Monday, April 28, 2014

10. VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỘI NHẬP KINH TẾ CỦA VIỆT NAM THEO LỘ TRÌNH AEC 2015
Võ Minh Tập[*]

Trong sách: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đào tạo nhân lực trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế”, Nxb Thế giới, 2013.

Tóm tắt / Abstract:
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (AC). Lộ trình xây dựng AEC, đến nay đã 10 năm (2003 – 2013) và được các thành viên tiến đến nhằm hiện thực hóa AEC vào năm 2015. Kế hoạch Tổng thể AEC nhấn mạnh “AEC là mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế như đã được nhấn mạnh trong Tầm nhìn ASEAN 2020, dựa trên sự hội tụ các lợi ích của các nước thành viên ASEAN nhằm làm sâu sắc và mở rộng hội nhập kinh tế thông qua sáng kiến hiện có và những sáng kiến mới với thời gian đã định”. Theo đó, Kế hoạch Tổng thể đặt ra mục tiêu làm thay đổi ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu. Bốn nội dung nêu trên cũng chính là những đặc trưng quan trọng nhất của mô hình AEC 2015.
Nếu nhìn thẳng vào thực lực của ASEAN hiện nay, lộ trình hiện thực hóa AEC từ 2003 - 2013 và đến 2015 có nhiều thuận lợi song cũng gặp rất nhiều khó khăn. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ vào các quá trình hội nhập và liên kết khu vực. Do đó, những thành công hay khó khăn, thách thức mang lại từ AEC đều có tác động không nhỏ đến sự phát triển và hội nhập kinh tế của nước ta. Làm thế nào để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng quá trình hội nhập và hướng đến ASEAN 2015… Vì vậy vấn đề phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đó đặt ra yêu cầu bứt thiết cho Việt Nam.
Tham luận của chúng tôi nhấn vào ba vấn đề. Một là, AEC và nguồn nhân lưc hướng đến hội nhập kinh tế khu vực. Thứ hai, phân tích thực trạng, hạn chế và thách thức về đào tạo nguồn nhân lực nước ta đầu thế kỉ XXI. Thứ ba, dưới tác động của AEC 2015, tương lai hội nhập kinh tế khu vực của Việt Nam sẽ như thế nào? Việt Nam cần có giải pháp gì về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để phát triển và hội nhập kinh tế những năm sắp tới.

THE ISSUES OF HUMAN RESOURCES TRAINING
IN ORDER TO MEET THE NEEDS OF ECONOMIC INTEGRATION OF VIETNAM ON SCHEDULE FOR AEC 2015

The ASEAN Economic Community (AEC) is one of the three pillars of the ASEAN Community (AC). Up until now, for 10 years (2003-2013), member countries have been unifying to realize the AEC by 2015.
The AEC Blueprint emphasizes "The  AEC  is  the  realisation  of  the  end  goal  of  economic  integration  as  espoused  in  the Vision 2020, which is based on a convergence of interests of ASEAN Member Countries to deepen and  broaden  economic  integration  through  existing  and  new  initiatives  with  clear  timelines." Accordingly, the AEC Blueprint aims to make ASEAN a single market and production facility, an area of economically high competitiveness, an area of ​​even economic development, and an area fully integrated into the global economy. The four key characteristics above are also the most important features of the AEC 2015 model.
When you look at the current ASEAN's real capacity, the roadmap to realizing the AEC 2015 has many vantages but also as many obstacles. As a member of ASEAN, Vietnam will fully participate in the integration process and regional integration. Therefore, the success and/or challenges brought about by the AEC will have significant impacts on the development and economic integration of Vietnam. Creating an economic growth dynamics, responding to the integration process and aiming for ASEAN 2015 are crucial; Therefore, the issues of human resources development pose significant exigencies to Vietnam.
This article focuses on three points: First, the EAC and human resources required for regional economic integration. Second, analyzing the status quo, including openings, limitations, and challenges of human resources training in Vietnam in the early XXI century. Third, under the impact of the AEC in 2015, what will the regional economic integration of Vietnam be like in the future? Vietnam needs the means to address the issues of human resource training for development and economic integration in the coming years.
1. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và nguồn nhân lực hướng đến hội nhập kinh tế khu vực
Tháng 10/2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần IX (Bali, Indonesian), các nguyên thủ quốc gia khu vực đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) vào năm 2020, trong đó Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng này. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực thay đổi nhanh chóng, tháng 1/2007, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ XII (Cebu, Philippines) đã nhất trí rút ngắn lộ trình xây dựng AC vào năm 2015 và đưa ra Kế hoạch Tổng thể AEC tháng 1/2008 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần XIII (Singapore) nhằm hiện thực hóa AEC vào năm 2015.
Kế hoạch Tổng thể AEC nhấn mạnh “AEC là mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế như đã được nhấn mạnh trong Tầm nhìn ASEAN 2020[†], dựa trên sự hội tụ các lợi ích của các nước thành viên ASEAN nhằm làm sâu sắc và mở rộng hội nhập kinh tế thông qua sáng kiến hiện có và những sáng kiến mới với thời gian đã định” [1, tr.5]. Theo đó, Kế hoạch Tổng thể đặt ra mục tiêu làm thay đổi ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu [1, tr.3]. Bốn nội dung nêu trên cũng chính là những đặc trưng quan trọng nhất của mô hình AEC 2015. Vì vậy, lộ trình mà AEC  cần thiết phải thực hiện các cam kết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tự do hóa luồng vốn, công nghệ, lao động… Đây là những nội dung chính mà các nước trong khu vực đang hết sức nỗ lực hoàn thành nhằm thực hiện được mong muốn hội nhập khu vực ở mức độ sâu nhất có thể.
Để thực hiện mục tiêu và lộ trình của AEC, vấn đề được xem là nhân tố rất quan trọng đối với sự thành bại của các nước ASEAN là làm sao chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, nguồn lao động có tay nghề và tác phong công nghiệp, nguồn lao động có trình độ khoa học – công nghệ hiện đại… có ý nghĩa sống còn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hay nói cách khác cần đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao chú trọng toàn diện về số lượng, cơ cấu và chất lượng là điều kiện quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng nền kinh tế và hội nhập khu vực bền vững.
Nếu nhìn thẳng vào thực lực của ASEAN hiện nay, lộ trình và hiện thực hóa AEC từ 2003 - 2013 và đến 2015 có nhiều thuận lợi song cũng gặp rất nhiều khó khăn. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ vào các quá trình hội nhập và liên kết khu vực. Do đó, những thành công hay khó khăn, thách thức mang lại của AEC đều có tác động không nhỏ đến sự phát triển và hội nhập kinh tế của nước ta. Làm thế nào để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng quá trình hội nhập và hướng đến ASEAN 2015… Vì vậy vấn đề phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đó đặt ra yêu cầu bứt thiết cho Việt Nam hiện tại và tương lai sắp tới.
2. Nguồn nhân lực Việt Nam đầu thế kỉ XXI
a. Phát triển nguồn nhân lực những năm gần đây.
Trong thời đại nền kinh tế tri thức và hướng đến nền kinh tế thị trường của Việt Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ có vai trò thúc đẩy tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Cũng trong bối cảnh di chuyển lao động quốc tế, cạnh tranh về nguồn lực… ngày càng gay gắt, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có vai trò quyết định hàng đầu đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, phát triển nguồn nhân lực, tức là gắn liền với đầu tư phát triển giáo dục đào tạo.
Trong hơn một thập niên đầu thế kỉ XXI, thực tiễn phát triển nguồn nhân lực ở nước ta cho thấy:
Thứ nhất, sự gia tăng không ngừng số lượng trường đào tạo nguồn lao động, số lượng lao động trình độ ở các bậc học (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và cơ cấu nguồn nhân lực.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, số lượng trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp liên tục tăng theo các năm (2000 – 2010), trong năm 2000 cả nước có 178 trường ĐH-CĐ, đến năm 2010 là 386 trường, riêng trường trung cấp chuyên nghiệp từ 253 trường năm 2000 lên 290 trường năm 2010, năm 2012 là 294 trường. Bên cạnh đó, số sinh viên ở các bậc học được đào tạo cũng tăng lên, năm 2010 cả nước có 2.858.290 học sinh sinh viên bậc ĐH,CĐ, TCCN, trong đó, trình độ ĐH,CĐ là 2.162.106 người, tăng hơn gấp 2 lần năm 2000 (xem bảng 1).

2000
2002
2004
2006
2008
2010
Số lượng trường ĐH, CĐ và TCCN (Trường)
Trường
178
202
230
322
369
386
Đại học
74
81
93
139
146
163
Cao đẳng
104
121
137
183
223
223
TCCN
253
268
285
269
273
290
Số sinh viên, học sinh trường ĐH, CĐ và TCCN (người)
Sinh viên,hs
1.172.763
1.330.407
1.786.259
2.055.871
2.370.269
2.858.290
Đại học
731.505
805.123
1.046.291
1.173.147
1.242.778
1.435.887
Cao đẳng
186.723
215.544
273.463
367.054
476.721
726.219
TCCN
254.535
309.807
466.504
515.670
625.770
686.184
Tốt nghiệp
217.035
256.007
334.473
366.004
419.658
557.558
Nguồn: Website Bộ Giáo dục – Đào tạo, cập nhật thống kê ngày 30/06/2011 (Tác giả có xử lí số liệu).
Điều nổi bật là hầu như tỉnh nào cũng có trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp với nhiều hệ đào tạo như chính qui, không chính qui, vừa học vừa làm, văn bằng hai, đào tạo dài hạn, ngắn hạn…. đã gia tăng cả qui mô và số lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng miền và cả nước.
Cũng theo số liệu Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm 2000, Việt Nam có 135 sinh viên/vạn dân, năm 2007 là 165 sinh viên/vạn dân, năm 2009 là 196 sinh viên/vạn dân và năm 2010 là 200 sinh viên/vạn dân… con số này so với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…vẫn còn thấp (chỉ số từ 300 đến 400 sinh viên/vạn dân) [6, tr.107]. Như bảng 1, tốc độ tăng số lượng sinh viên ở nước ta tăng cao, số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng tăng, kể cả tuyển mới đầu vào, tuy nhiên, thực tế mới chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu học đại học của thanh niên Việt Nam, số lượng thí sinh đăng kí thi đầu vào tăng nhanh nhưng chỉ tiêu tuyển mới lại không đáp ứng nhu cầu, tỉ lệ thanh niên độ tuổi tham gia giáo dục đại học (từ 20-24 tuổi) ở Việt Nam là 10%,  thấp hơn so với nhiều nước ở khu vực Đông Á như Thái Lan (41%), Hàn Quốc (89%), Trung Quốc (15%)[‡]. Mặt khác, theo thống kê, sự gia tăng số lượng lao động trình độ đại học trên tổng số lao động ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Năm 2001, lao động có trình độ cao đẳng trở lên chiếm 3% (gần 1,5 triệu người), năm 2007 là 7% (gần 3,2 triệu người), tỷ lệ này ở Mĩ là 40%, Hàn Quốc hơn 19%, OECD hơn 34% [6, tr.104]. Theo điều tra dân số do tổng cục Thống kê thực hiện năm 2011, tổng nhân lực cả nước có hơn 4,2 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có hơn 24 nghìn tiến sĩ và hơn 101 nghìn thạc sĩ. Tuy nhiên, số sinh viên và nguồn lực trình độ cao đẳng trở lên ở Việt Nam cũng phân bổ không đều ở từng vùng miền, số lượng giảng viên đại học trong đội ngũ nhân lực trình độ đại học, cao đẳng trong thập niên qua chưa đáp ứng được nhu cầu vì số lượng sinh viên tăng nhưng số lượng giảng viên lại không tăng cùng nhịp độ gây áp lực lớn cho quá trình đào tạo nhân lực cho đất nước, lực lượng này chỉ chiếm trên 7% lực lượng lao động quốc gia. Đây thật sự là một thách thức lớn của quá trình phát triển và cạnh tranh, cũng như bị động về chuẩn bị nguồn nhân lực của nước ta hiện tại và tương lai.
Bên cạnh cơ cấu đội ngủ giảng viên đại học, cơ cấu nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đại học theo ngành kinh tế ở nước ta hiện nay cũng thay đổi. Xu hướng giảm tỉ trọng nhân lực trong các ngành gắn với kinh tế nông nghiệp ít gắn với tri thức khoa học công nghệ hiện đại như Nông lâm ngư nghiệp (từ 4,3% xuống 3,46%), công nghiệp khai mỏ (từ 1,17% xuống 0,85%, sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước… và xu hướng tăng tỉ trọng các ngành như sửa chữa, dịch vụ, khoa học-công nghệ [6, tr.111], đây là những ngành mà yêu cầu về hàm lượng chất xám và tri thức khoa học cao.  
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là tập trung nguồn nhân lực khoa học – công nghệ.
Bước vào thế kỉ XXI, với xu hướng xây dựng nền kinh tế thị trường được coi là xu hướng chủ yếu của thời đại, đó là xu hướng số hóa, tri thức hóa và trí tuệ hóa là nguồn gốc, sức mạnh quyết định của mỗi quốc gia, mà con người là chủ thể quan trọng nhất, con người cũng là chủ thể của hội nhập. Vì vậy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nuồn nhân lực KH-CN có vai trò quan trọng.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn tăng năng suất lao động cho xã hội thông qua khả năng về thể lực, trí lực và tâm lực của người lao động, là yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất chủ yếu, giữa vai trò quyết định sự phát triển KT-XH của mọi quốc gia [6, tr.28], như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi những yếu tố quan trọng nhất là trình độ được đào tạo, phẩm chất đạo đức tốt và khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc trong những ngành có đóng góp quyết định cho sự tăng trưởng kinh tế.
Thực trạng đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam thời gian qua chỉ chiếm hơn 10%, trong khi đó đòi hỏi đáp ứng yêu cầu phải đạt 60 – 80% ở những nước phát triển. Như vậy quá trình gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta tuy có xu hướng tăng nhanh nhưng còn khoảng cách khá xa. Về cơ cấu chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao như ngành công nghiệp tri thức (những ngành sản xuất, dịch vụ dựa nhiều vào tri thức, có hàm lượng tri thức cao) như giáo dục đào tạo (đặc biệt giáo dục đại học), ngành ứng dụng KH-CN… ở nước ta còn hạn chế, điều này thể hiện rất rõ ở đội ngũ giảng viên (kể cả đội ngủ giảng viên chất lượng cao như Thạc sĩ, Tiến sĩ, GS, PGS…) chưa tương xứng để thực thi quá trình phát triển giáo dục đại học, lực lượng được coi là sáng tạo ra những người sáng tạo, hay ở ngành CNTT cần thiết có lực lượng kỹ sư máy tính và các nhà quản lý mạng…. những lực lượng này phải có trình độ chuyên môn cao, phát huy tố chất dân tộc, tố chất thích ứng và tố chất sáng tạo mang tính cách mạng ở nước ta hiện nay. Sự phân bố cán bộ nghiên cứu trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển theo lĩnh vực KH-CN (tính từ trình độ cao đảng trở lên) như sau: KHXH –NV là 12,88%, KHTN 8,56%, khoa học nông nghiệp (24,97%), khoa học y dược (10,98%), khoa học kĩ thuật và công nghệ (42,61%), cũng theo ước tính, cả nước có hơn 10% nhân  lực chất lượng cao thì tổng số nhân lực trình độ KH-CN là hơn 42 nghìn người (chiếm hơn 1,3% tổng nhân lực trình độ đại học, có hơn 65.000 giảng viên đại học, các chuyên gia, kỹ sư…thu hút vào hoạt động nghiên cứu KH-CN, xem xét phân bổ trình độ đội ngủ  nhân lực KH-CN (nhân lực nghiên cứu và phát triển) năm 2010 thì tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ Tiến sĩ là (11,75%), Thạc sĩ (24,59%), ĐH,CĐ (63,66%) [7, tr.208]… nhưng khi so sánh các tiêu chí trên với các nước trong khu vực Đông Á như ở Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì Việt Nam còn chênh lệch khá xa.
Nhìn vào lộ trình AEC chúng ta thấy một số cam kết quan trọng mà các nước thành viên cần thực hiện như cam kết về tự do lưu chuyển dịch vụ và lao động lành nghề, cam kết tự do lưu chuyển vốn và công nghệ, thực hiện kết nối trong nội khối… Vì vậy, tăng cường phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng năng lực trong các lĩnh vực là hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, cấp giấy phép hành nghề, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ mạng lưới các trường đại học ASEAN, xây dựng các kỹ năng, tiêu chuẩn nghề nghiệp cơ bản, tăng cường năng lực nghiên cứu, xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường lao động, trong đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực về khoa học – công nghệ là quan trọng nhất.
b. Sử dụng nguồn nhân lực
Năm 2010, dân số nước ta gần 87 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm 58%, đây được coi là nguồn nhân lực có lợi thế quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Theo thống kê, giai đoạn 1991 – 2010, lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân tăng 2,76% năm, với lượng tuyệt đối tăng thêm hơn 1 triệu người/năm, qua đó số lao động làm việc năm 2010 gấp 1,68 lần so với năm 1991.
Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 6,9% (1998 xuống còn 4,4% (2010), tỉ lệ sử dụng lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn tăng 71,1% năm (1998) lên 81,8% (2006), tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm từ 6,1% (2008) xuống 5,5% (2010) [8, tr.103]. Tuy nhiên, năng xuất lao động xã hội của nước ta còn rất thấp, năm 2010 đạt khoảng 39,2 triệu đồng/lao động/năm. Con số này thấp hơn và chênh lệch nhiều so với nhiều nước, tốc độ tăng năng xuất lao động giảm dần từ 4,51% năm giai đoạn 1996 – 2000 xuống 3,51% năm 2006-2010, điều này tác động không nhỏ đến tăng trưởng GDP, giá trị thặng dư thấp và tích lũy tái đầu tư để sản xuất mở rộng cũng như nâng cao mức sống.
Nguồn lao động Việt Nam hiện nay được coi là dồi dào, đa dạng, nhưng không được sử dụng hết và lãng phí, khi vẫn còn 4,6% lao động thành thị thất nghiệp và gần 20% lao động nông thôn chưa được sử dụng. Thất nghiệp cao nhất nước thuộc về Đồng bằng song Hồng (với Hà Nội) chiếm 5,35% và Đông Nam Bộ (với TP.HCM) chiếm 4,89% so với cả nước 4,65% năm 2008, trong khi đó, chất lượng và cơ cấu đào tạo chưa dáp ứng nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Điều đáng nói, trong số nguồn lao động thất nghiệp, đa số là lớp trẻ, có sức khỏe và đã qua đào tạo, lao động làm trái nghề phổ biến và mức thu nhập tương ứng với trình độ chênh lệch khá lớn, bất bình đẳng… Ở nông thôn, thực trạng lao động không có việc làm và nghèo tăng nhanh. Năm 2008, người nghèo chiếm 13,4%, theo Báo cáo của CIEM 8/2013, thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý là trong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%), 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống..
Sự lạc hậu về khoa học – công nghệ  của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đáng báo động. Năm 2007, đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại chỉ chiếm 10% (chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI), 38% trung bình, 52% là lạc hậu và rất lạc hậu, tỷ lệ công nghệ cao chỉ chiếm 2% [3], đầu tư cho KH-CN tính bình quân đầu người chỉ đạt 5 USD… điều này dẫn đến sự yếu kém trong cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước. Mặt khác, qui mô và trình độ lao động thấp là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (xem bảng 2).
Bảng 2 – Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam chia theo qui mô lao động (2008) (đơn vị %)

Dưới 5 người
Từ 5-9 người
Từ 10-49 người
Từ 50-199 người
Từ 200-299 người
Từ 300-399 người
Từ 500-999 người
Từ 1000-4999 người
Từ 5000 trở lên
chung
21,6
34,3
33,9
7,2
1,0
0,9
0,6
0,5
0,0
KV nhà nước
0,4
1,3
17,5
35,9
12,0
12,5
10,1
9,2
1,0
KV ngoài NN
22,5
35,5
34,3
6,0
0,7
0,5
0,3
0,2
0,0
KV vốn đầu tư Nước ngoài
4,2
6,8
29,7
30,9
7,6
7,1
6,9
6,1
0,7
Nguồn: GSO (2010), Doanh nghiệp Việt Nam 9 năm đầu thế kỉ XXI, Nxb Thống kê, HN.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực các doanh nghiệp rất thấp, nhất là nhóm các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo CIEM, có tới 75% số lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chưa qua đào tạo, theo khảo sát của VCCI, 47,4% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng. Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp còn rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng kinh nghiệm quản lý, kết quả điều tra của Bộ kế hoạch và đầu tư cho thấy, có 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở xuống [5].
c. Những hạn chế đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Mặc dù nước ta đang ở giai đoạn dân số vàng, nguồn nhân lực chưa được đào tạo và đã qua đào tạo ngày càng tăng về số lượng, chất lượng và cơ cấu, điều này tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, từ những vấn đề đào tạo và sử dụng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực thời gian qua ở nước ta vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Thứ nhất, chất lượng đào tạo không cao, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, còn nhiều bất cập. Thực tế hiện nay đều nhận thấy, kết quả đào tạo “trong” của nền giáo dục Việt Nam chưa cao, còn thấp so với thế giới, hiệu quả “ngoài”, tức sinh viên khi sau khi tốt ghiệp đi làm không đạt yêu cầu, còn lúng túng, thiếu hẳn các kỹ năng cả cứng và mềm, nhiều doanh nghiệp phải tốn chi phí đào tạo lại, ít nhất cũng 4-6 tháng. Đội ngũ lao động sau khi đào tạo làm trái ngành, không  bắt kịp với xu thế thời đại, phân bổ không đều các ngành và lĩnh vực, thất nghiệp, không đáp ứng tốt yêu cầu công việc… là những rào cản lớn trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, Điều tra Lao động và Việc làm Việt Nam năm 2011 thì trọng lao động qua đào tạo vẫn còn thấp. Trong 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chỉ có hơn 8 triệu người (15,6%) đã được đào tạo, chiếm 15,6% tổng lực lượng lao động. Như vậy, tuy nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất là ở Hà Nội (30,7%) và thấp nhất là Đồng Bằng sông Cửu Long (8,6%). Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng. Nơi có tỷ trọng này cao nhất là Hà Nội và TP. HCM (17,0%), Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên thấp nhất (3,4%). Số liệu tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo cho thấy chất lượng việc làm của Việt Nam còn thấp, đây là một thách thức lớn của đất nước trong việc đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Lao động với chất lượng thấp đồng nghĩa với việc làm không bền vững, việc trả lương thấp và không đáp ứng được xu thế mới, sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý.
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến hội nhập của Việt Nam như khoảng cách đào tạo, năng xuất, chất lượng và qui mô đào tạo. Vai trò của giáo dục đào tạo rất quan trọng, nhằm tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội… nhưng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta còn khoảng cách khá xa, nhiều lao động chưa qua đào tạo nên năng xuất thấp (khoảng 80% thanh niên (từ 18-23 tuổi) bước vào thị trường lao động chưa qua đào tạo nghề nghiệp chuyên môn), chất lượng lao động thấp, như trên phân tích, qui mô đào tạo (cả về số lượng và chất lượng và nhu cầu đào tạo của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông không đủ đáp ứng…) của Việt Nam tăng nhưng khi so sánh với các nước thì nước ta vẫn còn thấp.
Thứ bai, các điều kiện đảm bảo mục tiêu đào tạo theo mục tiêu tăng trưởng và tiến bộ, công bằng xã hội còn nhiều bất cập. Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực chi cho giáo dục bình quân đầu người ở nước ta còn mất đối xứng, chưa đáp ứng, có thể nói vào loại thấp nhất trong khu vực, bên cạnh đó, đội ngủ giáo viên, phương pháp giảng dạy, nội dung, mô hình đào tạo còn hạn chế, lạc hậu, thiếu sự kết nối, cùng với các chính sách liên kết đào tạo, giáo dục nặng về lý thuyết ít chú trọng thực hành, chú trọng dạy chữ, thiếu chú trọng dạy người và dạy nghề….nên tạo nên nguồn nhân lực chất lượng thấp…
Thứ tư, hiện tượng mất cân bằng trong cấp độ đào tạo, sự phân bổ và sử dụng nguồn lực. Hiện tượng mất cân bằng giứa các cấp đào tạo, giữa các ngành nghề ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập, hạn chế cạnh tranh trong nền kinh tế, cơ cấu ngành nghề và qui mô đào tạo bất hợp lí, phân bổ nguồn lực không đồng đều giữa các vùng miền, sử dụng nguồn lực sai vị trí… mặc nhiên tạo nên tình trạng lãng phí, lúc thừa, lúc thiếu, thừa thầy thiếu thợ. Năm 2011, trong từng nhóm nghề, phân bổ lao động theo các nhóm tuổi không giống nhau và có sự lựa chọn tuổi đối với từng nhóm nghề. Đối với nhóm nghề “Nhà lãnh đạo”, phần lớn các nhà lãnh đạo từ 40 tuổi trở lên (69,1%). Một số nhóm nghề yêu cầu có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cao thì lao động trẻ dưới 40 tuổi lại chiếm tỷ trọng lớn, như nhóm nghề “Chuyên môn kỹ thuật bậc cao”, “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị”. Trong khi đó, những nghề không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp thì tỷ trọng lao động ở các nhóm tuổi không có sự khác biệt lớn.
Thứ năm, hệ thống đào tạo chưa phát huy vai trò. Hệ thống và loại hình đào tạo ở Việt Nam hiện nay rất phong phú như chính qui, từ xa, hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2… nhất là hệ thống các trường dân lập, xã hội luôn có những định kiến và dư luận về chất lượng đào tạo, kết quả học tập, công tác tuyển dụng… làm cho tâm lý người đi học cảm thấy thiếu tự tin và không yên tâm với loại hình này.
Như vậy, với những hạn chế trên đây thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng nhu cầu, cạnh tranh, phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và thế giới, đòi hỏi vấn đề giáo dục đào tạo phải được quan tâm đúng mức, là nhân tố ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 – 2020 của Việt Nam nêu rõ “Giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2020, lĩnh vực khoa học –công nghệ, giáo dục …đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, số sinh viên đạt 450 trên vạn dân” [2, tr.21], với đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ [2, tr.23].
Hội nhập kinh tế toàn cầu là xu thế tất yếu đang diễn ra. Để tiến tới Cộng đồng ASEAN, các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đặt mục tiêu hội nhập và liên kết sâu rộng nội khối. Vì thế, để kiểm soát những tác động xã hội do hội nhập kinh tế cho khu vực, thế giới và Việt Nam, nhiệm vụ nòng cốt song song với xóa đói giảm nghèo là phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động có năng lực cạnh tranh, để phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam cần có những chính sách, định hướng và những giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo – yếu tố trực tiếp và đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển con người, nguồn nhân lực.
Đây là giải pháp được cho là quan trọng nhất để đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp học, cải thiện chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục đại học cho mọi người dân, khuyến khích học tập suốt đời. Để làm được việc này, nước ta cần cải thiện toàn diện hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cấp các trường đại học quốc gia, thực hiện các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các trường ở thành thị và nông thôn, tạo ra các trường đại học đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và phát triển một xã hội đổi mới với năng lực khoa học và công nghệ mạnh và khả năng phát triển nền kinh tế tri thức.
Đồng thời, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần đầu tư cho giáo dục, cần phải đổi mới tư duy giáo dục đại học, cơ chế quản lý giáo dục đại học, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy đại học theo hướng hiện đại, chuẩn hóa đội ngủ giảng dạy… giáo dục, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ cho người học, xúc tiến trao đổi giáo dục, đẩy mạnh mạng lưới hợp tác giữa các trường, Viện nghiên cứu, liên kết các cơ sở nghiên cứu giữa Việt Nam với các nước…
Có thể nói, giáo dục đào tạo là quốc sách để phát triển, vì vậy Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục đào tạo để có thể phát triển nền kinh tế tri thức trong tương lai.
Thứ hai là đổi mới chính sách phát triển nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp và thái độ của người lao động đối với công việc. Vấn đề này không đơn giản muốn là được, cần phải mất thời gian, tích lũy kinh nghiệm, vì vậy chúng ta phải đổi mới chính sách sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả như đổi mới chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ… tạo đột phá trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Đồng thời chú trọng  sử dụng nhân tài có sẵn của quốc gia, ngội ngũ tri thức Việt Kiều, kể cả nhân lực nước ngoài…
Thứ ba là thành lập hội đồng quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thành lập hội đồng trên phải xuất phát từ yêu cầu của đất nước, kinh nghiệm quốc tế, tổ chức thống kê, đưa ra kế sách, định hướng chiến lược và dự báo về phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yêu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức [2, tr.48].
Cuối cùng là đầu tư phát triển nguồn nhân lực bao gồm các hoạt động nhằm tăng cường mở rộng các trung tâm phục vụ phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sử dụng tiếng Anh tại nơi làm việc, tăng cường kĩ năng sử dụng CNTT, đào tạo kỹ năng am hiểu về giới, đề ra những chương trình đào tạo các ngành công nghiệp có giá trị cao phục vụ mục tiêu cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Kết luận
Trong hơn thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên sự phát triển đó chủ yếu do tác động của sự tự do và các yếu tố bên ngoài đi kèm với hội nhập quốc tế chứ không phải do sức mạnh nội tại, cùng với sự thay đổi của tình hình thế giới và khu vực như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sự phát triển chênh lệch giữa các nước, mô hình tăng trưởng không phù hợp, cạnh tranh kinh tế quyết liệt, những biến đổi của khí hậu toàn cầu… buộc các nước phải có những điều chỉnh mới, tìm kiếm mô hình tăng trưởng, xanh hóa nền kinh tế… Các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đẩy mạnh xây dựng lộ trình và mô hình phát triển mới, trong đó ASEAN là một minh chứng điển hình, quá trình đẩy mạnh liên kết khu vực ASEAN đã và đang được đẩy mạnh, nhất là lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Nhìn vào mục tiêu và lộ trình của AEC cùng với những thành tựu, thách thức, hạn chế của kinh tế Việt Nam, nhất là trong việc đào tạo, đầu tư phát triển (nhất là vai trò của giáo dục-đào tạo), và sử dụng nguồn nhân lực ở nước ta đã đặt ra những yêu cầu bứt thiết cho Việt Nam trong quá trình định hướng nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực…
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, việc tận dụng “cơ cấu dân số vàng” để tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách. Để tạo ra một lực lượng lao động vàng trong thời kỳ này, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội vàng của dân số cho phát triển, tập trung vào cải cách và điều chỉnh hệ thống đào tạo đại học, đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật hướng đến thị trường nhằm tạo ra một lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, có trình độ chuyên môn thỏa mãn nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Sự thành công của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Đây là lực lượng tiên phong sẽ quyết định sự thành lại của Việt Nam trên con đường phát triển đột phá tiến tới xây dựng kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hướng tới hội nhập khu vực, thế giới trong tương lai, điều quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực như thế nào? Đây là câu hỏi lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với tương lai phát triển của Việt Nam trong thế kỉ XXI.
Tài liệu tham khảo
1. ASEAN Economic Community Blueprint, ASEAN Secretariat, 1/2008.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 – 2020, Nxb CTQG, HN.
3. Trương Thị Hiền (2007), Việt Nam gia nhập WTO, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Phát triển nhân lực, số 1 (1).
4. GSO (2010), Doanh nghiệp Việt Nam 9 năm đầu thế kỉ XXI, Nxb Thống kê, HN.
5. Nguyễn Thế Nghĩa (2007), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Cộng sản, số 23
6. Lê Thị Hồng Hiệp (2012), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Bộ Khoa học và Công nghệ (2012), Khoa học và Coog nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, Nxb CTQG, HN.
8. Hà Văn Hiền-Phạm Hồng Phong (đồng chủ biên, 2013), Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kì hậu khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Nxb CTQG.
9. Nguyễn Thanh (2002), Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb CTQG, Hà Nội.





[*]  Nghiên cứu sinh, Đại học KHXH &NV – ĐHQG TP.HCM
[†] Trong Tầm nhìn ASEAN 2020 đã nhấn mạnh dây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao; có sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự chu chuyển tự do hơn đối với nguồn vốn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói, sự chênh lệch về xã hội và kinh tế được giảm bớt vào 2020.
[‡]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-duc-dai-hoc-viet-nam-con-nhieu-thach-thuc-191136.htm.

No comments: