Monday, April 28, 2014

4. TĂNG CƯỜNG LIÊN MINH MỸ- NHẬT TRƯỚC THÁCH THỨC TỪ TRUNG QUỐC



NCBĐ (26/4/2014) - Vừa qua, tờ Yomiuri của Nhật Bản đã thực hiện một loạt bài phỏng vấn với các chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và quân sự. Nội dung các bài phỏng vấn tập trung vào mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật trước những tác động của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.





Cuộc phỏng vấn với Edward Luttwak, một chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, thảo luận về “Giấc mơ Trung Quốc” và các lực lượng xã hội mà Trung Quốc phải hành động theo. Luttwak là một chiến lược gia quân sự đã từng tư vấn cho Văn phòng của BTQP Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, trong đó có “Sự nổi lên của Trung Quốc so với các logic của chiến lược”
Tình hình căng thẳng ở Đông Á, các mối đe dọa quân sự gây ra bởi Trung Quốc và lập trường chống Nhật Bản của Hàn Quốc đang ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao và chiến lược quân sự của Nhật Bản.
Hành vi của Trung Quốc được điều chỉnh bởi một loạt áp lực từ nhiều hướng khác nhau
Một loại áp lực đến từ bên dưới. Người dân Trung Quốc không còn đói và do đó họ không chỉ nghĩ về gạo, nhưng họ đang suy nghĩ về bản thân và văn hóa của họ. Điều này tạo ra sự tức giận rất lớn với nguyên nhân nhiều thế hệ. Một công dân Trung Quốc bình thường có thể nói: “Con trai tôi không thể đi đến trường đại học hàng đầu nhưng con trai của một quan chức ĐCS tham nhũng đang học ở đó. Đối với bản thân mình, tôi không thể đủ khả năng mua một chiếc xe hơi, nhưng ở ngay bên cạnh tôi có hai chiếc Ferrari. Cha tôi đã bị đánh đập trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông nội của tôi đã bị giết bởi Mao Trạch Đông năm 1962. Ông cố của tôi đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nhật Bản”. Tất cả các cấp độ của sự tức giận, chỉ có thể được chính thức cho phép thể hiện liên quan đến ông cố. Vì vậy, với công tác tuyên truyền của CP và do CP kiểm soát nên đã ngăn cản sự biểu hiện giận dữ về tôi, con trai của tôi, cha tôi và ông tôi, tình huống duy nhất có thể được đề cập đến là ông cố tôi. Áp lực từ dưới lên có thể trực tiếp chống lại bất kỳ nước nào có ảnh hưởng đến Trung Quốc bao gồm Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản.
Sau đó, một loại áp lực ngang đến từ Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). PLA không hài lòng nếu chỉ đơn giản có thái độ chống Nhật, điều đó không đủ đối với họ. Đối với quân đội Trung Quốc, Nhật Bản không phải là kẻ thù lớn nhất. Đầu tiên, việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nhật Bản không có chỗ cho các lực lượng lục quân, không thể phát triển các lực lượng lục quân trong cuộc chiến chống Nhật Bản. Thứ hai, với hải quân, Nhật Bản vẫn là chưa đủ, bởi vì hải quân Trung Quốc muốn tàu sân bay lớn. Vì vậy, cần coi lực lượng hải quân Mỹ như là một kẻ thù để biện minh cho việc xây dựng một lực lượng tàu sân bay lớn.
Có áp lực của người dân từ dưới lên, áp lực ngang của quân đội, bên cạnh đó còn có áp lực quan liêu và sau đó là áp lực từ trên xuống dưới - áp lực từ CT Tập Cận Bình, người có nhu cầu thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó có ba phần: Một là, cải thiện môi trường. Hai là, tiếp tục nâng cao mức sống ở các khu vực bên trong Trung Quốc. Ba là, một kế hoạch tổng thể áp đặt quyền lực của Trung Quốc trên toàn cầu - đây là mục tiêu mang tính chính trị quan trọng nhất.
Một hệ tư tưởng có thể sẽ không tồn tại nếu Trung Quốc không hành động để thể hiện “sức mạnh tuyệt vời” của chính nó như là cái mà Luttwak gọi là “Sự tự kỷ về quyền lực vĩ đại”. Nói cách khác, tự kỷ là sự thất bại của lãnh đạo Trung Quốc do không hiểu phản ứng của người nước ngoài. Nó có nghĩa là hệ thống không được hấp thụ thông tin phản hồi từ thế giới bên ngoài.
Đối với các nước việc không nghe người nước ngoài là bình thường, nhưng khi CP không lắng nghe các đại sứ của mình thì là điều rất không bình thường..
Không có giải pháp Senkaku
Luttwak cho rằng CP/Trung Quốc hoàn toàn không muốn giải quyết vấn đề quần đảo Senkaku. Nếu Nhật Bản nhường quần đảo Senkaku thì vào sáng ngày mai Bắc Kinh sẽ ngay lập tức bắt đầu nói về Okinawa. Họ sẽ nói: “Thực ra, chúng tôi không muốn quần đảo Senkaku, chúng tôi muốn Ryukyus”.
Hệ thống chính trị của họ cần sự thù địch với Nhật Bản. Đó là nguồn nuôi dưỡng hệ thống của họ. Họ không thể sống mà không chống Nhật. Bạn không thể làm giảm căng thẳng, bởi vì phía Trung Quốc hoàn toàn cần căng thẳng.
Điều thứ nhất có thể được thực hiện là tăng cường răn đe. Ví dụ, cần có một sự hiện diện của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku, một trạm nghiên cứu hoặc thậm chí một khách sạn bãi biển, với một đơn vị đồn trú bảo vệ. Đặt một đơn vị đồn trú ở đó, thậm chí 20 binh sĩ, sẽ thấy rằng Nhật Bản sẽ không từ bỏ các hòn đảo. Răn đe chung, tất nhiên, có nghĩa là xây dựng các lực lượng Nhật Bản nói chung và cung cấp cho họ một chiến lược dài hơi. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng hoạt động nhiều hơn, đó là có đạn, có đào tạo, huấn luyện và có được một số khả năng hiện đang thiếu.
Điều thứ hai, Nhật Bản đã làm và đã bắt đầu làm một cách rất tốt, nhưng cần phải làm nhiều hơn, đó là giúp các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa Nhật Bản cần giúp đỡ Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Ấn Độ. Giúp đỡ ở đây không có nghĩa là giúp đỡ về tài chính mà còn giúp đỡ về mặt quân sự. Ví dụ, sự cần thiết đầu tiên của Philippines là trinh sát trên không. Philippines là quốc gia có nhiều đảo, nhưng lực lượng quân đội của họ rất nhỏ. Sự giúp đỡ đầu tiên họ cần từ Nhật Bản là khả năng trinh sát, máy bay có thể hơn 24 tiếng một ngày để ngay lập tức phát hiện các hoạt động của Trung Quốc mà không phải là một tuần sau đó. Malaysia cũng có nhu cầu này. Cung cấp hỗ trợ quân sự cho các đồng minh sẽ là hiệu quả nhất, bởi vì nó có nghĩa là thay vì chỉ một mình Nhật Bản, Trung Quốc phải đối mặt với một liên minh từ Nhật Bản đến Ấn Độ.
Bắt đầu từ vấn đề nhỏ là quần đảo Senkaku, sự cần thiết phải có một sự hiện diện vật lý ở đó. Sau đó, vòng tròn lớn là chính Nhật Bản, trong đó cần xây dựng lực lượng quân đội gồm hải quân, không quân. Tiếp nữa, là vòng tròn rộng lớn hơn là các đồng minh của Nhật Bản. Nếu Nhật Bản làm tất cả điều đó sẽ giúp giảm áp lực lên mối quan hệ Nhật-Mỹ. Chiến lược của Mỹ ảnh hưởng đến tất cả các nước này, nhưng Nhật Bản cần xây dựng vòng tròn mạnh mẽ hơn ở quần đảo Senkaku, thực hiện vòng tròn Nhật Bản một tổng thể và tăng cường các vòng tròn của các đồng minh của Nhật Bản - Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Brunei, để bên ngoài những vòng tròn, nơi có sự răn đe của Mỹ, sẽ có ít áp lực hơn đối với người Mỹ.
Nhật Bản không thể bảo vệ quần đảo Senkaku mà không cần bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản và không thể bảo vệ Nhật Bản nếu không bảo vệ tất cả các đồng minh của Nhật Bản. Vì vậy, đây là những gì sẽ làm từ quan điểm của Nhật Bản, nó có nghĩa là cho người Trung Quốc thêm lý do không chỉ chống Nhật. Nói cách khác, chi phí để Trung Quốc thực thi chính sách chống Nhật sẽ phải tăng lên bằng cách Nhật Bản xây dựng “tình bạn” với các nước khác.
Hàn Quốc sẽ không thay đổi
Nói về Hàn Quốc là nói về cảm xúc, tình cảm và lòng thù hận. Nó rất bất thường trong cộng đồng thế giới. Thái độ của Hàn Quốc đối với Nhật Bản không có gì để làm với bất kỳ điều thực tế. Bất cứ phản ứng, hành động gì của Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục” nên được xem như là một bài tập quan hệ công chúng cho thế giới, không chỉ với Hàn Quốc. Chính sách của Nhật Bản về vấn đề này nên được dựa tiên kết quả toàn cầu và phản ứng toàn cầu không chỉ riêng Hàn Quốc, bởi vì đối với Hàn Quốc, không có sự khác biệt ở tất cả.
Luttwak tin rằng lý do Hàn Quốc ghét Nhật Bản là bởi vì họ chấp nhận hoàn toàn. Ở đây có sự hận thù sâu sắc do sự thất bại trong việc chống lại chủ nghĩa thực dân. Nhật Bản không thể giải quyết vấn đề. Sai lầm là cố gắng làm điều gì đó, cố gắng giải quyết một vấn đề mà không thể giải quyết được.
Cuộc phỏng vấn với Jim Thomas, Phó CT kiêm GĐ nghiên cứu Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) tại Washington, về chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc và khu vực phòng thủ (A2/AD). Thomas đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó Trợ lý BTQP và Quyền Phó Trợ lý chiến lược. Ông từng phụ trách nhóm soạn thảo và là tác giả chính của báo cáo quốc phòng trình lên Quốc hội.
Trong 15 năm qua, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự quan trọng. Một phần tương đối lớn của chương trình hiện đại hóa này là tập trung vào chiến lược chống can thiệp, có nghĩa là phát triển năng lực và các lực lượng đủ để ngăn chặn hoặc làm cho lực lượng bên ngoài rất tốn kém hoặc khó khăn khi can thiệp vào khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời gây khó khăn cho lực lượng đó hoạt động ở tất cả các khu vực trong cùng một thời gian.
Trong khi phần lớn dư luận khi nói đến chiến lược chống tiếp cận và khu vực phòng thủ là nói về Trung Quốc, điều này không chỉ đơn giản là về Trung Quốc, nó là một hiện tượng quân sự rộng lớn hơn đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Việc triển khai sức mạnh của Mỹ trong vài thập kỷ qua tương đối dễ dàng. Mỹ có thể tự do đi lại giữa các đại dương mà không bị cản trở, có thể tiến hành điều máy bay từ các căn cứ gần đối thủ tiềm năng, tàu sân bay cũng như các tàu chiến đấu mặt nước có thể hoạt động gần bờ biển của các nước đó. Mô hình hoạt động quân sự này có thể sẽ khó khăn hơn trong tương lai, như đã xuất hiện trong cuộc xung đột ở Syria với những thách thức quân sự được đặt ra bởi tên lửa hành trình chống tàu cũng như hệ thống phòng không tiên tiến, Hình ảnh đó có thể thấy ở các khu vực khác của thế giới.
Những khả năng tương tự có thể được dễ dàng sử dụng bởi bạn bè và đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của họ. Có nghĩa là, các quốc gia như Nhật Bản có thể tạo ra khu vực chống tiếp cận, khu vực phòng thủ chiến lược (A2/AD) để bảo vệ tốt hơn chủ quyền với quyền phòng vệ vốn có của mình.
Để giải quyết cán cân quân sự dịch chuyển về phía tây Thái Bình Dương, có một số bước Tokyo và Washington nên xem xét:
Đầu tiên là tăng cường khả năng của liên minh hoạt động bên trong phạm vi A2/AD của một đối thủ tiềm năng. Điều này đòi hỏi kế hoạch phát triển các loại máy bay và đa dạng hóa các căn cứ không quân và các hải cảng của liên minh. Nó đòi hỏi sự đáp ứng của một số căn cứ như tăng cường về phòng thủ thụ động, cũng như gia tăng cả khả năng kiểm soát trên biển và khả năng chiếm ưu thế trên không bên trong phạm vi A2/AD của một đối thủ tiềm năng. Nó cũng đòi hỏi những cải tiến tiếp theo trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Bước thứ hai cần phải bổ sung đó là Mỹ phải cải thiện khả năng hoạt động ở bên ngoài phạm vi A2/AD của đối thủ tiềm năng, tiến hành các nhiệm vụ từ bên ngoài và bên dưới khu vực A2/AD hoặc không gian mạng để giám sát và ngăn chặn. Khả năng hoạt động ở tầm xa, thâm nhập vào phạm vi A2/AD của kẻ thù là đặc biệt quan trọng đối với sự răn đe.
Bước thứ ba nên khuyến khích các đồng minh và các đối tác phát triển A2/AD riêng, đặc biệt, với khả năng ngăn chặn đường không và đường biển để có thể tự bảo vệ tốt hơn và có thể cung cấp một khu vực an toàn cho quân đội Mỹ hoạt động hiệu quả và tổ chức chiến đấu nếu họ bị tấn công.
Bước thứ tư liên quan đến khả năng thực hiện các hoạt động ở ngoại vi, vượt ra ngoài phạm vi A2/AD của một đối thủ tiềm năng, nơi mà Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục duy trì một mức độ lớn kiểm soát trên biển và trên không, điều khiển và có thể gây ra chi phí lớn cho đối phương trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Hai bước cuối cùng rất quan trọng đó là: một trong những đối thủ cạnh tranh sẽ tấn công hệ thống chỉ huy kiểm soát thông tin liên lạc và hệ thống máy tính. Liên minh phải bảo vệ trước các cuộc tấn công đó đi đối với việc xây dựng khả năng tấn công phá vỡ hệ thống chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống máy tính, khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của kẻ thù. Đây được gọi là “chiến dịch làm mù”. Khả năng thay đổi hoặc làm nhiễu các thông tin khiến cho đối thủ không tự tin vào khả năng của mình để tiến hành các hành động quân sự hiệu quả là rất quan trọng cho sự răn đe.
Điểm cuối cùng là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Hoa Đông, cũng như ở Biển Đông, cần phải đưa ra quan điểm đó là không chỉ giải quyết các mối đe dọa cấp độ cao mà còn phải giải quyết tốt các mối đe dọa ở cấp độ thấp, cần phải xây dựng một bậc thang các cấp độ, từ thấp đến cao bao gồm khả năng bán quân sự, vai trò của lực lượng bảo vệ bờ biển, nhu cầu vũ khí không gây sát thương... để ngăn chặn leo thang xâm lược ở các vùng xám xung đột.
Đây là những yếu tố rất quan trọng nên được coi là một phần của hệ thống bảo vệ trong tương lai của liên minh Nhật - Mỹ. Câu hỏi thực sự sau đó là những gì cần được ưu tiên và sự cân bằng giữa các yếu tố như thế nào và làm thế nào để cân nhắc về các khoản đầu tư vào các hoạt động đó?
Phân phối sự hiện diện của Mỹ
Có một nguy cơ là liên minh Nhật - Mỹ có thể “đặt quá nhiều trứng trong quá ít giỏ,” không thể chỉ nói đến Okinawa như là một chỗ dựa tổng thể cho liên minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, một trong những bước tiếp theo mà Nhật Bản và Mỹ có thể xem xét là đa dạng hóa các căn cứ quân sự trải dài trên toàn lãnh thổ Nhật Bản từ Hokkaido đến Yonaguni, và tiến hành các bước theo thời gian.
Mô hình trong tương lai có thể rất khác nhau từ các mô hình của quá khứ. Thay vì có cơ sở chuyên dụng của Mỹ, có thế bước vào một thời kỳ, đặc biệt là nếu có sự thay đổi của Hiến pháp và quyền phòng vệ tập thể - mà liên minh có thể có được sự chia sẻ tốt hơn giữa các lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ ở các căn cứ quân sự trên khắp lãnh thổ Nhật Bản và trên lãnh thổ Mỹ. Đó sẽ là lý tưởng để tăng khả năng sống sót của các lực lượng, làm cho nó mạnh mẽ hơn. Nó cũng sẽ là một tín hiệu răn đe mạnh các hoạt động xâm lược tiềm năng trong khu vực.
Làm cho Nhật Bản hoạt động có hiệu quả hơn
Trước hết, Mỹ có lợi ích trong việc cải thiện khả năng tự vệ thể tốt hơn của Nhật Bản để có thể bảo vệ chính mình. Vì vậy, việc bảo vệ Nhật Bản vẫn là ưu tiên hàng đầu của liên minh, và Mỹ muốn làm tất cả những gì có thể để tăng cường khả năng răn đe toàn diện cho mục đích quốc phòng của Nhật Bản.
Đồng minh Mỹ sẽ hoan nghênh một Nhật Bản lần đầu tiên có thể tự bảo vệ mình, và điều này đòi hỏi phải có những cải tiến trong lực lượng phòng vệ để có thể chiếm ưu thế trên không và khả năng tiếp cận khu vực phòng thủ trên không, cũng như nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải và giám sát liên tục trong khu vực ngày càng căng thẳng như Biển Hoa Đông. Nó đòi hỏi khả năng mạnh mẽ hơn của lực lượng phòng vệ trên biển, đặc biệt là dưới lòng biển, cũng như khả năng duy trì kiểm soát trên biển để Nhật Bản có thể để đối phó với các mối đe dọa cường độ thấp hoặc các mối đe dọa bán quân sự, cũng như cung cấp khả năng phản đoán tình huống, điều đó rất quan trọng đối với một lực lượng phòng vệ mạnh, để đáp ứng được một trận chiến không - biển ở giai đoạn cao hơn. Nó đòi hỏi lực lượng phòng vệ mặt đất phải tăng cường sự thay đổi bắt đầu tò các cuộc diễn tập vũ khí kết họp với bảo vệ bờ biển và bảo vệ các hòn đảo xa.
Thứ hai, Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các lực lượng chiến đấu của Mỹ. Nhật Bản có thể làm gì để tối đa hóa sức mạnh chiến đấu thông thường của Mỹ, đó là một phần quan trọng của trong chiến lược răn đe của liên minh. Ở đây, cần tiến hành đa dạng hóa các căn cứ không quân và các căn cứu đó sẽ được chia sẻ với lực lượng phòng vệ trên khắp lãnh thổ Nhật Bản. Nó bao gồm việc cung cấp địa điểm hoạt động khi có thêm tàu chiến của hải quân Mỹ như tàu ngầm, hay đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho lực lượng chiến đấu, phối hợp tiếp nhiên liệu cho Nhật Bản hoặc tái vũ trang cho họ. Cuối cùng, trong dài hạn, Mỹ nên xem xét để có thể chia sẻ một cách công bằng những rủi ro và trách nhiệm răn đe trong liên minh. Mỹ cần phải xem xét các bước bổ sung khả năng phòng thủ chủ động cho Nhật Bản.
Phòng vệ tập thể là một quyền vốn có của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia có chủ quyền theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việc sửa đổi giải thích về Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể là một bước tiến tự nhiên và hợp lý.
Theo Yomiuri
Văn Cường (gt)

No comments: