Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản.
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Trích từ Chuyên đề nghiên cứu cấp Bộ “Sự can dự của Nhật Bản vào tiểu vùng sông Mê kông từ năm 2000 đến nay”.
PHẦN 1:
ODA vừa là công cụ kinh tế, vừa là công cụ ngoại giao quan trọng của Nhật Bản. Với các nước tiểu vùng Mê kông (các nước CLMV, trừ Thái Lan) vốn còn đang ở trình độ kinh tế thấp kém (GDP bình quân đầu người của các nước CLMV đạt 385 USD, kém xa so với mức chung của ASEAN là 2.521 USD, trong đó có nhiều nước khá thấp như Myanmar 445,5 USD và Campuchia 814 USD (2010, IMF)...[1]); cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (đường xá, bệnh viện, trường học...) còn nhiều thiếu thốn, hứng chịu nhiều rủi ro về môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu; thể chế hành chính, pháp luật, cơ chế kinh tế vẫn còn nhiều bất cập..., việc Nhật Bản viện trợ phát triển cho các nước này sẽ thể hiện vai trò của một nước lớn có trách nhiệm, một đối tác tin cậy và có khả năng về vốn, công nghệ, kỹ thuật... Viện trợ ODA cho các nước này không những giúp Nhật Bản đạt được những lợi ích chính trị như trên, mà còn giúp mở rộng quan hệ kinh tế với đối tác giàu tiềm năng này. Sách xanh ngoại giao của Nhật Bản năm 2013 viết: “Sự phát triển kinh tế của khu vực tiểu vùng sông Mê công (bao gồm 5 quốc gia: Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Việt Nam) sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong khu vực Asean, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của toàn Asean và cả khu vực Đông Á. Trong những năm gần đây, khu vực này đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động kinh tế, đã đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng mặt khác, vẫn còn tồn tại những vấn đề gây nên sự chênh lệch trong khu vực. Nhật Bản đã sớm nhận thức được rằng, đây là một khu vực trọng yếu trong hợp tác kinh tế...”[2]. Khi thực hiện viện trợ ODA để giúp các nước Mê kông hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng luật pháp đồng bộ, hải quan thông thoáng, Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ việc đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, và xa hơn nữa, thông qua các nước này, tạo được một mũi liên thông thẳng đến Ấn Độ ở Tây Á. Trên thực tế, trong chiến lược phát triển kinh tế mới của Nhật Bản, khu vực CLMV nổi lên là một trong những thị trường giàu tiềm năng để Nhật Bản thông qua ODA, xuất khẩu công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu đường...) và điện hạt nhân, đem lại sức sống mới cho các công ty Nhật Bản khi tham gia vào các dự án ODA tại đây.
Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Tiểu vùng sông Mê kông được định hình rõ ràng từ thập niên 1990, nhưng đến năm 2000 Nhật Bản mới xây dựng “Kế hoạch viện trợ cho từng quốc gia riêng biệt” đối với 3 nước CLV nằm trong Kế hoạch mạng lưới ODA mới đầu thế kỷ 21, trong đó, kế hoạch viện trợ cho Việt Nam được xác lập tháng 6/2000, sửa đổi vào tháng 9/2004 và sửa đổi lần thứ hai vào tháng 7/2009; kế hoạch viện trợ cho Campuchia xác lập tháng 1/2002, với Lào là tháng 7/2006[3]. Cùng với đó, Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên thực hiện viện trợ ODA theo 2 hướng: Viện trợ đối với hợp tác Nam – Nam và viện trợ xuyên biên giới.
Tính đến năm 2011 (lũy kế đến 2011), Nhật Bản đã cung cấp 42,7 tỉ yên cho vay ưu đãi, 156,5 tỉ yên viện trợ không hoàn lại và 63,6 tỉ yên hợp tác kỹ thuật cho Campuchia[4]; với Lào là 23,1 tỉ yên cho vay ưu đãi, 130,7 tỉ yên viện trợ không hoàn lại và 57,4 tỉ yên vốn hợp tác kỹ thuật[5]; với Việt Nam, Nhật Bản cho vay ưu đãi lên đến 1.876,5 tỉ yên (tương đương 20 tỉ USD), viện trợ không hoàn lại 139 tỉ yên (1,5 tỉ USD), hợp tác kỹ thuật 107,3 tỉ yên (1,1 tỉ USD, 2011)[6]; Với Myanmar, tổng vốn cho vay ưu đãi lũy kế đến 2006 là 402,9 tỉ yên (4 tỉ USD) – từ 2006 đến nay không tiến hành khoản cho vay ưu đãi nào, viện trợ không hoàn lại là 192,5 tỉ yên (1,9 tỉ USD, lũy kế đến năm 2011) và 43,2 tỉ yên hợp tác kỹ thuật (tương đương 430 triệu USD, lũy kế đến 2011)[7]; Với Thái Lan, tổng vốn cho vay ưu đãi lũy kế đến 2006 là 2.044,7 tỉ yên, lũy kế đến năm 2011 là 2.198,6 tỉ yên - từ 2006 đến 2011 giảm đáng kể, cho thấy chiều hướng “tốt nghiệp ODA” của Thái Lan, thậm chí con số cho vay năm 2011 bằng 0; viện trợ không hoàn lại lũy kế đến 2006 là 159,1 tỉ yên, nhưng trong 5 năm, đến năm 2011 tăng lên không đáng kể là 161,9 tỉ yên, hợp tác kỹ thuật 203,2 tỉ yên (lũy kế đến 2006) và 216,2 tỉ yên[8].
Xem xét cụ thể từng nước, có thể thấy chính sách ODA của Nhật Bản cho từng quốc gia có sự khác biệt tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh thực tế của quốc gia đó, cũng như chiến lược ngoại giao của Nhật Bản tại đây.
- Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam:
Vị trí chiến lược của Việt Nam được nhận định trong Sách xanh ngoại giao của Nhật Bản như sau: “Việt Nam có vị trí địa lý nằm ở phía Đông Bán đảo Đông Dương, có đường biên giới dài tiếp giáp Campuchia, Lào và Trung Quốc, một mặt nhìn ra biển Đông đối xứng với Philippine. Việt Nam còn nắm giữ hai con đường huyết mạch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực Mê kông là hành lang Đông Tây và hành lang phía Nam, do đó có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực này, cũng như trong việc xúc tiến hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường tính gắn kết trong khu vực”[9].
Với vị trí chiến lược như vậy, Việt Nam trở thành đối tác viện trợ ODA quan trọng của Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là nước viện trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng lũy kế đến năm 2013 là 23 tỉ USD[10]. Phương châm viện trợ như sau: “Viện trợ cho quá trình công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020. Chi viện cho phát triển bền vững thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, khắc phục nhược điểm của hệ thống, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ như đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015)”[11]. Các lĩnh vực trọng điểm hiện nay là: 1- Tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh (viện trợ giúp cải cách thể chế kinh tế thị trường, cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ, phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đường tàu cao tốc và giao thông nội đô, cung cấp nguồn năng lượng ổn định); 2- Đối phó với những bất cập (như vấn đề môi trường đô thị, môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu, giảm nghèo đói, xóa bỏ sự cách biệt, hỗ trợ về y tế, bảo đảm xã hội, hoàn thiện thể chế, phát triển nông thôn...); 3- Nâng cao năng lực quản lý (hỗ trợ nâng cao năng lực của hệ thống pháp luật, đảm bảo tính công bằng, trung lập, trong sáng của bộ máy hành chính, tăng cường năng lực hành pháp, tư pháp...).
Bảng 1: Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam
(đơn vị: trăm triệu yên)[12]
Năm | Cho vay ưu đãi | Viện trợ không hoàn lại | Hợp tác kỹ thuật |
2004 | 820,00 | 49,14 | 85,55 |
2005 | 908,20 | 44,65 | 74,02 |
2006 | 950,78 | 30,97 | 72,94 |
2007 | 978,53 | 21,19 | 80,94 |
2008 | 832,01 | 26,63 | 87,72 |
2009 | 1.456,13 | 35,15 | 88,21 |
2010 | 865,68 | 35,46 | 112,61 |
2011 | 2.700,38 | 55,20 | 104,86 |
Lũy kế | 18.765,64 | 1.390,71 | 1.073,44 |
Về hợp tác kỹ thuật, tính đến năm 2011, Nhật Bản đã tiếp nhận 19.776 tu nghiệp sinh của Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản, phái cử 5.705 chuyên gia Nhật Bản sang giúp đỡ Việt Nam, cử 9.372 chuyên viên tới Việt Nam khảo sát, cung cấp 10 tỉ 561 triệu yên tiền thiết bị máy móc (lũy kế đến 2011), cử 336 đoàn hợp tác và 121 tình nguyện viên sang Việt Nam[13].
Từ năm 2004 đến 2008, viện trợ cho vay ưu đãi cho Việt Nam ở mức 80 -90 tỉ yên, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, xử lý nước thải. Tổng tích lũy vốn vay ưu đãi lên tới 374,3 tỉ yên[14], cao nhất trong các nước CLMV.
“Lĩnh vực ưu tiên tài trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam cũng có sự chuyển hướng căn bản. Nếu như trước đây các dự án ODA của Nhật Bản thường rải rác ở nhiều lĩnh vực với quy mô nhỏ lẻ, thì trong những năm gần đây các dự án này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Nhật Bản coi việc xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA là một yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư và góp phần thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt nam. Có thể kể ra một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mang tầm chiến lược của Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản như: cảng biển (cảng Hải Phòng, cảng Lạch Huyện - Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải), sân bay (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành), đường bộ cao tốc (quốc lộ 1, quốc lộ 10, Đại lộ Đông-Tây), đường sắt (đường sắt Bắc-Nam, đường sắt nội đô tại Hà Nội và thành phố HCM), cầu và đường hầm (cầu Bãi cháy, cầu Tân Đệ, cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân; đường hầm Hải Vân, đường hầm Thủ Thiêm), năng lượng (nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2), khoa học công nghệ (khu công nghệ cao Hòa Lạc...)”[15]. Trong số các dự án ODA nói trên, nhiều dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác Nhật Bản – CLV nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
----------------------
Chú thích
[1] Ban thư ký ASEAN, Statistics Database 2010. Dẫn theo: Nguyễn Duy Dũng, đã dẫn, tr.98.
[2] Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2013, đã dẫn.
[3] Masaya Shiraishi, Kỷ yếu Hội thảo, đã dẫn, tr.76.
[4] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Data book, Cambodia.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-02.pdf
[5] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Data book với Lào.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-11.pdf
[6] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA cho Việt Nam. http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-07.pdf
[7] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Data book, Myanmar.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-09.pdf
[8] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Data book, Thailand.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-03.pdf
[9] Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tr.70.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-07.pdf
[10] Trần Quang Minh, “40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Đặc trưng nổi bật và các nhân tố tác động trong bối cảnh mới”, Kỷ yếu Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tháng 9/2013.
[11] Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản 2013.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-07.pdf
[12] Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-07.pdf
[13] Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản 2013, đã dẫn.
[14] Nishizawa, 2010, đã dẫn, tr.96.
[15] Trần Quang Minh, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (145), tháng 3/2013, tr.8.
PHẦN II
- Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào:
PHẦN II
- Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào:
Ý nghĩa của viện trợ ODA cho Lào được Bộ Ngoại giao Nhật Bản định nghĩa như sau: “Lào nằm ở trung tâm Bán đảo Đông Dương, bao quanh là các nước Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; là một yếu tố cấu thành quan trọng của khu vực tiểu vùng sông Mê kông, nên sự ổn định và phát triển của Lào đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định và phồn vinh của khu vực Mê kông cũng như toàn ASEAN. Với thế mạnh trữ lượng khoáng sản thiên nhiên phong phú cùng các điều kiện thuận lợi để phát triển thủy điện, Lào đang từng bước phát triển vững chắc... Mục tiêu đến năm 2020 thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển (LDC), vươn lên các nước có thu nhập trung bình (MDGs). Viện trợ cho Lào có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách, tăng cường tính liên kết của khối ASEAN, đóng góp cho sự phát triển của toàn khu vực ASEAN”.
Từ năm 1991-2005, Nhật Bản luôn là nước viện trợ lớn nhất cho Lào xét cả trong khuôn khổ viện trợ song phương lẫn đa phương, mỗi năm dành khoảng từ 75-90 triệu USD/năm. Giai đoạn 1999-2004 tổng viện trợ cho Lào là 35,6 tỉ yên. Viện trợ không hoàn lại chiếm tỉ lệ lớn, tập trung ở các lĩnh vực: “phát triển cơ sở hạ tầng 45,8%; giáo dục 12,7%; phát triển nông nghiệp và cộng đồng 12,5%; y tế sức khỏe 7,4%; các lĩnh vực khác 21,6%”[1]. Cơ cấu viện trợ cho Lào có sự thay đổi: nếu như từ “1996 - 1999 viện trợ không hoàn lại chiếm 71%, hợp tác kỹ thuật 20,3% và vốn vay ODA 8,7% thì đến giai đoạn 1999-2004 cơ cấu đó đã thay đổi tương ứng là: 56,3%; 32,7% và 11,5%”[2].
Bảng 2: Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào hiện nay
(đơn vị: trăm triệu yên)[3]
Năm | Cho vay ưu đãi | Viện trợ không hoàn lại | Hợp tác kỹ thuật |
2007 | 5,00 | 51,79 | 24,22 |
2008 | - | 38,97 | 28,59 |
2009 | 15,00 | 38,81 | 34,75 |
2010 | - | 31,11 | 35,47 |
2011 | 41,73 | 41,77 | 34,28 |
Lũy kế đến 2011 | 231,03 | 1.307,62 | 574,65 |
Nhìn trên bảng 2 (ODA lũy kế đến năm 2011), có thể thấy cơ cấu ODA của Nhật Bản dành cho Lào nói chung tập trung vào viện trợ không hoàn lại là 130,7 tỉ yên (1,3 tỉ USD), chiếm 61,55% tổng viện trợ ODA; hợp tác kỹ thuật 57,4 tỉ yên (570 triệu USD), chiếm 27,17%; cho vay ưu đãi 23,1 tỉ yên (230 triệu USD) chiếm tỉ lệ nhỏ nhất, là 10,93%. Trong giai đoạn tiếp theo, ODA của Nhật Bản cho Lào sẽ tập trung vào: 1- Tăng cường năng lực quản lý, hệ thống hành chính và pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng và tiếp nhận ODA một cách có hiệu quả; 2- Dựa trên Kế hoạch thực hiện sáng kiến “Một thập kỷ Mê kông xanh”, viện trợ phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường đồng thời với phát triển bền vững; 3- Xử lý đạn chưa nổ - đang cản trở quá trình mở rộng đất canh tác nông nghiệp trên toàn lãnh thổ Lào.
- Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Campuchia:
Campuchia với dân số 14 triệu người (2009), thu nhập bình quân đầu người 814 USD (2010, IMF) đang là một trong những nước nghèo nhất trong các nước ASEAN. Campuchia cũng là quốc gia được Nhật Bản quan tâm ngay từ năm 1991, khi phái cử lực lượng PKO đến nước này giúp đỡ phục hồi sau chiến tranh. Với Campuchia, ODA của Nhật Bản tập trung vào 4 lĩnh vực: 1- Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội; 2- Cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe và y tế; 3- Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; 4- Phát triển nguồn nhân lực[4]. Tổng viện trợ ODA cho Campuchia giai đoạn 1992-2006 lên tới 115,5 tỉ yên viện trợ không hoàn lại, 43,3 tỉ yên hợp tác kỹ thuật và 16 tỉ yên cho vay ưu đãi.
ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 20% tổng số tiền viện trợ của cộng đồng quốc tế (bao gồm cả viện trợ song phương và đa phương). Nói về tổng thể, ADB và Ngân hàng thế giới cung cấp quy mô viện trợ bằng khoảng một nửa của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, EU bằng khoảng một phần ba của Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 2005, Trung Quốc bất ngờ tăng cường viện trợ cho Campuchia và đến năm 2009 đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Campuchia.
Từ năm 2011, viện trợ ODA của Nhật Bản cho Campuchia mở rộng đến 8 lĩnh vực cụ thể: 1- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế (hỗ trợ xây dựng hệ thống cầu đường nằm trong hành lang kinh tế phía Nam chạy qua Campuchia, xây dựng thành phố cảng Shihanoukville, hoàn thiện hệ thống cung cấp điện và mạng lưới viễn thông, hỗ trợ cải tiến mạng lưới lưu thông hàng hóa); 2- Phát triển khu vực tư nhân (viện trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp và nâng cao năng lực của các cơ quan tiếp nhận đầu tư, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên, quản lý giám sát trong các ngành nghề chế tạo); 3- Phát triển nông nghiệp - nông thôn (để phát triển ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của Campuchia, giảm các hộ nông dân nghèo, nâng cao sức sản xuất, trước tiến chú trọng hỗ trợ cải tiến hệ thống thủy lợi, nâng cao kỹ thuật thủy lợi, kỹ thuật trồng lúa ở các vùng trọng điểm phía Tây và phía Nam; cải tiến và đa dạng hóa hệ thống kinh doanh nông nghiệp...); 4- Thúc đẩy phát triển xã hội (4.1- cải tiến hạ tầng cung cấp nước và xử lý nước thải; 4.2- Phát triển bảo hiểm, y tế xã hội (sức khỏe sinh sản, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai); 4-4.3- Cải tiến chất lượng giáo dục đào tạo (cấp tiểu học và trung học); 4.4- Gỡ bỏ mìn sát thương (theo công ước Ottawa đến năm 2019 sẽ gỡ bỏ toàn bộ mìn sát thương); 4.5- Nâng cao năng lực quản trị (hệ thống luật pháp, thuế quan, quản lý tài chính công, cải tiến chế độ, phát triển nguồn lực con người...). Có thể nói, những khoản viện trợ của Nhật Bản vô cùng quan trọng đối với Campuchia, “đáp ứng nhu cầu tài chính to lớn cho công cuộc tái thiết, gìn giữ hòa bình, xây dựng, ổn định và phát triển đất nước Campuchia. Đây là một công cụ ngoại giao hữu hiệu của Nhật Bản trong việc thiết lập ảnh hưởng và quan hệ hữu nghị với nhân dân Campuchia”[5].
Bảng 3: Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Campuchia
(đơn vị: trăm triệu yên)[6]
Năm | Cho vay ưu đãi | Viện trợ không hoàn lại | Hợp tác kỹ thuật |
2007 | 46,51 | 68,92 | 41,75 |
2008 | 35,13 | 53,11 | 46,10 |
2009 | 71,76 | 106,67 | 47,42 |
2010 | - | 107,52 | 43,68 |
2011 | 114,30 | 73,36 | 42,67 |
Lũy kế | 427,21 | 1.565,31 | 636,59 |
--------
CHÚ THÍCH:
PHẦN III
- Tình hình viện trợ ODA cho Myanmar:
[1] Trịnh Văn Vinh, Luận văn thạc sĩ 2008, tr.53-54.
[2] Hoàng Thị Minh Hoa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 1/2013 (143), tr.25
[3] Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-11.pdf
[4] Hoàng Thị Minh Hoa, đã dẫn, tr.25.
[5] Hoàng Thị Minh Hoa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 1/2013 (143), tr.26.
[6] Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-02.pdf.
- Tình hình viện trợ ODA cho Myanmar:
Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Myanmar khá phức tạp, do lệnh cấm vận kinh tế của cộng đồng quốc tế đối với nước này từ năm 1988. Vì vậy, người viết sẽ điểm qua các giai đoạn trước và sau thời điểm này.
Viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Myanmar bắt đầu vào năm 1954, cùng với việc ký kết Hiệp ước hữu nghị hòa bình và Hiệp định bồi thường giữa hai nước. Sau khi kết thúc giai đoạn bồi thường, thay thế vào đó, Nhật Bản đã thực hiện một khoản “chuẩn bồi thường” và ký kết hiệp định hợp tác kinh tế, với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất, tiếp tục giúp đỡ chính quyền U Nu (1948-1962) và chính quyền Newin (1962-1988). Cho đến năm 1988, chính phủ Nhật Bản đã cho chính phủ Myanmar vay ưu đãi tổng cộng 18 lần với tổng số lên đến 450 tỉ yên. Có thể nói “viện trợ kinh tế là sợi dây thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước”[1]. Cho đến trước phong trào dân chủ phản đối chính quyền quân sự của nhân dân Miến Điện vào năm 1988, Nhật Bản là nước có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Myanmar. Tuy nhiên, sau sự kiến chính quyền quân sự nước này đàn áp phong trào dân chủ năm 1988, các nước Âu Mỹ và Nhật Bản đã áp dụng lệnh trừng phạt, đóng băng các khoản viện trợ kinh tế đối với Myanmar. Đây cũng chính là lý do dẫn đến sự giảm sút ảnh hưởng của Nhật Bản và phương Tây tại đây, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên nhờ viện trợ kinh tế và đầu tư, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.
Chính quyền quân sự mới đã dựng lên Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp liên bang (SLORC), tiến hành Tổng tuyển cử, xóa bỏ “chủ nghĩa xã hội” (bước vào giai đoạn kinh tế thị trường), xây dựng Luật đầu tư nước ngoài và hàng loạt chính sách thương mại quốc tế ở nước này. Về mặt kinh tế, nền kinh tế Myanmar đã có những chuyển biến tích cực. Trong 20 năm qua, Myanmar đã thực hiện nhiều cuộc cải cách, cho thấy sự tiến triển theo hướng thị trường hóa nền kinh tế. Từ năm 1995 đên 2002 đã 3 lần thực hiện Kế hoạch cải cách kinh tế, đến nay đã kết thúc Kế hoạch kinh tế lần thứ 4 (2006-2010). Kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ 4 gồm có những nội dung sau: 1- Phát triển ngành sản xuất thứ nhất là nông nghiệp; 2-Phát triển ngành điện lực - năng lượng nhằm phát triển các ngành công nghiệp; Thúc đẩy nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản phục vụ đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; 4- Thay thế nhiên liệu dầu bằng Bio-Diesel; 5- Phát triển nguồn lực con người thông qua cải thiện giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe; 6- Phát triển bền vững các vùng nông thôn và khu vực biên giới (Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2007)[2]. Từ thập niên 2000, Myanmar tăng trưởng nhờ xuất khẩu các sản phẩm khí thiên nhiên, đã từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu ngoại tệ. Chính sách phát triển hiện nay là “Tài nguyên lập quốc” - dùng tài nguyên để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Myanmar vẫn chưa thoát khỏi nhóm các nước chậm phát triển (LDC) do Liên hiệp quốc công bố vào năm 1987, sự tiến bộ của nước này vẫn chưa được đánh giá cao.
Tuy nhiên, từ quan điểm “hiện nay Myanmar đang thực hiện dân chủ hóa, bước vào nền kinh tế thị trường, xã hội dần dần ổn định, gia nhập ASEAN, cống hiến cho sự phồn vinh, ổn định và thống nhất trong khu vực...”, mặc dù không có những viện trợ lớn, nhưng thông qua nhiều kênh, Nhật Bản đã chi viện cho công cuộc dân chủ hóa, cải thiện tình trạng nhân quyền ở nước này. Đặc biệt, từ năm 2003, nhân sự kiện thả bà Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo phong trào dân chủ ở Myanmar, Nhật Bản đã xem xét lại các dự án hợp tác kinh tế mới với Myanmar. Hiện nay, lệnh trừng phát kinh tế vẫn chưa được dỡ bỏ, song Nhật Bản vẫn “thực hiện viện trợ cho các dự án mang tính cấp bách, mang tính nhân đạo cao, các dự án phát triển nguồn nhân lực làm tiền đề cho cải cách cơ cấu kinh tế, dân chủ hóa, với các dự án mà đối tượng là các nước CLMV và toàn bộ ASEAN, trên cơ sở cân nhắc thận trọng tình hình kinh tế chính trị Myanmar và nội dung của từng dự án, thực hiện viện trợ một cách tuần tự”[3].
Bảng 4: Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Myanmar
(đơn vị: trăm triệu yên)[4]
Năm | Cho vay ưu đãi | Viện trợ không hoàn lại | Hợp tác kỹ thuật |
2007 | - | 11,81 | 20,02 |
2008 | - | 41,29 | 22,91 |
2009 | - | 25,94 | 23,31 |
2010 | - | 13,51 | 25,46 |
2011 | - | 46,44 | 17,45 |
Lũy kế | 4.029,72 | 1.925,07 | 432,24 |
Nhìn trên bảng 4, có thể thấy mặc dù hiện nay ODA cho Myanmar đã bị cắt giảm đáng kể, từ năm 2007 đến 2011 không có khoản cho vay vốn ODA nào, nhưng tổng lũy kế đến năm 2011 còn lớn hơn nhiều lần so với ODA cho Campuchia và Lào, thậm chí khoản cho vay vốn lên tới 402,9 tỉ yên, viện trợ không hoàn lại 192,5 tỉ yên. Để “ghi nhận quá trình cải cách kinh tế, dân chủ hóa và hòa giải dân tộc tại Myanmar”, ngày 31/1/2013, chính phủ Nhật Bản đã xóa khoản nợ quá hạn cho Myanmar và tuyên bố “trong những năm tới sẽ tăng cường viện trợ trong các lĩnh vực: nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số ở quốc gia này”[5]. Trên thực tế, Myanmar có vị trí địa-chính trị quan trọng nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, là con đường ngắn nhất thông thẳng từ Đông Nam Á ra Ấn Độ Dương, lại có quan hệ tốt đẹp trong lịch sử với Nhật Bản, đặc biệt, hiện nay sự cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây lại càng khiến cho Nhật Bản không thể không nhìn nhận lại, thông qua viện trợ ODA và hợp tác kinh tế để gia tăng ảnh hưởng với Myanmar. Hợp tác Nhật Bản - CLMV và Nhật Bản - Mê kông có thể là cơ cấu hợp tác hợp lý nhất để Nhật Bản “quay trở lại với Myanmar”.
- Tình hình viện trợ ODA cho Thái Lan:
Thái Lan là một đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao ASEAN của Nhật Bản, không những bởi vị trí quan trọng của nước này tại khu vực Đông Nam Á, mà còn bởi quan hệ hữu hảo đã có từ lâu với Nhật Bản. Trong các nước ASEAN, Thái Lan là nước có quan hệ mật thiết với Nhật Bản không chỉ trên phương diện kinh tế mà cả giao lưu văn hóa, xã hội. Với tư cách là một nước có nền kinh tế phát triển trong khối ASEAN, Thái Lan còn là đối tác tích cực của Nhật Bản trong việc hợp tác để cùng hỗ trợ cho các nước đang phát triển, đặc biệt là hợp tác phát triển khu vực Mê kông và hợp tác Á - Phi. Nhật Bản cho rằng “trong các dự án viện trợ cho các nước đang phát triển, thông qua việc hợp tác với Thái Lan, một nước có trình độ phát triển khác với Nhật Bản, sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tính đa phương diện của viện trợ”[6].
Thái Lan tiếp nhận viện trợ ODA của Nhật Bản từ khá sớm, vào khoảng những năm 1960, chủ yếu nhận nhiều vào những năm 1980 và bước sang thập niên 2000 thì hầu như đã “tốt nghiệp ODA”. Có thể coi Thái Lan là trường hợp điển hình thành công trong việc tận dụng nguồn vốn viện trợ ODA để phát triển kinh tế. Hiện nay, viện trợ cho vay vốn của Nhật Bản đối với Thái Lan bằng không, tuy nhiên, hợp tác kỹ thuật với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực, giao lưu con người vẫn tiếp tục được tiến hành. Các phương diện hợp tác chính hiện nay là: 1- Phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế nhằm chấn hưng các ngành công nghiệp (chủ yếu là khu vực tư nhân); 2-Hỗ trợ quản lý, bảo vệ môi trường (cải thiện môi trường đô thị, phòng chống thiên tai); 3-Đối phó với vấn đề già hóa; 4- Hỗ trợ “tầng lớp yếu trong xã hội” từ quan điểm an ninh con người; 5- Chi viện hợp tác đối với nước thứ ba (Hợp tác Nam - Nam, Hợp tác phát triển châu Phi trong Dự án Đối tác chiến lược Nhật – Thái (JTPP: Japan – Thailand Partnership Programme in Technical Cooperation).
Bảng 5: ODA trên đầu người trong quá trình phát triển của
Hàn Quốc và Thái Lan (đv:USD)[7]
Tư liệu: World Development Indicators.
Bảng 6: Tình hình viện trợ ODA của Nhật Bản cho Thái Lan hiện nay
(đơn vị: trăm triệu yên)[8]
Năm | Cho vay ưu đãi | Viện trợ không hoàn lại | Hợp tác kỹ thuật |
2007 | 624,42 | 1,79 | 54,72 |
2008 | 630,18 | 2,57 | 53,83 |
2009 | 44,62 | 8,32 | 46,08 |
2010 | 239,46 | 11,55 | 60,62 |
2011 | - | 4,25 | 35,29 |
Lũy kế đến 2011 | 21.986,21 | 1.619,93 | 2.162,50 |
Như vậy, có thể thấy, viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Thái Lan về cơ bản khác với 4 nước Mê kông đã đề cập ở phần trên. Hiện nay Thái Lan đang chuyển từ nước tiếp nhận viện trợ trở thành đối tác cùng viện trợ với Nhật Bản. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước cũng rất phát triển, sẽ được đề cập đến trong phần sau./.
-----------------
Chú thích:
[1] Nishizawa, 2010, đã dẫn, tr.90.
[2] Dẫn theo Nishizawa, 2010, tr.91.
[3] Cục hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, năm 2007.
[4] Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-09.pdf
[5] Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2013.
[6] 『政府開発援助(ODA)告別データブック2012』、外務省国際協力局編, pp.36.
[7] Trần Văn Thọ, “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam - Vài gợi ý cho giai đoạn tới”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai”, tháng 9/2013.
[8] Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.http://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/shiryo/kuni/12_databook/pdfs/01-03.pdf
Nguồn: Website Viện nghiên cứu Đông Bắc Á: http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=777
Nguồn: Website Viện nghiên cứu Đông Bắc Á: http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=777
No comments:
Post a Comment