Monday, April 28, 2014

9. BÀI HỌC HỘI NHẬP CỦA TRUNG QUỐC

9. BÀI HỌC HỘI NHẬP CỦA TRUNG QUỐC[i]
TS. Phạm Sỹ Thành[ii] 
Kinh nghiệm mở cửa hội nhập của Trung Quốc trong 35 năm qua có thể là những chính sách đặc thù dựa trên các điều kiện mà ít quốc gia nào có được. Tuy nhiên, những vấn đề rút ra từ cách thức mở cửa hội nhập ấy vẫn đáng suy ngẫm.

                                                                    Thâm Quyến - từ làng chài đến trung tâm kinh tế.


Năm 1980, thời điểm mà Trung Quốc mới bắt đầu tiến hành quá trình chuyển đổi, quốc gia này chỉ chiếm hơn 2% tổng GDP thế giới và chưa đầy 2% tổng giá trị thương mại toàn cầu. 35 năm sau, tỉ trọng GDP của quốc gia này đã chiếm khoảng 15% của toàn thế giới và đóng góp khoảng 11% trong tổng mức thương mại toàn cầu. Năm 2009, FDI vào Trung Quốc chiếm 7% lượng FDI toàn cầu trong khi con số này của năm 1980 chỉ là 1%, lượng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc tăng từ mức không đáng kể (năm 2004) lên 4% toàn cầu (năm 2009).
Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, diện mạo thương mại của Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng, xuất khẩu của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu toàn thế giới đã tăng từ 4,4% (năm 2001) lên mức 11,4% (năm 2013). Những con số này cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc trên thế giới cũng như sự thành công của chính sách mở cửa của quốc gia này.
Thay đổi từ thể chế nền tảng
Việc mở cửa với thế giới đồng thời là quá trình chấp nhận các nguyên tắc, luật chơi mang tính quốc tế. Đối với Trung Quốc, mở cửa đồng nghĩa với việc quốc gia này phải chuyển toàn bộ nền kinh tế vốn tồn tại phổ biến theo dạng hợp đồng dựa trên quan hệ sang các dạng hợp đồng dựa trên luật pháp. Các bộ luật về thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhanh chóng được ban hành và sửa đổi; luật chống độc quyền được ban hành bảy năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO; luật về phá sản doanh nghiệp cũng được ban hành...
Nhưng Trung Quốc vẫn thiếu các văn bản luật quy định chặt chẽ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và bảo vệ sở hữu tư nhân - vốn là nền tảng và động lực phát triển kinh tế thị trường. Bộ máy và chức năng của Chính phủ cũng phải thay đổi từ chính phủ theo mô hình quan liêu sang việc thẩm thấu các cách tổ chức, quản lý, đánh giá như doanh nghiệp. Tiếp đó, khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các can thiệp hành chính của Chính phủ trở thành rào cản đối với sự phát triển của hệ thống kinh tế ngoài nhà nước, Chính phủ Trung Quốc đã phải tiếp tục chuyển đổi chức năng một lần nữa thành chính phủ theo mô hình kiến tạo. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình phát triển kinh tế và quyết định cách thức ứng xử giữa Trung Quốc với các đối tác của mình.
Kinh nghiệm thành công của Trung Quốc cho thấy, các cải cách bên trong cần phải theo kịp với các đòi hỏi từ áp lực cải cách bên ngoài khi gia nhập sân chơi quốc tế. Tiếc rằng, ngay cả với Trung Quốc, nhiều lĩnh vực cải cách như doanh nghiệp nhà nước, sở hữu tư nhân, tài chính tiền tệ vẫn bị trì hoãn trong hàng chục năm.
Tìm cách thức hội nhập phù hợp
Phân công lao động bị giới hạn bởi quy mô của thị trường. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy ngay cả những nền kinh tế lớn cũng nên tận dụng lợi thế của các thị trường xuất khẩu để gặt hái lợi ích đầy đủ của lợi ích kinh tế theo quy mô trong các ngành công nghiệp hướng ra xuất khẩu. Nhưng xuất phát điểm của Trung Quốc rất khác với những nước láng giềng thành công là Hàn Quốc và Nhật Bản. Môi trường kinh tế quốc tế lúc này đã khác hẳn so với môi trường trong những năm 1950- 1960 khi Nhật Bản, Hàn Quốc và các vùng lãnh thổ phát triển sớm khác ở Đông Á thai nghén chính sách công nghiệp của mình. Để gia nhập GATT và tổ chức kế thừa nó là WTO, Trung Quốc đã phải đàm phán trong suốt 15 năm.
Vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải đối mặt thời kì những năm 1990 là phải học tập gì và từ bỏ gì từ mô hình phát triển Đông Á. Nhiều người vẫn hy vọng có thể kết hợp được mô hình chính sách công nghiệp - tài chính tích cực với nhu cầu của hệ thống thương mại toàn cầu và những quy tắc của WTO. Nhưng điều này dường như không thực tế lắm. Trung Quốc không thể phát triển mô hình thương mại tự do tuyệt đối như Hong Kong mà phải tìm mô hình khác.
Về chiến lược phát triển ngoại thương của Trung Quốc thời kỳ này, còn một điểm đáng lưu ý khác là, Trung Quốc gia nhập thị trường thế giới bằng các cửa sổ là công ty vốn nước ngoài. Các công ty này được thu hút đầu tư vào thị trường Trung Quốc (thông qua các đặc khu kinh tế, khu ưu đãi thuế quan, các thành phố mở cửa duyên hải…). Như vậy, khác với Nhật và Hàn Quốc, Trung Quốc có thể tiến hành điều chỉnh kết cấu ngành cũng như nâng cấp ngành bằng cách nhận gia công, chế biến cho các công ty vốn nước ngoài (thông qua chính sách thu hút FDI). "Hong Kong là cửa hàng - Quảng Đông là công xưởng" là điển hình cho cách thức phát triển ngoại thương, mô phỏng kỹ thuật và tiếp thu kinh nghiệm quản lý của Trung Quốc thời gian đầu.
Thương mại gia công - chế tạo và thương mại linh phụ kiện, là một cách thức quan trọng để Trung Quốc thâm nhập quá trình phân công quốc tế cũng như tham gia làn sóng thương mại toàn cầu.
Tận dụng triệt để quan hệ mở cửa
Quan sát số liệu thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia, khu vực trên thế giới có thể nhận thấy đặc điểm của thương mại nội vùng Đông Á. Trung Quốc luôn thâm hụt thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc - những quốc gia mà Trung Quốc cần nhập khẩu công nghệ, hàng trung gian hoặc bán thành phẩm có hàm lượng kĩ thuật cao. Trung Quốc cũng thâm hụt thương mại với Malaysia, Thái Lan, Philippines vì các quốc gia này đều xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng trung gian, hàng bán thành phẩm và thành phẩm công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật khá và cao. Điều này được lý giải bằng việc Trung Quốc tham gia thương mại nội vùng Đông Á để giải quyết trực tiếp nhu cầu nhập khẩu công nghệ, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu.
Chính sách hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả
Một trong những công cụ được sử dụng để hỗ trợ xuất khẩu là duy trì tỉ giá danh nghĩa đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp trong thời gian dài. Sau khi phá giá lập tức 40% vào năm 1994, NDT còn tiếp tục trải qua quá trình mất giá đến đầu thế kỉ XXI và được neo không đổi đến tháng 7/2005. Một số nghiên cứu định lượng của IMF đã chỉ ra rằng, việc NDT bị định giá thấp giả tạo mỗi 10% có thể khiến xuất khẩu của các nước ASEAN sang thị trường thứ ba bị suy giảm 1% do không cạnh tranh được với xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường thứ ba này.
Tuy nhiên, việc duy trì tỉ giá thấp cũng dẫn đến một hệ lụy khôn lường là làm gia tăng chóng mặt dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc buộc phải mua vào lượng ngoại tệ dư thừa từ các cân đối vĩ mô nhằm giữ cho NDT không bị tăng giá. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính từ năm 2001 bình quân mỗi năm tăng thêm 300 tỉ USD. Trong tổng số 3.800 tỉ USD dự trữ ngoại tệ hiện nay, chỉ 1.600 tỉ USD là thực sự cần để phục vụ nhập khẩu - nếu so với tỉ lệ chuẩn thế giới là 12 tuần nhập khẩu.
Phát triển cụm liên kết ngành
Một trong những lý giải về hàng xuất khẩu Trung Quốc có ưu thế về giá cả cho thấy Trung Quốc có một đồng tiền rẻ và lượng lao động dồi dào giá rẻ. Nhưng nghiên cứu còn cho thấy, thành công của quá trình mở cửa Trung Quốc còn bắt nguồn từ việc quốc gia này thu hút và hình thành được các cụm liên kết ngành (industrial cluster) dọc theo bờ biển. Các cụm liên kết ngành của Trung Quốc được phân loại thành ba nhóm rõ nét: nhóm sản xuất hàng công nghiệp nhẹ chủ yếu tập trung ở duyên hải miền Nam (Quảng Đông, Phúc Kiến); nhóm sản xuất hàng công nghiệp nặng với sáu điểm nằm rải rác từ miền Bắc đến miền Nam; nhóm sản xuất hàng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn (Tam giác sông Châu Giang - Quảng Đông). Chính lợi thế nhờ quy mô và lợi thế nhờ hiệu ứng cụm liên kết đã tạo ra năng lực sản xuất khổng lồ với chi phí thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.
Năm 2013, với hơn 4.000 tỉ USD, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Nhưng đây là thương mại hàng hóa. Nếu tính cả thương mại dịch vụ, quy mô thương mại của Trung Quốc vẫn thấp hơn Mỹ gần 500 tỉ USD. Trong bối cảnh các nước phát triển đang chuyển hướng mạnh mẽ thương mại từ lĩnh vực hàng hóa sang thương mại dịch vụ (điển hình là sự vận động hình thành TPP), Trung Quốc cũng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Thượng Hải (SFTZ). Nhưng những nỗ lực cân bằng giữa thương mại hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc sẽ vấp phải một thách thức lớn đó là đòi hỏi về bảo vệ sở hữu trí tuệ và năng lực sáng tạo. 



[i] Nguồn:http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/news/2014/4/4FDFF49C93EF9B50/ Thứ Hai, 28/04/2014-10:50 AM
[ii] Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc,
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

No comments: