Sunday, April 27, 2014

2. MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG XANH Ở ĐÔNG BẮC Á VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM ĐẾN 2020



Võ Minh Tập


[Trong sách: Tăng trưởng xanh trong thời kì toàn cầu hóa, Nxb Kinh tế TP.HCM, 2013].




Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhân loại đã chứng kiến nhiều biến động lớn về nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội... Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã đưa nền kinh tế thế giới đến nhiều hệ lụy nan giải, cùng với đó là nhiều vấn đề mang tính toàn cầu đã đe dọa hành tinh. Loài người đang đứng trước những thời cơ và thách thức khó lường.
Để ứng phó với những hệ lụy trên, nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới đã đi tìm những giải pháp để tháo gỡ như tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Vấn đề mang tính cấp thiết là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “kinh tế xanh” đã được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh hiên nay, tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mà còn là một mô hình công cụ thực hiện phát triển bền vững, giải phẫu các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa thực sự bắt nhịp với xu thế mới này.
Bài viết này tập trung phân tích ý nghĩa tăng trưởng xanh đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam; qua đó trình bày mô hình tăng trưởng xanh ở Đông Bắc Á mà tiêu biểu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng những vấn đề đặt ra cho Việt Nam hay nói khác hơn là làm rõ thực trạng, tính cấp thiết và những giải pháp cần thực hiện từ mô hình tăng trưởng xanh của các nước nêu trên.
1. Ý nghĩa tăng trưởng xanh đối với thế giới và Việt Nam
Về ngôn từ, “Tăng trưởng xanh” hay còn gọi “Phát triển xanh” (Green Development) là một chiến lược tổng thể về kinh tế - môi trường – xã hội nhằm tạo sự liên kết giữa “tăng trưởng” (growth) và “màu xanh” (green). Nghĩa là nó bao quát, kết hợp giá trị của “môi trường” và “tăng trưởng”.
Ở đây, cần xem xét giữa hai khái niệm là “tăng trưởng” và “phát triển”. Theo quan niệm truyền thống, tăng trưởng là sự gia tăng sản lượng quốc gia trong một thời kì nhất định, đồng thời là sự gia tăng các nhân tố sản xuất được sử dụng trong điều kiện trạng thái kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Theo đó, tăng trưởng sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội dựa trên việc khai thác những nguồn tài nguyên về vốn, lao động, thiên nhiên, công nghệ quốc gia mà chưa tính đến thiệt hại từ việc khai thác những nguồn tài nguyên đó, nghĩa là theo kiểu “phát triển kinh tế trước lấy kinh phí bảo vệ môi trường sau”. Khác với cách tiếp cận cũ, trong bối cảnh mới, tăng trưởng xanh sẽ giải quyết các câu hỏi như tăng trưởng tạo ra cái gì? Tăng trưởng dựa trên điều kiện cơ bản nào? Và tăng trưởng ở trong trạng thái ra sao? Phương châm phát triển sẽ lấy việc phòng ngừa, lồng ghép bảo vệ môi trường, giảm phát thải cát-bon trong sản xuất và tiêu dùng làm động lực tăng trưởng. Như vậy, theo cách tiếp cận mới, tăng trưởng xanh (green growth) là sự tăng trưởng hài hòa giữa kinh tế và môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên để làm giảm quá trình biến đổi khí hậu, phá hủy môi trường, đảm bảo động lực tăng trưởng thông qua quá trình nghiên cứu triển khai năng lượng sạch và công nghệ, tạo ra nhiều việc làm mới [1].
Còn theo khái niệm “Phát triển” nói chung thì phát triển là một quá trình biến đổi, thay đổi về chất của sự vật hiện tượng, là sự tiến hóa, nhảy vọt theo xu hướng từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ không hoàn thiện đến hoàn thiện. Phát triển là sự biến đổi. Tuy nhiên, không phải mọi sự biến đổi đều là phát triển. Còn phát triển kinh tế là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt kinh tế- xã hội của một quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng. Như vậy, quá trình tăng trưởng không đồng nhất với sự phát triển, bởi vì đó chỉ là sự thay đổi về số lượng, tức chỉ một mặt của sự phát triển. Ngày nay, người ta sử dụng khái niệm phát triển bền vững, đó là “sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu của họ”[2].
Trong bối cảnh hậu khủng khoảng kinh tế toàn cầu, “Tăng trưởng xanh” chính là công cụ cần thiết để hướng tới nền kinh tế xanh (Green economy). Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc-2010, “Kinh tế xanh” là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Như vậy, nội dung bao trùm của kinh tế xanh là sự kết hợp hài hòa, mối quan hệ biện chứng giữa ba yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững là “kinh tế - xã hội - môi trường”. Chính vì vậy, “Kinh tế xanh/tăng trưởng xanh” có ý nghĩa rất hơn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất, về mặt kinh tế, tăng trưởng xanh trở thành một mô hình phát triển kinh tế bền vững và tạo động lực tăng trưởng. Trong nền kinh tế xanh, thay vì bị coi là nơi hấp thụ chất thải tạo ra bởi các hoạt động kinh tế một cách thụ động, môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Nói cách khác, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng và đổi mới trong nền kinh tế xanh. Trong nền kinh tế xanh, nhân tố môi trường có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Ngoài ra, khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng góp phần cải thiện sự công bằng xã hội và có thể được xem như là một hướng đi tốt để phát triển bền vững.
Thứ hai, về mặt xã hội, tăng trưởng xanh giúp cải thiện đời sống con người, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và tài sản xã hội. Nền kinh tế xanh có khả năng tạo ra việc làm trong một loạt các lĩnh vực mới nổi và nhiều tiềm năng như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, cải tạo các khu công nghiệp, tái chế... Mặt khác, việc ứng dụng công nghiệp xanh sẽ mang lại hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp, sẽ góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng và giúp bảo vệ môi trường - khí hậu, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, khi các quốc gia lồng ghép chính sách phát triển vào trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhằm sử dụng công nghiệp xanh để tạo ra cơ hội việc làm cho người nghèo, Đồng thời, một sự thay đổi mô hình cần thiết để kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững môi trường sẽ khuyến khích các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương bằng cách giới thiệu các hoạt động phát triển bền vững...
Thứ ba, về môi trường, giảm thiểu những hiểm họa môi trường, hiện tượng nóng lên toàn cầu (biến đổi khí hậu), ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và giảm thiểu sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Tăng trưởng xanh là tăng trưởng cần thiết trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái trên thế giới, như một phương thức tối ưu mà các nhà kinh tế, môi trường... nghĩ đến để ngăn chặn những thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống con người, được nhiều quốc gia lựa chọn là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp như tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
Như vậy, trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được mọi quốc gia mong đợi và tăng trưởng xanh không còn là vấn đề của các quốc gia lựa chọn mà còn là vấn đề có ý nghĩa sống còn và tất yếu cho sự phát triển của nhân loại.
2. Mô hình tăng trưởng xanh ở một số nước Đông Bắc Á
Như trên đã phân tích, trong bối cảnh hậu khủng hoảng và biến đổi khí hậu toàn cầu, tăng trưởng xanh đã trở thành vấn đề toàn cầu, nhất thiết phải thực hiện, được coi là nguyên tắc (!), là con đường phát triển và hội nhập của các quốc gia trong hiện tại và tương lai.
Tính đến nay, mô hình tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Mĩ... và những nước này đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.
Bài viết không phân tích và làm rõ hết các mô hình tăng trưởng xanh của tất cả các nước nêu trên, chỉ tập trung làm rõ mô hình tăng trưởng xanh của Đông Bắc Á-những quốc gia thực hiện rất thành công, được thế giới ghi nhận, cũng là những nước ở khu vực gần gũi mà Việt Nam cần phải học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
2.1. Đối với Hàn Quốc
Năm 2008, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đưa ra kế hoạch 747 nhằm chủ động thực hiện thay đổi mô hình phát triển kinh tế, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh hội nhập Đông Á. Kế hoạch đưa ra cũng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008-2009. Mục tiêu là phấn đấu tăng trưởng GDP 7%/năm, nâng thu nhập GDP/đầu người lên 40.000USD và tương lai sức mạnh kinh tế Hàn Quốc thuộc nhóm 7 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới vào năm 2017.
Tăng trưởng xanh là một công cụ hữu hiệu tạo ra sự thay đổi cho Hàn Quốc, từ chính sách kinh tế cho đến lối sống của người dân. Có thể nói, Hàn Quốc là nước đi sau các nước phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, nhưng hiệu quả mang lại rất ấn tượng. Từ năm 2008, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện mô hình tăng trưởng xanh thay thế cho mô hình tăng trưởng nâu, đẩy mạnh đến nền xản xuất xanh-tiêu dùng xanh-giảm thải cácbon nhằm đưa nước này vượt lên dẫn đầu một trào lưu phát triển mới của thế giới. Năm 2010, Hàn Quốc đã công bố “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp xanh”, đây là kế hoạch chi tiết của chính sách tăng trưởng xanh, hàm lượng các-bon thấp mà nó đã được chọn làm mô hình phát triển mới của quốc gia trong thập niên tới.
Nhìn một cách tổng thể, nội dung chủ đạo của mô hình tăng trưởng theo chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc tập trung ở các điểm: Chính phủ đã chọn ra 9 ngành công nghiệp chủ lực như thép, đóng tàu, ôtô, hóa dầu, dệt may… để thực hiện cuộc cách mạng xanh; Cách mạng xanh chính là việc cắt giảm lượng các-bon, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thay đổi toàn bộ quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; Hàn Quốc xây dựng 12 chiến lược thực hiện cụ thể, trong đó có 6 chiến lược tái cơ cấu công nghiệp theo mô hình hàm lượng các-bon thấp như hổ trợ cho việc đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển các lĩnh vực vừa thân thiện với môi trường vừa ít có sự cạnh tranh. Còn lại là 6 chiến lược như xúc tiến ngành công nghệ thông tin xanh, dịch vụ vận tải thân thiện với môi trường.
Thực hiện lộ trình như vậy, Hàn Quốc đã khẳng định sự thay đổi định hướng chính sách  từ mô hình tăng trưởng xuất khẩu dựa trên việc khai thác tổng cầu của thị trường quốc tế truyền thống trước đây sang mô hình tăng trưởng xanh, tức là kết hợp hợp lý giữa mở rộng khai thác cả nhu cầu trong nước và ngoài nước (thế giới).
Trong bối cảnh sau khủng hoảng, Hàn Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế 38,1 tỷ USD đã được thiết kế để giành 81% cho mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đứng đầu thế giới, vượt xa EU (59%), Trung Quốc (38%). Chẳng hạn như 10,5tỷ USD đầu tư cải tạo các dòng sông, 5,8 tỷ USD cho mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng, 1,8 tỷ USD cho trồng rừng[3]... Hàn Quốc còn đầu tư gần 40 tỉ USD trong 4 năm (2008-2012) nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật xanh cùng công nghiệp mũi nhọn tổng hợp. Chính phủ cũng đã cho xây dựng hệ thống “vận tải xanh”, bao gồm đường sắt thải ít khí các-bon và 3.000km đường xe đạp quanh bốn con sông xanh. Khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện sẽ được xây dựng. Hàn Quốc tiếp tục triển khai kế hoạch năm 2010 để thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh, thực hiện mục tiêu cắt giảm 30% khí CO2 và các vấn đề như đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề xã hội vào năm 2020.
2.2. Đối với Trung Quốc
Sau hơn 30 năm tăng trưởng đầy ngoạn mục, nền kinh tế vượt qua Nhật Bản đứng thứ hai thế giới, Trung Quốc đang tiến đến ngưỡng phát triển mang tính cơ cấu. Nền kinh tế phát triển nóng, là quốc gia gây ô nhiếm lớn nhất thế giới, với lượng khí thải các-bon trên 30% (2006-2009), những bất ổn bên trong, cùng với dân số đông (hơn 1,3 tỷ dân)… đã gây nên những thách thức nan giải cho Trung Quốc trong thế kỉ XXI.
Năm 2007, Trung Quốc đã xác định có những vấn đề cấu trúc trong nền kinh tế quốc dân dẫn đến sự phát triển không chắc chắn, mất cân đối, thiếu phù hợp và không bền vững. Định hướng chính của chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc trong quy hoạch 5 năm lần 12 và trong 10 năm tới là điều chỉnh cơ cấu kinh tế tạo động lực tăng trưởng mới, không ưu tiên tăng trưởng như trước đây mà chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7-8%/năm. Nội dung tái cơ cấu và tăng trưởng nền kinh tế tập trung những nội dung sau: Thay đổi cơ cấu nhu cầu với trọng điểm là tăng cường nhu cầu tiêu dùng của người dân, tỉ trọng tiêu dùng trong GDP giảm từ 47% (2000) xuống 36% (2010) và tăng trở lại mức 50% (2020) và 60% vào năm 2030[4]; Chuyển đổi cơ cấu ngành với trọng điểm là đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ, chấn hưng 10 ngành như ô tô, thép, điện tử…. phát triển các ngành mới nổi mang tính chiến lược như năng lượng, hàng không, sinh học… Trung Quốc đưa ra kế hoạch đầu tư 738 tỷ USD để phát triển năng lượng sạch vào năm 2011-2020; Đổi mới cơ cấu khu vực với trọng điểm là thực hiện chiến lược phát triển cân đối hơn giữa các vùng miền, ưu tiên phát triển miền Trung, Tây và Đông Bắc; Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu thành thị/nông thôn với trọng tâm là thực hiện đô thị hóa bền vững, đổi mới công tác quản trị xã hội và tăng cường thực hiện tam nông[5].
Đối với vấn đề môi trường, sử dụng năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, cuối năm 2007, Trung Quốc quyết định trích 774 triệu USD đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng, đóng cửa 2000 nhà máy trực tiếp gây ô nhiễm môi trường (8/2010), Trung Quốc cam kết với thế giới sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khoảng 40-45% so với năm 2005, xây dựng các đặc khu kinh tế xanh. Năm 2010, Trung Quốc cũng đã đầu tư 49 tỷ USD cho kinh tế xanh. Đồng thời, để tăng trưởng xanh, Trung Quốc cũng tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao... Chỉ riêng trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo, mỗi năm, Trung Quốc đã thu được 17 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người...
Để thay đổi mô hình tăng trưởng và tăng trưởng xanh, trong 10 năm tới, Trung Quốc thực thi chiến lược: Lấy điều chỉnh mang tính chiến lược kết cấu nền kinh tế là hướng chủ lực trong việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; Coi bảo hiểm xã hội và cải thiện cuộc sống dân sinh là xuất phát điểm trong việc thúc đẩy chuyển đổi phương thức tăng trưởng; Coi xây dựng xã hội thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng là đích quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển…phát triển nền kinh tế tái chế nhằm sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả cùng với bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách tăng trưởng xanh nhằm duy trì sự phát triển kinh tế bền vững.
2.3. Đối với Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, khác với các nước ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật bản phát triển nhờ thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, là nước nghèo tài nguyên, phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài, tác động của biến đổi khí hậu… gây không ít khó khăn, thách thức đối với Nhật Bản.
Để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập Đông Á, Nhật Bản đã đưa ra những chiến lược phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh. Từ năm 2003, Nhật Bản đã ban hành “Chiến lược năng lượng sinh khối” và xây dựng các đô thị sinh khối, năm 2009 đã có 208 đô thị, đến năm 2010 đạt 300 thành phố, đô thị đạt danh hiệu này. Năm 2008, Nhât Bản đưa ra “Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon thấp” như sản xuất năng lượng mặt trời, lấy lại vị[6] trí tốt nhất trên thế giới với mục tiêu tăng gấp 10 lần vào năm 2020, 40 lần vào năm 2030, phát triển thế hệ xe mới, thực hiện lối sống giảm khí thải CO2,  giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng để hướng tới giảm khí nhà kính, bảo vệ nền kinh tế và người dân khi giá năng lượng tăng. Nhật Bản đã thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng phi hóa thạch bao gồm năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Kể từ sau thảm họa thiên nhiên nặng nề, Nhật Bản đã tuyên bố quyết tâm phát triển năng lượng bền vững thông qua hợp tác ba bên (Nhật-Trung-Hàn), trên cơ sở hợp tác giải quyết vấn đề môi trường, sử dụng năng lượng, tổ chức Diễn đàn công nghệ xanh… để hợp tác giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ để chia sẻ các kinh nghiệm phát triển.
Ngoài ra, Nhật Bản đã thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng hơn đến các ngành công nghiệp phụ vụ môi trường với qui mô 873 tỷ USD vào năm 2010, khuyến khích sử dụng nguồn lực địa phương, thông qua tiêu chuẩn ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ môi trường, trợ cấp và ưu đãi thuế cho việc mua bán xanh…
Do biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, kinh tế Nhật trì trệ và suy thoái kéo dài, Nhật bản đã đưa ra “Chiến lược tăng trưởng mới”, tái cấu trúc nền kinh tế 2011 – 2020 với 7 lĩnh vực và 21 dự án quốc gia, trong đó đổi mới và tăng trưởng xanh đặt ra yêu cầu bứt thiết, mục tiêu là tạo ra cầu mới khoảng 50 tỷ yên và 1,4 triệu việc làm mới thông qua phát triển và phổ biến các công nghệ xanh nhằm giảm phát khí thải nhà kính 25% vào năm 2020.
Mục đích chiến lược tăng trưởng xanh của Nhật đến năm 2020 là thúc đẩy phổ biến, quảng bá các năng lượng tái tạo, khuyến khích các công trình xây dựng xanh và giao thông công cộng, mang lại sức sống mới cho lâm nghiệp… Từng bước hình thành “Chiến dịch sáng kiến xanh” để phát triển công nghệ năng lượng và môi trường, tạo cơ hội đầu tư và việc làm. Để thực hiện hiệu quả, Nhật Bản đưa ra các giải pháp như thiết lập các mức giá rõ ràng đối với khí thải các-bon, tăng cường sử dụng các loại thuế liên quan đến môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và các chi phí thuế…
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy, sự lựa chọn tăng trưởng xanh không phải là một khả năng mà là một tất yếu. Sự thay đổi và lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây: Thứ nhất là do yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; Thứ hai, hầu hết những nước trên được xếp vào những nước có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất thế giới, phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng, toàn khu vực Đông Bắc Á chiếm 30% nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2008, đứng đầu thế giới, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lược xếp vị trí 1, 2 và 9 trong tiêu dùng năng lượng hóa thạch trên thế giới [7]. Vì vậy trong bối cảnh trên và giá năng lượng tăng, việc chuyển đổi sang công nghiệp ít sử dụng tài nguyên là bắt buộc, điều đó làm cho tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết để tăng cường sức bật cho nền kinh tế để đối phó với những biến động khó lường về giá năng lượng, lương thực cũng như tài nguyên thiên nhiên; Thứ ba, hiện các nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc, ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao. Do đó, để ngăn chặn sự cạnh tranh của xuất khẩu có thể bị giảm xút, buộc các nước phải hướng tới chính sách tăng trưởng xanh; Cuối cùng là phải đề cập đến chính sách cải cách, điều hành, thực thi quyết liệt và hiệu quả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, xã hội từ Chính phủ của các nước này, quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu…
3. Tăng trưởng xanh ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đến năm 2020
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sự tăng trưởng đó chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí cho rằng do tác động của sự tự do và các yếu tố bên ngoài đi kèm với hội nhập quốc tế chứ không phải do sức mạnh nội tại, Việt Nam cũng được dự báo là một trong trong những quốc gia hàng đầu thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm và suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, sử dụng tài nguyên bị lãng phí…Vì thế việc lựa chọn chiến lược phát triển xanh là rất thích hợp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam như Giám đốc về môi trường và phát triển của UNESCAP Rae Kwon-chung từng nhấn mạnh “tăng trưởng xanh đang mở ra cơ hội để các nước đang phát triển và đang nổi lên có thể phát triển nhảy vọt từ bẫy phát triển tăng trưởng trước, dọn sạch sau sang mô hình phát triển bền vững, toàn diện, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường”.
Với những thế mạnh hiện có và những thách thức gặp phải, tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước về mô hình tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam đã triển khai dự thảo “Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2050” nhằm thực thi chiến lược tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm suy thoái môi trường và chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ phấn đấu đến năm 2020: GDP bình quân đầu người gấp đôi mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5 - 3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức 2010; hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42-45% trong tổng GDP, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%.Đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh. Giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 2-3%; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 50%. Đến năm 2050: Năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng[8]. Đồng thời, Việt Nam sẽ đẩy mạnh “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới “Nền Kinh tế xanh” và “Tăng trưởng xanh”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trước hết, quá trình nhận thức, hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện. Thứ hai, về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống-“nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới-“nền kinh tế xanh”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay. Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các-bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường…. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tơi “nền kinh tế xanh”. Cuối cùng là cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “nền kinh tế xanh” ở Việt nam hiện nay hầu như chưa định hình, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.
Kết luận
Qua phân tích ở trên có thể thấy, “Tăng trưởng xanh” là tăng trưởng cần thiết trong thời kì khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái trên toàn thế giới, như một phương thức tối ưu mà các nhà kinh tế, môi trường... nghĩ đến để ngăn chặn những thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống con người, được nhiều quốc gia lựa chọn là mô hình phát triển mới để giải quyết, đồng thời là giải pháp để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Việc cập nhật thông tin, nghiên cứu vấn đề tăng trưởng xanh ở Đông Bắc Á có ý nghĩa quan  trọng cho Việt Nam trong việc thực hiện lộ trình “Chiến lược tăng trưởng xanh 2011 – 2020, tầm nhìn 2050”, đưa đất nước nhanh chóng phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, nói theo lời nhận xét của Ông Thái Quang Trung – Giám đốc Tổ chức Thế giới xanh là nếu tập trung đầu tư vào những thế mạnh và xử lý những yếu kém, chắc chắn Việt Nam sẽ sớm trở thành một địa bàn mẫu mực, trọng điểm của nền kinh tế xanh hay “Việt Nam cần hướng dến việc tập trung nhiều hơn nữa vào sự bền vững và tăng trưởng xanh như một phần trong mô hình phát triển. Điều này rất quan trọng vì sự tập trung vào năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh nói chung có tiềm năng tạo hàng triệu việc làm mới, đem tới công nghệ gia tăng giá trị cho Việt Nam và đa dạng hóa sự phát triển kinh tế” – Lời của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - John Nielsen.
Tài liệu tham khảo
1. UNEP (2011), Hướng tới nền kinh tế xanh – Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, NXB.Nông nghiệp, Hà Nội. 
2. Nguyễn Quang Thuấn – Nguyễn Xuân Trung (2012), Kinh tế xanh trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thể giới, số 3 (191).
3. Trần Quang Minh (chủ biên, 2013), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001 – 2020, Nxb Từ điển bách Khoa, Hà Nội.
4. Lưu Văn Sơn (2012), Báo cáo đề dẫn đọc tại Hội thảo Lý luận lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hạ long, tháng 06/2012.
5. Enviroment Law, Korea Enviromental Industry and Technology Institute (KEITI).
6. Werner Pascha (2010), South Korea’s Economic policy response to the global Economic crisis – A Comparative perspective, Feiburg, 20-22 sep, 2010.
7. National Research Council for Economics, Humanities and Social Sciences (NRCS) (2011), Green Forum 2010, Volume1, 2, Seoul, March 2011.
8. Dynkin A.A (ed, 2011), Strategic Global Outlook, IMEMO (in Russian).
9. Ministry of the Enviroment (2008), Annual report on the Enviroment and the sound Material-Cycle Society in Japan 2008, pp.43-45:
10. David F.Von Hippel and Peter Hayes (2008), Growth in Energy needs in Northeasr Asia: Projections, Consequences anh Opportunities, Nautilus Institute for Security and Sustainable Development:
11. Chiến lược tăng trưởng xanh – xu hướng của thời đại:
12. Lý Quý An (1992), Những quan điểm chủ yếu về môi trường và phát triển tại Hội nghị Rio – 92, Tạp chí Thông tin môi trường, số 3/1992.

 Chú thích


[1] Enviroment Law, Korea Enviromental Industry and Technology Institute (KEITI), tr.1
[2] Lý Quý An (1992), Những quan điểm chủ yếu về môi trường và phát triển tại Hội nghị Rio – 92, Tạp chí Thông tin môi trường, số 3/1992, tr.3.
[3] Werner Pascha (2010), South Korea’s Economic policy response to the global Economic crisis – A Comparative perspective, Feiburg, 20-22 sep, 2010, tr.20.
[4] Dynkin A.A (ed, 2011), Strategic Global Outlook, IMEMO (in Russian), P.106.
[5] Lưu Văn Sơn (2012), Báo cáo đề dẫn đọc tại Hội thảo Lý luận lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hạ long, tháng 06/2012.
[6] Ministry of the Enviroment (2008), Annual report on the Enviroment and the sound Material-Cycle Society in Japan 2008, pp.43-45, http://www.env.go.ip/en/wpaper/2008/index.htm.
[7] David F.Von Hippel and Peter Hayes (2008), Growth in Energy needs in Northeasr Asia: Projections, Consequences anh Opportunities, Nautilus Institute for Security and Sustainable Development, http://www.keia.org/Publications/Other/vonHippelFINAL.pdf
[8] Chiến lược tăng trưởng xanh – xu hướng của thời đại, http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-chien-luoc-tang-truong-xanh--xu-huong-cua-thoi-dai-977.html.

No comments: