Monday, November 3, 2014

12. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam sau hơn 20 năm nhìn lại (05/10/2014)

Gần 25 năm qua, kể từ khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (tháng 12 năm 1987), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam luôn gia tăng, trở thành khâu đột phá trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sức hấp dẫn của Việt Nam với một thị trường đầy tiềm năng đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có cả những nước đang thi hành chính sách cấm vận đối với Việt Nam không thể không quan tâm. Điển hình là Mỹ, từ năm 1989 một số nhà đầu tư nước này thông qua nước thứ ba đã thực hiện nhiều dự án FDI ở Việt Nam, mặc dù đến năm 1994 Tổng thống Bill Clinton mới bỏ lệnh cấm vận. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2014, FDI tại Việt Nam hiện có 16.589 dự án còn hiệu lực, với số vốn đăng ký trên 239 tỷ USD, vốn điều lệ trên 81 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo về nhiều vấn đề bất cập đang đặt lên vai Việt Nam trước những thử thách mới trong tiến trình tiếp nhận FDI sao cho có hiệu quả hơn để phát triển bền vững.Trong làn sóng FDI vào Việt Nam, Trung Quốc nổi lên và trở thành đối tác có lượng vốn đầu tư tăng trưởng liên tục từ năm 1991 đến nay.
1. Thực trạng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam
FDI của Trung Quốc vào Việt Nam được bắt đầu từ cuối tháng 11 - 1991, do một doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) liên doanh với một doanh nghiệp Hà Nội, mở nhà hàng Hoa Long tại phố Hàng Trống - Hà Nội. Trải qua 23 năm, kể từ dự án đầu tiên, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Lũy kế tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2014 đầu tư của Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao) tại Việt Nam có 1.029 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 7,852 tỷ USD, chiếm 6,2% số dự án và 3,29% tổng vốn đăng ký, đứng thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam(1). Tuy nhiên theo thời gian, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng giảm khá thất thường, riêng năm 2013 chiếm tới hơn 2,3 tỷ USD, trong đó dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân đã là hơn 2 tỷ USD, mức độ thực hiện còn thấp so với mức trung bình, chỉ đạt khoảng 30%. Trong số 17 lĩnh vực các đối tác Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, các lĩnh vực bất động sản và dệt may đón số vốn lớn nhất.
Thực tiễn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam 23 năm qua cho thấy tính giai đoạn về FDI của Trung Quốc biểu hiện khá rõ: Giai đoạn (1991 - 2001) tác động chưa đáng kể đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; từ năm 2002 đến năm 2010 mới có chuyển biến rõ rệt, trở thành nội dung chủ yếu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước; đặc biệt từ năm 2011 đến nay, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, nhất là năm 2013.

Về quy mô đầu tư: Mười năm đầu (1991 - 2001), FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ mang tính chất thăm dò, số dự án và lượng vốn đầu tư vào Việt Nam là rất nhỏ so với tổng lượng vốn FDI. Tính đến tháng 12 năm 2001 Trung Quốc có 110 dự án với tổng số vốn đăng ký theo giấy phép là 221 triệu USD(2).
Tốc độ đầu tư chậm, vốn đầu tư trung bình của một dự án khiêm tốn, khoảng 1,5 triệu USD, có nhiều dự án với số vốn đầu tư theo giấy phép chỉ trên dưới 100.000 USD. Nhìn tổng thể, trong số 110 dự án còn hiệu lực tính đến cuối năm 2001 rất ít dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD (trừ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu chế xuất Linh Trung tại thành phố Hồ Chí Minh có vốn đầu tư ban đầu là 14 triệu USD).Quy mô đầu tư nhỏ đã kéo theo tình trạng hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc có công nghệ thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phổ thông. Đi liền với quy mô dự án nhỏ là thời gian hoạt động các dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam không dài, nhằm nhanh chóng thu hồi vốn (đa số từ 10 đến 15 năm, số dự án có thời gian hoạt động trên 20 năm là rất ít, thậm chí có dự án chỉ kéo dài dưới 10 năm).
Mười năm tiếp theo (2001 - 2010), được đánh dấu bởi Hiệp định khung về hợp tác toàn diện ASEAN - Trung Quốc năm 2002, cũng là thời điểm Trung Quốc đã gia nhập WTO (2001). Từ thời điểm này, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn (khoảng 2,5 triệu USD/dự án), có nhiều dự án trên 1 triệu USD đến 10 triệu USD đã xuất hiện. Năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, cùng với việc đi sâu hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng khá mạnh, nhiều dự án trên 10 triệu USD đến 100 triệu USD đã có mặt tại Việt Nam, nâng vốn bình quân của một dự án lên 4,3 triệu USD/dự án. Những dự án với vốn đầu tư lớn nói trên đã góp phần thay đổi diện mạo đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian 10 năm đầu thế kỷ XXI.
Thời gian tiếp theo - từ 2011 đến tháng 5 năm 2014, là khoảng thời gian FDI của Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt nhất. Bằng chứng là số dự án và lượng vốn tăng rất mạnh trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014. Nếu như trong năm 2012 lượng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam giảm mạnh xuống mức 312 triệu USD thì năm 2013 lượng vốn đã tăng đột biến lên tới trên 2,3 tỷ USD với 110 dự án được cấp mới. Trong đó dự án xây nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) của nhà đầu tư Trung Quốc đã chiếm tới 2,018 tỷ USD để thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy điện đốt than tại Vĩnh Tân. Các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, dệt may đăng ký mới và tăng vốn trong 2 năm (2013 và 2014) đáng chú ý là: Dự án xây dựng khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh), dự án khu công nghiệp An Dương (Hải Phòng), dự án sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, dự án khai thác, kinh doanh khu công nghiệp bất động sản ở Tiền Giang và dự án dệt, sợi, nhuộm ở Nam Định(3).
Đây là mức tăng rất lớn và trên thực tế đã đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 4 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2013. Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bộc lộ động thái đón lõng để hưởng lợi từ Hiệp định TPP mà Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán để thông qua, và cũng là thời điểm Việt Nam có khả năng kết thúc đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do với EU (EVFTA) trong thời gian tới. Bởi vậy nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã tới Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất nguyên vật liệu nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định dành cho Việt Nam.
Với nhiều dự án có lượng vốn đầu tư tương đối lớn (8,5 % số dự án có quy mô trên 10 triệu USD) đã góp phần nâng mức bình quân của một dự án lên 7,1 triệu USD, mặc dầu so với mức bình quân chung của FDI vào Việt Nam thì vẫn còn thấp (mức bình quân chung 15 triệu USD/1 dự án).
Về lĩnh vực đầu tư: Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư. Trong tổng số 17 ngành Trung Quốc có đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là 5 lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo với 704 dự án, tổng số vốn đầu tư 4.133.905.121 USD, vốn điều lệ 2.100.076.666 USD, chiếm 53% vốn đầu tư (Về lĩnh vực này, các ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn do các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đón cơ hội hưởng thuế suất 0% khi Việt Nam tham gia TPP); sản xuất phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng vị trí thứ 2 với 03 dự án, tổng vốn đầu tư 2.046.770.000 USD, vốn điều lệ 360.385.400 USD, chiếm 28%; xây dựng 98 dự án, tổng số vốn đầu tư 559.616.783 USD, vốn điều lệ 235.885.746 USD, chiếm 7%; kinh doanh bất động sản 14 dự án, tổng số vốn đầu tư461.827.380 USD, vốn điều lệ 118.363.000 USD, chiếm 6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 12 dự án, tổng số vốn đầu tư 298.700.900 USD, vốn điều lệ 64.335.900 USD, chiếm 4%. Năm lĩnh vực nói trên đã chiếm tổng cộng 98 % tổng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam(4). Lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp FDI của Trung Quốc đứng thứ 6 (FDI nói chung đứng thứ 10); lĩnh vực khai khoáng, FDI của Trung Quốc đứng thứ 8 trong tổng số ngành nghề (FDI nói chung đứng thứ 11).
Mặc dù đã có sự chuyển dịch về lĩnh vực đầu tư nhưng cho đến nay, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam cũng chỉ mới tập trung ở những ngành nghề thông thường, chưa có dự án nào đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao với vốn đầu tư lớn.
Về hình thức đầu tư: Mười năm đầu (1991 - 2001) đại đa số các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam thực hiện liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam là chủ yếu. Mười năm trở lại đây đã có sự thay đổi rõ rệt, loại hình 100% vốn nước ngoài của Trung Quốc chiếm vị trí cao nhất 49,8%, với 767 dự án, số vốn đầu tư chiếm hơn 3,9 tỷ USD, tuy nhiên vẫn thấp hơn FDI nói chung (trên 67%). Loại hình hợp đồng BOT, BT, BTO của FDI nói chung chiếm 3,4%, trong khi đó của Trung Quốc lên tới 29,7%(loại hình này chỉ có 03 dự án nhưng vốn đầu tư lên tới trên 2,3 tỷ USD). Hình thức liên doanh đứng vị trí thứ 3 với số dự án bằng 1/3 số dự án 100% vốn nước ngoài (217 dự án), vốn đầu tư trên 1,5 tỷ USD chiếm 19,3%. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có 32 dự án với số vốn đầu tư gần 59 triệu USD, và đứng cuối cùng là hình thức công ty cổ phần với 10 dự án, số vốn đầu tư 36 triệu USD(5). Sự thay đổi của loại hình đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăm dò, thử nghiệm, dựa vào đối tác địa phương am hiểu thị trường ở thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đang bước sang giai đoạn tự tin, hiểu biết, đủ khả năng độc lập kinh doanh cũng như đặt niềm tin ở thị trường Việt Nam.
Về địa bàn đầu tư: Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam (55/63 tỉnh, thành), trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh ven biển (22/28 tỉnh ven biển) và các thành phố, khu vực đông dân cư, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đứng đầu trong các địa phương có nhiều dự án đầu tư Trung Quốc là Hà Nội (202 dự án), tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh (110 dự án), Bình Dương (100 dự án), Bắc Ninh (54 dự án), Long An (54 dự án), Hải Phòng (49 dự án)…Xét về tổng lượng vốn đầu tư của Trung Quốc tại các địa phương, Bình Thuận là địa phương thu hút vốn lớn nhất (2.027.263.379 USD), Lào Cai đứng thứ 2 (803.156.516 USD), Tây Ninh đứng thứ 3 (729.140.000 USD), Quảng Ninh đứng thứ 4 (471.741.674 USD), tiếp đến là Bình Dương (349.787.076 USD), Hải Phòng (318.467.916 USD), Hà Nội (311.456.062 USD)(6) …Nhìn chung các dự án đầu tư của Trung Quốc tại các địa phương đều tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, chế tạo, luyện thép, bất động sản, xây dựng, dệt may, đồ gia dụng, phân bón, vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc. Đầu tư của Trung Quốc cũng đã hướng tới một số tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đó là những tỉnh có cơ sở hạ tầng kém, trình độ phát triển thấp, khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài như Lào Cai (22 dự án), Lạng Sơn (22 dự án), Cao Bằng (10 dự án), Hà Giang (6 dự án) và Lai Châu (3 dự án). Tuy nhiên, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam cũng mới chỉ tập trung vào khai thác khoáng sản, nguyên vật liệu là chính, cụ thể là: Dự án chế biến tinh quặng sắt titan ở Thái Nguyên; dự án xây dựng nhà máy khai thác và chế biến antimon và tuyển quặng ở Hà Giang; dự án xây dựng nhà máy chế biến cao su thiên nhiên thành cao su tổng hợp và dự án sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng, dự án phát triển vùng nguyên liệu lá thuốc lá, kinh doanh chế biến nguyên liệu lá thuốc lá ở Lào Cai; dự án xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông ở Lạng Sơn; dự án khai thác khoáng sản và sản xuất than cốc ở Cao Bằng…vì vậy, hiệu quả FDI của Trung Quốc mang lại cho các địa phương này không cao.
2. Đánh giá tổng quát về FDI của Trung Quốc tại Việt Nam
Về mặt lý thuyết, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ mang lại tương đối nhiều lợi ích cho nước sở tại. Đó có thể là những lợi ích mang tính trực tiếp như đóng góp về vốn, tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, hay nâng cao trình độ công nghệ của nước chủ nhà. Bên cạnh những lợi ích trực tiếp này, dòng vốn FDI còn tạo ra những tác động tích cực một cách gián tiếp như, lan tỏa công nghệ tới các thành phần khác trong nền kinh tế, hay nâng cao năng lực quản lý thông qua các liên kết xuôi, hoặc liên kết ngược. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tiềm tàng những khả năng có thể gây tổn hại tới nền kinh tế, như tận dụng những lợi thế cạnh tranh và những ưu đãi của nước sở tại để cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nội địa, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nội địa có thể bị đánh bật ra khỏi thị trường do không đủ sức cạnh tranh để tồn tại và bị thôn tính. Mặt khác FDI thường đặt nước nhận đầu tư phụ thuộc vào sự vận động của dòng công nghệ, cho dù công nghệ ấy phù hợp hay không còn phù hợp, đã lạc hậu hay thuộc các ngành gây ô nhiểm môi trường. Bên cạnh đó, FDI vào các nước đang phát triển thường làm gia tăng khoảng cách không đồng đều giữa các ngành, các vùng miền, các khu vực kinh tế và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, gây ra sự thay đổi trong nếp sống, lối sống của người dân, gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” đối với nước nhận đầu tư. Một vấn đề nữa là, doanh nghiệp FDI với mục đích khai thác thị trường, họ thường chỉ tập trung vơ vét tài nguyên, tận dụng nhân công giá rẻ thu lợi nhuận, rồi rút khỏi nước nhận đầu tư, để lại những hậu quả nghiêm trọng khôn lường về nhiều mặt.
Xét trên các khía cạnh lý thuyết, soi vào thực tiễn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam 23 năm qua, nhiều chuyên gia, học giả Việt Nam cho rằng “các doanh nghiệp Trung Quốc ít có khả năng nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật. Trang thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bình, thậm chí có trường hợp đưa máy móc đã qua sử dụng sang Việt Nam, hoặc một số dây chuyền thiết bị từ nhiều nguồn, lai ghép nhiều thế hệ, các nước khác nhau nên không đồng bộ. Công nghệ sử dụng trong các dự án nhiệt điện đều thuộc loại trung bình, có thiết bị đã qua sử dụng được tái tạo, nâng cấp về kỹ thuật với mức giá thấp”(7). Nói về sự lấn lướt của các doanh nghiệp Trung Quốc, có chuyên gia nhận xét “Các doanh nghiệp Trung Quốc đã biết cách lợi dụng các hạn chế về môi trường đầu tư của Việt Nam, sự thiếu giám sát của các cơ quan chức năng để gia tăng ảnh hưởng, chèn ép sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngay cả trong sản xuất nông nghiệp, lương thực…đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế khó khăn”(8).
Về phía các chuyên gia và học giả nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng “Việt Nam chỉ thích hợp với những dự án sản xuất gia công, không thích hợp với những dự án công nghệ cao, do vậy FDI của Trung Quốc chỉ quan tâm đến những dự án sản xuất gia công, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh ngay trên sân nhà của mình. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng môi trường và an ninh quốc gia của Việt Nam”(9). Một số ý kiến khác cho rằng “Doanh nghiệp Trung Quốc chọn lựa Việt Nam là nơi đầu tư nhằm mục đích thông qua việc thành lập các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiến vào thị trường ASEAN. Nói cách khác thị trường Việt Nam được coi là bàn đạp để các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào thị trường ASEAN dưới danh nghĩa là một doanh nghiệp Việt Nam”(10).
Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Trung Quốc - ASEAN nói “Việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may. Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tập đoàn dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) đã tiến hành dự án xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm, với vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng) tại Nam Định là biểu hiện điển hình. Mục đích chính của YULUN là muốn mượn Việt Nam như một bàn đạp để tiến vào thị trường Mỹ, vốn được biết đến là thị trường khó tính với nhiều rào cản”(11).
Cho đến nay, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan “Hải Dương 981” trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về FDI của Trung Quốc tại Việt Nam. Từ nghiên cứu thực tiễn chúng tôi cho rằng, những thành tựu về hợp tác đầu tư Việt - Trung 23 năm qua cần phải được ghi nhận, đồng thời những mặt hạn chế cũng rất cần thiết phải được làm rõ. 
- Thành tựu cần được ghi nhận.
Thứ nhất, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu về vốn đầu tư là rất lớn. Mặc dù về dài hạn, vốn trong nước có ý nghĩa quyết định, nhưng vốn nước ngoài (bao gồm vốn ODA, vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp) vẫn là nguồn đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam. FDI của Trung Quốc đã góp phần bổ sung nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển của Việt Nam. So với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Sigapore, Mỹ…lượng vốn FDI và các khoản thuế của Trung Quốc vào Việt Nam còn quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, mặc dù vậy chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp nhất định về FDI của Trung Quốc trong tiến trình khắc phục tình trạng thiếu vốn, tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo năng lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thứ haiFDI của Trung Quốc đã góp phần bổ sung nguồn vốn cho cán cân thanh toán. Khi nguồn vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam ngày một tăng, thì tác động của các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đối với cán cân thanh toán của Việt Nam là hoàn toàn tích cực. Tuy nhiên, tác động tích cực chỉ thực sự xảy ra khi: Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI của Tung Quốc tại Việt Nam ngày càng tăng, nhưng các doanh nghiệp này không tăng mạnh hơn về kim ngạch nhập khẩu; hoặc giá trị các giao dịch thanh toán lãi suất và cổ tức không tăng mạnh; hoặc FDI của Trung Quốc cần tập trung vào những ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh, những ngành hướng về xuất khẩu, chứ không phải vào những ngành thay thế nhập khẩu được bảo hộ; hoặc các nhà đầu tư Trung Quốc không tìm cách chuyển nhiều lợi nhuận về nước và chuyển vốn ra nước ngoài.
Thứ ba, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoáNghiên cứu cho thấy, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam trong những năm qua có sự chuyển hướng từ lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công nghiệp hàng tiêu dùng sang các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, FDI của Trung Quốc có mặt trên 55 tỉnh, thành của Việt Nam - từ các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, đến các tỉnh cực Nam đất nước kể cả tận Mũi Cà Mau, FDI của Trung Quốc đều hướng tới. Điều này đã góp phần vào việc đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá và hiện đại hoá các vùng lạc hậu, thu hẹp sự chênh lệch phát triển giữa các tỉnh nghèo và lạc hậu phía Bắc với các vùng khác của Việt Nam.
Thứ tư, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam hiện có 704 dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, 98 dự án trong ngành xây dựng, đây là những khu vực đòi hỏi lượng lao động lớn, FDI của Trung Quốc đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao năng lực cho người lao động ở Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam hướng tới khi thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là số lao động gián tiếp mà các công ty FDI của Trung Quốc tạo ra lớn hơn nhiều so với lao động trực tiếp mà nó tạo ra. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2000 các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đã tạo ra khoảng 53.000 việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho lao động Việt Nam, năm 2010, các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc ở Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp thu hút và tạo cơ hội việc làm cho 200.000 người lao động của Việt Nam, chiếm 5 % lao động làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (2 triệu người lao động trực tiếp và khoảng 3 đến 4 triệu lao động gián tiếp). Ngoài ra, FDI của Trung Quốc còn góp phần đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ những nhà quản lí, người lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề, thông thạo tiếng Trung Quốc và có tác phong lao động công nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động xã hội theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ.
Thứ năm, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế của các nước trong khu vực châu Á và nền kinh tế thế giới. Với vai trò một nước lớn trong khu vực và trên thế giới, việc các nhà đầu tư Trung Quốc tăng đầu tư vốn FDI vào Việt Nam đã có những tác động mạnh mẽ tới các nhà đầu tư nước ngoài khác trong và ngoài khu vực, khiến họ thêm tin tưởng vào đường lối chính sách của Việt Nam cũng như tăng thêm sự hấp dẫn của thị trường đầy tiềm năng này. Với hơn 90 triệu dân và giá thuê nhân công rẻ đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam còn góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế.Xuất khẩu thông qua FDI với Trung Quốc, là một hình thức có hiệu quả giúp hàng hoá Việt Nam tiếp cận các thị trường ở Trung Quốc cũng như một số nước châu Á. FDI của Trung Quốc nói riêng, FDI của các nước nói chung đã góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và làm tăng thế và lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
- Những vấn đề hạn chế
Bên cạnh những thành tựu được nhìn thấy một cách trực tiếp, doanh nghiệp FDI Trung Quốc đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế.
Thứ nhất, cùng với việc đi sâu hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, Việt Nam ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam có những điều kiện thuận lợi mà không phải bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng có. Tuy nhiên, do có nhiều nhân tố, cả khách quan lẫn chủ quan, cả bên ngoài và bên trong tác động, dẫn tới qui mô đầu tư còn hạn chế của Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian qua. Có thể nhận thấy, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện hiện có, vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thông thường. Cho đến nay theo bảng xếp hạng, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam mới đứng thứ 9/101 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với1.029 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7,852 tỷ USD.
Trong khi đó, FDI của Trung Quốc vào Campuchia tăng rất mạnh: Năm 2008, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia với tổng số vốn lên đến 4,371 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư vào Campuchia. Năm 2009 tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia đã vượt 6 tỷ USD, gấp 3 lần đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam trong gần 20 năm. Theo Báo cáo của Hội đồng Đầu tư Campuchia, cho đến nay Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 522 dự án với tổng số vốn lên tới  9,8 tỷ USD(12). Ngoài các dự án đã và đang thực hiện, trong năm 2012 và năm 2013 Trung Quốc còn cam kết đầu tư nhiều dự án lớn vào Campuchia trên các lĩnh vực như nhiệt điện, thủy điện, xi măng, lọc dầu, đường sắt, cảng biển, nông nghiệp, chăn nuôi, khu nghỉ dưỡng… ước tính tổng lượng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đầu tư vào Campuchia thông qua viện trợ phát triển, tính đến năm 2011 tổng số tiền viện trợ phát triển của Trung Quốc cho Campuchia khoảng 2,1 tỷ USD (bao gồm cả viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi).
Với Lào, những năm gần đây FDI của Trung Quốc tại Lào gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, từ năm 2001 đến cuối năm 2010, Trung Quốc đã đầu tư vào Lào 369 dự án với tổng vốn đăng ký hơn  2,9 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Trung Quốc có trong tay hơn 10.000 km2 đất dự án, tương đương khoảng 4% diện tích của cả nước Lào, người Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai thác mỏ, thủy điện, cao su, thậm chí cả ngành bán lẻ và dịch vụ khách sạn. Những năm gần đây (từ năm 2011 đến giữa năm 2014), FDI của Trung Quốc tại Lào gia tăng mạnh, hiện tại Trung Quốc có 801 dự án đầu tư tại Lào, với tổng số vốn 3,92 tỷ USD (nếu tính cả vốn liên doanh với Lào thì tổng vốn FDI của Trung Quốc đạt khoảng 5,2 tỷ USD) vượt lên trước FDI của Việt Nam tại Lào (5,012 tỷ USD) và Thái Lan (4,8 tỷ USD)(13).
Tình hình nêu trên cho thấy, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam, nước có thị trường lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong 3 nước Đông Dương, đều là láng giềng của Trung Quốc, nhưng lại tăng chậm nhất.
Thứ hai, dòng FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế của Việt Nam.FDI của Trung Quốc không chú ý đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam. Đây là cơ cấu đầu tư không mong đợi, vì việc khai thác và sơ chế các loại quặng ở Việt Nam để chuyển nguyên liệu (than, quặng, thiếc…) về Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, rất ít có tác động lan tỏa, tác động xấu đến môi trường và sự phát triển bền vững của Việt Nam.Trung Quốc đã chia các khu vực trong chiến lược tìm kiếm nguyên nhiên liệu thành 3 vùngThứ nhất là, các nước lân cận Trung Quốc, xung quanh bờ biển và biên giới của Trung Quốcthứ hai là, Trung Đông và Vịnh Persianthứ 3 là, châu Phi và Châu Mỹ. Việt Nam nằm trong vùng tìm kiếm nguyên liệu thứ nhất của Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài suốt từ Bắc đến Nam (Việt Nam).Tình hình này đã gây nên sự xáo trộn trong quy hoạch ngành, vùng, miền kinh tế của Việt Nam. Mặt khác nếu quản lý các dự án này không tốt, sẽ còn gây nên nguy cơ về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Việt Nam. Sự phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới là thách thức lớn đối với Việt Nam trước nguy cơ về cạn kiệt tài nguyên.
Thứ ba, vấn đề lao động Trung Quốc theo sau các dự án FDI của Trung Quốc ngày càng phức tạp, nếu không sớm có giải pháp thì rất có thể trở thành vấn đề “quốc nạn”. Thật vậy, FDI của Trung Quốc đi đến đâu kéo theo người lao động Trung Quốc di dân đến đó. Công nhân Trung Quốc có mặt hầu khắp các công trình của Trung Quốc đầu tư hoặc nhận thầu ở Việt Nam.
Tại Hải Phòng, hiện số lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy nhiệt điện số 2 (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) có gần 1.300 người. Lao động Trung Quốc áp đảo về lực lượng, nên số ít lao động người Việt Nam may mắn tìm được việc ở đây luôn bị xử ép mà không biết kêu ai(14). Điều đó xuất phát từ việc các doanh nghiệp FDI Trung Quốc thường không thành lập công đoàn, vi phạm Luật đầu tư của Việt Nam. Trong khi đó, các công đoàn chính là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tại Ninh Bình, trên công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc(15). Tại Quảng Ninh, Bắc Ninh, BắcGiang… đâu đâu cũng nhan nhn người Trung Quốc lao động trong các dự án đầu tư của Trung Quốc. Ở các tỉnh thành miền Trung và miền Nam như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương…lao động Trung Quốc đổ về ngày càng nhiều. Theo báo cáo ngày 19/3/2014 về tình hình lao động nước ngoài của Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng - Hà tĩnh, hiện khu kinh tế Vũng Áng có 3.730 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, trong đó 1.560 người được cấp giấy phép lao động. Nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê(16).Tại tỉnh Trà Vinh, hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Thế nhưng trong đó chỉ có 517 lao động được cấp giấy phép lao động, còn lại không có giấy phép, hoặc bằng con đường Visa du lịch(17). Tại Bình Thuận, số lượng lao động Trung Quốc đổ về xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để thi công công trình Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân trong những năm gần đây rất đông, biến nơi này thành “làng” Trung Quốc. Tính đến tháng 12 năm 2013 lao động Trung Quốc tại Bình Thuận lên đến 610 người(18).
Người Trung Quốc ồ ạt đến cùng với FDI của Trung Quốc, điều đáng nói là rất nhiều  trong số họ là lao động phổ thông trái phép, làm ăn, buôn bán, vi phạm pháp luật, gây ra các vấn đề tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự địa phương...Trong khi Việt Nam đang tích cực đưa lao động sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaixia để giải quyết công ăn việc làm cho lượng lao động dư thừa, nhàn rỗi, việc nhà đầu tư Trung Quốc ít sử dụng lao động tại chỗ đã ảnh hưởng lớn đến chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Điều cần đáng nói hơn nữa là, trong thời đại ngày nay luồng di dân thường đi từ nước nghèo khó, kém phát triển, đến những nước phát triển có thu nhập cao hơn thì sự hiện diện của hàng ngàn công nhân Trung Quốc tại những “biệt khu” ở Việt Nam - quốc gia có thu nhập thấp hơn Trung Quốc nhiều lần, lại là điều bất thường, thật sự khó hiểu. 
 Có thể nhận định rằng, hiện tượng lao động Trung Quốc đang có mặt khắp các dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam không phải là vấn đề chính sách mà là ở vấn đề thực thi, gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đầu tiên là cơ quan cấp phép dự án, phải chịu trách nhiệm chính về giám sát dự án. Thứ hai, là nơi cấp phép lao động phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng, địa phương nơi có dự án cũng phải chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp. Đối với lao động Trung Quốc, chắc có thể có một số tâm lý cả nể, điều đó không phù hợp trong quan hệ hợp tác kinh tế. Vì trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, các sai phạm cần phải được xử lý một cách nghiêm túc với tư cách là giải pháp nhằm duy trì quan hệ bền vững. Việc Trung Quốc đưa lao động, máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu sang làm việc tại các dự án FDI tại Việt Nam có thể là có chủ ý, một phần cũng do thái độ của các cơ quan chức năng Việt Nam quá ưu ái đối với đầu tư Trung Quốc.Điều này vô hình chung tạo ra cho các doanh nghiệp và dự án FDI Trung Quốc khả năng lợi dụng chính sách, chèn ép sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như đã nói, trên thực tế FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều như các nước khác, nhưng mức độ hưởng lợi lại cao hơn rất đáng kể từ chính các dự án ODA nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc lao động nước ngoài tràn lan ở Việt Nam, rõ ràng chỉ đang xảy ra đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc đang đi ngược lại hoàn toàn mục đích, quy định, luật pháp về FDI mà bất kể đối tác đầu tư nào cũng phải tuân thủ. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp không được tuyển dụng lao động phổ thông là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Theo Nghị định 102 ban hành năm 2014 và Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện có hiệu lực từ ngày 1/3/2014, tiếp tục khẳng định Việt Nam chỉ tuyển dụng các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.Các quy định cho đến hiện nay luôn nhất quán là Việt Nam không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc, kể cả các công việc cần chuyên gia, giám đốc điều hành hay lao động kỹ thuật nếu người Việt Nam có thể đáp ứng được thì cũng phải tuyển lao động Việt Nam.Do đó, việc lao động Trung Quốc làm các công việc lao động phổ thông tại các công trình và dự án ở Việt Nam là không phù hợp với luật pháp, cần phải có sự tăng cường, kiểm soát buộc họ phải thực hiện nghiêm khắc.
Thứ tư, FDI của Trung Quốc yếu kém trong chuyển giao công nghệ, phần lớn là công nghệ lạc hậu hay thuộc các ngành gây ô nhiễm môi trường.Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài.  Đây chính là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam. Với lợi thế giá rẻ, nhiều loại máy móc thiết bị từ Trung Quốc đang được nhập khẩu theo đơn đặt hàng ở mọi mức giá cho doanh nghiệp Việt Nam. Giá rẻ là yếu tố giúp các dây chuyền sản xuất cũ của Trung Quốc lấn lướt trên thị trường so với hàng nội địa và hàng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến hàng chất lượng thấp của Trung Quốc tràn lan là do “kẽ hở” chính sách. Cụ thể, nhiều dây chuyền, máy móc nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% nên cạnh tranh khá dễ dàng với hàng trong nước như  máy công cụ, máy sản xuất giấy, máy đóng hộp và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất khác. Do đó, có nhiều mối quan ngại rằng việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc có thật sự hiệu quả?hay Việt Nam là nước tiêu thụ lại công nghệ lỗi thời, lạc hậu cho Trung Quốc…Việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị về chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn đã hư hỏng rõ ràng là vấn đề cần phải xem xét. Theo khảo sát đối với các cán bộ quản lý thuộc Bộ và Sở Kế hoạch và Đầu tư thì 66% cho rằng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc là trung bình và hơn 33% còn lại cho rằng trình độ công nghệ của họ là kém và tiêu hao nhiều năng lượng.
Khi mà trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc như vậy thì sự chuyển giao công nghệ sang Việt Nam dù có diễn ra cũng chỉ gọi là quá trình đẩy công nghệ lạc hậu cho Việt Nam mà thôi.
Thứ nămvấn đề liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp chưa như kỳ vọng.Các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc thường mang theo máy móc thiết bị, kể cả những thứ Việt Nam đáp ứng được. Nhiều máy móc Trung Quốc mang sang Việt Nam là những máy móc mà Việt Nam có thể sản xuất được. Cùng với FDI, Trung Quốc nhiều khi còn nhập ồ ạt hàng hoá tiêu dùng rẻ mạt, bóp chết một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng của nước sở tại nhất là những ngành mới phôi thai. Trên thực tế, bản thân những ngành sản xuất trong nước tại Việt Nam cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và thị trường Trung Quốc, đặc biệt những ngành xuất khẩu. Ví dụ, ngành nông nghiệp của Viêt Nam, từ vật tư nông nghiệp, đến mua bán hàng hóa cũng bị phụ thuộc vào Trung Quốc, đó là mối đe dọa rất lớn tới cuộc sống, thu nhập, việc làm của 70% người dân làm nông nghiệp, 50% lao động phổ biến của Việt Nam.Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam đang gây lo ngại về nguy cơ Việt Nam mất quyền kiểm soát kinh tế, đặc biệt với việc các công ty Trung Quốc dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam trên các lĩnh vực dệt may, bất động sản, khai khoáng, nhiệt điện, xây dựng, chế biến, cơ sở hạ tấng.v.v. Do nhiều công ty Việt Nam đang gặp khó khăn về mặt tài chính, phải bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, công ty Trung Quốc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều. Sau một thời gian, những công ty đó có nguy cơ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam, nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.
Những cảnh báo Trung Quốc “âm thầm” thâu tóm doanh nghiệp Việt đang ngày càng nhiều trên truyền thông và dư luận. Trên thực tế, có thể thấy một số thương vụ đáng kể như công ty Firstland (Trung Quốc) đã trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) với tỷ lệ sở hữu 5,63%. Cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua, Gaoling, một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc, cũng đã chi 40 triệu đôla để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty Vinacafe Biên Hòa. Điều hiển nhiên là việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào nước láng giềng Việt Nam là tất yếu trong xu thế hội nhập, mở cửa và tự do hóa kinh tế. Nhưng nguy cơ ở đây chính là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu kém, doanh nghiệp tư nhân không được tạo điều kiện phát triển, doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, nên phải dựa ngày càng nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam vẫn còn vướng mắc nhiều rào cản; cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương Việt Nam yếu kém, không đồng bộ, do vậy mặc dù có tiềm năng lớn nhưng không thu hút được nguồn vốn đầu tư. Theo các nhà đầu tư Trung Quốc, khó khăn lớn nhất chính là tuy hai nước gần gũi, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chưa hiểu biết đầy đủ về môi trường đầu tư Việt Nam, thiếu khảo sát về thị trường. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về đầu tư của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật nói chung còn nhiều lỗ hng và hay thay đổi. Hơn nữa, doanh nghiệp Trung Quốc khó tìm được đối tác hợp tác lý tưởng ở Việt Nam, khó khăn trong tạo niềm tin với chính quyền và doanh nghiệp địa phương, khả năng hợp tác của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam kém. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém, các nhà đầu tư Trung Quốc phần lớn chỉ tập trung vào các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng, hiện nay môi trường đầu tư tại Campuchia tốt hơn của Việt Nam với lý do: Thứ nhất, quan hệ giữa hai nước tốt, Campuchia dành cho doanh nghiệp Trung Quốc nhiều chính sách ưu đãi; hai là, Campuchia là nước lạc hậu, thế giới có nhiều ưu đãi cho Campuchia; ba là, khởi điểm phát triển kinh tế của Campuchia thấp, cơ hội phát triển sau này nhiều hơn. Do vậy họ đã lựa chọn Campuchia để xây dựng nhà máy, họ đi khảo sát Việt Nam nhưng sau đó lại xây nhà máy ở Campuchia.
3. Kết luận
Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Việt Nam và đang từng bước khẳng định vai trò một cường quốc kinh tế thế giới, do đó, thúc đẩy quan hệ kinh tế bình đẳng với Trung Quốc nói chung và thu hút đầu tư lành mạnh của Trung Quốc nói riêng đã trở thành tâm điểm trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao vai trò FDI của Trung Quốc trong việc góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tiễn cho thấy có nhiều nhân tố thúc đẩy Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.Tuy nhiên, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chưa nhiều, bên cạnh những cái được còn tồn tại những cái chưa được và vô số những nguy cơ và hệ lụy khó lường. Thời gian tới, tính hấp dẫn về lao động giá r, về khai thác tài nguyên khoáng sản, về chuyển dịch công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng, làm gia tăng tình trạng nhập siêu.v.v. từ các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chắc chắn sẽ được ngăn chn. Do vậy, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp hai nước là phải nghiên cứu kỹ những vấn đề mang tính chiến lược về quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước; nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật và những lĩnh vực trọng điểm ưu tiên đầu tư. Về phía Việt Nam việc thu hút FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cần hết sức bài bản, toàn diện và cụ thể, phải đi từ nhận thức đến hành động khôn ngoan và bình đẳng, hết sức tránh ngây thơ và cả tin. Đồng thời, trên nguyên tắc luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, chúng ta phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và bản lĩnh cho các cơ quan chức năng có liên quan và các doanh nghiệp đối tác phía Việt Nam.


Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5), (6) Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(7) Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Việt Nam; http://www.diendan.org/thay-tren-mang-moi/ fdi-trung-quoc
(8) GS. TSKH Nguyễn MiNhận diện đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam ; http:// www.tapchitaichinh.vn/Nghien-cuu-dieu-tra/Nhan-dien-dau-tu-cua-Trung-Quoc-tai-Viet-Nam/50931.tctc
(9) 尹鸿伟:越南不会放弃中国投资http:// wwwguancha.cn/YinHongWei/2014.06.18_238617_2shtml
(10) 媒体揭秘越南为何吸引中国企业http://finance.ifeng.com/a/20140519/12356691_0.shtml
(11) Dẫn theo “Trung Quốc đầu tư  (nghìn tỷ đồng) vào Nam Định, thêm lo”?
(12) Cambodian Investment Board, Projects Approved by Contry from 01-Aug-1994 through 31-Dec-2013
(13) Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.
(14) VietNamNet ngày 11-6-2012.
(15) Thanhnien.com.vn ngày 30 tháng 6 năm 2011.
(16) Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh
(17) Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Trà Vinh

(18) Báo cáo của Sở Lao động và Thương binh tỉnh Bình Thuận
http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&mID=7&aID=516

No comments: