lập khu tự trị người Kurd là điều I-ran cần phải loại bỏ. Vì thế, I-ran đang cáo buộc Mỹ đã đưa “những con rối” lên nắm quyền ở I-rắc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Sau-đi A-ra-bi-a, Xốt An-Phai-san (Saud Al-Faisal) đã cảnh báo I-ran không được “can thiệp” vào I-rắc… Nhìn chung các nước trong khu vực này đều muốn chính quyền I-rắc có “những gương mặt mới” lên cầm quyền, nhưng phải nằm trong vòng ảnh hưởng và chi phối của họ.
Và mũi tên nhằm 3 đích…
Ngày 23-9, quân đội Mỹ và 5 nước Ả Rập đã tấn công các mục tiêu của IS tại vùng lãnh thổ của Xy-ri, bằng tên lửa Tô-ma-hat (Tomahawk), chiến đấu cơ và máy bay ném bom. Đây là chủ trương nằm trong chiến lược 4 điểm đã được Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma công bố hôm 10-9 vừa qua. Tuy nhiên, hành động này cũng gây ra những phản ứng trái chiều và điều ẩn dấu phía sau cuộc chiến cũng được dư luận quốc tế quan tâm. 
Trong chiến lược của mình, ông B. Ô-ba-ma khẳng định sẽ “tổ chức những đợt không kích có hệ thống nhằm vào những tên khủng bố” “đang đe dọa đất nước mình, bất kể chúng ở đâu, dù là Xy-ri hay I-rắc”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tấn công IS ở Xy-ri, Mỹ hy vọng “bắn một mũi tên trúng 3 đích”. Trên cơ sở tiêu diệt mục tiêu của IS, nhân đây Mỹ cũng cung cấp, viện trợ cho phe đối lập mà Oa-xinh-tơn (Washington) gọi là “ôn hòa” ở Xy-ri, đồng thời gián tiếp đánh vào quân đội của Tổng thống Ba-xa An Át-xát (Bashar Al-Assad) thông qua sự lớn mạnh của phe đối lập.
Vì thế, mặc dù chính phủ Xy-ri tuyên bố sẽ hợp tác với tất cả các lực lượng quốc tế chống IS ở Xy-ri, nhưng Mỹ đã loại trừ Xy-ri và I-ran ra khỏi Liên minh quốc tế chống IS và còn phớt lờ cảnh báo của Xy-ri rằng tấn công IS trên đất của họ phải được phép của chính phủ nước này nếu không sẽ bị coi là xâm lược.
Thông qua hành động tấn công IS ở Xy-ri lần này, Oa-xinh-tơn lại bộc lộ tính cách “kẻ cả” bất chấp luật pháp quốc tế, không tôn trọng Xy-ri một quốc gia độc lập có chủ quyền và đang cộng tác với quốc tế để giải quyết vấn đề vũ khí hóa học và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho đất nước này. Ứng xử như vậy, Mỹ khó có thể biện minh cho sự ngạo mạn mình, mặc dù dưới chiêu bài tấn công lực lượng khủng bố IS.
Như vậy, cuộc chiến chống IS đã diễn ra với nhiều hình thức, cấp độ, và tham vọng khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự chi phối bởi chiến lược “Đại Trung Đông” với phương châm “chia nhỏ để trị” của Mỹ. Vì thế, hiệu quả của Liên minh toàn cầu chống IS ở khu vực này vẫn khó đoán định./. 
Nguyễn Nhâm

No comments: