Monday, November 3, 2014

10. QUAN HỆ HOA KỲ-NGA-TRUNG QUỐC TRONG KỶ NGUYÊN ÂU-Á

Viễn tượng đầy hứa hẹn ngay trong quá trình hình thành của Liên Minh Beijing-Moscow-Berlin về Mậu Dịch và Thương Mãi Chiến Lược đang ám ảnh “Thế Kỷ Mới của Hoa Kỳ,”[ngày một bị rút ngắn]. Chúng ta có thể tạm gọi Liên Minh là BMB.

Tương lai BMB hiện đang được bàn cãi nghiêm chỉnh bởi các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa cũng như đang được Berlin, New Delhi, và Tehran đặc biệt chú ý. Tuy vậy, bạn cũng không nên nhắc tới bên trong vòng đai Hoa Thịnh Đốn hay trong tổng hành dinh của NATO ở Brussels. Tại những nơi nầy và dưới tầm mắt các nhân vật diều hâu và cuồng tín ở Hoa Thịnh Đốn và nhiều nơi khác, ngôi sao trên sân khấu chính trị ngày nay và ngày mai là “Osama bin Laden mới”: Caliph Abrahim, còn được biết dưới tên gọi Abu Bakr al-Baghdadi, hay lãnh đạo tiên tri của phong trào và nhà nước nhỏ bé mới, mang tên ISIS/ISIL/IS.

Tuy nhiên, mặc dù Hoa Thịnh Đốn luôn pha trộn Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu, các địa tầng chính trị Âu-Á vẫn không ngừng chuyển dịch, chỉ vì giới thượng lưu Hoa Kỳ luôn từ chối chấp nhận thời lượng đơn cực ngắn ngũi của họ sắp chấm dứt. Đối với Ngũ Giác Đài, kỷ nguyên “áp đảo toàn quang phổ” (full spectrum dominance) đang dần khép lại là điều không thể quan niệm.

Xét cho cùng, đối với “quốc-gia-tối-cần-thiết”, nhu cầu kiểm soát mọi không gian — quân sự, kinh tế, văn hoá, mạng lưới vi tính, giám sát, không gian và ngoại không gian — không mấy khác một học thuyết tôn giáo. Các nhà “truyền giáo biệt lệ” không quan tâm đến bình đẳng. Nhiều lắm, họ cũng chỉ lưu tâm đến “liên minh các quốc gia tự nguyện”, như liên minh trên 40 quốc gia cùng chung sức tuyên chiến với ISIS/ISIL/IS, hoặc chỉ đứng ngoài hoan hô hay gửi vài chiến đấu cơ đến oanh tạc Iraq hoặc Syria.

NATO, không như một vài thành viên không chính thức khai chiến chống lại các xứ thánh chiến (Jihadistan), cũng chỉ là một nhóm quốc gia lớn nhỏ do Hoa Thịnh Đốn chỉ huy và kiểm soát. Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương chưa bao giờ thiết tha tiếp nhận Liên Hiệp Âu Châu (EU) hay cho phép Nga có quyền cảm nhận mình cũng là một nhân tố của Âu Châu. Riêng Caliph cũng chỉ là một nhân vật ngoại cuộc bé nhỏ. Các quan sát viên yếm thế ngay cả có thể đánh giá Caliph như một đặc phái viên của Trung Quốc và Nga đang giữ vai trò phân tâm hay đánh lạc hướng  siêu cường Hoa Kỳ.

LY GIÁN VÀ CÔ LẬP

Như vậy, làm cách nào để có thể hiện thực hoá địa vị “áp đảo toàn quang phổ” một khi hai đại cường Nga-Trung đã có đủ khả năng canh tranh và bắt đầu chứng tỏ tác động với sự hiện diện của mình?  Cách tiếp cận của Hoa Thịnh Đốn đối với mỗi đại cường, ở Ukraine và Tây Thái Bình Dương, đang trong quá trình được thể hiện dưới hình thức chia cách và cô lập hoá Nga và Trung Quốc.

Nhằm mục đích duy trì Thái Bình Dương như một “hồ nước cổ điển của Hoa Kỳ” (a classic American lake), chính quyền Obama đã “chốt” trở lại ở Á Châu từ vài năm nay. Quyết định mới chỉ đòi hỏi vài động thái quân sự, nhưng với nỗ lực không hề khiêm tốn: lấy chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc chọi lại chủ nghĩa quốc gia Nhật Bản, đồng thời tăng cường các đồng minh và các mối quan hệ trong toàn vùng Đông Nam Á, lợi dụng các tranh chấp năng lượng trong vùng Biển Nam Hải. Cùng lúc, người Mỹ cũng đã có nhiều động thái nhằm nắm chắc thoả ước mậu dịch tương lai: Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương  hay Trans-Pacific Partnership (TPP).

Trong khu vực biên giới phía Tây Liên Bang Nga, chính quyền Obama cũng đã khởi động ngọn lửa thay đổi chế độ ở Kiev với sự trợ lực của các cổ động viên địa phương như Poland và các quốc gia Baltic, kiến tạo một đe doạ thực hữu cận kề  đối với Moscow ngay trước mắt Vladimir Putin và giới lãnh đạo Nga. Khác với Hoa Kỳ với địa bàn ảnh hưởng (và các căn cứ quân sự) mang tính toàn cầu, Nga không quá thiết tha duy trì ảnh hưởng trong các “sân sau” hay “near abroad” trước đây, nhưng  Kiev, đối với người Nga, vẫn không “abroad” chút nào.

Đối với Mạc Tư Khoa, điều nầy tuồng như Hoa Thịnh Đốn và các chư hầu NATO ngày một thiết tha áp đặt “Bức Màn Sắt” mới lên Liên Bang Nga từ Baltic đến Hắc Hải, với Ukraine đơn thuần như mũi cây thương. Trong ngôn từ BMB, bạn có thể nói, đó là nỗ lực cô lập Nga và áp đặt bức tường mới ngăn cách các quan hệ với Đức quốc. Mục tiêu tối hậu là nhằm chia cắt  Âu-Á, ngăn ngừa các động thái hướng  đến hội nhập mậu dịch và thương mãi trong tương lai theo một quá trình ngoài vòng kiểm soát của Hoa Thịnh Đốn.

Theo quan điểm của Bắc kinh, khủng hoảng Ukraine là một trường hợp Hoa Thịnh Đốn đã vượt qua mọi “đường ranh đỏ” có thể tưởng tượng, để gây rối và cô lập Nga. Đối với cấp lãnh đạo Bắc Kinh, những động thái nầy có vẻ như một nỗ lực được phối trí nhằm gây bất ổn định trong toàn vùng qua những phương cách có lợi cho chính Hoa Kỳ, và được hậu thuẩn bởi toàn bộ giới thượng lưu cầm quyền ở Hoa Thịnh Đốn, từ tân bảo thủ và các  “phần tử ‘tự do’ Chiến Tranh Lạnh” cho đến “phe can thiệp với lý do nhân đạo”(humanitarian interventionnists), theo khuôn mẩu Susan Rice và Samantha Power.

Đã hẳn, nếu bạn theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine từ góc độ Hoa Thịnh Đốn, những viễn cảnh như thế hình như xa lạ như đối với bất cứ nhân vật nào đến từ Hỏa Tinh. Nhưng thế giới lại hoàn toàn khác khi nhìn từ trung tâm Âu-Á thay vì  từ Hoa Thịnh Đốn — nhất là từ một Trung Quốc đang đi lên với “giấc mơ Trung Quốc” mới được sáng chế (newly minted “Chinese dream”– Zhongguo meng).

Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm rõ, giấc mơ đó có thể bao gồm một mạng lưới tương lai các Con Đường Tơ Lụa do Trung Quốc tổ chức: kiến tạo một hệ thống tương đương một Xa Lộ Cao Tốc Xuyên Á thiết yếu cho thương mãi Âu-Á (a Trans-Asian Express for Eurasian commerce). Như vậy, giả thiết Bắc Kinh đang chịu sức ép từ Hoa Thịnh Đốn và Tokyo trên mặt trận hàng hải, một phần của phản ứng là hướng tiến cơ sở trên mậu dịch xuyên lục địa Âu-Á với hai nhánh: một theo ngã Siberia và một xuyên qua các “xứ stans” Trung Á.

Hiểu theo nghĩa nầy, dù cho bạn hiện chưa rõ hay chỉ quen theo dõi tình hình qua hệ thống truyền thông Hoa Kỳ hay các cuộc “tranh luận” ở Hoa Thịnh Đốn, chúng ta vẫn có tiềm năng đi vào một thế giới mới.

Cách đây không lâu, giới lãnh đạo Trung Quốc đã từng ngấp nghé với ý tưởng cùng với Hoa Kỳ viết lại trò chơi địa-kinh tế-chính trị, trong khi Moscow của Putin đã bóng gió cho biết khả năng có thể gia nhập NATO vào một ngày đẹp trời nào đó. Nhưng nay cả khả năng đó đã không còn nữa.

Ngày nay, phần Tây Phương — Nga và Trung Quốc đang quan tâm– cũng chính  là: (1) Một Đức Quốc tương lai với khả năng không còn bị áp đảo bởi uy quyền Hoa Kỳ; và (2) Một chọn lựa của chính Hoa Thịnh Đốn.

QUAN HỆ  NGA-ĐỨC

Trong thực tế, Moscow, sau gần một nửa thế kỷ liên tục thương nghị chiến lược với Berlin, hiện đang tích cực xúc tiến khả năng hợp tác kỹ nghệ, và quan hệ hổ thuộc ngày một gia tăng trong địa hạt năng lượng.

Theo nhiều giới lãnh đạo Nam Bán Cầu, khuynh hướng nầy đã được ghi nhận và Đức Quốc đang bắt đầu được xem như cường quốc thành viên thứ sáu của BRICS bên cạnh Brazil, Russia,, India, China, và South Africa.

Bên trong các khủng hoảng toàn cầu từ Syria đến Ukraine, các quyền lợi địa chiến lược của Berlin hình như đang dần dà tách biệt khỏi Hoa Thịnh Đốn. Các kỹ nghệ gia Đức đang đặc biệt chứng tỏ sự nóng lòng theo đuổi các thoả hiệp thương mãi không   hạn chế với Nga và Trung Quốc. Những động thái nầy rất có thể đang thúc đẩy Đức quốc theo con đường trở thành cường quốc toàn cầu không bị giới hạn bởi các biên giới EU, và trong trường kỳ, đánh dấu chung cuộc của kỷ nguyên trong đó Đức Quốc, dù được đối xử một cách lễ độ, trong căn bản,  vẫn chỉ là một chư hầu của Mỹ.

Đây là một con đường dài và quanh co. Hạ Viện Đức vẫn còn thiết tha với một nghị trình Đại Tây Dương mạnh mẽ và ưu tiên trung thành với Hoa Thịnh Đốn. Hiện vẫn còn hàng chục nghìn quân nhân Mỹ trên lãnh thổ Đức. Tuy vậy, lần đầu tiên, Thủ Tướng Angela Merkel đã do dự khi áp đặt các chế tài mạnh mẽ hơn đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine, bởi lẽ hơn 300.000 việc làm ở Đức đang tuỳ thuộc vào quan hệ với đại cường  nầy. Các lãnh tụ kỹ nghệ và các cấp lãnh đạo tài chánh đã lớn tiếng báo động, âu lo các biện pháp chế tài như thế có thể hoàn toàn phản tác dụng.

QUAN HỆ ĐỨC-TRUNG

Trò chơi quyền lực địa-chính trị mới của Trung Quốc có rất ít tiền lệ trong lịch sử cận đại.

Những ngày tháng Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh — Trung Quốc luôn “duy trì một hình ảnh thầm lặng hay low profile”, trên sân chơi toàn cầu — đã lùi vào dĩ vãng. Thực vậy, hiện vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm và chiến lược xung đột khi xử lý các điểm nóng của Trung Quốc, như: Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương, Biển Nam Hải, Ấn Độ, và Nhật; và các đồng minh rắc rối, như Bắc Hàn và Pakistan. Và tình hình bất ổn ở quốc nội  trong các khu vực ngoại vi cũng ngày một  sôi động.

Ưu tiên số một của Trung Quốc vẫn là đối nội và chú tâm thể hiện các cải cách kinh tế của Chủ Tịch Tập Cận Bình, cùng lúc gia tăng “minh bạch” và chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng Sản cầm quyền. Ưu tiên thứ hai, xa xôi hơn, là vấn đề làm cách nào để rào giậu chống lại các kế hoạch đóng chốt trong vùng của Ngũ Giác Đài — qua việc vun đắp một hải quân , các tàu ngầm nguyên tử, và một không lực với kỹ thuật tân  tiến  — mà không tỏ ra quá khẳng định có thể đánh động cấp lãnh đạo Hoa Thịnh Đốn luôn bị ám ảnh bởi một “đe doạ từ Trung Quốc”.

Đồng thời, với Hải Quân Hoa Kỳ đang kiểm soát các tuyến đường biển trên toàn cầu trong một tương lai có thể dài lâu, hoạch định các Con Đường Tơ Lụa mới xuyên Âu-Á cần  được xúc tiến nhanh chóng. Kết quả cuối cùng phải chứng tỏ sự thành công của kế hoạch kiến tạo một hệ thống hạ tầng cơ sở hội nhập — các xa  lộ, các đường hoả xa cao tốc, các tuyến ống dẫn dầu, các hải cảng — nối liền Trung Quốc với Tây Âu và Địa Trung Hải, tương tự một Mare Nostrum của đế quốc La Mã ngày trước trên mọi phương diện.

Trong đại cương, nhánh Đường Tơ Lụa mấu chốt sẽ khởi đi từ thủ đô Xian trước đây  đến Urumqi trong tỉnh Tân Cương, xuyên qua Trung Á, Iran, Iraq, và Anatolia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, và cuối cùng đến Venice. Nhánh thứ hai là Đường Tơ Lụa hàng hải bắt đầu từ tỉnh Phúc Kiến, xuyên qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, Naibori thuộc Kenya, và cuối cùng, xuyên qua kênh đào Suez, đến Địa Trung Hải. Gộp lại, đó là hệ thống Bắc Kinh gọi chung như “Vòng Đai Kinh Tế của Con Đường Tơ Lụa”  — Silk Road Economic Belt.

Chiến lược của Trung Quốc là kiến tạo một mạng lưới kết nối hổ tương giữa năm khu vực then chốt: Nga (cây cầu chính yếu giữa Á Châu và Âu Châu); các quốc gia “stans” trong vùng Trung Á; Tây Nam Á (với Iran, Iraq, Syria, Saudi Arabia, và Thổ Nhĩ Kỳ); vùng Caucasus; và vùng Đông Âu (gồm Belarus, Moldova, và tuỳ ở điều kiện ổn định, Ukraine). Và cũng không nên quên Afghanistan, Pakistan, và Ấn Độ, cũng có thể đươc xem như “Silk Road plus”.

Silk Road plus có thể xem như giúp nối kết hành lang kinh tế Bangladesh-China-India-Myanmar với hành lang kinh tế China-Pakistan, và có thể đem lại cho Bắc Kinh khâu tiếp cận đặc quyền với Ấn Độ Dương. Nhắc lại một lần nữa, trọn gói tổng kết –các công lộ, đường hoả xa cao tốc, tuyến ống dẫn dầu và hơi đốt, và các mạng fiber optic — nối kết toàn vùng với Trung Quốc.

Tập Cận Bình đã sắp xếp sự nối kết Ấn Độ-Trung Quốc trong một gói gọn ghẽ với đầy đủ hình ảnh trong trang “op-ed” phổ biến trên báo “the Hindu” trước cuộc viếng thăm New Delhi gần đây. Họ Tập viết: “ Sự phối hợp giữa “xưởng máy của thế giới” và “văn phòng hậu trường của thế giới” sẽ đem lại một cơ sở sản xuất mang tính cạnh tranh cao nhất và thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhất”.

Mắt xích trung tâm của guồng máy hoạch định tinh tế của Trung Quốc đối với tương lai Âu-Á là Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương và địa điểm của hội chợ thương mãi lớn nhất ở Trung Á , Hội Chợ Trung Quốc-Âu-Á. Ngay từ năm 2000, một trong số ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh đã là thành thị hoá và kỹ nghệ hoá Tân Cương, một tỉnh phần lớn là sa mạc nhưng giàu dầu lửa, dù phải tốn kém bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Và theo cách nhìn của Bắc kinh, cái giá phải trả là Trung Quốc hoá toàn bộ Tân Cương — với tất cả các hệ lụy tất yếu, dẹp bỏ mọi bất đồng quan điểm, mọi bất đồng ý kiến khả dĩ của tộc dân Uighur. Tướng Li Yazhou, trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, đã mô tả vùng Trung Á với lời lẽ như “lát bánh huyền ảo tinh tế  nhất đã do trời ban cho Tân Trung Quốc” — the most subtle slice of cake donated by the sky to modern China.

Hầu hết viễn tượng một Âu-Á mới liên kết với Bắc Kinh bởi mọi hình thức chuyển vận và truyền thông đã được mô tả chi tiết một cách sinh  động trong tài liệu “Đi về hướng Tây: Tái Cân Bằng Địa-Chiến Lược của Trung Quốc,” một tiểu luận mốc giới năm 2012 do học giả Wang Jisi thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Thế Giới và Chiến Lược,  Đại Học Bắc Kinh, phổ biến.

Như một phản ứng tốt nhất đối với toàn bộ nối kết Âu-Á tương lai vừa nói, chính quyền Obama đã soạn thảo một kế hoạch ngăn bờ hàng hải từ Ấn Độ Dương đến Biển Nam Hải, cùng lúc tăng cường các xung đột với Trung Quốc và các đồng minh chiến lược chung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản đến Ấn Độ. Đã hẳn, NATO đã được trao trách nhiệm ngăn bờ Liên Bang Nga ở Đông Âu.

BỨC MÀN SẮT vs HỆ THỐNG CÁC ĐƯỜNG TƠ LỤA

Thoả ước hơi đốt thiên nhiên 400 tỉ USD, ký kết giữa Putin và Tập Cận Bình trong tháng 5-2014, đã đặt nền móng cho việc thiết kế tuyến ống dẫn Power of Siberia, đang được xúc tiến ở Yakutsk. Công trình sẽ giúp cung cấp từ nguồn hơi đốt thiên nhiên dồi dào của Nga cho thị trường Trung Quốc, đánh dấu điểm bắt đầu của liên minh cơ sở trên năng lượng giữa hai đại cường. Trong cùng lúc, giới công-thương  Đức cũng đã ghi nhận một thực tế ngày một rõ nét khác: mặc dù thị trường cuối cùng cho các biến chế phẩm của Trung Quốc chuyển tải trên hệ thống các con đường tơ lụa tương lai, sẽ là Âu Châu, chiều hướng giao thương trái ngược cũng cần được lưu ý. Trong một tương lai giao thương khả dĩ, Trung Quốc đang sẵn sàng để trở thành đối tác thương mãi hàng đầu của Đức vào năm 2018, qua mặt Hoa Kỳ và Pháp.

Một chướng ngại tiềm năng đối với các khuynh hướng diễn tiến như thế, được Hoa Thịnh Đốn vồ vập và hoan nghênh, là Chiến Tranh Lạnh 2.0, một chiến lược đã và đang gây chia cắt không phải NATO, mà là EU. Trong khối EU hiện nay, phe chống Nga gồm có Anh, Thụy Điễn, Ba Lan, Romania, và các quốc gia Baltic. Ngược lại, Ý và Hung Gia Lợi có thể xem như phe thân Nga, trong khi Đức Quốc, vẫn chưa thể tiên đoán, là quốc gia quyết định tương lai, sẽ giữ vai trò:  “bức màn sắt” hay quyết tâm “go East”. Trên bình diện nầy, Ukraine sẽ là quốc gia bản lề. Nếu Ukraine, như Moscow đề nghị, thành công trong khuynh hướng Phần Lan hoá (Finlandized), với quy chế tự trị đáng kể, Go East sẽ thắng thế và tương lai sẽ rộng mở. Ngược lại, một BMB tương lai sẽ là một đề xuất bất khả tín hay tuỳ thuộc rủi may.

Cũng nên ghi nhận một viễn kiến khác về tương lai kinh tế Âu-Á đã bắt đầu lộ diện từ phía chân trời. Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách áp đặt Đối Tác Mậu Dịch và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương — TTIP, lên Âu Châu, và Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương — TPP, lên Á Châu. Cả hai nhằm toàn cầu hoá các đại công ty Hoa Kỳ và mục tiêu rõ ràng là để ngăn chặn sự trỗi dậy của các nền kinh tế BRICS và các thị trường đang lên khác, trong khi củng cố vai trò bá chủ kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ.

Hai thực tại trần truồng, được cẩn thận ghi nhận ở Moscow, Bắc Kinh, và Berlin, gợi ý địa-chính-trị dứt khoát bên sau hai cộng đồng thương mãi đối nghịch. TPP loại bỏ Trung Quốc và TTIP loại bỏ Nga. Cả hai rõ ràng đều là hai nguồn tài vật lực ngụy trang của cuộc chiến mậu dịch và tiền tệ tương lai. Theo Pepe Escobar, phóng viên lưu động của Asia Times/Hong Kong và phân tích gia của Russia Today, các nhà sản xuất nông phẩm chất lượng ở Tây Ban Nha, Ý, và Pháp nhiều lần đã cho biết TTIP không gì khác hơn là dạng thức kinh tế của NATO, một đồng minh quân sự; Tập Cận Bình, có lẽ do lòng tin tin, đã thường gọi là một “cấu trúc lỗi thời”.

TTIP gặp nhiều đề kháng quan trọng trong nhiều thành viên EU, nhất là các xứ trong Câu Lạc Bộ Club Med ở Nam Âu Châu, cũng như TPP gặp nhiều chống đối trong các quốc gia Á Châu, đặc biệt là Nhật và Mã Lai Á. Đây là điều đang đem lại hy vọng cho Trung Quốc và Nga trong mạng lưới các Đường Tơ Lụa mới xuyên Âu-Á, với lực hổ trợ của Liên Hiệp Âu-Á  — Eurasian Union — do Nga hậu thuẩn. Trước thực tại  nầy, các lãnh đạo then chốt trong hàng ngũ công-thương Đức, những thành phần luôn có quan hệ thiết thân với Nga, đang đặc biệt quan tâm.

Xét cho cùng, Berlin đã không tỏ vẽ âu lo nhiều đối với các quốc gia khác trong EU triền miên trong khủng hoảng — ba lần suy thoái trong vòng 5 năm. Qua ba định chế đang bị xem thường — Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, và Ủy Hội Âu Châu — Berlin, do nhiều lý do thực tế, đang nắm quyền lèo lái Âu Châu, đang thịnh vượng và đang có khuynh hướng “Go East” hay hướng về phương Đông, để phát triển xa hơn.

Ba tháng trước đây, Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc công du đến Bắc Kinh. Tuy vậy, dự án “hệ thống hoả xa cao tốc xuyên suốt nối liền Bắc Kinh với Berlin”, một dự án có tiềm năng cách tân và với hậu thuẩn chính trị ngày một tăng  tốc, vẫn không mấy được các cơ quan truyền thông Tây Phương đặc biệt lưu ý. Một khi hoàn thành, hệ thống sẽ chứng tỏ sức thu hút nam châm trong địa hạt chuyển vận và mậu dịch đối với hàng tá quốc gia dọc tuyến đường cao tốc từ Á Châu đến Âu Châu. Đi xuyên qua Moscow, hệ thống có thể trở thành tuyến Đường Tơ Lụa hội nhập chủ yếu đối với Âu Châu và có lẽ là ác mộng lớn nhất đối với Hoa Thịnh Đốn.

ĐÁNH MẤT LIÊN BANG NGA

Trong lúc các cơ quan truyền thông Tây Phương đang bị thu hút bởi Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO gần đây ở Wales, với sự ra đời của lực lượng khiêm tốn “rapid reaction force” (lực lượng phản ứng nhanh chóng), sẵn sàng được giàn trải trong bất cứ tình huống “tương tự-Ukraine” nào trong tương lai.
Cùng lúc, Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải ngày một bành trướng (Shanghai Cooperation Organization — SCO), một đối trọng khả dĩ của NATO ở Á Châu, cũng họp mặt ở Dushanbe, Tajikistan. Ở Hoa Thịnh Đốn và Tây Âu, hầu như không một ai lưu ý. Lẽ ra, họ cần chú tâm hơn.
Ở Dushanbe, Trung Quốc, Nga, và bốn xứ “stan” ở Trung Á, đã thu nhận một nhóm thành viên mới rất ấn tượng: Ấn Độ, Pakistan, và Iran. Hệ quả đã rõ ràng khá quan trọng.
Xét cho cùng, Ấn Độ, dưới quyền lãnh đạo của Thủ Tướng Narendra Modi, đang nuôi giấc mộng “Con Đường Tơ Lụa” riêng của mình. Thấp thoáng ẩn hiện bên sau là bóng dáng đối tác kinh tế “Chindia” đang hình thành, một thực thể có thể làm thay đổi bản đồ địa-chính trị Âu-Á. Cùng lúc Iran cũng đang đan xen vào hàng ngũ “Chindia”.
Trong chiều hướng đó, SCO, dần dà nhưng vững chắc, đang trở thành tổ chức quốc tế quan trọng nhất ở Á Châu. Một trong số các mục tiêu dài hạn của tổ chức là chận đứng vai trò “ngoại tệ dự trữ duy nhất” của đồng USD trong mậu dịch quốc tế, đồng thời tăng cường địa vị đồng petro-ruble của Nga và  petro-yuan của Trung Quốc trong phạm vi mậu dịch năng lượng. Đã hẵn, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ được nghênh đón tham gia vào tổ chức.
Dù sao, tất cả những gì mô tả trên đây cũng vẫn còn là những câu chuyện của tương lai. Trong hiện tình, Điện Cẩm Linh vẫn luôn gửi tín hiệu một lần nữa muốn khởi động thương nghị với Hoa Thịnh Đốn, trong lúc Bắc Kinh cũng chưa bao giờ ngừng theo đuổi cùng một giấc mơ.
Trong khi đó, chính quyền Obama vẫn thiển cận nâng niu trò chơi “zero-sum game”, vững tin ở lợi thế kỹ thuật và quân sự, luôn nỗ lực tìm cách duy trì địa vị thuận lợi sẵn có  bên trong vùng Âu-Á.
Tuy nhiên, trong thực tế, Bắc Kinh luôn có sẵn nhiều thị trường và thực lực kinh tế tài chánh, và Điện Cẩm Linh luôn dồi dào năng lượng. Như người Trung Quốc thường nói, hợp tác tay ba giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Liên Bang Nga luôn có thể là “trò chơi chắc thắng, chắc thắng, và chắc thắng”. Nhưng bạn cũng không nên nuôi quá nhiều hy vọng…
Thay vào đó, các bạn có thể chờ đợi đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Liên Bang Nga sẽ ngày một sâu sắc vững bền, cùng lúc có đủ sức thu hút các cường quốc cấp vùng Âu-Á khác. Bắc Kinh đoan chắc sự đối đầu giữa U.S./NATO và Nga ở Ukraine sẽ thúc đẩy Vladimir Putin hướng về phương Đông. Đồng thời, Mạc Tư Khoa cũng sẽ cẩn trọng cân nhắc ý nghĩa của quyết định tái định hướng đang tiếp diễn của chính mình về phía một đại cường kinh tế đang lên nhanh và ngay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế – IMF – cũng đã  xác nhận vừa qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nền “Kinh Tế Số Một” của thế giới ngay trong năm 2014.
Một ngày nào đó, rất có thể những tiếng nói lành mạnh và phải chăng ở Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ lên tiếng tự vấn: do đâu Hoa Kỳ “đã đánh mất” Liên Bang Nga cho Trung Quốc.
Trong lúc chờ đợi, hãy nghĩ đến Trung Quốc như một nam châm đối với trật tự thế giới mới trong thế kỷ Âu-Á tương lai. Chẳng hạn, một quá trình hội nhập, tương tự như Liên Bang Nga hiện đang đối mặt, với lực thu hút hay thích ứng lúc một gia tăng đối với Ấn Độ và các quốc gia Âu-Á khác, và cũng rất có thể, không sớm thì muộn, đối với một Đức Quốc đang trung lập.
Trong ván bài chót của quá trình, Hoa Kỳ rất có thể tự cảm thấy dần dà đang bị đẩy ra khỏi khu vực Âu-Á, với một trục BMB (Beijing-Moscow-Berlin) trỗi dậy như nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Trong mọi trường hợp, vấn đề chính yếu vẫn luôn là sự trường tồn của nhân loại, đang rất mong manh với hiện tượng biến đổi khí hậu và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Và chúng ta cũng chỉ có thể ngày đêm cầu nguyện cho một thế giới hoà bình và thịnh vượng !

Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
25-10-2014

No comments: