Monday, November 3, 2014

11. HOA KỲ TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐỔI THAY THEO GÓC NHÌN TÂY PHƯƠNG

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã nghiễm nhiên trở thành siêu cường duy nhất, với lực lượng quân sự vô song trên cả hai bình diện: khả năng tàn phá và  trình độ kỹ thuật đỉnh cao. Giải pháp quân sự ngày một lấn át vai trò của ngoại giao trong sinh hoạt chính trị quốc tế.
Trong cuộc công du bốn quốc gia Á Châu gần đây, Barack Obama, vị tổng thống nhiều tư duy, ngày 28-4, đã lộ vẻ bức xúc hiếm hoi khi trả lời câu hỏi về hiện tượng uy quyền ngày một suy giảm của Hoa Kỳ. Obama đã cho biết, chính quyền Hoa Kỳ đã thành đạt  được nhiều tiến bộ vững chắc, tuy không mấy ấn tượng. Khi lao vào các cuộc chiến sai lầm, những người chỉ trích ông đã chỉ có thể làm hại nước Mỹ.
Obama đã thấu hiểu tâm trạng của quần chúng đang chán ngấy cảnh tổn hao xương máu và phung phí tài nguyên ở Iraq và Afghanistan. Cuộc thăm dò Pew Research Centre trong mùa thu 2013 đã tiết lộ: 52% dân Mỹ chỉ muốn Hoa Kỳ chú tâm vào quyền lợi của chính mình trên trường quốc tế.
Nhưng khi tổng thống Mỹ nhắc đến thái độ thận trọng cần thiết, thế giới lại hiểu như ngại ngùng, nhất là đối với đề tài cơ bản của bất cứ siêu cường nào: lập trường sẵn sàng lâm chiến.
Các đồng minh nhược tiểu và yếu thế của Hoa Kỳ hiện ngày một âu lo nhiều hơn. Chẳng hạn, từ nhiều thập kỷ, chính sách đối ngoại của Nhật  luôn cơ sở trên thỏa ước bảo đảm an ninh của Hoa kỳ. Gần đây, trong cuộc công du đến Á châu, Obama đã phải tái xác nhận với Nhật: họ có thể trông cậy vào Hoa Kỳ nếu Trung Quốc xâm chiếm các hải đảo Senkakus, hay Diaoyus, theo tiếng Trung Quốc.
Sau lời cam kết tẻ nhạt trong chiến dịch can thiệp vào Libya và Mali, cùng với quyết định xuống thang ở Syria, Do Thái, Saudi Arabia, và các vương quốc vùng Vịnh Ba Tư, đã tự hỏi: liệu Hoa Kỳ có còn quyết tâm duy trì an ninh ở Trung Đông? Khi  T T Nga Vladimir Putin khuấy động Ukraine, người Đông Âu lo ngại họ cũng có thể là những mục tiêu kế tiếp?
Đã hẳn, mỗi hoàn cảnh một khác, nhưng trong phòng-tăng-cường-tiếng-dội-chính-trị-toàn-cầu (echo-chamber of global politics), âm vang các biến cố luôn hổ tương khuếch đại. Người Á Châu ghi nhận trong năm 1994, để đổi lại quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ukraine đã nhận được sự bảo đảm từ các  phía Nga, Mỹ và Anh Quốc: biên giới của Ukraine sẽ được an toàn. Các quốc gia trong vùng Baltic còn nhớ các làn ranh đỏ ở Syria đã bị vượt qua; các hoàng tử Á-Rập và sứ giả Trung Quốc hy vọng ở lập trường theo đuổi chính sách tự cô lập (isolationism) của các Nghị sĩ Cộng Hoà Mỹ.
Nói chung, các bước lùi vừa liệt kê gieo rắc một e ngại trong hàng ngũ các đồng minh và thù nghịch: khi hữu sự, Hoa Kỳ rất có thể sẽ đơn thuần vắng mặt.
GỐC RỄ MANG ĐỘC TỐ
Dĩ nhiên, ngăn ngừa luôn hàm ngụ yếu tố “thiếu chắc chắn”. Giữa sự quả quyết — bảo vệ lãnh thổ quốc gia bởi bất cứ tổng thống Hoa Kỳ nào và niềm tin Hoa Kỳ có thể chiến đấu để hổ trợ Ukraine khi bị Nga xâm chiếm  —  luôn có vô số trường hợp khả dĩ. Và thái độ thiếu tin tưởng đã lan tràn nhanh chóng trong khoảng giữa đó. Tình trạng nầy có nguy cơ biến thế giới thành một hành tinh bất ổn định và khá hiểm nghèo.
Trong thực tế, các cường quốc cấp vùng thường ưa thích khống chế các lân bang. Trung Quốc đang tìm cách mở rộng lãnh thổ qua lập trường khẳng định, Nga ngày một sẵn sàng can thiệp vào nội tình các lân bang.
Trong năm 2013, lần đầu tiên, Á châu đã qua mặt  Âu châu về chi tiêu quốc phòng — một dấu hiệu các xứ Á Châu đang cân nhắc họ cũng sẽ phải tự lo phòng vệ. Nếu Obama không thể thành đạt một thỏa ước với Iran, Trung Đông chắc sẽ phải đối diện với tệ nạn lan tràn vũ khí hạt nhân.
Nói một cách khác, nghi ngờ nuôi dưỡng nghi ngờ. Nếu một lân bang đang canh tân kỹ thuật quân sự và siêu cường vẫn thờ ơ bất động, tốt nhất bạn cũng phải tự lo canh tân và tăng cường kho vũ khí của mình. Khi một lãnh đạo than phiền các chiến thuật của Putin, cũng luôn có một lãnh đạo khác sẵn sàng bắt chước. Những trò chơi như thế trong các vùng xáo trộn Đông Ukraine và Nam Hải có thể không mấy ảnh hưởng đến các vùng xa xôi như Toledo hay Turin. Nhưng Tây Phương cuối cùng rồi cũng phải trả giá khá đắt vì trật tự toàn cầu đang bị xáo trộn. Các chuẩn mực quốc tế, như tự do lưu thông trên các đại dương, sẽ bị de dọa; các cộng đồng đa số sẽ cảm thấy tự do hơn khi đối xử bất công với các sắc dân thiểu số; các tài hóa công, như tự do mậu dịch và bảo vệ môi trường xuyên biên giới, sẽ khó duy trì. Các định chế toàn cầu, do đó,  sẽ suy yếu dần.
Dân Mỹ thường bất bình trước sự không biết ơn của một thế giới thụ hưởng sự phú cường kinh tế, ngoại giao, và quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng người Mỹ cũng không nên quên họ đã và đang thụ hưởng các đặc quyền lớn lao điều hành một trật tự thế giới phụng sự quyền lợi của chính mình.
CÁC VẤN ĐỀ CỦA MỘT BÁ CHỦ
Nhiều nhà phê bình thường chỉ trích Obama một cách sai lầm. Obama không phải là vị tổng thống đã gửi quân lực Mỹ đến Baghdad, một cuộc chiến đã khiến Hoa Kỳ đánh mất địa vị một siêu cường khả kính và khả tín.
Điều quan trọng hơn là Hoa Kỳ cần ý thức không bao giờ có thể duy trì các đỉnh cao bất thường của một siêu cường bá chủ, đạt được sau ngày Liên Bang Xô Viết tan rã. Khi đã trở thành một siêu cường khổng lồ, Trung Quốc không sớm thì muộn cũng đòi hỏi một tiếng nói cân xứng.
Và T T Obama cũng đã thường đưa ra những quyết định đứng đắn: Không ai nghĩ Obama nên gửi quân đến Crimea, mặc dù thỏa ước 1994 đã đổ vỡ.
Tuy vậy, Obama vẫn đã làm tình hình lúc một thêm khó khăn và tồi tệ.
Trước hết, Tổng Thống đã đạp đổ một quy luật cơ bản của biện pháp ngăn chặn: Tổng Thống Mỹ phải giữ lời cam kết.
Ở Syria, ông đã vạch một đường ranh đỏ: trừng phạt nếu Bashar Assad sử dụng vũ khí hóa học. Assad đã làm điều đó, và Obama đã chẳng làm gì.
Để đáp lại thái độ can thiệp hay tấn công của Nga, Obama đã đe dọa các chế tài khe khắt, để rồi chỉ đưa ra vài biện pháp nửa vời.
Obama cũng có những lý do riêng: Anh Quốc đã làm ông thất vọng, Âu châu quá cần hơi đốt của Nga, Quốc Hội quá âu lo e ngại. Nhưng tác động lũy tích vẫn là phơi bày lập trường yếu đuối.
Obama đã chứng tỏ là người bạn thờ ơ, thiếu quan tâm. Ông  đã đặt hy vọng vào các liên minh ngoại giao tự nguyện với các “đồng minh dân chủ” trong việc duy trì “trật tự thế giới”. Nhưng Obama đã không lo vun quén các liên minh. Các quyết định sử dụng ngoại giao để đối phó với Iran và Nga đã đưa đến các nhượng bộ gây lo ngại trong các đồng minh.
Khả tín đòi hỏi đức tính khẳng định cũng như khả năng sử dụng vũ lực. Tính khả tín cũng rất dễ đánh mất và khó thể phục hồi hay xây dựng trở lại. Một Tây Phương suy nhược sau thất bại ở Syria cũng vẫn còn khá mạnh. Hoa Kỳ vẫn vượt trội so với  các quốc gia khác về ngân sách quốc phòng, kinh nghiệm, và ảnh hưởng trên toàn cầu.
Không như Trung Quốc và Nga, người Mỹ vẫn có một mạng lưới các đồng minh vô song và  lớn mạnh. Trong mấy năm vừa qua, Malaysia, Myanmar, Philippines … lúc một hướng về Hoa Kỳ, tìm kiếm sự che chở trước một Trung Quốc ngày một hung hăng khẳng định.
Và các biến cố cũng đã có thể đem lại nhiều đổi thay trong nhận thức. Năm 1991, George H. W. Bush đã đánh bật quân đội Iraq và Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, đồng thời những tưởng đã có thể khống chế được “hội chứng Việt Nam”.
Tuy vậy, đó chỉ là một ảo tưởng chừng nào khối Tây Phương vẫn chưa ý thức đầy đủ những mất mát của chính mình. Âu châu tin tưởng có thể tiếp tục thụ hưởng chiếc dù an ninh của Mỹ, nhưng lại không mấy sốt sắng chia sẻ gánh nặng phí tổn chung. Các quốc gia dân chủ trong thế giới đang lên như Ấn Độ và Brazil chẳng màng đóng góp để tăng cường hệ thống họ đang tùy thuộc.
Hoa Kỳ đang bận tâm tìm cách tránh né mọi vướng víu vào các xung đột ở hải ngoại. Obama đã bắt đầu hai nhiệm kỳ tổng thống trong một thế giới đang tìm cách thuần hóa Hoa Kỳ. Siêu cường Hoa Kỳ cũng cần hiểu rõ tình hình  sẽ khó lòng thay đổi nếu không có những tư duy mới.
CHIẾN LƯỢC NGĂN CHẶN MẤT DẦN HIỆU LỰC
Hoa Kỳ không còn đáng sợ đối với các quốc gia thù nghịch và cũng không còn đủ khả năng trấn an đối với các nước bạn hay chư hầu.
Thực vậy, các đồng minh của Hoa Kỳ ngày một mất tin tưởng, với Nga ngày một mở rộng lãnh thổ, Trung Quốc ngày một công khai đe dọa các lân bang, Trung Đông ngày một vuột khỏi tầm với.
Trong trạng huống nào Hoa Kỳ mới có thể hành động để ngăn ngừa các “quốc gia gây rối”? Và Hoa Kỳ rồi ra có thể chiến đấu cho các mục tiêu nào?
Câu trả lời sẽ rất quan trọng. Các quốc gia “ngoài vòng pháp luật” sẽ ngày một lộng hành hơn nếu tin Hoa Kỳ sẽ không còn đủ ý chí chận đứng họ. Như một nguyên tình báo Saudi gần đây đã nói về hành động chiếm đất của Vladimir Putin ở Ukraine: “Trong khi chó sói đang ăn thịt cừu, không một người chăn cừu đến cứu giúp.”
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, trong chuyến công du bốn quốc gia Á châu gần đây, tại mỗi nơi dừng chân, Obama đã được hỏi tổng thống thực sự hoạch định sử dụng uy quyền của Hoa Kỳ ra sao? Tổng Thống có thể đáp ứng như thế nào nếu Trung Quốc tìm cách mở rộng biên giới hàng hải bằng vũ lực? Tổng Thống có thể kiềm chế những thách thức hạt nhân của Bắc Triều Tiên như thế nào?
Trong mọi cuộc họp báo, Tổng thống đều được hỏi về Ukraine, vì tin tức thế giới luôn đi theo tổng thống Hoa Kỳ ở khắp nơi.
Khi đề cập các cam kết chính thức, Obama không bao giờ dè dặt.
Tại Tokyo, Tổng Thống đã đưa ra các bảo đảm mới: thoả ước quốc phòng Mỹ-Nhật bao gồm những lãnh thổ do Nhật quản trị, kể cả các hải đảo Senkakus, đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc.
Trong khi thăm viếng 28.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Nam Hàn, Tổng Thống đã cam kết: chính quyền Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại sử dụng “sức mạnh quân sự để bảo vệ các đồng minh”.
Ở Philippines, Obama đã ký kết một thoả ước mới 10 năm, dành cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận các căn cứ quân sự địa phương.
Trong lúc Obama đang ở Á Châu, ngày 28-4-2014, chi đội lính dù cuối cùng đã đến Estonia, nâng số quân nhân Mỹ lên 600, lúc đó đang thao diễn quân sự ở Poland và ba xứ Baltic. Trong khi người Nga đã luôn che dấu hành động của họ ở Ukraine qua số quân nhân không mang dấu hiệu xuất xứ, sự hiện diện của quân Mỹ luôn phô trương đồng phục Stars and Stripes.
TRIẾT GIA TỔNG TƯ LỆNH
Tuy nhiên, ngay cả khi làm trách nhiệm một lãnh đạo giữ hoà bình trên hành tinh, Obama vẫn không thể không lên tiếng cân nhắc giới hạn quyền lực của Hoa Kỳ. Ngày 25-4, Tổng Thống đã nhận định: Không có gì “bảo đảm” các chế tài sẽ làm Putin thay đổi suy nghĩ về Ukraine. Obama nói, Putin có thể có lợi nếu  xử sự tử tế hơn, nhưng ông ta cũng có thể sẽ không hành động như thế.
Trong những năm gần đây, Obama cho biết nhiều người thường nghĩ các vần đề chính sách đối ngoại khó khăn trong thực tế có thể có đáp án nhất định, nhất là với giải pháp quân sự. Obama không nghĩ như thế. Tổng thống đã tuyên bố với cử toạ ở Seoul: “Tôi đã từng thấy việc sử dụng quyền lực quân sự rất hiếm khi đem lại một giải pháp dứt khoát.”
Trong cuộc công du đến Philippines, khi được hỏi phải chăng phương cách đối phó với các cuộc khủng hoảng từ Ukraine đến Syria đã có thể là nguyên nhân khiến kẻ thù của Hoa Kỳ thêm táo bạo.  Obama đã cho biết: “Chiến thuật của ông rất có thể không luôn ấn tượng”, nhưng đã giúp củng cố vị thế của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Ông nhận xét  nhiều thành phần diều hâu chỉ trích tổng thống là những người trước đây đã hậu thuẩn cuộc chiến “tai hoạ” ở Iraq, và trong thực tế, “đã không học được bài học của thập kỷ vừa qua.”
Những cảm nghĩ như thế có thể khá cám dỗ đối với cử tri quốc nội. Đa số dân Hoa Kỳ cho biết bảo đảm an ninh cho các đồng minh đã hẳn rất quan trọng, nhưng theo kết quả một cuộc thăm dò Pew, chỉ 6% dân Mỹ đồng ý sử dụng biện pháp quân sự ở Ukraine, và đại đa số lại chống đối hành động quân sự ở Syria.
Đối với những xứ trông cậy vào dù bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, điều nầy rất đáng lo ngại . Các quốc gia trong Vùng Baltic — Estonia, Latvia, và Lithuania — chẳng hạn, cảm thấy bất an. Cũng như Ukraine, các xứ nầy trước đây đã  là thành viên của Liên Bang Xô Viết, có nhiều sắc dân thiểu số nói tiếng Nga, và e ngại Putin không tôn trọng biên giới của họ.
Đối với Toomas Hendrik Ilves, tổng thống Estonia, trật tự pháp lý duy trì các biên giới ở Âu Châu đã hoàn toàn thay đổi khi Nga xâm lăng Crimea. Phản ứng èo ọp  của EU đã diễn ra như một trò đùa. Ilves tuyên bố: “Chẳng còn gì để bám víu”.
Ngoại trừ NATO. Không như Ukraine, các xứ Baltic đều là thành viên của liên minh quân sự NATO, cơ sở  trên thoả ước theo đó một cuộc tấn công quân sự vào một thành viên được xem như một tấn công vào mọi thành viên. Điều nầy có nghĩa: Hoa Kỳ đã cam kết bảo vệ các đồng minh Âu Châu. Và hiện nay, các xứ nầy tin như thế.
Tổng Thống Ilves tuyên bố, “Tôi tin biên giới NATO là một lằn ranh đỏ. Tôi có niềm tin vào điều nầy.”
Nếu bất cứ một thành viên NATO nào tìm cách ngăn chặn một đáp ứng trước một tấn công bằng vũ lực, NATO, trong thực tế, có thể xem như không còn hiện hữu.
Trong những năm gần đây, Obama đã thu gọn các  phòng tuyến tên lửa ở Âu Châu và giảm thiểu sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở cùng châu lục xuống còn hai lữ đoàn tác chiến. Nhưng cuộc xâm lược của Nga đã có một hệ quả ngoài ý muốn là đã  đem lại cho NATO một ý thức chủ đích tái tạo; vì vậy, có sự hiện diện của các lính dù ở Ba Lan.
Theo Francois Heisbourg, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược ở Paris, Hoa Kỳ vẫn có thể chiến đấu để bảo vệ các quốc gia trong vùng Baltic:  “Ngay khi  một xe bọc thép của Nga vượt qua cầu Narva [trên biên giới Estonia và Nga], nó sẽ bị huỷ diệt.”
Nhưng cam kết bảo vệ Âu Châu của Hoa Kỳ đang bị suy yếu bởi khuynh hướng lạm dụng và được xem như một “việc chùa” không đòi hỏi phải đáp ứng. Giới chịu thuế Mỹ, vì vậy, không chút hài lòng. Ngoại trừ Anh Quốc, rất ít đồng minh thoả mãn mục tiêu của NATO: duy trì một ngân sách quân sự bằng 2% GDP.
Trong đoản kỳ, hai âu lo quân sự cần được ghi nhận.
Trước hết, bảo vệ các quốc gia trong vùng Baltic là vấn đề khó khăn —    không phận của các xứ nầy hoàn toàn bị bao phủ bởi các tên lửa của Nga. Thứ đến, một âu lo lớn lao hơn: phương cách gây hấn của Nga thường âm thầm, như ở Ukraine. Theo Heisbourg, Putin không tấn công trực diện; ông ta luôn theo “chiến thuật nhu đạo”.
Hoa Kỳ và NATO có thể làm được gì nếu Nga bắt đầu với phương thức khuấy động bất an trong các sắc tộc nói tiếng Nga và giàn trải các thành phần được vũ trang? NATO không được thiết kế để đối phó với các tình huống khả dĩ như thế.
MỘT TRUNG ĐÔNG U ÁM
Hơn ở bất cứ nơi nào khác, ở Trung Đông, nhận thức thận trọng và dè dặt của Hoa Kỳ lúc một gia tăng và sâu sắc . Mười một năm trước đây, chẳng hạn, Hoa Kỳ đã hoàn toàn chinh  phục  Iraq trong vòng vài tuần lễ. Tuy vậy, khi Obama rút các quân nhân cuối cùng khỏi Iraq vào năm 2011, thành tích có thể phô trương quả thật hết sức tiêu cực so với cái giá thương vong lớn lao và hàng tỉ USD, và  chế độ để lại phía sau ở Baghdad cũng thật sự bi đát.
Trong phần Trung Đông nới rộng còn lại, tình hình còn bi quan hơn. Chính quyền mới ở Ai Cập chẳng những làm ngơ trước cảnh cáo của  Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền mà còn tỏ dấu hiệu muốn thủ đắc vũ khí của Nga. Ở Syria, Tổng Thống Bashar Assad ngang nhiên sử dụng vũ khí hoá học đối với dân thường, một hành động Obama đã đặc biệt cảnh cáo có thể khởi động các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ. Tuy vậy, đường ranh đỏ đã bị vi phạm mà Syria không hề bị trừng phạt.
Đã có nhiều bàn cãi nghiêm túc đối với các bước lùi rõ rệt của Hoa Kỳ. Tuy vậy, ấn tượng lan tràn trong vùng Trung Đông vẫn là: sư tử Hoa Kỳ đã trở thành một mèo ngoan. Kẻ thù khoái chí, đồng minh ta thán với cảm nhận bị bỏ rơi.
Lãnh đạo Iraq, Nuri al-Maliki, ngày một thân với Iran hơn là với Hoa Kỳ. Iran âm thầm  yểm trợ các phiến binh và các đảng phái chính trị Iraq, tiếp tục gửi quân trang, quân dụng, và cố vấn, đến Syria xuyên qua không phận Iraq. Iran cũng bảo trợ các chiến binh chí nguyện chống lại các phiến quân Sunni ở Syria.
Gần đây, Hoa Kỳ đôi khi chỉ giữ vai trò hổ trợ các đồng minh, như trong chiến dịch can thiệp của Pháp ở Mali, và NATO ở Libya, hoặc đơn thuần tránh né chẳng làm gì nhiều, như ở Syria.
Tuy vậy, các phúc trình báo chí về ảnh hưởng ngày một sa sút của Hoa Kỳ ở Trung Đông là quá đáng. Obama có thể phô trương vài thành công: giá dầu lửa ổn định, Israel chưa bao giờ thịnh vượng và an ninh hơn, và dưới sức ép mãnh liệt, Iran đã đồng ý giảm thiểu phần nào tham vọng nguyên tử. Chủ nghĩa khủng bố hiện nay đang đe doạ bên trong Trung Đông nhiều hơn ở phần lớn thế giới bên ngoài.
Tác động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực đã thu hẹp, nhưng đó là so với đỉnh cao   của “đợt tăng quân” (surge) quá đáng trong kỷ nguyên Bush ở Iraq. Một tập đoàn các căn cứ quân sự Hoa Kỳ rải rác khắp khu vực, từ các bộ chỉ huy Đệ Ngũ Hạm Đội ở Barhain đến căn cứ khổng lồ của Bộ Tư Lệnh Trung Ương ở Qatar, đến phi đạo bí mật xuất phát của các phi cơ tự động drones đến các bầu trời Yemen. Không một cường quốc bên ngoài nào khác có thể thay thế Hoa Kỳ ở đây. Các vương quốc vùng Vịnh vẫn còn trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ, cũng như Jordan, và trong một chừng mức ít hơn trước đây, Israel.
Nhận thức thái độ e dè của Hoa Kỳ vẫn còn có thể gây tai hại nghiêm trọng cho quyền lợi của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Tuy nhiên, nhận thức nầy cũng đã  thúc đẩy các đồng minh phải tự xử lý nhiều hơn. Israel đã vun quén các quan hệ quân sự và kinh tế với Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia Vùng Vịnh đang tự trang bị vũ khí: Saudi Arabia, Qatar và UAE gần đây cũng đã đặt mua các kho vũ khí khổng lồ.
ĐỐI MẶT VỚI TRUNG QUỐC
Quay qua Á Châu, Hoa Kỳ đã lâm chiến ở Afghanistan trong hơn một thập kỷ. Vào hồi đầu năm (2014), Obama cũng đã có kế hoạch hồi hương hầu hết tổng số 30.000 quân khỏi chiến trường nầy, và hiện vẫn có thể triệt thoái toàn bộ số quân Mỹ. Tổng Thống Afghanistan, Hamid Karzai, đã từ chối ký một thoả ước cho phép từ 5 đến 10.000 trong tổng số quân nhân Mỹ tiếp tục ở lại trong vai trò phi tác chiến. Nhưng cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử vòng hai (run-off election), để kế tục Karzai,  đều hậu thuẩn thoả ước. Vì vậy, quân nhân Hoa Kỳ có thể sẽ còn hiện diện, dù chỉ làm mục tiêu cho phiến quân. Ngay cả khi một cuộc nội chiến rộng lớn hơn có thể tránh khỏi, Hoa Kỳ rất có thể trở thành phe không được mong muốn trong cuộc tắm máu. Nếu chính quyền được Hoa Kỳ yểm trợ ở Kabul không thể kiểm soát nhiều vùng trong nước, al-Qaeda và các nhóm khác với tham vọng khủng bố toàn cầu rất có thể tập hợp trở lại, như họ đã từng thể hiện trong những bộ lạc ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Pakistan. Trong trường hợp họ thành công tổ chức một cuộc tấn công ở lục địa Hoa Kỳ, chu kỳ có thể tái khởi động: kinh nghiệm cho thấy để rửa hận cho nạn nhân các cuộc tàn sát trong nội địa, Hoa Kỳ vẫn luôn có hành động trả đũa.
Dù sao, tin tưởng Hoa Kỳ có thể tham chiến vì những đảo nhỏ được biết dưới tên gọi Senkakus ở Nhật hay Diaoyus ở Trung Quốc là điều không thực tế. Toạ lạc trong vùng biển Hoa Đông giữa hai quốc gia, đây là các hải đảo nhỏ bé, trơ trụi, và không cư dân, ngoại trừ dê và “loài chuột Senkaku” hay “Senkaku mole” . Khi còn do Hoa Kỳ quản trị trong những năm 1945-72, các hải đảo nầy chỉ được sử dụng để thực tập dội bom.
Tuy vậy, Obama đã cá cược uy tín quân sự của Mỹ trên các hải đảo (mặc dù không minh thị cam kết 50.000 quân Mỹ đồn trú ở Nhật có thể giúp bảo vệ các hải đảo nầy). Trong hơn hai năm qua, Trung Quốc luôn gửi không và hải quân tuần thám các hải đảo để thách thức sự đòi hỏi quyền kiểm soát của Nhật, và tháng 11-2013 đã đặt không phận các hải đảo nầy trong “Air Defense Identification Zone”. Do đó, trong thực tế luôn có nguy cơ một va chạm bất ngờ và các hải đảo sỏi đá Senkakus có thể trở thành thử thách trực tiếp nhất đối với Chốt Á châu của Obama.
Biển Hoa Nam hay South China Sea là những thử thách khác. Năm quốc gia khác nhau đang đòi hỏi chủ quyền cùng với Trung Quốc. Tranh chấp với Philippines là nóng bỏng nhất. Trong năm 1995, Trung Quốc đã đuổi Philippines khỏi một đảo đá ngầm, và cách đây hai năm (2012), khỏi một hải đảo khác. Hoa kỳ không can dự vào vấn đề chủ quyền, nhưng hậu thuẩn lập trường của Manila trong nỗ lực thách thức đòi hỏi của Bắc Kinh trên căn bản luật quốc tế.
Ở Nam Hàn, 28.000 quân Mỹ đồn trú gần biên giới để ngăn ngừa và làm nản lòng chế độ Bắc Hàn. Một số người chờ đợi chế độ sẽ trường tồn. Nếu  sụp đổ, Trung Quốc, e ngại sự đột ngột xuất hiện một Hàn Quốc thống nhất đồng minh của Hoa Kỳ ngay biên giới của mình, với đầy đủ trang bị quân sự của Mỹ, do đó,  rất có thể sẽ can thiệp.
Tuy vậy, dù không muốn làm phật lòng một đồng minh khó tiên đoán, Trung Quốc vẫn từ chối phối hợp các kế hoạch đề phòng một xung đột bùng phát giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Cả hai đại cường hy vọng quan hệ kinh tế ngày một sâu rộng của Đài Loan với Trung Hoa lục địa sẽ làm nguội bớt tham vọng độc lập chính thức của chính quyền hải đảo. Nhưng như Yan Xuetong, một học giả Trung Quốc đã ghi nhận, ít ra 70% nhân dân trên hải đảo vẫn tự xem trước tiên như “người Đài Loan”, thứ đến mới là “người Trung Quốc”.
Trong mọi trường hợp,  bất cứ một sự thiếu nhẫn nại nào của Bắc Kinh đối với thái độ  ngoan cố thiếu phục tùng của Đài Loan cũng có thể đặt Hoa Kỳ trước những lựa chọn vô cùng khó khăn. Một đạo luật năm 1979 buộc chính quyền Hoa Kỳ phải xem bất cứ nổ lực tìm thống nhất cưởng chế  nào như “một đe doạ đối với hoà bình và an ninh của Khu Vực Tây Thái Bình Dương và là một quan tâm nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ”.
Có thể nào Hoa Kỳ sẽ lâm chiến với Trung Quốc vì Đài Loan? Trung Quốc rõ rệt đang tìm kiếm vai vế cường quốc áp đảo ở Á Châu. Nhiều người Á Châu cùng lúc cũng nghi ngờ Hoa Kỳ chịu chấp nhận địa vị số hai. Dù hiểu như vậy, họ cũng nghi ngờ Hoa Kỳ có thể liều lĩnh chấp nhận một cuộc chiến với một cường quốc nguyên tử. Họ đã chứng kiến: thái độ yên lặng của Hoa Kỳ khi Trung Quốc chiếm đóng dãi hải đảo Scarborough đang tranh chấp với Philippines trong năm 2012; cũng như khi Hoa Kỳ khuyến cáo các American airlines phải tôn trọng khu vực phòng không của Trung Quốc trên các hải  đảo Senkakus.
Ở Á Châu cũng như ở nhiều nơi khác, các đồng minh của Mỹ đang tăng cường quân lực. Nhiều quan sát viên quan ngại cây dù an ninh của Mỹ đang mang nhiều lỗ thủng. Trong riêng tư, một nhà ngoại giao Nhật cho biết Nhật đã không bao giờ tin tưởng dù an ninh của Mỹ  — có lẽ  ông ta chỉ muốn nói: Nhật không còn tin tưởng!
Theo “hiến pháp hoà bình” do Hoa Kỳ áp đặt sau Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật bị ngăn cấm tham gia mọi “an ninh tập thể”, ngay cả khi điều nầy có nghĩa bắn hạ một tên lửa Bắc Hàn đang trên đường bay đến Hawaii. Thủ Tướng đương nhiệm, Shinzo Abe, muốn thay đổi điều nầy. Mục tiêu, theo cách nói của một học giả, là để trở thành một đồng minh “bình thường”, một thành viên NATO, một phần để khuyến khích Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ, và một phần vì Nhật không chắc Hoa Kỳ sẽ làm như thế.
ĐIỂM KHỞI ĐỘNG
Phương cách tiếp cận dửng dưng hay không can thiệp của Obama đã gây âu lo cho các quan chức làm chính sách đối ngoại ở quốc nội. Cả hai phe Dân Chủ lẫn Cộng Hoà chỉ trích tổng thống đã để lại một khoảng trống an ninh cho kẻ thù lợi dụng. Tuy nhiên, nhiều nhân vật khác lại ghi nhận, Obama không muốn là vị tổng thống Hoa Kỳ không tôn trọng một hiệp ước. Ông đã lựa chọn giàn trải lực lượng bộ binh trong vùng Baltics và Ba Lan, khi ông có thể chỉ cần gửi vài tàu chiến hay phi cơ.
Một nhân vật hậu thuẩn tổng thống, Ivo Daalder, đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh NATO trong những năm 2009-2013, đã gợi ý: nếu các đồng minh NATO đối mặt với các khiêu khích, chưa phải một cuộc xâm lăng (chẳng hạn, hộ chiếu Nga được phân phát cho các sắc dân nói tiếng Nga, các thách thức đối với các biên giới Baltic …) một số quân nhân, tàu chiến và phi cơ lớn hơn có thể được giàn trải, chứng tỏ cam kết của Hoa kỳ đối với an ninh tập thể đã rõ ràng hơn trước. Cũng ngay dưới nhiệm kỳ tổng thống của Obama, NATO cuối cùng cũng đã soạn thảo các kế hoạch đối phó với mọi bất ngờ,  bảo vệ tất cả các quốc gia thành viên.
Kurt Volker, đại sứ NATO cuối cùng thời George W. Bush và đại sứ đầu tiên thời Obama, còn gợi ý: mặc dù thiếu tin tưởng vào sức mạnh quân sự, Obama vẫn có thể hành động nếu có đòi hỏi đủ thuyết phục trong quốc nội — “a loud enough domestic outcry”. Volker nói, mọi  xâm lăng trắng trợn vào một đồng minh NATO, cũng như mọi  tấn công nghiêm trọng vào Israel, có thể khởi động một đòi hỏi như thế. Nhưng trong trường hợp không đủ trầm trọng, Volker e ngại các xứ khác sẽ thấy bên trong đội ngũ Obama “một thái độ sẵn sàng để cho mọi thứ trôi qua”
Một quan chức quốc phòng cao cấp trước đây nhận định, Obama đã hành động từ tốn khi gửi tăng viện cho các thành viên NATO, và có lẽ có thể tiếp tục làm như thế. Nguồn tin còn nói thêm: “Tôi nghĩ Putin sẽ tiếp tục bước tới cho đến khi một ai đó đứng lên đương đầu.” Trong trường hợp một hành động phiêu lưu của Nga bên trong các biên giới của NATO, nguồn tin tiên đoán Đội Ngũ Obama có thể đáp ứng: “Tôi có thể âu lo đã trể. Không quá trể, nhưng trể, và thực tế nầy có thể gửi một thông điệp ra khắp thế giới.”
Một nhân vật cao cấp khác cũng cho biết: Trách nhiệm của Hoa Kỳ ở Á Châu khá “tế nhị”. Ở những nơi có sự hiện diện của một số đông quân nhân Mỹ  —  như  Nam Hàn, hay Nhật — các cam kết an ninh là “tuyệt đối”.
Dưới thời Obama, các lực lượng Hoa Kỳ phần nào đã đẩy lui sự phô trương lực lượng của Trung Quốc trong những vùng biển đang tranh chấp. Trong trường hợp Trung Quốc đe doạ Đài Loan, người Mỹ có thể tự cảm thấy có trách nhiệm tinh thần gửi hải và không quân đến làm nhiệm vụ trọng tài. Tuy vậy, trong những cuộc khủng hoảng trước đây, như trong năm 1996, khi Trung Quốc thử nghiệm các tên lửa trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, Hoa Kỳ đã gửi các tàu chiến đến khu vực. Ngay cả các thành viên Quốc Hội thuộc khuynh hướng diều hâu thân Đài Loan, trong chỗ riêng tư, cũng đã cho các quan chức biết “các ngài phải đoan chắc không được lôi kéo chúng tôi vào một cuộc chiến với Trung Quốc”, nguồn tin nầy đã nhớ như thế.
Một cựu quan chức từng trải nghiệm nhiều khủng hoảng đã cho biết, một cuộc xung đột liên quan các hải đảo Senkakus có thể khởi động một hình thức trợ giúp nào đó: có lẽ các phi cơ báo động sớm tuần tiểu không phận Nhật, và các chiến hạm để minh chứng sự hiện diện của Hoa Kỳ. Nhưng quần chúng Hoa Kỳ “có lẽ chẳng hứng thú gì để lao vào cuộc chiến chỉ vì vài đồi sỏi đá.”
Chừng đó cũng đã đủ đối với các cam kết chính thức của Hoa Kỳ. Khi nói đến các xứ và khu vực khác, các người trong cuộc e ngại, Obama chỉ xem thế giới như một rừng đầy trộm cướp, luôn gây những khủng hoảng người Mỹ không thể cứu cấp. Sự kiện từ chối thể hiện các chế tài “đường ranh đỏ” đối với vũ khí hoá học ở Syria cũng đã gây thương tổn trầm trọng cho tính khả tín của tổng thống.
Đội ngũ Obama đang chia rẽ. Bộ Ngoại Giao dưới quyền John Kerry thiết tha trợ giúp nhiều hơn cho các lực lượng chống đối Assad ở Syria, trong khi Ngũ Giác Đài đã dành nhiều tháng giải thích tại sao gửi thêm vũ khí phụ trội sẽ chẳng hiệu quả gì. Trong khi đó, Obama  được mô tả như đã phân tích rốt ráo mọi giải pháp có thể lựa chọn trước khi kết luận thái độ bất động là lựa chọn thận trọng hơn cả.
Trong vài khu vực, một lập trường cứng rắn hơn trong các chính sách hiện hữu là điều có thể. Nguyên tắc chỉ đạo của Obama là tránh các cuộc chiến mới. Vì lẽ một Iran được trang bị nguyên tử có thể khởi động một cuộc chiến lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc,  tổng thổng đang xem xét khả năng thương thảo với Iran một cách cực kỳ nghiêm túc.
Hiện vẫn còn có một số ít thành viên rõ rệt diều hâu trong Quốc Hội: Đảng Cộng Hoà của kỷ nguyên Bush, với các giấc mơ xây dựng các nhà nước dân chủ trên khắp thế giới, vẫn chỉ còn là một ký ức xa xôi. Nhưng một vài nghị sĩ đang thúc đẩy Obama có những hành động cứng rắn và nhanh chóng chống lại Liên Bang Nga. Nhân cơ hội viếng thăm Ukraine ngày 25-4-2014, nghị sĩ Dân Chủ Carl Levin, chủ tịch Uỷ Ban Quân Sự Thượng Viện, kêu gọi  các chế tài khắt khe đối với các ngân hàng và các định chế năng lượng của Nga. Bob Corker, nghị sĩ Cộng Hoà hàng đầu trong Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng Viện, phàn nàn thị trường chứng khoán Nga, trong thực tế, đã tăng cao ngay sau khi đợt chế tài mới nhất do Hoa Kỳ áp đặt vừa được loan báo, gợi ý các chế tài nầy còn yếu đuối hơn thế giới đang chờ đợi. Bob Corker nói tiếp, vài nghị sĩ muốn chính quyền xem xét lợi hại của kế hoạch đồn trú thường trực các lực lượng NATO của Hoa Kỳ trong các xứ như các Cộng Hoà Baltic. Cùng lúc, Nga luôn duy trì luận cứ bất cứ động thái nào như thế cũng có thể đã vi phạm những thoả hiệp đã đạt được với NATO trong thập kỷ 1990. Nhưng Obama đang bị áp lực nặng nề phải tuyên bố thế giới đã đổi thay, và làm ngơ trước các cảnh cáo của Nga.
Vài người đã hoan nghênh sự suy sụp trong khả năng ngăn chặn của Hoa Kỳ. Nhưng dù  đang sinh sống ở đâu, họ cũng có thể dễ dàng nhận thấy bất cứ thay thế nào trong trật tự thế giới trước đây cũng đều làm tình hình thêm tồi tệ. Sự hiện diện của quyền lực Hoa Kỳ không đáng sợ bằng phân nửa sự thiếu vắng của quyền lưc nầy.
VÀI NHẬN ĐỊNH
Trên đây là chiến lược và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ theo góc nhìn của đa số các giới lãnh đạo, giới trí thức, các cơ quan truyền thông dòng chính Tây Phương. Nhưng như một học giả xuất thân với cấp bằng BA từ Harvard, MA từ Stanford, và PhD từ Yale đã nhận xét gần đây trong chương trình  “Conversations with Great Minds” trên  Kênh Russia Today: phần lớn những bậc khoa bảng tốt nghiệp từ những Đại Học danh tiếng của Hoa Kỳ như Ivy League, Stanford …đã được đào tạo để trở thành những cổ động viên (cheerleaders), [không phải những nhà tư tưởng hay lãnh đạo]. Lý do: họ đã không được un đúc và trang bị một “tinh thần phán đoán” (critical mind) thiết yếu …
Như đã phân tích trong hai tác phẩm Thế Giới Thời Hậu Chiến Tranh Lạnh (NXB Tri Thức — 2010) và Quan Hệ Quốc Tế Trong Kỷ Nguyên Á Châu-Thái Bình Dương (NXB Tri Thức — 2013), và trong nhiều bài viết gần đây trên website Địa-Kinh tế-Chính trị — “nguyentruong92606.wordpress.com”: Với chiến lược quân sự hoá kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, chính sách đối nội và đối ngoại …của Hoa Kỳ, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều cuộc chiến tai hoạ, gây thương vong, đổ nát …trên khắp thế giới, từ Uhraine đến Syria, từ South Sudan đến Thailand, từ Libya đến Bosnia, từ Turkey đến Venezuela…
Mục tiêu luôn là quân sự hoá các quan hệ quốc tế với chủ đích bành trướng phạm vi ảnh hưởng qua các chính sách yểm trợ các lãnh đạo độc tài, thay đổi chế độ, viện trợ quân sự (cung cấp vũ khí, huấn luyện viên quân sự, đảo chánh …), duy trì đồng mỹ kim như ngoại tệ dự trữ duy nhất, cô lập và ngăn ngừa các đại cường cạnh tranh đang lên …, và cuối cùng: để củng cố địa vị siêu cường duy nhất và trật tự thế giới do chính Hoa Kỳ thiết lập sau Đệ Nhị Thế Chiến vì quyền lợi của chính Hoa Kỳ.
Trong mọi trường hợp, vấn đề chính yếu vẫn luôn là sự trường tồn của nhân loại, đang rất mong manh với hiện tượng biến đổi khí hậu và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Và ai ai cũng biết chúng ta chỉ còn có thể ngày đêm cầu nguyện cho một  thế giới hoà bình, ấm no, và hạnh phúc !
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
08-10-2014

No comments: