Tuesday, April 29, 2014

12. TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG – MỘT ĐỀ XUẤT CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN KHÔNG HIỆU QUẢ

12.  TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG – MỘT ĐỀ XUẤT CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN KHÔNG HIỆU QUẢ[*]
Giáo sư Raul Pedrozo[†]
Đề nghị Trung Quốc phải đưa yêu sách trên cơ sở Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc sẽ không đóng góp cho hòa bình trong khu vực.

Gần đây, Giáo sư Robert Beckman và Giáo sư Clive Schofield trong một bài bình luận cũng trên tờ báo này đã đề xuất một giải pháp cho Trung Quốc để “đưa các yêu sách về biển của Trung Quốc cho phù hợp với…luật pháp quốc tế mà vẫn bảo vệ lợi ích chính đáng của họ ở Biển Đông”
Hai tác giả cho rằng Trung Quốc nên thể hiện “ranh giới ngoài của các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế của họ từ các đảo mà Trung Quốc có đòi hỏi về chủ quyền”.
Việc này sẽ tạo ra một khu vực chồng lấn về yêu sách ở giữa Biển Đông nơi mà các nước có yêu sách có thể tiến đến việc khai thác chung trong khi chờ một thoả thuận cuối cùng về phân định biển.
Dù tôi một mặt rất tôn trọng hai tác giả này, nhưng đề xuất của họ là có vấn đề và sẽ chẳng đóng góp gì cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Thỏa mãn Trung Quốc theo cách này không chỉ là không hiệu quảmà còn cho phép Bắc Kinh tiến xa hơn trong việc thực hiện chiến lược “chia để trị” đối với các nước có yêu sách ở Biển Đông.
Có sáu lý do giải thích tại sao đề xuất trên lại không thực hiện được.
Thứ nhất, đề xuất này cho rằng Trung Quốc có yêu sách chính đáng đối với các đảo ở Biển Đông.
Ngoại trừ Đông Sa, Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với bất kỳ đảo nào ở Biển Đông. Hoàng Sa và Trường Sa đều từng là lãnh thổ của Pháp cho đến khi bị Nhật Bản xâm chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản từ bỏ các quyền của mình đối với các đảo và danh nghĩa chủ quyền quay trở lại với Pháp.
Miền Nam Việt Nam giành được chủ quyền đối với các đảo từ việc thừa kế sau Chiến tranh Pháp – Đông Dương. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa hưởng danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo.
Thứ hai, đề xuất trao thưởng cho Bắc Kinh vì sự chiếm đóng bất hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, quân đội Trung Quốc được phái đến đảo Ba Bình và Phú Lâm để giải giáp và chấp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Tuy nhiên, Lệnh số 1 (General Order No.1)[‡] không chuyển giao cho Trung Quốc chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo như công hàm trao đổi, Trung Quốc đã đồng ý rằng đến ngày 31 tháng 3 năm 1946 quân đội Pháp sẽ thay thế lực lượng của Trung Quốc đóng tại Đông Dương từ phía Bắc vĩ tuyến 16 Bắc (bao gồm cả  Hoàng Sa và Trường Sa).
Việc lực lượng Trung Quốc vẫn ở lại đảo Ba Bình và Phú Lâm một cách bất hợp pháp sau khi liên quân kết thúc việc chiếm đóng Đông Dương vào năm 1946 rõ ràng đã vi phạm Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc. Do vậy, việc này không trao cho Trung Quốc chủ quyền rõ ràng đối với hai quần đảo. Một số hành vi xâm lược sau này của Trung Quốc vào các năm 1974 (ở Hoàng Sa), 1998 (ở Trường Sa), 1995 (ở Bãi Vành Khăn) và 2012 (ở Bãi Hoàng Nham) như vậy cũng vi phạm quy định của Hiến chương cấm việc sử dụng vũ lực có tính xâm lược hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ ba, đề xuất cho rằng Trung Quốc cần được phép yêu sách vùng đặc quyền kinh tế từ 12 đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa vì “chúng đều có cây cối và trong một số trường hợp đường xá hay các công trình đã được xây dựng tại đó”. Vì vậy, hai tác giả tin rằng Trung Quốc có thể lập luận một “cách thiện chí rằng các (thực thể) này là các “đảo” được hưởng … quyền tại … vùng đặc quyền kinh tế… theo Công ước Luật Biển”.
Việc một đảo nhỏ có cây cối hay việc một bên xây dựng các công trình trên đảo không phải là phép thử để xác định quy chế của thực thể đất liền theo quy định của UNCLOS. Chỉ những thực thể “thích hợp cho con người đến ở hoặc có một đời sống kinh tế riêng” mới được quyền có vùng đặc quyền kinh tế.
Thứ tư, đề xuất này cho phép Trung Quốc sử dụng một “đường trung tuyến với toàn bộ hiệu lực” từ các đảo lớn nhất tới bờ biển xung quanh của các nước ven Biển Đông.
Tuy nhiên, bản thân hai tác giả cũng nhận ra rằng việc sử dụng một “đường trung tuyến với toàn bộ hiệu lực là “không công bằng và không phù hợp với thực tế là các tòa án và tòa trọng tài quốc tế thường trao cho các đảo nhỏ xa bờ hiệu lực ít hơn”. Thực vậy, lý do căn bản cấp bách nhất cho việc thiết lập vùng đặc quyền kinh tế không phải là để tăng thêm quyền lợi chính trị cho các quốc gia ven biển mà là để bảo vệ sinh kế của ngư dân.
Thứ năm, đề xuất này đã giả định rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ tài nguyên trên Biển Đông. Nhưng quy định mới về nghề cá của Trung Quốc đòi hỏi tàu cá nước ngoài phải được sự đồng ý của Trung Quốc mới được hoạt động tại vùng nước bên trong “đường chín đoạn” đã đi ngược với giả định này.
Thêm vào đó, những gì Trung Quốc làm trong quá khứ trong vấn đề khai thác chung không hề đáng khích lệ.
Năm 2008, Trung Quốc và Nhật Bản đã thỏa thuận khai thác chung các mỏ khí đốt trên biển Hoa Đông. Thỏa thuận này được chào đón như một hình mẫu cho việc hợp tác.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có hoạt động khai thác chung nào diễn ra và có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang khai thác tài nguyên ở bên kia đường trung tuyến về phía mình. Khi nói đến khai thác chung, Trung Quốc hành xử theo nguyên tắc “cái gì của tôi là của tôi, các gì của bạn cũng là của tôi nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ với bạn”.
Cuối cùng, hai tác giả cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các nghĩa vụ theo UNCLOS để tránh có hành động trong vùng chồng lấn mà những hành động đó sẽ làm phương hại đến việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về phân định.
Việc Trung Quốc không tuân thủ những cam kết của mình theo Tuyên bố về cách ứng xử của ASEAN (DOC) là một minh chứng. Bất chấp việc ký kết DOC, Bắc Kinh đã có một loạt các hành động kể từ năm 2002, những hành động cho thấy rõ ràng Trung Quốc đi ngược lại với các cam kết của mình về tự kiềm chế trong việc thực hiện các hành vi làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp ở Biển Đông.
Những hành động thiếu suy xét của Trung Quốc gần đây gồm có: vụ đâm tàu Viking II, vụ Bãi Cỏ Rong; vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02; việc thành lập Thành phố Tam Sa; vụ bãi Hoàng Nham; việc thực thi Biện pháp Ngư nghiệp Hải Nam; và vụ cử tàu hải quân đến bãi Tăng Mẫu (James Shoal).
Được thiết kế nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng thông qua việc đe dọa bất hợp pháp, từng hành vi nói trên lần lượt giúp Trung Quốc tiến gần hơn trong việc đạt được mục đích kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông.
Niềm tin sai lầm rằng Trung Quốc sẵn sàng cùng tồn tại bình đẳng với các nước láng giềng chỉ là mơ tưởng. ASEAN có thể đứng nhìn và để cho Trung Quốc dần củng cố các yêu sách biển của mình tại Biển Đông thông qua áp bức hay ASEAN có thể cùng với các nước có chung chí hướng đứng lên chống lại chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc trước khi quá muộn.


[†] Giáo sư Raul Pedrozo, thuộc Khoa Luật Quốc tế (Đại học Hải quân Mỹ). Bài viết được đăng trên RSIS.
[‡] Đây là Lệnh ngày 02/9/1945 của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ chuẩn bị và được sự phê chuẩn của Tổng thống Hoa Kỳ về việc đầu hàng của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II – ND.


No comments: